Đồng thoại Hauff (Все сказки Гауфа)

Cynir

Vania 3N
Сотрудник
Вильгельм Гауф (Вильгельм Гауфф, Wilhelm Hauff, 29 ноября 1802, Штутгарт — 18 ноября 1827, там же) — немецкий писатель и новеллист, представитель направления бидермейер в литературе, доктор философии и теологии.

Литературное наследие В. Гауфа заключается в трёх сборниках сказок, один из которых был выпущен после смерти автора его вдовой, а также в нескольких романах и поэмах, В. Гауфф входил в состав Швабских поэтов. Эти произведения навсегда вписали имя Вильгельма Гауфа в историю мировой литературы. Многие его мистические, иногда страшные, иногда грустные сказки проникнуты духом Ближнего Востока. Он один из тех немногих авторов, кто умел сделать из заурядных легенд о привидениях и бедняках, наказывающих злых богачей, шедевр — волшебные, яркие, захватывающие, запоминающиеся истории, которые и по сей день с увлечением читают как дети, так и взрослые. В Байрсброне (земля Баден-Вюртемберг) с 1997 года действует Музей сказок Вильгельма Гауфа.​

 

Cynir

Vania 3N
Сотрудник
THẰNG LÙN MŨI
Der Zwerg Nase
Карлик Нос
Dwarf Nose

Nguồn : Trái tim băng giá. Truyện cổ Đức. Wilhelm Hauff sưu tập & viết lại. Thu Thảo dịch. In lần đầu tại NXB Cửu Long, 1986. In trong bộ Hợp tuyển Văn học Đức. Nhà văn Triệu Xuân & Thạc sỹ Lương Văn Hồng biên soạn, giới thiệu. NXB Văn Học, 2004.

Mời các bạn các em tham khảo : DE & VI.​


Ngày xưa, tại một thành phố lớn bên nước Đức có vợ chồng một bác thợ đóng giày. Ông chồng tên là Piriđrich, còn bà vợ là Hanna. Bác trai thì suốt ngày ngồi bên cửa sổ, cặm cụi vá giày, chữa ủng. Giày mới, bác chỉ đóng khi có khách tới đặt. Mỗi lần như thế, bác lại phải ra chợ mua da về, vì chẳng lấy đâu ra tiền mà mua trữ sẵn.

Còn bác gái thì sáng nào cũng sắp quang gánh quảy rau ráng, trồng ở mảnh vườn nhà, ra chợ bán. Vốn cơ chỉ và tươm tất lại khéo bày hàng, nên hàng họ của bác bao giờ cũng rất đắt khách.

Hai bác chỉ có mỗi một mụn con là cậu Yakôp, một chú bé vóc người cân đối, mặt mũi khôi ngô tuổi mới mười hai mà đã cao tướng bằng con người ta mười lăm mười sáu. Ngày ngày cậu vẫn ra chợ, giúp mẹ bán hàng. Những hôm có ông đầu bếp hay chị sen, chị ở nào mua nhiều hàng của bà Hanna, thì Yakôp còn mang giúp họ tới tận nhà, và khách hàng chẳng đời nào lại chịu để Yakôp phải ra về tay không.

Khách hàng bác Hanna ai cũng mến cậu bé dễ thương nên thường thưởng công cậu đủ thứ: người thì bông hoa, kẻ thì cái bánh, có bà còn dúi cho Yakôp nguyên một đồng bạc nữa.

Một bữa kia, vẫn như mọi ngày, mẹ con bác Hanna đang ngồi trong chợ bán hàng. Trên quầy, bày la liệt nào khoai tây, nào cải bắp, nào củ cải, nào cà rốt, cùng rau này, rau khác. Cạnh đó, còn có cả một cái lẵng nhỏ, xếp rất khéo những quả lê, quả táo, quả mận đầu mùa vừa mới hái.

Ngồi cạnh mẹ, Yakôp chốc chốc lại cất tiếng rao to:

- Mua đi các bà, mua đi các ông!... Bắp cải non ghê, rau ráng tươi lắm, cả lê, cả táo! Mau mau, mua mau, mẹ cháu bén rẻ!

Bỗng có một bà già bước vào chợ. Bà ta ăn mặc tồi tàn; cặp mắt ti hí đỏ loen loét; còn cái mũi trên bộ mặt lưỡi cày nhăn nheo vì tuổi tác thì dài ngoẵng, chồm xuống đến tận cằm. Bên nách tuy kè kè chiếc nạng gỗ vvà bước chân cứ khập khà khập khiễng, nhưng bà già vẫn đi thoăn thoắt, y hệt như là dưới chân được gắn bánh xe. Dù sao, nhìn dáng đi, ai cũng có cảm tưởng như bà ta sắp ngã đến nơi và sẽ cắm đánh phập cái mũi dài nhọn hoắt kia xuống đất mất.

Bác Hanna nhìn sững bà già nọ bằng cặp mắt tò mò không chút giấu giếm. Suốt mười sáu năm trời buôn tần bán tảo ở cái chợ này, chưa bao giờ bác lại thấy một bà già kỳ dị đến vậy. Thậm chí bác còn sởn gai ốc, khi thấy bà ta tiến lại chỗ mẹ con bác đang ngồi:

- Chị là Hanna, buôn rau quả ở chợ này, chứ gì? - Bà già lên tiếng hỏi, giọng khê đặc, trong khi cái đầu cứ lắc la lắc lư như đang ngồi đồng.

- Đúng đấy ạ. - Vợ bác thợ giày đáp - Cụ cần mua gì cơ?

- Còn xem đã, còn xem xem đã. - Bà già lầu bầu - Rau củ đều có cả đây. Nhưng để ta xem có những thứ gì ta cần không...

Vừa nói, bà ta vừa thọc cả bàn tay, ngón dài thượt, lại thâm sì sì, vào giỏ rau bày xếp rất công phu của bác Hanna, xáo tung lên. Bà ta cứ lần lượt cầm lên ngửi, lại vứt trở xuống hết mớ này đến mớ khác, gần cả nửa giỏ rau, nhưng xem chừng vẫn chẳng thấy thứ mình ưng ý.

Nhìn bà già giày vò những mớ rau mơn mởn trong giỏ, bác Hanna chết từng khúc ruột. Nhưng bác chẳng dám hé răng - vì khách hàng vẫn có quyền tha hồ kén chọn những thứ cần mua mà. Hơn nữa, mụ già nọ càng lúc, càng làm bác khiếp vía.​


Xáo tung cả cái giỏ rau lên rồi, bà già mới đứng thẳng dậy, càu nhàu:

- Toàn hàng vứt đi!... Toàn rau úa!... Chẳng có thứ ta cần. Năm mươi năm về trước, rau ráng khá hơn giờ nhiều!... Toàn hàng vứt đi, hàng vứt đi!

Nghe thấy thế, cậu bé Yakôp tức điên lên:

- Này, mụ già vô lương tâm kia! - Cậu quát to - Đã ngửi chán chê cả cái giỏ rau người ta bằng cái mũi dài ngoẵng thế kia, đến nỗi chẳng còn ai dám mua nữa cả, lại còn chê bai này nọ! Cả bác đầu bếp của đức quận công cũng mua hàng nhà này đấy!

Mụ già liếc nhìn cậu bé, rồi cất giọng khàn khàn nói:

- Mày không thích cái mũi của ta, cái mũi dài tuyệt đẹp của ta, chứ gì? Rồi mày sẽ có một cái mũi hệt như thế đấy, dài đến tận cằm!

Dứt lời, mụ lại bước sang cái giỏ đựng bắp cải, lôi lên mấy cái non nhất, ngon nhất, rồi bóp thử, mạnh đến nỗi nghe rõ cả tiếng tàu bắp cải nứt lách tách. Xong, lại ném tất cả trở vào giỏ, miệng lại càu nhàu:

- Toàn hàng vứt đi! Bắp cải héo!

- Thôi đi, đừng có lúc lắc cái đầu dễ ghét thế nữa! - Yakôp lại quát - Cổ thì đã khẳng khiu như cái que cời, mà còn lúc lắc hoài. Coi chừng kẻo nó lại gãy đôi ra đánh rơi luôn cả cái đầu vào giỏ bắp cải bây giờ đấy. Chọn lựa như kiểu bà, đố ai còn dám mua hàng nhà tôi nữa!

- Mày thấy cổ tao ngẳng lắm à? - Mụ già vừa nói, vừa cười hềnh hệch - Cứ chờ đấy, ít nữa rồi mày còn không có cổ nữa kia. Đầu cứ liền tịt vào vai ấy - thế cho khỏi lo rụng nhé!

- Bà đừng có rủa ác thằng bé thế đi! - Bác Hanna đành lên tiếng, vì giận quá - Bà muốn mua gì thì mua mau đi. Để tôi còn bán cho thiên hạ chứ cứ ám mãi thế này, ai còn mua bán gì được nữa.

Mụ già cáu kỉnh nhìn bác Hanna.

- Được rồi, được rồi. - Mụ lầu bầu - Chị đừng lo. Tôi mua sáu cái bắp cải. Có điều hai tay còn vướng cái nạng không xách được. Cứ bảo thằng con chị xách giúp về nhà. Công xá, ta tính hậu cho, không thiệt đâu mà lo.

Yakôp chẳng muốn đi tí nào, thậm chí cậu còn tởm cái mụ già ghê sợ kia nữa. Nhưng mẹ cậu đã nghiêm sắc mặt lại, nên cậu không dám cãi. Bác Hanna sợ phải tội, nếu để một bà già tuổi tác tật nguyền thế kia phải xách một lúc những sáu cái bắp cải! Thế là Yakôp đành gạt nước mắt, cho mấy cái bắp cải vào một chiếc làn, rồi phụng phịu đi theo mụ già.​


Mụ già đi chậm ơi là chậm, nên gần một tiếng sau, hai người mới đến được một hẻm phố vắng vẻ, ở mãi tít tận một đầu ô của thành phố, và dừng lại trước một ngôi nhà bé nhỏ, xiêu vẹo, như muốn sập đến nơi.

Mụ ta móc túi, lấy ra một chiếc chìa khóa gỉ ngoèn, khéo léo tra vào cái lỗ bé tí trên cửa. Tức thì cả hai cánh cửa ầm ầm mở toang. Yakôp bước ngay vào và đứng sững lại vì kinh ngạc: tường vách, kệ giá trong nhà tất cả đều xây bằng đá cẩm thạch; bàn, ghế và xa lông đều bằng gỗ mun, khảm vàng, nạm ngọc rất sang; còn sàn nhà thì toàn bằng pha lê, nhẵn đến mức mấy lần Yakôp đã suýt trượt chân, ngã dúi dụi.

Rồi mụ ghé môi vào một chiếc còi nhỏ, bằng bạc, thổi mạnh một cái, theo một kiểu cách hết sức lạ đời, và một hồi còi chói tai rúc lên to đến nỗi khiến cả ngôi nhà mụ đang ở rung chuyển. Tức thì từ tầng trên chen nhau chạy vội xuống cả một bầy chuột lang - con nào con nấy dáng dấp đều hết sức lạ mắt: biết đi trên hai chân sau. Dưới chân, chúng không mang giày, mà mang hai mảnh vỏ hạt dẻ; còn ăn vận thì y hệt như người - thậm chí cả mũ đội đầu cũng không quên mang theo xuống.

- Đôi hài của ta, chúng bay cất đâu rồi, hở lũ ăn hại kia? - Mụ vừa quát hỏi, vừa vung gậy lên quật tới tấp lũ chuột, khiến bọn chúng hoảng hốt, chạy tán loạn cả lên, kêu khóc như ri. - Ta còn phải đứng đây bao lâu nữa?...

