Con nuôi trung đoàn (Сын полка) - Valentin Katayev

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Bi-đên-cô hiểu rằng Goóc-bu-nốp đang nhìn thấy một vật gì quan trọng. Anh khẽ nhếch miệng hỏi:

- Cái gì thế, Cu-dơ-ma?

- Con ngựa,-Goóc-bu-nốp cũng trả lời thì thầm như vậy.

- Ngựa mình à?

- Có vẻ là ngựa mình. Khoan. Nó rẽ vào bụi, lấp mất rồi. Nó sắp ra. Nó vẫy đuôi, bước đi. Đã ra khỏi bụi. Đúng là con Xéc-cô của bọn mình rồi!

- Thế à!-Bi-đên-cô gần như kêu lên.

- Con Xéc-cô. Bây giờ thấy rõ.

- Thôi, chỉ chút nữa, chú chăn bò hiện ra. Mình đã bảo mà. Thế mà cậu cứ nói gở!

Không ghìm được nỗi vui mừng, Bi-đên-cô làm một động tác mà lúc khác anh không bao giờ dám làm.

Anh nhẹ nhành đổi hướng nằm để nhìn về phía bạn.

Vì hai người nằm sát đất nên tầm mắt rất eo hẹp. Chân trời hình như kéo lại rất gần. Ở đó, trong bụi cây bốc hơi sương, con ngựa trắng gầy giơ xương, cẳng trước khập khiễng, đầu gối sưng to đang bước đi thủng thỉnh.

Đúng là con Xéc-cô. Nhưng gần đó không hề trông thấy bé chăn bò.

- Thằng bé bị bỏ lại sau rồi. Chắc cậu chàng bị mệt. Cũng sắp đến thôi.

- Chắc thế.

Và hai người trinh sát chăm chú lắng nghe xem ngoài tiếng vó ngựa dẫm oàm oạp trong bùn còn phân biệt được tiếng chân người nữa không. Nhưng tịnh không nghe thấy.

Một lúc sau, đặt tay lên mồm bắt chước tiếng vịt trời, Goóc-bu-nốp kêu lên mấy tiếng. Không ai đáp lại ám hiệu cả.

- Nó chưa nghe thấy. Cậu kêu to nữa xem.

Goóc-bu-nốp lại kêu to mấy tiếng nhưng cũng chẳng có trả lời. Bi-đên-cô bèn hết sức cẩn thận từ từ quỳ lên. Ngay lập tức chân trời hình như lùi ra xa. Nhưng trong khoảng trống phẳng lỳ của mặt đồng lầy, không tháy bóng một ai.

- Thằng bé lại nghịch đây. Định lẳng lặng bò về không để ai trông thấy,-Bi-đên-cô vừa nói, vừa lo lắng nhìn Goóc-bu-nốp, dường như muốn tìm kiếm ở Goóc-bu-nốp sự đồng tình với câu phỏng đoán mà chính anh cũng không tin.

Goóc-bu-nốp im lặng.

- Này, Cu-dơ-ma, kêu nữa xem. Có thể nó trả lời.

Goóc-bu-nốp lại kêu. Lại không có tiếng trả lời. Chẳng còn biết thận trọng là gì, Bi-đên-cô cất tiếng gọi:

- Va-nha! Bé chăn bò!

Goóc-bu-nốp buồn rầu nói:

- Gọi với chả gọi. Rõ rồi còn gì…

Trong khi đó, con ngựa trắng tiến lại gần. Cứ vài bước nó lại dừng, vươn cái cổ gầy và dài, hé hàm răng vàng ệch để cố gậm vài sợi cỏ thối. Hai hàng nước bọt treo lòng thòng trước cái mõm có điểm vài sợi râu trắng. Cẳng chân xương xẩu của nó run rẩy. Hai hõm sâu đen ngòm nằm trên đôi mắt, một mắt bị màng trắng phủ dày. Goóc-bu-nốp khẽ gọi và thận trọng huýt sáo miệng.

- Xéc-cô, Xéc-cô!

Con ngựa mệt mỏi vểnh một bên tai và khập khiễng lảng vảng lại gần các chiến sĩ. Nó đứng trước hai người, đầu cúi xuống. Con ngựa mất chủ đứng thờ ơ, ngoài cuộc như vậy. Bi-đên-cô hỏi:

- Bé chăn bò đâu, Xéc-cô? Mày để lạc nó đâu rồi?

Con Xéc-cô đứng im, co cái cẳng đau len. Cổ chân phồng to của nó lấm bết bùn đen. Bộ da già cỗi phủ lông màu trắng ngả vàng của nó run lên ở phía cạnh sườn. Cái màng trắng đục mờ lãnh đạm nhìn xuống đất. Chỉ cóc cái đuôi khô cằn với khấu đuôi trơ da còn vẫy đi vẫy lại.

Xéc-cô là con ngựa kéo xe già và khôn. Nếu biết nói, nó sẽ kể nhiều cho hai chiến sĩ nghe. Nhưng họ đã hiểu. Ít nhất họ cũng hiểu điều chính là bé chăn bò đã gặp tai nạn.

Hôm kia, lúc chạng vạng tối, Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp lên đường đi trinh sát, mang theo Va-nha. Họ đem Va-nha đi lần đầu tiên, không báo cáo theo đúng thủ tục.

Nhiệm vụ của họ là thâm nhập thật sâu vào hậu phương của địch để tìm những con đường tốt nhất khiến tiểu đoàn dễ dàng vượt qua bùn lầy lúc tiến công.

Họ phải tìm những vị trí tốt cho các trung đội pháo, đánh dấu các điểm quan sát lợi thế nhất để dùng cho thời gian tới, trinh sát các công sự phòng ngự của địch và chủ yếu là thu lượm tài liệu về số lượng và vị trí quân dự bị Đức. Dọc đường về, nếu tiện thì tóm một tù bình loại cỡ: sĩ quan tham mưu, pháo binh. Việc này còn tùy. Họ mang theo Va-nha làm người dẫn đường vì cậu bé biết rất rõ cái nơi bùn lầy và khó đi lại này.


Vả lại, đến lúc đó, nếu kịp tắm rửa, cạo đầu và bận binh phục thì chưa chắc Va-nha đã được đi theo trong chuyến trinh sát này. May cho bé chăn bò là bất chợt (ở mặt trận bao giờ cũng thế) tiểu đoàn từ chỗ tạm nghỉ được điều đi trực tiếp chiến đấu. Mọi dự kiến lại bị thay đổi. Phải dời hậu tuyến. Tạm thời không thể tắm rửa đường hoàng được. Va-nha phải đi theo trung đội tiểu đoàn bộ với cái vẻ sẵn có của mình, nghĩa là đầu tóc bù xù không chải, chân đất, quần vải gai, giống hệt chú bé chăn bò.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Gặp cậu bé trong hậu quân mình, có tên Đức nào lại nghĩ rằng đó là trinh sát viên địch! Với hình dáng đó, Va-nha đi đâu, cũng được chẳng gợi nên mối ngờ gì. Không sáng kiến nào tìm ra được người dẫn đường tốt hơn.

Thêm nữa, Va-nha cứ lải nhải đòi đi. Cậu bé nói luôn mồm: “Chú! Cho cháu đi với! Có mất gì đâu? Ở đây cháu biết mọi ngách ngách. Cháu sẽ dẫn chú đi mà chẳng thằng Đức nào biết. Lúc đó, chú chỉ việc cám ơn cháu thôi. Chú nhé!”.

