Tâm sự TỰ TRUYỆN: Chuyện tình bên bờ Vorskla (Kỷ niệm 65 năm VN-LB Nga)

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор

8. Đối mặt với thực tại

Hè năm đó, từ làng về tôi kịp tham gia chuyến tham quan Leningrad do các trường ĐH kết nghĩa với nhau tổ chức.
Xe chở mấy đứa tôi từ sân bay về nơi đón tiếp của trường ĐHTH Leningrad. Sau phần thủ tục, một bà đứng tuổi đến bắt tay và nói câu tiếng Việt:
- Các con về nhà mẹ!
Anh ở Đoàn THCS Liên Xô thay mặt trường đón chúng tôi giải thích: Đây là bà giáo Vasileva dạy ở trường ĐHBK, sinh viên Việt Nam đến Leningrad thường được bà thăm hỏi, mời về nhà để có không khí gia đình và giúp đỡ trong thời gian thăm thành phố. Người Việt gọi bà bằng “Mẹ”, và bà có đường dây liên hệ riêng với các trường ở đây nên hôm qua đã biết chuyến đi của các anh.

Đến nhà, bà đã chuẩn bị sẵn bữa cơm chiều. Đã mấy năm, nay chúng tôi mới được bữa cơm đầy đủ thức ăn hương vị quê hương do bà nấu không khác gì ở nhà mình. Bà nhìn từng đứa ăn với sự ân cần của người mẹ. Khi thấy tôi ăn cơm kiểu trở đũa hai đầu, bà hỏi:
- Con người miền Nam à?
- Dạ phải, mẹ con đem con ra miền Bắc khi con còn nhỏ.
Khi ra miền Bắc gia đình tôi vẫn giữ cách ăn đũa 2 đầu như ở Chiến khu miền Nam, người ngoài Bắc không dùng như vậy. Tôi rất ngạc nhiên khi một phụ nữ Nga ở một nơi xa xôi tận tường một chi tiết nhỏ mà nhiều người Việt chưa chắc đã biết!
Sau bữa cơm, chuyện trò khá lâu. Bà hỏi từng đứa học hành thế nào, cuộc sống ở KTX ra sao, có hay nhận được thư của bạn gái không...? Đến lượt, tôi cũng nói thật về Nely. Bà chăm chú nghe xong rồi nói:
- Bây giờ đã khá khuya, xe sắp đến đón rồi, các con phải về. Riêng con, chiều mai sau giờ làm việc đến đây, mẹ có chuyện muốn nói với con. Nếu không có xe đưa thì mẹ sẽ đến đón như hôm nay.

Chiều hôm sau, đi tham quan về xe tạt qua nhà bà. Bà đã đợi với một tặp thư, ảnh và cả họa báo. Bà bảo chuyện này có thể có ích cho con nên con cần biết.
Bà kể về mối tình của chị Nonna với anh Nguyễn Tài Cẩn, lúc đó là giảng viên khoa Văn ĐHTH Hà Nôi, và những gì họ đang trải qua trong cuộc sống mấy năm nay ở Hà Nội chiến tranh. Bà cho xem nhiều ảnh chị Nonna chụp ở Hà Nội và nơi sơ tán gửi sang, trong đó tôi nhớ nhất là tấm ảnh chị đứng bắt cua trên bờ ruộng và ngồi trên xe đạp đằng sau buộc bó rau muống.
Bà đưa cho tôi đọc dăm bức thư của chị, trong đó có lá thư gần nhất.
Bà đi chuẩn bị bữa cơm tối để tôi có thời gian đọc, và hỏi sau khi đã ngồi vào bàn:
- Con biết mọi chuyện rồi đấy. Mẹ hỏi con: Học xong con có về Việt Nam không?
- Về mẹ ạ, con chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ở lại. Nói đúng ra, con chưa kịp nghĩ đến vì việc về nước là hiển nhiên, với lại hai đứa con yêu nhau cả năm nhưng mới gần nhau chỉ trong tháng này.
Bà bảo:
- Mẹ biết con sẽ trả lời như vậy nên hôm nay bảo con đến. Nếu con là người miền Nam mà ở lại không về nước thì đó là phản bội. Phản bội niềm tin của những người mong con đi học, con ạ!
Bà không nói gì đến Tổ quốc, đất nước..., những cái đó có nhiều trong tài liệu, sách vở. Vì mẹ tôi mất đã lâu, xúc động trước sự chân tình trong lời người mẹ bây giờ, nên tôi nhớ đã nói thêm:
- Nếu con ở lại thì phản bội lại niềm tin của cả mẹ nữa!

