Sưu tầm Con nuôi trung đoàn - Katayev

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Không phải ngẫu nhiên đơn vị trinh sát nổi tiếng khắp tiểu đoàn về tài nội trợ. Ở chỗ họ luôn có dự trữ lương khô, đường, bít-cốt, mỡ miếng sung túc. Ở đây, bất cứ lúc nào cũng có thể mượn được cái kim sợi chỉ, cúc áo hoặc kiếm được nắm chè. Thuốc lá thì còn nói. Họ có nhiều và đủ loại: thuốc lá nặng quốc doanh, thuốc lá nguyên chất vùng Pên-da, thuốc lá nhẹ vùng Xu-khu-mi, thuốc điếu “Pu-chi-na” và cả những điếu xì-ga nhỏ chiến lợi phẩm mà họ không ưa nên chỉ dùng trong những trường hợp bất đắc dĩ và miễn cưỡng.


Nhưng các chiến sĩ trinh sát nổi tiếng khắp tiểu đoàn không phải chỉ vì những thứ đó.


Trước hết họ nổi tiếng vì những chiến công có tiếng vang lớn, người ngoài đơn vị cũng biết. Không ai bì kịp họ về tính táo bạo và nghệ thuật trinh sát. Họ đã từng len lỏi trong hậu địch và đã kiếm được những tài liệu mà ngay ban tham mưu sư đoàn cũng phải ngạc nhiên. Thủ trưởng phòng nhì phải gọi họ là “những vị giáo sư của đại úy Ê-na-ki-ép”.


Nói tóm lại họ chiến đấu dũng cảm.

Nhưng sau những chuyến công tác gian khổ và nguy hiểm họ thường nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Không kể trung sĩ Ê-gô-rốp, đơn vị có sáu người. Họ thường đi trinh sát từng đôi một, cách hai ngày một lần. Đôi này công tác thì đôi khác nghỉ. Còn trung sĩ Ê-gô-rốp nghỉ lúc nào thì có trời biết.


Lần này Goóc-bu-nốp và Bi-đên-cô đến phiên nghỉ. Họ là bạn thân với nhau và luôn luôn đi đôi. Mặc dầu trận chiến đấu đã mở đầu từ sáng, không khí trong rừng rung lên, đất ngả nghiêng và từng phút một lại có tiếng động cơ máy bay cường kích bay đi bay về, xà sát ngọn cây, hai chiến sĩ trinh sát vẫn ung dung hưởng những giờ phút nghỉ ngơi xứng đáng bên cạnh Va-nha, cậu bé mà họ đã quý mến ngay và đặt cho biệt hiệu là “bé chăn bò”.


Thật vậy, với cái quần bằng vải thô dệt lấy, nhuộm màu nâu bằng vỏ hành, với cái áo vét rách, với cái tay nải quàng trên vai, chân đất, đầu tóc bù xù, cậu bé giống hệt như cậu bé chăn bò thường vẽ trong các cuốn sách mở lòng hồi xưa. Ngay cả bộ mặt cậu sạm đen, gầy gò, mũi nhỏ thẳng và đẹp, đôi mắt mở to dưới bộ tóc lòa xòa như mái rạ của chiếc nhà gỗ cũ kỹ, tất cả đều giống hệt chú chăn bò.


Ăn hết súp, Va-nha lấy cùi bánh lau soong sạch trơn. Rồi lấy cùi đó, cậu bé lau thìa, ăn luôn bánh và đứng lên, trang trạng cúi mình trước hai chàng khổng lồ, mắt nhìn xuống, nói:

- Đa tạ các chú. Cháu rất lấy làm vừa ý…

- Hay là chú mày ăn thêm tí nữa?

- Thôi, cháu xin đủ.

- Nếu muốn ăn thêm, chúng tớ sẽ tiếp tế cho một xoong nữa,-Goóc-bu-nốp nói, nháy mắt ra điều tự hào.- Đối với chúng tớ chẳng nghĩa lý gì đâu. Thế nào, chú chăn bò?

- Cháu no muốn ứ hơi mất rồi,-Va-nha ngượng ngiẹu nói và cặp mắt xanh của cậu bé bỗng thoáng lên một vẻ nghịch ngợm.

Bi-đên-cô, nổi tiếng là công bằng, nói:

- Không muốn thì thôi. Nhân tâm tùy thích. Ở đây chúng tớ có lệ: không bắt buộc ai cả.

Nhưng anh chàng Goóc-bu-nốp ưa phỉnh, thích mọi người khen cách làm ăn của đơn vị mình, bèn nói:

- Này Va-nha, chú mày thấy chúng tớ ăn uống thế nào?

- Ăn sang lắm,-cậu bé vừa nói, vừa dựng cái thìa trong soong và nhặt những mảnh bánh vụn vương vãi trên tờ báo “Tiến công liên tục” rải xuống đất làm khăn bàn.

Goóc-bu-nốp phấn khởi nói:

- Đúng thế chứ? Này chú em, suốt trong sư đoàn, không tìm đâu ra thức ăn như thế này. Nổi danh đấy. Điều chủ yếu chú em phải bám chặt lấy chúng tớ, bám lấy bọn trinh sát này. Ở với chúng tớ thì không bao giờ bị khốn đốn cả. Thế nào, ở với chúng tớ chứ?

- Vâng ạ,-cậu bé vui vẻ nói.

- Thế mới đúng và chú em sẽ không bao giờ khốn đốn. Chúng tớ sẽ tắm rửa cho chú em tại nhà tắm. Sẽ cắt tóc nữa. Sẽ có cách kiếm quần áo để chú em ra vẻ con nhà lính.

- Chú ạ, các chú mang cháu đi trinh sát nữa chứ?

- Sẽ mang chú em đi. Sẽ làm cho chú em trở thành lính trinh sát nổi danh.

- Chú ạ, cháu nhỏ người. Cháu chui đâu cũng lọt,-Va-nha sung sướng, nhanh nhảu trả lời.-Ở đây, só sỉnh nào cháu cũng biết.

- Cái đó quý lắm đấy.

- Dạy cháu bắn súng nữa chứ?

- Sao lại không. Có dịp là sẽ dạy chú em.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Sau khi đưa mắt nhìn một cách thèm thuồng những khẩu súng đang đung đưa dưới dây quai vì những tiếng đại bác nổ vang rền, Va-nha nói:

- Chú cho cháu bắn một lần thôi cũng được.

- Rồi sẽ được bắn. Không lo. Dễ thôi. Chúng tớ sẽ dạy cho chú mày tất cả khoa học quân sự. Tất nhiên, trước hết phải đăng ký cho chú em lĩnh mọi thứ quân trang quân dụng.

- Thế là thế nào, chú?

- Đơn giản thôi. Trung sĩ Ê-gô-rốp sẽ báo cáo lên trung úy Xê-đức về chú em. Trung úy Xê-đức lại báo cáo lên tiểu đoàn trưởng, đại úy Ê-na-ki-ép, đại úy ra lệnh ghi tên chú em vào quân số. Thế rồi, từ ngày tháng đó chú em sẽ được lĩnh mọi thứ cung cấp: quân trang quân dụng, lương thực, tiền tiêu. Hiểu chưa?

- Hiểu rồi, chú ạ.

- Ở đơn vị trinh sát chúng tớ có cái thủ tục ấy đấy… Này, định đi đâu?

- Đi rửa bát đĩa, chú ạ. Sau khi ăn xong, bao giờ mẹ cháu cũng sai chúng cháu rửa bát đĩa rồi cất vào tủ.

