Nhật Kí Ngỏ

Hồng Nhung

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
Loại hình trượt tuyết bằng cho chó kéo ở vùng Sibiri, miền bắc chứ khu miền nam chắc ko có đâu. Có 1 loại hình nữa, đơn giản hơn dành cho từ trẻ con tới người lớn - trượt tuyết bằng tấm ván hoặc phao. Mọi người ngồi lên đó và trượt (lao) từ trên dốc xuống. Dốc thì gồ ghề, chân dốc có thể chính là mặt sông bị đóng băng. Cảm giác khi trượt xuống rất thú vị, xóc hơn ổ gà. Xuống tới nơi chỉ lao vào chỗ băng mỏng thì đc tắm băng miễn phí.

 

pasha91

Thành viên thường
Kỷ niệm 5 năm lưu học Nga

Tháng 11 năm 2010,

Hôm ấy trời Việt Nam trong, xanh, hửng chút nắng, không có gì đặc biệt. Có chăng đặc biệt chỉ trong bản thân mỗi người thôi – hôm nay tôi tới LB Nga du học.

Du học – một điều gì đó rất trừu tượng đối với thằng nhỏ 19 tuổi chưa từng ở xa nhà quá 40 km trong thời gian trên 1 tháng. Vừa háo hức, vừa lo lắng, nhưng nói chung thì háo hức nhiều hơn. Trước lúc đi, như thói thường của một dư luận què quặt – nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không công bằng. Người bảo “Thôi, đi Voronezh cũng không khác Leningrad là mấy, nước Nga phát triển nên chất lượng giáo dục giữa các tp cũng không khác nhau nhiều cháu à”. Người dọa “Đi ra đường thì thấy chỗ nào đông người là phải tránh ngay, tha thẩn vào nó oánh cho không có ngày về…” . Chỉ có rất rất ít những lời lẽ công bằng “Ở đâu cũng có cái tốt cái xấu…” mà thằng nhỏ được nghe. Nhưng lẽ dĩ nhiên, cái háo hức của thằng nhỏ lấn át tất cả.

Ngày… tháng 3 năm 2015.

So với chặng đường đã qua, khoảng thời gian đếm ngược cho tới ngày tốt nghiệp ĐH của thằng hiện tại chỉ đếm bằng vài lần chớp mắt nữa thôi. Những ngày này kỉ niệm 1 năm sự kiện mang tính lịch sử của nước Nga trong thế kỉ 21. Tình cờ chạm vào mặt một bài blog than phiền về tình trạng “vô dụng, vô tích sự” của sinh viên nước ngoài khi học tập tại Nga hiện nay. Thằng hiện tại không đủ tư cách để phán xét, nhưng thằng lớn (hơn so với thằng nhỏ ở trên) thôi thúc nó phải viết gì đó, để lưu lại khoảnh khác, để tự so sánh. Nếu không viết bây giờ, e khó có cơ hội hồi lại.

Đi du học ở Nga cho thằng nhỏ nhiều thứ, nhưng thằng lớn có thể gom hết vào 4 chữ: “độc lập, tự do”. Độc lập về tài chính, tự do về tâm hồn.

Thằng nhỏ đi học ở LB Nga với hb nhà nước 420 $/tháng, nhận theo cục 1 năm 2 lần. Lần đầu du học xa nhà, những tháng đầu tiên, thiếu tiền. Nhưng chỉ 1 lần mà thôi, và sau này thằng bớt nhỏ học được cách lên kế hoạch và thực hiện quản lý tài chính cá nhân, nên hắn dần vứt bỏ những lo lắng về chuyện tiền nong. Du học Nga dạy cho hắn cách đối xử với đồng tiền, quản lý, sử dụng nó bền vững.

Thời gian của tôi, tôi thích dùng nó sao thì nó vậy. Du học Nga dạy thằng nhỏ cách quản lý thời gian, đúng hơn là thúc ép hắn phải tìm cách tăng thời gian làm việc của bản thân, và sử dụng thời gian ấy hiệu quả hơn. Khi đã vào guồng rồi thì tự nhiên hắn thấy mình được độc lập về thời gian. Độc lập về tài chính cộng với thời gian, tâm hồn nhỏ được thả bước theo dòng chảy lớn.

