Hồi kí : Truyện tình bên bờ Vorskla

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Hôm nay là ngày Kỷ niệm 65 năm quan hệ hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô - LB Nga. Có bạn nói tôi viết gì đó, vì dù sao mình cũng là người có hơn nửa đời người gắn bó với đất nước mà đối với tôi là quê hương thứ hai theo đúng nghĩa thực của nó.
Không có thời gian để viết gì hơn, tôi chỉ có Tự truyện viết năm trước, nay xin đăng lại chia sẻ với mọi người những gì mình đã trải qua, và những gì mình nhận được từ một dân tộc và đất nước vĩ đại.

----------------------------------------

Trên mạng có nhiều bài viết về tình cảm gắn bó giữa Việt Nam ta với nước Nga thông qua những kỷ niệm về con người và sự việc cụ thể.
Vừa rôi, sau hơn 30 năm được gặp lại mấy anh học năm trên cùng Khoa Toán trường ĐHTH Ba cu. Ngồi ôn lại chuyện cũ và cuộc đời sau khi tốt nghiệp, một bác có tham gia viết lách gì đó, quan tâm: Chuyện đời của cậu thú vị đấy, từ những miếng bánh mì không phải trả tiền thời SV đến khi quản lý dự án khá “nặng túi” đại diện cho TĐ Nga và nước ngoài, Kể đi, mình sẽ làm thành một câu chuyện đầy đủ.

Từ lâu, tôi đã muốn viết gì đó tưởng nhớ hương hồn những người mẹ ở LB Xô Viết và nước Nga, cảm ơn những người thân bên tôi khi mình mới bước vào đời và trưởng thành. Và nay không muốn phức tạp vì khi người khác viết sẽ không tránh khỏi “lồng” cảm nghĩ cá nhân vào chuyện vốn dĩ đã không hoàn toàn hợp “chuẩn” theo quan niệm xã hộl. Không là dân sành chữ nghĩa, hoàn toàn không có ý “tự bạch” khi viết lên đây, tôi mạnh dạn kể dần chuyện đời của mình dưới dạng Tự truyện chỉ để mong chia sẻ thực tế bản thân cho những ai quan tâm, nhất là thế hệ trẻ, hiểu thêm về cuộc sống SV ta lúc đó, về con người Xô Viết và nước Nga vốn đã là một góc trong tâm hồn tuổi thơ của nhiều người.
Câu chuyện này cũng muốn viết tặng các bạn đã có một thời trẻ trai sôi nổi và thơ mộng ở LB Xô Viết và LB Nga,
Và cũng là lời cảm ơn đất nước có những con người đã cho ta những năm tháng đó.
(Tất cả các sự kiện, địa điểm, tên người... là thật. Nhiều người cùng học và làm việc sau này với tôi có thể dễ dàng kiểm chứng).




Chuyện tình bên bờ Vorskla

1. Trại hè Thiếu nhi – nơi khởi điểm những bước ngoặt cuộc đời
Hồi đó, mùa hè có tổ chức các cuộc tham quan quanh các nước CH cho SV nước ngoài học tại Liên Xô. Đi từ thủ đô Kiev hoặc Minsk bằng xe Ikarus, mỗi chuyến hơn 20 ngày, đến hơn chục thành phố. Dọc đường, đoàn mấy xe ô tô có xe cảnh sát bật đèn hộ tống, ban đêm ở lại tại nhà khách các trường ĐH hoặc khách sạn. Không biết trường các nơi khác có trích ngân quỹ gì không, còn trường tôi cho những SV học tốt tham dự, thay cho việc không được nhận học bổng Lênin (15 rúp/tháng vì không áp dụng cho SV nước ngoài).

Hè năm 71, vừa xong năm thứ nhất, cùng với dăm SV Việt Nam, tôi tham gia đoàn đi quanh Ukraina. Từ Kiev, đoàn đến thành phố Poltava, nằm khoảng giữa Kiev và Khác cốp. Buổi sáng đến thăm Trại hè Thiếu nhi bên sông Vorskla ở ngoại ô thành phố. Sau phần trọng thể, mọi người được đi chơi tự do từ trưa cho đến tối thì xe đón về. Vốn thích trẻ em, và trẻ con Nga thường nói tiếng Nga dễ nghe và giúp mình học tốt hơn, tôi làm quen và đi chơi với 3-4 em học lớp 5 trông rất dễ thương đang đùa nghịch. Các em dẫn đi khoe tất cả những gì có, từ phòng ngủ trang trí đẹp cho đến tranh mình vẽ ở Câu lạc bộ...

Gần cuối chiều, sắp đến giờ lên xe, cô bé Valya đột nhiên hỏi:
- Anh có muốn làm quen với chị của em?
- Thế chị em có đẹp như em không? – tôi hỏi để trêu cô bé, và cũng vì tò mò.
- Đẹp hơn nhiều, chị ấy đẹp nhất nhà!
Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi có phần đùa:
- Thế thì quá tốt, nhưng tại sao em lại đi giới thiệu bạn trai giúp chi?
- Chị bảo là, khi nào gặp anh nào em thấy thích thì giới thiệu giúp. Năm nay chị ấy đã vào lớp 10, tham gia Câu lạc bộ quốc tế mà chưa có bạn thân.
Tôi bắt đầu thận trọng:
-Nhưng liệu chị em có thích anh không, làm trò cười thì không được đâu nhé!
Cô bé vạch ngay “kế hoạch” hành động: Về trường anh gửi ảnh chụp hôm nay và vài dòng hỏi thăm chị em, cứ nói là do em bảo. Chị ấy tên là Nely, nhà em chỉ có 2 chị em gái và 1 anh trai, bố mẹ em làm nghề dạy học, anh đừng có lo gì cả.
Vui vì câu chuyện chuyển hướng, nhưng khi ngồi trên xe tôi bình tâm lại: - Có thể cô bé nói vậy để mình gửi ảnh cho nó, làm gì có chuyện cởi mở đến thế. Thôi, cứ gửi tập ảnh cho cả nhóm để khỏi mang tiếng bị “hố” với cô nhóc!