- Mẹ sai như vậy là đúng,-Goóc-bu-nốp nói, có vẻ nghiêm khắc.-Trong quân đội cũng phải vậy.

- Trong quân đội không có vú ém đâu nhé,-anh chàng Bi-đên-cô công bằng lên giọng khuyên bảo.

- Tuy vậy, khoan hãy rửa bát đĩa. Chúng ta còn uống trà đã-Goóc-bu-nốp tự tự mãn nói.-Chú em có thích uống trà không?

- Có ạ.

- Thế mới đúng. Ở đơn vị trinh sát chúng tớ có lệ: hễ ăn xong là phải uống trà ngay. Không uống không chịu được!-Bi-đên-cô nói. Rồi ra vẻ thờ ơ nói thêm:- Tất nhiên, chúng tớ uống ra uống, tha hồ pha đường. Làm gì cái vặt đó.


Trong nháy mắt, đã thấy xuất hiện một cái ấm đồng to tướng. Đó là niềm tự hào đặc biệt của đơn vị trinh sát. Nó làm cho các đơn vị khác trong tiểu đoàn pháo phải thèm thuồng.

Quả thật, cánh trinh sát không dè sẻn đường.

Anh chàng Bi-đên-cô ít nói cởi tay nải đồ ra, lấy thêm một nắm đường viên to tướng đặt lên tờ báo “tiến công liên tục”. Va-nha chưa kịp nháy mắt đã thấy Goóc-bu-nốp bỏ vào ca mình hai viên thật to. Khi thấy mặt Va-nha ửng lên niềm phấn khởi, Goóc-bu-nốp bèn bỏ thêm một viên nữa. Thấy không, cánh trinh sát mà lại!


Va-nha lấy hai tay ôm cái ca sắt tây. Câu bé lim dim mắt vì khoái trí. Cậu cảm thấy mình đang ở một thế giới xa lạ, thần kỳ.

Tất cả xung quanh đều như tiên cảnh. Cái lều có ánh nắng mặt trời chiếu sáng trong một ngày ảm đạm, tiếng nổ ầm ầm của trận chiến đấu sát gần, các anh chàng khổng lồ tốt bụng thết hàng đống đường viên, câu nói khó hiểu “mọi thứ cung cấp”-quân trang quân dụng, lương thực, tiền tiêu và ngay cả dòng chữ “thịt lợn hộp” in nét to trên cái ca sắt tây.

- Thích không?-Goóc-bu-nốp hỏi và ngắm nghía một cách tự hào cái vẻ thích thú của chú bé khi thận trọng chẩu môi húp từng ngụm chè.

Cậu bé chịu không trả lời câu hỏi đó. Môi còn bận chiến đấu với nước chè nóng bỏng. Trái tim còn tràn ngập niềm vui sôi nổi được sống cùng với các chiến sĩ trinh sát, những con người tuyệt vời đã hứa hẹn nào cắt tóc, nào may quần áo, nào dạy bắn súng cho cậu.

Muốn trả lời nhưng không tìm được lời. Cậu bé chỉ biết gật gật đầu, dướn lông mày lên để bày tỏ nỗi vui sướng và lòng cảm ơn sâu sắc nhất của mình.

- Nó còn bé quá!-Bi-đên-cô thở dài, nhè nhẹ, thương sót. Anh lấy ngón tay khổng lồ, thô kệch, trông như bị hun khói cuốn một cái sâu kèn to tướng rồi thận trọng lấy thuốc lá ở túi thuốc nhồi vào.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Trong khi đó tiếng súng nổ trong trận đánh đã mấy lần thay đổi nhịp độ và chiều hướng.

Đầu tiên, tiếng súng nổ gần và đều đều như sóng gầm. Sau đó, tiếng súng nghe xa hơn và yếu đi. Nhưng bây giờ nó lại nổi lên như giớ bão với sức mạnh tăng lên gấp bội. Trong tiếng súng rên, bỗng nổi lên những tiếng nổ mới, hối hả của bom ném không đều nhưng luôn luôn rót xuống một nơi nào đó, thành từng chùm, tưởng chừng có một cái búa khổng lồ luôn luôn nện xuống mặt đất đang rung rinh.
Giữa câu chuyện, Bi-đên-cô thoáng để ý và nói chen vào:

- Máy bay ta thả bom.

Goóc-bu-nốp tán thưởng:

- Đánh khá đấy.

Tiếng súng rền vang khá lâu.

Sau đó, có một thời gian yên tĩnh ngắn ngủi. Trong rừng im lặng đến nỗi nghe thấy rõ tiếng con chim gõ mõ mổ cây như đánh Moóc.

Trong lúc yên tĩnh, mọi người đều im lặng nghe ngóng.

Bỗng từ xa có tiếng súng trường nổ vang. Tiếng súng máy ngày càng lớn, càng nhiều. Những tiếng lẻ tẻ đã trở thành liên tục. Cùng một lúc, khắp mặt trận súng liên thanh lên tiếng tại hàng chục vị trí. Rồi cái bộ máy chiến tranh đáng ghê sợ bỗng gầm rít, gào thét như một động cơ mở hết tốc lực.


Trong tiếng ồn ào tàn nhẫn, đầy sắt thép này chỉ có những đôi tai kinh nghiệm mới phân biệt thấy tiếng đồng thanh êm nhẹ của giọng người đang thánh thót ở một nơi nào rất xa, để vẳng lại những tiếng “a-a-a…”.

- Hoàng hậu chiến trường tấn công,-Goóc-bu-nốp nói.-Thần chiến tranh sẽ hậu thuẫn cho mà xem.

Và hình như để công nhận lời nói đó, từ bốn phía, hàng trăm khẩu đại bác các cỡ bắt đầu nổ súng.

Bi-đên-cô ghé tai về phía trận đánh, lắng nghe hồi lâu, cuối cùng nói:

- Không nghe thấy tiểu đoàn ta lên tiếng.

- Ừ nhỉ, hãy còn im ắng.

- Chắc đại úy đang đợi thời cơ.

- Như đại úy vẫn thường làm. Nhưng sau thì nã phải biết.

Va-nha đưa đôi mắt xanh sợ hãi hết nhìn người này đến người kia, hòng qua nét mặt đoán xem tình hình quân ta tốt, xấu ra sao. Nhưng cậu bé không hiểu nổi, hỏi thì chưa dám. Cuối cùng cậu bé đành hỏi Goóc-bu-nốp, người mà cậu cho là hiền hơn:

- Chú ơi, quân ta hay quân Đức đang thắng?

Goóc-bu-nốp bật cười, vỗ nhẹ lên vai cậu bé:

- Cái thằng!

Nhưng bộ đội nghiêm trang nói:

- Phải đấy, hay cậu chạy quàng đến cánh thông tin hỏi xem sự thể ra sao.

Nhưng ngay lúc đó có tiếng chân người đi vội vàng, vấp phải cọc rồi thấy trung sĩ Ê-gô-rốp cúi khom người, chui vào lều.

- Goóc-bu-nốp!

- Có tôi.

- Chuẩn bị mau. Cu-dơ-min-xki mới hy sinh trên tuyến bộ binh. Đồng chí lên thay chân.

- Cậu Cu-dơ-min của bọn mình à?

- Phải. Bị một băng. Mười một viên đạn. Nhanh lên.

- Có!

