Gái giang hồ (Интердевочка) - Vladimir Kunin

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
Quyển tiểu thuyết Gái giang hồ (Интердевочка, Intergirl, "gái quốc tế") được tác giả Vladimir Kunin (Владимир Владимирович Кунин, 1927 - 2011) san hành năm 1988 và ngay lập tức hãng Mosfilm đã chuyển thể thành bản điện ảnh. Cả hai đều rất ăn khách và thậm chí cơ quan KGB cũng nhiệt liệt ủng hộ.

Sách đề cập thân phận những người phụ nữ phương trưởng trong kỉ nguyên tan băng (Tô Liên gọi thời Cải Tổ, còn thế giới gọi thời Disco). Tác gia không dùng thủ pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa quen thuộc mà áp dụng phong cách hiện thực ô uế (грязный реализм, dirty realism) rất phổ biến trong dòng văn nghệ hiện sinh.

Tại Việt Nam, sức ảnh hưởng của bản điện ảnh đã khiến giới kịch nghệ có thêm một tác phẩm phong vị Nga vô cùng đắt giá. Vở thoại kịch Gái giang hồ quốc tế đã trực tiếp đem lại danh vọng cho các nghệ sĩ Hồng Vân và Minh Trang.



Mời các bạn đọc nguyên bản tại đây : RU.​
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
Vladimir Kunin
GÁI GIANG HỒ
Ngọc Giao dịch ngữ

✾​

(trích 1)

Cuộc đời đâu giống như học đường để mà dạy cách cư xử thế tục. Vả chăng cuốn tiểu thuyết của chúng tôi cũng không phải cẩm nang để đối nhân xử thế, càng không giống kinh thư mà hiểu thế nào là phong thái chấp nhận được trong xã hội thượng lưu. Đây chỉ là phác họa lịch sử một thời đại nào đó mà thôi.

Jaroslav Hašek, bài tựa sách Đời phiêu bạt giang hồ của anh lính hóm Švejk

I

Ấy là một đêm trắng mùa hạ. Tôi đang bận chỉnh y phục, thế rồi rời khách sạn, bắt xe đi thẳng về nhà. Tôi tranh thủ chợp mắt mấy tiếng, rồi lại vẫy xe đến tổng y viện đúng 8 giờ sáng.

Thời giờ còn rảnh chán ! Tôi đứng trước ngưỡng cửa sổ mở toang, trên người chỉ có giày và quần lót, rồi mới trễ nải gài dây áo ngực. Nhưng tôi biết, ngay cả khi không mặc gì, thì chàng dẫu có ở đây thế nào cũng nhìn chằm chằm về tôi. Nhưng nếu là vào ban tối, lỡ như có gã nào khiến lòng tôi bỗng nhiên thổn thức, thì ngay sớm hôm sau, sóng gió cũng kéo tới bẽ bàng không sao tả xiết. Và thói biếng trễ trong tôi cũng ở đó mà ra.

Trên lầu 10 khách sạn, tôi ngắm ra chiếc bè kéo sà lan chở cát óng vàng đang nhẹ lướt trên triền sông Neva. Lúc bè đã thở bì bọp ngay dưới nhịp cầu Liteyny thì cầu bỗng bay vút lên trời và rồi tiếng động cơ cứ nhỏ dần. Mà chừng như chỗ sà lan vọng lại giai điệu một cuốn phim cũ, cái phim gì mà đến chó còn biết.

“Anh yêu em, Tanya !” – Chàng đánh thức sau lưng tôi.

Chàng là mẫu người biết đón nghe mọi ý kiến. Mà thậm chí từng được thưởng không ít khoản huê hồng trong công ty nhờ vốn từ vựng Nga lưu loát.

“Em cũng yêu anh” – Tôi đáp mà chẳng thèm ngoảnh lại. Ngõ ý bực vì chàng cắt ngang điệu nhạc ở chiếc sà lan rót vào tai.

“Anh muốn mình cưới nhau !” – Chàng đổi giọng nghiêm trang.

Bỏ mẹ rồi ! Thế ư ? Đã đến lúc rồi sao ? Tôi quay ngoắt về bên chàng. Bây giờ chàng nằm ườn trên chiếc giường khách sạn chật hẹp, và nheo nheo ánh mắt cận nhìn tôi.

“Ơn Chúa !” – Tôi nhoẻn cười – “Thế là đã rõ !”.

“Gì ?”.

Tôi ngồi ở cạnh giường và khẽ vuốt khuôn mặt chàng : “Có phải chúng mình sắp kết hôn rồi không ?”.

Tôi chợt nhận ra rằng, đối với chàng và chung quy là mọi người ngoại quốc biết tiếng Nga, tôi đều biết dùng một ngạn văn thật bình dị. Mà việc ấy vẫn diễn ra hoàn toàn tự nguyện chứ chẳng hề nằm trong ý thức nơi tôi. Nên có lẽ nhờ bản năng mà thành ra tôi khiến họ dễ chịu khi giao tiếp với mình chăng ?

“Anh thật lòng muốn kết hôn với em đến thế sao ?”.

“Ừ !” – Chàng tựa đầu lên gối chân tôi. Mái tóc thưa mềm, màu xám tro – “Anh đã thưa trước với ba mẹ anh rồi”.

Quả thật đường đột quá !

“Chết, thật thế ư ?”.

“Tất nhiên rồi em”.

“Rồi anh đưa em theo chứ ?”.

“Phải, nếu em bằng lòng”.

Chàng còn hỏi nữa : Nào tôi đến đây là vì lẽ gì, nào chẳng ai chịu hiểu chúng ta đâu, và nào dẫu là đứa khôn lanh nhất.

Tôi cúi xuống hôn má chàng, mới cảm thấy ngay cái mùi hôi thuốc lá trong miệng chàng. Tôi bèn nhỏm dậy và khẽ nói : “Bây giờ anh muốn gì em cũng chiều, nhưng phải tắm ù cái đã !”.

Ở trong đấy, tôi diện lại cái váy hiệu Bundes – mà có nửa mảnh đã bị con Kisul tha mất rồi – sau đó xếp cả đồ trang điểm vào xắc rồi tô môi. Tôi nhác thấy bàn chải cạo râu chưa kịp rửa còn vương chút bọt xà bông khô. Tôi đi chơi với chàng đã nguyên tháng nay mà hễ lần nào cũng bắt gặp chiếc bàn chải chưa chùi này. Nhưng cho tới hôm nay tôi vẫn xem như là truyện riêng của chàng. Thế rồi… Tôi bấm bụng chà thật sạch bàn chải, lấy khăn bông lau khô rồi dựng lên giá thủy tinh trước gương. Biết đâu, nhờ chiếc bàn chải này mà đời tôi sắp soạn sang một chương hoàn toàn mới…
 
Top