Con nuôi trung đoàn (Сын полка) - Valentin Katayev

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
16


-Này, bé chăn bò, hết nghề chăn bò rồi. Hết tự do chủ nghĩa. Bây giờ chúng tớ sẽ biến chú mày thành người lính thực thụ.

Sau khi nói vậy, hạ sĩ Bi-đên-cô quẳng một gói lớn quân phục xuống giường. Anh tháo chiếc thắt lưng da mới buộc cái gói đó. Đồ vật bung ra và Va-nha nhìn thấy: quần mới, áo mới có quân hàm, quần áo lót, vải lót ủng, ba-lô, mặt nạ chống hơi độc, áo khoác, mũ lông có gắn sao đỏ, và thích nhất là đôi ủng. Đó là đôi ủng nhỏ tuyệt đẹp, bằng da mỏng, đế da, lốm đốm những vết đầu đinh gỗ trắng, rũa phẳng lì.

Từ lâu, Va-nha chờ đợi giây phút này. Cậu mơ ước, tưởng tượng thường xuyên. Nhưng khi giờ phút đó đến, cậu bé lại không tin ở con mắt mình. Cậu hồi hộp.

Hình như hoàn toàn không thể tưởng tượng được rằng những vật đẹp đẽ, bền, mới, một tài sản lớn như thế kia, bây giờ lại thuộc về cậu.

Va-nha ngắm nghía quân phục nhưng không dám sờ tới. Cậu đặc biệt muốn sờ vào những hình nòng đại bác bằng đồng thau gắn ở quân hàm. Ngón tay cứ định thò ra thì tức khắc lại rụt lại, tựa như nòng súng nóng bỏng.

Hàng mi nhấp nháy, Va-nha lúc nhìn đồ vật, lúc nhìn Bi-đên-cô.

-Của cháu cả à?-cuối cùng cậu rụt rè hỏi.

-Tất nhiên.

-Không phải, chú nói thật chứ?

-Thật.

-Chú thề danh dự pháo binh đi.

-Thì thề.

-Chú lại thề danh dự trinh sát viên đi.

-Thề chứ sao!-Bi-đên-cô nói, mặt cau lại để cố gắng nhịn cười.-Bản thân tớ đã thay chú mày ký vào phiếu cung cấp.

-Chà, bao nhiều là đồ!

-Đó là tiêu chuẩn cung cấp vật dụng,-Bi-đên-cô nghiêm túc nói.-Ấn định bao nhiêu, được lĩnh bấy nhiêu. Không hơn, không kém.

Chỉ lúc này, khi nghe những danh từ huyền bí “phiếu cung cấp”, “tiêu chuẩn vật dụng”, và nhất là “ấn định”, Va-nha mới hiểu rằng mình không nằm mơ. Các đồ vật thực sự thuộc về cậu.

Cậu bèn thong thả, tỉ mỉ, lật giở và xắp xếp, ngắm nghía chăm chú từng vật một, soi rõi ngoài ánh sáng.

Sau cùng, xắp xếp đâu đấy, Va-nha nói:

-Cháu mặc bây giờ được không?

Bi-đên-cô lắc đầu và cười lớn:

-Cái thằng, vội thế! Muốn mặc à? Thích lắm phải không? Không được anh bạn. Trước hết phải đi tắm với chúng tớ, cắt tóc rồi mới đóng bộ quân phục được.

Va-nha thở dài đến thượt một cái nhưng không nói gì. Mặc dầu rất muốn được mặc quân phục và trở thành người lính thực thụ ngay, nhưng cậu không dám làm trái ý cấp trên. Cậu đã cảm thấy, dù chưa hoàn toàn thấu hiểu, thế nào là kỷ luật quân đội. Cậu đã tập được cách vâng lệnh, không bàn cãi. Đã có lần, do kinh nghiệm bản thân, cậu đã quan niệm được hành động tự do tai hại như thế nào. Cho đến lúc này, cậu vẫn còn hối hận vì đã tự ý vẽ bản đồ trác đạc và đã gây cho Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp bao nhiêu nỗi lo lắng. Hai ngày đêm luôn luôn nằm trong nguy cơ bị lính tuần tra Đức bắt và hy sinh, Goóc-bu-nốp đã náu mình trong “khu rừng tham mưu” Đức để tìm Va-nha.


Cậu bé biết việc đó, nhưng không biết nhiều việc khác. Cậu không biết rằng Goóc-bu-nốp, chưa tìm được cậu, kiên quyết không trở về đơn vị. Goóc-bu-nốp đã đem Va-nha đi trinh sát, không xin phép chỉ huy và đem tính mệnh của mình để chịu trách nhiệm về việc đó. Va-nha cũng không biết rằng khi Bi-đên-cô, trở về đơn vị an toàn, báo cáo sự kiện xảy ra, đại úy Ê-na-ki-ép đã tức giận điên người. Anh dọa đưa trung úy Xê-đức, chỉ huy trung đội tiểu đoàn bộ ra tòa và hạ lệnh ngay lập tức cử một nhóm năm trinh sát viên đi tìm cậu bé. Cũng may là ngày hôm đó, cuộc tấn công mới bắt đầu và công việc được giải quyết trọn vẹn.


Lần này trận tuyến Đức đã bị chọc thủng trên chiều rộng hơn một trăm cây số. Ngay ngày đầu, quân ta vừa đánh vừa tiến được hơn ba mươi cây số, không cho quân Đức dừng lại để chấn chỉnh phòng ngự.

Vì vậy đến cuối cái ngày chiến thắng rực rỡ đó, “khu rừng tham mưu”, như anh em thường ghi trên bản đồ và gọi như vậy trong báo cáo, đã nằm sâu trong hậu quân ta và trong khi triển khai tấn công, các đơn vị quân ta tiếp tục tiến lên không ngừng, do đó cái hầm Goóc-bu-nốp chiếm cho đơn vị, không cần đến nữa.

Tuy vậy, Va-nha cũng có dịp ghé vào cái hầm đáng nguyền rủa này. Bọn Đức chạy trốn vội vã đến nỗi đồ vật trong hầm vẫn còn nguyên. Cả cái mũ sĩ quan màu đen vẫn còn thấy treo trên tường gỗ.

Va-nha lấy ở trên bàn cái túi dết, địa bàn và quyển sách vỡ lòng còn mở ở trang có vẽ bản đồ với hàng chữ “Chúng ta không là nô lệ”, trên còn đọng máu khô.

Cuộc tấn công triển khai rất nhanh. Các đơn vị hậu cần bị rớt lại. Vì vậy phải mất một thời gian lâu, quân phục mới đến tay Va-nha. Sau đó còn phải sửa chữa quần áo cho vừa người cậu bé.

Trong điều kiện cơ động hàng ngày, việc này hầu như không thể thực hiện được nhưng các trinh sát viên đã tận dụng toàn bộ tầm ảnh hưởng của mình để, trên đường tiến quân, tìm cho ra thợ may, thợ đóng giày và chủ yếu là thợ cắt tóc có tông-đơ.

Anh chàng Goóc-bu-nốp căn cơ thẳng tay thết đãi. Thịt lợn hộp, hàng trăm điếu thuốc lá chiến lợi phẩm, khá nhiều đường viên, cả một bi-đông cồn máy bay nguyên chất, v.v… được tung ra.

Họ đã kiếm được thợ may, thợ giày và thợ cắt tóc tại bộ phận hậu cần tuyến hai của đơn vị súng cối cận vệ và săn sóc ân cần thợ như săn sóc bà con họ hàng thân thiết, không tiếc công tiếc của.

Vì vậy quân phục của Va-nha mới sửa chữa xong trong thời gian ngắn nhất và làm cho tất cả anh em trinh sát đều thán phục. Quân phục xinh xắn, may cắt cẩn thận, tỉ mỉ, trông mới tinh.

Còn đôi ủng Va-nha thì ngay cả các chiến sĩ đóng ở hầm bên cạnh nghe đồn cũng phải kéo đến xem.

Bây giờ chỉ còn tắm và cắt tóc.

Phòng tắm bố trí trong hầm đã được đốt lửa, chỉ còn đợi thợ cắt tóc mang tông-đơ đến. Và cuối cùng Goóc-bu-nốp dẫn anh chàng thợ cắt tóc về.

-Nào các bạn, yêu cầu ngồi thu lại. Dành khá chỗ cho một chút, không có đồng chí cắt tóc khó làm việc. Phải tạo cho đồng chí điều kiện làm việc cần thiết,-Goóc-bu-nốp nói, hối hả dọn chỗ và đặt một cái hòm lựu đạn bỏ không ở giữa cái hầm nhỏ và chật chội.-Lại đây, Va-nha. Ngồi xuống, đừng sợ. Đồng chí thợ cắt tóc sẽ húi đầu cho chú mày.

