VỀ VIỆC HỌC NÓI TRONG HỌC NGOẠI NGỮ.
Thật ra ban đầu tôi không định viết bài này. Quan điểm và phương pháp của tôi đa phần đi ngược với lối suy nghĩ chung của số đông. Không phải tôi cố tình làm vậy mà là khi đã đạt được một số thành tựu nhất định rồi tôi mới thấy cái cách các bạn đang đi cũng y như tôi của vài năm trước sẽ không dẫn đến được cái đích của tôi bây giờ. Tất nhiên, mục đích của mỗi người khi chinh phục một thứ ngôn ngữ là khác nhau, dẫn đến đích đến cũng khác nhau nên tôi cũng không nghĩ bài này dành cho số đông. Nếu các bạn chỉ muốn học cách làm sao để nói cho trơn tru, trôi chảy thì trên thị trường có rất nhiều giáo tài và các khoá học có thể hướng dẫn các bạn làm điều đó. Các bạn có thể dừng đọc bài ở đây. Còn nếu bạn muốn nói theo cách của chính mình để có thể đối thoại, phân tích, phản biện được với người bản địa trên nhiều lĩnh vực ở hai vị thế ngang nhau thì xin mời bạn tiếp tục đọc.
Làm thế nào để nói tốt? Ở đây có ba thứ cần kể đến. Thứ nhất là khả năng phát âm. Thứ hai là khả năng bắt chước và vận dụng. Thứ ba là khả năng khai triển, sáng tạo.
Phát âm chuẩn là một loại năng khiếu. Người có năng khiếu đó sẽ không cần luyện nhiều để có thể phát âm một cách hoàn hảo trong khi đó người không có năng khiếu sẽ phải rất vất vả để đạt đến tiệm cận của sự hoàn hảo đó. Bạn phải được sinh ra với một cái cổ họng đặc biệt mới phát âm chuẩn được phụ âm “R” trong tiếng Pháp. Bạn cũng phải có một cái lưỡi linh hoạt mới phát âm chuẩn được các phụ âm “Z”, “C” trong tiếng Trung, “TH” trong tiếng Anh hay “TSU” trong tiếng Nhật… Sẽ rất có hại cho người không có khiếu nếu họ nghĩ rằng chỉ cần luyện thật nhiều thì nhất định họ sẽ phát âm chuẩn được như người bản địa hay như những người có khiếu (điều mà các giáo viên ngôn ngữ thường rao giảng). Thực tế không phải vậy. Họ đang kỳ vọng quá nhiều vào bản thân và thứ kỳ vọng đó một lúc nào đó sẽ khiến họ chán nản, giảm nhuệ khí vì không đạt được mục đích. Chỉ cần một buổi học thôi cũng nhận định được ngay ai có khiếu và ai không. Ngày xưa khi còn dạy học tôi vẫn nói với học viên của tôi rằng không cần phải cố gắng quá để phát âm chuẩn làm gì. Chỉ cần phát âm ở một mức mà người bản địa hiểu được, sau đó dành thời gian mà đầu tư vào những cái khác thì sẽ tốt hơn. Bạn không tiến bộ được ở chỗ này thì bạn tiến bộ ở chỗ khác, miễn là có tiến bộ vì không gì mang lại nhuệ khí và hứng thú nhanh bằng sự tiến bộ. Thực tế có những người của ngày đó bây giờ đã sang Âu, sang Mỹ làm thạc sĩ, tiến sĩ, phát âm của họ vẫn ở mức như ngày xưa nhưng với việc áp dụng ngữ pháp tốt và sở hữu lượng từ vựng phong phú, họ không gặp bất kỳ trở ngại nào trong việc truyền đạt nội dung và ý tứ của mình cho đối phương hiểu cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Đó chẳng phải là cái đích mà người học ngoại ngữ nói chung đều hướng đến hay sao? Vậy, phát âm chuẩn sẽ khiến bạn tự tin hơn trong khi nói nhưng không phải là điều kiện tiên quyết để bạn có thể nói tốt.
