Tính cách và kinh nghiệm làm việc với người Nga

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Tính cách và kinh nghiệm làm việc với người Nga

T
rên mạng không thấy bài viết nào về lĩnh vực này, nhất là thiếu những nghiên cứu tính cách người Nga, nên tôi muốn chia sẻ với mọi người kinh nghiệm hơn 30 năm sống, làm việc và trưởng thành trong cộng đồng người Nga và người Slavơ nói chung.

Trong công việc của các Cty bất kỳ trên thế giới hiện nay, Tính đồng đội (работа в команде) được được coi là tiêu chuẩn hàng đầu, có tính chất sống còn của mỗi doanh nghiệp. Khi làm việc trong 1 tập thể người Nga, nếu thiếu hiểu biết tính cách người ta thì mình không thể hòa nhập, chỉ là làm công ăn lương đơn thuần, không là 1 nhân tố thực sự trong đội ngũ, khó có tương lai để phát triển cá nhân và thành công trong sự nghiệp.
Vậy,

I . Tính cách người Nga có những gì khác với người Việt?
Ta lần lượt xem qua những khía cạnh chính để suy ra cách ứng xử hợp lý cho mình.

1. Khác về Triết lý cuộc sống.
Khi nhìn nhận hay giải quyết vấn đề gì đó, người Á đông thường tiệm cận từ xa đến gần, từ xung quanh đến bản chất, còn người châu Âu thì đi thẳng vào vấn đề, đề cập ngay không cần so đo, suy tính....
Hồi tôi đi học, ta thường cho Triết lý Á đông như vậy hợp lý hơn, có hiệu quả hơn trong giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống và công việc. Ví như cần đi lên đỉnh một ngọn núi, người Á đông đi quanh dần dần lên, độ dốc vừa phải, an toàn, tuy có hơi lâu, còn người châu Âu cứ cắm đầu đi thẳng lên đỉnh, không lượng sức mình để tìm phương pháp hợp lý hơn.
Ngày nay, Triết lý đó chưa chắc đã đúng trong công việc. Nếu vật chất, kỹ thuật không bảo đảm, ý thức kém ... thì những con đường quanh co dần lên đỉnh núi là thảm họa của bao vụ tai nạn giao thông, còn người ta có kỹ thuật và điều kiện vật chất thì làm ngay cáp treo hay xe điện leo dốc, kết quả của họ vừa nhanh vừa đẹp hơn!

2. Khác về quan niệm đạo đức.
Ta xem qua 1 ví dụ: Người Nga có 2 câu nói khác nhau “безнравственный поступок” và “аморальный поступок” đều dịch là “hành động vô đạo đức”. Về Đạo đức, tiếng Nga có 2 khái niệm khá khác nhau “Нравственность” và “Мораль” (gần như “Đạo lý” trong tiếng Việt). Họ rạch ròi vậy, nên trong cuộc sống, nhất là dưới sự tác động của kinh tế thị trường hiện nay, những phạm trù đạo đức của họ đứng vững, không bị những gì thuộc về vật chất tác động để hạ thấp ngưỡng đạo đức trong xã hội.
Ngay từ những năm 70 khi tôi còn đi học, SV ta thấy người Nga nói sao làm vậy, không tìm cách “biến tấu” để xử sự tối ưu có lợi cho mình, từ đó mới có thành ngữ “Nga ngố” để chỉ người Nga, và khá phổ biến cho đến nay.
Theo cảm nhận của tôi, và bản thân thấy rõ qua hơn 2 năm thực tế làm việc tại VN vừa rồi, có thể coi những ngưỡng đánh giá đạo đức của VN ta hiện nay và Nga khác nhau 1 bậc.
Nếu ta coi là “Ngố”, "Cứng nhắc” thì với người Nga là “Thành thực”,“Thẳng thắn”;
Nếu ta coi là “Khôn ngoan” thì với người Nga là “Xảo trá”;
Nếu ta coi là “Xảo trá” thì với người Nga là “Lừa gạt”;
Nếu ta coi là “Lừa nhau” khá phổ biến trong cuộc sống thì với người Nga là “Lừa gạt tội hình sự, phải đi tù”.

