Oymyakon, Yakutsk - Hành trình đến nơi rét nhất thế giới
Những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi khi tôi và cô ấy tay trong tay dạo bước giữa phố mua sắm đông người. Chiếc ô lớn không che nổi những bông tuyết trắng li ti bị gió thổi bạt đi vào mặt người đi đường, lấp lánh dưới ánh đèn đường vàng vọt. Mới hơn bốn giờ chiều nhưng trời đã tối như vậy đấy, nếu làm theo giờ của công chức thì bạn sẽ ra khỏi nhà lúc trời còn tối và rời chỗ làm khi ánh sáng đã tắt. Tôi nhớ Aachen hai năm qua đều không có tuyết rơi lúc năm cũ chuyển mình, năm mới rục rịch dọn về. Nói thế nào nhỉ, cũng chỉ là một cảm giác bình thường như trời mưa trời lại tạnh vậy thôi. Không vui mừng hay thích thú trước những bông tuyết đầu tiên – vì tôi ở đây quá lâu hay những cảm xúc đơn sơ bình dị nhất đã chai sạn vì cái lạnh?
Ảnh của nhiếp ảnh gia Amos Chapple ở Yakutsk, thành phố lạnh nhất thế giới. Ở đây chủ yếu là người Yakut sinh sống. Họ tìm đến Yakutia vào khoảng thế kỷ 13 từ khu vực Trung Á với nguồn gốc hỗn hợp người Turk và Mông Cổ. Cô sinh viên với đôi mắt xanh sắc lẻm như Husky này đang chờ bus đến trường.
Người ta hay dùng tính từ về nhiệt độ để diễn tả những cảm xúc, cảm giác trong mọi sự kiện đời mình. Những con người lạnh lùng, một cô bạn gái ấm áp, khoảnh khắc nóng bừng khi gặp lại người thân quen chục năm không gặp, cái chết của một ai đó. Có lẽ cảm giác ấm lạnh có quan hệ hết đỗi mật thiết với cảm xúc của con người. Và ngược lại, những khi ta ngồi một mình trong một quán cà phê xa lạ ở một xứ sở xa lạ, trong tay là một tách cà phê nóng bỏng lưỡi tự nhiên mọi lo âu cũng chìm đi vào hư vô, như thể nỗi buồn ấy bị sức nóng ấy hút vào một chiều không gian khác. Mờ nhạt.
Những người bạn của tôi ở Việt Nam thích tuyết lắm, có bạn ghen tị với cuộc sống bên này, có bạn lên hẳn Tây Bắc để được trải nghiệm một lần – còn tôi lại dửng dưng. Tôi không nghĩ tuyết trở nên bình thường với mình do nó bình thường thật, năm nào cũng thấy. Cũng không phải là tôi ghét tuyết và cái lạnh. Chỉ là một cảm giác mơ hồ khó giải thích, tôi không thích tuyết rơi ở những nơi đô thị tấp nập, những chiếc xe hơi phóng qua lại cả ngày, những con người đông đúc, những nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng với sức nóng làm tuyết tan chảy thành một thứ bùn đen sền sệt bẩn thỉu.
Một người phụ nữ ở trung tâm thành phố. Hơi nước của các nhà máy, xe hơi và con người tạo thành một lớp sương mù dày đặc trong những tuần lạnh nhất. Kỷ lục về nhiệt độ thấp nhất ở đây từng được ghi nhận là -72 độ C. Ảnh: Amos Chapple
Với tôi tuyết chỉ đẹp khi chưa tan. Tuyết chỉ đẹp khi ở giữa rừng. Tuyết chỉ đẹp ở những nơi lạnh lẽo đến cùng cực như thành phố Yakutsk và làng Oymyakon.
Nhiếp ảnh gia Amos Chapple lại một lần nữa mang chúng ta đến với những địa điểm khắc nghiệt nhưng cũng đầy sức hấp dẫn vòng quanh thế giới, chỉ có điều lần này không phải nơi ẩm ướt nhất thế giới mà là nơi lạnh giá nhất trên địa cầu có con người sinh sống.
