Bản Tin Bang Giao

Lê Huỳnh Đức

Quản lý cấp 1
Thành viên BQT
Модератор
Obninsk Summer Camps 2017 : Giấc mơ có thật

Là một trong những hoạt động nổi bật của sinh viên Việt Nam tại Nga, thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên không chỉ trong phạm vi khu vực Moskva mà rộng ra nhiều thành phố khác như Xanh Pê-tec-bua, Ekaterinburg, Tula... để lại những ấn tượng sâu sắc cho những ai tham dự. Năm nay Liên chi đoàn MIFI lại dự kiến tổ chức trại hè Obninsk 2017 mang tên "Giấc mơ có thật" hứa hẹn nhiều điều bổ ích và lý thú. Đây chắc chắn sẽ là một sự kiện dành được sự quan tâm của cộng đồng vào thời điểm này, các bạn đang ở Nga còn chần chờ gì nữa mà lại không đăng kí tham dự? Mọi thông tin chi tiết sẽ có trong buổi họp báo chính thức, dự kiến diễn ra vào ngày 23/8/2017, mời các bạn chú ý theo dõi.




TẢI VỀ: Tại đây

 

Attachments

  • Ngay giờ phút này, chúng tôi muốn thấy cánh tay... - Obninsk Summer Camps 2017 - Giấc mơ có thật.mp4
    27.7 MB · Đọc: 101

Cynir

Vania 3N
Сотрудник
Diễn đàn Kinh tế quốc tế Sankt-Peterburg : Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác Á - Âu với ASEAN

Từ ngày 5 đến ngày 8-6, Diễn đàn Kinh tế quốc tế Sankt-Peterburg lần thứ 27 được tổ chức tại thành phố Sankt-Peterburg, Liên bang Nga. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự diễn đàn.​


Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Sankt-Peterburg. Ảnh: TTXVN​

Với chủ đề “Nền tảng đa cực - hình thành các trung tâm tăng trưởng mới”, nội dung của diễn đàn tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính, bao gồm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thế giới đa cực; các mục tiêu và nhiệm vụ trong chu kỳ kinh tế mới của nước Nga ; xây dựng xã hội lành mạnh, gìn giữ giá trị truyền thống ; và ứng dụng công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển.

Trong thông điệp chào mừng gửi tới diễn đàn, Tổng thống Nga nhấn mạnh, nước Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác cùng các nước để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ mà thế giới đang đối mặt, cùng xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng và đa dạng văn hóa của các quốc gia. Tổng thống Nga cũng bày tỏ tin tưởng diễn đàn sẽ thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia và khởi động nhiều sáng kiến và dự án mới.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu đoàn kết, hợp tác và hành xử có trách nhiệm của tất cả các quốc gia để cùng vượt qua những thách thức chung. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra 3 đề xuất của Việt Nam nhằm gia tăng kết nối và liên kết kinh tế giữa các quốc gia khu vực Á - Âu. Một là, phát triển các hành lang giao thông liên quốc gia từ Đông sang Tây và từ Bắc tới Nam, gắn kết các dự án giao thông đang được triển khai trên các vùng, miền của nước Nga cùng với kế hoạch kết nối của ASEAN và các khuôn khổ hợp tác khu vực khác để hình thành nên các tuyến hành lang mới kết nối các trung tâm kinh tế trên toàn châu lục. Hai là, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư nhằm tiếp tục mở cửa thị trường, mở rộng đầu tư, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho thương mại và đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á - Âu với ASEAN, và mong hai bên sớm nghiên cứu khả năng xây dựng một hiệp định thương mại tự do. Ba là, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, bởi đây là xu thế tất yếu của thế giới và là lựa chọn chiến lược để đảm bảo tương lai của các nước. Phó Thủ tướng đã đề xuất các quốc gia đi trước trong tiến trình này chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, xây dựng cơ chế chính sách, thu hút nguồn lực, ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng số, hạ tầng xanh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt - Nga tăng cường giao lưu, đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực ưu tiên như thương mại hàng hóa, các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giáo dục ; đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.​

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế quốc tế Sankt-Peterburg

Diễn ra từ ngày 5 đến 8-6, Diễn đàn Kinh tế quốc tế Sankt-Peterburg tại Nga năm nay đặt mục tiêu đạt kỷ lục về số lượng thỏa thuận từ các nhà đầu tư, với các cam kết lớn trong lĩnh vực du lịch, y tế, chế tạo xe hơi...