Va-nha ngồi lên hòm và ngượng nghịu đặt hai tay lên đầu gối, cảm thấy hết sức xúc động vì sắp bước vào một cuộc đời mới, tươi đẹp.

Trong giờ phút đầy ý nghĩa này, mọi con mắt đều hướng vào cậu bé, một cậu bé chăn bò bé bỏng, đang sắp trở thành người lính.

Thợ cắt tóc là một người trung niên, có đôi mắt hiền hậu, quầng đỏ, nụ cười buồn và bộ mặt đầy tàn hương. Cấp bậc của đồng chí là trung sĩ nhưng không thấy quân hàm vì đồng chí mặc bên ngoài quân phục một chiếc áo khoác trắng rất chật và ngắn giống hệt của trẻ con, ở túi bên thò ra cái lược bằng nhôm.

Đó là người cắt tóc của ngành thương nghiệp phục vụ quân đội. Họ của đồng chí là Gơ-lát-xơ. Nhưng ít người gọi đúng tên họ, mà thường kêu là “Tám rúp bốn mươi”.
Bí danh này được hình thành sau khi trung sĩ Gơ-lát-xơ cắt tóc cho một nhà văn đến thăm đơn vị tại mặt trận Ô-ri-ôn.

Đồng chí để nhà văn ngồi trên cỏ ở sườn một ngọn đồi, thời bấy giờ thường được ghi trên các báo cáo với tên “cao điểm không tên phía tây bắc cầu xe lửa”.

Chỗ ngồi cắt tóc cách tiền tuyến quân Đức khoảng năm trăm thước. Bọn Đức thường xuyên dùng súng cối bắn vào ngọn đồi không tên này để gây căng thẳng.

Nhưng trung sĩ Gơ-lát-xơ ưa không khí trong lành và thích làm việc ngoài trời hơn là trong hầm chật chội, không chỗ xoay sở. Hơn nữa, như mọi người thường biết, cái kiểu bắn “tâm lý” này của bọn Đức thường chẳng gây cho quân Nga chút ảnh hưởng nào.

Trung sĩ Gơ-lát-xơ mang hết tâm hồn ra cắt tóc, cạo mặt đặc biệt cẩn thận cho nhà văn để chứng tỏ rằng ngành cắt tóc trong quân đội có trình độ tổ chức cao.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Đồng chí cạo mặt cho nhà văn rất tỉ mỉ, hai lần, cạo xuôi rồi lại cạo ngược. Đồng chí còn muốn làm lần thứ ba nhưng nhà văn nói:

-Thôi, không cần.

Sau đó đồng chí sửa tóc sau gáy và hỏi nhà văn thích kiểu tóc mai nào: thẳng, nhọn hay kiểu Xê-bát-xtô-pôn.

-Kiểu nào cũng được,-nhà văn nói, tai còn chú ý lắng nghe những tiếng đạn nổ trên đỉnh đồi.

-Thế thì tôi xén tóc mai nhọn cho đồng chí. Anh em súng cối cận vệ chúng tôi thường thích kiểu mai nhọn.

-Thì tóc mai nhọn,-nhà văn nói.

-Tôi cạo êm chứ?-đồng chí hỏi vì cảm thấy giọng của khách hàng có vẻ nhấm nhẳn.
-Tôi vội,-nhà văn trả lời.

-Năm phút nữa thôi,-đồng chí nói.-Tôi phải xén tóc mai cẩn thận cho đồng chí để đồng chí có thể đánh giá được công tác cắt tóc trong quân đội. Có thể cung cấp tài liệu cho đồng chí viết báo.

Khi đồng chí Gơ-lát-xơ sửa tóc mai bên kia thì một viên đạn nổ tương đối gần.

-Đồng chí đừng ngại,-Gơ-lát-xơ nói,-chúng bắn vu vơ đấy. Chẳng ai để ý đến đâu. Tôi bôi phấn cho đồng chí nhé?

Nhà văn ngạc nhiên hỏi:

-Đồng chí cũng có phấn à?

-Tất nhiên. Thứ gì cần cho một phòng cắt tóc đường hoàng đều có?

Nhà văn càng ngạc nhiên hỏi:

-Có cả nước hoa hay sao?

-Tất nhiên,-Gơ-lát-xơ nói.-Tôi bơm nước hoa cho đồng chí được không?

-Vâng, được.

Gơ-lát-xơ lấy trong túi ra một lọ nước hoa, cắm vào đó một cái ống và thổi nước hoa trên mặt nhà văn. Đồng chí sắp sửa lấy khăn lau mặt khách hàng thì bỗng ngừng lại, lắng nghe và nói:

-Bây giờ thì tôi khuyên đồng chí xuống hầm một chút..

Và họ vừa nhảy xuống hầm thì một viên đạn nổ ngay sát bên cạnh, trong chớp mắt phá hủy toàn bộ dụng cụ của Gơ-lát-xơ để ở trên cỏ: chổi quét xà-phòng, chén con, đá mài, tuýp kem bôi mặt và gương. Khi giói thổi tan đám khói màu nâu, nhà văn hỏi với một giọng hài hước:

-Tôi phải trả công đồng chí bao nhiêu?

Người thợ cắt tóc hướng đôi mắt quầng đỏ lên trời, mấp máy môi rồi nói:

-Tám rúp bốn mươi.

Con người như vậy đã được mời đến cắt tóc cho bé chăn bò. Đồng chí giở cái khăn mặt kẻ ô gói dụng cụ ra và bầy biện rất trật tự đồ lề lên trên một cái giường trống và lấy ngay cái khăn mặt đó quấn vào cổ Va-nha.

Đồng chí nghiêm trang hỏi cậu bé:

-Đã lâu không tắm chứ?

-Từ năm bốn mươi mốt,-Va-nha trả lời.

-Thế thì cũng tương đối chưa lâu,-Tám rúp bốn mươi trả lời.

Tất cả kính trọng cười theo. Qua đó thì thấy, có một người nổi danh trong nghề, được tôn là giáo sư như đồng chí Tám rúp bốn mươi đến thăm là một vinh dự. Goóc-bu-nốp đặt lên giường cái bi-đông, cái ca, hai khoanh bánh mì lớn và hộp thịt lợn mở sẵn. Anh hỏi:

-Đồng chí nhắm rượu ngay hay sau khi cắt xong?

-Trước chiến tranh, ở thị trấn Bô-bơ-rui-xcơ chúng tôi, những người khôn ngoan thường có tập quán làm việc xong, mới uống rượu,-người cắt tóc nói giọng đều đều. Phải sửa sang gì cho anh chàng này?-đồng chí hỏi, hai ngón tay thùa vào đám tóc gáy của cậu bé.

-Cắt tóc cho nó,-Bi-đên-cô khẩn khoản nói, trìu mến nhìn Va-nha.

-Việc đó thì rõ rồi,-Tám rúp bốn mươi nói,-Nhưng vấn đề là cắt kiểu nào? Tóc có nhiều kiểu. Có kiểu cắt trọc, có kiểu cắt hớt, có kiểu húi cua, có kiểu cắt móng lừa.

-Cắt móng lừa,-Va-nha nói.

-Tại sạo lại kiểu móng lừa?

-Cháu trông thấy một thằng bé kỵ binh cận vệ để tóc móng lừa. Nó là con nuôi trung đoàn, hạ sĩ Vô-dơ-nê-xên-xki. Mái tóc mới đẹp làm sao!

-Biết rồi. Chính tôi cắt cho nó,-người thợ cắt tóc nói.

-Không, tóc móng lừa không hợp với cánh pháo binh ta,-Bi-đên-cô nghiêm khắc nói.-Kỵ binh thì được. Pháo binh thì không. Cánh pháo binh phải cắt trọc. Làm sao tròn như quả bóng.

-Chưa chắc, anh bạn ạ,-Goóc-bu-nốp nói.-Húi trọc, kiểu đó hợp với bộ binh hơn. Còn đối với pháo binh thì không thể được. Làm thế nào pháo binh là “thần chiến tranh” được nếu đầu tóc của lính pháo binh lại tròn như quả bóng? Mình cho rằng húi cua là hợp hơn hết.

Có giọng nói nào đó trầm cất lên từ trong góc tường:

-Húi cua là kiểu không quân.

-Của không quân à? Có lẽ đúng. Thế thì bọn mình phải húi kiểu cắt hớt.

-Thế lại giống cánh xe tăng.

-Đúng rồi, các bạn ạ! Như thế bé Va-nha sẽ giống cánh xe tăng mất. Không được. Phải cắt thế nào, vừa thấy thằng nhỏ là biết ngay nó là pháo binh.

Toàn đội trinh sát bàn cãi khá lâu về kiểu tóc cần cắt cho Va-nha. Đồng chí cắt tóc kiên nhẫn chờ đợi. Đến khi vỡ nhẽ rằng chẳng ai có ý kiến vững chắc thế nào là kiểu tóc pháo binh, Tám rúp bốn mươi mỉm cười trịnh thượng và nói:

-Thôi được. Để tôi cắt cho nó theo quan niệm của tôi… Cậu bé, cúi đầu xuống.

