Vladimir Ivanov - Người lính, nhà sư phạm, thông dịch viên, chuyên gia Việt Nam học và thi sĩ

vinhtq

Quản lý chung
Помощник


Vladimir Ivanov - Bác Volodya. Tên họ này quen thuộc với nhiều người, cả các chuyên viên Việt Nam học người Nga và Nga học người Việt, các giảng viên và sinh viên, rồi tất cả nnhững người Việt học tiếng Nga hay người Nga học tiếng Việt đều biết danh tính ông.Đã năm thập kỷ nay hàng bao lượt người sử dụng những cuốn Từ điển, trên trang bìa ghi tên tác giả V.V. Ivanov.

Ông là người thầy mến yêu của những chuyên viên mang vinh quang về cho ngành Việt Nam học ở Nga. Ông đã miệt mài chuẩn bị để công bố nhiều tác phẩm văn học kinh điển Nga bằng tiếng Việt. Ông là thành viên tập thể tác giả biên soạn và hiệu đính bộ Đại từ điển Việt-Nga bề thế mới xuất bản cách đây chưa lâu. Ông còn là một người lính của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Những người lính như thế bây giờ còn lại rất ít. Ngày 21 tháng Giêng, Vladimir Ivanov kỷ niệm mốc sinh nhật chẵn đại thượng thọ 90 tuổi.

Khi chiến tranh bùng nổ, Volodya Ivanov mới 16 tuổi, vừa kết thúc chương trình lớp 9 phổ thông và chỉ học lớp 10 được đúng một ngày. Thay vì đến trường học tập, Volodya cùng với các thanh thiếu niên bạn bè và những người trẻ tuổi tham gia đào công sự chống tăng và thu hoạch vụ mùa, dựng chướng ngại vật trong những cánh rừng ngoại ô và dập tắt đám cháy do bom rải trên mái nhà thân thuộc ở một ngõ phố Matxcơva. Rồi sau đó Volodya vào làm việc tại nhà máy chế tạo súng cối. Như mọi nhân viên của công binh xưởng, Volodya có quyền ở lại đó không cần nhập ngũ. Nhưng vào năm 1943, khi đủ 18 tuổi, Volodya Ivanov đã tự tìm đến đăng ký ở Phòng Quân vụ để rồi được gửi đến trường Trung cấp Pháo binh ở thành phố Tula của những chuyên gia sản xuất vũ khí. Sau tháng rưỡi học tập, một số học viên trong đó có Volodya được gửi ra tiền tuyến. Ngay sau đó, các thanh niên trẻ măng này đã tham gia vào một trong những chiến dịch đẫm máu nhất của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – cuộc vượt sông Dnepr. Trong bão lửa hỏa lực địch dữ dội, những người lính xô-viết dùng đủ mọi thứ tìm thấy để bơi qua con sông rộng và theo đúng nghĩa đen họ lao bổ vào trận địa được thiết kế kiên cố của quân phát-xit ở bờ dốc hữu ngạn của dòng Dnepr. Vladimir Ivanov hồi tưởng như sau:

“Tiểu đoàn chúng tôi chỉ chiếm được một chiến hào.Trong những ngày đầu tiên, những trận đánh diễn ra liên tục suốt ngày đêm, bọn địch cố ném chúng tôi trở lại bờ kia của sông Dnepr. Ngày 15 tháng Mười năm 1943 tôi bị thương nặng, tám tháng rưỡi nằm trong Quân y viện cả ở miền nam lẫn miền bắc đất nước, và cả ở Matxcơva. Ra viện, tôi xuất ngũ và từ đó không trở lại đội hình nữa”.

Theo tính toán của các sử gia, thời hạn sống của một xạ thủ súng máy ở tuyến tiền tiêu ác liệt trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chỉ gồm có 5 ngày. Vladimir Ivanov đã gặp may, ông chiến đấu trên tuyến đầu trong suốt hai tuần lễ mà vẫn sống sót. Từ quân y viện trở về, Ivanov hoàn thành chương trình lớp 10 và nhập học tại trường Đại học Mỏ.

Ông Ivanov kể: “Tôi trải qua học kỳ mùa hè và đến đợt thi tiếp theo thì tôi hiểu ra rằng khai thác mỏ hoàn toàn không phải là công việc hợp với mình. Tôi rút lại hồ sơ giấy tờ và rời trường. Tháng Chín năm 1946, tôi vào học ở Viện Nghiên cứu phương Đông và tốt nghiệp năm 1952. Trong số bạn đại học của cha tôi có một nhà nghiên cứu Ấn Độ, và những câu chuyện của ông về phương Đông kỳ bí thực sự hấp dẫn làm tôi say mê. Tại Viện, tôi nghiên cứu ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ và đã viết luận văn về thành ngữ cách ngôn tiếng Thổ. Nhưng đến năm 1950, Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam DCCH, và đất nước xô-viết cần đến các chuyên viên biết tiếng Việt. Cùng với tôi, được đề nghị nghiên cứu thứ ngôn ngữ Á Đông này còn có một số sinh viên khác, những người sau này trở thành chuyên gia Việt Nam học hàng đầu ở Liên Xô như Alla Shiltova, Yvetta Glebova, Albert Mazaev ... Nhiệm vụ mới mẻ và chẳng hề giản đơn. Không có sách giáo khoa mà cũng chẳng có từ điển. Cuốn tài liệu tham khảo đầu tiên của tôi là tập sách mỏng với bản dịch sang tiếng Việt bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Vyshinsky tại kỳ họp thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1946. Sau đó, có thời gian chúng tôi theo học ở Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva MGU. Rồi tiếp đến là sự kiện Viện của chúng tôi sáp nhập với Đại học Quan hệ Quốc tế MGIMO, và thế là tôi có mặt tại trường đại học ngoại giao hàng đầu của đất nước”.