Cậu bé bám sát hai chiến sĩ. Cậu yêu cầu khẩn khoản làm sao và đôi mắt trong sáng mở to nhìn họ với bao hy vọng! Cậu rụt rè nắm tay áo họ… Tóm lại, họ cứ mang cậu bé theo, không báo cáo lên trê. Nhưng không phải không thận trọng.

Trước hết, cũng như mọi trinh sát viên kinh nghiệm, họ thảo luận việc này rất kỹ, toàn diện, với tinh thần phụ trách. Họ quyết định để Va-nha dẫn đường và giao cho cậu bé nhiệm vụ rõ ràng và rất hạn chế.

Nhiệm vụ chiến đấu của bé chăn bò phải đi trước các chiến sĩ trinh sát để dẫn đường và báo hiệu nguy hiểm.

Để Va-nha thật giống với bé chăn bò và không có vẻ đáng ngờ là người đi chơi rông trong vùng đóng quân bọn Đức, họ nẩy ra sáng kiến cho cậu bé dắt theo một con ngựa coi như bị xổng và mới bắt được.

Các chiến sĩ kiếm được ở bộ phận phụ trách xe tải thuộc đơn vị hậu cần trung đoàn một con ngựa hợp với công tác ấy. Đó là con ngựa già, lông trắng, bị thương và đã loại khỏi danh sách lâu. Tên nó là Xéc-cô.

Va-nha tự bện lấy một cái roi giống hệt của người chăn bò để sai khiến ngựa và quá nửa đêm, gần sáng, ba trinh sát viên, kể cả Va-nha và con ngựa đã vượt qua mặt trận một cách khá dễ dàng.

Va-nha dắt ngựa đường hoàng đi trước còn Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô bò theo sau cách khoảng một trăm thước, người nọ thận trọng bò theo vết người kia. Đi như thế khoảng bốn cây số, bất thình lình Va-nha chạm trán lính canh Đức.

Lúc bất chợt thấy hiện lên ba bóng người khoác áo đi mưa và đội mũ sắt giống như cái nồi, tựa chừng mọc lên từ dưới đất, không phải cậu bé không hoảng hốt, hoặc chỉ sợ hãi sơ sơ mà thực ra là rợn tóc gáy. Những nỗi đau khổ đã trải qua trong thời gian sống dưới chế độ Đức hãy còn quá sốt dẻo trong trí nhớ của cậu.

Chân tay cậu bủn rủn, mặt nóng bừng, mắt tối xầm, toàn thân run cầm cập, cố gắng hết sức để hàm răng khỏi đánh đàn.

Ánh sáng ngọn đèn pin lướt trên hình dáng tiều tụy bé bỏng, chiếu sáng con ngựa trắng xương xẩu đứng trong bóng tối trông như bóng ma. Tên Đức hét lên bằng một giọng khàn, thô tục:

- Thằng khốn nạn! Tại sao mày lang thang ban đêm thế này?

Qua cái giọng nói quàng quạc, đểu cáng, khinh người, tàn nhẫn, đài các, toát ra từ cổ họng, cậu bé nhớ lại hàng trăm giọng nói đáng ghét quá quen thuộc của bọn sĩ quan, cai tù, sen-đầm, đốc gác, hiến binh đã từng bao lần bạt tai, đá đít cậu.

Cậu bé vội vàng rụt cổ và lấy tay ôm đầu, đề phòng những quả đấm của bọn Đức. Quả thật, chúng đánh cậu. Một cái ủng đá đít cậu đau điếng và cái giọng quàng quạc bằng tiếng Đức lại cất lên:

- Sao mày im, thằng bỏ mẹ! Không trả lời, ông lại đánh nữa cho bây giờ!

Cậu bé không hiểu tiếng Đức, nhưng hoàn toàn hiểu ý. Cậu chịu đau đớn quá nhiều rồi nên khá thông hiểu cái ý đồ của tiếng Đức.

Bỗng sự sợ hãi biến mất. Lòng căm ghét tràn ứ trong tâm hồn. Làm sao một tên phát-xít quèn lại dám đấm đá cậu, một chiến sĩ Hồng quân, một trinh sát viên của tiểu đoàn pháo binh Ê-na-ki-ép nổi tiếng!

Mắt Va-nha đỏ lên. Chỉ chút nữa là cậu lăn xả vào tên Đức, đấm vào mõm nó, cắn vào cổ nó. Cậu biết rằng mình không đơn độc. Bên cạnh còn có những bạn thân thiết, những bạn chiến đấu trung thành của cậu. Chỉ cần kêu lên một tiếng, họ sẽ xông đến cứu và tiêu diệt bọn phát-xít đến tên cuối cùng. Nhưng cậu bé lại nhớ rất kỹ là mình đang trinh sát trong lòng địch và mọi tiếng động ồn ào sẽ có thể làm lộ mục tiêu và phá vỡ việc thực hiện nhiệm vụ.

Thế là, với một sự cố gắng phi thường, cậu đã ghìm được lòng căm thù và cảm giác tự hào. Cậu đã bắt mình trở lại thành một chú bé chăn bò bé bỏng và ngớ ngẩn, ban đêm dắt ngựa đi lạc đường. Cậu thút thít một cách đáng thương, làm ra vẻ mặt đầy nước mắt:

- Chú ơi, đừng đánh cháu nữa! Cháu đi tìm ngựa. Khó lắm mới tìm thấy, lang thang suốt đêm. Cháu bị lạc đường… Đồ phải gió này!-Cậu kêu lên, giơ roi dọa đánh con Xéc-cô.-Sao mày không chết đi cho rảnh!

Rồi cậu bé lại sụt sùi:

- Thả cháu ra! Cháu xin chừa. Mẹ cháu ở nhà đợi cháu,-và mặc dầu kinh tởm, cậu còn làm ra vẻ định hôn tay tên Đức. Tên này dịu lại và nói:

- Thôi cút đi, đồ ngu! Dắt cái của nợ này và xéo đi. Cấm không được đi đêm nữa, kẻo chúng ông treo cổ.

Nó huých đầu gối vào đít cậu bé và lấy báng súng quật vào lưng con ngựa rồi biến vào bóng tối.

Lúc đó, Va-nha thận trọng bắt chước tiếng vịt kêu để báo hiệu hết nguy hiểm. Các chiến sĩ lại tiếp tục tiến.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
13


Sau đó, công việc tiến hành còn thuận lợi hơn.

Trời sáng. Ban ngày trôi qua, không gặp cản trở. Các chiến sĩ trinh sát tin rằng thực sự Va-nha thông thuộc địa điểm. Cậu bé thực hiện nhiệm vụ người dẫn đường một cách chính xác và nhanh. Trong khi Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp ngồi ẩn trong một đống tơm đã cũ hoặc trong một bụi cây thì Va-nha dắt ngựa tiến lên phía trước, quan sát địa điểm rồi quay lại báo hiệu đường thông.

Làm như vậy tiện và nhanh hơn nhiều.

Các chiến sĩ trinh sát không bỉ phí thời gian trong lúc chờ đợi Va-nha. Họ đã lên bản đồ tất cả những số liệu trinh sát được trên đường. Tài liệu sưu tầm lần này đặc biệt phong phú. Khu vực dành cho tiểu đoàn Ê-na-ki-ép chiếm lĩnh được trinh sát kỹ càng và khôn khéo theo suốt chiều dài phòng ngự của quân Đức. Chỉ còn lại một con sông nhỏ bùn lầy cần phải tìm hiểu để chọn chỗ pháo lội qua cho kín đáo. Việc này có tầm quan trọng đặc biệt khi chọc thủng tuyến phòng ngự của Đức. Đại úy Ê-na-ki-ép sẽ có thể, trong khoảnh khắc cần thiết, không phí thời giờ trinh sát, điều thẳng một mạch các khẩu pháo của mình nhanh lên phía trước và đánh vào các đạo quân Đức hầu như từ sau lưng chúng.