2. Thử thách đầu tiên
Nhận được mấy dòng tôi gửi làm quen cùng với tập ảnh cho các cô bé, Nely gửi cho tôi bức ảnh chụp cận cảnh với cô bạn thân Liuda học cùng lớp kèm câu hỏi: “Anh đoán xem em là ai trong ảnh?”,
Không có kinh nghiệm tiếp xúc với con gái, nhà toàn anh em trai mẹ tôi lại mất sớm, khi học phổ thông làm gì có chuyện tâm tình với ai, nhưng tôi cũng cảm nhận “trách nhiệm” của câu trả lời: Cả 2 cô, một tóc vàng một tóc hạt dẻ, đều xinh, dễ thương, và khuôn mặt khá giống Valya. Nếu mình chỉ sai thì mất bạn và làm tổn thương lòng nhiệt thành của cả 2 chị em.
Mấy ngày sau tôi mới dám trả lời:
- Được làm quen với 2 người là diễm phúc Trời ban, ai cũng tuyệt ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nội tâm, anh cảm thấy cô tóc hạt dẻ có phần gần hơn, chắc đó là em?.
Gửi đi rồi nhưng cả tuần tôi cứ thấp thỏm…

Nhờ giao tiếp cả ngày với cô bé Valya nên tôi đoán đúng qua ánh mắt giống nhau của 2 chị em. Không hoàn toàn xanh lơ, nên sự phấn chấn nội tâm dễ nhận thấy qua những tia xanh biếc nho nhỏ...
Nely với tôi viết nhiều, thư gối đầu nhau, có lúc 2 lá một tuần. Cuối mỗi thư, bao giờ cũng có phần sửa lỗi chính tả trong bức thư trước của tôi với tít “П.С.”. Nghĩ bụng, tiếng Nga đây chắc là viết tắt của “Последний срок “ (Thời hạn cuối cùng) - cô bạn ra điều kiện không được sai nhiều hơn nữa đây!. Sau này hỏi, thì hóa ra là “P.S.” do các cô viết bằng tiếng Nga.
Cứ như vậy, khả năng hiểu và diễn đạt tiếng Nga bằng văn viết tốt dần lên, và điều này rất giúp ích cho tôi trong công việc sau này.

Khoảng tháng sau, một buổi đi học về, bà thường trực báo là có khách đang đợi. Ngạc nhiên vì mình làm gì có ai quen, bạn bè cùng trường thì đã nhảy bổ lên tầng từ lâu. Khi vào phòng Đỏ, hai ông bà chào tôi và giới thiệu:
-Chúng tôi là bác của Nely Boklag từ Poltava. Cháu nó bảo trong thành phố có người bạn thân nên đến thăm cậu. Chúng tôi quý cháu Nely lắm.
Nói chuyện với họ, tôi được biết ông dạy môn Lao động ở trường CĐ, bà là kế toán. Ông bà bảo tôi những ngày cuối tuần cứ đến chơi tự nhiên, nhà ở không xa, cách trường tôi vài bến metro. Cảm ơn ông bà, tôi nghĩ bụng: - Nely khá thật, cử cả người đến xem mình có “đui què mẻ sứt” gì không. Kiểu này thì phải cẩn thận, không thì được “chầu rìa” như bỡn!

Vài tuần một lần tôi đến chơi nhà ông bà. Bà người quê vùng Kuban, nấu món súp bors kiểu Nga rất khéo. Tôi khen ngon, bà cười: "- Thì nhà cô phải hơn nhà ăn SV chứ!". Ông bà có nhà nghỉ ngoại ô nên ngoài bốn bức tường trường ĐH, tôi cũng biết thêm công việc vườn tược của người Nga.
 
Chỉnh sửa cuối:

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
3. Nước bạch dương

Mấy ngày trước kỳ nghỉ đông năm ấy, Nely báo là sẽ đến chơi nhà bác nên ghé thăm tôi một buổi và để “chứng kiến” tận mắt, cô viết thẳng như vậy. Tuy bản thân rất muốn nhưng khá ngại, vì theo nội quy ĐSQ lúc đó, cấm chuyện quan hệ tình cảm nam nữ với người nước khác, trong những giao tiếp như vậy phải có mặt người VN thứ ba.
Khi Nely đến, nhờ bà Trưởng KTX thông cảm thu xếp phòng Đỏ thành góc tiếp khách, và tôi phải nhờ cô bạn học có mặt. Ngồi dăm phút cô ta bỏ đi, và bảo gọi lại khi nào khách về. Vài tiếng đồng hồ gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi là như vậy!
Mấy ngày đó, Nely không mời, và tôi cũng không dám đến nhà ông bà bác của cô chơi như trước đây – Quy định không cho phép.

