Một nền văn học hay sẽ tạo điều kiện cho độc giả tìm câu trả lời
Phan Xuân Loan | Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 07/12/2023 10:40 (GMT+7)
"Một nền văn học hay, theo tôi, không khai sáng và không thực hiện chức năng sư phạm nào. Nó tạo điều kiện để mỗi độc giả tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà mình quan tâm" -
Nhà văn Nga Evgeny Germanovich Vodolazkin trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần nhân dịp ông tới Việt Nam mới đây, nói chuyện về văn học và hiện thực ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong các buổi hội luận, ông đề cập tính hiện thực của văn học trung đại và tính hiện thực của văn học thời đại mới. Có gì khác giữa hai "hiện thực" đó, cũng như tính khuyết danh mà văn học hiện đại, theo ông, đang lâm vào?
Văn học trung đại không giống như văn học thời đại mới, không có hư cấu. Đồng thời, những mô tả về con người trung đại cũng có thể không tương ứng với thực tế. Điều quan trọng là bản thân tác giả tin rằng đấy không phải là hư cấu.
Ở trung đại, các tác giả không được chia thành nhà văn và nhà biên niên sử, cùng các thầy kinh sư đó làm việc trong các thể loại khác nhau.
Nếu như ông nói văn học sẽ ngày càng gắn bó với những sự kiện có thật, liệu có thể cho rằng văn chương sẽ quay về… trung đại, trong chừng mực "ghi chép sự kiện" của mình?
Không, văn học hiện đại sẽ không quay trở lại trung đại, bởi vì ở hậu kì trung đại, văn học đã có được một trải nghiệm mới của hàng thế kỷ.
Nhưng văn học sẽ mang những nét đặc trưng nhất định của thi pháp trung đại. Bất chấp thực tế là nhiều chức năng của văn học (ví dụ như giải trí) đã bị điện ảnh, truyền hình, trò chơi máy tính… đảm nhiệm, nhưng tổng khối lượng văn bản vẫn tăng lên.
Trong dòng dung nham văn bản này, những gì chúng ta quen coi là hư cấu giờ đây chiếm một vị trí tương đối khiêm tốn. Và nền văn học này thường xấu hổ vì tính văn chương của nó. Chân dung, phong cảnh và những đặc điểm nghệ thuật khác dường như là một thuộc tính không thể thiếu của văn học hiện đại, không phải là thứ được coi là đương nhiên trong các văn bản mới nhất.
Khác biệt giữa nhà văn trung đại và nhà văn hiện đại chủ yếu liên quan đến thái độ đối với thời gian. Nhà văn hiện đại tồn tại trong thời gian lịch sử, nhà văn trung đại không chỉ tồn tại trong thời gian lịch sử mà còn tồn tại trong vĩnh hằng. Ở trung đại, Thiên Chúa là trung tâm của ý thức con người, và tu viện là trung tâm của đời sống tinh thần và văn hóa.
Và một điểm khác biệt nữa : Ở hiện đại, cái mới được coi trọng trong văn học, nhưng về trung đại, nhà văn phải viết "theo cách cũ", theo truyền thống, vì nền tảng của thi pháp văn học là nguyên tắc tuân theo kinh điển.
Việc quay trở lại sự tồn tại đồng thời của các ấn bản ngắn và đầy đủ của các tác phẩm, đặc trưng của trung đại, giờ đây phần lớn là do Internet. Nhiều văn bản khác nhau thường được xuất bản dưới dạng ngắn gọn, kèm theo một liên kết mà bạn có thể sử dụng để làm quen với tài liệu một cách chi tiết.
Nhờ Internet, các văn bản đã được khôi phục tính mở mà in ấn hiện đại đã lấy đi. Một số tác phẩm đã được tạo trên blog, và ngay cả khi một số giai đoạn của chúng được ghi lại trong một ấn phẩm in thì không có gì ngăn cản những văn bản này tiếp tục phát triển trên Internet theo kiểu biên niên cả.