3. Khác về tính cách. Rất nhiều tính cách khác nhau, tôi chỉ xin nêu 2 cái.
- Trung thực, trong suy nghĩ, lời nói và việc làm.
Biết giữ lời hứa, làm đúng như đã giao ước là đánh giá tối thượng khi nhìn nhận con người, dù là trong quan hệ hàng xóm, bạn bè hay đồng nghiệp. Còn ta, ngay từ những năm 80 đã có câu:
Quân tử nhất ngôn là quân tử dại,
Quân tử nói lại là quân tử khôn.
Nay thì câu này đã đi vào tiềm thức, gần như là “Kim chỉ nam” trong mọi ứng xủ giao tiếp. Lấy ví dụ, hầu hết các forum của ta, ở đây cũng vậy, nút “Cảm ơn” hay “Thích” đều có thể xóa (đã nói lời Khen người ta rồi thì sau đó có thể lấy lại, không khen nữa), trong khi đó trên Runet rất ít gặp như vậy.
- Lòng Trắc ẩn, trong đáy lòng và hành động.
Ta đều biết, nguồn gốc phát sinh lòng trắc ẩn chính là lương tâm ngay thẳng (chân tâm) của con người. Người Nga coi Отзывчивость (Lòng Trắc ẩn, Cảm thông...) là quà tặng của Thượng đế cho dân tộc Nga, là vũ khí chiến thắng cái Độc ác. Những ai đã học ở Liên Xô và Nga thấy rõ, còn ở ta hiện nay thì tôi không dám nói. Đã có lúc, khi thấy hay va chạm trong thực tế, tôi tự hỏi: Chẳng lẽ người mình nay đối với nhau tệ đến thế ư?
....

(Còn nữa - Những kinh nghiệm làm việc sẽ được trình bày dần sau khi hiểu được cơ sở nhân học của chúng)
 
Chỉnh sửa cuối:

T.Phú

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Cháu rât thích đoạn này của bác
"Nếu ta coi là “Ngố”, "Cứng nhắc” thì với người Nga là “Thành thực”,“Thẳng thắn”;
Nếu ta coi là “Khôn ngoan” thì với người Nga là “Xảo trá”;
Nếu ta coi là “Xảo trá” thì với người Nga là “Lừa gạt”;
Nếu ta coi là “Lừa nhau” khá phổ biến trong cuộc sống thì với người Nga là “Lừa gạt tội hình sự, phải đi tù”."
như vậy mới là đất nước phát triển :)
 

Hồng Nhung

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Cháu phải công nhận là cái tình từ хистрый đc người Nga nói rất mỉa mai, bị coi như 1 mình tính xấu vậy. Lần đầu tiên cháu thấy biểu cảm cuả họ khi nhạn xét ai đó như vậy, cháu rất ngạc nhiên. Nhưng từ khôn ngoan của nhà mình cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, nếu khôn ngoan mà gây tác dụng ko tích cực thì хистрый, nhưng khôn ngoan là thể hiện sự khôn khéo, thì tiêngs nga nói thế nào hả bác?
Cháu mới chỉ tiếp tục với các cô giáo và 1 số Sv Nga, nhưng cháu thấy họ hiếu chiến, hiếu thắng, ko thích xử lý câu chuyện 1 cách mềm mỏng, ngồi với nhau để cùng giải quyết.
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
... хистрый, nhưng khôn ngoan là thể hiện sự khôn khéo, thì tiêngs nga nói thế nào hả bác?
Cháu mới chỉ tiếp tục với các cô giáo và 1 số Sv Nga, nhưng cháu thấy họ hiếu chiến, hiếu thắng, ko thích xử lý câu chuyện 1 cách mềm mỏng, ngồi với nhau để cùng giải quyết.
Хитрый là "Ranh", Ranh mãnh"..., còn "Khôn ngoan", tùy từng trường hợp, khôn cái gì và ngoan với ai, có thề dùng "Хитроумный", "Мудреный", "Ловкий", "Искусный"...

Còn ý này: "cháu thấy họ hiếu chiến, hiếu thắng,..." thì cần xem lại. Có thể mình nhìn sự thắng thắn, trực tính của họ dưới lăng kính Á đông? Hay là do mình thiếu cứng rắn khi bảo vệ ý kiến quan điểm của mình?
Để cháu thấy sự cầu thị và tôn trọng cái đúng của dân Nga, tôi kể 1 chuyện:
Hồi đầu năm 90, khi tôi mua căn hộ để ở lại Nga lâu dài. Ở được gần nửa năm, đến kỳ họp Ban Quản lý chung cư, họ bầu tôi làm Trưởng ban. Tôi bảo, tôi là người nước ngoài, chưa có quốc tịch Nga thì làm thế nào được, chưa kể phải nhận xét con cái họ khi chúng vi phạm gì đó ngoài đường bị Công an bắt giữ.... Đa số bảo; Không sao, anh làm là tốt nhất, cứ làm đi chúng tôi ủng hộ... Tôi phải làm 2 nhiệm kỳ 8 năm như vậy.

Nếu có tư tưởng hiếu chiến, hiếu thắng, thì làm gì có chuyện đó! Cứ đặt việc đó vào hoàn cảnh VN ta thì dân ta có tính “ăn thua” hơn nhiều!
 

