Tháng 2, tháng 3 hàng năm là thời điểm rất quan trọng đối với ngành giáo dục nước Nga, đặc biệt là đối với các trường đại học. Đây là lúc mà học sinh trung học đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp quốc gia quan trọng nhất trong năm. Kết quả kỳ thi này cũng là căn cứ đề các trường đại học Nga xét tuyển. Học sinh trên toàn Liên bang Nga sẽ làm chung một đề thi, vào cùng một thời điểm. Điểm thi của thí sinh vừa để xét tốt nghiệp trung học, vừa là điểm tuyển sinh vào đại học.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học quốc gia tại Liên bang Nga
Bạn Nguyễn Văn Hải (cựu học sinh trường Trung học số 27, hiện là sinh viên Đại học Tài chính Moscow), cho biết, tháng 6 hàng năm, học sinh trung học tại Nga sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp quốc gia (ЕГЭ). Theo quy định của Bộ Giáo dục nước này, các môn thi gồm tiếng Nga, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Văn học, Lịch sử, Xã hội học, Khoa học máy tính. Trong đó, tiếng Nga và Toán là hai môn bắt buộc. Thí sinh có thể lựa chọn các môn còn lại tùy thuộc yêu cầu của trường đại học hoặc ngành mà học sinh muốn ứng tuyển. Khoảng tháng 3 hàng năm, các khoa của trường đại học bắt đầu mở hội thảo hoặc triển lãm để thu hút học sinh đăng ký.
Hình thức thi là trắc nghiệm trên giấy. Riêng phần “Nói” của môn Ngoại ngữ thi vấn đáp, sẽ được ghi âm để lưu trữ và chấm công khai trước cả hội đồng. Điểm của kỳ thi được chấm thang 100. Học sinh có giải thưởng quốc gia sẽ được cộng điểm ưu tiên. Điểm thi này có hiệu lực tới ngày 31/12 của năm sau. Nghĩa là, nếu bạn thi vào tháng 6/2016, thì điểm thi có hiệu lực tới ngày 31/12/2017.
Sau kỳ thi, mỗi học sinh sẽ được nộp hồ sơ vào 5 trường đại học. Các trường công bố điểm chuẩn (mỗi trường một mức khác nhau). Ví dụ như Đại học quốc gia Moscow năm 2015, điểm chuẩn cho 3 môn là 250, trong khi để bước chân được vào Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Nga, thí sinh phải đạt 265 điểm trở lên. Ghi danh được vào trường, sinh viên sẽ lựa chọn ngành, khoa để theo học. Hầu hết các trường đại học tại Nga đào tạo 3 ngành: Kinh tế, Xã hội, Tự nhiên.
Các trường khai giảng vào ngày 1/9. Nếu trượt kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, học sinh có thể thi lại vào năm sau, hoặc học cao đẳng, hay các trường dạy nghề. Trong trường hợp thi trượt 1 môn, thí sinh đó có thể thi lại ngay trong năm đó, các trường đại học tiếp tục tuyển sinh bổ sung. Văn Hải đánh giá, đề thi tốt nghiệp khá dễ và đơn giản. Đề bài môn tiếng Nga và Toán chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản. “Hầu như học sinh, sau khi thi tốt nghiệp, đều đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, hoặc học nghề, tùy vào nhu cầu và sức học của mỗi người. Các trường sẽ có những học bổng trao cho học sinh có điểm tốt nghiệp cao”, nam sinh này cho biết thêm.
Thắt chặt đầu ra tại các trường Đại học Nga
Tuyển sinh vào đại học ở Nga không quá căng thẳng, nhưng để tốt nghiệp đại học không phải chuyện đơn giản. Đinh Xuân Trường, sinh viên ngành Quảng cáo và quan hệ công chúng, trường đại học Xã hội Quốc gia Nga (Российский государственный социальный университет), thành phố Moscow, kể, sinh viên phải đảm bảo được điểm số trong suốt 4 năm học, đi học chuyên cần, đủ điểm cho các bài luận, bài tập lớn, bài thực hành… Số lượng môn học nhiều, nặng lý thuyết, kỳ thi vấn đáp “khó nhằn”… Đến năm thứ ba và thứ tư, sinh viên bắt đầu bước vào các môn chuyên ngành, với sự yêu cầu tập trung rất cao. Giảng viên tại Nga chỉ đóng vai trò hướng dẫn và truyền đạt kiến thức. Một học kỳ, tùy ngành học, số bài luận sinh viên cần làm có thể đến hàng chục. Các thầy cô liên tục giao những bài thực hành, tiểu luận, bài tập lớn nhỏ. Sinh viên phải hoàn thành tất cả yêu cầu đó mới được thi cuối kỳ.