Nói xong, đồng chí bèn rút cái lược nhôm ở túi bên ra.

-Móng lừa, chú nhé!-Va-nha tiếc rẻ nói.

-Đồng chí xén tóc mai cho nhọn nhé,-Goóc-bu-nốp thêm.

-Yên trí,-người thợ cắt tóc nói và tay giơ cao, đồng chí đánh kéo lách cách.

Từng đống tóc rậm rì của Va-nha rơi xuống cái khăn mặt kẻ ô.

Mọi người đều biết Tám rúp bốn mươi là một nghệ sĩ lớn trong nghề. Nhưng ở đây, đồng chí tỏ ra trội hơn cả khả năng sẵn có của mình. Đồng chí đã cắt tóc cho cậu bé bằng mọi cách và mọi phương tiện. Đồng chí thay đổi dụng cụ luôn luôn, trông như người làm ảo thuật biểu diễn. Lúc thì kéo đánh nhoang nhoáng, lúc thì tông-đơ cữu kịt đưa đi đưa lại, lúc thì bỗng nhiên dao cạo ánh lên như chớp và đặt vào tóc mai. Đầu tóc của cậu bé biến đổi kỳ lạ theo khối lượng tóc rơi trên khăn mặt.

Va-nha rụt cổ lại và xuýt xoa mỗi khi những dụng cụ lạnh ngắt chạm vào cái da đầu không quen để hở. Còn các chiến sĩ trinh sát thì cười nở như ngô rang vì thấy trước mắt mình bé chăn bò biến dần thành anh chàng bộ đội tí hon.

Không bị tóc chùm nữa, đôi tai nhọn cậu bé trông có vẻ hơi to, cổ lại hơi nhỏ, còn cái trán thì nở nang, tròn trĩnh, bướng bỉnh, để lộ một mớ tóc rủ, xinh và gọn.

Các chiến sĩ trinh sát đặc biệt trầm trồ cái mớ tóc rủ đó. Đúng là kiểu thích hợp. Đó không phải mái tóc rủ huênh hoang của kỵ binh mà là mớ tóc gọn gẽ khiêm tốn của pháo binh.

Goóc-bu-nốp hân hoàn kêu lên:

-Thế là xong! Cất được cái mái nhà cho bé chăn bò rồi.

Va-nha rất muốn làm sao nhanh chóng được nhìn vào gương nhưng người thợ cắt tóc, hệt như một nhà nghệ sĩ chân chính và một họa sĩ chu đáo, còn miệt mài hồi lâu để hoàn chỉnh tác phẩm của mình.

Cuối cùng đồng chí lấy bàn chải, chải tóc cho Va-nha và thổi nước hoa vào mặt cậu. Va-nha không kịp nhắm mắt thì mắt đã cay sè. Những giọt nước mắt ứa ra.

-Xong,-người thợ cắt tóc nói, rút khăn mặt khỏi cổ Va-nha.-Ngắm nghía đi.

Va-nha mở to mắt và nhìn thấy trước mặt mình một cái gương nhỏ, đằng sau dán giấy, còn trong gương thì hiện lên một cậu bé lạ mà lại rất quen. Cậu bé ấy có cái đầu cắt ngắn, tóc vàng, tai to.

Va-nha lấy bàn tay giá lạnh của mình xoa lên cái đầu nóng bỏng làm cho cả bàn tay, cả cái đầu thấy buồn buồn. Cậu hân hoan lẩm bẩm và lấy ngón tay khẽ chạm vào các sợi tóc mịn như tơ.

-Kiểu móng lừa!

-Không phải kiểu móng lừa, đó là mớ tóc rủ,-Bi-đên-cô nói ra vẻ khuyên bảo.

-Mớ tóc rủ cũng được,-Va-nha cười khoái trí, đồng ý như vậy.

-Thôi, anh bạn, bây giờ ta đi tắm.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
17


Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô dẫn cậu bé vào buồng tắm trong khi người thợ nổi tiếng gói đồ lề vào trong khăn mặt và sau đó nhắm phần rượu và thức ăn mà đồng chí đã kiếm được một cách xứng đáng.

Mặc dầu buồng tắm bố trí trong một cái hầm Đức nhỏ bé và gồm một cái bếp lò bằng thùng phuy và cái nồi cũng bằng thùng phuy đựng xăng do đó nước nóng bốc lên có đượm chút ít mùi xăng nhưng đối với Va-nha, đã ba năm không tắm, buồng tắm này là cả một thiên đường.

Cả hai anh bạn Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô đều thông thạo cách tắm rửa. Bản thân hai anh thích tắm hơi và cũng thích tắm hơi cho người khác một cách kỹ càng.

Hai người đã kỳ cọ thật lực cho cậu bé.

Trong trường hợp này, Goóc-bu-nốp không tiếc rẻ cái mẩu xà-phòng thơm đã hai năm nằm ở đáy ba-lô của anh để chờ đợi giờ phút thích hợp. Còn Bi-đên-cô thì kiếm được ở những người bạn đồng hương trong tiểu đoàn của đại úy A-khun-ba-ép những mảnh vỏ cây bồ đề và tước ra làm thành miếng kỳ rất tốt.

Va-nha cũng khá ngạc nhiên thấy anh chàng Goóc-bu-nốp biết lo xa trữ sẵn cả những cành bạch dương.

Trong buồng tắm có thắp ngọn đèn bão.

Trong không khí nóng nực, bão hòa mùi hăng hắc của lá bạch dương, hai trinh sát viên quần đảo xung quanh cậu bé, lưng cúi khom khom để đầu khỏi đụng vào cái trần lợp thân cây.

Bóng thân hình lực sĩ của họ trông tựa như những khúc gỗ chọc thủng hơi mù.

Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, họ cạo gọt Va-nha nhiệt tình đến nỗi cậu bé toàn thân đã hoàn toàn sạch sẽ, đỏ rực và hình như trong ra như một miếng sắt nung đỏ.

Nhưng tất nhiên, làm được việc đó không phải là dễ. Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp đã đem sử dụng toàn bộ sức khở lực sĩ của mình để tẩy rửa lớp ghét lưu cữu ba năm của cậu bé. Họ tiếp sức dùng miếng kỳ để cọ lưng, phủ lên toàn thân cậu bé một lớp bọt xà-phòng thơm, dùng vỏ đồ hộp lớn múc nước nóng dội lên người cậu, đặt cậu nằm trên một cái ghế dài trơn, cầm hai túm cành bạch dương mỗi người đứng một đầu ghế, cùng đập nhịp nhàng lên người cậu bé. Cảnh này giống hệt như đồ chơi thủ công gọt bằng gỗ “Thợ rèn và dấu đập đe”. Goóc-bu-nốp trần truồng tượng trưng đặc biệt cho con gấu vì thân người cũng thô như con gấu đục bằng gỗ bồ đề.

Phải thay nước cho Va-nha năm lần, sau mỗi lần lại xát xà-phòng.

Nước thứ nhất đen kịt đến nỗi ánh lên màu xanh như mực. Nước thứ hai thì đen nhờ. Nước thứ ba màu xám. Nước thứ tư màu xanh nhạt. Và chỉ có nước thứ năm mới óng ánh màu xà cừ và chảy trên thân hình sạch sẽ cũng óng ánh như cẩm thạch.

Goóc-bu-nốp vừa lau mồ hôi ở mặt, vừa nói:

- Chúng tớ khổ với anh bạn, mệt nhoài rồi. Đáng lẽ không dùng miếng rễ kỳ mà phải dùng giây ráp để đánh bóng anh bạn.

- Hoặc là lấy dũa mà dũa,-Bi-đên-cô nói thêm và hài lòng ngắm nghía cái thân hình tuy gầy nhưng mảnh dẻ, chắc chắn của bé chăn bò cùng đôi chân thẳng, khỏe và xương đòn nhọn như thường trẻ con vẫn có.

Va-nha lấy cái khăn mới của mình lau người và đứng trước buồng tắm, mặc quần áo lót của mình: áo sơ-mi và quần lót có đính cúc nhôm.

Và cuối cùng giờ phút vĩ đại đã điểm. Va-nha vận binh phục. Cậu mặc chiếc áo khoác bằng len cổ áo đính miếng vải đệm cổ màu trắng. Cậu cảm thấy ở hai vai mình kệnh lên miếng quân hàm.
Cảm thấy vai có quân hàm, cậu bé đồng thời có ý thức tự hào rằng từ phút này mình không phải là thằng bé bình thường mà là chiến sĩ Hồng quân.

