QH Việt-Nga Hợp Tác Kinh Tế

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

Mã chèn diễn đàn :

Ngày 25 tháng 11, Tổng Bí thư BCH Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev. Chủ đề hội đàm là thực tế phong phú của đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Song hành với những vấn đề quốc tế, trong chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao Nga-Việt còn có triển khai Khu vực Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), hợp tác về năng lượng và đầu tư, trao đổi khoa học, giáo dục và văn hóa.



Còn có những nội dung không kém quan trọng cần được thảo luận tại cuộc gặp của các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam và Nga, - ông Vladimir Buyanov, Giám đốc Học viện Kinh tế và Pháp luật Matxcơva, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt nêu ý kiến.

“Trong bối cảnh lệnh trừng phạt từ EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia chống Nga và các biện pháp đáp trả của Nga về cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm của những nước này, chúng ta có thể mở rộng đáng kể nguồn cung cấp từ Việt Nam sang Nga. Ngoài hàng loạt mặt hàng hải sản, Việt Nam có thể cung cấp cho thị trường Nga cả loại rau, trái cây cùng thịt lợn và thịt gia cầm. Về công nghiệp thì hiện giờ, khi Chính phủ đặt ra nhiệm vụ tăng cường chế tạo tàu biển, chúng ta có thể tích cực khai thác công suất của các cơ sở đóng tàu của Việt Nam”.

Trợ giúp tăng tốc sản xuất trong những ngành công nghiệp khác nhau ở Nga còn có thể là nhân lực lao động Việt Nam. Có lẽ ai cũng công nhận rằng người Việt nổi tiếng là siêng năng và khéo léo trong công việc, như đã thể hiện cả qua thực tế nước Nga. Nhưng để khai thác và sử dụng ưu điểm này, cần giải quyết vấn đề khác bức xúc vẫn đang tiếp diễn, đó là dòng nhập cư và di trú bất hợp pháp Việt Nam tại Nga. Đó là vấn đề visa-thị thực, - ông Vladimir Buyanov nói tiếp.

“Sự hiện diện của các công dân Việt Nam ở Nga là vấn đề nhạy cảm khá lớn đáng quan ngại. Chúng tôi đề xuất cấp cho người lao động Việt Nam thị thực làm việc trong 3 năm, thực tế như vậy hiện có ở Nga tuy chưa phổ biến. Đề nghị thứ hai của chúng tôi là tạo lập tổ chức tự quản của Việt Nam, trong đó hoạch định khái niệm phát triển loại hình doanh nghiệp nhỏ ở Nga, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt. Tổ chức này có thể trực thuộc Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt, cũng như cấp chính quyền thành phố Matxcơva để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến công việc của người Việt ở nước Nga”.

Tất cả những đề nghị đã được chuyển đến ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam với các thành viên Hội Hữu nghị Nga-Việt và các cựu chiến binh Nga tham gia chiến tranh Việt Nam. Tổng Bí thư BCH Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá những ý kiến này là biểu hiện rõ nét của tình cảm chân thành mà nước Nga dành cho Việt Nam đồng thời là phương thức tốt để củng cố tình hữu nghị đã gắn bó nhân dân hai nước nhiều thập kỷ nay.

Những liên hệ bền chặt nhất giữa hai nước chúng ta là thông qua trái tim của mọi người. Thông qua trái tim của hàng chục nghìn người Việt Nam từng học tập và làm việc ở Liên Xô và Nga, thông qua trái tim của hàng nghìn người Nga từng tham gia bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam. Không nên để mất những liên hệ quí giá này mà cần chuyển tiếp cho thế hệ trẻ để được nhân lên thêm nữa. Cũng chính mục đích đó hàm chứa trong các dự án mà Hội Hữu nghị Việt-Nga sẽ xúc tiến trong năm tới, là năm kỷ niệm chẵn trọng đại của Nga và Việt Nam. Ý nghĩa nhất là thành lập trường Đại học Tổng hợp Nga-Việt về ngành xã hội nhân văn và khánh thành tượng đài phi hành gia Xô-viết German Titov trên hòn đảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên ở Vịnh Hạ Long.
 

Attachments

  • Rossiya_Vietnam-Pomotsh.mp3
    5 MB · Đọc: 453

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Quan hệ Nga Việt: Bước tiến mới trên con đường chung


© Photo: RIA Novosti/ Alexei Druzhinin

Chuyến thăm Nga chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kết thúc ngày 25 tháng 11 là một bước tiến mới trong việc tăng cường và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao kết quả của chuyến thăm và tình trạng quan hệ Nga-Việt. Ông Putin nói:

“Cuộc đối thoại chính trị hiệu quả và lâu dài được duy trì ở tất cả các cấp. Trong quá trình đàm phán đã thảo luận chi tiết một loạt các vấn đề hợp tác song phương và vạch ra kế hoạch cho tương lai. Theo kết quả cuối năm 2013, kim ngạch thương mại Nga-Việt tăng 8,5% và đạt gần 4 tỷ USD. Trong những năm tới, chúng tôi chắc chắn có thể đạt được con số 10 tỷ USD. Việc thành lập khu vực tự do thương mại giữa các nước thành viên Liên minh Hải quan và Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần tăng cường hợp tác. Các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn cuối cùng. Hai bên nhất trí tăng cường việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cho Nga.”

Hai nước đã ký các văn bản quy định việc mở rộng hợp tác về năng lượng, liên lạc truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, giao thông hàng hải, cũng như Hiệp định về quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ. Các bên cũng đã thảo luận về việc sử dụng chung hệ thống vệ tinh GLONASS, cụ thể là về việc bố trí tại Việt Nam trạm quan trắc của hệ thống Nga.

Sự quan tâm lớn nhất trong chuyến thăm được dành cho sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Gazprom Neft và Petrovietnam đã ký kết thỏa thuận khung để khai thác mỏ Nagumanovsky và Bắc Purovski ở Nga, cũng như thỏa thuận thành lập liên doanh để phát triển mỏ dầu Dolginskoye ở biển Pechora, có trữ lượng ước tính khoảng hơn 200 triệu tấn. Ngoài ra cũng đã ký kết hợp đồng về việc kể từ năm 2016 Nga sẽ cung cấp 6 triệu tấn dầu thô/năm cho nhà máy lọc Dung Quất tại Việt Nam.

Hợp tác Nga-Việt đang phát triển với một tốc độ khả quan, nhưng trạng thái hiện tại chưa tương ứng với tiềm năng của cả hai nước. Trưởng bộ môn lịch sử các nước Đông Á kiêm Giám đốc Viện Hồ Chí Minh của trường đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov bình luận:

“Hai nước chúng ta có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, khoa học và giáo dục. LB Nga cần phải hiển thị tất cả những gì tốt nhất để cạnh tranh trong thị trường Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu. Để làm điều đó cần phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia. Chỉ có phối hợp các nỗ lực của ba bên mới có thể thành công ở Việt Nam, đất nước đang đa dạng hóa các mối quan hệ với bên ngoài trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế.”

Nga và Việt Nam có tài sản vô giá: đó là những thập kỷ hữu nghị và hợp tác, đó là sự viện trợ lớn lao của Nga dành cho Việt Nam trong những năm khó khăn kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ và giai đoạn xây dựng hòa bình mà Việt Nam không bao giờ quên. Đây là vốn quý cần phải bảo tồn và phát triển, và hai nước có tất cả mọi điều kiện cần thiết để làm điều đó.

