Sưu tầm Vladimir Putin và 15 năm lãnh đạo nước Nga

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Đúng ngày này cách đây 15 năm, cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức, trao lại quyền lãnh đạo cho Vladimir Putin. Từ đó đến nay, ông Putin đã đưa Nga bước vào Thế kỷ 21 với diện mạo mới và nhiều đổi thay.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và cố Tổng thống Boris Yeltsin - Ảnh: Reuters
Vị tổng thống đầu tiên của Liên Bang Nga, ông Boris Yeltsin đã bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày 31.12.1999, trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho ông Vladimir Putin, người trước đó được ông Yeltsin chọn làm thủ tướng. Từ đó đến nay đã 15 năm, ông Putin trải qua 2 nhiệm kỳ làm tổng thống, 1 nhiệm kỳ thủ tướng và trở lại vị trí ông chủ điện Kremlin vào năm 2012.

Vladimir Putin, 62 tuổi, được giới truyền thông đánh giá là người khôi phục sức mạnh của nước Nga, không chỉ đưa tiếng nói nước Nga trở lại trường quốc tế mà còn làm nó lớn mạnh hơn. Suốt 15 năm qua, ông đã có nhiều biện pháp cải cách trên nhiều lĩnh vực và có chính sách đối ngoại khẳng định được vị thế của một nước lớn. Điều này khiến Nga trở thành một chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Sự ủng hộ của người dân và đánh giá của báo giới


Tổng thống Nga Vladimir Putin được người dân ủng hộ - Ảnh: Reuters
Trước năm 1999, Vladimir Putin vẫn là một cái tên ít người quan tâm ở nước Nga, mãi đến khi cuộc xung đột Chechnya nổ ra thì người ta mới chú ý nhiều đến ông. Thế nhưng, sau khi lên nắm quyền, ông Putin đã luôn nhận được sự ủng hộ từ người dân Nga.

Theo tờ Washington Post ngày 16.12.2014, suốt 15 năm liên tiếp, Tổng thống Nga Vladimir Putin được bầu chọn là “nhân vật của năm” trong cuộc khảo sát của Quỹ Dư luận Xã hội Nga (FOM). Năm 2014, có 68% số người tham gia khao sát cho rằng ông Putin xứng đáng đạt danh hiệu này. Tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với vị tổng thống này luôn ở mức cao.

Trong khi đó, nhiều bảng xếp hạng danh tiếng trên thế giới đã nêu tên ông Putin trong các cuộc bầu chọn của mình. Năm 2014, Tổng thống Nga đứng vị trí số 1 ở cả bảng xếp hạng người quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes và người có ảnh hưởng nhất thế giới của hãng thông tấn AFP.

Ông Putin đã thay đổi nước Nga thế nào?


Nước Nga dưới thời ông Putin đã thu được nhiều thành tựu - Ảnh: Reuters
Ngày 31.12.1999, cố Tổng thống Boris Yeltsin trao nước Nga cho Putin trong tình thế đất nước gặp nhiều khó khăn với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 và những vấn đề nội tại trong chính phủ. Thế nhưng vị tổng thống thứ 2 của nước Nga đã vực dậy, đưa đất nước Nga bước vào Thế kỷ 21 bằng một diện mạo mới.

Suốt 15 năm qua, ở cương vị tổng thống và thủ tướng, Putin đã cùng nước Nga thu được nhiều thành tựu nổi bật. Nước Nga không những vượt qua thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế mà còn thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng, tăng lương cho người lao động, đồng thời đảm bảo được trật tự xã hội của đất nước.

Nước Nga trong thời kỳ ông Putin lãnh đạo cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2011. Nga cũng là một chủ thể quan trọng trong các tổ chức lớn về kinh tế chính trị trên thế giới như nhóm G20, nhóm các cường quốc công nghiệp G8.

Đặc biệt, Putin cùng với lãnh đạo trong nhóm BRICS có tham vọng xây dựng nên các hệ thống tài chính cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Thế giới và khẳng định sức mạnh của các cường quốc kinh tế mới nổi.


Ông Putin đang phải đối mặt với những khó khăn trong nền kinh tế Nga - Ảnh: AFP
Ông Putin cũng là nguyên thủ có nhiều ảnh hưởng trong các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế. Điều này có thể thấy trong mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, tình hình Trung Đông hay vấn đề Ukraine hiện nay.

Trong lĩnh vực quân sự, Nga dưới thời ông Putin cũng được đánh giá là một trong những thế lực mạnh nhất thế giới. Mới đây, trong bảng xếp hạng các lực lượng vũ trang của Global Firepower đưa ra năm 2014, Nga là quốc gia được xếp hạng hùng mạnh thứ 2 chỉ sau nước Mỹ.

Trong nhiều lĩnh vực khác, nước Nga của ông Putin cũng thể hiện được năng lực của mình. Có thể kể đến lĩnh vực thể thao. Tại lễ khai mạc thế vận hội mùa đông tại Sochi hồi tháng 2 vừa qua, với chi phí tổ chức lên tới 51 tỷ USD, Olympic Sochi trở thành kỳ thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Bên cạnh đó, nước Nga cũng dành được quyền đăng cai World Cup 2018, vượt qua nhiều nền bóng đá khổng lồ của thế giới.

Những thách thức mới


Tuy vậy, năm 2014 cũng đã mang lại những thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Nga Putin. Ông liên tục phải đối mặt với sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây, đẩy quan hệ Nga – Mỹ, Nga – EU xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.


Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters
Ông Putin đang phải gánh vác trách nhiệm vực dậy nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm mạnh, và những tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như EU. Đã có nhiều nhà phân tích cho rằng hệ thống kinh tế mà ông Putin gây dựng 15 năm qua đang trên đà sụp đổ.
Thế nhưng, người đàn ông 62 tuổi này vẫn giữ một phong thái của lãnh đạo lớn, đã và đang có những biện pháp để giải quyết khủng hoảng trước niềm tin và sự ủng hộ của người dân xứ sở bạch dương.

Dù nhiều lần bị truyền thông phương Tây đánh giá là nhà lãnh đạo độc tài; tuy nhiên, Vladimir Putin suốt 15 năm qua đã làm nước Nga thay đổi, gắn bó và chiếm được lòng tin của người dân nước Nga.

Ngọc Mai
 
Top