Với mớ tóc còn ướt, chân không, cậu bé đứng trên sàn trải cành cây trước buồng tắm. Cậu ngước mắt nhìn hai người đỡ đầu, có ý hỏi: “Thế nào? Cháu mặc có đúng không?”.

Nhưng hai anh im lặng, chăm chú theo dõi xem cậu bé ăn mặc như thế nào.

Vừa tiếp tục thỉnh thoảng liếc nhìn hai anh chàng khổng lồ, Va-nha vừa lấy ngón tay sạch sẽ, trắng trẻo, răn rúm vì nước cài cúc ở cái cổ áo dày cộm và cổ tay áo hẹp.

Vì không quen nen cậu bé làm việc đó một cách khó khăn. Những chiếc cúc đồng có sao khâu khít nên cài vào khuyết hẹp rất khó. Khuyết luôn luôn tuột khỏi tay. Nhưng cậu bé, bướng bỉnh mắm môi mắm lợi cố làm cho được.

Bây giờ cổ tay của cậu đã được bó chặt cứng. Cổ áo cài cúc ôm khít lấy cổ làm cho nó cứng và thẳng ra.

Chỉ còn thắt lưng và đi giày.

Cậu bé lúng túng, không biết thế nào là đúng điều lệnh: thắt lưng hai đi giày trước? Cậu bé nhìn Bi-đên-cô và Goóc-bu-nốp với vẻ thăm dò. Hai người im lặng. Nghĩ ngợi một chút, Va-nha vớ lấy đôi ủng.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
- Đúng đấy,-Bi-đên-cô nói.

Va-nha kéo đôi tất sợi trắng lên và do dự cầm lấy miếng vải bó chân. Chưa bao giờ cậu cuốn vải bó chân. Cậu không biết phải làm thế nào.

Goóc-bu-nốp khẽ huých Bi-đên-cô. Va-nha bực tức cau có và đỏ mặt. Cậu vội cuốn miếng vải vào chân. Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô lặng thinh. Va-nha cầm một chiếc ủng và đút cái chân đa cuốn vải vào nhưng chân bị mắc ở cổ ủng. Thế là Va-nha phải rút ra nhưng cũng rất khó khăn.

- Không vào,-cậu nói, miệng thở phào.

Hai anh vẫn lặng thinh. Va-nha càng đỏ mặt.

- Thật khỉ!-Va-nha nói rồi lại cố ấn chân vào ủng.

- Không vào à?-Bi-đên-cô thông cảm hỏi.

- Không vào,-Va-nha vừa cố ấn, vừa nói.

- Chắc là ủng chật,-Goóc-bu-nốp nói.

- Đúng đấy,-Bi-đên-cô nói và thở dài.-Đôi ủng chẳng tích sự gì. Cái lão thợ giày đoảng vị đã làm hỏng mất. Vứt đi thôi. Phải không Goóc-bu-nốp?

- Chỉ có cách ấy. Đưa ủng đây, Va-nha. Tớ vứt đi luôn cho rồi.

Va-nha sợ hãi nhìn vào Goóc-bu-nốp:

- Đừng vứt, chú ạ. Để cháu bỏ vải ra thử xem. Có lẽ vừa đấy.

- Không có vải không được. Không đúng điều lệnh.

Cái câu “không đúng điều lệnh” tàn nhẫn đó làm cho cậu bé thất vọng. Cậu lại cầm lấy ủng và cố gắng kéo. Cậu ấn chân vào một nưa. Đến đó chân kiên quyết không vào. Va-nha bèn cố rút chân ra. Nhưng cũng không được. Chân mắc cứng, không ra, không vào.

- Hỏng rồi,-Bi-đên-cô phớt tỉnh nói.

- À này,-Goóc-bu-nốp nói.-Có lẽ ủng không chật và vải cuốn quá dày chăng?

- Vâng, cuốn quá dày!-Va-nha do dự nói và cảm thấy vấn đề hoàn toàn không phải ở chiếc ủng, cũng không ở cái vải mà ở cái bí quyết nào đó của bộ đội mà Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô nắm rất chắc nhưng không nói ra để thức thách cậu.

Vẻ thảm hại, cậu bé nhìn hai người đỡ đầu. Hai anh không thể làm khổ cậu bé quá lâu. Bi-đên-cô nghiêm khắc nó, ra giọng khuyên bảo:

- Bé chăn bò, kết quả là chú mày không thể trở thành bộ đội thực thụ được, huống chi là bộ đội pháo binh. Pháo binh gì mà lại không biết cuốn vải đệm ủng đúng điều lệnh? Quả là chú mày không phải là lính pháo binh. Chỉ có cách trả lại quần áo thường phục và đưa chú mày về hậu phương. Có phải vậy không?

Va-nha im lặng. Viễn tưởng tối tăm bị tước mất quân phục và gửi về hậu phương ám ảnh cậu. Bi-đên-cô tiếp tục:

- Va-nha, sự thể là thế. Nhưng đó là tớ nói về nguyên tắc. Tất nhiên, chúng tớ không cho đưa chú mày về hậu phương vì đã có quyết định để chú mày nằm trong phiên chế, hơn nữa cũng vì chúng tớ rất mến chú mày. Chỉ có một cách: phải tập cuốn vải đêm ủng đúng yêu cầu của một người lính nghiêm túc. Đó là cái kiến thức bộ đội đầu tiên của chú mày. Trông đây.

Nói xong, Bi-đên-cô trải miếng vải bó chân trên sàn và dận chân không lên. Anh đặt chân hơi xiên, gần sát mép, hình thành một mẩu thừa hình tam giác để cuộn lại, đút xuống ngón chân. Sau đó, anh kéo mạnh phần dài của miếng vải làm cho nó căng ra, không một vết răn. Anh ngắm miếng vải căng một chút rồi đột nhiên, nhanh như chớp bằng một cử chỉ nhẹ nhàng, chính xác, khéo léo cuốn chân, để miếng vải ôm chặt lấy gót, tay nọ chuyển sang tay kia, tạo cho miếng vải có một góc nhọn rồi cuốn hai vòng xung quanh bắp chân. Thế là chân anh được cuốn chặt, vải không có một vết răn.

- Chặt như gói bánh!-Bi-đên-cô nói và chân xỏ vào ủng.

Đi ủng xong anh bèn đập gót xuống đất với một chút huênh hoang.

- Tuyệt!-Goóc-bu-nốp nói.-Chú mày làm được thế không?

Va-nha đã hết sức chăm chú, thán phục theo dõi cách làm của Bi-đên-cô. Cậu không bỏ sót một cử chỉ nào. Cậu cho rằng mình có thể chính xác lắp lại theo Bi-đên-cô. Tuy nhiên, sống trong quân đội, cậu đã học được tính thận trọng của các chiến sĩ. Cậu e tự mình làm xấu hổ.

- Chú Bi-đên-cô, làm lần nữa cho cháu xem nào.

- Sẵn sàng phục vụ anh bạn.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Bi-đên-cô cuốn nốt chân kia, xỏ ủng và lại đập xuống đất, tất cả nhanh nhẹn chính xác hơn.

- Nhập tâm chứ?

- Vâng,-Va-nha trả lời, nghiêm trang một cách khác thường.

Cậu bé trải miếng vải đệm ủng trên ghế đúng hệt như Bi-đên-cô, ước lượng hồi lâu rồi đặt chân lên. Trông cậu có vẻ băn khoăn, hầu như lúng túng. Nhưng đó là Va-nha giả tảng. Trong đôi mắt nhìn xuống của cậu, qua hàng mi, thỉnh thoảng ánh lên những khóe mắt xanh, nghịch ngợm.

Va-nha cắn đôi môi tái nhợt vì tắm để khỏi mỉm cười.

Đột nhiên, thoáng một cái, cậu đã cuốn xong vải đúng theo mọi cung cách, chặt chẽ, hầu như không có một vết dăn.

- Chặt như gói bánh!-cậu kêu lên, ấn chân vào ủng và đập gót có vẻ khoái trá.

- Cừ đấy!-Goóc-bu-nốp nói, mắt liếc nhìn Bi-đên-cô đầy ý nghĩa.

Càng ngày hai anh càng thú cậu bé. Họ không nhận định lầm về cậu. Quả thực, đó là một cậu bé nhanh nhẹn, thông minh, nhanh trí. Bây giờ hoàn toàn có thể tin tưởng cậu bé sẽ trở thành một người lính xuất sắc.

Khi Va-nha đi ủng xong và thắt chiếc thắt lưng mới còn rít, cả hai anh cười lên ha hả, khoái trí vì thấy trước mặt mình là một cậu bé thanh tao, gọn gàng, đứng thẳng, hai tay ép vài nẹp quần, đôi mắt sáng ngời ánh lên nghịch ngợm. Ngay những nốt tàn hương hiện lên trên cái mũi đã kỳ cọ sạch sẽ cũng bóng lên. Bi-đên-cô nói:

- Được, bé chăn bò khá lắm! Chú mày đã thành anh bộ đội thực thụ rồi.