Đó là tuần đầu tiên học chung lớp, ngồi chung bàn với các bạn tóc không đen mà người ta gọi là Tây. Đây là tiết học thể dục đầu tiên của tuần thứ nhất. Phải hòa mình, phải hòa mình… Tiếng Nga dốt, các bạn nói hắn không hiểu, hắn lắp bắp các bạn cũng không hiểu, nhưng thằng nhỏ biết các bạn muốn nó đá bóng. Các bạn chia đội. Đá. Nhưng buổi đầu gặp nhau, các chàng không biết phân biệt địch-ta thế nào, vậy là một bên cởi trần, bên kia mặc áo. Ấy là nhỏ ta cởi trần… Khi ấy hắn 54 kg, mảnh và khẳng khiu giữa các bạn (thực ra là các em trai, ít tuổi hơn hắn) cao hơn, và to hơn. Thằng nhỏ xấu hổ, vì bản thân, vì giống nòi. Thằng nhỏ từ hôm ấy tìm cách tập luyện, thay đổi chế độ ăn, nghỉ. Thằng lớn bây giờ, sau một lần đến nhà thầy chơi, tình cờ gặp học trò cũ của thầy vớ được câu của ông: “Cái vai u lên của mày chắc khiến nó (học trò cũ của thầy) thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về người Việt. Thường trong hình dung của người Nga, người Việt thường bé bé, trẻ trẻ, hơi yếu…” Có lẽ thầy quá lời, nhưng cũng là một sự thay đổi.

Thằng nhỏ trước khi du học, nhìn thấy Tây là ngưỡng mộ lắm. Mấy ông cao, trán rộng, kinh tế đứng đầu thế giới, chả thế mà người ta thường lấy chuẩn “như Tây” để đánh giá mọi thứ chất lượng cao. Thằng nhỏ học cùng lớp với các bạn Tây. Thằng nhỏ nhận ra là không phải bạn nào cũng khá, không phải bạn nào cũng dốt. Và không phải ai cũng tử tế để nhận xét được như bà cắt tóc:

- Cô ơi, cô có biết gì về Việt Nam không? Cảm nhận của cô khi cháu nói Việt Nam như thế nào?

- Chả biết. Cô chưa đến đấy bao giờ, mà cũng không biết gì cả. Nhưng mà nói chung thì chắc ở đâu cũng có thằng khôn thằng đần, có tốt có xấu. Kiểu vậy.

Thằng nhỏ sốc vì một bà cắt tóc còn có thể nhận xét một cách công bằng đến như vậy (tựa hồ, hơn là ông kĩ sư – học trò của thầy giáo mình).

Thằng nhỏ trước khi sang Nga không ấn tượng lắm về các bạn châu Phi, nó thích gọi các bạn là “da đen” hơn. Thằng nhỏ ấn tượng về các bạn này là thất học, đói nghèo, không có tương lai. Mới sang Nga thằng nhỏ cũng khinh các bạn, vì dốt toán, và hôi. Bây giờ thằng lớn biết rằng, các bạn Phi rất có khiếu về âm nhạc, tiếp thu ngoại ngữ rất lẹ. Còn hôi thì các bạn Nga đi rừng không khử trùng hàng ngày thì cũng xuất như vậy thôi. Hơn nữa là cô giáo thằng lớn có lần cũng đề cập đến giả thuyết giải thích tại sao có nhiều cuộc hôn nhân Nga-Phi, rằng trong mồ hôi của các bạn Phi có hormone gì gì đó, rất quyến rũ con gái Nga…

Lòng vòng thế cuối cùng thằng lớn cũng ngộ ra cái điều mà thằng nhỏ nghe suốt ngày: là người ai cũng như nhau. Tệ hại đều xuất phát từ cách nhìn khác nhau giữa người với người.

Nhưng cũng có điều mà chỉ mới gần đây thằng sắp lớn mới nhận ra. Thằng nhỏ luôn thắc mắc tại sao Nga cứ hơn Việt Nam hoài, thằng nhỏ bị găm vào đầu câu nói của cô giáo dạy sử khi học dự bị tiếng:

- Piot đệ nhất là người dựng nên đế chế Nga hùng mạnh. Ông ấy cải cách toàn diện và sâu sắc nước Nga…

- Cô ơi, ông lấy đâu ra tiền để cải cách hết thế ạ? Thằng nhỏ lắp bắp 3-4 lần cô giáo Nga mới hiểu cho. Lập tức cô trả lời dứt khoát và tự hào:

- Nước Nga không bao giờ là một nước nghèo.

Ấy thế mà từng nghe một giáo viên Nga khác than thở: “Tao không biết Putin với Medvedev làm ăn kiểu gì nữa. Chả biết đến lúc hết dầu thì nước Nga này về đâu?”