Lũ chuột chạy vọt cả lên gác, mang xuống hai mảnh sọ dừa, bên trên có lót da cừu, và khéo léo xỏ vào hai chân mụ già. Mụ lập tức hết khập khiễng ngay.

Mụ vứt nạng, vứt gậy sang một bên và trượt nhanh thoan thoắt trên mặt sàn pha lê, lôi theo cả Yakôp. Cậu bé phải chật vật lắm mới theo kịp, vì nhờ hai mảnh sọ dừa nên mụ già lướt đi như tên bắn.

Cuối cùng, mụ dừng lại giữa một gian phòng sang trọng, bày la liệt đủ thứ chén bát, bình lọ. Đây hẳn là nhà bếp, tuy dưới sàn vẫn trải thảm hẳn hoi, còn trên mấy chiếc đi văng ngổn ngang, cả một đống gối tựa lưng, gối lót tay, y như trong một cung điện vậy.

- Ngồi xuống, con. - Mụ ngọt ngào nói và đặt Yakôp xuống một chiếc đi văng, rồi lôi một chiếc bàn con tới, chắn ngang ở đằng trước, để Yakôp không thể bỏ đi chỗ khác - Nghỉ tí nhé, chắc cậu mệt lắm rồi. Xách những sáu cái đầu lâu, chứ ít ỏi gì đâu nhỉ?

- Bà nói nhảm gì thế? - Yakôp quát - Mệt thì có mệt thật, nhưng đâu phải vì xách đầu lâu, mà vì xách bắp cải đấy chứ. Bà chẳng mua bắp cải của mẹ tôi là gì?

- Mày nhầm rồi, con ạ. - Mụ vừa nói vừa cười khanh khách.

Đoạn mụ ta mở nắp làn, lôi ra một cái đầu lâu còn nguyên cả tóc.

Yakôp suýt ngất đi vì kinh hãi. Cậu nghĩ ngay đến mẹ. Giá ai đó mà biết chuyện những cái đầu lâu ấy, thế nào họ cũng sẽ lu loa ầm lên ngay, và mẹ cậu sẽ bị lôi thôi to mất.

- Chà, còn phải thưởng mày nữa chứ, vì mày là đứa trẻ biết vâng lời. - Mụ già nói tiếp - Cố chờ một lát, con nhé: ta sẽ nấu cho một đĩa xúp, ngon đến mức ăn vào mày sẽ nhớ đến tận già.

Mụ lại rúc còi, và lũ chuột lang lao như bay vào gian bếp, ăn mặc y hệt như người: ngực đeo tạp dề, đầu đội mũ đầu bếp, dao phay, dao bài giắt sau thắt lưng. Theo chân chúng còn cả một đàn sóc cũng đi hai chân, mặc quần rộng ống có chít nếp nhưng đầu thì đội mũ nhưng xanh lục. Bọn này chắc hẳn là phụ bếp. Cả lũ nhanh nhẹn nhảy lên vách tường, khuân xuống, đặt cạnh bếp lò nào bát đĩa, nào xoong chảo, rồi trứng gà, bơ, bột và khoai, củ. Còn mụ già thì tíu tít chạy tới chạy lui bên bếp lửa, trên đôi hài bằng mảnh sọ dừa. Cứ nhìn dáng điệu cũng biết ngay là mụ đang muốn nấu một món gì đó thật ngon, để thết Yakôp. Lửa trong lò cháy mỗi lúc một to; mấy cái chảo trên bếp bắt đầu kêu xèo xèo và mùi thức ăn thơm ngon, béo bổ bốc lên ngào ngạt, tràn ngập cả gian phòng. Mụ già vẫn lăng xăng quanh bếp lửa, chốc chốc lại gí cái mũi dài ngoẵng vào nồi, xem xúp đã chín chưa.

Cuối cùng, món ăn trong nồi bắt đầu sôi sùng sục; hơi nước bốc lên nghi ngút, bọt trào cả ra ngoài mép nồi, chảy xuống bếp kêu xèo xèo.

Thấy thế mụ già nhấc cái nhấc cái nồi trên bếp xuống múc xúp ra một cái đĩa bằng bạc, rồi bưng tới, đặt trước mặt Yakôp.

- Ăn đi, con. - Mụ nói - Ăn cái xúp này vào mày sẽ xinh đẹp hệt như ta. Rồi ít nữa, mày sẽ trở thành một đầu bếp giỏi thì cũng phải biết một nghề gì chứ.

Yakôp không hiểu rõ lắm những gì mụ gia lầu bầu trong mồm; hơn nữa, cậu cũng chẳng còn bụng dạ nào mà nghe cho hết, vì đamg mải chúi mũi vào địa xúp. Mẹ cậu vẫn thường làm cho cậu nhiều món ngon, nhưng ngon như thứ xúp đang ăn đây thì Yakôp chưa từng được nếm thử bao giờ. Đĩa xúp vừa thơm mùi rau tươi và ngậy mùi khoai tây chín tới, vừa có vị ngòn ngọt, lại còn sánh đặc như cháo nếp nữa.

Khi Yakôp đã chén đẫy xúp rồi, lũ chuột lang liền đốt lên trong bình xông một thứ lá gì đó rất thơm, và một luồng khói lam nhạt chẳng mấy chốc đã tràn ngập khắp gian phòng. Khói tỏa ra mỗi lúc một dày, quyện quanh chú bé mỗi lúc một chặt hơn, khiến cậu cảm thấy chóng cả mặt. Yakôp đã mấy lần tự nhủ là đã đến lúc phải đứng lên ra về, nhưng thảy đều vô ích. Hễ cậu định đứng dậy là y như rằng ngã dụi xuống đi văng - vì cậu bỗng thấy buồn ngủ đến díp cả mắt. Quả nhiên chưa đầy dăm phút sau, Yakôp đã thiếp đi trên chiếc đi văng trong căn bếp của mụ già dị hợm kia.

Rồi Yakôp mơ một giấc mơ đến là kỳ dị. Cậu mơ thấy hình như mụ già lột hết quần áo cậu ra, rồi trùm lên người cậu một bộ da sóc. Cậu cũng biết chạy nhảy, trèo leo như lũ sóc, rồi kết bạn với chúng và với đám chuột lang. Cả sóc lẫn chuột, hết thảy đều cư xử rất tốt với Yakôp.

Từ đó, Yakôp bắt đầu trở thành đầy tớ của mụ già, cũng như đám thú vật kia vậy. Dạo đàu, cậu phải giữ chân đánh giày. Công việc của cậu là phết bơ trên hai mảnh sọ dừa mụ già vẫn mang dưới chân, rồi lấy giẻ lau đánh lại cho thật bóng. Hồi còn ở nhà, Yakôp vẫn phải đánh giày ủng cho cha, nên cái việc mụ già giao kia, chẳng mấy chốc Yakôp đã làm rất thuần tay.

Chừng một năm sau, mụ lại chuyển cậu bé sang làm việc khác, khó hơn nhiều. Cùng với mấy chú sóc trắng khác, Yakôp phải vớt lấy những hạt bụi li ti trong tia nắng, đem rây lại trong một cái rây bé tí, rồi nặn thành bánh, nướng giòn lên cho mụ ta ăn. Số là mồm mụ chẳng còn qua một chiếc răng nào; bởi thế, quanh năm mụ chỉ toàn ăn bánh bụi nắng một thứ bánh mềm nhất trần đời, như ai nấy đều biết.

Làm bánh được gần một năm thì mụ già lại giao cho Yakôp công việc khác: chế nước uống. Các bạn tưởng trong nhà mụ ta có đào giếng ngay giữa sân, hay đem xô chậu ra ngoài trời mà hứng nước mưa đem về uống chứ gì? Ồ, không đâu, các bạn ạ những thứ nước thiên hạ vẫn uống đó, mụ không bao giờ đụng đến. Yakôp và lũ sóc phải lấy gáo dừa, hứng những giọt sương đọn trên cánh hoa, đem về, và mụ ta chỉ uống có mỗi một thứ nước ấy thôi. Mà mụ uống khỏe lạ thường, nên đám đầy tớ đảm đương việc chế nước cứ phải luôn chân luôn tay suốt ngày.

Sang năm thứ tư, Yakôp bắt đầu được giao cáng đáng việc ở nhà: lau sân. Nom thế chứ chẳng nhẹ nhàng gì lắm đâu, vì sàn thì bằng pha lê, chỉ thở mạnh một cái cũng đã để lại tì vết trên mặt, Yakôp phải kỳ cọ bằng bàn chải, rồi đánh bóng lại bằng hai mảnh dạ mềm, mang ở dưới chân.

Mãi đến năm thứ năm, cậu mới được giữ chân nấu bếp. Đây là một công việc được mụ già coi là vinh hạnh nhất, nên mụ chọn lựa rất kỹ và chỉ thu dùng những ai đã từng được thử thách nhiều năm. Trong gian bếp của mụ già, Yakôp đã phải lần lượt làm qua đủ mọi nghề: từ phụ bếp đến thợ nướng bánh, và mãi sau mới thành một tay đầu bếp lành nghề khéo nấu nướng đến mức chính cậu phải kinh ngạc với tài nghệ của cậu. Không một mòn nào Yakôp không biết nấu! Cả những món cầu kỳ nhất - hai trăm loại bánh ga-tô, các loại xúp của bất kỳ thứ rau sáng, khoai củ gì có trên đời này - Yakôp đều làm được tất, và thứ nào cũng đều ngon lành, đều chóng vánh.

Thấm thoắt, Yakôp đã ở trong nhà mụ già được bảy năm rồi. Một bữa kia, mụ già lại xỏ vào chân hai mảnh sọ dừa, rồi tay nạng, tay làn, lên đường xuống thành phố. Trước lúc ra đi, mụ dặn Yakôp ở nhà, hãy vặt lông một con gà mái tơ, nhồi rau, đậu vào và đem quay vàng lên cho mụ. Cậu bé tức thì bắt con gà ra, vặn cổ, rồi đem trụng nước sôi. Tiếp đó, cậu khéo léo vặt sạch lông đi, cọ rửa kỹ đến mức da con gà vàng rực lên, rồi mổ ruột, lôi hết lòng mề, tim phổi ra ngoài. Đoạn, cậu đứng lên, chạy đi tìm các thứ rau ráng, và lúi húi chọn những thứ mình cần. Bỗng dưng, cậu nhìn thấy trên tường nhà kho một cái tủ con con, mà từ trước đến giờ cậu chưa bao giờ nom thấy. Cánh cửa tủ chỉ khép hờ. Yakôp tò mò nhìn vào bên trong, thì thấy ở đó bày la liệt cả một dãy làn mây bé bé. Cậu mở nắp một cái làn ra thì thấy bên trong đựng đầy một thứ cỏ dại; mà từ bé đến giờ mắt cậu chưa từng nom thấy. Thân cỏ màu xanh nhạt, còn trên ngọn thì điểm lấm tấm những bông hoa nhỏ màu đỏ tươi, viền chỉ vàng chung quanh cánh.

Yakôp cầm lấy một bông hoa, đưa lên mũi ngửi và bỗng bắt gặp cái mùi thơm quen thuộc - giống hệt như mùi của cái món xúp mà mụ già đã đem ra đãi cậu, ngày cậu mới đặt chân đến nhà này. Mùi hương hoa hắc đến nỗi Yakôp hắt hơi mấy cái liền và tỉnh giấc.

Cậu ngạc nhiên ngước nhìn quanh và thấy mình vẫn nằm nguyên trên chiếc đi văng trong gian bếp mụ già.

“Chà, đúng là mình nằm mơ! Thế mà y như thực! - Yakôp nghĩ bụng - Mình mà kể hết lại cho mẹ, chắc mẹ phải cười đến chảy nước mắt mất! Giá đừng nghe lời mẹ, thì đâu đến nỗi phải ngủ quên ở nhà người ta, để bây giờ lại phải hối hả ra về!”.