Nguon: vietnamese.ruvr.ru/2014_11_26/280531259/
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
(PetroTimes) - Ngày 25/11/2014 tại Sochi, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức LB Nga của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, nhiều văn kiện quan trọng đã được ký kết, trong đó có 4 văn bản do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ký kết với các đối tác Nga.



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn và Chủ tịch Tập đoàn Gazprom A. Miller.



Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và coi trọng sự hợp tác có hiệu quả, thiện chí của LB Nga và các doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí; với sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, các đối tác Nga luôn là các đối tác chiến lược. Hợp tác đầu tư thông qua trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ với các công ty dầu khí nước ngoài kết hợp với việc phát huy nội lực trong ngành để tiến hành thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành Dầu khí nước ta mà còn đóng góp đáng kể vào công cuộc CNH-HĐH đất nước và sự hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới.



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn và Tổng giám đốc Zarubezhneft Kudryasov S.I.(Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Tại Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến với Thủ tướng Medvedev - Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền. Một trong những nội dung của hội đàm là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng D. Medvedev bày tỏ hài lòng về sự hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng; cho rằng đây là lĩnh vực then chốt có ý nghĩa chiến lược đối với hai nước, đặc biệt là hợp tác về dầu khí và điện hạt nhân. Hai bên thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau, trong đó có miễn giảm thuế và mở rộng địa bàn hoạt động; đồng thời cùng tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thống nhất đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Chiều 25/11, tại Khu dinh thự của Tổng thống ở Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga V.Putin đã gặp gỡ và tiến hành hội đàm đánh giá về những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua. Hai nhà lãnh đạo mong muốn tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga ngày càng đi vào chiều sâu, tăng cường chất lượng và hiệu quả hợp tác song phương, đóng góp thiết thực vào hoà bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Tổng thống V.Pu-tin cho rằng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là một sự kiện đặc biệt quan trọng, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và ngay trước thềm Lễ kỷ niệm 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 01-2015. Chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có tính chất đặc biệt giữa Việt Nam và LB Nga.



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn và Tổng giám đốc Gazprom Neft A. Dyukov (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V.Pu-tin tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, với trọng tâm là hợp tác dầu khí và điện hạt nhân. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí; nhất trí thực hiện đầy đủ các dự án hiện có và khởi động các dự án hợp tác mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau.

Kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V.Pu-tin đã chứng kiến Lễ ký 9 văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ LB Nga về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ; Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ LB Nga về hợp tác trong lĩnh vực liên lạc, công nghệ thông tin và thông tin đại chúng v.v..., đáng chú ý có 4 văn kiện quan trọng thuộc lĩnh vực dầu khí.

Đối với Petrovietnam, việc ký kết các văn bản hợp tác vào thời điểm chuyến thăm LB Nga của Tổng Bí thư mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, khẳng định sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đến ngành Dầu khí, đồng thời cũng thể hiện sự nhất quán trong các cam kết tạo điều kiện tối ưu cho các đối tác Nga đầu tư vào Việt Nam.

Những văn bản được ký kết gồm: Thỏa thuận cung cấp dầu thô dài hạn (COSA) giữa Petrovietnam và Gazprom Neft; Thỏa thuận về việc thành lập Công ty liên doanh để thăm dò khai thác mỏ Dolghinskoe (nằm ở phần trung tâm của Biển Pechora - LB Nga) giữa Petrovietnam và Gazprom Neft; Thỏa thuận khung về cơ chế giá khí của Công ty Liên doanh Gazpromviet giữa Petrovietnam và Gazprom và Bản ghi nhớ về tiếp tục hợp tác chiến lược giữa Petrovietnam và Zarubezhneft.

Tiến Dũng
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
(PetroTimes) - Tại Moskva chiều 20/11/2014, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn đã có buổi tiếp xúc và làm việc với Thứ trưởng Bộ Năng lượng LB Nga Sentiurin I.P cùng Tổng giám đốc Zarubezhneft Kudryasov S.I. Cuộc gặp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm LB Nga của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc trao đổi, với tư cách là một trong những người điều hành Tổ hợp nhiên liệu và năng lượng Nga, ông Sentiurin khẳng định, Chính phủ và Bộ Năng lượng LB Nga luôn coi các hợp tác về Dầu khí với Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng là chiến lược lâu dài, là lá cờ tiên phong trong toàn bộ các hợp tác kinh tế thương mại.



Thứ trưởng Bộ Năng lượng LB Nga Sentiurin I.P; Tổng giám đốc Zarubezhneft Kudryasov S.I. trong cuộc gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn cùng đoàn công tác của Petrovietnam

Thứ trưởng Sentiurin cho biết, Bộ Năng lượng Nga rất quan tâm đến kết quả hợp tác giữa Petrovietnam và các đối tác Nga, ông cũng bày tỏ sự vui mừng khi Zarubezhneft và Petrovietnam liên tục đạt được thành tích vượt kế hoạch ở cả hai liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro. Những đề xuất của hai bên về chính sách đều được Bộ Năng lượng Nga cũng như các Bộ ngành liên quan tích cực ủng hộ và trình lên Chính phủ Nga nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động hợp tác mang lại hiệu quả cao.



Thứ trưởng Bộ Năng lượng LB Nga Sentiurin I.P cùng Tổng giám đốc Zarubezhneft Kudryasov S.I. và Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn trao đổi về việc đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông Sentiurin cho rằng, chuyến thăm LB Nga lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa và sức nặng chính trị rất lớn và đó chính là cơ hội mới thúc đẩy sự hợp tác năng lượng, dầu khí lên tầm cao mới. Ông bày tỏ, với những người bạn, đồng nghiệp, đối tác tin cậy và chân thành Việt Nam, ông luôn tin tưởng rằng sự hợp tác giữa hai nước sẽ tốt đẹp, bền vững lâu dài.

Về phía Zarubezhneft, Tổng giám đốc Kudryasov cho rằng, ngày nay, khuôn khổ hợp tác giữa Zarubezhneft và Petrovietnam không chỉ ở tầm doanh nghiệp mà là ở tầm quốc gia, Zarubezhneft đã và sẽ làm hết sức mình để đầu tư của Petrovietnam vào Nga mang lại hiệu quả tốt nhất, để hoạt động của các mỏ đang khai thác luôn nâng cao sản lượng, nâng cao lợi nhuận.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Năng lượng Nga và cá nhân Thứ trưởng Sentiurin về sự quan tâm, tạo điều kiện tích cực trong thời gian qua cũng như mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong thời gian tới đối với các hoạt động hợp tác giữa Zarubezhneft và Petrovietnam đồng thời khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của hai nhà nước thì mọi cố gắng cũng không thể mang lại kết quả tốt như ngày hôm nay.

Nhắc lại những cam kết của hai Thủ tướng tại Myanmar mới đây về việc hai Chính phủ thống nhất sẽ tạo điều kiện ưu đãi tốt nhất cho các hợp tác dầu khí, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn tin tưởng rằng các Bộ ngành hai nước sẽ quan tâm hỗ trợ về cơ chế chính sách, thúc đẩy các thủ tục để hai bên sớm ký kết các hiệp định, các thỏa thuận hợp tác một cách thuận lợi. Đồng chí khẳng định, việc thúc đẩy hợp tác năng lượng, dầu khí với các đối tác Nga là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam và của Petrovietnam.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bên cạnh việc củng cố tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp, bền chặt và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, các ký kết hợp tác về dầu khí sẽ làm nồng ấm thêm bầu không khí chính trị, tăng cường sự hợp tác hiệu quả, không chỉ vì lợi ích của hai doanh nghiệp mà còn vì những mục đích tốt đẹp, cao cả hơn.