Trong khi Goóc-bu-nốp lom khom, vội vã mặc áo choàng và khoác các đồ quân dung, trung sĩ Ê-gô-rốp và hạ sĩ Bi-đên-cô lặng lẽ đứng nhìn chỗ nằm của Cu-dơ-nét-xốp bây giờ đã hy sinh.


Chỗ đó cũng giống như những chỗ khác. Nó cũng gọn gàng như vậy, không đâu có một nếp răn, cũng rải chiếc áo đi mưa lên trên, trên đầu cũng đặt chiếc ba-lô phủ khăn mặt bằng vải thô. Chỉ khác là, trên tấm khăn mặt có đặt hai cái thư hình tam giác và tờ báo ảnh màu “Hồng quân” do quân bưu mang đến, trong lúc Cu-dơ-min-xki đã ra mặt trận.


Va-nha chỉ mới nhìn thấy Cu-dơ-min-xki có một lần vào lúc tang tảng sáng. Lúc đó anh vội đổi phiên. Giống như Goóc-bu-nốp lúc này, Cu-dơ-min-xki cúi lom khom, khoác đồ quân dụng và kéo thẳng áo choàng bị cộm dưới bao súng ngắn, trông rõ thấy cái vòng lớn của cái thông nòng bằng đồng.


Áo choàng của Cu-dơ-min-xki sực mùi súp bắp cải ngon lành. Nhưng Va-nha không kịp nhìn mặt Cu-dơ-min-xki vì sau đó anh đi ngay. Anh đi, không chào ai như anh thường đi đi về về. Bây giờ mọi người đều biết anh không bao giờ trở về nữa và lặng lẽ nhìn vào chỗ nằm bỏ trống. Trong lều, cảm thấy trống trải, buồn buồn.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Va-nha thận trọng với tay vuốt ve tờ báo “Hồng quân” còn mới và dính dính. Lúc đó, trung sĩ Ê-gô-rốp mới chợt nhận thấy Va-nha. Cậu bé chờ đợi một nụ cười và chuẩn bị cười với Ê-gô-rốp. Nhưng trung sĩ

Ê-gô-rốp nghiêm khắc nhìn cậu bé. Va-nha cảm thấy có một sự không hay đã xảy ra.

Ê-gô-rốp hỏi:

- Va-nha hãy còn ở đây à?

- Vâng ạ,-cậu bé lí nhí trả lời như thú tội mặc dầu không hiểu mình tội lỗi gì.

Nét mặt cau có hệt như đại úy Ê-na-ki-ép, trung sĩ Ê-gô-rốp nói:

- Phải đưa nó đi. Đồng chí Bi-đên-cô!

- Có tôi.

- Chuẩn bị lên đường.

- Đi đâu?

- Tiểu đoàn trưởng ra lệnh đưa thằng bé về hậu phương. Kiếm cái ô-tô dọc đường rồi đưa nó về tuyến hai. Đến đấy, đồng chí giao nó cho đồng chí phụ trách và yêu cầu ký nhận. Đồng chí phụ trách sẽ đưa nó về một nhà trẻ nào đó. Đây không phải chỗ của nó. Không được phép ở lại.

- Thế là thế nào!-Bi-đên-cô nói, không dấu nổi nỗi thất vọng.

- Đó là lệnh của đại úy Ê-na-ki-ép.

- Nhưng tiếc lắm. Thằng bé thật kháu.

- Tiếc hay không cũng không được phép.

Trung sĩ Ê-gô-rốp càng cau có hơn. Chính bản thân anh cũng không nỡ dời thằng bé. Mới đêm qua, anh còn thầm tìm cách giữ Va-nha ở với mình, cho nó làm liên lạc và dần dần đào tạo nó thành một chiến sĩ trinh sát đắc lực.

Nhưng lệnh trên đã ban thì không bàn cãi. Đại úy Ê-na-ki-ép thừa biết mọi việc. Đã nói là phải thực hiện. Ê-gô-rốp nói lại lần nữa. Bằng một giọng dứt khoát và quyết định, anh muốn nhấn mạnh là vấn đề chỉ có thể giải quyết như vậy:

- Không được phép. Chuẩn bị đi, đồng chí Bi-đên-cô.

- Có.

- Thôi, sự thể đã thế thì phải vậy,-Goóc-bu-nốp vừa nói, vừa kéo áo choàng bị cộm dưới bao súng ngắn bị ẹp và mòn đến nhẵn bóng.-Đừng buồn, chú bé chăn bò ạ. Đại úy Ê-na-ki-ép đã ra lệnh thì phải theo. Kỷ luật quân đội phải thế. Ít nhất chú em cũng được đi ô-tô. Phải không? Thôi, từ biệt chú em.

Nói xong, Goóc-bu-nốp bước nhanh ra khỏi lều nhưng không vội vã.

Va-nha đứng đấy, bé bỏng, buồn tầu và lơ đãng. Vừa cắn đôi môi sưng mọng vì cơn sốt, cậu bé vừa nhìn Bi-đên-cô mặc áo, lại nhìn trung sĩ Ê-gô-rốp ngồi thừ trên giường Cu-dơ-min-xki đã chết. Mắt anh lim dim, tay buông thõng xuống giữa hai đầu gối và tranh thủ những phút rảnh rỗi này để ngủ gà ngủ gật một chút.


Cả hai đều hiểu rõ trong tâm hồn cậu bé lúc này đang có những cảm xúc gì. Mới hai phút trước, mọi sự đều tốt đẹp. Thế mà bây giờ tất cả bỗng trở thành tối tăm.


Ôi! Một cuộc sống tuyệt diệu, đáng phấn khởi biết bao đã đến với Va-nha! Sống chung với các chú trinh sát dũng cảm và tốt bụng; cùng với các chú ăn uống tha hồ; cùng với các chú đi trinh sát, tắm ở nhà tắm, bắn súng tiểu liên, ngủ với các chú trong cùng một lều; nhận quân trang: ủng, áo có quân hàm và trên quân hàm có hình nòng đại bác, áo khoác… có lẽ có cả địa bàn và súng ngắn và đạn…


Va-nha đã sống ba năm như một con chó hoang, không nhà cửa, không gia đình. Cậu bé sợ người và thường xuyên bị đói, thường xuyên kinh hãi. Cuối cùng, cậu gặp được những người hiền, tốt đã cứu cậu, đã sưởi, cho ăn và yêu mến cậu. Đúng đến lúc tất cả đều đẹp đẽ, đến lúc cậu gặp được gia đình ruột thịt thì phựt một cái, tất cả tan biến thành mây khói.

- Chú ơi, vừa nói, cậu vừa nuốt nước mắt và thận trọng nắm nhẹ lấy áo Bi-đên-cô.-Chú! Đừng đưa cháu đi. Không nên đâu!

- Đó là mệnh lệnh.

- Chú Ê-gô-rốp… Đồng chí trung sĩ! Đừng ra lệnh đưa tôi đi. Cứ để tôi ở đây thì tốt hơn,-cậu bé nói hết, vẻ thất vọng.-Tôi sẽ mãi mãi lau chùi soong nồi, mang nước cho các đồng chí…

- Không được phép, không được phép,-Ê-gô-rốp uể oải nói.-Thế nào, Bi-đên-cô? Xong chưa?

- Xong rồi.