Cậu vội vàng ngồi dậy, toan chạy ngay tới chợ với mẹ, nhưng chẳng còn nhấc nổi chân tay nữa - người cậu bây giờ cứ cứng đờ như gỗ, còn cổ thì cứ ngay ra, không sao cựa quậy được đầu. Chốc chốc, Yakôp lại húc mũi vào vách tường, hay phải mấy cái tủ trong phòng; có lần, vì quay người nhanh quá, cậu còn quạng nó vào cửa ra vào nữa. Lũ sóc và chuột lang chạy vong quanh Yakôp kêu chí chóe - chắc hẳn chúng không muốn xa cậu. Ra khỏi nhà mụ già, Yakôp đưa tay lên vẫy chúng - cậu cũng lấy làm buồn vì phải chia tay với đám bạn thân này - nhưng cả bọn lại lập tức lùi nhanh vào phòng lướt đi trên những đôi hài vỏ dẻ, và mãi một lúc sau, Yakôp vẫn còn nghe rõ tiếng nức nở sau lưng.

Ngôi nhà nhỏ của mẹ già, chắc các bạn còn nhớ, cách chợ khá xa. Bởi vậy Yakôp cứ phải lếch thếch hồi lâu giữa đường phố nhỏ hẹp, quanh co trước khi về tới chợ. Phố xá lúc này rất đông đúc. Chắc ở đâu đó có một chú lùn dang làm trò, vì bên tai Yakôp chốc chốc lại dậy lên tiếng hò reo:

- Xem kìa, một thằng lùn. Nó xấu xí thật hết chỗ nói! Chẳng biết nó từ đâu đến thế? Gớm, cái mũi dài khiếp chưa kìa! Còn đầu sao cứ liền tịt với vai, chẳng thấy cổ đâu sất cả! Lại hai cánh tay nữa chứ!... Xem kìa, dài đến tận gót chân!

Phải lúc khác chắc thế nào Yakôp cũng sẽ nhảy cỡn lên mà chạy đi xem thằng lùn nọ; nhưng hôm nay, nó chẳng còn bụng dạ nào mà nghĩ đến chuyện xem với ngắm cả - vì đang sợ để mẹ phải chờ lâu.

Rốt cuộc, rồi Yakôp cũng đến được chợ. Cậu bé đâm lo, không biết có bị mẹ mắng cho một trận không đây vì chuyện đi dông đi dài suốt từ sáng đến giờ. Cậu thấy mẹ vẫn ngồi nguyên chỗ ban sáng, và trong cái giỏ trước mặt, rau ráng vẫn còn đầy nguyên - như thế tức là mình chỉ ngủ có một chốc thôi, chẳng việc gì phải lo cả. Có điều là ngay từ đằng xa Yakôp đã thấy mẹ buồn buồn. Bà ngồi yên, tay tỳ vào má, mặt mũi xanh xao ủ rũ.

Yakôp đứng sững hồi lâu, không dám bước lại chỗ mẹ. Mãi sau, cậu cố lấy hết can đảm, rón rén đi tới từ phía sau lưng, và đặt tay lên vai mẹ, nhỏ nhẹ hỏi:

- Kìa, mẹ làm sao thế? Mẹ giận con ư?

Bác Hanna giật mình quay lại và nhìn thấy cậu, liền hoảng hốt kêu to:

- Mày cần gì tao, hở thằng lùn khủng khiếp kia? Xéo đi, xéo đi! Tao chẳng có thì giờ đùa nhả thế đâu!

- Kìa, mẹ! - Yakôp hốt hoảng nói - Khéo mẹ ốm mất rồi. Sao mẹ lại xua đuổi con thế?

- Tao đã bảo là xéo đi, nghe chưa! - Bác Hanna giận dữ quát - Mày tưởng tao sẽ thí cho vài xu, vì cái trò đùa ngu xuẩn ấy sao, hả? Cái đồ quỷ xứ, người ngợm mặt mũi trông mà phát tởm lên kia?

“Mẹ mình hóa ngộ mất rồi! - Chú lùn tội nghiệp nghĩ bụng. Khéo phải dìu mẹ về nhà nghỉ mất thôi...”.

- Mẹ ơi, mẹ nhìn kỹ con đi nào. - Cậu vừa nói, vừa rơm rớm nước mắt - Con chính là thằng Yakôp của mẹ đây mà!

- Ô, không, không thể thế được! - Bác Hanna vừa quát, vừa quay sang mấy chị em bạn hàng gần đó - Các bà, các cô xem kìa! Cái thằng lùn trông phát kinh lên kia nó chẳng cho tôi buôn bán gì cả, lại còn giễu cợt cái cảnh mất con mất cái của tôi nữa! Nó dám mở mồm ra bảo: “Con là thằng Yakôp của mẹ đây”, rõ đồ vô lương tâm chưa!

Mấy bà bạn hàng ngồi cạnh bác Hanna đều đứng cả dậy, thi nhau quát mắng Yakôp:

- Mày thật đốn đời, sao lại nhỡ nhạo báng cảnh khổ của chị ấy thế! Chị ấy bị người ta bắt mất thằng con trai đã bảy năm nay rồi. Chao, thằng bé mới dễ thương chứ - mặt mũi cứ như trong tranh ấy! Này khôn hồn thì mày xéo đi cho sớm, không chúng tao lại móc mắt mày ra bây giờ.​


Tội nghiệp, Yakôp chẳng còn biết đâu mà lần nữa. Thì mới sáng nay thôi cậu còn cùng mẹ ra chợ, giúp mẹ dọn hàng. Sau đó, xách giúp bà già mấy cái bắp cải về nhà, ghé vào chỗ bà ta ăn một đĩa xúp rồi ngủ một lát, xong chạy vội trở lại với mẹ, chứ đâu! Thế mà các bà, các cô bán hàng ở đây nói là đã bảy năm rồi kia đấy. Lại còn gọi cậu, thằng Yakôp con bà Hanna là thằng lùn đáng ghét nữa. Khéo họ bị quỷ ám cả rồi hay sao thế này không biết nữa?

Nước mắt lưng tròng, Yakôp bước ra khỏi chợ. Thôi mẹ đã không muốn nhìn mặt mình, thì mình về với cha vậy.

“Không biết cha có xua đuổi mình không đây? - Yakôp nghĩ bụng. - Thôi, chi bằng cứ đứng ngoài cửa, mà hỏi chuyện vậy”.

Nghĩ thế, Yakôp liền vội vã đi đến cái quầy hàng của cha. Vẫn như mọi ngày, bác Piriđrich đang cắm cúi làm việc sau quầy, Yakôp bước lại gần, rồi dừng chân bên cửa, ghé mắt vào. Vì đang mải làm, nên thoạt tiên bác Piriđrich không nhận thấy con người mới đến. Chợt bác tình cờ ngẩng đầu lên và giật mình đánh rơi cả cây kim với sợi chỉ khâu trên tay xuống sàn.

- Gì thế này? Gì thế - Bác thợ giày hỏi to.

- Chào ông chủ. - Yakôp nói, rồi bước hẳn vào trong - Bác làm ăn khấm khá chứ ạ?

- Có ra quái gì đâu, ông khách. - Bác thợ giày đáp; qua cách trả lời, cũng thừa biết là bác không nhận ra Yakôp. - Ế ẩm lắm. Mà tôi thì tuổi cũng đã nhiều rồi lại có một thân một mình, muốn thuê một thằng phụ việc, thì tiền bạc không có.

- Thế bác không có con cái gì, để họ đỡ bớt cho một tay sao? - Yakôp hỏi.

- Trước tôi cũng có một mụn con đấy chứ. Tên cháu là Yakôp. - Bác thợ giày đáp - Giá nó mà còn, thì giờ cũng đã mười chín đôi mươi rồi. Thằng bé được việc lắm nhé. Mới vỏn vẹn mười hai tuổi đầu mà khôn ngoan đáo để! Cũng đã biết làm lụng tí đỉnh; giúp cha, giúp mẹ được khối việc. Mà lại xinh trai lắm nhé. Phải chi còn có nó ở nhà để mời chào khách khứa, thì tôi cứ tha hồ mà đóng giày mới, chứ đâu phải còm cọm vá vá, chữa chữa toàn những của nợ như thế này. Chậc, âu là tại cái số tôi nó thế!

- Thế cậu con trai bác giờ đâu rồi ạ? - Yakôp rụt rè hỏi.

- Họa có trời biết. - Bác thợ giày đáp qua tiếng thở dài ngao ngán - Nó bị bắt mất ngay giữa chợ đã bảy năm nay rồi.

- Bảy năm rồi kia ư? Yakôp hoảng hốt nhắc lại.

- Phải, bảy năm rồi ông khách ạ. Tôi còn nhớ như in cái ngày hôm ấy: nhà tôi hớt hơ hớt hải chạy từ ngoài chợ về, kêu khóc vang nhà - vì mãi đến tận tối vẫn chẳng thấy thằng bé về. Suốt ngày nhà tôi đã chạy xuôi chạy ngược đi tìm, gặp ai cũng hỏi có thấy cháu nó đâu không, nhưng rốt cuộc vẫn chẳng ăn thua gì. Chuyện ấy, tôi đã lường trước cả rồi, tôi cứ nhắc tới nhắc lui bà ấy dễ đến cả trăm bận ấy chứ. Thằng Yakôp nhà tôi - cái gì thực ta cứ thực tình mà nói, phải không cậu - là đứa rất được việc, bà nhà tôi lấy thế làm thích, nên vẫn hay sai vặt cháu luôn: xách giúp rau ráng, khoai củ, nay cho người này, mai cho người khác. Nói của đáng tội, người ta vẫn thưởng cho cháu hậu đáo để. Nhưng tôi vẫn thường bảo bà ấy: “Bà Hanna này, bà cần phải cẩn thận đấy! Thành phố thì rộng chẳng thiếu gì kẻ gian, kẻ xấu. Nhỡ có chuyện gì với thằng Yakôp nhà mình thì lại hối không kịp đấy!”. Tôi bảo có sai đâu! Đúng cái bữa hôm ấy đấy, có một bà già, mặt mũi phát kinh lên được, đến hàng bà xã nhà tôi. Chọn chán, chọn chê rồi mụ ta mới mua một đống hàng, đến nỗi xách không nổi nữa. Bà nhà tôi, chả là tốt bụng mà, mới sai thằng bé xách giúp về... Từ độ đó đến giờ hai vợ chồng tôi chẳng còn biết tăm hơi thằng bé đâu...

- Thế từ độ ấy đến giờ mà đã bảy năm rồi kia ư?

- Đến mùa xuân này là vừa chẵn bảy năm. Vợ chồng tôi, nào lên bẩm với quan trên, nào đi đến chỗ người quen, kẻ thuộc dò hỏi - cháu nó thì nhiều người biết lắm, mà ai cũng quý, vì nó dễ thương lắm - nhưng dẫu cố tìm cách mấy vẫn chẳng đi đến đâu... Mà cái mụ già mua rau của bà Hanna thì từ trước đến giờ, chưa ai từng biết mặt cả. Có một bà lão, năm nay đã ngoài chín mươi, có bảo với nhà tôi thế này: không chừng đó chính là mụ phù thủy độc ác Krâytecvâyx đấy! Cứ năm mươi năm mụ mới đến chợ tỉnh tôi mua sắm một lần.