Bà phân tích cho tôi nghe, nếu Nely về Việt Nam thì sau này sẽ ra sao....
Những day dứt của chị Nonna tôi thấy rõ trong thư, phải là người phụ nữ phi thường và từng trải mới chịu đựng được, nhưng linh cảm rồi cũng sẽ đến lúc con người chị sẽ cạn sức. Còn Nely của tôi chưa vào đời, dù có cố gắng cũng sẽ không thể sống được ở Việt Nam, nơi mà chính người mình cũng phải vật lộn trước cái chết để sống.
Tôi cảm ơn bà, xin phép về, và hứa sẽ trao đổi mọi chuyện với Nely. Bà bảo, nếu cần bà có thể gửi copy vài lá thư của chị Nonna cho Nely để có thực tế. Và nói thêm:
- Phần con, hãy nhớ lời mẹ: Đời con gái đẹp lắm, nhưng mình đừng lạm dụng quá nó!

Lúc chuẩn bị về, bà vừa khoác áo cho tôi vừa kể thêm để không khí bớt nặng nề:
- Con biết không, năm ngoái Nonna gửi thằng con trai sang đây. Mẹ đưa nó đi xem Bảo tàng Hermitage (Эрмитаж), thấy tranh và tượng khỏa thân, nó bảo: “Ở Việt Nam phải chống chọi để sống, còn ở đây thì toàn đồ chơi bời, không giúp ích được gì hết!”. Con thấy đấy, Việt Nam giáo dục tài vậy - nó nói như “ông Việt Cộng” chính cống!”
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
9. Anh đừng tin .... !
Về trường, tôi dần dần kể chuyện về chị Nonna cho Nely biết.
Hai đứa viết nhiều, gọi cả điện thoại... mục đích để Nely hiểu đúng hoàn cảnh Việt Nam lúc đó và chuẩn bị tư tưởng để chia tay, còn về tình cảm thì sẽ là anh em.
Nely viết:
- Em đã quyết định, anh học 5 năm, hai chúng ta cùng tốt nghiệp một lúc và em sẽ về Việt Nam. Anh đi làm còn em làm gì cũng được, có gì thì em đã có chị Nonna giúp đỡ chỉ dẫn thêm.
- Nhưng nếu anh đi bộ đội thì sao, chiến tranh đang ác liệt, nhiều người học trước anh về đã nhập ngũ?
- Thì em sẽ đợi anh, hồi chiến tranh mọi người ở đây cũng chờ nhau như vậy!
Tôi không thể giải thích cho Nely hiểu được, vì về nước trong hoàn cảnh như vậy mình rất có thể sẽ bị kỹ luật chứ đừng nói gì đến công tác. Lời dặn “Đời con gái đẹp lắm nhưng mình đừng lạm dụng quá nó!” giúp tôi dứt khoát hơn:
- Em không thể làm được như chị Nonna, và bản thân chị ấy cũng rất vất vã trước những cách biệt và khó khăn. Nếu em về Việt Nam thì thà anh ở lại đây còn hơn, cho dù bị lên án là phản quốc hay gì đi nữa!
- Em không muốn con cái chúng mình phải mang клеймо (vết nhơ) như vậy, vì anh và em có tội tình gì đâu?

Thâm tâm tôi phải công nhận Nely có lý: Trong tình yêu làm gì có sự phân biệt dân tộc, đẳng cấp... . về giai cấp thì có, nhưng ta với Liên Xô là cùng một hệ tư tưởng. Chiến tranh là vật cản không thể vượt qua cho cả hai đứa đang còn thiếu kinh nghiệm đời, và tôi không được để Nely chịu đựng những gì không cần phải có.

Nely bảo thi xong đến nhà, không cần đợi đến kỳ nghỉ chính thức, em đã nói với bố mẹ rõ mọi chuyện.
Một ngày mẹ vừa làm đồ đóng hộp cho mùa đông vừa nói chuyện với hai đứa. Sau bữa trưa, bố Nely nói chuyện riêng với tôi:
-Bố nghĩ thế này: Nếu con về nước trước, nhận công tác, coi như không có chuyện gì, sau đó Nely sang thăm và ở lại với con?
-Về hình thức thì được bố ạ, con sẽ không bị điều tiếng. Nhưng Nely sang sẽ không sống nỗi, chưa nói đến tính mạng. Việt Nam không rộng như LB Xô Viết để có vùng hậu phương an toàn. Chiến tranh lan rộng như năm vừa rồi thì bom Mỹ có thể dội xuống bất cứ chỗ nào, Nely không được mạo hiểm đến mức đó.
Cuối cùng bố bảo: - Cả nhà sẽ coi con như là con đẻ, con với Nely là anh em.
Mẹ nói thêm: - Hai đứa phải hiểu đúng tình cảm đó, và nên quyết định trong đợt nghỉ này là tốt nhất.
Mẹ nói vậy vì biết, mặc dù chúng tôi hiểu và chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn cư xữ với nhau như trước. Mấy ngày tiếp theo, hai đứa sống như trên khoang chiếc tàu đắm, còn hạnh phúc khi có chút ít dưỡng khí cuối cùng, và cần chắt chiu tận hưởng trong nước mắt khi tình thế là vô vọng.