- Cậu mang thằng bé đi. Đúng vào giờ này có xe năm tấn đến chở vỏ đạn bắn rồi từ địa điểm nhận hàng của trung đoàn về hậu phương. Còn kịp đi chuyến xe đó. Quân ta đã tiến được bốn cây số và đang củng cố vị trí. Tuyến hậu phương sắp kéo đến đây. Lúc đó chẳng biết xử trí với thằng nhỏ như thế nào? Thôi đi đi!

- Chú ơi!-Va-nha kêu lên.

Ê-gô-rốp cắt:

- Không được phép!-và quay đi để đỡ đau lòng.

Cậu bé hiểu như vậy là hết. Cậu hiểu rằng giữa cậu và những người vừa mới còn yêu mến, coi cậu như con đẻ, trìu mến gọi cậu là bé chăn bò, từ nay đã dựng lên một bức tường.

Qua ánh mắt, giọng nói và cử chỉ, cậu bé cảm thấy rõ là họ vẫn yêu mến và thương sót cậu. Nhưng cậu cũng cảm thấy rõ rệt một điều khác: cái tường ngắn cách giữa họ không thể vượt qua được. Đụng vào chỉ vỡ đầu mà thôi.

Thế rồi, bỗng trong óc cậu bé ánh lên một niềm tự hào. Mặt cậu đanh lại, hầu như gầy xọp đi. Cái cằm bé nhỏ vênh lên, mắt nhìn bướng bỉnh, hai hàm răng cắn chặt.

- Tôi không đi,- cậu bé vênh váo nói.

- Không đi mà được à,-Bi-đên-cô hiền hậu nói.-Chà, sao chú mày dữ thế! “Không đi”! Ấn vào xe là đi tất.

- Nhưng thế nào tôi cũng trốn.

- Chưa chắc đâu chú em ạ. Chưa ai trốn khỏi tớ bao giờ. Ta đi nhanh lên, không lỡ mất chuyến xe.
Bi-đên-cô khẽ nắm tay cậu bé nhưng cậu bé giận dữ vùng ra:

- Kệ tôi, đừng sờ vào.

Và chân không nhẹn bước, cậu bé ra khỏi lều, vào rừng.

Trong rừng các chiến sĩ vận tải đang xếp hàng, các chiến sĩ lái xe quay máy, các chiến sĩ khác đang nhỏ cọc lều, bộ phận thông tin đang cuốn dây điện.

Chiến sĩ anh nuôi, áo choàng trắng khoác ngoài áo lính, đang vội vã lấy rìu chặt những miếng thịt cừu đỏ tía trên một gốc cây đốn cụt.

Chỗ nào cũng thấy ngổn ngang hòm xiểng, rơm rạ, vỏ đồ hộp, giấy báo. Tất cả chứng tỏ hậu quân đang chuyển mình theo các đơn vị tiến lên.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
5


Ngày hôm sau, đêm đã khuya, Bi-đên-cô mới trở về đơn vị, mặt trận đã có nhiều thay đổi. Cuộc tiến công triển khai nhanh chóng. Truy kích quân địch, bộ đội ta đã tiến xa về phía tây.


Nơi hôm qua còn là chiến trường thì hôm nay đã là tuyến hai. Nơi hôm qua là tuyến hai, bây giờ đã yên tĩnh, vắng vẻ. Còn tiền tuyến thì đang ở nơi hôm qua là hậu phương sâu của quân Đức.


Rừng đã bị bỏ lại phía sau. Trận đánh bắt đầu từ trong rừng, nay đang tiếp tục diễn ra ngoài đồng trống, trên các thửa ruộng, bãi lầy và những đồi nhỏ nhấp nhô bụi rậm.

Lần này đơn vị trinh sát không ở lều nữa mà đóng quân tai một căn hầm của sĩ quan Đức, một công sự tuyệt tác, chắn chắn, lợp bốn lớp gỗ khúc, bên trên phủ cỏ.

Các anh chàng trinh sát tháo vát đã dấm sẵn cho mình cái hầm này từ khi còn là của địch và bọn sĩ quan Đức còn đang ở. Khi ghi những hỏa điểm địch lên bản đồ, các chàng trinh sát cũng ghi luôn cái hầm thích thú này để phòng trường hợp cần đến.


Khi Bi-đên-cô về đến hầm, trời đã tối mịt. Trên đường anh chẳng cần hỏi ai mà chỉ bước theo cái cảm giác chính xác của người trinh sát.

Ở chân trời phía tây, tiếng nổ rền vang liên tục. Ở đó những ánh lửa tựa đám cháy rộng lớn đỏ rực nhấp nháy liên tục và phản ánh lên từng mây ghê rợn.

Bước xuống dốc đánh bậc có lát gỗ, Bi-đên-cô vào căn hầm rộng rãi. Vật đầu tiên đập vào mắt là chiếc đèn đất tỏa dưới trần một ánh sáng chói lọi, xanh xao như mặt người chết. Chắc hẳn bọn Đức vội vã bỏ chạy không kịp mang đèn đi.


Trong những hõm đào ở thành hầm và lát gỗ, có những quả lựu đạn chầy gỗ Đức sắp xếp cẩn thận thành hàng lối như xếp sách.

Ở giữa hầm có một cái bàn ăn vững trãi, chân đóng xuống đất. Trong góc, cái bếp lò hành quân bằng gang của Đức được đốt củi nóng đến đỏ rực. Cạnh đó có một ít củi dự trự, cũng do bọn Đức để lại.


Rõ ràng là bọn Đức đã xây dựng dinh cơ vững chắc, căn cơ với ý định sống qua mùa đông ở đây. Chúng còn treo lên tường một bức tranh đóng khung gỗ. Đó là bức ảnh tô màu lớn, chụp một cái nhà xinh đẹp, lợp mái kiểu gô-tích, xung quanh là vườn táo nở hoa sặc sỡ. Suốt dưới tấm ảnh quá tô hồng này có in một hàng chữ đỏ: “Friuling im Deutschland”, nghĩa là “Mùa xuân trên đất Đức”.


Ngoài ra, mọi thứ khác trong hầm đã hoàn toàn có phong cách Nga: giường phủ áo khoác pháo binh Nga, chăn đệm yên ngựa và vải lều phẳng phiu; đầu giường đặt ba-lô màu xanh lá cây, trên phủ khăn mặt; chiếc ấm đồng trứ danh đặt trên bếp lò; bàn giải tờ báo “Tiến công liên tục”, xung quanh tảng bánh mì lớn có đặt những thìa gỗ, ca uống nước thành hàng lối trật tự; những khẩu súng Nga lau sạch và bôi mỡ treo ở góc hầm dưới những chiếc mũ sắt Nga.


Trong hầm, ngườ chật ních. Tất cả các chiến sĩ xum họp như thế này là trường hợp hiếm có. Bi-đên-cô còn nhận thấy có cả người ngoài đơn vị. Đó là những người quen, người đồng hương ở các trung đội. Họ đến với các chiến sĩ trinh sát hào phóng và sung túc để kiếm một vài điếu thuốc lá ngon, uống chén trà pha đường ngọt lịm, nước đun bằng cái ấm trứ danh.


Nhìn quang cảnh này, Bi-đên-cô hiểu rằng trong thời gian anh vắng mặt, sư đoàn đã đổi phiên cho các đơn vị. Tiểu đoàn anh đang được tạm nghỉ.

Hầu như mọi người đều hút thuốc. Trong cái hầm đốt củi nóng bức, không khí ngột ngạt, đặc khói thuốc, thật phù hợp với câu ví: “Treo rìu không rơi”.