Bác Piriđrich, bố Yakôp, vừa gõ gõ, đóng đóng vào đế chiếc ủng đang khâu dở và chốc chốc lại lôi ra một sợi dây chỉ gai dài thượt. Bây giờ thì Yakôp đã hiểu được ngọn ngành những gì xảy ra với mình. Nghĩa là tất cả những điều cậu thấy trong mơ đều là chuyện thật: suốt bảy năm trời, cậu đã sống với cái lốt sóc và hầu hạ cho mụ phù thủy già độc ác nọ. Yakôp cảm thấy lòng tan nát vì tủi cực. Mụ già đã cướp mất đi của mình bảy năm sống; mà đã đền đáp được gì nào? Dạy cho mình biết đánh bóng đôi giày bằng hai mảnh sọ dừa, cọ sạch mấy vuông sàn nhà bằng pha lê và nấu được đủ các món ăn ngon!

Chú lùn đứng lặng hồi lâu bên quầy hàng của bác thợ giày, không nói nên lời. Mãi sau, bác thợ giày mới lên tiếng hỏi chú:

- Xem ra thì cậu muốn đóng cái gì để diện phỏng? Thế có mua giúp tôi đôi hài mà đi không đấy? Hay ít ra - bác bỗng phá lên cười - cũng phải mua một cái bao để bọc mũi chứ?

- Mũi cháu nó làm sao mà phải bọc? - Yakôp hỏi - Lại bọc bằng bao da nữa?

- Cái đó tùy cậu. - Bác Piriđrich đáp - Vì thử tôi mà có một cái mũi khủng khiếp như cậu, thì thế nào tôi cũng phải, nói khi vô phép, bao bọc nó lại trong bao da - một cái bao hảo hạng, may bằng da cừu non, màu hồng phớt kia. Cậu bước quá vào trong này mà xem, tôi có một mảnh da vừa khéo. Nói của đáng tội, chứ cái mũi của cậu cần phải có khá da kia mới đủ đấy. Nhưng thôi, chuyện đó tùy cậu, xem chừng thì cậu hay húc mũi vào cửa lắm nhỉ?

Yakôp ngạc nhiên đến mức không còn mở miệng được nữa. Cậu đưa tay sờ - ôi, quả là một cái mũi tai hại, vừa to lại vừa dài; đến cả hai tấc chứ chẳng ít! Rõ ràng là mụ già độc ác nọ đã biến cậu thành một kẻ xấu xí như quỷ sứ. Thảo nào mẹ không nhận ra được mình...

- Bác chủ hiệu ơi, - Yakôp nói, nước mắt vòng quanh - nhà bác có cái gương nào không ạ? Cháu phải soi một tí xem sao; nhất định phải soi một cái mới được.

- Nói thật chứ, - Bác thợ giày đáp - tướng mạo như cậu thì soi làm gì cho nó thêm cực lòng. Chẳng có gì đáng để lên mặt ta đây đâu, mà soi với ngắm. Bỏ béng nó cái thói quen ấy đi - cho nó nhẹ nợ, cậu ạ.

- Thì bác cứ đưa gương đây cho cháu, nhanh lên! - Yakôp nài nỉ - Cháu cần lắm, cháu van bác đấy. Mà thực tình, chẳng phải để lên mặt lên miếc gì đâu...

- Cái đó thì đã hẳn! Nhưng mà tôi không có gương! - Bác thợ giày nổi cáu - Bà nó chỉ có cái gương con tí thôi; mà cũng chẳng biết bà ấy vứt đâu nữa. Nếu cậu mà muốn soi bằng được, ngay trước quầy tôi kia, có bác thợ cạo Urban đấy. Gương nhà ấy thì hết chê, cao gấp đôi cậu ấy. Cứ vào đó mà soi, tha hồ. Thôi, chúc cậu lên đường bình yên.

Nói đoạn, bác thợ giày ẩy nhẹ Yakôp ra khỏi quầy, rồi đóng sầm cửa lại. Yakôp tất tưởi băng qua đường, bước vào hiệu thợ cạo của Urban, mà ngày trước cậu đã từng quen biết.

- Chào bác Urban. - Cậu nói - Bác giúp cháu tí nhé: làm ơn cho cháu soi nhờ cái gương nhà bác một tẹo.

- Xin mời! Nó treo ở đằng kia kìa, trên vách tường bên trái ấy - Ông thợ cạo reo to và cười khanh khách - Tha hồ mà ngắm, ngắm kỹ đi cái tướng mạo xinh đẹp của cậu: Vóc người thon thả, cân đối, cái cổ uyển chuyển như thiên nga; hai cánh tay kiều diễm như tay một bà hoàng; lại còn cái mũi dọc dừa duyên dáng khắp trần đời không ai có nữa. Đem những thứ ấy ra mà phô trương, thì dĩ nhiên chẳng cần; nhưng ngắm nghía thì xin cứ việc. Kẻo không thiên hạ lại bảo thằng cha Urban này vì ganh tỵ mà không cho cậu soi nhờ cái gương trứ danh của hắn.

Nghe những lời bông đùa đó, khách hàng của ông thợ cạo cười đến đau cả bụng. Yakôp bước tới trước gương và bất giác lui ngay lại. Nước mắt ràn rụa lăn dài trên má. Trời ơi, lẽ nào cậu lại chính là thằng lùn xấu xí trong gương kia! Hai mắt cậu thì nhỏ tí như mắt lợn; cái mũi đồ sộ thì chồm xuống đến tận cằm; còn cái cổ thì rụt hẳn vào vai, chẳng còn thấy đâu nữa cả. Nhô cao lên giữa hai vai là một cái đầu to tướng, cứng đờ, đến nỗi không còn ngọ ngoậy gì được cả. Tầm vóc thì vẫn chỉ như hồi cậu còn ở nhà, cách đây bảy năm: một chú bé con. Trẻ khác, trong thời gian đó đã lớn bổng lên, còn Yakôp thì chỉ to ngang ra: lưng và ngực cậu rộng bè bè; thân hình nom chẳng khác gì một cái bao bố, trong đầy đồ đạc. Cặp giò cũng ngắn cũn cỡn, phải cố lắm mới đỡ được cái thân người to bè, nặng trịch ấy... Trái lại hai cánh tay thì dài ngoẵng như tay người lớn, thòng xuống đến gần sát đất, với những ngón tay khẳng khiu như thể những cái móc câu. Đấy, tướng mạo của cậu Yakôp tội nghiệp giờ đây là như thế đấy.

“Kể cũng phải, - Cậu nghĩ bụng và buông một tiếng thở dài não nuột - chẳng trách mẹ không nhận ra mình! Mình đâu còn như xưa nữa, đứa con xinh xắn, mà mẹ vẫn thích đem khoe với hàng xóm, láng giềng!”.

Cậu bỗng nhớ lại cuộc gặp mặt khó chịu với mụ già tới mua rau ở hàng mẹ mình. Hết thảy những gì xấu xí của mụ già, mà cậu mang ra giễu cợt hồi đó - từ cái mũi dài ngoẵng, đến những ngón tay dị hợm - thì bây giờ, mụ ta đều đem gán hết sang cho cậu, để trừng phạt về những lời nhạo báng ấy. Cả cái cổ cậu nữa, mụ ta cũng đã đoạt mất đi, đúng như đã hứa...

- Thế nào, đã ngắm chán rồi chứ, anh bạn bảnh trai? - Ông Uran cười hỏi, rồi tiến lại phái cái gương soi, đưa mắt ngắm Yakôp từ đầu đến chân. - Nói thật chứ ngay cả trong mơ cũng đừng hòng được nhìn thấy mọt chú lùn nào buồn cười đến thế này. Này, anh bạn trẻ, tôi muốn mách cho cậu một công việc, để kiếm ăn đây. Hiệu tôi hồi này cũng còn đông khách, nhưng chẳng bằng dạo trước. Đầu đuôi cũng chỉ tại cái lão Saum - lão thợ cạo có cái cửa hiệu cạnh nhà tôi kia, chẳng biết rước ở đâu về mọt gã hộ pháp: hắn kéo hết khách sang bên ấy. Làm một thằng cha khổng lồ, kể có hơn làm một cậu bé tí hon, như cậu kia. Nhưng thôi được, không sao. Từ nay ngày nào cậu cũng cứ lại hiệu tôi mà làm, anh bạn ạ. Cả chỗ ở, cả chuyện cơm ăn, lẫn quần áo mặc, cậu cứ để mặc tôi lo liệu, còn công việc chỉ có thế này thôi: đứng ở trước cửa hiệu tôi kia câu khách giúp. Với lại thỉnh thoảng, trao hộ tôi chai xà phòng gội đầu hay cái khăn mặt. Nói thật với cậu nhé, được thế thì cả cậu lẫn tôi, hai ta đều có lợi: tôi thì đông khách hơn cái lão Saum với cái lão hộ pháp của lão; còn cậu thì có nơi ăn chốn ở đàng hoàng.

Yakôp trong bụng rất tức, vì ai đời lại dám đem cậu ra để mà mồi chài thiên hạ, để câu khách khứa đến cắt tóc, cạo râu cơ chứ! - Nhưng vẫn chẳng biết làm gì hơn là cắn răng chịu đựng, rồi cậu điềm tĩnh đáp rằng mình đang còn nhiều công việc phải lo, không thể nhận lời ông thợ cạo và lặng lẽ bỏ đi.

Người ngợm Yakôp tuy có xấu xí đi thật nhưng đầu óc vẫn khôn ngoan như ngày nào. Cậu cảm thấy mình đã trở thành người lớn hẳn hoi trong bảy năm vừa qua.

“Mặt mũi có xấu xí đi thì đâu đã là tai họa. - Cậu nghĩ thầm, khi đang thất thểu lê chân ngoài đường - Ức một nỗi là cả bố, lẫn mẹ đều xua đuổi mình, như xua đuổi một con chó ghẻ. Hay thử đến gặp mẹ, trò chuyện lần nữa. Không chừng mẹ sẽ nhận ra mình đấy”.

Thế là chú lùn lại ra chợ, đến chỗ bác Hanna bán hàng, nài nỉ mẹ hãy bình tâm nghe hết những gì cậu muốn kể cùng bà. Đầu tiên, Yakôp nhắc cho mẹ nhớ chuyện mụ già đã lôi cậu về nhà mụ. Tiếp đến, cậu lần lượt điểm lại hết thảy những gì đã xảy ra với mình, hồi còn bé. Rồi, cậu thuật lại những năm sống ở nhà mụ phù thủy kia, kẻ đã biến cậu thành sóc, rồi thành thằng lùn, để trả thù những lời mà cậu chế nhạo mụ ta.

Nghe chuyện chú lùn bác Hanna đâm bối rối, chẳng còn biết tính sao nữa cả. Hết thảy những gì chú lùn vừa nói về những ngày chú còn bé dại đều đúng răm rắp; nhưng chuyện chú đội lốt sóc trong suốt bảy năm trời, thì bà chịu không sao tin được.

- Không thể như thế được! - Bác Hanna thốt lên.

Rốt cuộc, bác đành đem chuyện đó ra nói với chồng.

Bác vội vã thu xếp gánh hàng và bảo Yakôp hãy theo mình về nhà. Vừa bước chân đến cửa, bác Hanna đã lên tiếng bảo chồng:

- Thằng lùn này nó bảo nó chính là thằng Yakôp nhà ta đấy, ông ạ. Nó kể với tôi là cách đây bảy năm, nó bị một mụ phù thủy bắt cóc, đem về phù phép...

- Ra thế hả. - Bác thợ giày giận dữ ngắt lời vợ - Đúng là nó kể với bà thế chứ gì? Có họa là ngu mới đi tin chuyện nó. Thì chính tôi vừa kể hết chuyện thằng Yakôp nhà ta với nó chứ đâu. Nó muốn lừa bà đấy... Sao, mày bảo mày bị phù phép chứ gì? Được, mày chờ đấy, tao sẽ giải phép cho.

