13 - Nước Nga nhìn từ xa
Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 13:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Lê Mai
Năm sinh: 1971
Nơi sống: Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
Có lẽ, không mấy ai không nhớ hai câu thơ trên của nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên. Nó diễn đạt quá hay, quá sâu sắc, quá tinh tế về một quy luật tình cảm con người khi đến ở một vùng đất mới và rồi ra đi. Tôi nghĩ, phải chăng hai câu thơ ấy hay thì hay thật đấy, nhưng chưa đủ ? Bởi, đối với tôi, còn có những vùng đất, dẫu chưa đến đó, mà ta cảm thấy như đã đến tự lâu rồi, thân thuộc, yêu thương, gần gũi..."quen thuộc quá đến bất ngờ kỳ lạ". Một trong những vùng đất ấy - nước Nga, nước Nga trong cảm nhận của tôi về con người, văn hóa, thiên nhiên và cuộc sống...nhìn từ xa, bởi chưa một lần tôi được đặt chân đến đó.
Song, tôi đã cảm nhận nước Nga ở một khoảng cách khá gần, khi trên bầu trời châu Âu, nhìn qua cửa sổ máy bay, thấy mênh mông những cánh đồng lúa mì bát ngát, vuông vức như những ô bàn cờ. Những con đường xa vắng – "đường bạch dương sương trắng nắng tràn" dường chạy đến tận chân trời. Những con sông uốn khúc lững lờ trôi giữa đôi bờ. Những ngôi nhà gạch màu vàng bên sườn núi. Nhận ra chiều đã buông mành, tôi chợt nhớ tới giai điệu bài hát
Chiều Mátxcơva đầy tình cảm, thiết tha, sâu lắng.
Chính bài hát ấy được M.X.Goócbachốp cất lên trong một cuộc gặp gỡ với Ronan Regan. Ký ức đưa tôi trở về nước Nga những năm tám mươi thế kỷ trước. Tháng 3 năm 1985, M.X.Goócbachốp lên làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô sau khi một loạt các Tổng bí thư tiền nhiệm là L.I. Brêgiơnép, C.U.Trécnencô, Iu.V.Anđrôpốp liên tiếp qua đời. Còn nhớ, từ Việt Nam, chúng tôi hướng về quảng trường Đỏ Mátxcơva dường như đang lặng đi trong niềm tang tóc, vĩnh biệt các Tổng bí thư. Hàng loạt tiếng đại bác vang lên làm hoảng loạn lũ bồ câu trên tháp chuông nhà thờ thánh Ivan Đại đế. Những vị khách phương Tây co ro, run rẩy trong làn áo mỏng giữa mùa Đông nước Nga. Người ta thấy, "bà đầm thép" Margaret Thatcher lập cập khua đôi giày thời thượng đi lên vì chưa quen với thời tiết băng giá của Liên Xô. Trên Hồng trường tràn ngập một biển người tới đưa tiễn các Tổng bí thư.
Làn sóng cải tổ và tư duy mới ở nước Nga do Goócbachốp khởi xướng lan truyền mạnh mẽ đến Việt Nam, tác động không nhỏ đến các quyết sách của Việt Nam. Công cuộc "Đổi mới" của Việt Nam cũng bắt đầu. Xã hội khởi sắc, nền kinh tế năng động hẳn lên. Người ta hy vọng vào tương lai sáng lạn, vào sức mạnh vô địch của chủ nghĩa xã hội. Người Việt Nam hướng về nước Nga – quê hương cách mạng với niềm tin vô bờ bến. Nước Nga...nhìn từ xa, nhưng tôi cảm thấy nước Nga thật gần gũi và ấm áp.
Thời gian trôi nhanh. Rồi như một tiếng sét giữa trời quang, một trong những sự kiện lớn nhất thế kỷ XX đột ngột xẩy ra mà không ai có thể dự đoán: Liên Xô sụp đổ. Goócbachốp, Tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô từ chức vào tháng 12 năm 1991. Tôi còn nhớ, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu cảnh xe tăng chạy vòng vòng trên đường phố Mátxcơva. Các bản tin đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam về tình hình Liên Xô bán rất chạy. Đài BBC, Đài VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) thu hút nhiều người nghe. Liên tục là tin giải tán Đảng, Nhà nước Liên Xô làm người Việt Nam sửng sốt. Một nước Nga mới ra đời trong Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG. Ôi nước Nga !