Goóc-bu-nốp đang làm cái công việc thích thú của mình là đãi khách. Khi trông thấy người bạn, anh nói:

- À, chào xậu, Va-xia!

Anh tì mảng bánh mì vào nụng và cắt ra những khoanh bánh dầy.

- Thế nào, trao trả thằng bé rồi chứ? Ngồi vào bàn đi. Cậu gặp dịp đấy.

Anh chỉ mặc áo lót sợi đan. Cổ áo banh ra, để lộ khoảng ngực to béo, hồng hào.

- Chú mày ạ, chúng ta đang được nghỉ. Chơi rông. Cởi áo ra và lại đây sưởi cho ấm. Giường của cậu đây, tớ xếp cho cậu đấy. Thế nào, cậu thấy căn phòng mình ra sao? Trong sư đoàn không ai có được căn phòng như thế này đâu. Đặc sắc lắm nhé!

Bi-đên-cô lặng lẽ cởi áo, lại gần giường, giận dữ ném áo khoác và các đồ lề lên trên rồi đến ngồi xổm, hơ đôi bàn tay đen đủi và to tướng trên bếp lò.

- Này Va-xia, cậu có nghe được tin gì trên ban tham mưu sư đoàn không? Bọn Đức chưa chịu xin hàng à?

Bi-đên-cô im lặng, không nhìn ai và thở mạnh một cách bực dọc.

- Hút thuốc không cậu?-Goóc-bu-nốp nói, sau khi nhận ra là anh bạn không được vui lắm.

- Chán bỏ mẹ!-đột nhiên Bi-đên-cô lầm bầm nói và trở lại giường mình, uể oải nằm sấp xuống.

Rõ ràng là Bi-đên-cô có điều gì bực bội. Nhưng đối với các chiến sĩ trinh sát, tỏ ra quá tò mò về công việc người khác, thật vô cùng bất tiện. Người ta không nói, tức là thấy không cần nói. Nếu không cần nói thì thôi. Muốn thì cứ nói. Chẳng việc gì phải gợi chuyện.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Vì vậy Goóc-bu-nốp chẳng hề phật ý và làm ra vẻ không thấy gì, luôn chân luôn tay, bần biện sắp xếp, tiếp tục kể chuyện cho khách nghe trường hợp mình hút chết tại tuyến bộ binh, khi lên thay chân anh chàng Cu-dơ-min-xki bị tử trận.

- Thế là mình vừa mới rút súng bắn pháo hiệu. Đang chuẩn bị cho một phát màu xanh, báo cho quân ta bắn xa hơn chút nữa. Thì bỗng một viên đạn súng cối rơi ngay cạnh mình. Hầu như nổ dưới chân mình. Sức ép đẩy mình mới mạnh làm sao! Mình ngã sõng xoài ra. Không hiểu đâu là trên đâu là dưới nưa. Mắt đã có lúc tối xầm lại. Khi mở mắt thì thấy đất đây rồi, ngay sát trước mắt. Hóa là mình nằm sấp.-Goóc-bu-nốp cười ha hả.-Mình cảm thấy toàn thân đau như dần. Mình nghĩ thôi thế là tong đời. Có lẽ không đứng dậy được. Nhìn quanh quẩn khắp người thì không làm sao cả. Không chỗ nào chảy máu. Mình mới nghĩ có lẽ đau là vì đất đập phải. Nhưng áo khoác bị thủng sáu lỗ. Mũ sắt bị bẹp bằng nắm tay. Và các cậu có thể tưởng tượng được không, gót ủng bên phải hoàn toàn bị cắt đứt. Hình như xưa nay chưa bao giờ hề có gót. Hệt như lấy dao cạo gọt. Ở đời khó tin là có chuyện kỳ như vậy! Thật là buồn cười, thân mình không hề bị một vết sứt. Kìa, các cậu xem gót chân ủng bị xén như thế nào.


Miệng cười vui vẻ, Goóc-bu-nốp chỉ cho khách xem đôi ủng bị hỏng. Khách xem xét kỹ lưỡng. Một vài người còn thận trọng lấy tay sờ. Một anh chàng nghiêm trang gật gù:

- Kể cũng khỉ thật!

Một anh khác vừa liếc nhìn những miếng đường viên Goóc-bu-nốp đặt trên bàn vừa nói:

- Có thể lắm. Ở đơn vị mình cũng có chuyện xảy ra như vậy. Khi chúng mình vượt qua sông Bê-rê-di-na gần thị trấn Bô-ri-xốp, trung đội mình có cậu Trốt-kin bị mảnh đạn xén đứt thắt lưng. Mà bản thân thì không hề gì. Điều may rủi đó không bao giờ tính trước được.

Bỗng Bi-đên-cô ngồi giường nói vọng ra bằng một giọng khàn khàn như người ốm nặng:

- Cu-dơ-ma! Này Cu-dơ-ma, trung sĩ Ê-gô-rốp đâu?

- Trung sĩ Ê-gô-rốp hiện nay đang trực nhật. Đồng chí ấy đi kiểm tra các trạm gác.-Goóc-bu-nốp trả lời.- Có lẽ sắp về đấy nhỉ! Đồng chí ấy hứa về kịp uống trà.

- Chán quá!-Bi-đên-cô nói xong, thở dài thườn thượt như người đau răng.

Qua tiếng thở dài rõ ràng là có ý định muốn được thông cảm.

- Cậu làm sao thế?-Goóc-bu-nốp thờ ơ hỏi, ra vẻ không tìm hiểu câu chuyện mà chỉ vì xã giao thường lệ.

Bất chợt, Bi-đên-cô lại buồn rầu thốt lên:

- Thật là chán!

- Cậu uống hớp chè cho nhẹ người.-Goóc-bu-nốp nói. Bi-đên-cô đến ngồi trên ghế đẩu nhưng không thèm đụng tới cái ca. Anh ngồi thừ hồi lâu, mắt đăm đăm nhìn bếp lò. Sau cùng anh cất tiếng, lấy giọng cao một cách không tự nhiên để cố gắng làm cho có vẻ hài hước:

- Câu chuyện thật buồn cười. Mình chẳng còn biết báo cáo với trung sĩ Ê-gô-rốp như thế nào nữa?

- Thế thì sao?

- Mình không hoàn thành nhiệm vụ.

- Sao lại thế?

- Không đưa được thằng nhỏ về ban tham mưu mặt trận.

- Thôi đừng đùa!

- Mình nói thật đấy. Lơ là một chút. Nó chuồn.

- Ai chuồn?

- Thằng nhỏ chứ còn ai. Cái thằng Va-nha của bọn mình ấy, thằng bé chăn bò chứ còn ai.

- Thế là dọc đường nó trốn chứ gì?

- Ừ, nó chạy trốn.

- Nó thoát khỏi tay cậu?

- Ừ.

Goóc-bu-nốp im lặng một hồi lâu rồi bỗng nhiên rũ ra cười, thân hình to béo rung lên từng hồi.

- Tại sao cậu lại kém cỏi đến thế hả, Va-xia? Liệu đấy. Ê-gô-rốp về, ông ấy sẽ cạo cho cậu một trận! Tại sao lại thế hả?

- Thế chứ sao. Nó trốn là nó trốn, còn sao nữa.

- Nhà trinh sát trứ danh đấy! Lại còn vỗ ngực “chưa ai thoát khỏi tay ta”. Thế mà thằng nhỏ lại thoát. Chà Va-nha! Chà thằng bé chăn bò!