Chưa dứt lời, bác thợ đóng giày đã rút ngay thắt lưng ra, lao đến chỗ Yakôp đứng, quất cho chú một cái rõ mạnh, đến mức chú khóc nấc lên, rồi ba chân bốn cẳng ù té chạy ra khỏi cửa hiệu của cha.

Suốt ngày hôm ấy, chú lùn tội nghiệp cứ thất tha thất thểu ngoài phố, bụng rỗng không. Chẳng một ai thèm đoái thương đến chú, mà trái lại, đi đến đâu chú cũng bị người ta chòng ghẹo, chế giễu. Đêm đến chú phải ngả lưng xuống trước thềm nhà thờ, ngủ ngay trên những bậc cấp bằng đá lạnh.

Khi mặt trời vừa lên, Yakôp lại phải choàng ngay dậy, rồi lại lang thang giữa phố xá, chẳng khác gì hôm qua.

“Biết lấy gì mà sống bây giờ? - Chú nghĩ bụng - Làm con mồi để câu khách ở hiệu thợ cạo hay bị gậy đi xin, thì mình không thích; mà về nhà, lại bị bố mẹ xua đuổi. Phải tính liệu thế nào đây chứ không thì đến chết đói mất!”.

Yakôp chợt nhớ đến cái tài nấu ăn, mà chú đã từng học được, hồi còn mang lốt sóc, để hầu hạ mụ phù thủy già. Thế là chú quyết định: Tìm đến dinh cơ đức quận công, xin làm đầu bếp.

Quận công, người cai quản cả cái xứ rộng lớn này vốn là người nổi tiếng phàm ăn và thích ăn ngon. Trên đời này đức ông không thích gì hơn là được thưởng thức những của ngon vật lạ và ngài không ngần ngại gì mà không thu dùng những tay đầu bếp lành nghề từ khắp các chân trời góc bể.

Yakôp phải chờ cho trời sáng hẳn, rồi xăm xăm nhắm hướng dinh cơ của đức quận công mà rảo bước.

Tim chú đập đổ hồi, khi hai cánh cổng của lâu đài đức quận công hiện ra trước mắt. Mấy tên lính gác hỏi chú đến có việc gì và bắt đầu buông lời trêu ghẹo. Nhưng Yakôp không chút bối rối, nói rằng mình muốn được gặp quan chủ thiện của quận công. Chú lùn tức thì được dẫn qua mấy vuông sân rộng vào sâu trong lâu đài, và đi đến đâu đám tôi tớ, gia nhân trong dinh cũng đều chạy ùa ra xem, hò hét, cười cợt ầm ĩ, khi thấy cái tướng mạo dị hợm của Yakôp.

Thoáng một cái cả một đám người đông nghịt đã vây chặt quanh chú lùn. Mấy bác giám mã quẳng ngay bàn chải để chải lông cho ngựa đang cầm trên tay; bọn con gái kẻ ăn người làm trong dinh ba chân bốn cẳng chạy tắt ngang, tắt dọc, để khỏi bị chậm chân hơn người lớn; các ả cọ sàn ngừng tay đập thảm, lao ra. Ai nấy đều vây chặt lấy Yakôp, để cố nhìn cho rõ, và vuông sân sau dinh cơ đức quận công bỗng náo động hẳn lên, như có tin cấp báo quân địch đang tiến công thành phố. Đâu đâu cũng dậy lên tiếng hò hét:

- Thằng lùn! Thằng lùn! Này có thấy rõ mặt thằng lùn không thế?

Rốt cục, quan tổng quản của tòa lâu đài phải bước ra vóc dáng rất đỗi bệ vệ, mắt còn đỏ ngầu vì ngái ngủ, tay lăm lăm một chiếc tay thước rõ to.

- Ê, lũ khốn kia! Gì mà ầm ĩ lên thế? - Quan quát tháo, giọng như sấm động, và quật tới tấp cái thước xuống vai, xuống lưng đám giám mã và gia nhân. - Chúng bay không biết đức ông đang còn ngủ đấy?

- Bẩm ngài, - Mấy tên gác cổng đáp - ngài nhìn xem, chúng tôi đưa ai đến gặp ngài kìa! Một thằng lùn chính cống ạ! Người ngợm như thế, chắc ngài chưa bao giờ thấy.

Nhác thấy Yakôp, quan tổng quản cau mày và cố mím môi thật chặt, để khỏi phì cười - cái chính là đừng có toét miệng ra cười trước mặt lũ giám mã, kẻo chúng lại khinh nhờn. Rồi quan vung cao chiếc tay thước ghê gớm kia lên, xua đám đông đi, và dắt tay Yakôp, dưa vào lâu đài, hỏi chú lùn đến có việc gì. Nghe Yakôp thưa là chú muốn gặp viên chủ thiện, quan tổng quản liền hét ầm lên:

- Mày nhầm rồi con ạ! Người mày cần gặp chính là ta đây, quan tổng quản lâu đài kia. Mày muốn đến xin làm hề cho đức ông chứ gì?

- Bẩm, không ạ. - Yakôp đáp - Tôi là một tay đầu bếp lành nghề, biết nấu mọi món ăn lạ miệng. Ngài cứ cho tôi được gặp quan chủ thiện lâu đài đi ạ. Chắc thế nào quan cũng bằng lòng cho phép tôi được thử tài.

- Được, cái đó tùy mày, - Quan tổng quản đáp - chà, mày nom thế mà khờ quá đi mất, chú em ạ. Xin làm thằng hề, có phải sướng thân không? Chẳng phải làm lụng gì sất; suốt ngày chỉ những ăn, cùng uống, đã vậy lại được ăn mặc đẹp nữa. Thế không thích hơn sao, lại cứ muốn chúi đầu xuống bếp! Nhưng để ta còn bàn xem đã. Chắc gì mày đã đủ tài, để nấu nướng, hầu hạ đức quận công; khéo chỉ đáng làm một gã phụ bếp thôi, chú em ạ.​


Nói chưa dứt lời, quan đã dẫn Yakôp đến chỗ viên chủ thiện. Chú lùn cung kính cũi chào, rồi nhỏ nhẻ thưa với ông ta:

- Bẩm quan, chẳng hay ngài có cần một tay đầu bếp lành nghề không ạ?

Viên chủ thiện nhìn Yakôp từ đầu đến chân rồi cười phá lên:

- Cha chả, muốn làm đầu bếp, hả? - Viên chủ thiện hỏi lớn - Nhưng liệu chú mày có với được tới mặt bếp lò không đấy? Mày sẽ chẳng nom thấy quái gì trong chảo đâu, cho dù có kiễng chân lên thật lực đi nữa, chú em ạ. Thôi đi, ai xui mày đến làm bếp ở chỗ chúng ông là họ muốn lỡm mày đấy.

Rồi, quan chủ thiện lại cười to hơn, và tiếp theo, cả quan tổng quản, cùng hết thảy những ai có mặt trong phòng đều cười rộ lên, hưởng ứng. Nhưng Yakôp chẳng chút bối rối, nói tiếp:

- Bẩm quan chủ thiện! Chắc ngài không nỡ tiếc khi phải bỏ ra vài quả trứng, một dúm bột, tí rượu vang và ít đồ gia vị. Rồi ngài muốn sai làm món gì, xin cứ tùy ý miễn là cấp đủ những thứ cần dùng. Tôi sẽ xin nấu ngay cái món ngài đặt, trước mặt hết thảy mọi người, và ngài sẽ nói ngay rằng: “Chà đầu bếp thế mới là đầu bếp chứ!” cho mà xem.

Chú lùn khẩn khoản mãi với viên chủ thiện; mắt chú sáng bừng, đầu nghiêng nghiêng trong cái dáng đầy tự tin. Thấy thế, viên chủ thiện đành gật đầu ưng thuận, bảo:

- Thôi được! Ta cứ thử một tí cho vui! Nào, tất cả hãy theo ta xuống bếp. Cả ngài nữa, thưa ngài tổng quản lâu đài.

Nói chưa dứt lời, ông đã khoác tay viên tổng quản bước đi và ra lệnh cho chú lùn theo sau. Họ loanh quanh hồi lâu trong những gian phòng lộng lẫy rộng thênh thang và những dãy hành lang dài dằng dặc, rồi sau cùng, mới đặt chân tới gian nhà bếp. Nói là bếp, chứ thực ra đó vẫn là một tòa nhà rộng rãi, với một bếp lò đồ sộ, bên trên kê đến hai mươi cái kiềng to nhỏ đủ cỡ, lửa cháy hừng hực suốt ngày đêm ở bên dưới. Chính giữa nhà là một cái bể nước rõ to, để rộng tôm cá, còn chung quanh tường kê kín nào tủ, nào chạn, xếp đầy chén bát, thìa đĩa kiểu đủ loại. Cạnh bếp là một dãy mười gian nhà kho, tích trữ mọi thứ lương thực, thực phẩm. Cả một đám đầu bếp, đàn ông lẫn đàn bà, cùng các bà, các cô rửa chén bát tấp nập chạy tới chạy lui, xoong, chảo, nồi niêu, thìa đĩa, dao thớt khua loảng xoảng trong tay. Vừa thấy quan chủ thiện đi vào, ai nấy đều đứng im phăng phắc, và cả gian bếp tức thì chìm trong cảnh yên ắng, đến nỗi nghe rõ được cả tiếng lửa cháy rần rật trong lò và tiếng nước chảy róc rách trong bể rộng cá.

Quan chủ thiện lên tiếng hỏi lão đầu bếp chính chuyên lo bữa điểm tâm cho quận công - một ông già béo ục ịch, đầu đội chiếc mũ nấu ăn cao nghều:

- Đức ông đặt món gì cho bữa điểm tâm sáng nay thế?

- Thưa, ngài dạy là dùng xúp Đan Mạch với bột viên Hambua đỏ ạ. - Lão đầu bếp cung kính đáp.

- Thế à. - Quan chủ thiện tiếp - Chú lùn, chú nghe rõ đức ông muốn xơi gì rồi chứ? Chắc không cần nói, chú cũng dư sức biết đấy là những món ăn rất khó nấu. Chú mà làm được cái món bột viên Hambua, thì ta cứ xin đi đầu xuống đất! Bí mật nhà nghề của cánh đầu bếp bọn ta đấy!

- Ồ, thật chẳng còn gì dễ hơn, - Chú lùn đáp (dạo còn là sóc, chú vẫn phải làm món đó cho mụ già mà lại!) - muốn nấu món xúp ấy, xin ngài cấp cho những thứ rau này, rau này... và ít đồ gia vị, cùng mấy lát mỡ lợn rừng muối, dăm quả trứng, với lại một ít củ cải, cà rốt nữa. Còn muốn làm cả cái món bột viên - chú lùn hạ giọng để ngoài quan chủ thiện và lão đầu bếp chuyên lo bữa điểm tâm ra, không còn ai nghe thấy nữa - thì xin quan cho bốn loại thịt, lưng cốc bia, vài thìa mỡ ngỗng, một nhánh gừng cùng thứ cỏ vẫn được gọi là cỏ “an tỳ”.

- Tôi xin lấy danh dự mà thề là hoàn toàn đúng! - Ông lão đầu bếp chính kinh ngạc thốt lên - Cậu đã kể chi ly, không thiếu một thứ gì. Nhưng xin thú thực là cái món cỏ “an tỳ” , thì đến hôm nay, tôi mới được nghe nói tới lần đầu. Thêm thứ cỏ đó vào, chắc bột viên nhồi thịt phải biết là ngon. Cậu quả là một pháp sư chứ chẳng phải là đầu bếp nữa!

- Cả ta nữa, ta cũng không ngờ đấy! - Viên chủ thiện nói - Nhưng vẫn cứ thử xem. Hãy cấp đủ thực phẩm, xoong nồi và hết thảy những gì nó cần, để nó thử nấu cho đức quận công bữa điểm tâm sáng nay nhé!