Vladimir Ivanov dạy tiếng Việt ở những trường đại học khác nhau, kể cả ở MGIMO. Các học trò của ông trở thành phiên dịch viên xuất sắc về tiếng Việt, nhận công tác trong các lĩnh vực khác nhau nhất: ngành ngoại giao, cơ quan chính phủ, ngành quân sự và lĩnh vực khoa học. Có thời gian Vladimir Ivanov được cử sang công tác ở Việt Nam, nơi ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lãnh đạo khác của Nhà nước Việt Nam. Chuyên viên Nga Ivanov đã góp phần xây dựng ngành công nghiệp của đất nước Dân chủ Cộng hòa ở vùng Đông Nam Á. Ông từng có nhiều năm làm việc tại Nhà xuất bản “Tiến bộ” Matxcơva, ấn hành bản chuyển ngữ sang tiếng Việt những tác phẩm chính trị-xã hội và văn học Nga. Uy tín cao của ông trong tập thể các chuyên viên Việt Nam học xô-viết thể hiện ở việc nhiều lần Vladimir Ivanov đảm nhận trọng trách dẫn đầu nhóm các thông dịch viên tiếng Việt tại các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô. Khối kiến thức phong phú uyên thâm của ông đắc dụng trong công việc yêu thích nhất là làm từ điển. V.V. Ivanov tham gia biên soạn cuốn Từ điển Việt-Nga nổi tiếng thường được gọi tắt là “Cuốn Xanh", công bố vào năm 1961, và bộ Đại từ điển mới Việt-Nga, là công trình được tiến hành trong nhiều năm và hoàn thành vào năm 2012. Vladimir Ivanov là một trong ba tác giả của bộ Từ điển Nga-Việt hai tập gồm khoảng 43.000 từ mà suốt trong nhiều năm qua cũng như nhiều năm tới chắc vẫn là nguồn chính và toàn diện nhất để tra cứu khi dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt.

Còn phải kể thêm nữa là ngay từ thuở làm người lính Hồng quân chiến đấu ngoài mặt trận, Vladimir Ivanov đã bắt đầu sáng tác thơ. Ông viết về mọi chuyện: về chiến tranh, về Việt Nam, về tình yêu và cuộc sống. Chúng ta sẽ nghe tác giả Vladimir Ivanov đọc một trong rất nhiều bài thơ của ông:

Vá tấm lưới cũ trong chiều buông thanh vắng

Nghe thoảng đâu đây lời hát nhẹ nhàng

Có đảo nhỏ đất mặn mòi bốn bề sườn dốc đứng

Những con tàu dửng dưng ngang qua về phố lớn Hải Phòng

Dáng tàu khuất xa rồi chàng ngư dân thuần phác

Vẫn tin có ngày Cát Bà đón tàu cập vào bến đảo hằng mong …

Đã hơn bốn chục năm nay, hàng năm vào Ngày Chiến thắng 9 tháng Năm người lính già của Sư đoàn Cận vệ số 12 Vladimir Ivanov đều mặc bộ quân phục cũ sờn và ra Công viên Văn hóa Gorky, một điểm hẹn hội ngộ của các cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại từ khắp nước Nga. Đã ba năm nay, chỉ còn lại mình ông là đại diện của Trung đoàn cũ. Nhưng vào ngày này, sau bàn tiệc trong căn hộ ấm cúng hiếu khách của vợ chồng ông Ivanov đều tề tựu đông đủ con cháu của những người đồng chí đồng đội cũ tìm về quây quần bên Vladimir Vladimirovich. Ước mong sao truyền thống này sẽ tiếp nối dài lâu!

Mừng sinh nhật bác Volodya yêu quí, xin kính chúc sức khỏe và sự mẫn tiệp. Chúng tôi hy vọng trong nhiều, thật nhiều năm nữa còn được chiêm ngưỡng sự thông thái, khả năng kết thân quảng giao và luôn yêu mến mọi người, tính cách khảng khái bộc trực và lương thiện cùng óc trào lộng hài hước không gì sánh nổi. Xin kính chúc đại trường thọ, hạnh phúc viên mãn, thưa chuyên viên Việt Nam học lão trượng, người lính và nhà thơ Nga Vladimir Ivanov!
 
Top