Chúng tôi viết thư cho nhau nhiều hơn, vài lần Nely gọi điện thoại liên nước CH nói chuyện. Tôi chỉ đặt gọi 1 lần, một phần do học bổng SV khá eo hẹp để trả mỗi lần hơn 5 rúp, nhưng do khi đặt gọi thì mình phải ra bưu điện trung tâm, nên Nely bảo là để em gọi từ nhà cho tiện.
Hè năm đó, tốt nghiệp lớp 10 (hồi đó, bậc phổ thông ở Liên Xô cũng 10 năm như VN), Nely nói tôi đến nhà chơi vài ngày để giới thiệu với bố mẹ. Tôi biết, bố Nely dạy ĐH, mẹ phụ trách Nhà mẫu giáo, nên quan hệ bạn bè của hai đứa sẽ chuyển sang bước hệ trọng.hơn. Tôi thăm dò:
- Em sẽ giới thiệu anh như thế nào khi từ trước đến giờ em gọi anh là “дорогой друг” (bạn chí thân).
Nely bảo: - Rồi anh sẽ biết!

Buổi đầu tiên đến nhà, sau trà nước hỏi thăm, sự chân thực của ông bà ngoài những gì tôi đã chuẩn bị. Ông hỏi:
- Nely, con giới thiệu với cả nhà đi, đây là ai?
- “Мой парень” (bạn trai của con) bố mẹ ạ!
Tôi biết qua sách vở, khi dùng từ “мой парень” trong quan hệ là cách nói thông dụng từ “мой любимый” (người yêu), nhưng giữa tôi với Nely chưa bao giờ đả động đến những từ ngữ kiểu ấy.

Làm khách nhà ông bà mấy ngày, buổi chiều tối Nely tiển tôi về trường. Hai đứa dạo phố xá, đến ga tàu hỏa trước những 2 tiếng, mua vé xong và ngồi tán chuyện ở khuôn viên trước ga. Tôi có ý vào quán, Nely bảo:
- Ta ngồi đây cũng được anh à, tự do hơn.
Trời mùa hè khá nực, tôi chạy đi mua lọ nước bạch dương 2 lít, mở nắp và cứ thế lần lượt “tu” vì họ không cho đem cốc ra ngoài.
Tàu đến, hai đứa đứng cạnh toa tàu nói những lời chia tay. Tôi hỏi vì có chút bận tâm do “nước nôi” thiếu chu đáo:
- Xin lỗi em, hiện tại SV bọn anh chỉ có nước uống đó đãi bạn bè thôi!
- Anh biết không, trong đời em chưa bao giờ uống nước bạch dương ngon như thế!
Nhìn ánh mắt long lanh của Nely, tôi không cầm được, ôm chầm lấy cô. Hai đứa ôm hôn nhau như vậy cho đến khi tàu chuyển bánh.
Khi bước lên bậc toa tàu, bà trực toa hỏi:
- Người yêu à?
- Bọn tôi chưa nói với nhau một lời về tình yêu, bà ạ. – tôi trả lời thành thực.
- Anh là người hạnh phúc! Chưa phải tán tỉnh cầu cạnh gì mà được một cô gái yêu đến thế!
Tôi nghĩ bụng, bà đã chứng kiến biết bao cặp tiễn đưa mà nói vậy, Nely đúng là cô gái hiếm có. Chút tự hào đàn ông này làm nguôi đi băn khoăn khi mình đã vi phạm Quy chế ”Đi không báo cáo”.

Nằm trong toa, nhìn cánh rừng với những hàng bạch dương chạy dần về phía sau, nhớ lại vị ngọt tinh khiết có đượm chút mùi kem bôi môi dính trên miệng lọ, lòng tự nhủ: Mình đi, đi xa, nhưng rồi sẽ quay lại. Hiếm có nơi nào sẽ cho mình những gì mình mới có!
 

Phan Huy Chung

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Phải nói em thật ngưỡng mộ chuyện tình của bác , đẹp cứ như trong mơ vậy!!!mà lại éo le nữa( hôm trước em có đọc trên 4 rum NNN nên biết hồi kết rồi!)Ngẫm cho kỹ thì thấy người Nga và người Việt nam mình có nhiều cái chung lắm, mà cái tinh cũng gần gũi lắm,thế nên những người như bọn em đọc tự chuyện của bác xong càng thấy yêu đất nước và con nguời Nga hơn.Cảm ơn bác!
 

Nguyễn Tuấn Duy

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Hay tuyệt! Thế từ độ ấy đến giờ bác đã gặp lại "Первая Любовь" lần nào chưa bác! Hay lần chia tay đó là lần cuối cùng ạ!
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Hay tuyệt! Thế từ độ ấy đến giờ bác đã gặp lại "Первая Любовь" lần nào chưa bác! Hay lần chia tay đó là lần cuối cùng ạ!
Cảm ơn @Phan Huy Chung có chia sẻ. Cũng nhờ những tình cảm đó mà cho đến nay, tuy bận nhiều, nhưng tôi muốn truyền lại với các bạn trẻ một cách chân thực nhất.
@Nguyễn Tuấn Duy à, có, và không chỉ một ... thậm chí còn ảnh hưởng tích cực đến công việc của tôi hiện nay.
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
4. Những chiếc lá vàng khô
Về nhà, vận dụng hết hiểu biết về tâm lý phụ nữ và các cách diễn đạt tiếng Nga, tôi viết thư đặt vấn đề tình cảm chính thức và kết thúc: “... Nếu vì lý do nào đó thì em không trả lời cũng được, anh sẽ hiểu”.
Nely trả lời:" - Em đã đợi câu hỏi của anh sau hôm anh đến nhà. Lúc đó em đã xin phép bố mẹ, bố bảo: “Con chỉ được có người yêu khi đã vào ĐH”, còn mẹ thì đùa: “Anh nói thế, ai không học ĐH thì không có người yêu chắc?”