"Lênin đang nghĩ suy gì/Kemlin in bóng thành trì, lặng im ?".
Vì sao Liên Xô sụp đổ ? Một đất nước hùng mạnh đã chiến thắng phát xít Đức, đã đưa con người lên vũ trụ, đã chế tạo được bom nguyên tử, xây dựng vô số công trình vĩ đại, đứng đầu hệ thống các nước XHCN, lại sụp đổ trong chớp mắt? Vì sao và vì sao – câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà chính trị. Hãy để lịch sử đánh giá. Nhưng, câu hỏi đó vẫn cứ vang lên trong tôi, cho đến tận bây giờ.
Càng suy ngẫm, tôi càng thấy, chế độ là nhất thời, dân tộc mới là vĩnh viễn. Đó là chân lý. Dân tộc Nga, văn hóa Nga, con người Nga là mãi mãi. Xét cho cùng, sức mạnh của một dân tộc chính là sức mạnh văn hóa. Mỹ thua ở Việt Nam vì họ không hiểu văn hóa Việt Nam đó sao ?
Tôi không dám và tất nhiên - không đủ tư cách bàn về văn hóa Nga. Song, văn hóa Nga...nhìn từ xa trong tôi vẫn vô cùng gần gũi. Một cuốn sách, một bài thơ, một bức họa phong cảnh nước Nga cũng đủ làm ta bồi hồi.
Nói đến "một bức họa phong cảnh nước Nga", dĩ nhiên phải nói đến
Mùa thu vàng của danh họa Lê-vi-tan. Vẻ đẹp của nó làm ta ngỡ ngàng. Một dòng nước êm đềm, quanh co chảy giữa đôi bờ cỏ mượt, hàng cây nhỏ đứng bên nhau lặng lẽ, xa xa là những đám màu mây xanh và trắng bạc, khung cảnh buồn và đẹp đến nao lòng. Thiên nhiên Nga đẹp làm con người Nga thêm đẹp và ngược lại.
Mùa thu vàng của Lê-vi-tan hay giọng đọc của phát thanh viên Lê-vi-tan huyền thoại, từng làm Hitler điên đầu, đều là kết tinh tuyệt vời của nền văn hóa Nga.
Đi trên đất Đức, một cách tự nhiên, tôi thường liên tưởng đến nước Nga. Lịch sử của nước Nga là lịch sử chiến thắng. Người Nga đã chứng tỏ được phẩm chất phi thường của mình trong chiến tranh. Nhìn những sườn đồi, những cánh đồng trải dài, tôi nghĩ địa hình này đúng là rất thích hợp với các trận chiến xe tăng. Có vẻ địa hình châu Âu là như vậy. Tôi cố hình dung, nơi nào đã diễn ra các trận đánh quyết định của quân đội Liên Xô, kết liễu số phận nước Đức phát xít năm 1945. Bất chợt, tôi lại nghĩ về những bộ phim chiến tranh trên
tiengnga.net như
Giải phóng, Trận đánh Mátxcơva, Phong tỏa, Hồ sơ thần chết... cực hay. Giới thiệu một cách chọn lọc những tinh hoa văn hóa Nga, không nghi ngờ gì nữa, tiengnga.net đang làm cho nước Nga...nhìn từ xa càng gần lại đối với người Việt Nam nói chung và đối với tôi nói riêng.
Tôi thích các truyện ngắn của Sêkhốp, tỷ như
Người đàn bà có con chó nhỏ - một câu chuyện tình hay, đầy tính biểu tượng;
Bông hồng vàng và bình minh mưa của Pautốpxki - một tâm hồn Nga tuyệt đẹp với trái tim rực lửa yêu thương, hay thơ Maiacôpxki, Pushkin. Rồi
Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình là những tác phẩm kinh điển, không ai có thể bỏ qua. Song, tôi không thích lắm
Thép đã tôi thế đấy – có vẻ nó lên gân và mang nặng tính tuyên truyền quá chăng ?