- Thằng bé láu thật,-Bi-đên-cô nói, miệng cười gượng gạo.

- Thì rõ là nó thông minh. Chẳng thế mà cho vị giáo sư vào xiếc. Nhưng dù sao cậu cứ kể lại đi, xem sự thể thế nào?

- Nó trốn là nó trốn. Có gì mà kể.

- Nhưng dù sao anh bạn cũng cứ báo cáo lại đúng sự thực xem sao. Muốn hay không, cuối cùng rồi
chúng tớ cũng biết cơ mà.

- Cóc khô!-Bi-đên-cô nói, chán nản phảy tay và trở lại giường của mình, nằm dài, quay mặt vào tường và từ đó không hề hé răng.

Chỉ sau đó, mọi người mới biết được tất cả những chi tiết của cuộc hành trình có một không hai này.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
6


Chiếc xe chở vỏ đạn xủng xoảng và nhảy chồm chồm vì lăn qua các gốc cây mới chỉ đi trong rừng khoảng năm cây số thì bỗng Va-nha nhắm lấy thành xe, sự quả quyết táo bạo hiện lên nét mặt, nhảy ra khỏi xe, lộn vòng, lăn xuống thảm cỏ. Sự việc xảy ra nhanh và bất ngờ đến nỗi làm cho Bi-đên-cô bối rối. Thoạt đầu anh tưởng cậu bé bị hất ra khỏi xe vì xe lái ngoặt. Anh kêu tướng lên, tay đấm thùng thùng vào buồng lái:

- Này, nhẹ tay chứ! Con khỉ, dừng lại! Mất thằng bé rồi.

Trong khi ngườilái hãm chiếc xe đang phóng nhanh, Bi-đên-cô nhìn thấy cậu bé chồm đứng dậy, nhặt túi dết và quàng chân lên cổ chạy vào rừng.

- Này, này!-chàng hạ sĩ lớn tiếng gọi, giọng đầy lo ngại.

Nhưng Va-nha không thèm nhìn lại.

Tay chân vung lên như cánh quạt máy xay gió, cậu bé ba chân bốn cẳng, cắm cổ chạy cho đến lúc biến mất trong khoảng rừng đầy màu sắc.

- Va-nha-a-a!-Bi-đên-cô lấy tay làm loa, gọi to.-Bé chăn bò-ò! Đứng lại!

Nhưng Va-nha không trả lời. Chỉ có tiếng vang bay lướt qua từng thân cây rồi bật trở lại thành những tiếng: “A-u-i! A-u-i”.

- Thằng quỷ sứ, liệu hồn!-Bi-đên-cô tức giận nói và sau khi yêu cầu người lái xe chờ một chút, chân đạp lên những bụi cây răng rắc, anh rảo bước đi vào rừng tìm Va-nha.

Anh tin chắc rằng tóm được thằng bé chóng thôi. Thực vậy, tìm một thằng bé chạy trốn vào rừng, đối với một người trinh sát già dặn kinh nghiệm, đối với một trong số “giáo sư” nổi danh của đại úy Ê-na-ki-ép thì đâu phải chuyện khó? Bảo rằng khó thì nực cười thật!

Hãy cứ hướng về mọi phía gọi Va-nha trở về, đừng làm điều càn bậy. Sau đó, hạ sĩ bắt tay vào việc tìm kiếm với mọi kiến thức khoa học quân sự.


Đầu tiên, anh dùng địa bàn xác định vị trí đỗ xe để bất cứ lúc nào cũng có thể tìm được. Sau đó, anh quay đường định hướng về phía cậu bé chạy trốn. Nhưng Bi-đên-cô không theo hướng đó vì anh thừa hiểu, không có địa bàn để hướng đường đi trong rừng thế nào cậu bé cũng rẽ sang bên phải.


Do kinh nghiệm mà anh biết được điều dó. Không có địa bàn dẫn đường, khi đi trong bóng tối hoặc ở nơi không có điều kiện nhìn xa, người ta bao giờ cũng đi vòng theo chiều kim đồng hồ.


Vì vậy, suy nghĩ một chút và ước tính thời gian, Bi-đên-cô rẽ sang phải và nhẹ nhàng bước đi tìm cậu bé.

“Thế nào tớ cũng gặp chú mày ở đằng kia”,-Bi-đên-cô thú vị nghĩ.

Anh tưởng tượng rõ thấy mình bò nhẹ nhàng từ trong bụi rậm ra ngay trước mặt Va-nha, tóm lấy nó và nói: “Lang thang trong rừng như vậy đủ rồi, chú mày ạ! Quay lại xe thôi. Liệu đấy, đừng chơi trù ú tim nữa. Vì dù sao cũng chẳng thoát được kia mà. Trên đời này, chưa ai thoát khỏi tay hạ sĩ Bi-đên-cô. Chú mày phải nhớ mãi điều đó!”.


Bi-đên-cô mỉm cười vui vẻ vì ý nghĩ thú vị đó. Thực ra, chính bản thân anh cũng không muốn đưa thằng bé về hậu phương. Anh rất thích cái thằng bé mắt xanh, tóc vàng bù xù, gầy gò, vừa lễ phép vừa kiêu hãnh, đôi lúc còn có vẻ dữ tợn nữa, thật giống “chú bé chăn bò”.


Va-nha đã khêu gợi trong tâm hồn của Bi-đên-cô một thứ tình cảm dịu dàng, hầu như tình cảm của người làm bố. Anh vừa thương, vừa tự hào lại vừa lo ngại cho tương lai của nó. Còn có một thứ tình cảm nào đó mà chính Bi-đên-cô chưa hoàn toàn hiểu rõ.

Va-nha vô hình chung gợi cho hạ sĩ nhớ lại bản thân mình lúc anh còn bé, thường đi chăn bò.

Anh mơ hồ nhớ lại những buổi sáng sớm, sương mù trắng như sữa phủ trên cánh đồng màu xanh rực rỡ. Anh nhớ lại những giọt sương óng ánh màu sắc: xanh, tím, đỏ, chói lọi, còn anh, tay nâng sáo làm bằng ống sậy, anh thổi những điệu trong trẻo, dịu dàng, vui tươi và đồng thời hay nhắc đi nhắc lại.

Nhất là sau khi Va-nha nhảy từ chiếc xe đang phóng nhanh, anh càng quý mến cậu bé thêm.

“Thằng quỷ con, can đảm thật! Chẳng sợ gì cả. Một người lính thực sự. Phải đưa nó đi thật tiếc quá.

Nhưng cũng không làm thế nào khác được. Đó là mệnh lệnh,-Bi-đên-cô nghĩ như vậy.

Vừa suy nghĩ người trinh sát vừa dấn thân sâu vào rừng. Theo anh tính toán, đáng lẽ phải gặp cậu bé từ lâu rồi. Thế mà vẫn chưa thấy.

Bi-đên-cô luôn luôn dừng lại, lắng nghe trong sự yên tĩnh của khu rừng mùa thu. Nói cho đúng, khu rừng không hoàn toàn yên tĩnh đối với thính giác tinh vi của anh. Bi-đên-cô phân biệt được nhiều loại tiếng động rất nhỏ khác nhau. Nhưng chưa lần nào anh nghe thấy tiếng động của bước chân người.

Thằng bé biến mất.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Không thấy ở chỗ nào mảy may dấu vết của nó. Mặc dù Bi-đên-cô xem xét từng bụi cây, nằm rạp xuống đất để nghiên cứu những lá rụng, mặt cỏ và rêu mốc, nhưng vô hiệu. Không ở đâu có dấu vết. Có thể tưởng rằng thằng bé đi trên không khí.