* Cùng ngày, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn đã đến chào Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn và cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga trong nhiều năm qua đã luôn dành những hỗ trợ rất cụ thể, thiết thực, hiệu quả cho hoạt động của Petrovietnam tại nước Nga. Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đã báo cáo với Đại sứ về tình hình hoạt động hợp tác dầu khí hiện nay với các đối tác Nga, hiệu quả của các dự án và kế hoạch trong thời gian tới; đồng thời mong muốn Đại sứ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động này.



Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn (phải) tiếp Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Xuân Sơn

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, Dầu khí là lĩnh vực hợp tác Việt - Nga lâu dài, nền tảng, then chốt và hiệu quả nhất. Hiện nay, Chính phủ hai nước đều rất có thiện chí mở rộng, tăng cường hợp tác, vì vật đây là thời cơ để thúc đẩy các hợp tác chặt chẽ về dầu khí, là cơ hội không thể bỏ lỡ. Đây cũng là lúc cần phải củng cố lòng tin với bạn, Petrovietnam phải chủ động, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đồng hành cùng các đối tác, tham gia vào mọi dự án, kể cả những dự án ở vùng xa xôi, khắc nghiệt nhất.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cũng hứa hẹn sẽ dành sự quan tâm nắm bắt tình hình, kịp thời tác động tích cực nhất đối với Chính phủ hai nước để hỗ trợ Petrovietnam với các đối tác Nga hoạt động hiệu quả. Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn tin tưởng quan hệ hai nước, trong đó có hợp tác về dầu khí, sẽ được nâng lên tầm cao mới sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Tiến Dũng
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

© Photo: Flickr.com/Paul Lowry/cc-by

Chuyến thăm LB Nga của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được đánh dấu bằng việc ký kết gói tài liệu, chứng tỏ sự chuyển động tích cực của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đặc biệt, bao gồm các kế hoạch cùng khai thác hệ thống định vị toàn cầu GLONASS và bố trí trạm giám sát của hệ thống tại Việt Nam, tăng cường đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tới Nga, dự kiến tăng kim ngạch thương mại Nga-Việt Nam đạt 10 tỉ USD, tổ chức Những ngày Hà Nội tại Moskva, mở rộng số lượng sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học Nga.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự quan tâm hàng đầu được dành cho lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí. Hướng hợp tác này chiếm tới một nửa số tài liệu hai bên đã ký và lần nữa khẳng định vai trò đầu tầu quan trọng của hợp tác kinh tế Nga-Việt Nam. Sự hợp tác trong ngành dầu khí từng bắt đầu ngay sau khi Hà Nội được giải phóng. Vào cuối những năm 1954, Liên xô đã cử các chuyên gia đầu tiên về thăm dò trữ lượng dầu khí đến nước Cộng hòa, sau đó ở Nga bắt đầu triển khai công tác đào tạo các nhà dầu khí cho Việt Nam.

Giai đoạn mới của sự hợp tác bắt đầu vào năm 1981, khi xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro được thành lập tại Vũng Tàu. Doanh nghiệp đã khai thác hơn 210 triệu tấn dầu thô. Trong chuyến thăm Nga của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa các nhà sáng lập công ty liên doanh - Zarubezhneft (Nga) và Petrovietnam đã diễn lễ ký biên bản ghi nhớ phát triển hợp tác. Tài liệu không chỉ liên quan tới Vietsovpetro ở Vũng Tàu mà cả liên doanh Rusvietpetro hoạt động tại vùng Cực bắc châu Âu của Nga. Năm nay, Rusvietpetro lên kế hoạch khai thác hơn 3 triệu tấn dầu, lớn hơn một nửa trữ lượng khai thác dự kiến của Vietsovpetro. Các đồng sáng lập viên của hai công ty liên doanh hiệu quả còn nghiên cứu triển vọng mở một công ty khoan.

Cách Vũng Tàu ba trăm cây số, tại các mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch đang diễn ra hoạt động khai thác khí đốt với hãng Gazprom của Nga. Sau khi đạt mức dự án, hàng ngày tại đây sẽ sản xuất 8,5 triệu mét khối khí và 3,5 nghìn tấn khí ngưng tụ. Việc Petrovietnam lựa chọn doanh nghiệp Nga làm đối tác được cân nhắc dựa vào kinh nghiệm một chục năm hợp tác hiệu quả với Gazprom.

Công ty liên doanh đầu tiên được hai bên lập ra là Vietgazprom hiện nay điều khiển ba dự án trên thềm lục địa Việt Nam. Liên doanh thứ hai - Gazpromviet hoạt động ở Nga, quản lý hai mỏ khí – tại tỉnh Orenburg trên biên giới với Kazakhstan và ở phía bắc khu vực châu Âu của Nga.

Doanh nghiệp Gazprom Neft có cổ đông lớn nhất là Gazprom cũng quan tâm tham gia vào việc hiện đại hóa và mua cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất. Điều kiện tham gia dự án này là cung cấp nhiên liệu cho nhà máy. Trong chuyến thăm Nga lần của nhà lãnh đạo đảng Việt Nam, Gazprom Neft và Petrovietnam đã ký một hợp đồng bán dầu thô cho Việt Nam. Tiếp đến hai bên đã ký tài liệu thành lập công ty liên doanh khai thác mỏ dầu Dolginskoe tại vùng biển Pechora ở phía Bắc của Nga ở độ sâu 35-55 mét.

Trong chương trình nghị sự của chúng tôi còn dự kiến mở một liên doanh khác, - ông Ivan Gogolev, phát ngôn viên của doanh nghiệp thuộc Gazprom chuyên thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài cho biết.

“Đã ký kết một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản thành lập công ty liên doanh sản xuất nhiên liệu xe từ khí tự nhiên. Nhiên liệu sẽ phục vụ các phương tiện giao thông công cộng tại tp. Hồ Chí Minh, hiện là yếu tố gây ô nhiễm nghiêm trọng cho không khí đô thị. Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất xe buýt mới chạy bằng khí đốt tự nhiên.”

Trở lại vùng biển Pechora, được biết giữa Petrovietnam và Rosneft, một hãng khai thác dầu lớn của Nga đã đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh mới hoạt động ở hai mỏ nữa trên thềm lục địa.

Nguồn: ruvr.ru
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

© Flickr.com/JeriSisco/cc-by-nс-sa 3.0

Nga và Việt Nam đã ký kết hiệp định liên chính phủ về đơn giản hóa thủ tục cho phép tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh, - hãng thông tấn TASS được biết từ một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga.

"Hiệp định được ký tại Sochi ngày 25 tháng 11, trong chuyến thăm LB Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Tài liệu đề ra thủ tục cho phép tàu Nga vào Cam Ranh chỉ cần các tàu tới lãnh hải Việt Nam báo trước cho chính quyền cảng. "Lời đáp cho sự thông báo sẽ được coi như giấy phép vào cảng," – nguồn tin cho biết.

Người này lưu ý, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới có hiệp định tương tự với Nga.