Nhưng, sau khi ngắm nghía cậu bé, Goóc-bu-nốp vẫn chưa hài lòng. Anh ra lệnh:

- Lại đây. Tiến lên hai bước!

Khi Va-nha đến gần, anh bèn thọc nắm tay vào thắt lưng.

- Không được rồi, anh bạn. Thắt lưng chú mày sộc sệch như đóng yên con bò. Lọt cả một nắm đấm.

Theo điều lệnh, chỉ cho phép lọt hai ngón tay. Thắt lại đi.

Va-nha nhanh nhẹn tháo thắt lưng rồi thít chặt nhưng không cài được vì hết lỗ. Bi-đên-cô liền lấy ở trong túi quần rộng thênh thang ra một con dao nhíp và khoét thêm một lỗ cho Va-nha. Thế là thắt lưng vừa khít, đúng quy cách.

Không đợi hai anh phải nói, Va-nha kéo căng vạt áo xuống rồi dồn các nếp gấp về phía sau.

- Đúng, khá lắm rồi!-Goóc-bu-nốp nói.

Tại hầm trinh sát, sự xuất hiện của Va-nha, trong bộ quân phục đầy đủ, đã gây nên một niềm hân hoan chung. Nhưng các chiến sĩ chưa kịp ngắm nghĩa đứa con nuôi của mình cho cẩn thận thì đã thấy trung sĩ Ê-gô-rốp bước vào hầm.

Anh liếc nhanh và chăm chú nhìn Va-nha. Có lẽ anh hài lòng vì không thấy có ý kiến. Anh nói;

- Bé chăn bò, tiểu đoàn trưởng gọi. Quàng lên.

Tại mặt trận, mọi việc đều xảy ra chóng vánh. Số phận anh bộ đội thường thay đổi đột ngột, trong chớp mắt.

Thế là chỉ sau hai phút, xúng xính trong chiếc áo khoác dài mới, đầu đội mũ lông úp lấy mớ tóc cắt ngắn, trơn tru, Va-nha đã đi quanh quẩn trong vùng đóng quân của tiểu đoàn để tìm hầm chỉ huy.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
18


Đại úy Ê-na-ki-ép được nghỉ. Hiếm có dịp anh rỗi rãi. Vậy mà anh vẫn cố gắng dùng những ngày và ngày cả những giờ nghỉ hạnh phúc này sao cho lợi nhất đối với công tác.

Có nhiều việc không kịp giải quyết trong những ngày bận chiến đấu. Đại úy Ê-na-ki-ép không bao giờ lãng quên. Anh chỉ xếp lại để lúc rảnh rỗi sẽ giải quyết.

Việc riêng tư của mình, anh hầu như hoàn toàn không có. Sau khi gia đình bị chết, anh không nhận được thư của ai, cũng không viết cho ai. Không có họ hàng bà con, anh hoàn toàn cô đơn. Nhưng anh là một người kín đáo. Trong trung đoàn, hầu như không ai biết mà chỉ đoán chừng về những điều bất hạnh và nỗi cô đơn của anh.

Đại úy Ê-na-ki-ép coi tiểu đoàn là gia đình mình. Mà gia đình nào, bao giờ cũng có công việc nội bộ, công việc riêng. Ngày nghỉ, đại úy Ê-na-ki-ép thường để thì giờ giải quyết những việc ấy, trong đó có vấn đề tương lai của Va-nha.

Đại úy Ê-na-ki-ép mới trông thấy và nói chuyện với Va-nha một lần. Nhưng Va-nha có duyên thầm làm cho ai mới gặp cũng đã mến ngay. Cậu bé chăn bò nông thôn rách rưới với cái túi dết, với bộ tóc bù xù như mái rạ, với đôi mắt xanh sáng ngời có cái gì đó đặc biệt hấp dẫn.

Đại úy Ê-na-ki-ép, cũng như các chiến sĩ của anh, thoạt gặp đã mến cậu bé.

Nhưng các chiến sĩ yêu thương Va-nha một cách quá ồn ào, có thể còn pha chút nông nổi nữa. Họ gọi đùa cậu bé là con nuôi. Thực ra, cậu không đáng là con mà chỉ là đứa em nhỏ, xinh xắn, đã mang lại cho cuộc sống chiến đấu gian khổ của họ thêm nhiều đường nét phong phú.

Đối với đại úy Ê-na-ki-ép, cậu bé đã gợi nên một thứ tình cảm sâu sắc. Va-nha đã khơi sâu vết thương lòng còn chưa hàn kín của anh.

Sau khi cho phép đơn vị trinh sát nhận Va-nha, đại úy không quên cậu bé. Bao giờ anh cũng hỏi thăm cậu bé mỗi khi trung úy Xê-đức báo cáo công tác của trung đội tiểu đoàn bộ.

Anh thường suy nghĩ về cậu bé và luôn luôn hòa hình ảnh Va-nha với hình ảnh một đứa nhỏ, đội mũ lính thủy, bây giờ lên bảy nhưng đã chết đi và không bao giờ còn trở lại nữa.

Va-nha có giống đứa con đã chết của anh không? Không. Cậu bé không giống chút nào cả, về hình dáng, về tuổi tác. Tính tình lại càng khác. Con anh bé quá nên chưa có bản năng rõ rệt. Còn Va-nha thì hầu như đã thành một người có bản tính riêng. Không, vấn đề tất nhiên không phải là ở tấm tình phụ tử còn mãnh liệt và đầy sức sống trong tâm hồn đại úy.

Đứa con chết đã lâu nhưng tình thương yêu vẫn chưa tắt.

Đại úy rất bực mình khi nghe báo cáo về chuyến trinh sát có Va-nha dự và những việc xảy ra ở “khu rừng tham mưu”. Khi đó anh mới hiểu rằng cậu bé mặt tàn nhanh xa lạ ấy sao lại gần gũi anh đến thế! Anh cho phép Va-nha ở đơn vị trinh sát không phải để tham dự công tác trinh sát. Nếu sự việc không kết thúc êm đẹp, anh sẽ không để yên cho trung úy Xê-đức.

Đại úy quyết định, hễ hoàn cảnh thuận tiện, sẽ giải quyết việc của Va-nha một cách tích cực.

Theo thói quen của trinh sát viên, không hỏi thăm ai, Va-nha quan sát vô số những dấu hiệu nhỏ thường phân biệt chỉ huy sở và tự mình nhanh chóng tìm ra hầm của đại úy Ê-na-ki-ép.

Va-nha bước xuống hầm, đế dày trơn còn khum khum đập xuống đất chưa quen.

Va-nha cảm thấy mình chỉnh tề, khoan khoái nhưng cũng hơi hoang mang giống như các chiến sĩ khi đến gặp chỉ huy.

Đại úy Ê-na-ki-ép đang ngồi thoải mái trên cái giường lưu động trải chăn đệm yên ngựa, chân không ủng, áo mở cúc, để hở áo vệ sinh màu xanh mặc trong.

Cái giường chỉ khác giường của trinh sát có mỗi cái gối, khoác áo gối mới giặt là.

Không mặc áo khoác dài, không đội mũ, với một số cuống huy chương đã sờn gắn trên ngực áo, với đôi tóc mai điểm hoa râm, đại úy trông già đi so với lần gặp gỡ cậu bé lúc đầu.

Lấy cả hai tay ôm mũ trật xuống, Va-nha chào:

- Chào chú ạ!

Đại úy hơi cau mày nhìn cậu bé bằng đôi mắt màu xẫm, có những vết nhăn mờ bao quanh. Thoạt tiên, trông anh chàng bộ đội tí hon, dong dỏng cao (đôi ủng đã làm cậu lớn lên một chút), đầu tròn trĩnh, rắn rỏi vươn ra khỏi cái cổ áo rộng của chiếc áo bộ đội mới, có gắn quân hàm pháo binh, anh không nhận ra bé chăn bò.

- Chào chú ạ!-Va-nha nhắc lại, mắt ánh lên một niềm vui, tựa chừng muốn mời tiểu đoàn trưởng ngắm bộ quần áo của mình. Nhưng vì thấy đại úy vẫn lặng thinh nên Va-nha khép nép ngồi xuống một cái hòm đặt cạnh cửa, kéo ống ủng lên, hai tay giữ mũ đặt lên đầu gối.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Im lặng hồi lâu, đại úy hỏi, giọng tò mò, khô khan:

- Cháu là ai?

Câu hỏi đó làm cho Va-nha thực sự khoan khoái. Cậu bé nhoẻn miệng cười:

- Cháu đây, Va-nha chăn bò ấy mà. Chú không nhận ra cháu sao?

Nhưng đại úy không cười như Va-nha tưởng. Trái lại, anh càng lạnh lùng, vừa cau mày, vừa hỏi:

- Va-nha, bé chăn bò?