Bi-đên-cô chắc chắn đảm bảo rằng ngay người trinh sát tài giỏi bậc nhất cũng không thể đi qua mà không bỏ lại một tí dấu vết nào như thế này.

Bi-đên-cô lang thang trong rừng, trong lòng hơi có vẻ ngượng ngùng. Anh suy nghĩ đến nhức óc để tìm hiểu tại sao thằng bé không để lại dấu vết.

Có lần anh phải hạ mình nói lên tiếng khẽ gọi bằng một giọng the thé:

- Va-nha! Va-nha ơ-ơ-ơi! Đủ rồi! Ra xe thôi!

Và liền sau đó anh cảm thấy tự thẹn với mình.

Anh nhìn đồng hồ và thấy đã mất hơn hai tiếng để tìm thằng bé. Bây giờ thì đã rõ là nó đi mất rồi, không còn trở lại nữa.

Trong đời người trinh sát già dặn chưa lần nào anh xấu hổ như lần này. Báo cáo với trung sĩ Ê-gô-rốp thế nào? Làm sao có thể nhìn mặt đồng chí đó? Đối với bạn bè thì còn nói: họ cười cho thối óc. Chỉ có cách là độn thổ.


Nhưng bây giờ chẳng làm gì được nữa. Chẳng lẽ lang thang đến đêm như con ma hay sao.

Bi-đên-cô lấy địa bàn ra ngắm và thở dài, anh quay lại chỗ đỗ xe. Nhưng xe đã đi mất, đúng như anh dự đoán. Vì có nhiệm vụ chiến đấu khẩn cấp, ngườ lái xe không thể đợi lâu. Thực ra, bây giờ cũng chẳng cần xe làm gì. Phải trở về đơn vị.

Nhưng trước khi lên đường trở về, Bi-đên-cô muốn hút một điếu thuốc và cuốn lại vải bó chân.


Anh tìm trong rừng một gốc cây đốn cụt thích hợp để ngồi. Nhưng anh vừa mới cuốn xong một diếu sâu kèn và thạ trọng sóc túi thuốc, đổ thuốc thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng động trên cành lá và một vật gì đó rơi xuống.


Anh tưởng đó là một con chim. Những nhìn kỹ, anh ngạc nhiên kêu lên. Đó chính là cuốn sách vỡ lòng cũ kỹ không có bìa mà cậu bé chăn bò thường mang trong túi dết.


Bi-đên-cô ngước nhìn lên trên và trông thấy ở trên đỉnh cao nhất, trong đám lá xanh, vắt vẻo chiếc quần nâu vải thô quen thuộc, dưới ống quần thò ra đôi bàn chân bẩn thỉu như củ khoai.


Ngay lúc đó, Bi-đên-cô bật đứng dậy như ngồi phải lửa, vứt vội túi thuốc, điếu sâu kèn và bật lửa rồi thoáng một cái đã có mặt trên ngọn cây.


Va-nha ngồi yên không động đậy. Bi-đên-cô dướn người lên nhìn thấy cậu bé đang ngủ. Cậu cưỡi lên một cành đầy nhựa màu vàng, hai tay ôm lấy thân cây màu tím sần sùi và dựa đầu vào đó ngủ ngon lành. Bóng của lông mi chiếu xuống đôi má xanh xao và ở trên môi sưng mọng vì cơn sốt còn thoáng một nụ cười ngây thơ. Vậy mà cậu bé còn ngáy se sẽ.


Bi-đên-cô lập tức hiểu ngay mọi sự việc. Cậu bé chăn bò đã dùng một mẹo thật đơn giản, thật ngây thơ để đánh lừa anh. Đáng lẽ chạy lung tung trong rừng để trốn anh thì Va-nha làm ngược lại, tức khắc ngay sau khi khuất bóng, cậu trèo lên ngọn cây cao, ngồi đợi cho qua cơn sục sạo rồi mới bình tĩnh tụt xuống và đi theo hướng mình muốn. Nếu cuốn sách vỡ lòng không rơi vì túi dết bị sứt chỉ thì chắc chắn là sự việc diễn ra như thế.

“Chà, thằng láu cá! Thằng ranh! Thế là hết nước, cừ lắm!”-Bi-đên-cô vừa ngắm Va-nha vừa suy nghĩ có vẻ khâm phục.

Bi-đên-cô thận trọng ôm chặt vai, nhìn sát tận cậu bé và dịu dàng nói:

- Xuống thôi, chú em, bé chăn bò.

Va-nha vội vàng mở mắt. Nhìn thấy người trinh sát, cậu vùng ra. Nhưng Bi-đên-cô đã giữ chặt.

Cậu bé hiểu ngay rằng vùng ra vô ích và nói bằng một giọng tức tối, ngái ngủ:

- Thôi được.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Nhặt được cuốn sách vỡ lòng, thuốc lá và bật lửa, năm phút sau hai người tìm đường có xe chạy để xin đi nhờ về tuyến hai. Va-nha đi trước còn Bi-đên-cô thì đi sau một bước, luôn luôn chú ý theo dõi cậu bé. Anh khuyên bảo:

- Thôi, anh bạn, đừng trốn vào rừng nữa, đủ rồi. Vì sớm muôn cậu vẫn bị tóm kia mà. Trên đời này, chưa có ai thoát khỏi tay tớ. Hãy nhớ lấy điều đó.

Cứ nhìn thẳng, Va-nha bực rọc trả lời:

- Chú nói không đúng. Nếu quyển sách của cháu không rơi, chú đừng hòng bắt được cháu.

- Nhất định tóm được

- Chú nói không đúng.

- Tớ nói thật đấy. Chưa ai thoát khỏi tay tớ.

- Thế mà cháy đã thoát đấy.

- Nhưng nhất định sẽ bị tóm.

- Sẽ bị chưa phải là nhất định.

- Nhất định chứ lại!

- Chú nói không đúng.

- Chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu…

- Chú nói không đúng. Chú nói không đúng,-Va-nha nhắc lại một cách bướng bỉnh.

- Tớ cứ sục sạo khắp rừng là tìm ra.

- Sao chú không sục sạo đi?

- Hỏi gì lắm thế, rức cả đầu. Tớ chưa muốn sục sạo. Cứ theo dấu vết là tìm ra.

- Thế tại sao chú không tìm ra cháu?

- Chả tìm được là gì.

- Chú nói không đúng. Cháu khôn hơn chú. Chú lấy địa bàn ra tìm mà chẳng tìm được.

- Chỉ nói bậy! Tớ dùng địa bàn bao giờ?

- Chả thế là gì! Chú không thấy cháu, nhưng ở trên cây cháu thấy hết.

- Thấy cái gì?

- Cháu thấy chú định hướng địa bàn về phía cháu chạy.

“Thằng quỷ, cái gì nó cũng nhận xét”!-Bi-đên-cô nghĩ, hầy như có vẻ thán phục. Nhưng anh nghiêm khắc nói:

- Chú mày chưa hiểu được. Tớ dùng địa bàn để định hướng khỏi lạc xe. Việc đó không dính dáng đến chú mày.