"Nga có thỏa thuận tương tự nhiều năm trước đây ký với Syria đơn giản thủ tục tàu Hải quân Nga vào cảng Tartus, Syria. Ngoài ra, với Syria Nga còn ký một hiệp định khác về điểm hậu cần vật chất và kỹ thuật của Hải quân Nga bố trí ở Tartus. Giữa Nga và Việt Nam chưa có thỏa thuận như vậy," - nguồn tin nói. Theo ông, một tài liệu tương tự có thể trở thành chủ đề đàm phán tiếp theo giữa hai nước.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

Photo:http://vk.com

Bài viết tại ruvr.ru. Chúng tôi xin tiếp tục chương trình phát thanh.Trong chuyến thăm Nga chính thức gần đây của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, Nga và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.



Ở Nga hiện nay có khoảng 6.000 sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh người Việt. Trong số này một phần sinh viên tự túc đóng học phí, một phần do ngân sách Nga đài thọ. Hạn ngạch 600 suất học bổng của Nga dành cho Việt Nam hàng năm là con số đáng kể và sẽ được tăng không ngừng.

Đặc biệt là khi năm nay Nga quyết định mở rộng gấp rưỡi số lượng học bổng dành cho sinh viên nước ngoài - từ 10 lên 15 nghìn suất. Tại 5 trường đại học của Nga, sinh viên Việt Nam được đào tạo theo chương trình "xử lý nợ", có nghĩa Việt Nam thanh toán nợ cho phía Nga bằng cách chi trả tiền đào tạo sinh viên trong các cơ sở đại học ở Nga.

Trong số này có Đại học Bách khoa quốc gia Tomsk, một cơ sở đào tạo kỹ thuật hàng đầu ở Nga. Tại đây hiện có hơn 200 sinh viên Việt Nam theo học các ngành kỹ thuật hiện đại có nhu cầu cao ở quê hương. Đó là công nghệ thông tin, các thuật toán kinh tế, điện tử và nano điện tử, khai thác dầu và lọc dầu, điện hạt nhân. Đại học Bách khoa Tomsk dự định ký thỏa thuận với các trường Đại học Quốc gia Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội mở rộng hợp tác trên loạt hướng mới. Trong đó là môn khoa học vật liệu, - Giáo sư Tatyana Petrovskaya từ Viện Công nghệ cao Trường Đại học Bách khoa Tomsk cho biết.

“Đây là lĩnh vực rất rộng về vật liệu kỹ thuật và y sinh. Trường chúng tôi sở hữu thiết bị hiện đại mà các trường đại học Việt Nam chưa có. Chúng tôi sẽ đào tạo các cử nhân và thạc sĩ Việt Nam, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ người Việt thực hiện nghiên cứu. Đây là một vấn đề nghiêm túc, cần lập các quĩ liên liên quốc gia, giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ.”

Hiện nay, trong hoạt động hợp tác khoa học giữa hai nước mới chỉ có một dự án lớn – đó là Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga với phạm vi nghiên cứu rất rộng. Hy vọng rằng, Hiệp định về quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ giưa hai nước sẽ thực sự là động lực lớn đưa các dự án nghiêm túc và hiệu quả trở thành hiện thực.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Hiệp lực theo mọi hướng

© Collage: Voice of Russia

Chuyên mục “Nhìn lại ngày hôm qua” của đài ruvr giới thiệu với các bạn bài mạn đàm kế tiếp dành nói về sự kiện vào tháng Giêng tới kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Việt.

Sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg cho biết: “Ngay sau khi chính thức công nhận nước Việt Nam DCCH, Liên Xô bắt đầu dành cho nước Cộng hòa non trẻ ở Đông Nam Á sự giúp đỡ cần thiết về quân sự và viện trợ nhân đạo. Khi cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi cũng là lúc qui mô giúp đỡ của Liên Xô dành cho Việt Nam DCCH ngày càng rộng hơn và mang tính chất toàn diện thực sự”.

Chúng ta hãy cùng ôn lại những sự kiện nổi bật nhất của thời kỳ đó.

Năm 1954. Ngay sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, Liên Xô bắt đầu công cuộc hồi sinh mỏ than Quảng Ninh. Các chuyên viên thực dân Pháp khi phải rời khỏi mảnh đất này đã dự đoán rằng chỉ sau 50 năm nữa chính quyền nhân dân mới có thể khôi phục ngành công nghiệp năng lượng của đất nước. Thế nhưng với sự giúp đỡ của Liên Xô, thời hạn đó đã rút ngắn cả chục lần. Nhóm chuyên gia xô-viết được cử sang Việt Nam để hiệp lực thành lập trường Đại học Nông nghiệp đầu tiên ở miền Bắc. Trong cùng năm, cũng triển khai hoạt động của số chuyên gia Liên Xô trong ngành thăm dò dầu mỏ và khí đốt. Tin tưởng về trữ lượng tài nguyên phong phú của Việt Nam, Liên Xô bắt đầu qui trình tại Matxcơva và Baku, đào tạo những nhà dầu khí đầu tiên cho nước Cộng hòa phương Nam. Cuối năm, Chính phủ Liên Xô gửi tàu "Arkhangelsk" và "Stavropol" để giúp tập kết lực lượng vũ trang và đưa cư dân từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc. Matxcơva cũng trao tặng Việt Nam DCCH hai chiếc tàu loại "sông-biển", đóng vai trò quan trọng trong công tác này. Những ngày cuối năm, từ hải cảng xô-viết vùng Biển Đen và Viễn Đông, có những tàu hàng xô-viết đầu tiên đã cập bến miền Bắc Việt Nam, mang tới cho đất nước mọi thứ cần thiết nhất.

Năm 1955. Từ Liên Xô những con tàu chuyên dụng đã tới để nạo vét cửa biển khu vực cảng Hải Phòng. Việt Nam DCCH nhận 20.000 tấn gạo và 10.000 tấn phân lân phục vụ nông nghiệp. Tại Hòn Gai tiếp nhận lô đầu tiên các xe tải hạng nặng do Liên Xô chế tạo.

Năm 1956. Tại Hà Nội khánh thành bệnh viện do Hội Chữ thập đỏ Liên Xô xây dựng. Suốt thời gian dài nơi đây là cơ sở y tế lớn nhất của thủ đô Việt Nam. Dành cho công việc tại cảng Hải Phòng, đã chuyển giao hai tàu kéo, tàu hút bùn, hai sà lan và ca nô. Tại tỉnh Cao Bằng bắt đầu vận hành mỏ thiếc Tĩnh Túc, xây dựng với sự tham gia của các chuyên viên xô-viết. Cuối năm, hệ thống đường sắt của Việt Nam DCCH được kết nối với mạng lưới đường sắt của các nước XHCN. Điều đó cho phép mỗi năm đều gia tăng lưu thông đáng kể, mở rộng cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho Việt Nam bằng tuyến đường trên đất liền. Hàng chục nghìn thanh niên Việt Nam đã có cơ hội du học ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.

Năm 1957. Tại Việt Nam đưa vào vận hành cơ sở đầu tiên của đất nước về sửa chữa máy nông nghiệp, khai trương nhà máy chè ở Phú Thọ, hoàn thành kiến thiết các nhà máy thủy điện Tà Sa và Nà Ngần.

Năm 1958. Nhà máy Cơ khí hiện đại đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam đi vào hoạt động, trong các phân xưởng bố trí hơn 200 cỗ máy cái từ Liên Xô đưa sang. Bắt đầu công việc của Trạm phát thanh Mễ Trì, cho phép tăng công suất phát sóng trong nội địa đến 20 lần, còn khả năng phát thanh ra nước ngoài tăng gấp đôi. Tàu cuốc Liên Xô “Chiến thắng của đất” được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhờ hoàn thành khối lượng công tác hữu ích khổng lồ tại khu vực cửa Nam Triệu và Cửa Cấm thuộc cảng Hải Phòng. Con tàu đã dọn sạch 5 triệu rưởi mét khối đất đá, nhờ đó hải cảng quan trọng của Việt Nam có thể tiếp nhận cả những tàu biển trọng tải trên 10 nghìn tấn.