Nely thi ĐH thiếu 1 điểm, cô đành vào học Cao đẳng. Cô đã xin lỗi bố mẹ, tuy là học sinh giỏi nhưng tình cảm có chi phối chút ít trong học kỳ 2 cuối cấp vừa rôi, và hứa sẽ thi hết năm thứ I đạt loại ưu để năm sau chuyển sang hệ ĐH.
Nely thiên về các môn xã hội, những lá thư năm ấy với nhiều chuyện kể về văn hóa Nga, phong tục tập quán... đã giúp tôi hiểu nhiều những gì tốt đẹp của một dân tộc vĩ đại. Tôi biết, Nely chuẩn bị cho tôi hành trang cuộc sống, nhưng chắc cô không ngờ rằng những kiến thức về tính cách và văn hóa Nga đó sẽ là “công cụ” đắc lực giúp tôi trong công việc sau này.
Mỗi trang thư lúc đó đượm mùi cây lá. Những nhánh hoa Linh Lan ép khô, chiếc lá vàng nhặt được khi đi học về, cánh bướm bé nhỏ sặc sỡ... kèm theo câu “Anh đoán xem đây là lá, hoa gì?” trong những trang thư như đưa đến hơi ấm của cô. Và chúng xóa bớt đi trong tâm trí tôi ý nghĩ về khoảng cách chủng tộc: - Đã là con gái thì bất luận Nga hay là Việt, Tây hay ta, những lá cây cỏ ép tuổi học trò vẫn là những gì quý nhất dành cho nhau.

Kỳ nghỉ đông năm ấy Nely không đi đâu, ở nhà ôn bài, nên tôi cũng bỏ chuyến đi tham quan Leningrad mà từ lâu chờ đợi. Nely bảo:
- Anh cứ đi với mọi người, anh chưa lần nào nhìn thấy thành phố đó. Tôi trả lời:
- Leningrad tuyệt vời, nhưng anh không muốn trong lạnh giá phương Bắc thiếu em.
Và chúng tôi hẹn để tất cả đến mùa Hè.

5. Cái tát đầu tiên

Gần kỳ nghỉ hè Nely viết: "- Em và Liuda sẽ đến nhà bà cô ở thành phố Maicov, thủ phủ CH Tự trị Ađưgây thuộc vùng Kuban, gần Krasnoda. Em đã thu xếp cả rồi, cô của em sẽ về quê hơn nửa tháng để nhà cho em trông". Tôi hỏi:
- Thế nhỡ điểm thi không đạt “Ưu” tất cả thì có gì thay đổi không, và sao có Liuda đi cùng?. Nely trả lời:
- Em đi đến với anh chỉ có mẹ biết, mẹ bảo cứ đi dù kết quả học tập thế nào. Còn Liuda đi với em cho mọi người xung quanh khỏi dị nghị, và khi làm những việc “trọng đại” trong đời bọn em hay cùng nhau.
Trước khi đi chơi tôi cứ phân vân, vì đã 1 lần đi không báo cáo. Tôi đem chuyện hỏi cô bạn thân học Khoa Lý, cô bảo: “- Nếu cậu yêu thực sự thì cứ đi, mình sẽ “bao” Sứ quán cho, với Đơn vị thì không nên báo cáo, chẳng có ích gì”. Vì bác Bí thư thứ II kiêm Trưởng Ban LHS là lính của bố cô ta hồi kháng chiến nên tôi an tâm, nếu có gì thì cũng sẽ không bị đuổi về nước.

Ngày đầu tiên gặp mặt sau gần 1 năm yêu nhau, cư xữ hòan toàn khác so với khi tình bạn. Vì đủ điểm chuyển sang hệ ĐH nên Nely không có vướng mắc gì, hai đứa dạo chơi, âu yếm nhau trên đường như trên đời này không có ai. Thú thật, lúc đầu mình cũng khá ngại trước đám đông, phong cách Á đông đâu có chuyện đó. Nhận thấy sự e dè, một lần trước mọi người ở công viên, cô chủ động bá cổ hôn nhau đến vài phút. Buông tay ra, cô bảo: “- Anh nhìn xem, có ai ngạc nhiên gì đâu, mình đẹp đôi như thế cơ mà!”
Mà đúng thật, Nely thấp hơn tôi đến 6 cm, thêm cả guốc cao gót vẫn trong tầm tay!

Ở nhà, Liuda ngủ phòng riêng nên hai đứa khá tự do, tối đầu tiên hơi ngượng, không biết làm gì hơn ngoài trò “ném gối”. Đến khi… , vừa đụng đến người, Nely giáng cho tôi một tát nảy đom đóm. Ngạc nhiên vừa thụt lùi lại, tự vấn: “- Có gì quá đáng không, hay mình hành động không hợp sở thích con gái Nga?”.
Chắc bộ mặt tôi lúc đó trông thiểu não lắm. Nely xích lại, vừa mếu máo vừa buồn cười ôm đầu tôi: “- Anh tha lỗi cho em, em lỡ quen tay!. Ở trường đứa nào đụng đến người em đều bị em cho ăn tát”.
Những giây phút đó đến bây giờ vẫn y nguyên trong trí nhớ: Không biết có phim ảnh nào diễn tả sự hòa hợp trai gái lần đầu tiên trong đời theo kiểu đó không?