Nhưng ban ngày không có khả năng thực hiện công tác trinh sát phức tạp này, nhất là tìm chỗ cạn thích hợp, thăm dò lòng sông và đo chiều sâu. Cần phải đợi đến đêm và Goóc-bu-nốp, tổ trưởng, ra lệnh trú chân tại bãi cỏ nổi ở giữa đầm để trước khi trời sáng, đến được bờ sông và lợi dụng sương mù lúc bình minh, quan sát bờ sông, tìm chỗ cạn, đo chiều sâu và đưa lên bản đồ. Sau đó có thể quay về đơn vị.

Họ đã thực hiện đúng như vậy, đã trú đêm trên bãi cỏ và trước lúc bình minh hai tiếng, Va-nha dắt con ngựa Xéc-cô đi trước như thường lệ.

Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp nằm đợi. Vì con sông không xa, họ tính rằng chậm lắm sau một tiếng Va-nha sẽ trở về.

Nhưng một tiếng rồi hai, ba tiếng trôi qua, Va-nha vẫn không thấy về. Chỉ một mình Xéc-cô quay lại.

Các chiến sĩ trinh sát hiểu ngay rằng Va-nha đã gặp tai nạn, cần phải cứu.

Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp nằm im lặng nhìn nhau một lúc. Tuy không nói mà họ vẫn hiểu nhau vì sự việc quá đơn giản, rõ ràng. Phải đi tìm bé chăn bò ngay, mặc dầu nguy hiểm đến tính mạng.

Với tư cách tổ trưởng, Goóc-bu-nốp lấy tay ra hiệu cho Bi-đên-cô theo mình. Họ thận trọng, nhẹ nhàng bò trên bãi cỏ từ mỏm đất này đến mỏm đất khác, chốc chốc lại dừng để quan sát.

May cho họ là sương mù vẫn chưa tan mà trái lại càng dày đặc. Sương mù là là bay trên đầm lầy làm cho địa hình địa vật mờ mờ ảo ảo. Nhưng giả thử không có sương mù thì cũng khó phát hiện ra họ. Địa điểm này hẻo lánh, có vẻ như không qua lại được.

Bỗng Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp nghe thấ đằng sang có tiếng lội bùn. Họ quay lại nhìn thấy con Xéc-cô khập khiễng theo sau. Trong sương mù trông nó to lớn và như bóng ma. Bi-đên-cô nở một nụ cười cởi mở nói:

- Quay lại, Xéc-cô! Khéo không lộ chúng tao. Nghe không, anh bạn? Quay lại! Đi!

Nhưng Xéc-cô vẫn tiếp tục bước theo, đầu cúi xuống buồn bã, mắt nhìn lên, để lộ cái màng trắng đục. Hình như nó muốn nói: “Đừng bỏ rơi tôi, các bạn ơi. Giữa bãi cỏ ướt thối, trong sương mù ghê rợn này, tôi sống một mình sao nổi! Các bạn thương lấy con ngựa già này!”.

Các chiến sĩ cũng hiểu vậy. Dù có tiếc con vật hiền lành cũng không thể làm thế nào khác được. Con ngựa sẽ làm lộ mục tiêu và gây tai họa cho họ. Bi-đên-cô bò lại gần Xéc-cô, thở dài nói:

- Ôi, con vật đáng thương!

Anh lấy khúc dây da ở trong túi và nhanh nhẹn buộc đôi cẳng yếu đuối và sưng to của con ngựa lại với nhau.

- Chúng tao cũng tiếc mày lắm. Nhưng làm thế nào được? Tạm thời hãy quanh quẩn ở đây, ăn cho no. Chúng ta có thể còn gặp nhau.

Hai chiến sĩ trinh sát lại bò đi.

Con Xéc-cô cố chạy theo nhưng dây buộc chặt đến nỗi không bước đi được. Nó bèn cố lấy sức nhảy nhưng yếu quá: chỉ mới đạp hai chân sau một chút thì lập tức phải dừng lại, thở hổn hển, cái bụng xương xẩu phập phồng.

Hai chiến sĩ bò theo hướng đi của Va-nha lúc ban đêm. Vết chân không của cậu bé còn in khá rõ trên đất lầy ở nhiều nơi.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Bi-đên-cô nhìn vết chân, nghĩ ngợi: “Quả thật, bọn mình bậy quá! Đến bây giờ vẫn chưa kiếm được cho thằng bé đôi giày. Thôi được, tìm ra nó, quay về đơn vị, bọn mình sẽ tảo đầy đủ quân phục, sẽ chữa cho vừa. Cậu chàng đẹp trai phải biết”!

Đến bờ đầm thì mất vết chân. Họ phải dùng địa bàn để hướng về phía con sông. Xung quanh vẫn mù sương, vắng vẻ. Quả thật con sông không xa.

Chẳng mấy lúc, các chiến sĩ nhìn thấy bãi sông. Lau sậy mọc lên rậm rạp ở một vài chỗ sát mặt nước. Bên kia sông, bờ cao hơn và một cánh rừng trải ra xanh thẫm.

Goóc-bu-nốp và bi nằm lại hồi lâu để nghiên cứu kỹ càng địa điểm. Bờ sông tuy vẫn vắng tanh nhưng có vẻ đáng ngại. Nhiều vết lốp xe tải còn hằn lên trên mặt bãi cỏ ướt và xanh rờn. Vết còn mới và hằn đen như mực. Hẳn xe vừa đi chưa lâu, chắc là đã chở gỗ đến đây vì thấy rải rác những đống vụn gỗ còn tươi trên bãi cỏ.

Hình như gần đâu đây có một cái cầu vừa xây dựng xong. Cầu nhất định ở chỗ này, sở dĩ không thấy được vì lau sậy che mất. Mà có cầu, tất nhiên có lính gác. Vậy phải đề phòng. Còn cánh rừng bên kia bờ, rõ ràng là nơi có một đơn vị hoặc các ban tham mưu đóng quân: ở một vài nơi thấy khói bốc lên và tại một khoảng trống trong rừng, giữa các gốc cây, thấp thoáng một công sự che mạng ngụy trang màu xanh cẩn thận. Đó có thể là hầm pháo, một đài quan sát hoặc con trạch nằm trên một chiến hào bộ binh đào sâu.

Ở đây, rõ ràng bọn Đức phòng ngự kỹ và chuẩn bị chiến đấu lâu dài.

Đó là một phát hiện rất quan trọng. Các chiến sĩ chăm chú quan sát địa hình, cố nhớ hết chi tiết để sau này khi có điều kiện, sẽ dùng trí nhớ đưa lên bản đồ.

Dù sao đi nữa, không thể nằm đây lâu được. Phải nhanh chóng rút lui. Song họ chần chừ. Chẳng lẽ bỏ mặc bạn chiến đấu trong cơn nguy hiểm, chẳng lẽ bỏ Va-nha, trở về đơn vị! Nhưng làm thế nào bây giờ?

Họ đã đến tận con sông, nơi mà cậu bé đã đến. Họ đã trông thấy con sông. Rồi sao nữa?

