© flickr.com/Brian J. Matis/cc-by-nc-sa 3.0
Trên đồi Poklonnaya ở Moskva vừa khai trương lễ hội "Lịch sử đồ chơi Năm Mới."
Truyền thống dựng cây thông nhân dịp Năm mới do Nga Hoàng Peter I đặt ra sau lần ông đến thăm Đức và Hà Lan. Trước năm mới 1700, Peter I đã ra chỉ dụ cho thần dân nước Nga phải ăn mừng năm mới vào ngày 1 tháng 1 thay vì 1 tháng 9 như trước đó.
Một chỉ dụ khác của Peter I cũng nói rõ: "...Ngoài sân, trước cửa nhà phải dựng cây thông, cây vân sam hoặc cây bách xù, treo những đồ trang trí trên cành thật rực rỡ để đón ngày đầu tiên của năm mới!". Sắc lệnh của nhà vua được cả nước thực thi, nhưng không ai dám dỡ bỏ cây thông trang trí sau khi Năm mới đã qua vì nhà vua không ra chỉ dụ tương ứng. Cây thông mừng Năm mới vẫn tiếp tục đứng trước quán rượu và các ngôi nhà, rụng hết lá, trơ cành khô như những chiếc gậy. Do đó mà mỗi khi tức giận, người Nga thường nói “ёлки-палки”.
Ban đầu, tại Nga, đồ trang trí cây thông năm mới được sản xuất thủ công. Tầng lớp quý tộc và những người giàu có dùng đồ chơi nhập khẩu từ Châu Âu. Tại Klin, trong những năm đầu thế kỷ 18, theo lệnh của Sa hoàng, ông Alexander Menshikov đã mở xưởng sản xuất đồ trang trí cây thông bằng thủy tinh. Đáng nói là truyền thống này không hề bị gián đoạn và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Nhà máy sản xuất quả cầu thủy tinh trang trí Giáng sinh đã chuyển đến thị trấn lân cận Vysokovsk, có tên là "Cây thông nhỏ". Gần đó là Bảo tàng đồ trang trí Giáng sinh.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tục lệ trang trí cây thông Năm mới không phải ngay lập tức trở thành truyền thống. Ở Nga, sau hơn 100 năm, truyền thống đó mới trở nên phổ biến. Năm 1818, công chúa Đức Alexandra trở thành Hoàng hậu của Sa hoàng Nicholai. Bà ra lệnh phải dựng cây vân sam trang trí bằng bánh kẹo và trái cây trong cung điện hoàng gia. Cây Giáng sinh trở thành mốt thịnh hành trong giới thượng lưu và cận thần, sau đó lan khắp thành St. Petersburg, rồi dần dần lan ra toàn bộ nước Nga. Cây thông Năm mới được người Nga vô cùng yêu thích. Kể từ những năm 1840, vào dịp cuối năm, Moskva và St. Petersburg mở chợ bán cây thông Năm mới và Giáng sinh.
Khi những người Bolshevik lên nắm quyền vào năm 1917, cây thông Năm mới như một lời nhắc nhở về tôn giáo và lễ Giáng sinh đã bị cấm. Dựng cây thông trong nhà thậm chí còn rất nguy hiểm. Có lẽ vì lý do đó mà ngày nay, đồ trang trí Giáng sinh thời kỳ cấm đoán đó rất quý hiếm và đắt tiền nhất. Mãi đến năm 1935 tình hình mới thay đổi: điện Kremlin quyết định trở lại với truyền thống cũ. Tuy nhiên, người Nga khi đó không được đón mừng ngày Chúa Kitô ra đời, mà chỉ được kỷ niệm Năm mới. Điều này được thể hiện ở chỗ trong nước lại tiếp tục sản xuất đồ trang trí cây thông. Thay vì ngôi sao Bethlehem, chóp cây thông Liên Xô được trang trí bằng ngôi sao đỏ năm cánh. Thay vì những quả cầu và các thiên thần, cây thông Liên Xô treo các đồ chơi hình người, con giống và hoa quả.
Hiện nay đồ chơi Giáng sinh và Năm mới không chỉ là vật trang trí lễ hội, mà còn là niềm tự hào của người sưu tập. Đặc biệt, giới sưu tầm không chỉ đánh giá cao đồ chơi cổ và đồ trang trí Giáng sinh của thời kỳ Xô Viết như ngôi sao đỏ, lá cờ, tượng phi hành gia v.v. Người Nga bây giờ có mốt tặng nhau đồ trang trí cây thông lạ và đắt tiền nhân dịp Năm mới và Giáng sinh.
Nhân dịp lễ hội Giáng sinh năm nay, bảo tàng trưng bày mấy trăm mẫu đồ chơi trang trí cây thông Giáng sinh thời Liên Xô, lâu đời nhất là từ năm 1936. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 11 tháng 1 năm 2015.
Nguồn ruvr .ru