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
(Tiếp theo)
4. Khác về cách nói.
Tiếng Việt là ngôn ngữ tượng hình, giàu âm hưởng và diễn đạt hình tượng nên dùng có thái quá thì cũng là thường tình. Người ta thường nói: Tiếng Pháp để nói với người yêu,tiếng Anh dùng trong công việc, tiếng Đức để chửi kẻ thù còn tiếng Nga dùng ở đâu cũng được. Đó là nhờ sự chặt chẽ, súc tích, diễn cảm của tiếng Nga, cho nên việc “bê” nguyên văn tiếng Việt sang tiếng Nga nhiều lúc bất cập, không bình thường.

Không ít cụm từ ta không dịch đúng nghĩa sang tiếng Nga được. Ví dụ:
- “Cộng đồng” trong câu “Vì sức khỏe cộng đồng”, nếu dịch là “Сообщество” thì sẽ sai vì “Сообщество” trong tiếng Nga để chỉ 1 nhóm gắn bó nào đó trong xã hội, chẳng lẽ chỉ lo sức khỏe cho 1 nhóm nào đó trong toàn xã hội thôi ư?
- “Dân sinh” khi nói “Xây dựng cầu dân sinh”. Thú thật, tôi không biết dịch thế nào cho đúng, vì trừ cầu quân sự ra thì cầu nào chẳng phục vụ cho cuộc sống của nhân dân?!
- “Xã hội hóa Y tế” chẳng hạn. Tiếng Nga không có khái niệm đó, nhưng nếu dịch theo bản chất là “приватизация” (tư nhân hóa) thì sẽ bị phê bình là thiếu quan điểm.
Còn nhiều nữa, không tiện nói ra.

5. Khác về quan niệm sống, lối sống
Tôi chỉ nêu vài ví dụ:
Ở Nga, ở các bến tàu, bến xe, việc gửi đồ đạc nhờ hành khách cùng ngồi chờ để mình đi việc riêng dăm phút là chuyện thường tình. Ở ta thì tuyệt đối cấm..
Ở Nga, bà con ở nơi khác đến thăm ở lại nhà của chủ nhà được coi là vinh dự, thể hiện sự gắn bó dòng tộc. Ở ta thì nên thuê khách sạn ở, rồi đến thăm sau được coi là đàng hoàng, sang trọng?!
Ở vùng quê Nga, khi con cái có gia đình mà ở với mình, bố mẹ thường làm thêm căn nhà nhỏ cho 2 vợ chồng già, còn con cái sống trong căn nhà chính do họ cả đời xây dựng nên. Ta được coi là "bố mẹ hy sinh vì con cái" nhưng không gặp như vậy.
Trong nhà, những gì là phần thưởng thì họ trưng bày, những gì thuộc về bằng cấp, vị trí mình đạt được thì không, vì sẽ là hợm hĩnh trước mắt mọi người. Ở ta, tôi gặp rất nhiều nhà treo bằng ĐH, Thạc sĩ của con cái lên. (Có lần thấy ở nhà 1 người bà con treo ảnh phóng to Bằng ThS của con vừa tốt nghiệp ở Anh về, tôi đùa: Sao anh không treo QĐ kết nạp Đảng lên, QĐ của Đảng giá trị hơn cái bằng này nhiều chứ?)

Về quan hệ trong giao tiếp công việc, xin trích lời của nhiều người Nga sau khi làm việc ở VN: “Người Việt hay thích quà”, hay Tiếu lâm của 1 bạn Nga đã nhiều năm ở VN:
Совещание антикоррупционной комиссии. После окончания, каждый получил конверт за свое участие.(Cuộc họp Ủy ban chống tham nhũng. Họp xong, mỗi người nhận một phong bì do đã tham gia).

II. Vài kinh nghiệm khi làm việc với người Nga.

Với công việc của HDV du lịch. Lợi thế là biết tiếng Nga chỉ cần ở mức độ khá, nói lưu loát là được dù có thiếu chính xác cũng không sao. Nhưng có 2 chú ý nhỏ:
- Vì dân tộc Nga có một trong những nền văn hóa vĩ đại của nhân loại, nên việc thêm vài tục ngữ, thành ngữ Nga khi giới thiệu (ví dụ để so sánh VH của ta với VH Nga ta đệm thêm: Как русские говорят ...) sẽ làm cho bài thuyết trình sinh động, người nghe khoái hơn và ghi nhớ hơn.
- Dân Nga rất ham hiểu biết, tích lũy kiến thức: ta thường gặp học sinh ghi chép khi xem Viện bảo tàng hay thấy họ rất hay đọc sách báo ở metro... Ở Nga, HDV thường có bằng ĐH khoa Lịch sử, cho nên ngoài bản thuyết trình mẫu, nên có nghiên cứu thêm đối tượng cần giới thiệu (danh thắng, công trình VH). Vừa là kiến thức cho mình, vừa ý nghĩa cho đất nước con người Việt, và 1 điều, theo tôi cũng quan trọng là:
Trong số dân du lịch không ít người có cương vị, doanh nghiệp nhất định. Nếu mình được coi là người hiểu biết, thông minh ... thì sẽ có lúc họ nhớ đến khi cần việc gì đó ở VN. Vì vậy, theo kinh nghiệm bản thân tôi, việc làm quen với những ai thích mình, quý mình (nhớ để lại danh thiếp) cũng là cầu nối đến tương lai.