Năm 1959. Vào đầu năm, một trong những tờ báo trung ương của Liên Xô là "Izvestia" đã phát hành số đặc biệt dành riêng nói về Việt Nam. Trong bức thư gửi Ban biên tập báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét rằng, chính sự hỗ trợ quí báu của Liên Xô đã giúp nhân dân Việt Nam tái thiết đất nước từng bị phá hủy nặng nề trong những năm chiến tranh. Và sự hỗ trợ đó vẫn được tiếp nối. Tháng Ba, Liên Xô bắt đầu hiệp lực xây dựng nhà máy nhiệt điện Uông Bí, nhà máy thủy điện Bàn Thạch và trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến tháng 11, nhà máy điện Lào Cai kiến thiết với sự giúp đỡ của Liên Xô đã bắt đầu qui trình sản xuất điện. Liên Xô cũng đã chuyển cho các ngư dân Việt Nam ba chiếc tàu đánh cá cùng với đầy đủ trang bị kỹ thuật tiên tiến bậc nhất của thời đó.

Năm 1960. Giao thức được ký kết về trao đổi hàng hóa dự trù tăng 50% lượng cung cấp từ Liên Xô. Đất nước Xô-viết nhận trách nhiệm dành cho Việt Nam DCCH sự hỗ trợ trong khâu tổ chức kinh tế lâm nghiệp, lập các xưởng sửa chữa, nhà máy chế biến cà phê, xí nghiệp sản xuất các loại nước quả ép và trái cây đóng hộp.

Năm 1961. Liên Xô thực hiện nghĩa vụ hiệp lực với Việt Nam trong việc xây dựng 43 xí nghiệp công nghiệp. Trong đó gồm 8 nhà máy điện với tổng công suất 200 nghìn KW. Theo thước đo hiện nay, đây là công suất nhỏ bé, nhưng trong bối cảnh đầu những năm 60 của thế kỷ trước, 200 nghìn KW điện có ý nghĩa rất to lớn đối với nền kinh tế của nước Việt Nam DCCH.

Năm 1962 đánh dấu mốc vận hành nhà máy thủy điện Bàn Thạch được Liên Xô giúp xây dựng, trở thành nhà máy điện lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam. Đồng thời nhà máy supe phốt-phát Lâm Thao cũng được đưa vào vận hành.

Năm 1963 và năm 1964 tại Việt Nam DCCH khởi động công việc tại hàng loạt nhà máy được xây dựng và trang bị với sự hỗ trợ của Liên Xô. Hàng chục chuyên gia Liên Xô được Nhà nước Việt Nam trao tặng huân huy chương và phần thưởng. Hai năm này cũng đánh dấu mở rộng khâu trao đổi các đoàn đại biểu của hai nước. Sang thăm đất nước Xô-viết, có cả phái đoàn của Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam. Tháng Chạp năm 1964, ban lãnh đạo Liên Xô nêu đề xuất mở Cơ quan đại diện của Mặt trận tại Matxcơva.

Cùng trong những năm này, Liên Xô liên tục mở rộng hoạt động hỗ trợ công cuộc kiến thiết hòa bình ở miền Bắc và cổ vũ phong trào đoàn kết với các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam. Tại các tập thể lao động trên đất nước xô-viết sôi nổi cuộc vận động tăng năng xuất giúp Việt Nam, bắt đầu phong trào thi đua hoàn thành sớm “các đơn đặt hàng dành cho Việt Nam”. Nhiều cuộc mít-tinh, tuần hành bày tỏ tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam được tổ chức rầm rộ ở các nước Cộng hòa của Liên Xô và trong tất cả các khu vực của Nga.

Tháng Mười năm 1964, sau khi Nikita Khrushchev bị loại khỏi cấp lãnh đạo chính quyền cao nhất, Liên Xô càng tích cực hơn nữa, kiên quyết đứng về phía Việt Nam và lên tiếng mạnh mẽ chống lại cuộc chiến xâm lược của đế quốc Mỹ ở đất nước phương Nam

 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Có lẽ chính vì là người có tên cuối cùng trong danh sách phóng viên đi đưa tin về chuyến thăm Nga và Belarus của Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (TBT) và nhập vào đoàn từ Nga, tôi đã nghe và chứng kiến nhiều điều thấm đẫm chữ “tình” trong chuyến thăm này.

13h00 trưa 23/11, chuyên cơ chở TBT cùng Đoàn cán bộ Cấp cao của Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Vnukovo ở thủ đô Moskva của LB Nga. Ra đón TBT là toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga và hơn 400 người Việt sinh sống tại thủ đô Moskva. Để có thể vào sân bay vẫy cờ hoa đón chào và có cơ hội bắt tay TBT, chúng tôi khởi hành từ 9 giờ sáng từ Đại sứ quán, do thủ tục kiểm tra an ninh phía bạn mất khá nhiều thời gian. Các em sinh viên và người Việt ở thủ đô Moskva còn dậy sớm hơn buổi sáng chủ nhật mùa đông lạnh giá của nước Nga. Và bất chấp tiết trời băng giá, nhiều chị em và các cô sinh viên vẫn quyết vận bộ áo dài truyền thống đậm chất Việt Nam, trong khi cánh phóng viên chúng tôi đội mũ len, đi găng tay để chống chọi với tiết trời lạnh giá.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp lãnh đạo Hội Hữu nghị Belarus - Việt Nam và các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Việt Nam.
Dường như cảm nhận được tình cảm của cộng đồng người Việt, TBT Nguyễn Phú Trọng đi hết hàng người ra đón để bắt tay thăm hỏi. Không chỉ thế, khi về tới Trung tâm Văn hóa, Thương mại và Khách sạn “Hà Nội – Moskva” (Incentra), bác lại ân cần bắt tay tất cả mọi người đứng dọc hành lang đón mình, rồi quay lại để bắt tay bà con hàng bên kia, như không muốn “bỏ sót” một ai. Điều khiến tôi ấm lòng là cái bắt tay của TBT với phóng viên VTV thường trú tại LB Nga – anh Duy Nghĩa. Tuy bận với khối lượng công việc lớn, TBT vẫn nhận ra phóng viên Duy Nghĩa, chủ động hỏi thăm và bắt tay anh. Điều này chứng tỏ đồng chí rất sát sao và quan tâm tới anh em truyền thông chúng tôi.