Khả năng bắt chước các câu chữ, ý tứ mà bạn học được từ người bản địa rồi lặp lại trong một số tình huống, hoàn cảnh cụ thể thật ra phụ thuộc vào tần suất luyện tập của bạn nhiều hơn. Để làm được điều này thì bạn cần tiếp xúc với các nguồn học càng nhiều càng tốt. Nghe bản tin nhiều hơn, đọc báo nhiều hơn, xem phim xem show, nếu có thể thì tìm người bản địa để nói chuyện nhiều hơn… Tất cả những điều đó sẽ giúp bạn nói được một bộ phận ngôn ngữ đó một cách trơn tru, trôi chảy, cũng là cái đích mà nhiều người hướng đến. Nhưng có phải cứ nói nhiều là tốt? Rất nhiều người, kể cả có và không có năng khiếu phát âm, thường cố gắng bắt chước một vài mẫu nào đó người bản địa thường dùng và sau đó mang đi áp dụng cho các trường hợp khác nhau. Khi câu chuyện đang ở điểm A, họ nhìn thấy cơ hội để họ sử dụng mẫu X đây rồi. Thế là họ nói rất nhanh, rất tự tin với cái mẫu X đó của mình. Một lát sau họ lại nhìn thấy cơ hội để dẫn hướng câu chuyện sang điểm B, là nơi mà họ có thể sử dụng mẫu Y. Và họ lại tuôn ra một tràng với mẫu Y và những từ vựng được sắp đặt sẵn một cách nhanh chóng. Vốn dĩ những mẫu X, Y… của họ là những thứ được họ lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá khứ nên chỉ cần chớm có một chút liên quan là họ đã có thể lôi ra áp dụng. Họ nói rất tự tin và trôi chảy, gây ấn tượng tốt với đối phương và với cả những người xem. Và cứ thế, họ tự lừa dối chính mình.
Họ là những người giỏi bắt chước và vận dụng. Họ cũng giỏi cả trong việc dẫn dắt suy nghĩ của đối phương và lèo lái câu chuyện sang cái hướng thuận lợi để sự tự tin của họ được phát huy triệt để. Các bạn biết không, sự tự tin cũng như một thứ ma tuý vậy. Một khi nó đã được thể hiện ra rồi thì nó sẽ khiến bạn tự đặt bản thân mình vào trạng thái phải tìm cách duy trì được nó. Nó là liều thuốc khiến bạn chủ động hơn. Đúng vậy. Nhưng có một sự thật ở đây là, bạn học được chủ yếu mọi thứ khi bạn nằm ở thế bị động chứ không phải chủ động. Việc duy trì sự tự tin đó, cộng hưởng với những phản ứng “tích cực” từ cả người bản địa trong cuộc đàm thoại lẫn cộng đồng khán giả đồng hương khiến họ không thể đạt được cảnh giới cao hơn, dù bản thân họ nếu nhìn nhận đúng con đường thì hoàn toàn có thể làm được.
Ở đây chúng ta cần thành thật mà nhìn lại chính bản thân mình. Khi dùng tiếng nước ngoài, đã có bao giờ chúng ta rơi vào tình huống mà những thứ chúng ta chuẩn bị sẵn không giúp ích được gì cho ta, khiến sự tự tin của ta không thể nào phát huy được như các trường hợp bình thường khác, khiến chúng ta giật mình mà nhìn thấy cái lỗ hổng toang hoác trong kiến thức của mình? Tôi tin là có. Vậy chúng ta đối mặt với những tình huống đó như thế nào? Người nào cơ biến thì nhanh chóng tìm được một giải pháp ngôn ngữ khác trám vào tạm thời, chữa cháy được một vài lần. Nhưng sự cơ biến đó của họ chỉ là giải pháp tình thế. Nếu cứ lạm dụng nó thì lại có hại cho việc học của họ, vì như thế mãi mãi họ không tìm được giải pháp đúng cho tình huống. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận sự yếu kém của bản thân ở đây và tìm tòi học hỏi thêm, hòng tìm ra giải pháp ngôn ngữ đúng để lần sau có rơi vào tình huống đó thì cũng không bị bất ngờ. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Nếu muốn thật sự tiến xa hơn thì họ, những người đã nói ở trên, và các bạn, những người sắp bước vào cái lối đi đó khi bị hào quang ảo ảnh của người khác dẫn dụ, phải thay đổi cách vận dụng ngôn ngữ của mình.