Còn hai ngày nữa hết nghỉ đông, mẹ đưa tôi ra Văn phòng UB để làm thủ tục con nuôi. Tôi hỏi:
- Chúng con rõ rồi, mẹ đừng lo, nên đã quyết định sau đợt này sẽ không có liên hệ với nhau, kể cả thư từ, trừ khi có những đột biến trong đời.
- Mẹ không lo chuyện đó. Đăng ký, vì con là con trong gia đình thì phải có quyền lợi!
Làm thủ tục đăng ký xong, cùng hộ khẩu đính kèm, tôi không ngờ sau này chúng lại có ích không nhỏ cho tương lại.
Sáng ngày cuối cùng, mẹ đưa hai đứa ra Nhà thờ. Mẹ thắp nến, mắt ngấn lệ cầu nguyện trước ảnh Đức Bà: “- Đáng lẽ hai đứa là vợ chồng, nay xin Chúa chứng giám là anh em, hai đứa con của tôi!”
Tôi và Nely thắp nến xong, cầm tay nhau, đứng khoảng chục phút trước sư linh thiêng ấy. Riêng tôi, thực sự cảm thấy như hai anh em đang nắm tay bước vào chốn hư vô...

Sau buổi trưa, Nely tiển tôi ra sân bay. Mấy tiếng đồng hồ đi với nhau lần cuối cùng, xem lại những gì đã cùng mình trong năm qua. Nely vào hiệu sách, mua cuốn Cẩm nang Toán học Cao cấp mới xuất bản, kê chân trên ghế đá ở công viên ghi bài thơ lên trang đầu. Bốn câu sau tôi vẫn còn nhớ rõ:

Не верь, когда кому-то я улыбаюсь
Не верь, когда мной любуются
Ты вечно во мне единственный
И днем, и ночью, мой милый!
(Anh đừng tin khi em cười với ai,
Anh đừng tin khi họ nhìn ngắm em.
Anh mãi mãi là duy nhất trong em
cả ngày và đêm, anh thương của em!)

Khi đó tôi mới nhận ra là mình không có gì để làm kỷ niệm. Chạy vào quán hoa gần đó, mua bó hoa hồng đỏ thắm, loài hoa Nely thích:
- Những ngày qua anh như người mất hồn. Chỉ có những bông hồng cuối cùng tặng em!
Chúng tôi đến sân bay khá sớm, ngồi ôm nhau lần cuối trên ghế trước sân ga.
Đến giờ vào làm thủ tục. Chiếc AN-2 cất cánh, lượn 2 vòng lấy độ cao. Qua cửa kính tôi vẫn thấy Nely ngồi trên ghế đá cùng bó hồng như gần 1 giờ trước đây.

Năm tháng trôi qua, hình ảnh người con gái ngồi tiễn và như đợi mình trên ghế đá đã trở về với tôi không chỉ một lần....
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор

10. Năm tháng dần qua

Mấy năm học tiếp theo, như đã thống nhất, tôi và Nely không liên hệ gì. Hàng năm, và dịp Giáng sinh mẹ gửi thiếp chúc mừng và không bao giờ nhắc đến Nely. Dăm ba lần mẹ gửi hoa quả và thịt đóng hộp nhà làm qua tàu hỏa cho tôi.
Kỳ II năm thứ 5 ĐH, sắp ôn thi tốt nghiệp, mẹ viết thư hỏi tôi đã chuẩn bị tư trang thế nào, đã mua sắm gì để có cái khi đi làm việc. Tôi nói là khá đủ như mọi người, mỗi thứ 1 cái theo quy định. Ngày hôm sau, cả nhà về quê thu hoạch thỏ, nhà nuôi nhiều thỏ để lấy bộ lông và thịt, bố Nely hun khói nguyên cả con và gửi cùng mấy đồ hộp cho tôi. Nhìn chiếc hòm gổ dán vuông vắn bên trong lót ngay ngắn lớp lá hạt dẻ Kastan vàng khô, tôi nhớ đến những lá thư của Nely - phải chăng ta đã chôn vùi những gì đã qua vào nấm mồ của quá khứ?

Mấy tuần sau mẹ gọi điện thoại hỏi:
- Con có đem theo được 2 xe đạp không?. Tôi trả lời:
- Về quy định thì không, nhưng chiếc thứ 2 tháo ra coi như phụ tùng thì không hề gì.