Hơn 130 nước và vùng lãnh thổ đã xác nhận tham gia. Năm nay, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện.

Thị trưởng Sankt-Peterburg Aleksandr Beglov cho biết, một trong những điều hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư là các dự án lớn mà Tổng thống Nga đề xướng thực hiện ở thành phố.

Cụ thể, trong các lĩnh vực công nghệ cao, các ngành khoa học, sản xuất tiên tiến, công nghiệp sáng tạo. Một trong những sáng kiến đã được Tổng thống Nga phê chuẩn là triển khai mô hình nghỉ dưỡng biển.​

Theo SGGP
 

Cynir

Vania 3N
Сотрудник
Giảng viên tiếng Việt tại Nga và kỷ niệm hơn 10 năm viết bài cho Báo Lao Động
Lâm Tuyền | Báo Lao Động, Chủ Nhật, 16/06/2024 10:30 (GMT+7)​

Ngày 16.6.2024, Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm 30 năm ký kết “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và LB Nga”. Nhân dịp này, tôi có cuộc phỏng vấn chị Elena Zubtsova - từng là cộng tác viên thân thiết của Báo Lao Động, một trong những nhà Việt Nam học của Nga được nhiều người biết tới hiện nay.


Nhà Việt Nam học, giảng viên tiếng Việt tại Nga - Elena Zubtsova. Ảnh: MGLU​

Sau 19 phút xem trọn vở kịch “Truyền thuyết tình yêu Mặt trăng - Mặt trời” do sinh viên của chị - những người Nga học tiếng Việt tại Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moskva (MGLU) viết kịch bản, dàn dựng, biểu diễn bằng tiếng Việt trong Ngày Việt Nam tại MGLU (24.5) vừa qua, tôi ngạc nhiên, thích thú với trình độ tiếng Việt của các em, sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam, việc kết hợp văn hóa Việt với văn hóa Nga trong vở diễn. Chúc mừng chị với thành quả giảng dạy tiếng Việt 7 năm qua (từ 2017, với 2 lứa sinh viên ngành đào tạo phiên dịch tiếng Việt tại MGLU).

Nhìn lại cơ duyên, con đường của mình đến với tiếng Việt, việc nghiên cứu Việt Nam, viết báo về/ từ Việt Nam, giảng dạy tiếng Việt... Chị nhận thấy có những thay đổi gì? Những thay đổi này ảnh hưởng ra sao, trước hết tới việc giảng dạy, đào tạo của chị nói riêng và việc nghiên cứu Việt Nam (Việt Nam học của Nga) nói chung?


Mấy chục năm gần đây, tại Nga và Việt Nam đều diễn ra nhiều sự thay đổi to lớn. Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, tự tin chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực trong khu vực châu Á và cả trên thế giới. Nga cũng đã chứng tỏ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong 2 năm qua.
Nhìn dưới góc độ đào tạo tiếng Việt cho người Nga ngay tại Nga - cũng có thể thấy rõ: Như riêng ở trường MGLU chúng tôi, từ năm 2017 đến nay đã có hai lứa sinh viên tốt nghiệp ngành phiên dịch tiếng Việt, nhưng những em đã tốt nghiệp, đi tìm việc liên quan đến lĩnh vực có thể sử dụng tiếng Việt cũng rất khó khăn.

Tại MGLU, tôi cùng đồng nghiệp người Việt là chị Hoàng Thị Hồng Hoa cố gắng cao nhất sử dụng các mối quan hệ, quen biết của mình để có thể giúp sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm, đúng với chuyên môn học tiếng Việt của mình.