Từ thành phố Yakutsk, Amos Chapple được một người đàn ông già chở trên chiếc xe tải cũ kỹ được sản xuất từ thời Xô Viết và nồng nặc mùi xăng. Máy của chiếc xe không bao giờ bị tắt, vì một khi nó tắt ông già sẽ không bao giờ khởi động lên được nữa. Ghế trên xe lạnh cóng như lớp băng bao phủ kín tầm mắt, và Amos nhanh chóng nhận ra rằng chúng sẽ không bao giờ ấm trở lại, cho dù anh có ngồi bao lâu trên đó đi nữa. Anh nhờ ông dừng xe, lục tìm áo len, áo khoác và vô số lớp quần áo ấm khác trong hành lý để mặc chồng vào. Thế nhưng, cái lạnh hoang dại vẫn không ngừng thấm vào xương.
Đi sâu vào trong bình nguyên Siberia là ngôi làng nhỏ bé Oymyakon với vỏn vẹn 500 dân sinh sống, nhiệt độ trung bình vào mùa đông từ âm 40 đến 50 độ và có thể tụt xuống đến âm 60, 70 – được ghi nhận là địa điểm có người sống lạnh nhất trên thế giới. Nhìn những bức ảnh đời thường ở đây ta một phần cảm nhận được rõ sức mạnh của mẹ tự nhiên, nhưng cái còn rõ hơn là sức sống bền bỉ của loài người. Thật khó có thể tưởng tượng con người có thể sống, nhất là lại sống giữa một cộng đồng nhỏ ở một nơi khắc nghiệt đến vậy. Những bữa ăn hàng ngày dựa vào thịt cá, những tảng thịt nai lớn và nóng hổi, những con cá đông đá ngay sau khi bắt và được ăn sống – vì mùa màng và các loại rau củ quả không thể sống sót trong đất đóng băng – vốn chỉ tan vài tuần trong mùa hè. Những chiếc áo, mũ, khăn chùm dày và che kín cả cơ thể. Những bóng người lác đác trên đường càng tăng thêm vẻ cô quạnh nơi đây khi đích đến của ai cũng chỉ có một: nơi nào có ánh sáng và hơi ấm. Bước ra khỏi nhà là cái lạnh ập đến, tàn bạo và chớp nhoáng khiến đôi chân như tê dại mất cảm giác nếu mặc quần quá mỏng. Amos Chapple cảm nhận thấy nước bọt trên đầu lưỡi mình đang biến thành những lưỡi kim bằng băng sắc lẻm làm môi bật máu đau nhói. Đất đóng băng khiến cho việc lắp đặt nhà vệ sinh trong nhà là bất khả thi. Những chiếc xe hơi hoặc phải để trong ga-ra có sưởi hoặc phải để máy chạy nếu đỗ ngoài trời. Trường học chỉ đóng cửa khi nhiệt độ xuống dưới âm 52 độ C. Những ngôi nhà sưởi bằng gỗ và than. Điện thoại di động là một thứ xa xỉ phẩm, ngay cả khi có sóng, vì ít có loại di động nào hoạt động được ở nhiệt độ này.