Mẹ bảo ngày mai sẽ gửi tiền để mua thêm 1 chiếc xe đạp “Sport”, đồng hồ “Polyot” mạ vàng và vài thứ làm quà cho bố tôi.
Không lần nào tôi kể nhiều về bố cho Nely, vì không có chuyện gì của một người bình thường để nói. Hai tháng lương của mẹ dành cho bố tôi như nhắc: Đã đến lúc cần biết trách nhiệm của mình trong gia đình.


* * * * * *
Về nước vài tháng sau ngày Thống nhất .
Em gái cô bạn khoa Lý, là người đầu tiên gặp trên đất Việt Nam, ra đón ở ga Hàng Cỏ, một thời gian ở Khu số 4 Hoàng Diệu nhà của bố mẹ cô khi nhà tập thể của UB KHKT Nhà nước (bây giờ là Viện Khoa học Việt Nam) mới chuyển từ nơi sơ tán về. Có bác ở đó hình như cũng biết chuyện riêng, khuyên: Cháu ở lại đây, các cô cưới vợ cho!
... năm 76 vào Viện ĐH Huế trong số giảng viên chi viện, thấy thực tế tại chỗ, có chút băn khoăn: Ai chi viện cho ai, và chi viện cái gi?
... xã hội thay đổi, những gì mình quan niệm về nó cũng đổi khác theo.
... trước khi đi, đến chia tay cô bạn thân học sau 1 lớp thời phổ thông, cô bạn hỏi:
- Mình không hiểu. Là cán bộ diện cơ cấu, làm việc có uy tín, đi nước ngoài mấy lần, lấy vợ khi cô ta còn là SV, giữ lại trường rồi đi làm Thạc sĩ, nhà cửa xây cất đàng hoàng, thiếu gì nữa mà đi?
Không thể giải thích cho cô bạn được: Đi không phải vì “Thiếu” mà do cảm nhận “Thừa” khi mình là con ốc thừa trong guồng máy, không có mình chắc guồng máy sẽ chạy tốt hơn?
Đi khi đã có cậu học sinh mình dạy đi làm TS và coi như “trả” được công cho mình ăn học.
Đi khi gia đình bắt đầu rạn nứt cùng với biến đổi xã hội;
Và nếu làm việc hết sức mình chỉ đủ để kiếm sống cho bản thân còn một số ai đó hưởng, thì ở một nơi nào đó biết mình, vừa làm vừa chơi, chí ít cũng là lối thoát trước mắt cho bản thân...
................

... những năm đầu 90, do tập thể công nhân bầu và Nhà máy đề nghị, là Quyền Đơn vị trưởng và Trưởng vùng duy nhất toàn Liên bang do "dân bầu", phụ trách Liên hợp có hơn 2000 người Việt Nam. Chính những năm tháng “chà xát” với môi trường đó đã trang bị thêm thực tế cho hành trang đầy sách vở của mình.
... kịp tổ chức Công ty Liên doanh “VINARUS” ở miền Nam nước Nga, là 1 trong 3 công ty có người Việt đứng đầu ở LB lúc đó, hợp pháp hóa hộ khẩu và điều kiện ăn ở, buôn bán cho hơn 50 ”bộ đội” thời kỳ sau Liên Xô.
Anh bạn ở “Đôm 5” hỏi:
- Sao cậu không thu mỗi người vài trăm đô công tổ chức?
- Khi người ta gặp khó khăn, vật chất lại không khá hơn mình, việc đó trái với những gì mình quan niệm.
- Cậu không có đầu óc kinh doanh, sẽ không làm được gì trên thương trường. Để tất cả lại cho mình quản lý, mình sẽ lo cho cậu nhà cửa, xe cộ và vốn sinh sống ban đầu?
- Đồng ý với cậu. Làm giàu phải biết cách và có gan, nhưng mình không có cả 2 thứ đó.

* * * * * *
Thế là xong mọi việc:
Khi cần Độc lập - đã bằng nhiều cách để thoát khỏi mọi ràng buộc.
Để có Tự do - cũng có kha khá kiến thức và tối thiểu điều kiện vật chất để thể hiện những gì mình có thể làm được.
Còn Hạnh phúc - sao xa vời quá?
Cầm tờ giấy ly hôn trong tay, với cậu con trai học xong lớp 2 từ Việt Nam vừa sang, mình sẽ về đâu để có Hạnh phúc dù là nhỏ nhoi nhất trong những năm 92 đầy biến động này?
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор

11. “Lang thang”

Tôi và cháu đến Riga, thủ đô nước CH Latvia, nơi cô bạn người Estonia cùng lớp thời SV đang làm phó phòng. Cô bạn và anh chồng, là người gốc Latvia bảo: “Ở lại đây cũng được, chúng tôi có quan hệ nhất định trong thành phố, mọi chuyện sẽ yên ổn”.
Dân Riga hiền hòa, nhiều người quý Việt Nam, chỉ đường sá rất ân cần.... Thành phố đẹp, sạch, dáng dấp châu Âu, nhưng trong lòng thấy có gì đó lạnh lẻo. Sau 1 tuần ở chơi, tôi chia tay cô bạn học, nói sẽ quay lại nếu không có phương án tốt hơn.