- Vâng.

- Mặc quần áo kiểu gì thế kia? Cái gì ở trên vai nữa?

Va-nha hơi lúng túng, do dự trả lời:

- Đó là quân hàm.

- Để làm gì?

- Theo đúng điều lệnh.

- Chà, điều lệnh! Điều lệnh gì mới được?

- Điều lệnh đối với mọi chiến sĩ,-Va-nha nói, ngạc nhiên vì thấy đại úy chẳng nắm gì cả.

- Đúng là điều lệnh cho bộ đội. Nhưng cháu là bộ đội à?

- Còn sao nữa, chú!-Va-nha tự hào nói.-Cháu đã có quyết định, đã lĩnh tiêu chuẩn cung cấp rồi. Mới nguyên. Đẹp lắm!

- Chú không thấy.

- Sao lại không thấy chú? Chả quân phục là gì đây. Ủng này, áo này, quân hàm này. Chú có nhìn thấy nòng đại bác trên quân hàm không?

- Đại bác thì thấy nhưng không thấy bộ đội ở chỗ nào cả.

- Chính cháu là bộ đội chứ ai nữa!-Va-nha lí nhí nói, cười ngượng ngịu, hoàn toàn thất vọng vì giọng nói lạnh lùng của đại úy.

- Không, cháu không là bộ đội.

Đại úy thở dai rồi bỗng mặt anh nghiêm lại. Anh vứt “Tạp chí lịch sử” lên bàn, gấp kẹp bút chì vào giữa rồi đột ngột nói lớn, gần như quát:

- Đến gặp cán bộ chỉ huy, chiến sĩ không được có thái độ như vậy. Đứng lên!

Va-nha bật dậy đứng nghiêm, cứng đờ.

- Quay ra, làm lại động tác!

Chỉ đến lúc đấy, cậu bé mới sực nhớ rằng vì quá say mệ bộ quân phục, mình đã quên hết mọi sự trên đời, không biết mình là ai, ở đâu, đến gặo ai.

Cậu nhanh nhẹn chụp mũ lên đầu, nhảy ra khỏi cửa, sửa lại phía sau thắt lưng và bước vào hầm nhưng với tư thế hoàn toàn khác hẳn.

Cậu đi nghiêm bước, rập gót giày, đưa tay lên mũ và hạ xuống với động tác dứt khoát.

- Tôi xin phép vào!-cậu nói lớn, giọng the thé trẻ con mà cậu tưởng rằng rất dõng dạc và dũng mãnh.

- Mời vào.

- Thưa đồng chí đại úy, theo lệnh đồng chí, chiến sĩ Xôn-xép có mặt.

- Có khác chứ!-đại úy nói, đôi mắt trông tươi hẳn lên,-Chào chiến sĩ Xôn-xép.

- Xin kính chào đồng chí đại úy!-Va-nha dõng dạc trả lời.

Lúc này, đại úy đã không dấu nổi nụ cười tươi, hiền hậu.

- Cừ đấy!-anh nói lên cái câu rất phổ biến ngoài mặt trận mà Va-nha đã nhiều lần được nghe, khi các chú nói về mình, chú Goóc-bu-nốp, Bi-đên-cô cùng các chú trinh sát khác.-Bây giờ chú thấy cháu là bộ đội rồi. Va-nha, ngồi xuống. Ta nói chuyện một chút… Đồng chí Xô-bô-lép, nước sôi chưa?-Đại úy gọi.

- Đã, nước sôi rồi,-Xô-lô-bép nói, bước vào, tay cầm một cái ấm to, bốc khói.

- Đồng chí rót hai cốc cho tôi và chiến sĩ Xôn-xép. Không có đồng chí ấy tưởng chúng mình sống tồi hơn cánh tx. Đúng thế không, Xô-lô-bép?

- Rõ là thế,-Xô-lô-bép nói, ra điều hoàn toàn đồng tính với đại úy mà cho rằng anh em trinh sát, tuy cởi mở nhưng có nhược điểm hay lòe thiên hạ bằng những bữa thiết đãi của mình.

Xô-lô-bép đặt lên bàn cái cốc có đế bạc và rót ra một thứ nước trà đặc đến đỏ quạch, ngát một mùi hương thơm tuyệt diệu, ấm áp.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Chỉ đến lúc này, Va-nha mới hiểu thế nào là thực sự sung túc.

Đường, tuy không đóng thành viên, là đường vụn nhưng Xô-lô-bép lại đựng vào cái chén thủy tinh. Thịt lợn hộp và khoai tây cũng không có nhưng trái lại, đại úy lại đặt lên bàn cả một hộp bánh quy “Tháng Mười đỏ” và một tấm sô-cô-la “Thể thao” làm cho Va-nha hầu như tê dại vì thán phục.
Đại úy nhìn Va-nha, vẻ đầy hưng phấn:

- Thế nào, bé chăn bò, cháu nói đi: ở đâu thích hơn, ở đây hay ở hầm đằng trinh sát?

Va-nha cảm thấy ở đây thích hơn. Nhưng cậu không muốn các chú trinh sát phiền lòng và nói xấu sau lưng các chú.

Cậu nghĩ ngợi rồi nói lảng:

- Thưa đồng chí đại úy, ở đây sang trọng hơn.

- À, thằng bé láu cá. Nó bênh người của nó… Có phải đúng không là nó bênh không, đồng chí Xô-lô-bép?

- Đúng đấy ạ. Vả lại, bộ đội nào không bênh bạn?

- Thôi được, Xô-lô-bép, cho đồng chí nghỉ. Còn tôi sẽ nói chuyện tâm tình với chiến sĩ Xôn-xép…

Khi Xô-lô-bép ra khỏi cửa, về phòng mình, đại úy nói tiếp:

- Thế này nhé, Va-nha. Vấn đề là phải giải quyết công việc của cháu như thế nào đây?

Va-nha hoảng lên, sợ lại bị gửi về hậu phương. Cậu đứng bật dậy, đứng nghiêm trước người chỉ huy:

- Xin đồng chí đại úy tha lỗi. Xin thề danh dự pháo binh, không bao giờ mắc lại khuyết điểm.

- Khuyết điểm gì?

- Không tuân theo điều lệnh khi đến gặp cán bộ chỉ huy.

- Phải, nói thật là cháu không chỉnh lắm. Nhưng có thể sửa được. Cháu sẽ tập cho quen. Cháu khá thông minh… Kìa sao lại đứng? Ngồi xuống chứ! Chú không nói chuyện công tác mà nói chuyện gia đình với cháu.

Va-nha ngồi xuống.

- Vấn đề là chú sẽ phải giải quyết công việc của cháu thế nào? Mặc dầu cháu còn bé nhưng thực sự đã là một con người. Cuộc sống của cháu mới bắt đầu. Cần hướng cho cháu đúng đường. Phải không?

Đại úy nhìn cậu bé với đôi mắt hiền hậu mà trang nghiêm, hình như muốn thấu suốt tâm hồn cậu.

Anh chàng bộ đội tí hon này, mảnh dẻ, có cái cổ mịn màng như con gái đã bị cái áo lính bằng vải thô cọ cho ửng đỏ thật chẳng giống chú chăn bò, đầu tóc bù xù, chân đất mà anh đã có lầm nói chuyện ở trụ sở tham mưu trung đoàn! Trong thời gian ngắn ngủi như vậy, cậu bé đã thay đổi nhanh chóng làm sao! Không biết tâm hồn có thay đổi nhanh như thế không? Từ đó đến nay, nó có được thử thách, có lớn mạnh, cứng cỏi lên không? Tâm hồn nó có sẵn sàng đối phó với hoàn cảnh mới hay không?

Va-nha thì cảm thấy, chính lúc này, phút này đây, số phận của cậu sẽ được định đoạt dứt khoát. Cậu bé trở nên nghiêm trang khác thường, đến nỗi cái trán dô sạch sẽ, non trẻ thoáng phủ những vết nhăn như người lính lớn tuổi.

Lúc này, nếu các chiến sĩ trinh sát nhìn thấy cậu, chắc họ sẽ không tin đó là bé chăn bò tinh nhanh và vui vẻ của họ. Chưa bao giờ họ thấy cậu bé như thế. Có lẽ, lần đầu tiên cậu như vậy.

Không phải những câu nói đứng đắn, đơn giản về cuộc sống của đại úy đã gây ra cho cậu cảm xúc đó. Cũng không phải vì những cái nhìn nghiêm khắc, dịu dàng của đôi mắt mệt mỏi, nhăn nheo. Chính là vì tình thương yêu cha con mãnh liệt đã bộc lộ, qua đó Va-nha cảm thấy toàn bộ nỗi cô đơn, rất trống trải trong tâm hồn mình. Tình thương yêu đó cần thiết cho Va-nha biết chừng nào! Tâm hôn cậu bé tự nhiên khao khát làm sao!