Lịch sử đã đưa nước Nga và Việt Nam xích lại gần nhau. Cả hai nước đều có thiên anh hùng ca của mình. Và cũng có không ít "vấn đề" trong thiết chế xã hội. Hãy đọc
Những người loạn họp của Maiacốpxki để thấy một khía cạnh của nó, ở nước Nga (trước đây ?) và Việt Nam (kể cả hiện nay):
Một ngày
Chúng tôi
Họp hai chục bận
Họ phải đi hai cuộc họp một lần
Biết tính sao đành cắt đôi thân
Ở đây một nửa tới ngang hông
Còn nửa kia
Đi họp hành nơi khác
Ấy là do quá nhiều cuộc họp. Tại sao ? Khi người ta không chịu suy nghĩ, không nắm vững vấn đề, không muốn chịu trách nhiệm – họ sẽ bày ra các cuộc họp. Cho nên, nhà thơ mong muốn, có thêm một cuộc họp – chỉ một cuộc họp thôi, để mà thanh toán tất cả các cuộc họp trên đời, quả là rất chí lý ! Tất nhiên, để "cuộc họp" đó thành công, chắc rằng vấn đề không hề đơn giản.
Còn nhớ đến Pushkin, người được mệnh danh là Mặt trời thi ca Nga, trước hết tôi nhớ đến bài thơ ứng tác này:
Mặt trời đang mọc ở đằng Tây
Thiên hạ sống trên trái đất này
Ngơ ngác nhìn nhau và tự hỏi:
Thức dậy hay là ngủ tiếp đây!?
(Tương truyền khi còn đi học, trong giờ địa lý, có một người bạn vì ngủ gật nên bị thầy giáo ra câu hỏi có phải mặt trời mọc ở hướng Tây ? Người bạn giật mình trả lời theo quán tính câu hỏi của thầy giáo là mặt trời mọc ở đằng Tây. Câu trả lời ngớ ngẩn đã khiến cả lớp cười nhạo. Thấy vậy Pushkin liền ứng tác ngay bài thơ trên).
Nước Nga...nhìn từ xa trong tôi biết bao nhiêu chuyện, nói sao cho hết. Cả những câu chuyện tưởng như huyền thoại. Những con Rồng lửa Thăng Long - tên lửa SAM-2 của Liên Xô, lao vút lên bầu trời Hà Nội hạ máy bay B52 của Mỹ. Những đoàn xe vận tải Zil, Môtôrola nối đuôi nhau vào chiến trường. Quân trang, quân dụng, vật tư, cả bột mỳ nữa, không thiếu thứ gì. Nước Nga luôn ở bên cạnh Việt Nam – trước hết và sau cùng, bằng sự giao lưu và hội nhập nền văn hóa, dĩ nhiên mỗi nền văn hóa vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Tôi chưa có dịp đến nước Nga, nhưng Mátxcơva dường như quá quen thuộc với tôi. Ngày Chiến thắng nào mà tôi không nhìn thấy hình ảnh của nó ? Trang sách lịch sử nào tôi đọc mà không nhắc đến nó ? Tôi chưa được đi dưới những cánh rừng bạch dương Nga, nhưng biết bao nhiêu giai điệu đẹp, sâu lắng về nó tràn ngập trong tôi. Tôi chưa được nhìn thấy tuyết rơi trên những cánh đồng Nga, nhưng những áng văn Nga tôi đọc tự ngày xưa về đất đai, bãi bờ, sóng nước... đã làm tôi luôn hướng về nơi ấy, như một vùng đất quá đỗi thân quen. Cũng như một tình yêu bền chặt, càng được thử thách, càng bộc lộ tính chất sâu xa của nó – tình cảm, cảm nhận của tôi về nước Nga là như vậy.
Trước mắt tôi là quyển
Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, và tôi dừng rất lâu ở trận Borodino. Bên phải tôi lại thêm quyển
Nhớ lại và suy nghĩ của Nguyên soái Giu-cốp – bốn lần anh hùng Liên Xô, và trang sách đang mở lại là cuộc chiến bảo vệ Mátxcơva. Lịch sử đã chứng tỏ, con người Nga, tinh thần Nga là bất diệt ! Đó là điều tôi muốn nói thêm để kết thúc vài cảm nhận về nước Nga...nhìn từ xa của mình.
Tự đáy lòng sâu thẳm, tôi hy vọng và tin rằng, sẽ có ngày tôi được bước đi trên đất Nga, dưới bầu trời tự do của nước Nga. Và khi đó, cảm nhận về nước Nga...nhìn gần có lẽ sẽ phong phú hơn, sâu sắc hơn. Còn giờ đây, lịch sử, con người và văn hóa Nga vẫn luôn in dấu đậm nét trong tôi.
Đà Nẵng, đầu năm 2016
Lê Mai