Hơn một tuần ở Matscova không đem lại lạc quan gì ngoài việc cháu được dẫn đi chơi phố xá và khu rừng ngoại ô.

Quyết định về Ba cu, đến nhà anh bạn thân Bakhram học cùng lớp đã giúp tôi khá nhiều trong hai lần quay lại trường trước đây.
Trong lớp tôi thời SV, anh ta học thuộc loại xoàng, nên bài vở thường làm với nhau. Tôi có đến nhà chơi vài ba lần, bố anh là TS KH Kỹ thuật dạy ĐHBK, nhà riêng 2 tầng nên mình cũng có phần e dè. Ngoài cậu em trai, trong nhà có cô em út Seva lúc tôi là sinh viên thì đang học cấp 1.
Năm 83, khi tôi quay lại Ba cu, lớp thời SV họp mặt gần đủ. Cậu Bakhram đưa tôi về nhà giới thiệu, cả nhà nhận ra ngay. Cô Seva lúc đó đang học lớp 11, lớn phổng phao chứ không “lôi thôi” như hồi nhỏ. Bà mẹ bảo, có gì từ nhà đem sang cứ đưa cho Seva “giải quyết”, bọn thanh niên bây giờ sính đồ lạ “mốt”, cháu khỏi phải lo bán chác gì cả. Tôi tập trung “đồ” của mọi người từ VN sang, đưa cho Seva và hội bạn, đỡ vất vã và nguy hiểm vì hồi đó buôn bán ngoài cửa hàng là phạm pháp. Dần dần, tôi và Seva khá thân, cô giúp tôi nhiều trong “hoạt động” kinh tế, hàng tuấn đến chỗ tôi ở lấy áo quần về giặt...

Khi tôi và con trai đến Ba cu, Bakhram đã có cương vị công tác khá, Seva đang học năm cuối ĐH Y khoa, trông còn xinh hơn hồi học sinh, nét sắc sảo của phụ nữ Ba Tư thể hiện khá rõ. Tôi kể lại chuyện riêng với cả nhà, Bakhram nói luôn trước mọi người là nên ở lại Ba cu, bà con đã biết tôi từ hồi SV, mọi người coi tôi như là ruột thịt. Sau đó, chúng tôi nói chuyện nhiều, anh ta bảo:
- Cậu đừng lo chuyện gia đình, Seva nó quý cậu, vẫn còn nhắc việc tắm táp kỳ cọ cho cậu suốt cả tháng.
- Nói bậy, làm gì có chuyện, tớ coi nó như em gái. – Tôi đáp.
Hồi đó, năm 1984 khi tôi quay lại Ba cu, tôi bị ngã xe mô tô Voskhod M-8 trên quãng đường vòng đột ngột, da nửa cánh tay trái bi lột mảng lớn do chà trên mặt đường, toàn cánh tay bị băng bó. Cho đến khi lên da non, hơn cả tháng tôi ở nhà ông bà, Seva giúp tôi tắm táp rửa ráy, cánh tay bọc trong bao nylon, treo ngược lên trên vòi tắm cho khỏi thấm nước.
- Cậu không thấy mặt mũi nó tươi hẳn lên từ hôm qua đến giờ à? Nhất trí đi, khỏi đi đâu cho mệt.
- Được thế thì lý tưởng, nhưng ông bà sẽ nghĩ thế nào? Tôi nói vậy vì bản tính “tự ti dân tộc” cố hữu trổi dậy.