Thầy và trò Nga dạy, học tiếng Việt chúng tôi hy vọng thời gian tới, một hai năm tới, khi lứa sinh viên này ra trường, quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta thực sự sẽ được thúc đẩy một cách tích cực, thực chất hơn nữa, sẽ tăng cao hơn nhu cầu sử dụng chuyên gia Nga không chỉ biết tiếng Việt mà còn thông thạo, am hiểu văn hóa, truyền thống Việt Nam.

Theo chị, thế hệ trẻ Nga và Việt Nam có thể có những đóng góp gì vào phát triển quan hệ giữa hai nước?

Chắc chắn, thế hệ trẻ không chỉ có thể mà cần phải đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước Nga - Việt Nam, vì chính những người trẻ là lực lượng xây dựng một mô hình mới về một thế giới đa cực trong tương lai.

Tôi cho rằng, để thế hệ trẻ Nga và Việt Nam biết tới, ghi nhớ mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước chúng ta, thì việc nghiêm túc đối với thông tin trên mạng xã hội là cần thiết (vì giới trẻ chủ yếu tiếp thu thông tin không phải từ báo chí, đài phát thanh và TV mà từ các nguồn trên mạng); tổ chức các lễ hội, hội nghị và sự kiện khác cho giới trẻ - theo hình thức gây hứng thú cho thế hệ trẻ...​


Đại sứ Việt Nam tại LB Nga - Đặng Minh Khôi (bìa trái ảnh) và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - Phan Anh Sơn trao Huy chương Hữu nghị cho các thành viên Hội Hữu nghị Nga - Việt tại Moskva ngày 23.5.2024. Ảnh: TTXVN​

Khi đọc những thông tin liên quan mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, tôi có cảm tưởng, cả người Nga lẫn người Việt, đặc biệt phần đông thế hệ 5X, 6X, 7X, nhìn nhận với niềm tin mặc định “chắc như đinh đóng cột”: Không có gì có thể ảnh hưởng/ thay đổi được tình hữu nghị Nga - Việt...

Tôi hoàn toàn đồng ý: Môi trường cũng ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách con người (gia đình, người xung quanh, ảnh hưởng của văn hóa đại chúng...).

Nếu chúng ta không quan tâm tham gia vào việc hình thành thế giới quan của thế giới trẻ trong gia đình và ngoài xã hội thì chúng ta (có thể) sẽ mất đi nhiều thế hệ, điều mà trên thực tế chúng ta đã quan sát, thấy được ở cả Nga và Việt Nam.

Ví dụ ở Nga, hơn 30 năm qua, trình độ giáo dục phổ thông đã giảm sút rất nhiều (trong khi giáo dục thời Liên Xô được coi là một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới), đến nỗi bây giờ, theo lời của một học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, là “chúng tôi/ ta đang cố gắng cung cấp giáo dục đại học cho những người chưa được học trung học”.

Hiện nay, ở cấp đại học, nước Nga đang thực hiện những bước đầu tiên trong việc từ chối hệ thống quy trình Bologna như của phương Tây và quay trở lại mô hình giáo dục “Liên Xô” chất lượng cao, một cách tự nhiên, có tính đến tất cả những thay đổi đã xảy ra trong khoa học và công nghệ trong nhiều thập kỷ qua.

Chị hiện là giảng viên tiếng Việt, từng nhiều năm làm báo, quan sát tình hình Việt Nam, nghiên cứu, viết về quan hệ hai nước, chị có thể nói gì về những cụm từ như “lòng tin, thực chất, hiệu quả, thủy chung, chân thành, đàng hoàng” khi nói về quan hệ hai nước chúng ta, Nga và Việt Nam trong bối cảnh mới, trong thời gian tới?

Hai nước chúng ta đã có quan hệ hữu nghị nồng ấm hơn 70 năm, sự giúp đỡ hết mình của Liên Xô dành cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, xây dựng đất nước, trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, chắc chắn sẽ mãi mãi còn trong ký ức lịch sử của thế hệ đi trước.

Nhìn lại, 30 năm qua, quan hệ Nga - Việt Nam trong các lĩnh vực cũng có được những thành tựu quan trọng nhất định, nhưng theo quan điểm của tôi, việc thúc đẩy quan hệ của hai nước chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm hơn.