Vết tích cậu bé đã biến mất. Nếu thực quả bọn Đức bắt được cậu, tất nhiên chúng đã mang đến ban chỉ huy rồi. Mặt khác, họ nghĩ, chúng cần gì phải bắt giữ một đứa bé nông thôn tiều tụy dắt con ngựa ốm? Những em bé Liên-xô đói rách lang thang trong vùng đóng quân của chúng có ít đâu? Chúng không thể bắt hết được. Vả lại, chúng có đủ người và chỗ đâu để giam giữ và trông coi? Bây giờ chúng không thể làm được việc đó vì lo cho thân mình chẳng nổi. Không, không lẽ gì bọn Đức bắt Va-nha. Giả thử có bắt nữa, cũng chẳng có chứng cớ kết tội thằng bé? Hoàn toàn không có chứng cớ. Chỉ có một cái túi dết thủng đựng quyển sách vỡ lòng cũ rách. Thế thôi.

Vậy thì thằng bé biến đâu mất? Tại sao con gựa quay về một mình? Hay là Va-nha chán, không chịu được, bỏ họ mà đi? Điều này càng vô lý. Va-nha không phải thằng bé như vậy!

Chắc là thằng bé đã đến bờ sông, quay trở về thì lạc đường… Va-nha mà lạc đường! Nghĩ thế thì thật khôi hài.

Thời gian vẫn trôi. Phải tìm cách giải quyết.

Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp nằm trong đám cây sồi non, lá vàng chưa rụng. Họ nằm và suy nghĩ căng thẳng.

Bỗng Bi-đên-cô nhìn thấy trên mặt đất, ngay trước mắt mình, một vật khiến anh suýt kêu lên. Đó là cái bút chì hóa học, chính cái bút mang nhãn hiệu “Khimugô” mà Bi-đên-cô mới tặng Va-nha và cậu bé thường xuyên để trong túi dết mang theo. Bi-đên-cô thì thầm gọi, đưa mắt về phía cái bút:

- Cu-dơ-ma!

Goóc-bu-nốp nhìn theo và chớp mắt. Ngay tức khắc, các chiến sĩ nhận thấy khắp nơi vô số những chi tiết nhỏ, rất nhỏ nhặt mà trước đây họ không để ý vì chúng ở quá gần.

Họ nhìn thấy một túm lông ngựa trắng mắc ở cành cây gẫy. Họ trông thấy một điếu thuốc Đức hút dở dẫm trên đất. Họ trông thấy cả một đám lá rụng từ một vụi cây gẫy nát. Cuối cùng, ở đằng xa một chút, họ nhìn thấy cái roi của Va-nha.

Mặt đất xung quanh bị dẫm nát, hằn những vết giày đinh.

Cảnh tượng ghê sợ đã xảy ra cách đây vài tiếng đồng hồ bỗng hiện lên trước mắt họ.

Bây giờ thật đã rõ ràng.

Họ đã chọn đúng hướng. Chính Va-nha đã dắt ngựa đi theo hướng này. Cậu bé đã đến tại bụi cây này. Chính ở nơi đây, nơi mà hiện nay Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô đang nằm, Va-nha đã bị bọn Đức bắt. Qua các dấu vết nhận xét được thì thấy chúng đã rình bắt và giằng co với cậu.

Tất cả những dấu vết chứng tỏ cậu bé kháng cự quyết liệt: mặt đất bị séo nát, bụi cây gẫy, bút chì văng ra khỏi túi dết, cái thừng bị cứt, điếu thuốc lá hút dở. Sau đó chúng lôi cậu đi. Lúc này các chiến sĩ đã nhìn thấy rõ những dấu vết cho biết chúng đã lôi Va-nha đi về phía nào.

Vết chân đi về hướng những khóm sậy, nơi mà Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp đoán là có cái cầu. Thế nghĩa là bọn Đức dẫn cậu bé đi qua cầu, sang bờ bên kia, vào cánh rừng, về ban tham mưu hoặc ban chỉ huy.

Các chiến sĩ bèn trao đổi với nhau cách giải quyết.

Họ trao đổi nhanh, gọn nhưng sâu và toàn diện, theo kiểu trinh sát pháo binh. Sau đó chỉ cần quyết định.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Về thâm niên, thành tích, cấp bậc, Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp ngang nhau. Nhưng trong chuyến trinh sát này, Goóc-bu-nốp được chỉ định làm tổ trưởng. Quyền quyết định tối hậu thuộc về anh và coi như mệnh lệnh, không bàn cãi.

Trước khi quyết định, Goóc-bu-nốp nghĩ rất kỹ. Bi-đên-cô tin vào bạn, biết trước rằng giải pháp anh ta sẽ đưa ra là tốt nhất. Nhưng khi Goóc-bu-nốp phát biểu thì Bi-đên-cô lại hoàn toàn bối rối. Anh không ngờ kết quả lại có thể như thế. Goóc-bu-nốp kiên quyết nói:

- Va-xi-li này, hoàn cảnh bắt buộc chúng ta chia tay nhau. Hiểu chưa? Cậu quay về đơn vị. Mình ở lại đây.

- Thế nào? Cậu bảo gì?-Bi-đên-cô hỏi lại.

- Mình ra lệnh cho cậu trở về đơn vị. Mình ở lại.

- Cu-dơ-ma!-Bi-đên-cô hầu như kêu lên.

- Không nói nữa!-Goóc-bu-nốp cau mày, nói cụt lủn. Bi-đên-cô hiểu ngay rằng câu chuyện cắt đứt. Dù sao anh cũng cố gắng hỏi thêm:

- Thế bé chăn bò?

- Mình ở lại đây để cứu nó.

- Còn mình?

- Cậu về đơn vị.

- Cu-dơ-nét-xốp, mình đề nghị thế này nhé: chúng mình cùng ở lại đây.

- Không nói nữa!-Goóc-bu-nốp chặn đứng.

- Không có bé chăn bò, mình trở về thế nào được?-Bi-đên-cô khẩn koản.-Không, cậu ạ, không được!
Mất đầu thì mất, mình phải cứu. Sao lại thế được? Mình coi nó như em ruột!…

- Chúng mình đều coi nó như em ruột. Nhưng nhiệm vụ trước hết. Cậu có biết chúng mình đang làm gì không? Phục vụ Tổ quốc. Cậu biết đấy. Về đơn vị đi. Mình ở lại.

- Mình không về,-Bi-đên-cô cau mày, bực tức.

- Mình ra lệnh!-Goóc-bu-nốp nói.-Nếu không tuân theo, mình có quyền đối xử với cậu. Hiểu chưa?…-

Bỗng anh dịu giọng:-Này Va-xia, chẳng lẽ cậu không hiểu hay sao? Mình thông cảm với cậu, nhưng làm sao được! Tiểu đoàn đang chờ tài liệu của bọn mình. Không lẽ để các đồng chí nù tịt, không biết đường đi hay sao? Cậu đừng vớ vẩn. Mình ở lại, cậu quay về đơn vị, nộp báo cáo. Cẩn thân, về cho an toàn. Cảnh giác, đi cho khéo, đừng có đâm đầu vào bọn Đức. Mình tin tưởng hoàn toàn ở cậu. Cậu phải báo cáo tình hình với ban chỉ huy. Hiểu chứ?

- Hiểu,-Bi-đên-cô nghiến răng nói.

Đối với anh không cần phải nói thêm nữa. Ở địa vị Goóc-bu-nốp, anh cũng làm đúng như vậy. Anh hiểu rằng trong hai người, một phải có nhiệm vụ đưa tài liệu trinh sát về đơn vị. Anh cũng hiểu tại sao Goóc-bu-nốp cử anh về. Là tổ trưởng, anh ta phải chịu trách nhiệm về mọi tổ viên. Chẳng lẽ anh ta lại về đơn vị mà chưa tìm hết cách cứu bé chăn bò? Giao cho Bi-đên-cô tấm bản đồ có ghi các mục tiêu, Goóc-bu-nốp nói:

- Đi đi!