Nhưng dẫu cho thế, thì thằng hiện tại cũng vô cùng ấn tượng về một cách sống Nga rất lạc quan ngay trong những ngày đen tối nhất. Tình cơ thằng hiện tại nghe được bài hát của Любэtrong album xuất bản năm 1992, giữa lúc nước Nga vừa trải qua một cơn ác mộng: “Ктосказал, чтомыплохожили?” (Ai nói chúng ta đã sống khổ sở?). 2 bài hát mà thằng hiện tại nghe cứ da diết, kiên quyết: “ затебя… затебя… затебя…”[ii] Rồi mới chưa lâu, cũng Любэ cất lời: “Через тернии к звездам, через радость и слезы… Гордо реет над нами нашей Родины знамя.”[iii]

Ngày kỉ niệm 1 năm ngày Крым sát nhập Nga, có điều gì đó tựa như Олег Газманов: “Я сегодня не такой, как вчера…”[iv].

Theo mô típ truyện cười
Пpиехала в Москву делегация МВФ.

Попали на пpием к Киpиенко. Кабинет солидный, на столе компьютер стоит. Смотрят, а у него мыша от компьютеpа на шкафу лежит.
- Hу, они его и спpашивают: "Зачем?" А он им отвечает:
- "Моя мыша. Куда хочу - туда и кладу."
Аналогично с Чубайсом. Мыша - под столом. Тоже спpосили - зачем. Получили тот же ответ.
Ну и с Немцовым та же история, только мыша под креслом валяется.
Под конец попали они к Ельцину. Спpашивают:
- Что это за безобpазие у ваших: у одного мышь на шкафу, у дpугого под столом, у тpетьего под кpеслом?
Ельцин:
- Ослы.
Делегаты:
- Hу, а зачем же вы их ставите на такие ответственные посты?
Ельцин:
- Мои ослы, куда хочу - туда и ставлю.

[ii] За тебя – bài hát trong album Любэ “Кто сказал, что мы плохо жили?” 1992.
[iii] За тебя, Родина-мать – Любэ 2004
[iv] Câu hát trong bài Свежий ветер – Олег Газманов.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Nước Nga - Một tình yêu đơn giản

Hôm nay tôi viết về nước Nga. Phải! Đó là nước Nga của tôi . Nghe thật buồn cười nhưng đó là cái tình yêu buồn cười và dung dị của tôi dành cho nó, dành cho xứ xở bạch dương, xứ xở của vị lãnh tụ Lê- nin, người đã sát cánh cùng Bác Hồ kính yêu của chúng tôi và cả đất nước tôi, đưa nó trở về một quốc gia độc lập, tự do như cái mà nó vốn thuộc về.Tôi bén duyên với nước Nga từ hồi còn rất nhỏ, khi mỗi tối về bố và những người bạn của bố hay kể cho tôi về nước Nga – Xô Viết, kể về cụ Lê-nin, kể về tình đồng chí giữa đất nước Nga với đất nước Việt Nam, giữa con người Nga với con người Việt Nam,…. và tình cảm ấy lớn dần trong tôi từ thuở nào không ai biết.

Phải chăng tôi đã mặc định thứ tình cảm đó của mình với tình yêu của bố dành cho xứ Bạch Dương ? Tôi không rõ. Có lẽ là cả hai, tôi đã yêu xứ xở đó và yêu thêm phần tình yêu của bố tôi. Nga cũng đến với tôi qua những bài học lịch sử tôi được học trên lớp. Đó là những bài học về sự giúp sức của quân đội Nga với quân đội Việt Nam trong những trận chiến dành độc lập dân tộc; là những người con ưu tú của Việt Nam lên đường sang Nga du học để rồi quay trở về xây dựng đất nước, quê hương, có cái gì đó thân thiết lắm, nghĩa tình lắm giữa sợi dây tình cảm ấy. Là một người yêu văn thơ, tôi chẳng thể thờ ơ với những nhà thơ, nhà văn đến từ xứ bạch dương. Tôi cao hứng đọc bài thơ tình tuyệt hay của Puskin:

“Tôi yêu em đến nay chừng có thể,
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã đã tàn phai
Nhưng chẳng để em bận lòng hơn nữa
Hay lòng em phải gợn bóng u hoài”
(Tôi yêu em)

Tôi cũng say sưa với những những cuốn sách viết nên bởi văn hào Maksim Gorky hay Sholokov…. Họ là những tên tuổi lớn, những con người lớn làm nên chân dung đất nước, con người Nga, và nền văn học Nga. Tôi cũng yêu những tác giả vô danh, những mẩu chuyện, câu thơ của một ai đó tôi cũng không hề rõ, nhưng điều đó cũng chẳng có nghĩa lí gì. Có lẽ cái mà tôi quan tâm là văn học Nga, tôi yêu những cái thuộc về xứ sở này, chỉ đơn giản thế thôi!