Đám phụ nấu bếp lập tức thi hành cái lệnh vừa ban, nhưng khi mọi thứ đã được bày ra trên mặt bếp rồi và chú lùn toan bắt tay vào việc, thì ai nấy mới ớ người ra: chú lùn, dẫu có cố kiễng chân đến mấy đi nữa, cũng chỉ mới chạm được có cái trốc mũi dài ngoẵng tới mặt bếp. Thế mà lại phải kê thêm ghế cho chú đứng. Trong khi chú lùn ra tay, đám đầu bếp, phụ bếp và rửa chén bát vây quanh chú, vòng trong vòng ngoài; ai nấy đều giương to mắt, vì thấy chú làm đâu ra đấy, nhanh nhẹn và khéo léo không chê vào đâu được.

Chuẩn bị đầy đủ các thứ xong xuôi, chú lùn liền bảo cánh phụ bếp hãy đặt cả hai cái nồi lên bếp và chỉ nhắc xuống, khi có lệnh của chú. Rồi chú bắt đầu lẩm nhẩm đếm: “Một, hai, ba, bốn...”. Khi đã đếm đến chẵn năm trăm, chú lùn tức thì hô lớn:

- Thôi, được rồi, nhắc ra!

Mấy người phụ bếp vội vàng nhấc hai cái nồi trên bếp xuống và chú lùn cũng tuột xuống theo chạy ngay lại chỗ viên chủ thiện, mời quan nếm thử.

Lão đầu bếp chính sai lấy một cái thìa bằng vàng, tráng lại trong bể nước cho sạch và đưa cho quan, viên chủ thiện liền đĩnh đạc tiến đến bên bếp lò, mở nắp nồi xúp còn đang bốc hơi nghi ngút ra, múc lên một thìa xúp và vài viên bột nhồi thịt nếm thử. Sau khi nuốt chỗ xúp vào miệng, mắt ngài tức thì nhắm tít lại vì thích thú. Rồi ngài đưa lưỡi liếm môi mấy bận liền, và tấm tắc khen:

- Tuyệt, tuyệt, ta xin lấy danh dự mà thề là rất tuyệt! Ngài nữa, thưa quan tổng quản, mời ngài cùng nếm thử một tí, xem hư thực ra sao ạ.

Viên tổng quản nghiêng người cảm ơn, rồi cầm lấy thìa, nếm thử và suýt nhảy cỡn lên vì khoái trá. Đoạn, ngài quay sang viên đầu bếp chính:

- Ta không muốn làm ông phiền lòng, ông chánh đầu bếp coi sóc bữa điểm tâm ạ, chứ tuy ông là một đầu bếp tài ba, giàu kinh nghiệm, nhưng một món xúp với bột chiên ngon như thế này, thì ông chẳng bao giờ nấu nổi đâu.

Lão đầu bếp cũng nếm thử hai món ăn vừa nấu xong, rồi kính cẩn siết tay chú lùn, nói:

- Cậu quả là một đầu bếp đại tài, đại tài! Thứ cỏ “an tỳ” của cậu đã làm cho món xúp với bột viên có thêm một vị ngon rất chi là đặc sắc.​


Đúng lúc ấy, viên hầu phòng của quận công lao nhanh vào nhà bếp, bảo dọn bữa điểm tâm lên ngay cho đức ông. Người ta vội vàng múc các món ra mấy chiếc đĩa bạc và bưng lên. Viên chủ thiện rất lấy làm mãn nguyện, dắt ngay chú lùn về phòng mình, để hỏi thăm về gia quyến và quê quán chú. Nhưng cả hai còn chưa ngồi ấm chỗ thì gã thông tin của quận công đã lao như bay vào, bảo quan chủ thiện lên gặp đức ông gấp. Ngài hối hả khoác chiếc áo diện nhất vào, rồi theo chân gã thông tin nọ lên ngay phòng ăn.

Đến nơi, ngài thấy đức quận công đang ngả người thích thú trong chiếc ghế bành sâu, sau khi đã xơi sạch sành sanh những thứ đã dọn lên, và đang với lấy tờ giấy bản trắng muốt mềm mại chùi mồm. Mặt ngài rạng rỡ, cặp mắt nhỏ lim dim vì khoái chá.

- Này, - Đức ông phán, khi vừa thấy bóng viên chủ thiện - ta bao giờ cũng hài lòng với những món mà ngươi vẫn dọn dâng ta, nhưng chưa hôm nào ta lại thấy ngon như hôm nay cả. Bẩm rõ ta nghe, tên gã đầu bếp làm cái món xúp hôm nay là gì và ngươi hãy chuyển giúp ta mấy đồng đuca này cho hắn, bảo: ta thưởng cho đấy!

- Bẩm đức ông, hôm nay vừa xảy ra một chuyện cực kỳ thú vị ạ. - Viên chủ thiện thưa.

Rồi ngài kể hết đầu đuôi với quận công chuyện chú lùn tìm gặp mình và khẩn khoản xin vào làm đầu bếp cho đức ông. Nghe kể, quận công rất đỗi ngạc nhiên. Ngài sai gọi chú lùn vào hỏi rõ chú con cái nhà ai, từ đâu đến. Nhắc lại quãng đời bảy năm làm sóc, hầu hạ mụ phù thủy già, thì chú Yakôp tội nghiệp không thích; nhưng nói dối đức quận công, chủ cũng chẳng đành lòng. Bởi thế, chú chỉ thưa rằng hiện giờ chú chẳng còn cả cha, lẫn mẹ, và chú học được nghề nấu ăn từ một bà già. Đức quận công thích thú ngắm nghía hồi lâu cái tướng mạo buồn cười của Yakôp đoạn, phán rằng:

- Thế thì cứ ở lại đây với ta. Lương mỗi năm là năm mươi đuca và một bộ quần áo để diện ngày hội. Ngoài ra, ta còn may thêm cho một cặp quần dài. Phận sự của ngươi là ngày ngày lo liệu cho ta một bữa điểm tâm, với lại trông nom xem đám đầu bếp nấu nướng bữa chiều ra sao; đại để là coi sóc việc ăn uống của ta. À, còn khoản này nữa: ta cũng sẽ đặt cho người một cái biệt hiệu y như cho hết thảy kẻ ăn người ở trong lâu đài này. Từ nay, ngươi sẽ là chú Lùn Nôx với chức tước: phó chủ thiện của lâu đài.

Chú Lùn Nôx lập tức cung kính cúi chào quận công và cảm ơn những ân huệ mà ngài vừa ban, khi quận công cho lui, Yakôp mặt mày rạng rỡ, quay ngay xuống bếp. Giờ thì chú chẳng còn lo lắng gì cho cái thân phận hẩm hiu của mình và cũng chẳng còn phải bận tâm về tương lai của chú nữa.

Chú định bụng sẽ hầu hạ chủ thật tận tụy, để chẳng những đức quận công, người cai quản cả cái xứ này, mà hết thảy kẻ ăn người làm trong lâu đài, đều không ai phàn nàn gì về gã đầu bếp lùn tịt cả.

Từ ngày chú Lùn Nôx về lâu đài làm đầu bếp, có thể nói là đức quận công đã đổi hẳn tâm tính. Hồi trước chẳng hôm nào là hôm cánh đầu bếp không bị quận công cho xơi thìa, xơi đĩa vào mặt, vào đầu, nếu chẳng may món ăn họ dâng lên không vừa miệng đức ngài. Có lần đức ông còn nổi trận lôi đình, ném ngay vào giữa mặt quan chủ thiện cả một cái đùi bê chưa quay kỹ mấy. Cái đùi ấy chẳng may rơi thẳng vào giữa trán quan, khiến ông phải nằm liệt giường suốt ba ngày ba đêm ròng rã. Đám đầu bếp, ai ai cũng run như cầy sấy mỗi lần phải làm bữa để hầu đức ông.

Tất cả những cảnh ấy đã chấm dứt hẳn, từ độ chó chú Lùn Nôx về đây. Ngài quận công dạo này chẳng phải chỉ ăn mỗi ngày ba bữa như trước, mà ăn đến năm bữa. Món nào dâng lên, đức ông cũng cảm thấy tuyệt ngon, và đức ông càng ngày càng béo thêm ra. Lắm lúc, ngài còn mời cả chú Lùn và quan chủ thiện cùng dùng bữa, bắt cả hai phải thưởng thức những món do chính họ nấu nướng.

Dân chúng trong thành phố thảy thảy đều phục lăn chú lùn có một không hai ấy.

Ngày nào trước cửa bếp cũng xúm đông xúm đỏ không biết bao nhiêu là người - ai cũng khẩn khoản, cũng van nài ông lão đầu bếp chính cho phép họ được liếc nhìn chú lùn một tẹo, để xem xem chú nấu nướng thế nào. Còn các nhà dư ăn dư để trong thành thì cố cầu cạnh đức quận công để ngài ban cho cái diễm phúc: được phái các ông, các bà đầu bếp của nhà họ đến học hỏi thêm chú Lùn Nôx và cách chế tác các món ăn. Nhờ chuyện ấy mà chú Lùn cũng có thêm được một khoản tiền kha khá - mỗi người đến học phải nộp cho chú mỗi ngày nửa đuca - nhưng được bao nhiêu, chú đều đem tặng lại cho các bạn đồng sự, để họ khỏi đem lòng ghen ghét chú.

Yakôp cứ sống êm ấm như thế trong lâu đài đức quận công được hai năm. Chắc hẳn cậu rất bằng lòng với số phận, nếu như nỗi nhớ cha nhớ mẹ, - Vì không nhận ra chú, nên xua đuổi chú - không thường đến giày vò lòng chú vào những lúc đêm hôm thanh vắng. Chú chỉ buồn lòng về mỗi chuyện ấy.

Thế rồi một bữa kia chú đã gặp một chuyện lạ thường.

Chú Lùn Nôx vốn rất thạo chuyện mua sắm đồ ăn, thức dùng cho nhà bếp. Bao giờ chú cũng tự mình đi chợ, để tự chọn lấy ngan ngỗng, gà vịt, rau ráng ưng ý nhất về làm bữa cho đức quận công. Một buổi sáng kia, chủ phải ra chợ để mua vài con ngỗng, nhưng tìm mãi vẫn không thấy con nào được mắt. Chú loanh quanh trong chợ hồi lâu, cố chọn cho được một con ngỗng thật béo. Giờ đây chẳng còn ai dám chế nhạo chú. Trái lại, ai nấy đều niềm nở chào hỏi chủ và lễ độ đứng tránh sang một bên nhường đường. Hàng quán nào cũng lấy làm hãnh diện, nếu bán được cho chú một con ngỗng hay một mớ rau.

Đang còn đi tới đi lui thì Yakôp chợt nhìn thấy ở tận cuối chợ một bà bán ngỗng, ngồi rất khuất nẻo. Bà ta, chú chưa gặp mặt bao giờ, và khác với cách buôn ngan ngỗng khác, cứ ngồi im thin thít, chẳng hề chào mời khách hàng, dù là một câu. Yakôp bước lại chỗ bà ta và xem hàng. Quả đúng là những con ngỗng mà chú đang mong. Yakôp mua luôn cả ba - hai anh ngỗng trống với một ả ngỗng mái - cùng với chiếc lồng, vác lên vai, rồi trở về dinh đức quận công. Bỗng dưng chú thấy con ngỗng mái cứ nằm yên và thở rất nặng nhọc, trong khi hai con kia vẫn quàng quạc luôn mồm và vẫy cánh loạn xạ.

- Chắc cô ả đang ốm. - Yakôp nghĩ bụng - Nhưng không sao, về đến nhà là mình sai đem cắt tiết ngay, còn kịp chán.