Mấy ngày đầu hai đứa cuốn hút nên Liuda lo hết chuyện bếp núc. Sau đó, khi quan tâm nói chuyện với cô, tôi mới thấy ở cô những nét hiền hậu, dịu dàng đặc trưng của phụ nữ Nga đọc được trong sách báo.
Bữa cơm chiều thường kéo dài, nói đủ chuyện. Tôi đùa Nely:
- Nếu em có một xíu dịu dàng như Liuda thì anh đã khỏi ăn tát rồi.
- Nó tát anh à, vì chuyện gì vậy? – Liuda ngạc nhiên.
Nely kể lại sự việc, Liuda mơ màng:
- Chắc lần đầu “bị” như vậy em cũng tát. Với bọn con trai, hai đứa em hung nhất lớp anh ạ!
- Anh đang đợi cái tát của Liuda đây! - Tôi đùa thêm:
- Chỉ có “bước qua xác em”! – Nely chấm dứt việc đùa cợt.

Mấy ngày sau Liuda muốn về, bảo là: “- Cần gì có tớ làm bình phong nữa, cả thành phố đều biết chuyện của 2 người rồi”. Nhưng chúng tôi nhất định không cho, Nely ngụ ý: “Sướng khổ có nhau, và cậu cũng cần có thực tế để phấn đấu!”
Hơn 2 tuần cả ba đứa cùng đi mua thức ăn, nấu nướng... May nhờ có bánh đa nem và phồng tôm cô bạn khoa Lý dúi cho hôm đi, tôi cũng góp được chút công trạng.
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Hay quá Bác ạ...chờ phần tiếp của Bác...chẳng biết chuyện tình với cô bé đó sẽ đến đâu...nhưng Bác may mắn thiệt hihi...
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор

6. Ngẫu nhiên thú vị

Đến tuần thứ ba, tôi và Nely về bên ngoại, mẹ muốn làm quen với họ hàng.
Trên đường về quê, chúng tôi ghé lại Kisinhov. Mẹ bảo đến thăm cô bạn học cùng trường, nay là Nghệ sĩ Nhân dân, múa trong đoàn ca múa “Rốc” nỗi tiếng, còn chồng là UV TƯ Đảng CS Moldavia, làm gì đó khá quan trọng.
Đến nhà, hai bà hàn huyên trong phòng bếp, tôi và Nely đi xem bài trí các phòng của người làm nghệ thuật. Nely chỉ chiếc đi văng to đùng: “- Tối này chắc em sẽ ngủ với mẹ, còn anh thì đăng ký chỗ này nhé!”.
Chiều, bác chủ nhà đi làm về, biết tôi là người Việt, bác đem ra 1 tấm ảnh cỡ khá lớn:
- Mấy năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến Kisinhov, bác làm Trưởng ban đón tiếp. Bức ảnh này do cậu lái xe của bác chụp.
Trên ảnh, Bác Hồ và Bí thư Thứ nhất Moldavia ngồi trên bãi cỏ, hơi xa một chút phía sau lưng có 4 người đứng. Bà chủ nhà dẫn vào phòng ngủ, khoe thêm:
-Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn biết cán bộ cấp TƯ sống thế nào, nên có đến đây gần chục phút. Đây, Bác đã ngồi lên mép giường chỗ này. Cháu là người Việt Nam thứ 2 đến nhà bác!

Đến giờ ngủ, bà dẫn hai đứa vào phòng của mình:
-Bác ngủ với mẹ cháu, hai đứa phòng này cho có “hơi” Bác Hồ, còn bác trai ở phòng làm việc.
Nely chạy ra ngoài một lát.
- Có gì à? – tôi hỏi khi Nely quay lại.
- Em xin phép mẹ ngủ với anh.
- Thế mẹ bảo sao?
- Mẹ chúc ngủ ngon!
Quen với chiếc giường sắt KTX, cảm giác khi nằm trên giường của UV TƯ bên cạnh chỗ của Nghệ sĩ Nhân dân khá ấn tượng. Nely thì thầm: "- Cảm ơn Bác, Bác Hồ của anh linh thiêng thật!"
Sáng sớm, khi bà chủ nhà nháy mắt hỏi bọn tôi “Giấc ngủ thế nào?” tôi mới nhận ra: Bà xếp phòng theo rung cảm của người nghệ sĩ chứ không nhầm bọn tôi mới cưới như đêm qua hai đứa nghĩ.

Sáng hôm sau, hai bác làm copy bức ảnh và tặng cho tôi (sau này về Hà Nội, anh bạn quen ở Bảo tàng Lịch sử lấy luôn, nói là ở đó chưa có).
Gần trưa chúng tôi về làng.

7. “Người nước ngoài không tính!”

Đó là thị trấn nhỏ trên bờ Đnhestr, sát biên giới với Ukraina, gồm mấy làng kề nhau. Gần về đến làng mẹ bảo Nely phải thường xuyên theo tôi vì chiều tối thanh niên làng khá lộn xộn, và nhất là khi đi tắm sông do tôi bơi kém hơn Nely nhiều. Hơi ngạc nhiên, vì mẹ biết cả những yếu điểm cỏn con bọn tôi nói với nhau.
Sáng hôm sau, trường PTCS mời tôi đến gặp mặt học sinh. Anh Hiệu trưởng, hơn tôi khoảng chục tuổi (nay anh là Nhà giáo công huân của nước CH) muốn giới thiệu về Việt Nam vì báo chí viết nhiều nhưng các em chưa bao giờ thấy 1 người Việt “bằng xương bằng thịt”.