Tối hôm sau, bà mẹ nói chuyện riêng với tôi. Cuối buổi bà bảo:
- Con đừng lo gì chuyện cuộc sống ban đầu. Và bà vào buồng đem ra bọc vải, bảo tôi đổ ra hai bàn tay bụm lại của bà:
- Đây là của hồi môn cho Seva, ông bà chuẩn bị cho con gái út. Một nửa chỗ vàng này cũng đã đủ mua căn hộ và tiện nghi gia đình.
Tôi không dám nói gì vì sự việc ngoài sức tưởng tượng.
Ngày hôm sau, bố Seva đánh xe đi thăm bạn bè mới về hưu ở các thành phố mà trước đây chưa có dịp gặp. Ông nói là đi khá lâu và đem cậu con trai tôi đi theo để biết danh thắng Azerbaijan. Chắc ông bà có nói chuyện với Seva nên mấy ngày sau cô tỏ vẻ e ngại khi giao tiếp với tôi.
Hai ông cháu đi, tôi và 2 anh em Bakhram chủ yếu chơi ở nhà nghỉ của ông bà trên bờ biển Caspy (biển Lý Hải). Giữa tôi và Seva thân tình như xưa, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện nam nữ, vì tôi biết, theo đạo Hồi, có quan hệ với nhau chỉ khi đã là vợ chồng. Tôi cũng hiểu, ông đưa con trai tôi đi chơi lâu để mình có thời gian suy nghĩ, không nên có quyết định đường đột....

Suy nghĩ khá nhiều, cái làm tôi đắn đo nhất là mình chưa hiểu hết đạo Hồi cùng những tập tục khá khắt khe của nó. Gần 1 tháng, bố Bakhram và con trai tôi về. Hôm chia tay, bà mẹ khóc nhìn cháu, bảo đừng đi đâu nữa mà làm khổ thằng bé. Tôi cảm ơn cả nhà, hôn lên trán Seva, bảo:
- Sau này anh có bị gì thì em tắm cho anh sẽ tốt hơn, vì sắp là bác sĩ rồi!
Cô không nói gì, cười bẻn lẻn như hồi nhỏ.
Đó là hình ảnh cuối cùng khi tôi rời Ba cu.
 

Tolyale

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Bác ơi, mỗi ngày 1 tập nhé. Cháu mong truyện này lắm.
Cám ơn bác trước nhé ^^
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Không thấy bác nhắc đến Nely nữa, chưa biết số phận cô ấy ra sao???? Hồi hộp còn hơn phim trinh thám nữa...
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор

12. Phải chăng là Định mệnh?

Tôi nói với con:
- Bố còn một người bạn thân, nhưng giao hẹn sẽ liên hệ với nhau chỉ khi nào có sự cố trong cuộc đời.
Tôi và con đến Kisinhov, về quê mẹ Nely, biết chỗ ở vì hàng năm vẫn gửi thiếp chúc mừng. Ông bà đã về hưu đang ở thành phố gần thủ đô. Tôi đến nhà vào buổi trưa, bố đi vắng, mẹ nhận ra ngay và bảo:
- Cả tháng nay mẹ khó ngủ, hay bồn chồn. Mẹ đoán có gì khác thường xẩy ra.
Tôi kể hết tất cả cho mẹ nghe, bà bảo:
- Nely sống cũng không hạnh phúc lắm, gia đình có lục đục, nhưng con với nó không thể quay lại được.
- Con hiểu mẹ ạ, hai đứa con đã nguyền trước Chúa!
- Con và cháu yên tâm nghỉ cho khỏe để mẹ với nó tính xem sao.

Mấy ngày sau Nely và cô con gái nhỏ đến, nói là chỉ xin đổi giờ dạy ở trường được 2 tuần. Mấy ngày nghỉ ngơi, thỉnh thoảng Nely dẫn con gái và cậu con trai tôi đi chơi họ hàng làng xóm, cảm giác ấm cúng dần trở lại như mình đang ở nhà.
Cuối tuần, Nely bảo trưa mai sẽ có buổi picnik nướng saslức bên bờ sông gần nhà, thành phần tham gia gồm toàn người lớn, không có trẻ con. Những ai thì cô ta không nói, nhưng báo trước anh phải chuẩn bị tinh thần tốt nhất. Tôi hỏi mẹ, bà bảo là nó muốn làm quen cho con ...

Nhờ ở Ba cu nhiều năm và khá hăng hái trong những dịp đi dã ngoại nên món thịt nướng saslức là sở trường, tôi chuẩn bị đồ nướng, nước chấm ... và yên tâm là sẽ không bị bẻ mặt trước những vị khách chắc sẽ rất khó tính!
Mọi người lần lượt đến, trong số khách phụ nữ Nely chỉ 3 người, giới thiệu:
- Cô này tên là Anna, gọi em bằng chị họ, là bác sĩ, anh có nhận ra ai không?
- Chịu, khi ấy chắc nhỏ tuổi và đã sau từng ấy năm.
- Anh nhớ bữa đá bóng cãi nhau chứ? Nó là cô bé học lớp 4 đưa cho anh nếm miếng gan ngỗng nướng đó!
Tôi đã nhớ ra, vì trước đó có đến thăm gia đình này, mẹ Nely là chi ruột mẹ cô ta.
Nely giới thiệu cô thứ hai:
- Đây là Nonna, em bên bố, vừa tốt nghiệp ĐH, đang dạy Anh văn trường THPT, hồi đó anh có đến chơi nhưng nó không có nhà.
- Còn đây là Angela, cháu bên mẹ, vừa học xong Trung cấp dệt may. Chưa ai có gia đình, bọn nó biết anh từ nhỏ, và em cũng đã cho biết tình hình của anh hiện nay rồi.