Trong các tiểu thuyết của ông, từ Lavr, Aviator, đến Chagin… đề tài ký ức gần như là một ám ảnh. Tại sao chủ đề ký ức lại được ông nhấn mạnh, trong khi để sống, nhất là với giới trẻ, người ta cần nhìn về phía trước cho tương lai, những dự định và kế hoạch?
Ký ức đâu cản trở ta nhìn về phía trước. Cái nhìn thật sự về phía trước là không thể nếu không có ký ức về quá khứ. Quá khứ được tạo thành từ các sự kiện thực tế, trong khi tương lai chỉ là tưởng tượng của chúng ta.
Có thể nói, không có tương lai, bởi nó đến trong dạng hiện tại và không hề giống như ta tưởng tượng.
Ông nói mình không viết về lịch sử mà viết về "lịch sử của tâm hồn". Nhưng chúng ta đang sống với người máy và AI. Tôi nhớ truyện ngắn Ngọn nến đang cháy của Maik Gelprin về một tương lai, khi con người không còn đọc sách, còn người máy lại tìm học văn học. Công việc của nhà văn với "lịch sử tâm hồn" liệu có khó khăn không khi như Gelprin tưởng tượng ra một tương lai mà tâm hồn người máy đồng điệu với hồn người?
Tôi nghĩ rằng máy móc sẽ đạt được rất nhiều thành tựu và trong hầu hết các trường hợp sẽ tạo ra văn bản không tệ hơn, nếu không muốn nói là tốt hơn con người.
Nhưng đối với tôi, có vẻ như các cỗ máy sẽ không thể đạt tới những đỉnh cao nhất - chẳng hạn như Shakespeare, Dostoyevsky hay Tolstoy. Để làm được điều này, không chỉ cần đưa thông tin vào máy mà còn phải thổi hồn sống vào đó, như Chúa đã làm cho con người. Tôi không nghĩ người máy sẽ có linh hồn.
Vậy nói về văn học và Internet. Với sự phát triển của công nghệ, con người đang ngày càng quen với những văn bản ngắn. Họ không đủ kiên nhẫn với những bài viết dài. Văn chương sẽ sống sót thế nào?
Chưa có thời đại nào mà mọi người đều đọc, cũng như chưa có thời đại nào chỉ toàn là triết gia và thần học gia. Những quan tâm đó là số phận của một số rất ít người.
Đồng thời, tinh thần con người sẽ không bao giờ tàn lụi và sẽ luôn có những người quan tâm đến vấn đề ý nghĩa cuộc sống.
Không thể giải quyết nó bằng các văn bản ngắn. Vì vậy, sẽ luôn có những người đọc rất nhiều và cẩn thận. Và việc một số độc giả chuyển sang với hình ảnh sẽ không làm thay đổi hoàn toàn tình hình. Trên thực tế, những người đã ngừng đọc trước đây họ cũng có đọc kỹ văn bản đâu, mà chỉ đọc lướt qua.
Vậy thì ông nói gì về cái được gọi là… văn học đại chúng? Nó sẽ phát triển theo hướng nào?
Văn học đại chúng sẽ tiếp tục phát triển, phục vụ một bộ phận độc giả nhất định và dường như sẽ không có những thay đổi lớn. Mà phải thế mới là văn học đại chúng: Cái chính ở đó là sự dễ tiếp thu và tính giải trí.
Liệu văn học có hay không chức năng giáo dục? Nếu độc giả muốn tìm câu trả lời cho những vấn đề trên thế giới mà họ quan tâm, liệu họ có thể vịn vào sự thấu suốt của những nhà văn thông tuệ?
Một nền văn học hay, theo tôi, không khai sáng và không thực hiện được chức năng sư phạm nào. Nó tạo điều kiện để mỗi độc giả tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà mình quan tâm. Đó sẽ là câu trả lời chính xác và cần thiết nhất cho anh ta. Câu trả lời đó có sẵn ở mỗi người, nhà văn chỉ việc giúp "lôi" nó ra.
Khi được hỏi về những xu hướng văn học Nga hiện nay, ông nói về dòng văn học truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại, đặc biệt sự phát triển thể loại văn học - hồi ký bởi độc giả Nga ngày càng yêu cầu cao và không còn ưa thích văn học mô tả. Ông cũng nói đang diễn ra các thay đổi và hiện giờ đang là kết thúc cho các thay đổi đó. Vậy theo ông, sau các thay đổi đó sẽ là gì?