Như đọc được ý nghĩ của chú lùn, cô ả ngỗng bất thần cất tiếng nói:

Chớ dại giết ta
Ta mổ cho đấy
Ta mà tắt thở
Mi cũng xong đời.

Yakôp kinh hoàng đến mức suýt đánh rơi cái lồng.

- Lạ chưa kìa! - Chú kêu lên - Ra nàng cũng biết nói đấy ư, thưa công nương ngỗng? Đừng sợ, ai lại nỡ giết chết một con ngỗng khác thường như thế. Chắc hẳn chẳng phải lúc nào nàng cũng phải sống dưới cái lốt ngỗng như thế này đâu. Ngay như tôi đây, có thời phải đã phải đội cái lốt sóc đấy, nàng ạ.

- Chàng nói đúng đấy. - Con ngỗng đáp - Em vốn đâu phải là cầm thú. Thật không ai ngờ được rằng nàng Mimi, con gái của pháp sư Vetterbôck vĩ đại, lại sẽ phải bỏ mình dưới lưỡi dao chặt thịt tầm thường ngay trong xó bếp.

- Nàng đừng lo, thưa công nương Mimi khả ái! - Yakôp nói lớn - Tôi sẽ không còn là kẻ biết trọng danh dự và là kẻ đầu bếp chính của đức ngài quận công, nếu tôi để bất kỳ ai kề dao vào cổ nàng! Nàng sẽ được sống trong một chiếc lồng lộng lẫy, đặt ngay trong phòng tôi, và tôi sẽ nuôi nàng và trò chuyện cùng nàng. Tôi sẽ bảo với anh em đầu bếp rằng tôi nuôi con ngỗng ấy bằng một thứ cỏ đặc biệt; để có dịp sẽ dâng cho chính ngài quận công. Và chừng một tháng nữa thôi, tôi sẽ kiếm cách để thả nàng ra với trời cao biển rộng.

Nàng Mimi, nước mắt rưng rưng cảm tạ chú lùn, và quả nhiên Yakôp đã giữ đúng những điều đã hứa. Chú cho đám đầu bếp hay rằng mình sẽ nuôi con ngỗng ấy theo một cách thức khác thường, chưa ai từng biết, rồi đem chiếc lồng về phòng riêng. Mimi được nuôi sống không phải bằng thức ăn dành cho ngỗng, mà bằng bánh ga-tô, cùng đủ mọi thứ mứt, kẹo, và hễ rỗi rãi là chú lùn liền về ngay phòng riêng để trò chuyện với nàng.

Nàng thuật cho Yakôp nghe câu chuyện đời mình: Nàng bị một mụ phù thủy, kẻ đã có lần xung khắc với cha nàng - vị đại pháp sư nức tiếng tài ba Vetterbôck - phù phép, rồi đem vất xuống thành phố này. Chú lùn cũng thuật lại cùng Mimi những nỗi trớ trêu của thân phận chú. Nghe xong, Mimi nói:

- Em có được biết ít nhiều về pháp thuật, vì cha em cũng đã từng truyền cho em một đôi điều về những bí quyết mầu nhiệm của chính người. Em nghĩ: chắc là mụ già đã phù phép chàng bằng chính thứ cỏ thần diệu, mà mụ ta cho vào trong món xúp, để thết chàng, khi chàng xách giúp hàng về nhà mụ ấy đấy. Nếu chàng mà tìm được thứ cỏ ấy và ngủi nó, thì chắc hẳn chàng sẽ lại xinh đẹp như xưa thôi.

Những điều Mimi nói cố nhiên là chẳng an ủi được chú lùn bao nhiêu: biết tìm đâu ra cái thứ cỏ mầu nhiệm ấy? Nhưng dẫu sao trong lòng chú lùn cũng chớm bừng lên một niềm hy vọng nhỏ nhoi.

Sau đó mấy hôm thì một thượng khách bỗng ghé thăm đức quận công. Đó chẳng phải ai xa lạ cả, mà chính là ngài công tước ở điền trang kế bên - bạn thân của chính đức quận công. Chủ nhân lập tức gọi chú lùn lên và phán:

- Đây chính là dịp để ngươi tỏ rõ đức tận tụy và tài nghệ của chính mình đấy. Vì công tước đến thăm ta kia vốn là một nhà quý phái rất sành ăn và rất am tường nghệ thuật nấu nướng. Ngươi hãy lo liệu thế nào để không một hôm nào là hôm vị thượng khách kia không tròn mắt kinh ngạc vì tài nấu nướng của ngươi. Phải tính thế nào để trong suốt thời gian lưu lại tại đây, công tước không bao giờ phải nhúng đũa hai lần vào cùng một thứ món ăn đấy nhé. Ngươi mà không kịp đổi món thì đừng có trách là ta ác. Muốn gì, cần gì, thì kho lẫm ta kia, ngươi cứ vào mà lấy, tha hồ. Dù có phải nấu vàng lên mà làm các món ăn, ngươi cũng chớ ngại, miễn là đừng làm ta bẽ mặt trước ngài công tước bạn ta.

- Bẩm, đức ông đừng lo. - Yakôp vừa đáp, vừa cung kính cúi chào - Tôi sẽ xin cố làm vừa lòng ngài công tước sành ăn.

- Và chú Lùn Nôx háo hức bắt tay ngay vào việc. Suốt ngày, không lúc nào chú rời xa bếp lửa rừng rực cháy và luôn mồm sai bảo người này, người nọ bằng cái giọng nhỏ nhẹ vốn có của chú. Từ đầu bếp cho đến phụ bếp, ai nấy đều răm rắp vâng theo từng lời của chú đầu bếp lùn tịt. Yakôp không hề tiếc cả sức mình, lẫn sức của các bạn đồng sự - chỉ cốt sao cho chủ nhân được vui lòng.

Cuộc viếng thăm của công tước đã kéo dài hơn hai tuần rồi. Ngày nào, chủ khách cũng xơi ít nhất là năm bữa, và đức quận công rất lấy làm khoái trá. Ngài thấy khách rất đỗi thích thú với những món ăn của chú lùn. Đến ngày thứ mười lăm, chủ nhân cho mời Yakôp lên phòng ăn, giới thiệu chú với công tước, rồi hỏi: tài nghệ của chú đầu bếp kia chẳng hay có làm công tước vừa lòng chăng?

- Ngươi nấu khéo thật đấy. - Công tước khen chú lùn và rất am tường cái giá trị to tát của việc ăn ngon miệng. Trong suốt thời gian ta lưu lại đây, không món nào ngươi lại dọn lên quá hai lần, và món nào cũng tuyệt ngon. Nhưng tại sao mãi đến nay ngươi vẫn chưa thết ta và đức ông đây thứ bánh gọi là “ga-tô nữ hoàng” nhỉ? Đó là loại bánh ngon nhất trần đời đấy nhé.

Chú lùn như thấy rụng tim. Chưa bao giờ chú được nghe nói đến thứ bánh ga-tô ấy. Nhưng không để cho khách thấy mình bối rối, chú lùn điềm nhiên đáp:

- Bẩm đức ông, tôi những tưởng ngài còn lưu lại đây lâu, nên muốn dành món “ga-tô nữ hoàng” cho bữa tiệc giã biệt ạ. Đó quả là chúa tể của mọi thứ bánh ga-tô, điều ấy chắc ngài chẳng lạ.

- Ồ, đúng thế! - Đức quận công nói và cười lớn - Ngay cả ta nữa, ngươi cũng chưa dâng bánh “ga-tô nữ hoàng” bao giờ. Chắc là ngươi định dành nó vào dịp ta từ giã cõi trần để còn an ủi ta lần chót cùng, phải không Nôx? Thôi đến ngày ấy hãy dọn món khác cũng được! Còn “ga-tô nữ hoàng” thì ngày mai phải có trên mâm ta! Nghe rõ rồi chứ?

- Bẩm quận công, vâng. - Yakôp đáp, rồi bước vội ra, lòng vừa bồn chồn vừa lo lắng, vừa rầu rĩ.

Rõ khốn khổ cho cái thân phận hẩm hiu của chú lùn tội nghiệp! Trời, giờ biết hỏi ai đây, để còn làm cái món ga-tô chết rấp ấy?

Chú lùn quay lại buồng riêng và òa lên khóc nức nở. Thấy thế nàng ngỗng Mimi rất đau lòng.

- Ôi, sao chàng lại khóc, hả Yakôp? - Mimi nhỏ nhẹ hỏi, và khi được biết rõ đầu đuôi, liền nói ngay: - Lau nước mắt đi, chàng Yakôp của em, và đừng buồn nữa. Thứ bánh ấy, hồi còn ở nhà, em vẫn được nếm luôn đấy, và xem chừng em còn nhớ được cả cách làm nữa đấy. Chàng cứ đánh ngần này bột lên, rồi cho thêm vào đó những thứ này, thứ này... thế là xong. Ví thử còn thiếu tí chút gì đó nữa thì cũng chẳng đáng ngại lắm đâu, chàng ạ. Đức quận công và ngài công tước làm sao biết được. Khẩu vị của họ đã làm gì tinh tế đến dường ấy.

Chú Lùn Nôx rất đỗi mừng rỡ và bắt tay ngay vào việc. Để chắc ăn, đầu tiên, chú làm thử một cái bánh nhỏ và đưa cho quan chủ thiện nếm thử. Ngài khen ngay là bánh rất ngon. Được lời Yakôp bèn làm một cỗ bánh rõ to và cho bưng lên ngay phòng ăn của đức quận công, khi bánh vừa mới ra lò. Rồi, chú cũng diện luôn bộ lễ phục vào và theo chân ngay, để xem đức quận công và ngài công tước có thích món bánh chú mới làm không.

Lúc chú bước chân vào cũng chính là lúc tên hầu bàn vừa cắt cỗ bánh ra rồi đặt lên chiếc khay bạc một miếng rõ to và dâng lên cho công tước; đoạn, hắn cũng cắt một góc bánh nữa - dâng lên cho quận công. Đức quận công xén ngay một nửa cho vào miệng nhai và chưa nuốt khỏi cổ họng, đã đắc ý ngả vào thành ghế kêu to:

- Chà, ngon tuyệt! Chẳng trách thiên hạ gọi nó là chúa tể của các loại bánh. Nhưng chính chú lùn của ta kia mới là chúa tể của cánh đầu bếp. Đúng không, ngài công tước?

Ngài công tước dè dặt cắt lấy một mẩu bánh nhỏ rồi cho vào miệng, nhai rõ kỹ, đưa lưỡi miết đi miết lại hồi lâu, rồi mỉm một nụ cười đầy khoan dung nói, sau khi đã đẩy đĩa bánh ra xa:

- Kể cũng ngon đấy! Nhưng còn mệt mới theo kịp loại “ga-tô nữ hoàng”. Tôi cho là như thế, thưa đức quận công tôn kính.

Đức ông đỏ mặt lên vì ngượng và quắc mắt bảo chú lùn:

- Đồ khốn! Ra mi dám nhục mạ chủ mi một cách quá quắt đến thế hả? Mi sẽ phải mất đầu vì cái món ăn tầm thường ấy!

Yakôp quỳ ngay xuống, phân trần:

- Bẩm đức ông! Tôi đã làm món ấy đúng kiểu cách đấy ạ. Không hề thiếu bất cứ thứ gì.

- Mi nói dối, quân đốn mạt. - Quận công gầm lên, rồi cho chú lùn một đá - Lời của công tước vừa nói ban nãy, mi nhớ chứ: trong chiếc bánh vẫn còn thiếu một món gì đó nữa kia. Ta sẽ đích thân nghiền nát mi ra, rồi trộn vào chiếc bánh ấy mà nướng giòn lên đấy, tên quỷ lùn xấu xí đến phát tởm kia!