Chuyện trò khá thoải mái vì toàn là bà con cả, nhưng có bị “sốc” một chút vì sự chuẩn bị quá "vượt mức” của Nely – trước đó tôi hình dung chắc sẽ tiếp chuyện 1 cô bạn thân nào đấy. Sau đó Nely rỉ tai thêm:
- Anna đàng hoàng như anh đã biết, nó làm việc mấy năm rồi nhưng hơi kén chọn, có căn hộ 1 phòng được phân ở Kisinhov. Nonna hơi khó tính nhưng nó rất thật thà và tốt bụng, mới có người yêu nhưng nó không ưa lắm. Còn Angela thì còn trẻ con, chưa đủ 18 tuổi, vô lo và dễ tính. Anh tìm hiểu rồi quyết định sơm sớm, em chỉ ở lại được dăm ngày nữa là phải đi.
Nhờ rượu vang tăng thêm can đảm tôi mới định thần và làm chủ tình thế trước các cô. Bãi cỏ rộng, có thể đi chơi dọc bờ sông... nên có điều kiện “tiếp cận” từng người. Theo kiểu “Loại trừ” của dân làm Toán, tôi “gạch tên” Nonna vì cô ta đã có người yêu, chắc gì mình đã hơn người ta. Anna sâu sắc nên chuyện trò với cô khá lâu về quan niệm, đời sống..., và hỏi:
- Thế em hiểu thế nào là “спекулянт” (người đầu cơ)?
- Đó là những người mua rẻ nhưng bán đắt.
- Thế thì có ai lại đi mua đắt bán rẻ, người ngốc chắc! Hay mua thế nào bán thế nấy để làm không công à? – tôi hơi thẳng thừng để nghe lập luận của cô.
- Em không rõ lắm quan hệ thương mại, nhưng hiểu như vậy.
Với Angela đơn giản hơn. Qua chục phút trò chuyện có thể đoán được: Những người như vậy không đòi hỏi nhiều nhưng trách nhiệm của mình phải lớn hơn. Ngoài trẻ ra, cô ta xinh hơn và nhìn cũng “hiện đại” hơn.

Về nhà tôi hỏi thêm mẹ về từng gia đình, quá khứ... Mẹ kể hết, và thêm:
- Tình hình chung là thế, nhưng con phải tự quyết định. Mẹ cũng sống không bao lâu nữa, không còn nhiều cơ hội để giúp con sửa sai con ạ!
Nely không nói gì, tôi cũng biết ý nên không hỏi ...
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
13. Người nào không mạo hiểm thì không uống sâm banh
“Кто не рискует, тот не пьёт шампанского” – thành ngữ Nga

Mấy ngày sau tôi nói tóm tắt với mẹ và Nely:
- Nonna con không tính vì không muốn phiền phức cho cô ấy. Anna đã trưởng thành, quan niệm hơi cứng, con sợ khó hòa đồng hay cảm hóa được cô ta. Còn Angela có nhược điểm là trẻ quá, nhưng với con là đáng yêu nhất.
Mẹ không nói gì, nhưng Nely phản ứng:
- Em muốn anh tự chọn, nhưng với Angela thì em phản đối. Nếu sau này có gì thì anh phải tự lo lấy, đừng bảo là do em giới thiệu!
- Hồi trước chúng mình còn nhỏ hơn nhiều! – tôi chỉ biết chống chế.

Đến lúc đó tôi mới hiểu được hết tình cảm mẹ và Nely - không có mẹ thì Nely không thể huy động được một “lực lương” như vậy. Người Nga thường nói “Узнать друг друга сможем при разводе ” (Có thể hiểu nhau được khi chia tay), nay tôi thấy thêm một điều: “... và khi người kia kết duyên mới”. Và tôi không nói với ai, kể cả mẹ, về khả năng kinh tế của mình, chỉ chung chung là tạm đủ trong thời gian đầu. Điều đó không có ảnh hưởng chút nào như thường thấy trong những quan hệ quan trọng kiểu này.