Tôi tin rằng, trong tình hình quốc tế khó khăn như hiện nay, hai bên cần gìn giữ cẩn thận những tình cảm nồng ấm đã hình thành trong lịch sử giữa nhân dân hai nước, trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại, để cả hai nước Nga - Việt Nam nói chung, các nhà Việt Nam học người Nga, các nhà Nga ngữ học người Việt nói riêng có triển vọng đào tạo ngày càng nhiều chuyên gia trẻ có nhu cầu ở cả hai nước.

Tôi vững tin, quan hệ Nga - Việt Nam tăng tốc và thực chất hơn nữa trong thời gian tới.

Còn bây giờ chúng ta nói riêng về mối lương duyên/ tình cảm của chị với Báo Lao Động. Chị có hơn 10 năm viết bài cho Báo Lao Động. Chị có thể chia sẻ kỷ niệm nào đáng nhớ nhất và "bài học báo chí" của chị khi cộng tác viết bài cho một tờ báo Việt Nam - đất nước chị dành trọn tình cảm của mình?

Tôi bắt đầu viết bài cho Báo Lao Động từ năm 1999, hoàn toàn tình cờ. Hai năm 1997 - 1998, tôi là phóng viên của hãng thông tấn ITAR-TASS; có lần, tôi đưa tin về chuyến thăm LB Nga của ông Nguyễn Mạnh Cầm - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó. Ông Nguyễn Mạnh Cầm, theo tôi, là một chính trị gia xuất sắc, ông gây ấn tượng khó phai mờ với tôi bằng trí tuệ và kiến thức tuyệt vời về tiếng Nga.

Khi tôi đến Việt Nam trong một chuyến công tác vài tháng sau đó, kể cho những người bạn Việt Nam của tôi về trải nghiệm này, họ khuyên tôi nên viết một bài ngắn, bài báo sau đó được đăng trên báo Tết năm 1999 của Lao Động - bài báo đầu tiên tôi viết cho Báo Lao Động.​


Huy chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam trao tặng chị Elena Zubtsova. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Cuốn Tổng quan của báo giới năm 2005 do Báo Lao Động ấn hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Một bài viết của nhà báo Elena Zubtsova trên Báo Lao Động. Ảnh: Nhân vật cung cấp​

Có một chuyện đáng nhớ: Năm 2015, khi tôi bắt đầu làm việc tại Hà Nội với tư cách là giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, tôi đã gặp lại ông Nguyễn Mạnh Cầm trong một buổi chiêu đãi ở Đại sứ quán Nga, ông Cầm có nói với tôi rằng, cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, vợ ông vẫn giữ số Báo Lao Động Tết năm 1999 đó và bà ấy vẫn nhớ tới tôi.

Vài tháng sau cái Tết đáng nhớ năm 1999, Ban biên tập Báo Lao Động mời tôi hợp tác viết bài cho báo từ Moskva - như một phóng viên tự do thường trú ở Nga, và trong 12 năm liền, tôi đã đưa tin, viết bài về tất cả các sự kiện quan trọng nhất ở Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cho riêng Báo Lao Động. Biên tập viên thường trực của tôi những năm đó là một nhà báo tài giỏi, Trưởng ban Quốc tế, sau lên chức Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động - anh Vũ Mạnh Cường, người bạn thân thiết của tôi hơn 30 năm nay.

Kinh nghiệm làm phóng viên viết bài cho tờ Lao Động đã giúp tôi rất nhiều sau này, khi tôi trở lại TASS làm việc và phụ trách chuyên mục Dịch vụ Tin tức của cơ quan này trong 10 năm. Và cũng nhờ làm báo, tôi vinh dự trở thành nhân vật chính trong chương trình truyền hình trên VTV “Người đương thời” năm 2002 được rất đông khán giả Việt Nam yêu thích.

Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”?