Các môn học tại Nga chia thành môn Điều kiện và môn Thi. Sinh viên chỉ được tham dự các môn Thi khi vượt qua tất cả các môn Điều kiện. Kỳ thi tại Nga tổ chức dưới hình thức vấn đáp, với số câu hỏi mỗi kỳ thi lên tới 150-200 câu hỏi/môn. Sinh viên đến phòng thi, chọn đề thi và chỉ được chuẩn bị trong vòng 2-3 phút. Đề thi có 3 câu, trong đó 2 câu kiểm tra lý thuyết, và 1 câu thực hành hoặc test sự hiểu biết của sinh viên. Điểm đại học tại Nga chấm theo thang điểm 5. Để đạt được điểm số này, giảng viên yêu cầu ở sinh viên sự chuyên cần, bài tập đầy đủ, sôi nổi trong giờ học, trả lời được toàn bộ các câu hỏi trong đề thi. Với yêu cầu 75% điểm 5 trong các năm học để được bằng đỏ, số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở một lớp chỉ đếm được trên một bàn tay.
Theo lời Minh Trang (21 tuổi, sinh viên Đại học tổng hợp Quản lý Liên bang Nga – Государственный университет управления), số sinh viên không đủ điều kiện thi, điểm kém, nợ thi, học lại, không đạt đủ điểm chuyên cần, phải bỏ dở giữa chừng rất nhiều. “Lớp mình năm nhất có 35 bạn, đến khi thi tốt nghiệp chỉ còn 14 người. Số còn lại đều không trụ được với lịch học nặng hoặc phải bỏ cuộc ở các kỳ thi”, Minh Trang chia xẻ.
Theo một số du học sinh Việt Nam, mặc dù học đại học ở Nga khá vất vả, nhưng sinh viên Việt Nam rất tích cực và được đánh giá cao. Xuân Trường cho biết, tỷ lệ sinh viên Việt tốt nghiệp bằng giỏi hàng năm xấp xỉ 90%, các giải Olympic toàn bang, toàn nước Nga đều có tên của sinh viên Việt. Số sinh viên tốt nghiệp với điểm trung bình 5.0 không hiếm.
Mở rộng đầu vào với sinh viên nước ngoài
Phạm An Trung, sinh viên Đại học tổng hợp Kỹ thuật Giao thông đường bộ Moscow (Московский Автомобильно-Дорожный Государственный технический университет), cho hay, với riêng sinh viên nước ngoài, các trường đại học tại Nga có chính sách hỗ trợ và mở rộng đầu vào. Các học sinh có bằng tốt nghiệp và học bạ trung học phổ đều trúng tuyển vào trường. Họ sẽ có 1 năm học tại khoa dự bị của trường, chia thành các ngành xã hội, tự nhiên, kinh tế, và được trang bị vốn tiếng Nga và kiến thức cơ bản cho chuyên ngành học ở đại học. Cuối kỳ học, sinh viên trải qua kỳ thi đánh giá để được nhận “Giấy chứng nhận hoàn thành khóa dự bị”. “Du học sinh Việt học ở Nga thường hơn bạn cùng lớp từ 2-3 tuổi, vì ở Nga chỉ học 11 lớp, trong khi ở Việt Nam là 12 lớp. Sinh viên Việt Nam còn tốn thêm 1 năm học dự bị nữa”, An Trung giải thích.
Hàng năm, Chính phủ liên bang Nga dành rất nhiều suất Học bổng du học Nga cho du học sinh Việt Nam. Đặc biêt, học bổng nga 2017 như thường lệ vẫn bao gồm cả dạng tài trợ toàn phần 100% (học bổng toàn phần) thông qua các kỳ thi Olympic và hình thức xét duyệt hồ sơ học bổng.