Những người bạn Nga cùng dành cho TBT tình cảm thật chân tình. Trong cuộc gặp với Hội hữu nghị Nga-Việt và các cựu chiến binh Nga ở Việt Nam, họ thậm chí còn đóng góp thêm ý kiến để TBT đề cập trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga D. Medvedev và Tổng thống Nga V. Putin nhằm góp phần củng cố quan hệ 2 nước, có lợi cho cộng đồng người Việt ở LB Nga. Trong số các cựu chiến binh và quan chức từng góp nhiều công sức giúp đỡ nhân dân Việt Nam, tôi vẫn thấy được nhiều người giờ ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, như Thượng tướng A. Khiupenen từng là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam hay Đại sứ kỳ cựu của Liên Xô trước đây tại Việt Nam, ông Boris Chaplin.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn cho biết, phía Nga dành cho TBT nghi lễ tiếp đón cao nhất, mà một trong những điểm nhấn là đoàn mô-tô 3 bánh BMW hộ tống làm chúng tôi ấn tượng ngay tại sân bay. Ngoài ra phía bạn cũng chọn những cung đường đẹp nhất của thủ đô Moskva – đi qua Điện Kremli trên đường bờ sông hay đi dọc phố Arbat mới và đại lộ Kutuzov để đoàn có thể cảm nhận thủ đô nước Nga. Tuy nhiên, điều đáng nói là những cử chỉ chân thành các lãnh đạo Nga dành cho TBT. Thủ tướng Nga Medvedev tự lái ô tô điện tới hội đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng. Ông ra tận cửa ô tô bắt tay và đón TBT. Không chỉ bà V. Matvienko, Chủ tịch Thượng viện Nga, dùng từ “đồng chí” khi tiếp kiến TBT mà tất cả các lãnh đạo cao cấp Nga đều sử dụng ngôn từ này, điều thể hiện tình cảm gần gũi, gắn bó giữa các nhà lãnh đạo Nga và Việt Nam. Đặc biệt, các cuộc gặp giữa TBT với Thủ tướng và Tổng thống Nga đều kéo dài hơn thời gian dự kiến, trong bầu không khí trang trọng, nhưng ấm cúng. (Cuộc gặp của TBT với Thủ tướng Medvedev kéo dài 1 giờ 30 phút, còn cuộc gặp với Tống thống Putin kéo dài 1 giờ 45 phút). Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, trong các cuộc gặp này, mọi vấn đề TBT nêu đều được phía bạn lắng nghe và ghi nhận giải quyết.

Có lẽ các nhà lãnh đạo Nga chọn thành phố Sochi làm nơi gặp TBT Nguyễn Phú Trọng để bầu không khí thêm thân tình và gần gũi hơn. Tuy nhiên cũng chính nhờ gặp gỡ ở Sochi, chúng tôi càng cảm nhận được “chữ tình” mà người Việt tại Nga, cụ thể là cộng đồng người Việt tại Krasnodar, dành cho TBT. Gần 200 người, cả người Việt lẫn người Nga, đã vượt dãy Cápcadơ, di chuyển hơn 350 km bằng ô tô từ Krasnodar tới Sochi để chào đón TBT. Ở đây, góp một phần công sức lớn là nỗ lực của anh Trần Quốc Triệu, Chủ tịch Hội người Việt ở Krasnodar, người rất được bà con khen ngợi. Cả gia đình anh Triệu, 4 người con nhỏ cùng cô vợ Nadia xinh xắn đang mang bầu đứa con thứ năm cũng xuống Sochi để được đón TBT. Xúc động trước tấm lòng của bà con, TBT Nguyễn Phú Trọng đã thông qua Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhắn gửi lời cảm ơn tới mọi người.

Tình cảm tiếp tục được thấm đẫm trong chuyến thăm của TBT tới Belarus. So với dự kiến ban đầu, chương trình đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trong có chút thay đổi bởi Tổng thống Belarus, ông A. Lukashenko, vừa phẫu thuật chân. Tuy nhiên, sự trọng thị vẫn thể hiện rõ khi Thủ tướng Belarus, M. Myasnikovich, ra tận sân bay đón TBT.

Ngay trong tối đầu tiên tại Belarus, TBT và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặp mặt thân mật cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con người Việt.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian hỏi thăm tình hình đời sống, lắng nghe tâm tư nguyện vọng bà con, cũng như những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển cộng đồng.

Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thể hiện rõ trong cuộc gặp không thể thiếu với Hội hữu nghị Belarus-Việt Nam và các cựu chiến binh Belarus từng chiến đấu tại Việt Nam. Tôi vẫn nhớ câu phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp: “Tôi tin tưởng một dân tộc vĩ đại như Belarus, như LB Nga, từng chiến thắng phát xít Đức, làm nên bài ca bất tử, một dân tộc như Việt Nam làm nên Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những dân tộc như thế sẽ bất diệt”.

Chuyến thăm hai nước LB Nga và Belarus của TBT Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc tốt đẹp (gần một tuần) song những tình cảm chân thành đó vẫn còn lưu lại trong tâm trí cộng đồng người Việt và cũng như những bạn bè Nga và Belarus.

(Theo Tin Tức)
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
(PetroTimes) - Đến hôm nay, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vẫn là “anh cả” ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trong đó, biểu trưng của Liên doanh là tình hữu nghị Việt - Nga, từ nền tảng đó đã sinh ra rất nhiều giá trị văn hóa Vietsovpetro khó lẫn vào đâu bên cạnh những giá trị văn hóa chung của Petrovietnam. Phóng viên

PetroTimes có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro Đặng Minh Hồng về những giá trị văn hóa của Vietsovpetro được xây dựng trong 30 năm qua.

PV:
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Vietsovpetro, văn hóa dầu khí Việt Nam và văn hóa Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro có sự cộng hưởng chặt chẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Nếu ngành Dầu khí Việt Nam có hành trình trên 50 năm tìm lửa thì Vietsovpetro có hành trình 30 năm. Trong giai đoạn 1981-1991 cả ngành Dầu khí tập trung sức người, sức của xây dựng Vietsovpetro. Bản thân Vietsovpetro khi đó là động lực phát triển của toàn ngành. Nhiều cán bộ giỏi đã phát triển từ Vietsovpetro và trở thành lãnh đạo của ngành và các đơn vị dầu khí khác. Văn hóa là do con người. Do đó, có thể nói, đến hôm nay văn hóa ngành Dầu khí còn mang đậm văn hóa Vietsovpetro và trong văn hóa Vietsovpetro lại mang đậm văn hóa Việt - Nga. Tôi xin trích nguyên văn câu nói của Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 hình thành Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro: “Một nửa số trang trong lịch sử 30 năm của Vietsovpetro do các bạn đồng nghiệp người Liên Xô, người Nga viết…”.



Bí thư Đảng ủy Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Đặng Minh Hồng

Trong văn hóa dầu khí có hai nét cơ bản. Đây là một ngành công nghiệp hiện đại nhưng rất mới ở Việt Nam và cũng là nơi tập trung những con người rất ưu tú, được đào tạo bài bản, trí tuệ từ công nhân đến kỹ sư và những chuyên môn cao hơn. Nên dù hình thành trong một thời gian ngắn nhưng ngành Dầu khí nước nhà rất phát triển, trên nền tảng đó Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro ra đời. Ngoài thành tựu chung về kinh tế, Vietsovpetro còn là nơi có truyền thống văn hóa được xây dựng trong suốt 30 năm qua bởi người Việt Nam và người Nga. Do đó, rất nhiều lãnh đạo trong nước cũng như lãnh đạo phía Nga trước đây cũng như hiện nay đều nói: “Vietsovpetro là biểu tượng đẹp, sinh động của tình hữu nghị Việt - Nga”.

PV: Đó là trên tổng thể, còn nói một cách cụ thể thì theo ông những giá trị văn hóa Vietsovpetro nào dễ nhận biết?