Buổi chiều ngày hôm sau, thanh niên 2 làng tổ chức đấu bóng đá ở sân cỏ bên sông. Làng bên kia đông dân và thanh niên năng nổ hơn nên họ thắng mấy năm liền, cùng lắm là hòa. Theo lệ làng, bên nào thua thì mất 1 con dê đực cho bên thắng liên hoan.
Biết tôi có đá cho đội bóng của Khoa, Nely bảo tham gia: “- Anh là người làng này rồi, đúng quy định”. Để rõ ràng, trước trận đấu, làng bên náy thông báo là có tôi chơi, làng bên kia đồng ý: - Con rể cũng là người trong làng.
Vì là người mới, bên kia không để ý kèm chặt nên tôi ghi 1 bàn, và kết quả làng Nely thắng 1 – 0. Cuối trân, ngồi lại, làng bên kia không chịu:
- Cậu ấy mới là người yêu, chưa là con rể chính thức, hộ khẩu không có - Người nước ngoài không tính!
- Nhà tôi đã giới thiệu với cả làng rồi, sao không tính? - Nely vặc lại.
Mấy cô làng bên nhao nhao:
- Nếu người yêu đá được thì mai bọn tôi mời cả hội về đây, chấp các anh 2 quả, 1 bù trận hôm nay!
- Biết rồi, người yêu của các cô đầy đường, gọi ai mà chẳng được. – Nely cũng không vừa.

Thấy tình thế bắt đầu căng, tôi nói với Nely và cậu đội trưởng: “Về lý họ có cái đúng, mặc dù họ đã đồng ý từ đầu trận. Thôi, nên qua bàn với cậu đội trưởng bên kia cho êm, anh không muốn tức nhau rồi hiềm khích sau này do sự có mặt của mình”.
Sau dăm phút bàn bạc, cậu đội trưởng làng kia tuyên bố:
-Công nhận thua và nộp dê. Nhưng làng bên ấy chưa làm lễ trình chú rể, nên thống nhất là phải nộp cho cả hội 3 con ngỗng tơ để ra mắt.
Ai đó cẩn thận hợn:
-Và phải nặng hơn con dê của bọn tôi!

Trẻ con làng thấy cãi nhau, kéo ra nhiều, tất cả phải đến hơn 50 người (trong số đó có 1 cô bé học lớp 4 mà 20 năm sau có góp phần giúp cho quyết định của tôi). Các cô cậu về nhà dắt dê, lùa ngỗng, làm thịt, nướng luộc ngay trên bờ sông, thêm rượu vang đỏ nhiều nhà còn từ mùa năm ngoái, cả hội ngồi chơi đến rạng sáng.
Về nhà, mệt lử, kịp nói với Nely trước khi ngủ bù:
- Em khéo thu xếp, cảm ơn em, cuộc ra mắt khi về làng có một không hai!
- Anh à, tuy là bên ngoại, nhưng bố mẹ em có uy tín với cả mấy làng. Và họ cũng biết em từ khi còn nhỏ.


(Ảnh chụp năm 93. Làng ngoại của Nely nằm cách thành phố 8 km theo thượng nguồn)

Về trường, tôi không muốn dấu chuyến đi chơi nữa, với lại, mấy cậu thân thân cũng đoán ra - 2 năm thư từ và mất tăm gần cả tháng. Hôm họp tổng kết hè, với khuyết điểm “Không báo cáo Đơn vị và ĐSQ” tôi nhận phần đầu vì thời gian không cho phép, còn báo cáo ĐSQ thì có.
Tuần sau có quyết định: Cảnh cáo toàn thành phố , thông báo treo các KTX nhưng không ghi lý lịch.
Kỷ luật duy nhất trong đời tôi là như thế!
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор

8. Đối mặt với thực tại

Hè năm đó, từ làng về tôi kịp tham gia chuyến tham quan Leningrad do các trường ĐH kết nghĩa với nhau tổ chức.
Xe chở mấy đứa tôi từ sân bay về nơi đón tiếp của trường ĐHTH Leningrad. Sau phần thủ tục, một bà đứng tuổi đến bắt tay và nói câu tiếng Việt:
- Các con về nhà mẹ!
Anh ở Đoàn THCS Liên Xô thay mặt trường đón chúng tôi giải thích: Đây là bà giáo Vasileva dạy ở trường ĐHBK, sinh viên Việt Nam đến Leningrad thường được bà thăm hỏi, mời về nhà để có không khí gia đình và giúp đỡ trong thời gian thăm thành phố. Người Việt gọi bà bằng “Mẹ”, và bà có đường dây liên hệ riêng với các trường ở đây nên hôm qua đã biết chuyến đi của các anh.