Trong công việc với người Nga hay do người Nga chỉ đạo, nếu mục đính làm việc lâu dài, không chỉ vì đồng lương trước mắt thì cần chú ý để khắc phục 5 điểm khác nhau nêu trên.
Ngoài ra cần lưu ý thêm:
- Tính chính xác trong công việc, nhất là khi làm báo cáo... Như những nước công nghiệp phát triển, họ rất coi trọng các con số, tính toán tỷ mỉ... , những kết luận chung chung, những cụm từ “ba phải” thường thấy chỉ làm xấu cho việc mình làm.
- Trong giao tiếp, những kiểu nói có tính “khúm núm” (1 từ lại Dạ, 2 từ lại Dạ) chỉ hạ thấp mình trước mắt người khác.
- Cố gắng dùng ngôn ngữ nói, những câu thông dụng..., hạn chế những câu có cú pháp quá đầy đủ học ở trường. Vì khi nghe những câu “sách vở” người ta sẽ cảm thấy giao tiếp có tính lễ nghi, ngoại giao mà không nhận ra sự thật tâm, chân tình của mình.
- Người Nga rất ghét Mỹ, văn hóa và lối sống Mỹ nói chung. Khi viết văn bản tiếng Nga tuyệt đối không dùng các từ tiếng Anh đệm vào, hay viết theo kiểu Anh: Viết hoa chữ cái đầu các từ trong tựa để... . Dù bài viết có hay đến đâu nhưng có những “thứ” đó thì bị coi là không tôn trọng văn hóa Nga.
- Người Nga, nhất là phụ nữ Nga, rất coi trọng sự thông minh, vì theo họ và với điều kiện của đất nước họ, người đàn ông thông minh sẽ làm được tất cả trong hiện tại cũng như tương lại. Ai được Trời phú cho khả năng này thì nên tận dụng tối đa mà không sợ họ cho mình qua mặt hay ganh tỵ.... (tất nhiên, phải biết cách trình bày ý kiến thông minh của mình để nghe cho ‘lọt tai).

P.S. Những suy nghĩ trên đây có t/c “chấm phá”. Đang rất bận, nhưng thấy nhiều bạn quan tâm đến chủ đề nên sẽ cố gắng viết thêm phần “Kinh nghiệm khi xin việc ở các Cty Nga”
 
Chỉnh sửa cuối:

Nguyễn Tuấn Duy

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Mình cũng đã có dịp may từng làm việc trong một công ty Việt, có các bạn người Nga cộng tác, cũng có nhiều bạn biết tiếng nga giỏi hơn mình, cũng có bạn làm các nhiệm vụ khác không liên quan đến tiếng nga (không hề biết tiếng nga). Nhưng nếu nói là phải giỏi tiếng nga thì người nga họ mới tin tưởng thì theo mình là không đúng. Có thể các bạn không giỏi tiếng nga (thậm chí là không biết tiếng nga), nhưng cách bạn thể hiện con người bạn, khả năng của bạn mới là quan trọng để người khác nhìn nhận và đánh giá, rồi để tin tưởng nhau còn là một quá trình dài, đâu thể bằng vài ba câu tiếng nga lưu loát mà làm người ta tin mình được!
Những người bạn nga trong công ty cũ của mình rất yêu quý, đặc biệt yêu quý những người đồng nghiệp VN không hề biết tiếng nga, để hiểu nhau họ nhờ mình hoặc ai đó phiên dịch, thậm chí chẳng cần phiên dịch. (có thể bạn không tin lắm)
Và tất nhiên ở bất cứ đâu cũng có người này người kia , cái đó không tránh được :)
 
Chỉnh sửa cuối:

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
Sao anh Hứa lại nghĩ rằng làm bên kỹ thuật thì không cần giỏi tiếng Nga nhỉ? Bên nào cũng thế thôi, cái sự “giỏi tiếng Nga” không bao giờ là thừa. Nhưng quan trọng nhất khi làm việc với người Nga là phải bày tỏ chính kiến của mình một cách rõ ràng rành mạch, không úp mở, thà mất lòng trước còn hơn được lòng sau. Có thể trong công việc là đối thủ gay gắt, nhưng trong đời thường vẫn là bạn. Nhìn chung người Âu-Mỹ rất không thích người Á Đông ở một điểm: luôn lòng vòng, không chịu nói rõ ràng, cứ úp úp mở mở với nụ cười thường trực trên môi.
 
Top