- Cậu ở lại bình yên!

- Cố gắng nhe!

- Yên trí!

Chẳng nói, chẳng rằng, Bi-đên-cô bò đi. Cuối cùng anh biến mất, bóng dáng hòa lẫn với mặt đất màu nâu, bao phủ sương mù.

Goóc-bu-nốp nằm lại một mình.

Anh suy nghĩ rất lung để tìm hiểu xem sự thể thế nào: “Bé chăn bò gặp những chuyện gì? Nhưng thôi,-anh tự an ủi,-Nó bị bọn Đức bắt giữ chứ sao! Bị dẫn đến ban chỉ huy hoặc ban tham mưu, rồi bị hỏi cung. Khai thác gì được ở nó? Chẳng có chứng cớ gì để lộ cả. Nó chỉ là một thằng bé con. Giữ rồi lại thả thôi. Chỉ cần chú ý nhìn thấy nó lúc được thả và cùng với nó trở về đơn vị”.

An ủi mình như vậy, nhưng trong thâm tâm Goóc-bu-nốp cảm thấy sự việc không hoàn toàn đơn giản như thế mà nguy hiểm hơn nhiều.

Có điều gì đó Goóc-bu-nốp không biết, không đoán ra được. Nhưng điều gì?

Quả thực, Goóc-bu-nốp không biết một việc. Nếu biết, anh đã rợn tóc gáy. Anh chưa biết hết tính tình của Va-nha, chưa rõ hết trí khôn, sức tưởng tượng và lòng tự hào trong sáng trẻ con của cậu bé, do đó, suýt nữa cậu nguy đến tính mạng.

Cậu bé cho rằng làm nhiệm vụ dẫn đường chưa đủ. Cậu biết nhiệm vụ dẫn đường là vinh quang, quan trọng. Nhưng cậu vẫn cho là chưa đủ. Quá nhiệt tình, ham làm việc lớn, cậu muốn được nổi danh, làm cho mọi người ngạc nhiên.

Trước khi lên đường, Va-nha bí mật kiếm được một cái địa bàn. Về sau vỡ lẽ là cậu đã thủ được của một trinh sát viên. Thực ra, cậu lén cầm địa bàn, định sau chuyến đi sẽ để lại chỗ cũ. Cậu không coi như thế là làm bậy vì anh trinh sát viên kia thường để cậu đeo địa bàn, hơn nữa còn giải thích cách dùng. Va-nha đã có bút chì và cậu đã quyết định dùng quyển sách vỡ lòng thay cho sổ tay.

Tự thiết bị cho mình đầy đủ như vậy, bé chăn bò bèn hành động như một trinh sát viên thực thụ.

Trong lúc trinh sát, khi chờ đợi Va-nha tiến lên phía trước, Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô không để ý xem cậu bé làm gì. Họ nghĩ rằng cậu bé chỉ đơn thuần dắt ngựa đi, quan sát địa điểm rồi quay lại báo cáo đường thông hay không.

Va-nha không chỉ làm riêng những việc đó. Bắt chước các chiến sĩ trinh sát, cậu tự lực tiến hành công tác quan sát. Mắm môi mắm lợi, cau mặt cau mày, cậu bé xoay xở với cái địa bàn. Trên lề của trang sách vỡ lòng, cậu ghi bằng những nét ngoằn ngoèo như gà bới những phương hướng và mục tiêu chỉ mình cậu đọc nổi. Cuối cùng cậu còn vẽ bình độ địa điểm. Cậu vẽ những ký hiệu đường sá, rừng cậy, sông ngòi, đàm ao một cách vụng về nhưng khá đúng.

Chính vì công tác này, cậu bị đội tuần tra Đức bắt quả tang, khi ngồi trong bụi cây sồi, dùng địa bàn và sách vỡ lòng vẽ địa hình con sông với cái cầu mới đã phát hiện được trong khóm lau sậy.

Sự việc xảy ra về sau như thế nào cũng dễ hiểu.

Va-nha chống cự kịch liệt song cậu bé làm sao địch lại hai tên lính Đức trong đội tuần tra?

Trói quặt tay ra sau lưng, chúng thúc Va-nha bằng báng súng, dẫn cậu qua cầu mới vào rừng.

Tại đây, chúng đẩy cậu vào trong một hầm sâu, tối và khóa chặt cửa lại.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
14


Sau đó ít lâu, một tên lính đến dẫn Va-nha tới một hầm khác để hỏi cung.

Một lưới ngụy trang giăng ra và mắc tại các thân cây thông để che cái hầm này. Hầm rộng, ấm và có điện. Tại một góc, một máy thu thanh đang thì thầm.

Giữa hầm, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi cạnh nhau trước cái bàn gỗ thông, chân đóng xuống nền.

Người đàn ông là một tên sĩ quan Đức vận một cái áo ngoài bó chặt, có cổ rộng bằng nhung đen bẻ ra, thêu chỉ bạc làm cho hắn giống người phục vụ xe tang. Va-nha không nhìn thấy mặt tên Đức vì hắn ta lấy tay ôm mặt, để lộ một cái nhẫn cưới mảnh và những ngón tay bẩn thỉu. Va-nha chỉ trông thấy cái cổ gầy, đỏ như gà chọi, bộ tóc vàng và cái tai bẹt, chắc nịch.

Tên sĩ quan có giáng điệu một người vô cùng mệt mỏi vì thiếu ngủ và bị ánh sáng chói lọi làm khó chịu. Chiếc mũ bằng dạ đen có vành trên rộng và chìa ra, có cái lưỡi trai sơn bóng hình cái xẻng treo ở đinh đằng sau hắn.

Còn đối với mụ đàn bà, Va-nha không thể hiểu được mụ là ai, mặc dù cậu bé đã thầm gọi hắn là “bà giáo”.

Mụ mặc một cái áo vét da chồn đã cũ có đính hoa bằng vải ở cổ, cái váy sợi đan đã sờn ở nơi đầu gối, chân đi đôi ủng cao-xu màu sám. Bộ tóc trắng uốn thành những vòng nhỏ đâm tua tủa trên một cái trán cao và thót, trên sống mũi dày còn thấy hằn đỏ vết gọng kính mà mụ đang cầm trong tay và lau bằng mảnh da hươu. Mụ co đôi mắt lồi màu xanh nhạt, hau háu.

Va-nha bị dẫn đến trước bàn. Cậu nhìn ngay thấy trên bàn có cái địa bàn và quyển sách vỡ lòng mở ra đúng ở chỗ cậu định vẽ bình độ địa hình có con sông, cái cầu và cánh rừng, chính cánh rừng mà lúc này cậu bé đang ở.

Mụ đàn bà vội đeo kính, cặp kính gọng vàng, có đôi mắt kính dày, xỉ mũi vào chiếc khăn tay rua và nói bằng một giọng khướu học nói, cố gắng làm đúng tiếng Nga:

- Lại gần đây, em bé, và trả lời tất cả câu hỏi của tôi. Em bé hiểu tôi chưa? Tôi sẽ hỏi, em bé sẽ trả lời? Phải không? Đồng ý không?

Nhưng Va-nha không rõ mụ nói gì. Tai cậu còn ù vì giằng co với bọn lính. Mắt cậu còn tối xầm. Tay bị trói sau lưng còn đọng máu và rất đau ở khuỷu.

Em bé đau khổ lắm à?

Va-nha im lặng.