Yakutia, hay còn gọi là Sakha là nước cộng hòa rộng lớn nhất của Nga. Nằm trong khu vực trải dài ba múi giờ, Yakutia chiếm 1/5 diện tích Liên bang Nga, gần 3 triệu km vuông. Gần một nửa diện tích Yakutia nằm ở Bắc Cực vì vậy Yakutia là nơi lạnh nhất thế giới có người sinh sống. Ngay cả với những người địa phương thì sống chung với khí hậu này cũng không phải điều dễ dàng. Trong ảnh là một nhà vệ sinh ngoài trời ở làng Oymyakon. Ảnh: Amos Chapple
Nơi có người sinh sống gần làng Oymyakon gần nhất là thành phố Yakutsk cách đó hai ngày đường đi ô-tô với 200,000 dân, thủ đô của nước cộng hòa Yakutia. Cuộc sống vẫn tiếp diễn ở nhiệt độ âm 40 độ C với một trường đại học, vài ngôi trường, rạp hát, viện bảo tàng… Bên cạnh Yakutsk là dòng sông Lena vốn bị đóng băng vào mùa đông, vững chắc đến mức xe cộ có thể đi thẳng sang bờ bên kia mà không cần cầu. Đương nhiên không thể kể tới du lịch như một sự bù đắp của mẹ tự nhiên – nguồn thu thứ hai sau khai thác khoáng sản. Những người khách được khuyến cáo không đeo kính ngoài trời nếu không muốn nó đóng băng ngay trên mặt mình, những người khách được dặn dò mặc thật nhiều lớp áo và đặc biệt là không thể thiếu áo lông và mũ lông. Nhưng điều mỉa mai nhất là chính những con người đang chiến đấu để duy trì sự sống ở vùng đất chết lại không đủ tiền để tự mua áo lông thú cho mình: lương trung bình một tháng của người dân Yakutsk là 400$, giá một chiếc áo lông thật khoảng 1500$ – vay thế chấp ngân hàng là con đường sống duy nhất dành cho những người dân nghèo và trung lưu.
Ở trong điều kiện như này, một việc bình thường như đào mộ cũng phải mất hai ngày trời. Than được chất thành đống và người ta nhóm lửa, sau vài tiếng băng tan để lộ ra một khoảng đất nhỏ và người ta lại nhét than vào đốt tiếp để làm nóng chảy các lớp băng ngầm dưới đất. Quá trình trên được lặp lại không nghỉ trong suốt hai ngày để đào được một ngôi mộ nhỏ sâu hai mét.
Ở trong điều kiện như này, một việc bình thường như chụp ảnh cũng trở nên không dễ dàng. Đôi khi vòng xoay lấy nét và vòng xoay zoom trên ống kính không hoạt động. Đôi khi hơi nước lọt vào trong ống kính và đóng băng khiến ống kính không hoạt động. Ở nhiệt độ âm 40 độ C pin máy ảnh chỉ chạy được tầm 30-45 phút là hết pin, và nếu mang nó từ ngoài trời vào chỗ nóng quá nhanh thì có khả năng pin sẽ chết luôn không sống lại. Còn xuống dưới âm 50 độ C, nếu còn muốn chụp ảnh bạn nên nghĩ đến một hệ thống làm nóng cho máy của mình.
Yakutsk là thành phố thủ phủ của Yakutia, thành phố có người ở lạnh nhất thế giới. Cách đó gần 1000 cây số là làng Oymyakon, ngôi làng lạnh nhất thế giới. Mùa đông kéo dài bảy tháng, nhiệt độ trung bình là âm 40, 50 độ C – có thể xuống đến âm 60, 70. Mùa hè ngắn, nhiệt độ trung bình là 19 độ C.
Ảnh: Amos Chapple.
“Ở đây chúng tôi chỉ ra ngoài đường khi bắt buộc phải đi không còn cách nào khác. Và việc chuẩn bị quần áo đôi khi còn lâu hơn gấp mấy lần thời gian ở ngoài đó. Nhưng chúng tôi cũng quen rồi, vì nơi đây là nhà.”