Ông Đặng Minh Hồng: Có thể nói Vietsovpetro là một môi trường đa văn hóa. Khi mới thành lập, tất cả các khâu liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ thuật khó khăn đều do phía người Nga đảm nhận, lúc đó kỹ sư người Việt Nam đa số mới ra trường. Tuy nhiên, khoảng thập niên 90 thế kỷ XX thì chúng ta đã làm chủ một số công nghệ quan trọng. Trên các giàn khoan chật hẹp của Vietsovpetro là một tập thể lao động quốc tế, không chỉ có văn hóa của người Nga, người Việt mà còn có văn hóa người Azerbaijan, người Ucraina… nhưng họ sống với nhau rất hòa thuận, đoàn kết. Từ thành công của những công trình nhỏ, tập thể nhỏ, kề vai sát cánh với nhau đã góp phần làm nên những công trình lớn, thành công lớn có giá trị cực kỳ to lớn cho ngành Dầu khí, cho đất nước. Có thể nói tinh thần đoàn kết, vượt khó, tương thân tương ái, sẵn sàng bỏ qua những rào cản văn hóa… là một trong những đặc trưng khá nổi bật của người lao động Vietsovpetro.

Minh chứng cho điều này, tôi có thể kể câu chuyện trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, căng thẳng của Liên doanh trong năm 1986-1987, khi tìm dầu trong tầng móng, lúc đầu có thể có những quan điểm khác nhau nhưng sau đó hai bên đều giải quyết dựa trên cơ sở đồng thuận, đặt tập thể lên trên hết, nhiều cán bộ phía Việt Nam như anh Ngô Thường San, anh Nguyễn Văn Đức, anh Trần Hồi, còn phía Nga có ông V.S.Vovk… và nhiều người khác luôn kiên định với quan điểm của mình và cuối cùng đã thành công. Do đó, người lao động Vietsovpetro luôn có phong thái tự tin, ung dung, bình tĩnh trước những khó khăn, thử thách.

PV: Có lẽ vì vậy mà hơn 3 năm qua, tôi luôn cảm giác rằng, họ thường kiệm lời về mình mà chỉ nói về tập thể, ông có thể giải thích?

Ông Đặng Minh Hồng: Đúng vậy, đó là một trong những nét văn hóa đặc trưng không chỉ của người lao động Vietsovpetro mà còn là của người lao động dầu khí nói chung. Vì trong ngành công nghiệp dầu khí thì một cánh én chẳng làm nên mùa xuân mà đây là ngành công nghiệp của một tập thể có trí tuệ cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, được rèn luyện trong môi trường công nghiệp rất khắc nghiệt, nhiều thử thách.

PV: Trong giai đoạn hiện nay, nhất là sau khi Hiệp định Liên chính phủ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga tái ký thì văn hóa Vietsovpetro có thay đổi ít nhiều gì không, thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Tôi nghĩ không có gì thay đổi vì văn hóa Vietsovpetro có được là nhờ truyền thống 30 năm qua. Từ năm 2010 Vietsovpetro đã có những bước phát triển mới vượt bậc, trong đó phải kể đến sự thành công trong xây dựng các công trình nước sâu. Nhất là từ năm 2011, Vietsovpetro đã triển khai xây lắp thành công các giàn khai thác ở vùng nước sâu, xa bờ (trên 100m nước) cho các mỏ Đại Hùng, Hải Thạch, Mộc Tinh, khẳng định năng lực to lớn của Vietsovpetro trong lĩnh vực xây dựng công trình biển. Đồng thời, giai đoạn này, Chính phủ đã mạnh dạn giao cho Vietsovpetro phát triển những lô mới trên thềm lục địa Việt Nam. Hiện nay, ngoài Lô 09-1 theo hiệp định hai phía đã ký thì Vietsovpetro còn triển khai công tác tìm kiếm thăm dò tại 7 lô khác trên thềm lục địa Việt Nam theo các hợp đồng dầu khí.



Những người thợ Việt - Nga trên một giàn khoan

Tuy nhiên cũng từ sau năm 2003, mỗi năm sản lượng khai thác Vietsovpetro giảm trên một triệu tấn và theo sơ đồ công nghệ dự báo trước năm 2008 thì đến 2010 sản lượng còn dưới 5 triệu tấn từ Bạch Hổ và Rồng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, từ 2009-2012, trong bốn năm liền, nhờ tích cực đẩy mạnh công tác thăm dò, tận thăm dò ở Lô 0-91 và tích cực bổ sung các giếng mới vào khai thác, Vietsovpetro đã duy trì liên tục trong 4 năm sản lượng đạt trên 6 triệu tấn. Đây là con số rất đáng ghi nhận của tập thể người lao động Vietsovpetro không nản lòng, không buông xuôi trước nhiều khó khăn như vậy.

Bên cạnh đó, trong 30 năm qua, Vietsovpetro luôn có đội ngũ lao động giỏi và lao động sáng tạo. Thể hiện nhiều thành tựu, hai lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng; còn lao động sáng tạo thì Vietsovpetro là đơn vị dẫn đầu toàn ngành trong nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới và áp dụng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chiếm trên 70% sản lượng toàn ngành. Trong đó, có nhiều công trình không chỉ đạt giải trong nước mà còn đạt giải quốc tế, và có những công trình áp dụng khoa học - công nghệ mới đã tiết kiệm nhiều chục triệu đôla cho đơn vị.

PV: Như vậy, bên cạnh những giá trị văn hóa góp phần rất lớn cho sự thành công của Vietsovpetro thì văn hóa Vietsovpetro còn thể hiện trong các lĩnh vực khác như thế nào thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Phải nói, Vietsovpetro là nơi phát triển rất mạnh công tác an sinh xã hội (ASXH). Trong nhiều năm liền ngành Dầu khí gọi Vietsovpetro là cánh chim đầu đàn của ngành, nghĩa đó là toàn diện và hiện nay câu nói này chưa lạc hậu. Vietsovpetro không chỉ sản xuất giỏi mà còn là nơi có sự giao thoa nhiều nét văn hóa khác của những con người đang làm việc nơi đây.

Hằng năm, hai Chính phủ đồng ý cho Vietsovpetro trích ra 3 triệu USD để làm công tác an sinh xã hội (ASXH) để xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, hỗ trợ các các địa phương gặp nhiều khó khăn bằng các công trình phúc lợi xã hội… 50% số tiền trên thực hiện theo điều phối chung của Tập đoàn. Bên cạnh đó, hằng năm người lao động Vietsovpetro đóng góp 4 ngày lương với tổng số tiền khoảng 8-10 tỉ đồng để phục vụ công tác ASXH như hỗ trợ các quỹ xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ tương trợ dầu khí, quỹ hỗ trợ những người Vietsovpetro gặp khó khăn, quỹ vì thế hệ trẻ, quỹ vì nghĩa tình đồng đội cùng các hoạt động từ thiện khác.

Để chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động, Vietsovpetro đã xây dựng các thiết chế văn hóa khá đồng bộ như Trung tâm Văn hóa thể thao Tiểu khu 2 phục vụ cho hàng nghìn CBCNV. Những người lao động sau khi đi biển về có nơi tham gia các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bơi lội, tennis. Trung tâm không chỉ dành riêng cho người lao động Vietsovpetro mà nhiều công ty trong ngành cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ này. Nhờ những thiết chế văn hóa đó đã tạo điều kiện để mọi người giao lưu, học hỏi; bên cạnh đó là các buổi nói chuyện chuyên đề, các chị em được hướng dẫn nữ công gia chánh, thể dục thẩm mỹ… Người Nga thì có Tiểu khu I. Cả hai tiểu khu I và II đều nằm trong khu nhà 5 tầng… Ngoài ra, hằng năm, người Việt và người Nga đều có những buổi giao lưu văn hóa. Còn trong thể thao đôi khi không phân biệt đâu là người Nga - đâu là người Việt, vui nhất là những môn thi như kéo co, đơn vị nào nhiều người Nga thì chắc chắn thắng. Còn trên các công trình biển của Vietsovpetro đều có một phòng văn hóa, khu để chơi bóng bàn, có sân bóng chuyền…

PV: Vietsovpetro đã thực hiện công tác phúc lợi xã hội đối với người về hưu như thế nào?