Cả hai người đều im lặng, cùng cảm thấy một mối tình cảm mãnh liệt gắn bó.

Rốt cuộc đại úy nói:

- Thế nào, Va-nha?

- Chú cứ ra lệnh,-Va-nha khẽ nói, mắt nhìn xuống.

- Chú ra lệnh thì cũng dễ thôi. Nhưng chú muốn biết ý kiến cháu tự quyết định.

- Ý kiến gì nữa? Cháu đã quyết định rồi.

- Quyết định thế nào?

- Cháu sẽ là chiến sĩ pháo binh đơn vị chú.

- Vấn đề quan trọng đấy. Nếu có ý kiến của cha mẹ cháu thì tốt. Nhưng cháu không còn ai phải không?

- Vâng. Cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Gia đình bị bọn phát xít giết hết, không còn ai.

- Hóa ra cháu tự chỉ huy mình?

- Vâng, thưa đại úy.

- Chú cũng thế, mình tự chỉ huy mình,-đại úy Ê-na-ki-ép nói, miệng cười buồn bã. Câu nói đó thật bất ngờ ngay cả đối với anh. Nhưng anh tức thì tỉnh ngộ, nói đùa:

- Tự chỉ huy mình cũng được nhưng có hai người thì tốt hơn. Đúng không bé chăn bò?

Đại úy cau mày, nghĩ ngợi đăm chiêu một lúc, ngón tay trỏ lướt qua lướt lại trên hàng ria tỉa ngắn như anh vẫn thường làm trước khi hạ quyết định dứt khoát. Sau đó, anh quả quyết nói, tay khẽ đập xuống bàn:

- Thôi được. Cháu còn bé, chưa đi trinh sát được. Cháu sẽ làm liên lạc cho chú… Xô-lô-bép!-anh vui vẻ gọi, giọng kiên quyết.-Đồng chí đến đơn vị trinh sát mang giường và đồ lề của chiến sĩ Xôn-xép về hầm tôi.

Thế là số phận Va-nha lại thay đổi một lần nữa, với tốc độ nhanh như số phận của mỗi người trong chiến tranh.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
19


Từ hôm đó, chủ yếu Va-nha sống ở chỗ đại úy Ê-na-ki-ép.

Nhưng đại úy cho cậu ở với mình hoàn toàn không phải để thực sự tập luyện cho cậu thành liên lạc viên. Anh có ý đồ to lớn hơn nhiều. Anh muốn tự bản thân giáo dục Va-nha.

Anh lập một kế hoạch giáo dục kỹ càng, đúng theo tính nghiêm túc của anh. Anh đắn đo mọi chi tiết cũng giống như khi nghiên cứu cách thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của tiểu đoàn. Tuy cân nhắc kế hoạch mọi mặt, chín chắn nhưng khi thực hiện, anh hành động nhanh chóng và kiên quyết. Theo kế hoạch này, trước tiên Va-nha phải dần dần học cách thực hiện nhiệm vụ của mọi số trong khẩu đội.

Sau khi lấy ý kiến của thượng sĩ, quản lý tiểu đoàn, đại úy cử Va-nha xuống khẩu đội một, trung đội một làm công tác số dự trữ. Mấy ngày đầu, cậu bé rất nhớ các chú trinh sát. Thoạt tiên, cậu cảm thấy hình như phải xa cách gia đình ruột thịt. Nhưng chẳng bao lâu, cậu lại thấy gia đình mới cũng thân thiết không kém gia đình cũ. Gia đình mới coi cậu ngay như người nhà.

Va-nha chưa biết rằng không ai nhậy tin bằng bộ đội. Tin gì họ cũng biết. Trong chớp mắt, mọi tin tức đã được truyền đi theo thường nói “bằng điện thoại mồm của anh bộ đội”.

Đến công tác ở khẩu đội một, Va-nha hết sức ngạc nhiên vì thấy các chiến sĩ biết hết chuyện của cậu. Họ biết rất rõ tiểu sử cậu bé. Họ biết các trinh sát viên đã tìm được cậu trong rừng, cậu đã trốn thoát Bi-đên-cô, đã dắt ngựa đi trinh sát, bị bọn Đức bắt và được cứu như thế nào. Nói chung, họ biết toàn bộ, kể cả cái địa bàn, quyển sách vỡ lòng có giòng chứ “Chúng ta không là nô lệ”.

Anh em khẩu đội đặc biệt thú chuyện trốn Bi-đên-cô.

Họ thường xuyên bắt cậu kể lại trường hợp đó từ đầu đến cuối. Họ cười hô hố như con trử khi kể đến đoạn buộc dây. Người nọ ngả đầu vào vai người kia, đấm lưng nhau thùm thụp, cười chảy nước mắt, phải lấy tay áo mà quệt. Cười nghẹn tiếng, khó khăn lắm mới nói nên lời.

- Thấy không, Ni-ki-ta, hắn giật dây nó, thằng bé tảng lờ ngủ. Hiểu chưa?

- Chà, thằng quỷ!

- Thằng lớn giật dây nhưng lại bị thằng nhỏ xỏ mũi.

- Thằng lớn giật dây, thằng bé giả vờ ngáy. Lại giật nữa thì nó biến mất tăm. Tha hồ tìm…

- Chà, bé chăn bò! Chà, anh bạn nhỏ! Dám lừa vị trinh sát trứ danh! giỏi thật.

- Đúng, cừ đấy!

Trong tiểu đoàn, đơn vị trinh sát thuộc loại quý phái. Quả thật, họ sống sung túc, căn cơ. Riêng cái ấm nổi danh đã giá trị biết bao! Nhưng anh em khẩu đội sống không đến nỗi tồi. Nói thực là họ không có cái ấm đặc biệt kia, kiếm chác chiến lợi phẩm cũng ít hơn cánh trinh sát viên vì cánh này bao giờ cũng đi đầu. Nhưng họ có cái nồi tráng men rất tuyệt thường dùng để nấu những món đặc biệt ngon, ăn bữa tối. Họ để dành những xuất thịt của bữa ăn trưa rồi lấy mỡ bò rán lên với lúa mạch.

Anh em khẩu đội sống gần gũi và đoàn kết. Có khi còn thân mật với nhau hơn đơn vị trinh sát. Việc này cũng dễ hiểu. Trinh sát viên ít có dịp tập hợp toàn đội. Còn khẩu đội luôn luôn xúm xít xung quanh khẩu pháo. Họ chiến đấu, nghỉ ngơi, ăn uống và ca hát ngay tại đấy.

Quả thực, họ ca hát tuyệt hay vì họ có những giọng hát rất hợp với nhau.

Ngoài ra, còn có một con chủ bài hơn hẳn cánh trinh sát: đó là cái đàn bai-an tuyệt vời, rất đắt tiền, quà tặng của cơ quan đỡ đầu vùng U-ran do các đại diện trao cho nhân dịp đến thăm tiểu đoàn năm 1942. Hơn nữa, lại có Xê-nha Mát-vê-ép, trung sĩ, khẩu đội trưởng là người kéo đàn ba-i-an nổi danh khắp sư đoàn. Vì vậy, khi tiểu đoàn chuyển vị trí tấn công, khẩu đội một thường đi trước, xe vừa chạy, chiến sĩ vừa ca hát. Khẩu đội ngồi trên xe vận tải, hát đồng ca còn Xê-nha Mát-vê-ép, mũ úp chụp ngang lông mày, áo khoác dài mở cúc, tay kéo cái dàn ba-i-an tặng phẩm hay đến nỗi bộ binh tự động rạt sang hai bên đường, dừng lại và nhìn theo cái xe tải vui nhộn, đằng sau kéo khẩu súng nhảy tênh tênh trong đám bụi cuốn mù trời. Họ kính cẩn:

- Chào các cậu thần chiến tranh! Quả mạnh nhé! Nện khỏe vào!

- Yên trí,-Xê-nha Mát-vê-ép, trả lời, đàn kéo càng căng.-Đánh dằn cho kịp chúng tớ, nghe! Chào hoàng hậu chiến trường! Sẽ gặp nhau trên trận địa!

Nhưng tất nhiên, đó không phải là điều chủ yếu. Điều chủ yếu là khẩu đội một, trung đội một, tiểu đoàn Ê-na-ki-ép, trong lĩnh vực của mình, cũng nổi danh toàn sư đoàn như một đội trinh sát.

Khẩu đội nổi tiếng bắn trúng và đặc biệt nhanh. Trường hợp khẩu đội khác, dù giỏi nhất, chỉ kịp bắn phát, khẩu đội một bắn được ba. Việc đó chứng tỏ toàn đội và từng cá nhân chiến sĩ đều thao tác rất tốt.

Đặc biệt Cô-va-lép, người quan trắc viên giỏi nhất toàn mặt trận, anh hùng Liên-xô.