Và khi được sang đất nước mà tôi hằng yêu quý thì hình ảnh của Nga cũng theo đó lớn lên,to đẹp hơn,hùng vĩ hơn và cũng đậm nét hơn! Tôi nhớ là khi mới biết sang đây tôi rất là bỡ ngỡ ,bỡ ngỡ về tất cả mọi chuyện. Nhưng sau một thời gian ở đây tôi dường như đã yêu Nga- nơi sẽ trở thành quê hương thứ 2 của mình.Tại sao tôi lại nói vậy ư? Bởi mùa đông lạnh giá tràn trề-mùa xuân e lệ nép mình dưới khăn-mùa hè là những bình minh ,mang về nắng mới ngập tràn niềm tin-mùa thu trút lá kiêu xa,tràn về cùng với những gì nhớ nhung.(bốn mùa)

Sắc đông đang trải muôn ngàn lố-Gió cuốn mây ngàn, kéo tuyết rơi
Tuyết lạnh lùng, tuyết rơi trắng tóc-Mái tóc đen đi về dưới bóng mưa.
Matxcova một ngày nắng hạ-Thả hồn mình xanh những vòm cây
Những tia nắng nhảy đùa trên phiến lá-Thắp nến vàng xao xuyến rộn bước đi
Ôi! Nắng nơi đây cũng giống quê mình-Cũng tỏa sáng cũng dịu dàng như thế
Biết gắt gỏng, biết đùa vui tinh nghịch-Biết ẩn mình trên những lối đi
Nắng vẫn vô tư khoe hương sắc cuộc đời-Đâu biết rằng có những chiều nắng hạ
Trên con đường nắng vàng là tri thức-Có cô bé ngắt lá xếp Cuộc đời.

Bạn biết đấy vì Nga là một đất rất là rộng lớn nên tình yêu của mỗi người là khác nhau,tình yêu của mình thì chỉ là 1 mảnh ghép trong nhiều mảnh ghép của những con người đã sống và trải ngiệm những điều hết sức tuyệt với ở mảnh đất thần kì.Vậy tại sao các bạn không thử đến đây nhỉ ,các bạn sẽ không lãng phí cuộc đời của mình đâu.

Tác giả: Lê Tuấn Sơn
Nguồn: http://www.mguvla.net/goc-se-chia/goc-se-chia/260-nuoc-nga-1-tinh-yeu-don-gian.html
 

hoangtn

Thành viên thường
— HÃY GIỮ CHO TA —
Hãy giữ những gì tốt đẹp
Về đất nước Nga trong trái tim mình
Đó là thời thanh niên sôi nổi
Của chính chúng ta trên đất nước người

Đó là thiên nhiên ta đắm say cảnh vật bốn muà
Đó là mái trường, ký túc xá, hay những điểm hẹn cho tình yêu đầu nảy nở
Đó là những hình ảnh Thầy, Cô, bạn bè giao cảm
Đó là văn, thơ, âm nhạc, còn rộn rã bên đời

Đó là những cuốn phim, giọng hát ta yêu mến một thời
Là những kinh thành nguy nga tráng lệ
Hay những làng quê, núi đồi đẹp như tranh vẽ
Những cánh đồng Nga vàng bát ngát đến lưng trời
Những rừng Bạch Dương luôn rì rào ca hát
Những tâm hồn Nga mộc mạc mà phóng khoáng
Còn rất nhiều những điều tốt đẹp ta lưu giữ trong tim...

Đừng để ai kia xóa đi những ký ức tuyệt vời
Làm tan nát tình yêu và cướp đi nỗi nhớ
Còn rất nhiều bạn bè ta ở đó
Lên tiếng lòng ủng hộ Việt Nam ta!

— HOÀI NIỆM CÁNH ĐỒNG NGA —

Thăm thẳm chân trời ký ức
Mơ màng tôi " Cánh đồng Nga"
Tiếng đàn Bai-an náo nức
Chập chờn lửa đỏ làng xa

Sương giăng ven rừng tĩnh lặng
Thoảng mùi bánh nóng đâu đây
Vó ngựa vỗ mòn dốc vắng
Lạnh se thảm lá ken dày

Những ngày Hè sao ngắn ngủi
Gót chân nắng nhẹ mơ hồ
Từng chùm hoa như nở vội
Giục màu đồng nội mùa Thu

Lặng lẽ đôi hàng ghế gỗ
Chiều buông vọng tiếng chuông ngân
Bóng rơi gốc sồi loang lổ
Vẳng đưa tiếng hú thật gần

Hàng Dương cuối trời cao vút
Xạc xào giai điệu dân ca
Có tiếng con chim sơn tước
Hót buồn trăng bạc loang xa

Lại nhớ mùa Thu lá rụng
Rừng Phong bóng lá phơi vàng
Lại nhớ mùa Đông tuyết trắng
Màn đêm lạnh bước lang thang

Khắc khoải tràn bờ ký ức
Nhớ hoài, ơi " Cánh đồng Nga "
Như bản tình ca rạo rực
Chiều nay nghe giữa quê nhà...