Nói thế, Bi-đên-cô cảm thấy hơi ngượng. Nhưng câu nói đó không thuyết phục được Va-nha. Cậu bé vẫn bướng bỉnh nói:

- Chú nói không đúng. Chú định dùng địa bàn để tìm cháu. Cháu biết. Nhưng chú không tìm được là vì cháu lừa cho. Cháu mà tìm chú thì chằng cần địa bàn, nửa giờ sau sẽ bắt được chú, ngày cũng như đêm, rừng rậm cũng như rừng thưa.

- Ồ, như vậy thì chú mày quá ba hoa!

- Đánh cuộc nào.

- Tớ lại đánh cuộc với chú mày! Đừng chơi chèo.

Chú với cháu thử xem. Không cần đánh cuộc. Chú cứ lấy gì bịt mắt cháu rồi trốn vào rừng. Năm phút sau, cháu bắt đầu đi tìm chú.

- Không tìm được đâu.

- Thế mà tìm được đấy.

- Đừng hòng!

- Nào thử tí xem!-Bi-đên-cô nói vì máu trinh sát bỗng nổi lên.-Chú mày nhất định không tìm được.-Nhưng bỗng anh nghi ngờ nói.-Khoan đã. Thế rồi sao? Tớ vào rừng, thế chú mày lợi dụng thời gian đó để chuồn đi chứ gì? Không được đâu, thằng nhóc, láu vừa chứ. Tớ thừa hiểu.

Va-nha mỉm cười:

- Chú sợ cháu trốn à?

Bi-đên-cô bực bội nói:

- Chẳng sợ gì cả. Tớ nhức đầu vì chú mày nói nhiều quá.

- Chú đừng lo,-cậu bé vui vẻ nói,-thế nào rồi cháu cũng trốn.

Quan giọng nói vui vẻ đó, hạ sĩ Bi-đên-cô cảm thấy một lòng tin sâu sắc và ý định kiên quyết cho nên, mặc dầu im lặng, anh tự nhủ mình phải luôn luôn hết sức cảnh giác.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Cậu bé lúc này như con ngựa bất kham. Với đôi bàn chân không, cứng cáp, cậu bước nhanh ở phía trước Bi-đên-cô. Hình như để trả thù các chiến sĩ trinh sát đã làm trái ý mình, cậu bé nhắc đi nhắc nhắc lại với giọng trêu tức:

- Thế nào cháu cũng trốn! Trói lại cháu cũng trốn. Sớm muộn thế nào cháu cũng trốn.

- Đừng tưởng! Tớ sẽ trói cho mà xem. Cũng chóng thôi. Lúc đó tha hồ mà trốn.

Bi-đên-cô suy nghĩ một lúc.

Bỗng anh quyết định.

- Lấy sợi dây, trói lại là hết chuyện!

Quả thật, cũng như mọi trinh sát viên lo xa, lúc nào Bi-đên-cô cũng mang theo trong người một sợi dây nhỏ và dài, dài khoảng năm thước. Anh thực sự đắn đo xem, khi ngồi trên xe, có nên buộc Va-nha nối vào mình không. Phải ngồi trên xe khá lâu. Dọc đường có thể ngủ quên mất. Lúc đó, thằng bé sẽ có dịp nhảy qua thành xe, chạy trốn.

Bi-đên-cô nghĩ: “Thế thì đã sao. Buộc nối với mình thế là hết chuyện. Đến nơi ta sẽ cởi ra. Thằng bé sẽ
chẳng việc gì cả”.

Và đúng như vậy, khi ra đến đường cái và xin được đi nhờ xe, Bi-đên-cô lấy ở túi áo ra một cuộn dây cuốn cẩn thận. Anh vui vẻ nói, pha trog để cho cậu bé khỏi tự ái:

- Nào, chịu khó một tí, chú chăn bò ạ, tớ sẽ trói chú mày đấy!

Nhưng Va-nha chẳng hề tự ái. Cậu bé cũng trả lời bằng giọng nửa đùa nửa thật như vậy.

- Chú ạ, chú cứ trói. Nhưng buộc cho kỹ vào, không có cháu cởi ra đấy.

- Nút buộc của tớ là nút kép, chú mày không cởi được đâu. Nói xong, Bi-đên-cô lấy dây buộc chặt, nhưng không thít mạnh vào cánh tay Va-nha, trên cùi tay một chút, rồi cuốn đầu dây quanh bàn tay của mình.

- Bây giờ thì chú mày bó tay thôi, chú chăn bò ạ. Không trốn được nữa.

Cậu bé im lặng, lim dim mắt. Nhưng trong mắt vẫn thấy thấp thoáng ánh lên những tia sáng.

Xe đi nhờ là một chiếc xe Mỹ mới kiểu “Xtu-đê-béc-ke” rất tốt, rộng rãi, có che bạt. Xe đi không, không chở hàng. Lúc đầu, Bi-đên-cô và Va-nha là những hành khách độc nhất. Hai người nằm thoải mái trên những bao vải rộng trống không, ngay gần buồng lái là chỗ không bị sóc.

Mấy lần Bi-đên-cô gợi chuyện nói với Va-nha nhưng cậu bé không hề hé răng. Bi-đên-cô thú vị nghĩ:
“Trông kìa, kiêu hãnh làm sao! Bé mà dữ tợn gớm! Thằng nhỏ có tính tự lập đấy. Rõ là đã được rèn luyện nhiều trong cuộc sống”.

Và anh lại bắt đầu nhớ lại thời thơ ấu xa xôi.

Qua mỗi trạm kiểm tra lại có thêm khách đi nhờ xe. Chẳng mấy lúc xe chật ních.

Có những chiến sĩ mới dời chiến đấu, từ tiền tuyến về. Họ dễ nhận ra ngay vì đội mũ sắt, quàng áo mưa ngắn và bẩn thỉu.

Có hai sĩ quan hậu cần mặc áo ngoài chẽn bó lấy người, vai đính quân hàm màu bạc, đội mũ lưỡi trai mới và cứng.

Có một cô gái công tác tại cửa hàng cung cấp cho quân đội, mặc áo mưa, đi ủng ngắn giả da, có bộ mặt tròn trĩnh, ửng đỏ, lộ ra dưới chiếc khăn quàng, buộc theo kiểu nông thôn, trông như cái bắp cải.

Có một số phi công chiến đấu vui tính. Họ luôn mồm hút thuốc lá bằng những bót thuốc lá dầy trong suốt, làm bằng mảnh vụn của tấm kính nhựa chắn đạn tại nhà máy sản xuất máy bay.

Có một người phụ nữ trung niên, bác sĩ phẫu thuật, béo tốt, đeo kính trắng tròn, đội mũ nồi xanh chụp lên mái tóc hoa râm cắt ngắn.

Nói tóm lại, đó là những người thường hay đi nhờ xe trên những khoảng đường thời chiến.

Trời đã tối.

Mưa rơi lộp độp trên vải bạt. Đường còn xa. Mọi người đã bắt đầu ngủ gà ngủ gật, nằm ngồi ngổn ngang.
Đầu gối lên bàn tay cuốn dây, hạ sĩ Bi-đên-cô cũng bắt đầu thiu thiu ngủ. Nhưng anh vẫn thính. Thỉnh thoảng, thức giấc, anh giật sợi dây.

- Gì thế chú?-Va-nha ngái ngủ trả lời.- Cháu vẫn còn nằm đây. ]

- Ngủ đấy à, chú chăn bò?

- Vâng.

- Thôi được, ngủ đi. Tớ chỉ thử xem “đường dây” thế nào.

Rồi Bi-đên-cô lại thiếp đi.
 
Top