Thành ra, cái gia đình mới của Va-nha rất nổi tiếng và rất được kính nể. Va-nha cảm thấy ngay như vậy, mặc dầu các pháo thủ thường hay khiêm tốn, ít kể về thành tích của mình.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Bây giờ Va-nha đã tự hào về khẩu đội một như trước kia tự hào về đội trinh sát. Đó lại càng chứng minh rõ là cậu bé có một tâm hồn người lính. Vì có người lính chân chính nào lại không tự hào về đơn vị của mình!

Nhưng khẩu pháo đã đặc biệt đập mạnh vào trí tưởng tượng cậu bé làm cho cậu nguôi nỗi buồn xa cách các chú trinh sát.

Ngay danh từ “đại bác” cũng đã luôn luôn vang lên dữ dội mà hấp dẫn trong đầu óc cậu bé. Đó là một danh từ có tính chất quân sự hơn mọi danh từ quân sự mà Va-nha nghe thấy xung quanh.

Có nhiều danh từ quân sự: hầm hào, liên thanh, tấn công, trận chiến đấu, trinh sát, hướng ngắm, không quân, súng trường, lô cốt… và nhiều nữa. Nhưng không có danh từ nào thể hiện rõ ràng tiếng ầm vang của trận đánh, tiếng gào thét của bom đạn, tiếng rít của sắt thép như danh từ “đại bác”. Va-nha biết rằng các chiến sĩ thường mệnh danh pháo binh là “thần chiến tranh”. Trong khi còn mơ hồ, chưa hình dung được ông thần khổng lồ, dũng mãnh đó như thế nào, Va-nha đã nghe thấy rõ danh từ độc nhất “đại bác” của ông ta.

Thường nghe nói danh từ “đại bác”, Va-nha hiếm có dịp trông thấy gần, huống chi được sờ tận tay. Đặc biệt trên chiến trường, khẩu đại bác chứa đựng một cái gì đó huyền bí, khó hiểu. Hàng trăm, có khi hàng nghìn khẩu pháo gầm lên. Toàn bộ bầu trời rực đỏ vì những tràng súng, không lúc nào tắt. Người nọ phải quát vào tai người kia mới nghe rõ. Đạn bay trên đầu như dòng thác không ngừng, ầm ầm như tiếng máy mài khổng lồ hoạt động. Đạn pháo đặt đâu thì chẳng thấy. Chúng ở mọi nơi mà chẳng ở nơi nào.

Bây giờ Va-nha, không những được nhìn gần, sờ mó, lại còn được góp phần bắn nó nữa.

Khẩu pháo thuộc khẩu đội một, trung đội một, nghĩa là của Va-nha.

Bé chăn bò nhớ suốt đời cái ngày tuyệt diệu, không gì so sánh được, khi lần đầu cậu bước lại gần khẩu pháo.

Tiểu đoàn pháo của đại úy Ê-na-ki-ép chỉ gồm bốn khẩu. Chúng đứng thành hàng, cách nhau khoảng bốn chục mét, giống hệt nhau. Mặc dầu vậy, khẩu đại bác mà Va-nha đang dò dẫm đến gần lại hoàn toàn đặc biệt, duy nhất trên đời, không giống khẩu nào khác. Vì nó là “của cậu”.

Khẩu pháo đặt trong một cái hố nhỏ hình bán nguyệt, nòng hướng về phía tây, càng pháo dựa chắc chắn vào bậc đất đào. Mắt say mê nhìn chòng chọc khẩu pháo, Va-nha dò dẫm bước xung quanh. Mặc dầu miệng súng úp chụp một cái túi nhỏ bằng vải bạt, trông như cái nắp, nhưng khi đi qua, Va-nha vẫn cẩn thận bước nhanh và cúi lom khom sợ nhỡ súng nổ bất chợt.

Khẩu pháo trông hết sức hiền lành và gọn ghẽ. Rõ ràng là các chiến sĩ yêu mến và chiều chuộng nó. Mọi thứ đều phẳng phiu, nhẵn nhụi như một anh bộ đội chỉnh tề. Những lỗ thủng, vết sứt do mảnh đạn bắn vào đều được chét kín và sơn phủ.

Ngoài cái túi bịt miệng súng, còn có hai cái túi vải bạt khác. Một cái che cơ bẩm, một cái che vật gì đó trông lạ lùng, bí hiểm, nhô lên gần lá chắn.

Trên khẩu pháo còn có những bánh xe lớn nhỏ, những hộp. Ở bệ pháo thấy buộc chặt những xẻng, cuốc, búa rìu. Như vậy là “theo điều lệnh”, khẩu pháo được phép mang kèm nhiều vật cần thiết, lỉnh kỉnh bên mình.

Nhưng chưa phải đã hết.

Khẩu pháo giống như trụ sở ban quản trị một nông trang làm ăn tấn tới, xung quanh bao bọc những nhà phụ, nhà xép, nhà kho, bố trí trật tự. Hòm đạn đặt trong một hố đào bên cạnh khẩu pháo gợi trong trí tưởng tượng của Va-nha hình ảnh phòng hành chính nông trang; những hòm gỗ, nắp đã nậy phô ra những viên đạn xếp khít, vỏ đạn bằng đồng, đầu đạn sơn các khoanh màu sắc khác nhau, giống như nhà để dụng cụ cứu hỏa; hầm điện thoại viên tự như nhà tắm; những hào cùng con trạch của pháo thủ giống bờ đất bao quanh sắp đập lúa; một vài vỏ đạn văng dưới đất là những nông cụ hỏng cần chữa; những cành thông ngụy trang giống như vườn cây.

Nhưng kèm bên cái cảm tưởng thanh bình này cậu bé thấy có cái gì đó rất nguy hiểm, rờn rợn.

Lúc đầu, cậu không hiểu vì đâu. Nhưng sau hóa ra vì những hố đạn, theo thói quen, thoạt đầu không để ý. Rải rác xung quanh pháo có khoảng chục hố như vậy.

Hố đạn còn mới. Đất đá văng lên, nằm trên thảm cỏ cháy đen, vẫn chưa xẹp xuống, đất sốp và hình như còn ấm. Thế nghĩa là, mới gần đây, có lẽ vào buổi sáng, đạn quân Đức đã nổ ở chỗ này. Tất nhiên, chúng nhằm diệt khẩu pháo.

Trước đó, Va-nha hầu như không để ý đến những hố đạn trên đường đi. Cậu thờ ơ đi qua, chúng không nghĩa lý gì vì cậu biết “công việc” đã xong, đạn đã nổ, không nguy hiểm nữa.

Lúc này, chợt thấy hố đạn, cậu lại có cảm giác hoàn toàn khác. Đạn Đức vừa mới bay đến, nổ xung quanh pháo và để lại những vết tích tàn phá. Mà pháo thì không chuyển, vẫn đứng nguyên. Chẳng có gì thay đổi trên trận địa cả. Nghĩa là đạn Đức bất kỳ lúc nào, cũng có thể bay đến và mang lại chết chóc.

Hình như bản thân không khí lạnh mùa thu cũng bốc lên mùi chết chóc. Bóng của thần chết in vào đám mây, ngả trên cây thông, mặt đất. Thế mà các chiến sĩ trong khẩu đội chẳng cảm thấy gì.

Họ quây quần xung quanh khẩu pháo, mỗi người làm một việc. Người thì ngồi lên hòm đạn gỗ thông, mũ sắt lật ngược sau gáy, đang viết thư, thỉnh thoảng lại nhấm nước bọt vào bút chì hóa học; người thì ngồi trên bệ pháo khâu cúc vào áo khoác dài; người thì đang đọc tờ báo pháo binh nhỏ bé; người thì, cuốn xong điếu thuốc, đánh lửa và thổi sợi bấc tự làm cho đến khi bật ra khói trắng.

Từng sống với các chiến sĩ trinh sát, được quan sát trận địa đủ mọi phía, Va-nha quen hình dung cuộc chiến đấu rộng lớn, muôn hình nhiều vẻ. Cậu thường nhìn thấy đường sá, rừng cây, đầm lầy, cầu cống, xe tăng di động, bộ binh vận động, công binh, kỵ binh tập hợp trong khe.

Ở đây, tại vị trí khẩu đội, vẫn là trận địa nhưng là một trận địa hạn chế trên một khoảng đất nhỏ bé, chẳng trông thấy gì ngoài những đồ lề phục vụ pháo (ngay cả khẩu pháo bên cạnh cũng không nhìn thấy), những cành thông ngụy trang và cái dốc đồi trước mắt bị bầu trời xám mùa thu cắt ngang rất thấp. Còn cảnh gì bên kia đỉnh đồi thì chịu, Va-nha không biết, mặc dầu chính từ đó thỉnh thoảng lại vang lên tiếng súng.
 
Top