- Cởi trói cho thằng bé,-mụ ta nói nhanh bằng tiếng Đức rồi thêm bằng tiếng Nga, miệng điểm nụ cười, để lộ chiếc răng vàng:-Cởi trói cho em bé. Em hứa sẽ sữa chữa. Em sẽ không đánh nhau với lính và cắn họ. Em chỉ nổi nóng lên thôi. Phải không em?

Va-nha được cởi trói nhưng vẫn im lặng, thỉnh thoảng liếc nhanh nhìn chung quanh.

Mụ người Đức tiếp tục dụ dỗ, tiếp tục hé chiếc răng vàng:

- Bây giờ em bé lại gần chúng tôi đây. Đừng sợ. Chúng tôi chỉ hỏi, em chỉ việc trả lời. Phải không? Thế em nói đi: em là ai, tên gì, ở đâu, bố mẹ là ai, sao lại đến vùng này?

Va-nha đứng buồn thiu, mắt nhìn xuống.

- Tôi không biết gì cả. Bà muốn gì? Tôi không đụng chạm đến bà,-cậu sụt sịt nói.-Tôi đi tìm ngựa. Tìm mãi mới thấy. Suốt ngày đêm, lang thang, lạc đường. Vừa ngồi nghỉ thì lính của bà đánh tôi. Quyền gì mà đánh?

- Này em bé, không được nói hỗn. Các người lính thi hành nhiệm vụ và cũng nóng lên một chút, thế thôi. Chúng tôi chỉ muốn hỏi em là ai, ở đâu, bố mẹ làm gì?

- Tôi mồ côi.

- Ôi! Em bé đáng thương. Bố mẹ em chết rồi phải không?

- Bố mẹ tôi đáng nhẽ không chết. Người ta giết mất. Chính người của bà giết,-Va-nha nói, miệng nở một nụ cười ghê gớm, cứng đờ và nhìn chòng chọc vài cái sống mũi dày lốm đốm những giọt mồ hôi của mụ người Đức.

Mụ người Đức lúng túng và lấy khăn tay lau mũi. Mụ nói nhanh:

- Phải rồi. Chiến tranh là như vậy. Tình cảnh đáng buồn nhưng không nên buồn. Chẳng ai có tội lỗi cả. Đâu đâu cũng có nhiều trẻ mồ côi. Em bé thật đáng thương! Nhưng em đừng buồn. Chúng tôi sẽ cho em đi học, nuôi nấng em. Chúng tôi sẽ cho em vào nhà trẻ, nhà trẻ tốt. Rồi có thể em được đi học. Em sẽ có nghề để sống. Em muốn không?

- Bà Mu-le,-tên sĩ quan bực mình quàng quạc nói bằng tiếng Đức, nóng ruột, ngón tay gõ nhịp vào cái trán đầy tàn hương,-thôi đừng nói loanh quanh nữa. Chẳng ai thú vị gì về cái chuyện đó. Tôi muốn biết thằng khốn nạn này lấy địa bàn ở đâu và ai sai nó đến vẽ sơ đồ vùng phòng ngự của chúng tôi.

- Ngài thiếu tá, chờ một tí. Ngài không hiểu đầu óc thằng bé Nga, còn tô thì hiểu rất rõ. Ngài cứ tin ở tôi. Lúc đầu tôi đi vào tình cảm nó, gây lòng tin, sau đó nói hết. Ngài cứ tin tôi. Tôi đã sống mười năm với cái dân này.

- Thôi được. Nhưng đừng quá loanh quanh. Tôi chán lắm rồi. Bà đi vào tình cảm nó nhanh lên, làm sao thằng chết tiệt khai được là ai giao cho nó địa bàn và dạy nó vẽ sơ đồ mục tiêu quân sự của chúng tôi. Bà hành động đi!
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Mụ người Đức lại nói bằng tiếng Nga, kiên nhẫn mỉm cười và để hé chiếc răng vàng:

- Em thấy đấy, tôi thương yêu em và mong cho em điều tốt. Bố mẹ tôi sống ở Nga lâu và chính tôi cũng ở đây hơn mười năm rồi. Em thấy tôi nói tiếng Nga khá không? Khá hơn em nhiều. Tôi hoàn toàn là người Nga rồi. Em có thể tin cậy ở tôi. Em phải cởi mở với tôi như với cô bác ruột của mình. Đừng sợ. Cứ gọi tôi là cô, tôi thích lắm. Thế em nói đi: ai giao cho em địa bàn?

- Tôi bắt được.

- Ái chà! Nói dối người cô thương yêu mình như vậy không tốt. Em phải hiểu rằng nói dối là hạ phẩm chất con người. Thế em nghĩ một lần nữa đi và nói ai giao cho em địa bàn?

- Tôi nhặt được,- Va-nha bướng bỉnh nhắc lại.

- Có thể nghĩ là ở đây địa bàn mọc ở dưới đất lên như nấm mọc hay sao?

- Người nào đó đánh rơi, tôi nhặt được.

- Ai đánh rơi?

- Người lính nào đó.

- Ở đây chỉ có lính Đức. Lính Đức có địa bàn Đức. Còn địa bàn này kiểu Nga. Em cãi thế nào được bây giờ?

Va-nha im lặng, thấy tức mình vì đã hớ.

- Nào, sao lại thế?

- Tôi không biết.

- Em không biết? Được lắm. Tôi hiểu. Em không muốn khai những người đã giao cho em địa bàn. Em biết im lặng. Như vậy là trung thành. Nhưng những người giao cho em địa bàn thì không tốt đâu. Họ là những người rất xấu. Họ là những người phạm tội. Em có biết những người phạm tội bị xử như thế nào không? Em chắc không muốn là kẻ phạm tội phải không? Nói đi, ai giao cho em địa bàn?

- Không ai giao.

- Sao lại thế?

- Tôi nhặt được.

- Thôi. Tôi tin em. Cho là em nói đúng. Vậy thì ai dạy em vẽ đẹp thế?

- Vẽ gì? Tôi chẳng hiểu bà hỏi gì-Va-nha ngớ ngẩn nói, lấy tay áo quệt mũi.

- Lại gần đây. Gần nữa. Đừng sợ. Tôi không đánh đâu. Quyển sâch này của ai?

- Sách nào,-Va-nha mếu máo nói:-Bà hỏi tôi gì, tôi không hiểu!

- Quyển sách của ai?-Mụ người Đức hỏi, đã mất bình tĩnh.

- Quyển sách vỡ lòng ấy à?

- Phải, quyển sách vỡ lòng. Của ai?

- Của tôi.

- Ai vẽ lên đây?

- Vẽ là thế nào?

- Chà thằng bé, đừng giả vờ! Ai vẽ sơ đồ này?

- Sơ đồ nào?-Va-nha lại mếu.-Tôi chẳng biết sơ đồ nào của bà cả. Tôi mất ngựa. Ngày đêm tìm. Thả tôi đi, bà! Tôi có làm gì bà đâu?

- Lại đây, tao bảo!-mụ đàn bà Đức hét lên và đằng sai cặp kính, mắt mụ ta dữ tợn như diều hâu.
Mụ nắm lấy vai cậu bé, ngón tay như gọng kìm, đẩy cậu lại bàn và cúi đầu xuống quyển sách:

- Ai vẽ cái này?

Va-nha chẳng biết trả lời ra sao. Chứng cớ đã rành rành. Im lặng, mặt tái xanh, Va-nha nhìn vào trang giấy sờn rách của quyển vỡ lòng, ở đó trên những giòng chữ mẫu và tranh ảnh có sơ đồ con sông, cái cầu và chỗ cạn vẽ bằng bút chì hóa học, vụng về nhưng khá chính xác.

Đặc biệt Va-nha tự hào là đã vẽ được những chỗ cạn. Chính cậu tự thăm dò rồi vẽ đúng như các chiến sĩ vẽ. Bên cạnh mỗi chỗ cạn có ghi một vạch ngang đậm, trên viết cẩn thận con số I chỉ chiều sâu là một mét, còn dưới vạch là chữ “C” chỉ lòng sông cứng.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Va-nha hiểu rằng không thể chối được và thấy nguy.

- Ai vẽ cái này?-mụ người Đức nhắc lại bằng một giọng run run như một dây đàn căng thẳng.

- Tôi không biết,-Va-nha nói.

- Mày không biết à?-mụ nói và mặt mụ lúc đầu nổi lên những vết đỏ, sau toàn mặt đỏ xẫm như quả bồ quân.

Bỗng mục nhanh như chớp lấy ngón tay sắt của mình tóm hai tai cậu bé ấn mạnh, làm cho mặt cậu ngửa lên:

- Há miệng. Tao bảo! Há miệng ngay, thè lưỡi ra!

Va-nha hiểu ngay và cắn răng lại. Tức thì mụ Đức kẹp cậu ta vào hai đầu gối khỏe một cách lạ thường, lấy hai ngón tay trỏ thọc vào miệng cậu bé rồi hình như dùng móc sắt, căng miệng cậu ra.

Va-nha đau đớn kêu lên và lưỡi cậu thoáng lộ ra. Nhìn được, mụ Đức vui vẻ nói:

- Bây giờ chúng tao biết rồi!

Lưỡi Va-nha thấm toàn màu tím vì trong khi vẽ, cậu đã liếm kỹ càng đầu bút chì để vẽ cho rõ.
Khinh bỉ chùi những ngón tay chuối mắn, đở ửng vào cái váy, mụ đàn bà Đức nói:

- Được rồi, tao hỏi mày, mày phải nói. Phải không? Ai dạy mày vẽ sơ đồ trác đạc, chúng ở đâu, làm thế nào tìm ra? Mày hiểu không? Sẽ có ba người lính có kinh nghiệm theo mày, mày phải chỉ đường.

- Tôi không biết bà hỏi tôi cái gì,-Va-nha nói.

Cậu bé đứng sát cái bàn. Cậu cắn mạnh vào môi, đầu cúi xuống. Nước mắt cậu tuôn ra, rơi xuống sơ đồ vẽ trên khoảng trống của trang sách, cạnh cái tranh vẽ hình một cái búa rìu bổ xuống khúc gỗ và giòng chữ mẫu viết trong ô kẻ nghiêng: “Chúng ta không là nô lệ”.

Mụ người Đức nói khẽ, hơi thở ra đằng mũi:

- Nói đi!

- Tôi không nói,-Va-nha nói khẽ hơn.

Ngay lúc đó cậu bé thấy bàn tay của tên sĩ quan, điểm chiếc nhẫn cưới mảnh ở ngón, từ từ hạ xuống để lộ bộ mặt tàn hương, ốm yếu, có cái mũi đỏ và cái cằm thót như của già bà.

Va-nha không kịp xem mắt của tên sĩ quan như thế nào, chỉ thấy nó nẩy lửa và một cái bạt tai trời giáng đã lăng cậu vào tường.

Gáy Va-nha đập vào khúc gỗ nhưng chưa kịp ngã thì lập tức lại bị lăng mạnh về phía bàn rồi bị một cái bạt tai thứ hai cũng ghê người như cái thứ nhất. Rồi chúng vẫn không để cậu ngã. Cậu vẫn đứng, nghiên ngả trước cái bàn và bây giờ thì máu mũi của cậu nhỏ giọt xuống quyển sách vỡ lòng, thấm đỏ giòng chữ: “Chúng ta không là nô lệ”.

Trước mắt cậu bé chỉ thấy bay đi bay lại những chấm trắng và chấm đen chói lọi cặp kè nhau. Tai cậu ù lên và có cảm tưởng đứng trong một cái nồi hơi rỗng, bên ngoài có ai lấy búa đập thình thình. Rồi Va-nha nghe thấy một giọng nói rất khẽ và xa xôi:

- Bây giờ mày nói chứ?

- Bà, đừng đánh nữa!-cậu bé hét lên và hoảng sợ lấy tay ôm đầu.

- Bây giờ mày nói chứ?-giọng nói xa xôi dịu dàng nhắc lại.

- Tôi không nói,-cậu bé khó khăn hé miệng thì thào.

Lại một cái bạt tai nữa quẳng cậu vào tường và sau đó Va-nha không biết gì nữa. Cậu không biết được là có hai tên lính lôi cậu ra khỏi hầm và con đàn bà Đức hét theo:

- Coi chừng! Mày sẽ phải khai hết sau khi nhịn ăn nhịn uống ba ngày.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
15


Những tiếng nổ ghê gớm rung chuyển mặt đất làm cho Va-nha tỉnh lại trong bóng tối mù mịt. Cậu bị quẳng đi quẳng lại từ phía tường này đến phía tường khác. Người cậu nghiêng ngả. Cát khô ở trên rơi xuống rào rào, lúc thì chảy thành tia nhỏ, lúc thì sụp xuống từng đống lớn. Va-nha cảm thấy mình bị cát đè lên. Người cậu đã bị lấp đi một nửa. Cậu hết sức dùng tay để bới cát, đến nỗi móng tay bị bong ra. Cậu không biết mình ngất đi bao lâu. Chắc cũng khá lâu vì cảm thấy đói run lên.

Cậu bị thấm hơi ẩm giá lạnh và nghẹt thở.

Răng cậu đánh vào nhau, ngón tay quắp lại, hầu như không duỗi được. Đầu nhức như búa bổ, nhưng trí óc đã sáng suốt, tỉnh táo.

Va-nha hiểu rằng mình ở trong chính cái hầm bị nhốt trước khi đưa đi hỏi cung và bom đang nổ xung quanh.

Cậu bò đi tìm cửa, luôn luôn vấp phải thành hầm đang rung rinh. Lâu và khó khăn lắm mới tìm ra. Nhưng cửa bị khóa trái và không phá được.

Bỗng rất gần, ngay trên đầu, có một tiếng nổ lớn đến nỗi cậu bé điếc đặc một lúc. Một vài khúc gỗ rơi xuống, suýt giáng vào đầu cậu.

Cái cửa ván bị long khỏi bản lề, văng ra và vỡ tung. Qua cái trần lợp gỗ, ở khoảng có những khúc gỗ bị bắn tung đi, một làn ánh sáng ban ngày chói lọi đập vào mắt. Tiếng súng liên thanh nổ rền khắp nơi ở rất gần, tựa như đua nhau.

Quả bom ném xuống hầm Va-nha là quả cuối cùng. Khi bom im tiếng, khắp nơi cậu nghe rõ tiếng nói của bộ máy chiến tranh hoạt động hết công suất. Trong tiếng ồn ào tãn nhẫn của sắt thép, thính giác được phục hồi lại của cậu bé đã phân biệt thấy giọng nói đồng thanh và êm dịu của con người, tựa chừng đang cất tiếng hát ở đâu đây: “a-a-a-a!”

Va-nha thầm nhắc lại một câu, đã có lần cậu nghe được ở miệng các chiến sĩ trinh sát: “Hoàng hậu chiến trường đang tấn công”.

Theo bậc đất bị sụt lở, cậu bé lao ra ngoài hầm và nằm sấp xuống đất.

Cậu trông thấy cánh rừng, chính cái cánh rừng mà mới gần đây thôi, cậu bị bọn phát-xít dẫn đến. Lúc đó, cảnh vật trong rừng hoàn toàn ngăn nắp, im ả, tĩnh mịch. Như trong một công viên, chỗ nào cũng đánh đường, trải cát. Qua các hào đều có bắc những chiếc cầu nhỏ, xinh xắn, có lan can làm bằng cành bạch dương trắng. Trên các hầm tham mưu đều có giăng lưới ngụy trang có gài những mảnh vải xanh và quả thông. Dưới những cái ô sơn kẻ có những tên lính quần áo đầy đủ đứng gác. Những dây điện thoại đen và đỏ giăng đi khắp hướng. Những cô gái sách cặp lồng đi đi lại lại. Trong những hầm đặc biệt đào sâu, ngụy trang bằng lá cây có những xe khách của các ban tham mưu và những xe con kiểu “ôpen” đang đỗ.

Lúc này, cánh rừng tham mưu Đức thiết bị tiện nghi đã bị phá hủy đến mức không nhận ra được.

Xung quanh những hố bom màu nâu xẫm còn bốc khói, ngổn ngang những cây thông bật rễ, những xác ô-tô nhiều màu, những xác lính Đức nằm chết co quắp trong bộ quân phục đã cháy đen, đang còn bốc khói. Trên cành cây cao, những mảnh lưới ngụy trang đung đưa. Không khí nghẹt mùi thuốc súng.

Những viên đạn bay làm bật vỏ cây và bẻ gẫy cành lá, phát ra những tiếng giống như tiếng huýt gió của những cái roi quất mạnh.

Va-nha hiểu ngay rằng bọn Đức đã bị quét sạch khỏi rừng nhưng quân ta chưa vào. Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng lại gây một cảm giác chờ đợi lâu dài mà các khẩu đội pháo binh thường tranh thủ chuyển vị trí, các chiến sĩ súng cối đặt súng lên vai, các chiến sĩ thông tin vừa chạy vừa cuốn dây, các sĩ quan liên lạc phóng xe tg, công binh cầm máy dò mìn vừa đi vừa quét và bộ binh, súng trường cầm một tay vừa chạy vừa tiến chứ không cần nằm trên khu vực, trước đây năm phút còn ở trong tay địch.

Tim đập thình thịch, người dán xuống đất, Va-nha đợi xem khi nào quân ta mới đến.

Họ xuất hiện đây rồi!

Đi đầu là một anh bộ đội to lớn khoác chiếc áo mưa bẩn, rách và để phanh ra. Anh chạy giữa các thân cây, quỳ xuống, nhanh nhẹn thay đĩa đạn rồi nằm và ngắm bắn.

Va-nha có cảm tưởng anh ngắm bắn lâu hàng thế kỷ. Thực ra, động tác đó chỉ kéo dài mấy giây. Anh chọn mục tiêu, cuối cùng bấm cò. Súng tiểu liên có đĩa đạn màu đen rung lên vì những loạt đạn ngắm.

Và trong khoảnh khắc đó, Va-nha nhận ra mặt anh bộ đội. Đó chính là Goóc-bu-nốp. Nhưng anh đã thay đổi làm sao! Anh vẫn có một thân hình lực sĩ, chắc nịch, to ngang, có khi còn béo nữa nhưng đã biến mất nụ cười cởi mở để hở chiếc răng sún rất đặc biệt của anh. Lúc này, bộ mặt sạm khói súng, có hàng mi trắng, chăm chú, nghiêm trang, đầy vẻ căm thù theo dõi trận đánh và trở nên dữ tợn.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Thật chẳng giống cái chú Goóc-bu-nốp mà Va-nha quen nhìn, mày râu nhẵn nhụi, trắng đỏ, hồn nhiên…

Nhưng chú Goóc-bu-nốp bình thường chỉ là người tốt bụng thì chú Goóc-bu-nốp này thật là một người tuyệt vời.

- Chú Goóc-bu-nốp!-Va-nha kêu lên bằng một giọng thanh thanh, cố gắng hét to hơn tiếng súng.

Liền đó, hai cặp mắt gặp nhau.

Trên mặt Goóc-bu-nốp nở ngay một nụ cười vui sướng, cái nụ cười thường ngày, cởi mở, để lộ hàm răng sún.

- Bé chăn bò! Va-nha!-giọng lực sĩ, đồng thời hơi cao của Goóc-bu-nốp vang lên khắp rừng.-Thằng quỷ xứ! Thế ra chú mày còn sống! Tớ tưởng bị nguy rồi. Anh bạn thân mến, cừ thật!-anh vừa nói vừa lao tới đứng trước Va-nha.-Anh bạn làm chúng tớ lo lắng quá!

Anh ôm chặt lấy cậu bé, ghì sát vào người rồi lấy hai bàn tay nóng hổi ôm má Va-nha và đôi môi cứng nháp của người lính hôn hai lần vào môi cậu bé.

Va-nha cảm thấy hạnh phúc khôn cùng khi hơi ấm của thân hình to lớn, nhễ nhại mồ hôi trong chiến đấu truyền sang người cậu.

Tất cả những gì xẩy ra, Va-nha cảm thấy như trong giấc mơ, trong chuyện cổ tích. Cậu muốn ép mình sát hơn vào Goóc-bu-nốp, ẩn trong chiếc áo mưa của anh và cứ ngồi đến lúc nào cũng được. Nhưng cậu bé sực nhớ mình là bộ đội mà tư cách bộ đội không cho phép có cử chỉ ngu muội như vậy.

Cậu nói vội:

- Chú Goóc-bu-nốp ạ, trong rừng này có một cái hầm tham mưu, nơi chúng đã hỏi cung cháu. Hầm đó tốt hơn cái hầm có đèn đất của chúng ta. To gấp hai lần.

- Thế à?

- Cháu lấy danh dự pháo binh mà nói như vậy.

- Thế có ấm không?-Goóc-bu-nốp chăm chú hỏi.

- Ồ! Ấm nhất hạng. Ở đó còn có cả máy thu thanh. Nói suốt ngày.

- Máy thu thanh à? Chúng mình cần thứ ấy lắm,-Goóc-bu-nốp hối hả nói, máu ham thu vén cho đội bốc lên.- Nào chỉ cho tới cái hầm ấy!

- Gần đây thôi.

- Thế thì phải chiếm ngay, không có người khác lấy mất. Lâu nay tớ thường ao ước kiếm cho đội một cái hầm như thế. Một cái hầm có máy thu thanh. Nó lại nằm đúng ở vùng đóng quân của tiểu đoàn mình.

Hai người chạy vội lại hầm.

- Cái này à?-Goóc-bu-nốp hỏi.

- Vâng, nó đấy,-Va-nha nói, mắt lim dim có vẻ khinh bỉ.

Goóc-bu-nốp lấy ở túi quần ra một cục than, dành riêng cho những trường hợp tương tự, viết vội mấy giòng chữ lớn vào cánh cửa: “Đây là hầm của đội trinh sát trung đội tiểu đoàn bộ tiểu đoàn một tất thắng của trung đoàn pháo binh X. Hạ sĩ Goóc-bu-nốp”.

Trong khi đó, các xe kéo pháo bảy mươi lăm ly đã tiến vùn vụt trong rừng, đi ngoằn ngoèo giữa các thân cây. Tiểu đoàn của đại úy Ê-na-ki-ép đang đổi vị trí đặt pháo.
 
Top