Cuộc sống người Việt tại Liên Xô & Nga trong bối cảnh phim "Tình khúc bạch dương"

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Cuộc sống người Việt tại Liên Xô và Nga
trong bối cảnh phim "Tình khúc bạch dương".
Phim mới lên sóng được 3 tập, bên cạnh nhiều ý kiến hoan nghênh, ca ngợi ... không ít bạn, nhất là Lưu học sinh đã nhiều năm học ở Liên Xô, băn khoăn, thậm chí chỉ trích gay gắt những cảnh mô tả cuộc sống của SV ta ở LX trong phim là phiến diện, thiển cận, bôi bác... , có bạn tâm sự trên một trang mạng: Con mình xem phim cứ hỏi: “Bố mẹ hồi xưa cũng đi buôn khiếp thế à?”.
Để các bạn biết thêm giai đoạn này và dễ “nhập cuộc” với bô phim, là người đi lại nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người ở LX trong những năm 80-90 (Bacu, Krasnodar, Bryansk, Matxcơva, Mogilyov...), xin đăng lại bài viết của tôi trên trang cá nhân về thực trạng học tập và sinh sống của người VN lúc đó.
Tháng 3 năm 1985 Gorbachev lên nắm quyền và bắt đầu công cuộc Đổi mới “vô tội vạ” của ông. Những năm sau đó, kinh tế LX bắt đầu khó khăn, hàng hóa khan hiếm dần, một phần do dân chúng bắt đầu thích nói nhiều về công khai, dân chủ ... ít chú trọng làm việc, nhưng cái chính là các nhà máy xí nghiệp “ém hàng” vì đoán trước giá cả hàng hóa trong hoàn cảnh kinh tế thị trường sẽ cao hơn nhiều so với giá thành hàng hóa đang sản xuát theo cơ chế bao cấp. Từ những năm 86-87 trở đi, cuộc sống ở nhiều thành phố lớn trở nên khốn khó, có lúc những mặt hàng thiết yếu như muối, diêm... cũng không có bán, thịt gà cũng rất khó mua, phải xếp hàng và tranh nhau. Nhiều gia đình người Nga thậm chí không có tiền mua dầu mỡ để rán, thay vì món bánh xèo quen thuộc (Блины) họ phải luộc những miếng bánh bằng bột mỳ loại 3 trong nước muối cho con cái ăn....

Với bản tính năng động và dễ thích nghi, một số người Việt sống ở LX lúc đó (từ cuối năm 85) bắt đầu buôn bán, người nào nhanh nhẹn thì biết cách kiếm tiền nhờ những khe hở của thị trường. Sinh viên ít buôn bán hơn, phần vì lo học, kỷ luật quản lý chặt chẻ, với lại ít thông tin giá cả từ VN sang. Còn đại đa số Thực tập sinh, Nghiên cứu sinh (tôi ở nhóm này), là những người vừa trải qua giai đoạn cả nước VN ăn bo-bo, coi buôn bán là phương tiện để có thể sống đàng hoàng với những tấm bằng, học vị mình sắp có. Thời gian đầu chỉ “buôn vặt” như mô tả trong phim, kiếm tiền nhờ chênh lệch giá của vài mặt hàng từ VN gửi sang và đồ của LX gửi về. Một hai năm sau (từ 87-88 trở đi), một vài người đã buôn bán có tổ chức, đánh hàng bằng container từ VN hay TQ sang Mátxcơva hay Leningrad, một số người lên Mát mua lại với số lượng lớn đem về các địa phương (lúc đó gọi là “đi bè”) bán lại cho SV, công nhân để bán cho người dân Nga (gọi là “đi chợ”) thông qua “đặt còm” hoặc bán trực tiếp. Những năm này ở các thành phố LX bắt đầu hình thành “chợ Trời” (Толчок – nơi huých nhau), SV, CN, TTS của ta bắt đầu "xuống đường" bằng việc bán lẻ (hàng bày trên tấm bạt trải trên mặt đất), sau đó một vài người tổ chức lại, có cả dãy sạp bày hàng VN, TQ,... và đến những năm 91-92, những người có đầu óc kinh doanh và có chí làm giàu bắt đầu làm ăn lớn, thuê nhà hàng, siêu thị, thành lập công ty riêng hoặc Liên doanh (theo luật pháp lúc đó các Cty LD được miễn thuế trong 3 năm đầu tiên). Nhiều tỷ phú VN hiện nay đã lớn lên nhờ những đồng tiền kiếm được trong thời gian này.

Bối cảnh trong tập 1-2 của phim là những năm cuối 85 và 86 (lời ông bố ở HN nói là Gorbachev vừa tuyên bố đổi mới). Nhiều cán bộ XKLĐ (nhất là phiên dịch kiêm đội phó) buôn bán như TTS, NGS, số SV tham gia buôn bán không nhiều, chỉ những người nhanh nhẹn biết tiếng tốt (như Hùng trong phim), còn công nhân, chỉ những người quen thân với cán bộ hay ai đó TTS, mới dám buôn bán, nhưng rất lặt vặt. Tôi nghĩ, phim TKBD không có mục đích phản ảnh cuộc sống chung của người Việt, mà muốn nói lên một mối tình đẹp của 1 bộ phận cụ thể người Việt trong bối cảnh xã hội nhiều biến đổi ở LX và VN lúc đó - Phải lo mọi thứ trong lúc cuộc sống của VN ta và người anh cả LX khó khăn nhất mà vẫn phát huy nổ lực của bản thân, giữ được những gì cao quý của con người, nuôi dưỡng mối tình thơ mộng.... Theo tôi, bộ phim sẽ thành công nếu đưa đến khán giả thông điệp dạng như thế.



Chưa biết tình huống trong các tập tiếp sẽ thế nào. Nếu phim đề cập thêm những sự kiện “nóng” thời bấy giờ ở Kras (là nơi công nhân VN lần đầu tiên ở LX bãi công, nơi đặt "trụ sở" của băng cướp người Việt có vũ trang (dùng cả súng ngắn và AK cưa nòng) khống chế vùng phía Nam LX đến mức VN phải cử Đại tá an ninh cùng tổ công tác mật sang cộng tác với KGB mấy năm mới triệt hạ được....) thì chắc phim sẽ sôi động hơn, không có cảm giác chỉ mấy anh SV “quanh quẩn” mưu toan cho cuộc sống ... và bên cạnh “chất thơ”, bộ phim sẽ giúp hiểu thêm về 1 giai đoạn mà với nhiều người có thể coi là “lịch sử” này.
 
Chỉnh sửa cuối:
Top