Tôi cho rằng trong văn học sẽ vẫn tiếp tục có những nhóm phái như chủ nghĩa truyền thống và chủ nghĩa hiện đại. Nhưng mặt khác là văn học, quá mệt mỏi vì thừa thãi "văn chương", sẽ ngày càng gắn bó với những sự kiện có thật.
Ông có thể nói rõ thêm về sự "thừa thãi văn chương" này, ví dụ?
Là bởi tính hiện thực của văn học hiện đại có tính ước lệ: Tác giả và người đọc đều đồng ý rằng họ tin vào những sự kiện được mô tả như thể nó đã thực sự xảy ra. Nhưng trò chơi này ngày càng ít được chơi.
Văn học hiện đại (đặc biệt là văn học hậu hiện đại) đôi khi gần như công khai nói rằng mọi thứ trong đó đều bịa đặt và phá bỏ ảo tưởng về sự chân thực. Chẳng hạn, trong cuốn tiểu thuyết Nhà Pushkin, Andrey Bitov còn đưa ra một số lựa chọn để phát triển các sự kiện.
Trước tình hình hiện nay ở Ukraina, có đúng không khi nói rằng cuộc chiến đó đang chia rẽ các nhà văn Nga? Ở một phía, tôi thấy Zakhar Prilepin, ở phía kia tôi thấy Dmitry Bykov. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói nhà văn không cần phản ứng với các sự kiện vì họ không phải là "con chó của Pavlov". Nhưng làm sao một nhà văn có thể sống ngoài thời gian được trao cho mình?
Tất nhiên, nhà văn phải sống trong thời đại của mình, nhưng không chỉ ở trong đó, nếu không, cái nhìn của anh ta sẽ thiếu chiều sâu. Đối với các câu hỏi liên quan đến hiện tại, nhà văn có thể trả lời thông qua quá khứ.
Để làm việc với hiện tại theo cách này, không cần thiết phải đắm mình quá lâu vào tất cả các sự kiện đang xảy ra. Đôi khi khoảng cách với các sự kiện còn hiệu quả hơn những mô tả tỉ mỉ nhất hiện nay.
Các nhà báo phản ứng ngay lập tức với những vấn đề của hiện tại, nhưng nhà văn cần thời gian để tư duy, bởi vì cái nhìn của anh ta không phải là nhất thời.
Evgeny Germanovich Vodolazkin sinh năm 1964, bắt đầu sáng tác văn học sau tuổi 40, sau nhiều công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng liên quan đến ngôn ngữ và văn học Nga thời Trung cổ như một tiến sĩ ngôn ngữ học.
Các tác phẩm văn học ngay lập tức đã mang đến cho ông sự công nhận. Lavr ra đời năm 2012, vào 2013 đã giành hai giải thưởng lớn nhất của văn học Nga (Sách lớn và Yasnaya Polyana). Aviator phát hành năm 2016 mang tới cho ông giải Sách lớn 2016.
Năm 2019, ông đoạt giải Sách của năm với Brisban, cuốn sách cũng mang đến cho ông giải thưởng quốc tế Ivo Andric vĩ đại ở hạng mục tiểu thuyết hay nhất… Sách của ông đã được dịch sang 36 thứ tiếng.
Năm 2017, tờ The Guardian đã xếp Lavr là một trong 10 cuốn sách viết về Chúa Trời hay nhất thế giới.
Cùng năm, dự án Russia beyond the headlines đã xếp Evgeny Germanovich hạng 25 trong số 112 nhà văn xuất sắc nhất Nga - đứng đầu trong số những nhà văn Nga còn sống.
Giải thưởng văn học mang tên Aleksandr Solzhenitsyn năm 2019 đã vinh danh E. Vodolazkin - "vì sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống sâu sắc của văn xuôi tâm lý và tinh thần Nga với văn hóa ngữ văn đỉnh cao; cho phong cách viết đầy cảm hứng nghệ thuật". |