Nhà bị bao phủ bởi băng ở trung tâm thành phố. Ảnh: Amos Chapple
Nhà bị bao phủ bởi băng ở trung tâm làng. Hài hước ở chỗ tên làng Oymyakon có nghĩa là “nước không đóng băng” vì ở gần đây có một nguồn suối nước nóng. Ảnh: Amos Chapple
40% diện tích của Yakutia bị bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu không bao giờ tan, 47% là rừng Taiga với chủ yếu là các rừng thông rụng lá. Ảnh: Amos Chapple
40% diện tích của Yakutia bị bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu không bao giờ tan, 47% là rừng Taiga với chủ yếu là các rừng thông rụng lá. Ảnh: Amos Chapple
Đây là "Con đường xương" - theo đúng nghĩa đen luôn vì nó được xây bằng mạng sống của các tù nhân trong các trại lao động khổ sai Gulag của Liên Xô dưới thời Stalin. Khoảng 14 triệu người từng bị giam trong các trại này từ năm 1929 đến 1953 trong đó có 1.6 triệu người chết. Sau cái chết năm 1953 của Stalin các trại Gulag mới dần được đóng cửa. Vì ở đây không có đường tàu hỏa nên con đường cao tốc này là cách duy nhất có thể đến Yakutsk bằng đường bộ. Ngoài ra ở Yakutia có hai sân bay, sân bay quốc tế Tuimaada và sân bay nội địa Magan. Ảnh: Amos Chapple
Ở xa xa là tượng Lenin chìm trong sương mù.
Theo thống kê dân số năm 2010 thì ở nước Yakutia có 466.492 người Yakut (49,9%) 353.649 người Nga (37,8%) 20.341 người Ukraina (2,2%) 21.080 người Evenk (2,2%) 15.071 người Even (1,6%) 8.122 người Tatar (0,9%)
Theo thống kê dân số năm 2010 thì ở nước cộng hòa Yakutia có 466.492 người Yakut (49,9%), 353.649 người Nga (37,8%), 20.341 người Ukraina (2,2%), 21.080 người Evenk (2,2%), 15.071 người Even (1,6%), 8.122 người Tatar (0,9%). Làng Oymyakon hiện có 500 dân sinh sống. Ảnh:Amos Chapple
Chú chó nhắm mắt chịu đựng cái lạnh âm 50 độ C.
Trông như này thôi chứ Yakutia vào mùa hè rất đẹp với nắng trải dài trên thảm rừng Taiga và nước hồ trong vắt. Ở đây có hơn một triệu cái hồ trên một triệu dân, trung bình có một hồ trên một đầu người. Thời gian lý tưởng để tham quan (trừ nhiều khách du lịch đi du lịch ở đây cố ý để trải nghiệm thời tiết cực lạnh) là từ tháng Ba đến tháng Bảy, mùa xuân cho phép ta trượt tuyết, trượt băng, đi xe chó kéo, điêu khắc đá… Còn những tháng mùa hè sáu, bảy là thời điểm tuyệt vời cho những cơ hội để xem những nơi hoang vu phía Bắc trong vẻ đẹp rực rỡ nhất của nó, thưởng thức đêm trắng khi mặt trời không bao giờ lặn, phiêu lưu dọc theo sông Yakut, để trải nghiệm những ngày lễ quốc gia Yakut “Ysyakh.” Ảnh là chiếc cầu qua sông Lena ở Yakutsk:Amos Chapple
Với lớp lông dày và dài, da co giãn tốt cùng một lớp mỡ dày, loài ngựa Yakut là một trong những loài động vật chịu lạnh giỏi nhất thế giới. Loài ngựa này có thể sống và kiếm ăn ngoài trời lạnh âm 50 độ C quanh năm mà không cần hơi ấm từ lửa hay chăn.
Với lớp lông dày và dài, da co giãn tốt cùng lớp mỡ dày, ngựa Yakut là một trong những loài động vật chịu lạnh giỏi nhất thế giới. Chúng có thể sống và kiếm ăn ngoài trời lạnh âm 50 độ C quanh năm mà không cần hơi ấm từ lửa hay chăn.
Khai thác tài nguyên khoáng sản như dầu, chất khí, than, kim cương, vàng, bạc, thiếc, volfram, uranium… là thu nhập chính của Yakutia. 90% kim cương của Nga được khai thác ở đây. Trong ảnh là chiếc máy ủi đang xúc than cho nhà máy điện. Ảnh: Amos Chapple
Tượng Ivan Kraft, một trong những thống đốc đầu tiên của nước cộng hòa Yakutia.
Xem toàn bộ ảnh: