QH Việt-Nga Người Nga tại Việt Nam ✰

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Một Việt Nam thanh bình, đẹp mộc mạc đến nao lòng đã được ghi lại qua ống kính của hai anh em nhà Tarasov trong chuyến hành trình dài 45 ngày.
Video mới đăng tải trên Vimeo của chàng thanh niên người Nga Georgy Tarsov có tên "The road story Vietnam" đang được cộng đồng yêu du lịch khắp nơi thích thú và ủng hộ. Video dài hơn 3 phút và được quay bằng máy ảnh Canon 5D Mark III có rất nhiều hình ảnh đẹp đậm chất con người và phong cảnh Việt Nam.

Georgy Tarsov chia sẻ, anh cùng anh trai của mình đã có chuyến du lịch dài 45 ngày tới Việt Nam từ tháng 9/2014. Đây là trải nghiệm rất tuyệt vời của cả hai anh em. Họ quyết định quay lại video để chia sẻ với mọi người câu chuyện du lịch của họ, những con đường họ từng đi qua và cả những người Việt Nam thân thiện mà họ đã gặp.

Hàng chục những lời khen ngợi của các phượt thủ khắp thế giới được viết dưới video mà Georgy Tarsov đăng tải. Hầu hết đều ngưỡng mộ chuyến đi thú vị của họ cũng như trầm trồ về khả năng quay phim. Còn những người Việt xa xứ như nickname Ha Cao thì viết: "Cảm ơn triệu lần. Tôi đã bật khóc khi xem đoạn video tuyệt vời này. Tôi bỗng nhận ra rằng tôi nhớ quê hương tôi biết bao". Và không ít các bạn trẻ Việt khác đã vào để lại những bình luận cảm ơn Georgy Tarsov đã ghi lại hình ảnh đẹp về Việt Nam.

Xem video về hành trình du ngoạn Việt Nam của hai anh em Georgy Tarsov


TẢI VỀ: Tại đây

Nguồn video: Vimeo (vimeo.com/117669654)
 

Attachments

  • The road story Vietnam-sd.MP4
    22.2 MB · Đọc: 469

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Trong căn hộ đi thuê ở quận Ba Đình, Hà Nội, của Valentina Androsova, cô gái đến từ Siberia, mọi đồ vật đều được dán thêm tờ giấy nhớ, bên trên có ghi một từ tiếng Việt.
Cô cũng chép đi chép lại phụ đề bài hát karaoke ra giấy rồi đọc nhiều lần, từ nào không hiểu thì tra từ điển. Đó là cách học tiếng Việt của nữ sinh người Nga 21 tuổi.

Sau ba năm học tiếng Việt, giờ, Valentina và đồng hương Kirill Polukhin (27 tuổi), sinh viên năm ba khoa Việt Nam học, Đại học Hà Nội, đã có thể trò chuyện vui vẻ với người bản địa.

Không biết gì về Việt Nam, Valentina quyết định khám phá dải đất hình chữ S để hiểu thêm đất nước mà nhiều bạn bè của cô nói là vẫn còn chiến tranh. Ấn tượng với hình ảnh "chiếc nón bài thơ" và "cây lúa", Valentina xin bố mẹ sang Việt Nam sau khi tốt nghiệp trung học. Họ đồng ý và để cô tự chọn lựa cuộc sống của mình.

Valentina kể chuyện học tiếng Việt:

Bạn cùng lớp của cô, Kirill, quê ở thành phố Vladivostok, là con một và từng là sinh viên ngành kinh tế năm thứ hai của Đại học Quốc gia Viễn Đông. Một người bạn cùng trường của Kirill học tiếng Việt kể rằng tiếng Việt "rất thú vị" khiến cậu tò mò. Bỏ ngành kinh tế "khó nhằn", Kirill đăng ký học tiếng Việt một năm ở trường. Sau khi sang Việt Nam du lịch, Kirill quay lại và trở thành sinh viên của Đại học Hà Nội.

Kirill cho biết cô giáo ở khoa rất nhẹ nhàng và nhiệt tình. Cô giải thích cho Kirill và các bạn từ mới, đồng thời hướng dẫn dùng trong từng văn cảnh phù hợp. Nếu học sinh chưa hiểu, cô sẽ đưa ra tình huống hoặc vẽ lên bảng.

Kirill tiết lộ cách học tiếng Việt của cậu là kết bạn rồi "chat chít trên mạng".

"Em copy phần vừa chat ra để đọc lại. Bây giờ xem phần lịch sử trò chuyện thấy trước đây mình viết sai rất nhiều", Kirill chia sẻ.


Kirill từng đặt chân tới rất nhiều nơi ở Việt Nam và dự định sẽ làm trong lĩnh vực du lịch sau khi tốt nghiệp khoa Việt Nam học ở Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Chàng trai người Nga thích nghe nhạc của ca sĩ Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà, thậm chí còn đặt chuông chờ điện thoại là một ca khúc Việt. Ngoài ra, cậu cũng đọc báo tiếng Việt và thường xuyên đọc VnExpress.

"Em học ngữ pháp tốt, nhưng không nói được vì không có môi trường. Sau khi sang Việt Nam, em có cơ hội để phát triển ngôn ngữ", chàng sinh viên 27 tuổi nói.

Valentina tỏ ra khâm phục Kirill bởi anh bạn này biết rất nhiều thành ngữ Việt Nam và đọc các sách tiếng Việt. Kirill thường lên phố Tràng Tiền mua truyện cười và truyện cổ tích Việt Nam, dù lúc đầu đọc không hiểu "cười chỗ nào".

Cảm giác của 'người ngoài trái đất'

Từng học tiếng Việt 7 năm nhưng Roman, đến từ thành phố Saint Petersburg và hiện làm việc tại Việt Nam, cảm thấy vất vả khi phát âm sao cho đúng. Lúc đầu học, Roman thấy vui nhộn vì nhiều từ tiếng Việt giống từ nói tục tiếng Nga.

"Tôi tự học tiếng Việt bằng cách nghe nhạc, nghe và đọc tin tức, giao tiếp với các bạn Việt Nam. Cách học cũng phụ thuộc vào mục đích: cải thiện khả năng nghe, nói, đọc hoặc viết", Roman giải thích.

Học tiếng Việt với cô giáo ở miền Bắc, nhưng giờ Roman lại làm việc ở miền Trung. Sự khác biệt về ngôn ngữ giữa hai vùng miền khiến Roman nhiều phen bối rối.

"Tôi cảm thấy mình giống như người ngoài trái đất vì không hiểu giọng nói của người miền Trung, hơn nữa, một số từ khác nhau như cái thìa ở miền Bắc và cái muỗng ở miền Trung, hoặc câu "đi đâu đấy", miền Trung là "đi mô rứa". Dần dần tôi đã quen và giờ thì hiểu rất nhiều rồi", Roman chia sẻ.

Còn Valentina và Kirill đến giờ vẫn chưa khắc phục được việc nhầm lẫn khi dùng dấu. Ngoài ra, cách xưng hô của người Việt có nhiều cấp bậc và danh xưng khiến cả hai lúc đầu bị bối rối.

"Lúc mới tới Việt Nam, em gọi tất cả mọi người là cô, cả nam và nữ. Sau đó, em mới biết cô là phụ nữ còn chú là đàn ông. Em còn gọi một ông già là chị. Thấy mọi người xung quanh cười, em biết mình nói sai", Valentina cười vui vẻ.

'Em được đối xử như ngôi sao'

Hàng ngày, Valentina tới trường bằng xe máy, còn Kirill đi xe buýt từ nhà trọ ở Kim Mã. Valentina thích đi xe máy cho nhanh "vì xe buýt phải đợi lâu lại có mùi". Lúc mới đi xe, cô hay bị ngã và đâm vào xe phía trước do chưa quen.

Năm đầu đến Việt Nam, Valentina ở trong ký túc xá. Không dám thử đồ lạ, cô chỉ ăn bim bim, bánh mỳ, mỳ tôm và thịt hộp. Giờ, Valentina tự nấu ăn và có thể nấu thành thạo bữa cơm của người Việt gồm rau muống xào tỏi, thịt xào và trứng. Kirill khoe mình thích ăn nem và cuốn nem rất giỏi. Cậu không nấu ăn ở nhà mà hay ăn "cơm bụi".


Valentina (phải) mặc áo dài Việt Nam đi đỡ lễ đám cưới của bạn. Ảnh: NVCC.

Valentina thường về nhà vào kỳ nghỉ hè, còn Kirill đã hơn hai năm qua chưa về thăm bố mẹ. Hàng ngày, cậu nói chuyện với họ qua điện thoại, skype hay viber cho vơi nỗi nhớ nhà. Bố mẹ ủng hộ và "chỉ hơi buồn" khi Kirill quyết định sang Việt Nam sống một mình.

"Bố mẹ em còn trẻ và vẫn đi làm. Họ lo lắng khi em phải sống một mình ở đất nước khác. Lúc mới đến Việt Nam, em rất nhớ nhà, không quen ai để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn", Kirill tâm sự.

Nhiều năm ở Việt Nam, Valentina, Kirill và Roman có đông bạn Việt. Bạn gái Kirill là người Việt và hiện cũng là sinh viên. Kirill thường nhờ cô giải thích những cụm từ khó hiểu. Kirill thích đi du lịch và hay tự khám phá một mình. Kirill từng tự bắt xe khách từ Hà Nội về nhà bạn ở Hải Dương chơi dịp Tết.

Với Valentina, cô nhớ mãi trải nghiệm thú vị và lạ lẫm khi mặc áo dài đi đỡ lễ cho một người bạn Việt Nam.

"Em mặc áo dài rất đẹp nhưng quần chật quá nên người ta phải may thêm một đoạn vải vào. Em cùng các bạn đỡ mâm lễ và trao tiền lì xì cho nhau. Rất thú vị vì ở nước em không như thế", Valentina nhớ lại.

Tình cảm và sự thân mật của gia đình người Việt khiến Valentina và Kirill cảm thấy ấm áp. Valentina từng ăn ba cái Tết ở gia đình người Việt và mê món bánh chưng rán. Những dịp nghỉ dài, cô cũng được mời về nhà bạn chơi.

"Chủ nhà nấu nhiều món ăn như để đón tiếp một người rất quan trọng. Em thấy mình như một ngôi sao. Mọi người đến rất đông và ngồi xung quanh em hỏi chuyện vui vẻ. Ai cũng rất lịch sự và thân thiện", Valentina kể.

Những lúc rảnh rỗi, Valentina cùng bạn đi khám phá phố phường Hà Nội và ăn món ăn vặt. Cô mê món ốc xào, bánh xèo và thường ăn sáng bằng xôi.

Để có thêm tiền chi tiêu, Valentina làm hướng dẫn viên cho người Nga sang Việt Nam du lịch, còn Kirill dạy tiếng Nga cho sinh viên Việt. Anh chia sẻ dự định vào Sài Gòn làm trong lĩnh vực du lịch sau khi tốt nghiệp. Valentina chưa biết chắc sẽ làm công việc gì nhưng cũng muốn thử sức ở mảng du lịch vài năm, trước khi "xê dịch" sang nước khác.


Kirill (ngoài cùng bên trái) và Valentina đi ăn món vỉa hè cùng bạn bè. Ảnh: NVCC.


Cô Trần Lê Phương, chủ nhiệm lớp 1VN12, khoa Việt Nam học, ĐH Hà Nội, cho biết thông thường học hết năm thứ nhất, sinh viên nước ngoài có thể giao tiếp được với người Việt. Trình độ tiếp tục được nâng cao ở các năm tiếp theo và đến năm thứ 4, các em sẽ được học chuyên ngành.

"Valentina và Kirill là những học sinh chăm chỉ, tư duy tốt. Vốn tiếng Việt của Kirill tốt hơn, còn Valentina lại rất thích nói. Điều khiến tôi ấn tượng nhất với hai sinh viên này là họ có thái độ học tập tích cực. Các bạn phản ứng rất nhanh với thông tin cô giáo đưa ra. Ví dụ, khi cô nói tới điều gì, các bạn sẽ hỏi lại để xác nhận, thậm chí hỏi rất nhiều", cô Phương cho hay.

Lớp cô Phương có 24 sinh viên đến từ nhiều quốc gia như Nga, Nhật, Lào, Trung Quốc và Palestine. Theo cô, do sống xa gia đình và ít khi về nhà nên họ rất đoàn kết và chia sẻ. Nhiều sinh viên trong lớp rất năng động khi vừa đi học, đi làm, vừa tham gia cộng tác với đài truyền hình. Ngoài ra, các du học sinh cũng hào hứng tham gia nhiều hoạt động của trường.

"Các em thân thiết với cô giáo như những người bạn", cô Phương cho hay.

Bình Minh
Nguồn: vnexpress.net
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Cô bạn Nga đó khá dễ thương, trước giờ mình vẫn nghĩ chỉ có người Việt thích sang Nga thôi, ai ngờ lại có bạn muốn gắn bó cuộc sống của mình tại Việt Nam...
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

© Photo: Voice of Russia/Elena Nikulina

Các ngư dân Việt Nam đã cứu sống hai khách du lịch Nga trôi dạt ngoài biển trên chiếc cano bị hết xăng.

Theo Tin tức Thanh Nien Online trích dẫn các phương tiện truyền thông địa phương, chiếc cano và những người Nga đã được tìm thấy hôm thứ Hai gần bờ biển Nha Trang, thủ phủ tỉnh Khánh Hòa.

Thuyền trưởng của tàu cá cho biết các khách du lịch trên cano đã bất tỉnh do mất nước. Các ngư dân đã sơ cứu và chuyển giao hai nạn nhân cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Nguồn ruvr. Ru
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chia sẻ sự vui mừng khi đón tiếp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến thăm thành phố.


Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp đón Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.'

Trưa nay 7/4, Thủ tướng Medvedev cùng phái đoàn đã đến thăm TPHCM. Tại phòng vàng Dinh Thống Nhất (quận 1), Thủ tướng Medvedev đã hội kiến Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân. Người đứng đầu thành phố bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Ngài Thủ tướng cùng phái đoàn.

“Chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev vô cùng ý nghĩa đúng dịp 2 nước Việt Nam- Liên bang Nga sắp kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn như: kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít Đức; 40 năm ngày thống nhất đất nước của Việt Nam. Đặc biệt là kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân phát biểu.


Thủ tướng Medvedev cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân và lãnh đạo TPHCM dành cho đoàn.
Thủ tướng Nga cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân và lãnh đạo thành phố với chuyến thăm của đoàn. Sau buổi hội kiến, đoàn Thủ tướng Medvedev đã tham quan Dinh Thống Nhất và dự buổi chiêu đãi của lãnh đạo thành phố.


Thủ tướng Nga tham quan Dinh Thống Nhất và ngắm nhìn đường phố trung tâm Sài Gòn.


Thủ tướng dự buổi chiêu đãi của lãnh đạo UBND TPHCM tại phòng Khánh Tiết.

Lúc 14h30 cùng ngày, Thủ tướng Medvedev đã chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Liên bang Nga được tổ chức tại khách sạn Nikko Sài Gòn. Buổi diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và đại diện gần 100 giới doanh nghiệp Nga, Việt.


Thủ tướng Nga chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Nga cùng sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.


Quang cảnh buổi diễn đàn với sự tham dự của đại diện gần 100 giới doanh nghiệp Nga, Việt.
Tại đây, đại diện 2 ngân hàng mẹ của Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ Hỗ trợ nâng cao vai trò, tiềm lực của Ngân hàng VRB, tăng cường phục vụ đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam- Liên bang Nga.


Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn (người ngồi thứ 2 từ trái sang) và Tân Đại sứ Nga tại Việt Nam (người ngồi bìa phải) chứng kiến lễ ký kết giữa 2 ngân hàng BIDV và VTB.


Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà và ông Andrei Kostin, Chủ tịch Ngân hàng VTB (thành viên tháp tùng cùng Thủ tướng Nga thăm Việt Nam) chúc mừng sau lễ ký kết.
Sau buổi diễn đàn, Thủ tướng Nga cùng phái đoàn đã đến tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (Ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi). Cuối ngày, Thủ tướng Mevedev đến sân bay Tân Sơn Nhất kết thúc chuyến thăm Việt Nam và tiếp tục chuyến công du đến Thái Lan.

Điều bất ngờ của Thủ tướng Nga ở TP.HCM

Ông Kostin, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng VTB - cổ đông chủ đạo phía Nga (49%) trong ngân hàng liên doanh VRB cùng chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà đã gây bất ngờ cho phòng họp diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga tại TP.HCM chiều 7/4.

Trước sự có mặt của Thủ tướng Nga Medvedev và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đại diện 50 doanh nghiệp hai nước, hai ông đứng dậy và tiến lại gần nhau để cùng ký kết bản ghi nhớ hợp tác song phương trong triển khai chương trình thanh toán thương mại trực tiếp bằng nội tệ của hai nước là VNĐ và rúp.

Trong lúc đại diện doanh nghiệp hai nước cầm bút ký và trao nhau bản ghi nhớ, Thủ tướng Nga Medvedev tỏ ra bất ngờ, ông kéo micro: "Tôi đồng ý, điều này thật tốt".


Ảnh: Trần Tuấn

Chỉ ít phút trước đó, Thủ tướng Medvedev, trong phát biểu mở đầu với đại diện doanh nghiệp hai nước về việc khai phá mạnh mẽ những cơ hội đầu tư, đã nói đến cơ chế tháo gỡ những hạn chế, mà một trong số đó liên quan đến tài chính, ngân hàng.

Ngày hôm qua, khi đàm phán về 17 dự án ưu tiên đầu tư kinh doanh giữa hai nước với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội, ông và người đồng cấp đã nhất trí giao cho VTB và BIDV thông qua định chế tài chính liên doanh Việt -Nga thiết kế một chương trình thanh toán thương mại trực tiếp bằng nội tệ, giúp hàng hóa xuất khẩu vào thị trường của nhau dễ dàng, không bị lệ thuộc cán cân thanh toán quốc tế.

Trước khi diễn ra ký bản ghi nhớ với BIDV gây bất ngờ, ông Kostin nói, lẽ ra họ còn chuẩn bị đến tận tháng 5 ký, nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Moscow dự kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Nhưng họ đã âm thầm cùng nhau bàn thảo bản ghi nhớ này 4 giờ đồng hồ trước khi diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga diễn ra ngay tại TP.HCM.

Ông Kostin cho hay, có không ít doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ băn khoăn về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có làm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế. Dù khẳng định đòn trừng phạt với Nga có ảnh hưởng đến một số ngành nhạy cảm mà hai nước hợp tác như năng lượng, dầu khí, tài chính, kỹ thuật quân sự, nhưng ông khẳng định không có trở ngại nào không thể vượt qua.

Theo Chủ tịch VTB, kinh tế Nga không bị khủng hoảng sâu sắc đáng sợ như vậy, các công ty của Nga vẫn làm ăn kinh doanh tốt. Chính phủ Nga có những ủng hộ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực gặp khó khăn.

"Tôi xin khẳng định không có lý do gì để lo lắng. Chúng ta có một lịch sử hợp tác lớn, có triển vọng tốt. Nếu doanh nghiệp hai bên thực sự quan tâm, chúng ta có thể nỗ lực giải quyết mọi vấn đề. Tôi không thấy có những trở ngại mà chúng ta không thể vượt qua. Vì vậy các doanh nghiệp hai nước nên tiếp tục hợp tác bình thường" - đại diện doanh nghiệp Nga phát biểu.

Nói là làm. Ông kết thúc phần phát biểu với việc đứng lên thông báo ký kết ngay bản ghi nhớ với BIDV thông qua định chế tài chính là ngân hàng VRB ngay tại diễn đàn.

Không yếu tố khó khăn nào có thể cản trở


Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người cùng Thủ tướng Nga Medvedev đối thoại với doanh nghiệp hai nước tại diễn đàn, hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á -– Âu (EEU) đang được VN và các bên liên quan đàm phán có thể trở thành một động lực để tăng cường phạm vi cũng như khối lượng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Nga và VN.


Ảnh: Trần Tuấn
Phó Thủ tướng cho hay, nhóm hàng hóa VN có lợi ích căn bản theo hiệp định này có thể làm đa dạng hóa thị trường tiêu dùng của Nga như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ.

Hiện Nga có 104 dự án đầu tư vào Việt Nam trị giá gần 2 tỷ USD. Các lĩnh vực hợp tác kinh doanh truyền thống gồm dầu khí, khai khoáng, năng lượng, giáo dục đào tạo, chế tạo máy, trao đổi khoa học công nghệ, du lịch, lao động lâu nay đều có giá trị tăng trưởng tốt song theo Phó Thủ tướng, ngoài cơ hội mà hiệp định nói trên đem lại thì còn nhiều cơ hội khác đang mở ra.

Đó là việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN khi khối này trở thành cộng đồng chung cuối năm nay, cũng như hàng loạt hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các nước, khu vực có hiệu lực. Nên doanh nghiệp Nga bước chân vào thị trường Việt Nam không chỉ bước vào một thị trường có 90 triệu dân mà nhiều hơn thế.

"Không có yếu tố nào có thể gây khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, thương mại, đầu tư giữa hai nước, giữa cộng doanh nghiệp hai nước" - Phó Thủ tướng cam kết.

Thủ tướng Medvedev cho rằng, với hiệp định thương mại tự do đang đàm phán, Nga dành cho Việt Nam ưu đãi khá lớn, tính tối đa mong muốn của Việt Nam trong tiếp cận, đưa hàng hóa sang thị trường của Nga như hải sản, sản phẩm công nghiệp nhẹ.

Ông cũng lưu ý các dự án lớn tiêu biểu trong thương mại, đầu tư của Nga vào Việt Nam hay được nhắc tới đều là những dự án đã triển khai, do đó cần làm sao mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới. Như việc người ta có thể nhắc tới một dự án liên doanh sản xuất ô tô của hai nước, liên doanh viễn thông, công nghệ y học.

Trong 17 dự án ưu tiên được chốt trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam hôm qua có 13 dự án của phía Nga, 4 dự án của phía Việt Nam.

"4 dự án công ty Việt Nam bao gồm dầu khí khoáng sản, chế tạo máy bay, năng lượng điện, giao thông, công nghiệp nhẹ, hóa học có ý nghĩa quan trọng, giúp chúng tôi tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa với Việt Nam" - Thủ tướng Nga cho hay.

Xuân Linh
Nguồn: tienphong.vn, vietnamnet.vn
 
Top