Tại sao chủ đề của bài viết này lại là HỌC NÓI chứ không phải là LUYỆN NÓI? Có rất nhiều cách để các bạn luyện tập, như tôi đã trình bày ở trên. Nhưng việc luyện và nói quá nhiều theo khuôn mẫu rất dễ khiến các bạn đi vào lối mòn, hay nói cách khác là tự mình vẽ ra cái vòng tròn quanh bản thân mình, trong cái khoảng tự tin của mình, sau đó lôi người khác vào “sân chơi” đó của mình thay vì nhảy ra khỏi vòng mà vào sân chơi của người khác. Tất cả đều do cái thứ ma tuý “tự tin” kia cộng hưởng với phản ứng của người ngoài nó thúc đẩy các bạn. Các bạn luyện nhiều thực chất là đang bắt cái mồm làm thay công việc của bộ não. (Mồm nhanh hơn não là có thật). Trong một tình huống nào đó, thay vì phải dùng bộ não mà tư duy chậm rãi để ta chắc chắn rằng ta sẽ dùng được những từ vựng và mẫu câu đắt giá phù hợp nhất với tình huống đó thì cái mồm đã khiến bộ não không còn cơ hội làm việc đó. Bộ não không được luyện tập thì càng lệ thuộc vào cái mồm và khả năng lèo lái vào những tình huống cố định. Rốt cuộc là bạn không bao giờ thoát ra được khỏi cái vòng mà bạn vẽ cho chính mình.
Vậy nên chúng ta mới cần phải học nhiều hơn là luyện. Học cách đặt mình vào thế bị động để tiếp thu được nhiều hơn. Học cách sống chung với những yếu kém không thể cải thiện được của bản thân mà phát huy những cái khác tốt hơn. Học cách hạ sự tự tin của mình xuống để không bị nó chi phối vì cứ kè kè nó bên mình thì chỉ khiến chúng ta thành kẻ hữu danh vô thực. Làm thế nào? Trước tiên các bạn cần nhớ cho tôi rằng nói nhanh nỏi nhảu là nói nhầm, nói dài nói dai là nói dại. Quan trọng nhất ở đây vẫn là nói cái gì. Trong những tình huống thường nhật như chào hỏi, mua bán thì nhanh một tí cũng chẳng sao. Nhưng khi ở vào tình thế cần phải tư duy thì tốt nhất là nên chậm rãi mà suy nghĩ, từ tốn mà phát ngôn để đảm bảo đối phương hiểu được ý của mình một cách đầy đủ và chính xác nhất. Hãy để bộ não được làm công việc của nó một cách thường xuyên hơn, từ việc chọn từ vựng, ráp từ vào cấu trúc cho đến việc diễn đạt ý tứ, văn phong. Đó chính khả năng khai triển, sáng tạo mà tôi nói phía trên. Bạn thậm chí không cần phải nghĩ được cái gì hoàn chỉnh thì nói ngay ra cái ấy để luyện. Bộ não rất kỳ diệu. Nó sẽ tự chỉ huy cái mồm để thể hiện được nó một cách tuyệt đối khi cần, miễn là bạn cho nó cơ hội. Thêm nữa, khi đối thoại đừng cố dẫn dắt người nói vào sân chơi của mình. Hãy tìm cách thích ứng bản thân mình với những thứ người nói đang diễn đạt, dũng cảm nhảy ra khỏi cái vòng của mình mà vào sân chơi của họ. Càng ở vào thế bị động thì càng học hỏi được nhiều. Càng không để sự tự tin hư ảo kia điều khiển con người mình thì sẽ càng tiến xa. Càng không mong đợi quá nhiều ở bản thân thì lại càng dễ đạt được thành quả. Ngoại ngữ là bắt chước, quả có một phần đúng là như vậy. Nhưng nó chỉ phù hợp với những người thích xây dựng hào quang bằng cách bắt chước người khác cả đời mà thôi. Nó không phù hợp với những người muốn là chính mình.
Nguồn: Bài viết của tác giả 3T