Tuy rất tôn trọng và quý Nely, nhưng cũng như nhiều người đàn ông khác, tôi nói với cả nhà là sẽ cưới Angela. Gia đình cô ta đàng hoàng, bố mẹ chân thực và tốt bụng, đó cũng là chỗ dựa cho tôi.
Với Angela, cái tôi “lo” nhất là sự đánh giá của bạn bè cô ta về tương đồng tuổi tác. Ai cũng có bạn bè, đồng nghiệp, 23 tuổi cách biệt là khoảng cách không nhỏ trong giao tiếp sau này. Tôi nói Angela tổ chức buổi gặp mặt giới thiêu tôi với bạn bè của cô, nhưng bảo chỉ nói là bạn thôi. Chuyện trò chán chê, tôi thăm dò;
- Theo các bạn, tôi khoảng mấy tuổi?
- 23 – một cô trả lời.
- Ít quá.
- Thế thì 25. – cô khác sửa lại.
- Còn ít.
- Thế thì 27 là cùng.
Sau buổi gặp tôi nói với Angela: “- Thế là anh yên tâm, vấn đề còn lại là do chúng ta!"

Chúng tôi nộp đơn xin đăng ký kết hôn. Nhờ sự chu đáo của bố mẹ trước đây, tên tôi đã có trong Sổ Gia đình (Домовая книга), quyết định ly hôn ở Việt Nam tôi tự dịch ra tiếng Nga nhờ công chứng, thế là xong.
Theo phong tục của người Slavơ, đăng ký chỉ là trước pháp luật, làm Lễ đính hôn ở Nhà Thờ mới quan trọng, nó chứng minh sự gần gũi phần hồn của hai người. Trước đây tôi có đọc một số sách về Tôn giáo nên biết khá rõ đặc thù, lễ nghi… Tôi nói với mẹ:
- Con người phải có niềm tin. Trước đây còn có niềm tin vào chủ nghĩa ưu việt trên Trái đất, nay không còn nữa. Mẹ đưa con đi làm Lễ rửa tội vào đạo Thiên chúa. Nhưng con sẽ lấy tên Đạo là gì?
- Khi con và Nely đến với nhau, mẹ đã ra Nhà Thờ cầu nguyện cho hai con. Mẹ xưng tên con là Dmitri, con đã có tên từ ngày ấy.
Mẹ đã lo cả phần hồn cho tôi trước đây 20 năm, và tên mẹ đặt trở thành tên làm việc của tôi ngoài đời cũng như trên mạng.
Một tuần sau khi có đăng ký kết hôn, tôi và Angela làm Lễ Đính hôn ở Nhà Thờ và các thủ tục cưới xin cổ truyền với mẹ và bố là đại diện nhà trai.

Để hiểu nhau hơn và biết những vùng đất mình sẽ sống lâu dài, hai đứa đi chơi “bụi” một vòng các nước CH lân cận. Angela yêu thiên nhiên, động vật, chú Saric cô nuôi khi đi học, quấn quýt với hai người suốt gần 3 tháng đó.



Thay lời kết
Mẹ đã mất cách đây mấy năm.
Mẹ Việt Nam ở Leningrad mất đã lâu. Năm trước đến S. Petersburg, nhưng không ai trong số người quen biết nợi đặt mộ của bà.
Nhiều năm cộng tác với mấy TĐ của Nga và nước ngoài trong vài dự án, cuối năm ngoái tôi về Việt Nam công tác dài hạn.
Hôm về Hà Nội, gặp mặt sau 36 năm bạn học bốn lớp khoa Toán-Cơ cùng khóa, thật cảm động, 20 trong số hai mươi mấy người đến, có cả từ Quảng Ninh, Hưng Yên....
Tháng 4 vừa rồi, nhân Lễ kỹ niệm 55 thành lập Viện ĐH Huế, gặp lại lớp tôi chủ nhiệm. Cậu L. lớp phó học tập, nay Tổ trưởng Bộ môn, chuẩn bị đi Thụy Sĩ làm TS Khoa học, nói trong buổi gặp mặt: "... những bài giảng Lý thuyết Xác suất của thầy nay bọn em vẫn dùng để dạy."

Chắc cũng cần nói thêm về 2 người, nếu không có thì tôi khó có thể ngồi viết được những dòng hôm nay. Cô bạn khoa Lý, TS Vật lý, được phong Phó GS trong số không nhiều nữ SV lứa chúng tôi, vừa lên “chức” bà ngoại. Chị Đơn vị trưởng thời đó, về công tác ở Bộ Công an, hàm Đại tá trước khi nghỉ hưu.

Tháng Chín 2012,
TĐ "SPEC" Anh Quốc - C.ty CP «Aivengo»,
Ivanovo, LB Nga - tp Hồ Chí Minh, Việt Nam.

----------------------------------------------------------
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Cháu đã biết một điều rất đặc biệt...Vẫn cứ nghĩ Bác ngẫu hững đặt tên nick là dmitri Trần hóa ra là tên thật của Bác, cô angela xinh quá!!!
 
Top