- Xin ngài rộng tay làm phúc, tha tội cho tôi. - Chú lùn van xin, tay cứ bíu chặt lấy gấu áo của ngài công tước - Đừng để tôi phải mất mạng chỉ vì cái nhúm bột trộn với thịt kia! Xin ngài hạ cố cho hay: vì thiếu mất món gì mà chiếc bánh kia lại không làm vừa miệng ngài thế ạ?

- Điều đó chẳng giúp gì cho nhà ngươi nhiều lắm đâu, chú Nôx thân mến ạ. - Công tước cười đáp - Ngay từ hôm qua ta đã nghĩ bụng: chú sẽ không tài nào làm được cái món ăn ấy đúng như cách mà tên đầu bếp của ta vẫn làm. Vì thứ bánh ấy cần có thêm một loại cỏ, mà ở đây các ngươi không ai biết cả. Loại cỏ ấy có tên là “Hắc hơi cho khỏe”. Thiếu nó bánh “ga-tô nữ hoàng” sẽ mất đi cái vị của thứ bánh mà đám đầu bếp bên dinh cơ ta vẫn làm và đức ông đây chưa bao giờ được thưởng thức.

- Làm gì có chuyện đó. Ta sẽ được nếm nó ngay bây giờ, chỉ trong một chớp mắt nữa thôi! - Đức quận công quát to - Ta xin lấy danh vị quận công của ta ra mà thề rằng: Hoặc là ngày mai, ngài sẽ thấy cỗ bánh ấy trên bàn này, hoặc là cái thủ cấp của tên đầu bếp đốn mạt kia sẽ phải lủng lẳng trước cổng dinh cơ ta. Thôi, xéo đi, đồ chó! Ta ban cho mi một thời hạn là hai mươi bốn tiếng đồng hồ, để tự mi cứu lấy thân mi đó.

Chú lùn tội nghiệp trở về buồng riêng, nước mắt giàn giụa, và thổ lộ ngay với nàng ngỗng Mimi nỗi khốn khổ của chính mình. Phen này thì coi như là cầm chắc cái chết trong tay! Bởi lẽ cái giống cỏ “Hắt hơi cho khỏe” chết rấp kia mãi đến giờ chú mới được nghe nói đến lần đầu.

- Nếu chỉ có vậy thôi, - Mimi nói - thì em vẫn còn có thể giúp được chàng. Cha em xưa đã từng chỉ vẽ cho em cách nhận mặt giống cỏ. Nếu chuyện này xảy ra cách đây hai tuần thì kể đáng lo thật; nhưng giờ đây, may thay đang là đầu tuần trăng mới, nghĩa là đúng dịp thứ cỏ ấy ra hoa, chàng ạ. Này, thế quanh lâu đài có cây dể cổ thụ nào không, chàng Yakôp?

- Có đấy! Có đấy! - Chú lùn mừng rỡ reo lên - Ngoài vườn kia, chỉ cách đây có mấy bước chân thôi, có đến những mấy cây đấy Mimi ạ. Nhưng tìm những thứ ấy để làm gì kia chứ?

- Giống cỏ “Hắt hơi cho khỏe” chỉ mọc dưới gốc dẻ thôi. Đừng để phí thì giờ nữa; ta ra ngoài ấy tìm đi. Nào, bế giúp em lên tẹo nào, để ta còn đi cho chóng.

Chú lùn bế ngay Mimi trên tay, rồi họ đưa nhau tiến về phía cổng lâu đài, định bước ra ngoài. Nhưng bác gác cổng liền ngăn chú lại:

- Không được đâu, cậu Nôx ạ; tôi được lệnh cấm ngặt, không để cho cậu rời khỏi lâu đài đấy.

- Nhưng dạo chơi chốc lát trong vườn kia cũng không được nữa sao? - Chú lùn hỏi - Bác làm ơn sai người đến gặp quan tổng quản, hỏi xem cháu có được phép đi dạo trong vườn không nhé.

Bác canh cổng cho người đi hỏi, và chỉ lát sau đã trở về, báo rằng: Được phép. Quan tổng quản biết chắc mười mươi là quanh khu vườn đã có cả một dãy tường cao vây kín, nên chú lùn đừng hòng chạy thoát.

Đến nơi, Yakôp gượng nhẹ đặt Mimi xuống, và nàng ngỗng lập tức vươn cổ, lao nhanh đến dưới mấy gốc dẻ già, ngả bóng bên hồ. Rầu rĩ chú lùn lê chân theo sau.

“Mimi mà không tìm được thứ cỏ ấy, - Chú nghĩ bụng - thì ta chỉ còn việc nhảy xuống cái hồ kia nữa là xong. Thà làm thế, còn hơn là để bị chết chém”.​


Trong lúc ấy thì Mimi vẫn cắm cúi rẽ từng ngọn cỏ một ra tìm tìm kiếm kiếm dưới từng gốc dẻ, nhưng thảy đều vô ích - không đâu có cái thứ cỏ “Hắt hơi cho khỏe” ấy cả. Nàng ngỗng khóc òa lên vì tủi cực. Trời đã ngả về chiều, mặt đất càng lúc càng thẫm lại và chuyện tìm kiếm giữa đám cỏ mỗi lúc một cực nhọc hơn. Tình cờ chú lùn nhìn sang bờ bên kia và mừng rỡ reo lên:

- Kìa, Mimi, nàng thấy không, bên bờ kia còn có một cây dẻ nữa, lâu đời và rậm rạp hơn nhiều! Ta cứ sang bên đó tìm thử, may ra gặp đấy.

Nàng ngỗng nặng nề vỗ cánh, rồi bay vút sang bên kia hồ; còn chú lùn thì hối hả chạy theo, với đôi chân ngắn cũn. Chú băng qua một chiếc cầu nhỏ, rồi tiến về phía cây dẻ, gốc dẻ ấy cành lá rất rậm rạp; bởi thế, dưới gốc bóng tối đã phủ dày hầu như chẳng còn nhìn rõ được một thứ gì, nhưng bỗng Mimi vỗ mạnh đôi cánh trắng muốt và thậm chí suýt nhảy cỡn lên vì mừng rỡ. Nàng vội vã lách mỏ vào bụi cỏ, ngắt lấy một bông hoa và trân trọng trao cho Yakôp, nói:

- Đây, cỏ “Hắt hơi cho khỏe” đây. Chỗ này mọc vô khối, chàng có thể ngắt tha hồ, Yakôp ạ.

Chú lùn đón lấy bông hoa và chăm chú nhìn, dáng trầm ngâm. Đóa hoa tỏa ra một mùi thơm ngòa ngạt khiến Yakôp bỗng dưng nhớ lại chuyện: Có lần, chú đã vào kho mụ già, chọn các thứ cây cỏ để nhồi vào bụng gà, và được nhìn thấy chính thứ hoa này - cuống màu lục nhạt, cánh đỏ tươi, quanh mép có điểm một dải màu vàng rất mảnh.

Và Yakôp bỗng thấy toàn thân run lên vì xúc động.

- Mimi đáng yêu ơi, - Chàng thốt lên - hình như đây chính là thứ hoa đã biến tôi từ sóc thành thằng lùn đấy! Để tôi thử ngửi nó xem sao nhé.

- Gượm đã, Yakôp. - Mimi nói - Chàng cứ ngắt lấy một bó mang về phòng đã. Bao giờ chàng gói gém xong tiền bạc và hết thảy những thứ gì đã kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của chính mình rồi, lúc ấy ta hẵng cùng nhau nghiệm thử cái sức mạnh của thứ cỏ nhiệm mầu kia.

Yakôp ngoan ngoãn vân theo lời khuyên của Mimi, tuy rằng trống ngực chú vẫn đập đổ hồi vì nôn nóng. Chú chạy vội về phòng. Sau khi cho hết mấy trăm đuca và vài bộ quần áo vào cái tay nải nhỏ, chú liền gí ngay cái mũi dài ngoẵng vào bó hoa mới hái và hít mạnh. Gân cốt trong người chú bỗng giãn mạnh, kêu răng rắc. Rồi cổ chú tức thì vươn dài ra, nâng cao cái đầu lên giữa đôi vai rắn rỏi, mũi ngắn lại dần, còn hai chân mỗi lúc một dài thêm, lưng thẳng lại, ngực nở to, và chú lại trở thành một chàng trai như bao chàng trai khác. Mimi vô cùng kinh ngạc nhìn Yakôp.

- Ôi, chàng xinh đẹp biết bao! - Nàng reo to - Giờ thì chàng chẳng còn giống tí gì một chú lùn xấu xí nữa cả.

Yakôp xiết bao mừng rỡ. Chàng những muốn chạy ngay về nhà ra mắt cha mẹ già, để song thân đỡ buồn tủi. Nhưng làm sao chàng nỡ phó mặc vị cứu tinh của chàng kia cho số phận!

- Mimi yêu dấu, ví thử không có nàng chắc hẳn tôi sẽ mãi mãi vẫn là một chú lùn xấu xí và không chừng còn phải chết dưới lưỡi rìu của bọn đao phủ nữa. - Yakôp nói, tay trìu mến vuốt ve cô nàng ngỗng thân thương - Tôi phải đền ơn nàng. Tôi sẽ đưa nàng về lại với phụ thân, để người còn giải phép cho, vì người chính là vị pháp sư thông thái nhất trong số các pháp sư thông thái.

Mimi giàn giụa nước mắt vì sung sướng. Yakôp bế nàng lên tay, áp chặt vào lòng. Rồi chàng ung dung rời lâu đài. - Vì chẳng còn ai nhận ra chàng được nữa. - Đưa Mimi ra biển, để tìm cách đến đảo Gotland, lãnh địa của cha nàng, đại pháp sư Vetterbôck.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển Bantích, hai người đã đặt chân tới đảo Gotland. Ngài Vetterbôck lập tức giải phép cho Mimi và trao cho Yakôp không biết bao nhiêu là tiền bạc cùng tặng phẩm. Yakôp vội vã từ biệt, rồi lên đường về thành phố quê nhà. Cha mẹ chàng mừng rỡ đón chàng - vì chàng đã trở thành cậu Yakôp xinh đẹp như xưa và mang về bao của cải.

Phải kể thêm mấy lời về đức quận công:

Sáng hôm sau, đức ông quyết định chi thi hành ngay lời ngài đã hứa - chém đầu chú lùn, nếu hắn không tìm được thứ cỏ mà công tước đã nhắc đến. Nhưng chẳng tài nào tìm thấy Yakôp ở đâu.

Nhưng ngài công tước lại nghĩ rằng đức quận công đã cố tình giấu chú lùn đi đâu đó, để khỏi bị mất gã đầu bếp giỏi nhất, nên tuyên bố rằng quận công là một tên bịp bợm. Đức quận công điên tiết lên, bèn tuyên chiến với công tước. Sau nhiều cuộc chém giết, sát phạt đẫm máu mà chẳng đi đến đâu, hai nhà đại quý tộc đã giảng hòa cùng nhau, và để ăn mừng dịp lập lại hòa hiếu ấy, ngài công tước đã truyền cho lão đầu bếp của ngài làm một cỗ bánh “ga-tô nữ hoàng” chính cống. Nền hòa bình giữa hai vị đại quý tộc, bởi thế cũng được sử sách gọi là “Nền hòa bình ga-tô”.

Đó là toàn bộ câu chuyện về Chú Lùn Mũi.​
 

Cynir

Vania 3N
Сотрудник
THẰNG LÙN MŨI
Liên Hoàn Họa 1




























































































 

Cynir

Vania 3N
Сотрудник
THẰNG LÙN MŨI
Liên Hoàn Họa 2

























































































 
Top