Ông Đặng Minh Hồng: Chế độ dành cho người về hưu hay người có nhiều thành tích cống hiến cho Vietsovpetro luôn được ban lãnh đạo quan tâm. Kể từ năm 2008 đến nay thì Vietsovpetro có chính sách trợ cấp nửa tháng lương cho người lao động mỗi một năm công tác. Ví như ai công tác ở Vietsovpetro được 30 năm, nghỉ hưu thì được hưởng 15 tháng lương cho chức danh cuối cùng.

Còn chính sách nhà ở cho người về hưu thì không thực hiện được vì Chính phủ không cấp đất cho Vietsovpetro xây nhà bởi đây là liên doanh. Hiện nay nhà ở của CBCNV Vietsovpetro là nhà ở công vụ nên chúng tôi không được quyền hóa giá và bán cho người về hưu. Đương nhiên người về hưu sẽ được thuê nhà với giá thấp hơn so với giá thị trường.

PV: Thực hiện vai trò “anh cả” trong sản xuất kinh doanh và cả trong công tác ASXH đối với các đơn vị khác trong Tập đoàn như thế nào? Vì hiện nay cũng có những đơn vị trong Tập đoàn đang gặp khó khăn?

Ông Đặng Minh Hồng: Đúng vậy, trong bao năm qua, Vietsovpetro vẫn luôn giữ vai trò người anh cả trong ngành Dầu khí, tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị bạn đang gặp khó khăn. Thí dụ, hầu hết các công trình xây dựng của Vietsovpetro đều do PVC - IC thuộc PVC thực hiện; Nhà máy Đóng tàu Dung Quất được chỉ định thầu sửa chữa hầu hết các tàu của Vietsovpetro và hầu hết các công trình trên biển bờ đều do PVI thực hiện bảo hiểm... Hỗ trợ các đơn vị đang gặp khó khăn trong Tập đoàn cũng là thể hiện văn hóa nhân ái - trách nhiệm của Vietsovpetro.



Các cô gái Nga hát dân ca ở Liên doanh Vietsovpetro

Ngay trong công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác nếu sản lượng của Vietsovpetro sụt giảm nhanh thì ngành Dầu khí nước nhà cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay mối quan hệ giữa Vietsovpetro và các đơn vị trong ngành rất tốt. Hiểu biểu lẫn nhau, đoàn kết, dù rằng có những giai đoạn Vietsovpetro đứng một mình, còn bây giờ có nhiều lĩnh vực Vietsovpetro phải nhường bước để tạo công ăn việc làm cho các đơn vị khác. Còn những công việc khó, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao như làm chân đế ở vùng nước sâu trên 100m, kinh nghiệm chế tạo hay sửa chữa giàn khoan thì Vietsovpetro vẫn phải đảm nhiệm. Nhưng nhiều người hiểu nhầm nói là Vietsovpetro cạnh tranh nhưng không phải như vậy, chúng tôi chủ trương không cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật với các đơn vị trong Tập đoàn khi cung cấp dịch vụ ra bên ngoài. Đây là trách nhiệm của Vietsovpetro. Ở đâu đó có vấn đề cạnh tranh đơn hàng, công việc với các đơn vị khác thì chúng tôi điều chỉnh ngay.

Với lợi thế hơn 30 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi có những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ người lao động rất vững chắc. Có được những lợi thế trên thì chúng tôi phải chia sẻ và chuyển giao cho các đơn vị khác trong Tập đoàn, cùng san sẻ khó khăn lẫn nhau.

PV: Phương châm hành động của Vietsovpetro có bổ sung thêm nhân tố nào khác với phương châm của Tập đoàn không thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Trong bao năm qua thì giá trị cốt lõi của Vietsovpetro là cánh chim đầu đàn của ngành Dầu khí Việt Nam, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị Việt - Nga. Đó là cái đặc trưng cơ bản của Vietsovpetro chưa lẫn với các đơn vị khác trong ngành. Với sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí, điều này có thể sẽ trùng lặp với PVEP nhưng hiện nay Vietsovpetro vẫn là đơn vị tiên phong; đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực này. Trên cái nền đó, chúng tôi đưa ra phương châm hành động là Đoàn kết - Hữu nghị - Chuyên nghiệp - Kỷ cương - Nhân ái - Trách nhiệm. Trong phương châm hành động của Vietsovpetro bổ sung thêm cụm từ “hữu nghị”. Theo tôi, “An toàn - Chắc chắn” đã nằm trong cụm từ “Kỷ cương”.

Ngoài ra, nói đến văn hóa Vietsovpetro thì không thể không nhắc đến văn hóa gia đình nhiều thế hệ làm việc nơi đây. Giờ đây, ở liên doanh có thế hệ thứ hai là con em người Việt và người Nga đang làm việc với nhau. Chính điều này đã tạo nên nếp truyền thống ở Vietsovpetro được liên tục, không bị đứt gãy. Tình hữu nghị, cha truyền con nối.

PV: Vậy Đảng ủy, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ… có vai trò như thế nào trong việc xây dựng văn hóa Vietsovpetro cũng như phát huy vai trò, vị trí, thế mạnh của người lao động dầu khí trong việc phát triển văn hóa của đơn vị?

Ông Đặng Minh Hồng: Các tổ chức chính trị xã hội phía Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía Nga, mà cụ thể là tổ chức công đoàn phía Nga để xây dựng văn hóa dầu khí Vietsovpetro. Chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị 2 lần anh hùng với những giá trị vô giá đã được tạo ra bởi nhiều thế hệ trong tập thể lao động quốc tế hơn 30 năm qua. Đó là tinh thần lao động giỏi, lao động sáng tạo, kỷ luật cao, đoàn kết và hữu nghị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Các tổ chức chính trị xã hội trong Liên doanh Vietsovpetro đã đưa vào chương trình hoạt động của mình nhiệm vụ xây dựng văn hóa dầu khí theo các tiêu chí chung của toàn Tập đoàn trong điều kiện cụ thể ở Vietsovpetro. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào thi đua trong lao động sản xuất, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tập thể lao động, sự quan tâm chu đáo của tổ chức đến từng CBCNV, thông qua đó các giá trị văn hóa Vietsovpetro được phát huy và duy trì bền vững.

PV: Ông có cho rằng, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thời gian qua và việc xây dựng “văn hóa dầu khí” có mối liên hệ chặt chẽ, bổ sung lẫn nhau?

Ông Đặng Minh Hồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn của nhân loại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là học văn hóa Hồ Chí Minh. Theo tôi, các tiêu chí văn hóa dầu khí đã cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính”, về “chí công vô tư”, về tình yêu thương đồng bào, yêu thương nhân loại… Vì vậy, việc học tập và làm theo Hồ Chí Minh đã và đang có tác động tích cực đến việc xây dựng văn hóa dầu khí. Và chính việc xây dựng văn hóa dầu khí đã và sẽ làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Thiên Thanh
 
Top