Huy chương của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam là một phần thưởng đặc biệt đáng nhớ đối với tôi vì đây là giải thưởng Việt Nam đầu tiên của tôi. Tôi được tặng huy chương này vào năm 2004, khi Báo Lao Động tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm thành lập, khi đó, Báo mời tất cả phóng viên nước ngoài viết bài cộng tác cho Báo, từ Nga, Israel, Serbia đến Việt Nam dự lễ kỷ niệm vào tháng 8.2004.

Tôi đã không thể bay tới Hà Nội để dự lễ kỷ niệm, Huy chương sau đó đã được trao cho tôi tại Đại sứ quán Việt Nam ở Moskva cùng với cuốn sách "Việt Nam 2005 - Tổng quan của báo giới" do Báo Lao Động ấn hành gồm những bài viết hay nhất của nhiều tác giả, trong đó có một bài viết của tôi. Tất nhiên, tôi cảm thấy rất tự hào và vui mừng khi nhận được sự đánh giá cao như vậy đối với tác phẩm báo chí của mình từ Việt Nam.

Tôi xin chia vui và chúc mừng chị khi ngày 23.5 vừa qua, chị được trao tặng Huy chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam - một sự ghi nhận cho những đóng góp của chị vào nỗ lực phát triển quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam!

Vâng, xin cảm ơn bạn! Tháng 5 năm nay, Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho cho 2 Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt là bà Regina Budarina và ông Vladimir Ruvimov.

Còn Huy chương Hữu nghị được trao tặng cho 4 giáo viên là GS Dega Deopik, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Nga - Việt; Phó Giáo sư Oksana Novakova, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Nga - Việt; giáo viên Elena Tyumeneva, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Nga - Việt; và tôi.​

Phó Giáo sư Elena Zubtsova là cộng tác viên thân thiết của Báo Lao Động những năm 1999 - 2012.

Sinh năm 1960; tốt nghiệp Học viện các nước Á - Phi, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU).

Giảng viên Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) 1981 - 1997

Là nhà báo, làm việc tại Việt Nam năm 1991 - 1993; 1996 - 1997: Làm việc tại Phòng tiếng Nga, VOV; 2003 - 2012: Phóng viên Hãng thông tấn TASS.

Hiện là giảng viên tại phân ban tiếng Việt - bộ môn Ngôn ngữ Phương Đông, Khoa phiên dịch, MGLU.

Ủy viên Ban thường vụ Hội Hữu nghị Nga - Việt.

Ngày 23.5.2024, tại Moskva, chị được trao tặng Huy chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam.

Chị cũng được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.

Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.​
 

Cynir

Vania 3N
Сотрудник
Nga bất ngờ tăng mua nhiều loại nông sản Việt
Tâm An | VietNamNet, thứ Ba, 18/06/2024 05:52 (GMT+7)​

Nhiều loại nông sản Việt xuất khẩu sang Nga tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi quốc gia này mạnh tay gom mua.

Nga không phải là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều loại nông sản Việt. Thế nhưng, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Nga tăng mạnh.

Tính đến hết tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Nga đạt 331,3 triệu USD, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga lớn nhất, đạt 161,6 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến là thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,7%; hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 81,8%; rau quả đạt 26,8 triệu USD, tăng 25,2%.​


Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng 23,8%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 47,6%, xuất khẩu gạo tăng gấp đôi, còn hạt tiêu tăng mạnh 96,9%.

So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có mặt hàng chè ghi nhận tăng trưởng âm 12%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga đã thuận lợi hơn. Các tập đoàn vận tải Nga mở tuyến vận tải thẳng từ TPHCM - Hải Phòng - Vladivostok (Nga); đã có một số hãng tàu khác chạy tuyến mới, giúp việc vận chuyển hàng hóa trở nên nhanh hơn, thời gian vận chuyển ngắn hơn.

Ngoài ra, hệ thống vận tải đường sắt hỗ trợ giao hàng với Nga nên việc vận tải hàng hóa trở nên đa dạng.

Những ưu đãi về thuế quan sau khi nước ta ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu vào năm 2015 cũng giúp các mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng sức cạnh tranh tại thị trường này, trong đó có Nga.​
 
Top