Đến nhà, bà đã chuẩn bị sẵn bữa cơm chiều. Đã mấy năm, nay chúng tôi mới được bữa cơm đầy đủ thức ăn hương vị quê hương do bà nấu không khác gì ở nhà mình. Bà nhìn từng đứa ăn với sự ân cần của người mẹ. Khi thấy tôi ăn cơm kiểu trở đũa hai đầu, bà hỏi:
- Con người miền Nam à?
- Dạ phải, mẹ con đem con ra miền Bắc khi con còn nhỏ.
Khi ra miền Bắc gia đình tôi vẫn giữ cách ăn đũa 2 đầu như ở Chiến khu miền Nam, người ngoài Bắc không dùng như vậy. Tôi rất ngạc nhiên khi một phụ nữ Nga ở một nơi xa xôi tận tường một chi tiết nhỏ mà nhiều người Việt chưa chắc đã biết!
Sau bữa cơm, chuyện trò khá lâu. Bà hỏi từng đứa học hành thế nào, cuộc sống ở KTX ra sao, có hay nhận được thư của bạn gái không...? Đến lượt, tôi cũng nói thật về Nely. Bà chăm chú nghe xong rồi nói:
- Bây giờ đã khá khuya, xe sắp đến đón rồi, các con phải về. Riêng con, chiều mai sau giờ làm việc đến đây, mẹ có chuyện muốn nói với con. Nếu không có xe đưa thì mẹ sẽ đến đón như hôm nay.

Chiều hôm sau, đi tham quan về xe tạt qua nhà bà. Bà đã đợi với một tặp thư, ảnh và cả họa báo. Bà bảo chuyện này có thể có ích cho con nên con cần biết.
Bà kể về mối tình của chị Nonna với anh Nguyễn Tài Cẩn, lúc đó là giảng viên khoa Văn ĐHTH Hà Nôi, và những gì họ đang trải qua trong cuộc sống mấy năm nay ở Hà Nội chiến tranh. Bà cho xem nhiều ảnh chị Nonna chụp ở Hà Nội và nơi sơ tán gửi sang, trong đó tôi nhớ nhất là tấm ảnh chị đứng bắt cua trên bờ ruộng và ngồi trên xe đạp đằng sau buộc bó rau muống.
Bà đưa cho tôi đọc dăm bức thư của chị, trong đó có lá thư gần nhất.
Bà đi chuẩn bị bữa cơm tối để tôi có thời gian đọc, và hỏi sau khi đã ngồi vào bàn:
- Con biết mọi chuyện rồi đấy. Mẹ hỏi con: Học xong con có về Việt Nam không?
- Về mẹ ạ, con chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ở lại. Nói đúng ra, con chưa kịp nghĩ đến vì việc về nước là hiển nhiên, với lại hai đứa con yêu nhau cả năm nhưng mới gần nhau chỉ trong tháng này.
Bà bảo:
- Mẹ biết con sẽ trả lời như vậy nên hôm nay bảo con đến. Nếu con là người miền Nam mà ở lại không về nước thì đó là phản bội. Phản bội niềm tin của những người mong con đi học, con ạ!
Bà không nói gì đến Tổ quốc, đất nước..., những cái đó có nhiều trong tài liệu, sách vở. Vì mẹ tôi mất đã lâu, xúc động trước sự chân tình trong lời người mẹ bây giờ, nên tôi nhớ đã nói thêm:
- Nếu con ở lại thì phản bội lại niềm tin của cả mẹ nữa!

Bà phân tích cho tôi nghe, nếu Nely về Việt Nam thì sau này sẽ ra sao....
Những day dứt của chị Nonna tôi thấy rõ trong thư, phải là người phụ nữ phi thường và từng trải mới chịu đựng được, nhưng linh cảm rồi cũng sẽ đến lúc con người chị sẽ cạn sức. Còn Nely của tôi chưa vào đời, dù có cố gắng cũng sẽ không thể sống được ở Việt Nam, nơi mà chính người mình cũng phải vật lộn trước cái chết để sống.
Tôi cảm ơn bà, xin phép về, và hứa sẽ trao đổi mọi chuyện với Nely. Bà bảo, nếu cần bà có thể gửi copy vài lá thư của chị Nonna cho Nely để có thực tế. Và nói thêm:
- Phần con, hãy nhớ lời mẹ: Đời con gái đẹp lắm, nhưng mình đừng lạm dụng quá nó!

Lúc chuẩn bị về, bà vừa khoác áo cho tôi vừa kể thêm để không khí bớt nặng nề:
- Con biết không, năm ngoái Nonna gửi thằng con trai sang đây. Mẹ đưa nó đi xem Bảo tàng Hermitage (Эрмитаж), thấy tranh và tượng khỏa thân, nó bảo: “Ở Việt Nam phải chống chọi để sống, còn ở đây thì toàn đồ chơi bời, không giúp ích được gì hết!”. Con thấy đấy, Việt Nam giáo dục tài vậy - nó nói như “ông Việt Cộng” chính cống!”
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
9. Anh đừng tin .... !
Về trường, tôi dần dần kể chuyện về chị Nonna cho Nely biết.
Hai đứa viết nhiều, gọi cả điện thoại... mục đích để Nely hiểu đúng hoàn cảnh Việt Nam lúc đó và chuẩn bị tư tưởng để chia tay, còn về tình cảm thì sẽ là anh em.
Nely viết:
- Em đã quyết định, anh học 5 năm, hai chúng ta cùng tốt nghiệp một lúc và em sẽ về Việt Nam. Anh đi làm còn em làm gì cũng được, có gì thì em đã có chị Nonna giúp đỡ chỉ dẫn thêm.
- Nhưng nếu anh đi bộ đội thì sao, chiến tranh đang ác liệt, nhiều người học trước anh về đã nhập ngũ?
- Thì em sẽ đợi anh, hồi chiến tranh mọi người ở đây cũng chờ nhau như vậy!
Tôi không thể giải thích cho Nely hiểu được, vì về nước trong hoàn cảnh như vậy mình rất có thể sẽ bị kỹ luật chứ đừng nói gì đến công tác. Lời dặn “Đời con gái đẹp lắm nhưng mình đừng lạm dụng quá nó!” giúp tôi dứt khoát hơn:
- Em không thể làm được như chị Nonna, và bản thân chị ấy cũng rất vất vã trước những cách biệt và khó khăn. Nếu em về Việt Nam thì thà anh ở lại đây còn hơn, cho dù bị lên án là phản quốc hay gì đi nữa!
- Em không muốn con cái chúng mình phải mang клеймо (vết nhơ) như vậy, vì anh và em có tội tình gì đâu?

Thâm tâm tôi phải công nhận Nely có lý: Trong tình yêu làm gì có sự phân biệt dân tộc, đẳng cấp... . về giai cấp thì có, nhưng ta với Liên Xô là cùng một hệ tư tưởng. Chiến tranh là vật cản không thể vượt qua cho cả hai đứa đang còn thiếu kinh nghiệm đời, và tôi không được để Nely chịu đựng những gì không cần phải có.

Nely bảo thi xong đến nhà, không cần đợi đến kỳ nghỉ chính thức, em đã nói với bố mẹ rõ mọi chuyện.
Một ngày mẹ vừa làm đồ đóng hộp cho mùa đông vừa nói chuyện với hai đứa. Sau bữa trưa, bố Nely nói chuyện riêng với tôi:
-Bố nghĩ thế này: Nếu con về nước trước, nhận công tác, coi như không có chuyện gì, sau đó Nely sang thăm và ở lại với con?
-Về hình thức thì được bố ạ, con sẽ không bị điều tiếng. Nhưng Nely sang sẽ không sống nỗi, chưa nói đến tính mạng. Việt Nam không rộng như LB Xô Viết để có vùng hậu phương an toàn. Chiến tranh lan rộng như năm vừa rồi thì bom Mỹ có thể dội xuống bất cứ chỗ nào, Nely không được mạo hiểm đến mức đó.
Cuối cùng bố bảo: - Cả nhà sẽ coi con như là con đẻ, con với Nely là anh em.
Mẹ nói thêm: - Hai đứa phải hiểu đúng tình cảm đó, và nên quyết định trong đợt nghỉ này là tốt nhất.
Mẹ nói vậy vì biết, mặc dù chúng tôi hiểu và chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn cư xữ với nhau như trước. Mấy ngày tiếp theo, hai đứa sống như trên khoang chiếc tàu đắm, còn hạnh phúc khi có chút ít dưỡng khí cuối cùng, và cần chắt chiu tận hưởng trong nước mắt khi tình thế là vô vọng.

Còn hai ngày nữa hết nghỉ đông, mẹ đưa tôi ra Văn phòng UB để làm thủ tục con nuôi. Tôi hỏi:
- Chúng con rõ rồi, mẹ đừng lo, nên đã quyết định sau đợt này sẽ không có liên hệ với nhau, kể cả thư từ, trừ khi có những đột biến trong đời.
- Mẹ không lo chuyện đó. Đăng ký, vì con là con trong gia đình thì phải có quyền lợi!
Làm thủ tục đăng ký xong, cùng hộ khẩu đính kèm, tôi không ngờ sau này chúng lại có ích không nhỏ cho tương lại.
Sáng ngày cuối cùng, mẹ đưa hai đứa ra Nhà thờ. Mẹ thắp nến, mắt ngấn lệ cầu nguyện trước ảnh Đức Bà: “- Đáng lẽ hai đứa là vợ chồng, nay xin Chúa chứng giám là anh em, hai đứa con của tôi!”
Tôi và Nely thắp nến xong, cầm tay nhau, đứng khoảng chục phút trước sư linh thiêng ấy. Riêng tôi, thực sự cảm thấy như hai anh em đang nắm tay bước vào chốn hư vô...

Sau buổi trưa, Nely tiển tôi ra sân bay. Mấy tiếng đồng hồ đi với nhau lần cuối cùng, xem lại những gì đã cùng mình trong năm qua. Nely vào hiệu sách, mua cuốn Cẩm nang Toán học Cao cấp mới xuất bản, kê chân trên ghế đá ở công viên ghi bài thơ lên trang đầu. Bốn câu sau tôi vẫn còn nhớ rõ:

Не верь, когда кому-то я улыбаюсь
Не верь, когда мной любуются
Ты вечно во мне единственный
И днем, и ночью, мой милый!
(Anh đừng tin khi em cười với ai,
Anh đừng tin khi họ nhìn ngắm em.
Anh mãi mãi là duy nhất trong em
cả ngày và đêm, anh thương của em!)

Khi đó tôi mới nhận ra là mình không có gì để làm kỷ niệm. Chạy vào quán hoa gần đó, mua bó hoa hồng đỏ thắm, loài hoa Nely thích:
- Những ngày qua anh như người mất hồn. Chỉ có những bông hồng cuối cùng tặng em!
Chúng tôi đến sân bay khá sớm, ngồi ôm nhau lần cuối trên ghế trước sân ga.
Đến giờ vào làm thủ tục. Chiếc AN-2 cất cánh, lượn 2 vòng lấy độ cao. Qua cửa kính tôi vẫn thấy Nely ngồi trên ghế đá cùng bó hồng như gần 1 giờ trước đây.

Năm tháng trôi qua, hình ảnh người con gái ngồi tiễn và như đợi mình trên ghế đá đã trở về với tôi không chỉ một lần....
 
Top