— CHUYỆN XƯA —

Mây bay,gió cuốn chiều rơi
Đông về nhớ cảnh, nhớ người đã xa
Trường Đại học Mạc-tư-khoa
Vươn tầm cao đón tinh hoa mọi miền

Cô gái Nga rất dịu hiền
Ngời trong hoa tuyết, sáng nền trời Âu
Đường xa hai nửa địa cầu
Gặp nhau như có phép màu thế gian

Nhớ ai lớp học chung bàn
Tóc vàng buông xõa, âm vang lời thầy
Dòng sông kiến thức vơi đầy
Vượt qua ghềnh thác, chân mây ửng hồng

Ta về đây với sông Hồng
Càng đằm nỗi nhớ mênh mông đôi bờ
Nhớ nước Nga cả trong mơ
Chuyện xưa chắp cánh hồn thơ ngọt ngào.
(Bùi Minh Trí)

— NƯỚC NGA NGÀY XƯA CỦA TA —

Nước Nga của anh ngày xưa
Là cô gái tóc vàng ướp hương Anh Đào chung ghế
Là giảng đường, kiến thức vươn tầm thế kỷ
Giáo sư già thương sinh viên Việt như con
Là Bạch Dương, Phong Thu đỏ như son
Là tuyết trắng gợi bao điều thơ mộng

Nước Nga ngày xưa của em
Là những ngày ngồi tàu đi lấy hàng trên Mát
Tiền để trong ổ bánh mì che mắt công an
Là những ngày A Môn rượt mê man
Documen là những từ quen thuộc nhất
Là song sắt nhà tù, ngồi chung thợ rượu say chất ngất
Là stpaph quen mặc cả kiểu bán rau

Nước Nga của em nay nhắc lại vẫn đau
Sao em vẫn yêu nước Nga mới lạ
Yêu cả những ông bà già chiều chiều trên ghế đá
Tay vuốt ve mèo đôi mắt dõi xa xăm...

Nước Nga ngày xưa của em
Là những năm Đông giá
Âm 30 độ C mặt phỏng tuyết tím bầm
Đứng chợ trời tay chân buốt tựa kim châm
Quần áo ủng lông như bù nhìn nhún nhảy
Theo điệu nhạc quán đĩa băng cuối dãy
Cho ấm người khỏi đông cứng như băng...

Nước Nga ngày xưa của em
Là năm tháng trầm thăng
Tuổi xuân đã chôn vùi trên xứ tuyết
Nay Xactưi mai Mátxcơva ngày kia Voronez
Chợ này sập rồi đi chợ khác làm ăn...

Nước Nga ngày xưa của em...
(Thiên Nga - Горячие блины)










 

Phan Huy Chung

Thành viên thân thiết
Наш Друг
@hoangtn
Ký ức về nước Nga của bác thật đẹp, thật gần gũi. chắc ngày xưa bác cũng một thời tung hoành khắp nước Nga phải không?
Mà cái bài "Hoài niệm cánh đồng Nga " của ai mà hay thế bác?
 

hoangtn

Thành viên thường
@hoangtn
Ký ức về nước Nga của bác thật đẹp, thật gần gũi. chắc ngày xưa bác cũng một thời tung hoành khắp nước Nga phải không?
Mà cái bài "Hoài niệm cánh đồng Nga " của ai mà hay thế bác?
Bài này của bác NGUYỄN QUỐC BẢO, tác giả tôi không quen biết, nhặt được từ một 4R khác. Tả cảnh bằng thơ rất sinh động, cho tôi thấy lại cảnh cánh đồng Nga cuối thu mà một lần đã được ngắm từ xe lửa trên đường từ Kievski vokzal xuyên qua Ukraina hồi tháng 9/1989. Tác giả chắc phải là một người yêu nước Nga đến xao lòng.
 

Chau Thanh

Thành viên thường
Năm 1991 khi Liên bang Xô Viết sụp đổ tôi đã đem đốt hết tất cả những cuốn sổ chép nhạc thơ Nga - Liên Xô mà tôi đã sưu tầm khi còn là sinh viên, vì nỗi tức giận những người CS Liên Xô đã không làm gì để bảo vệ CCCP, sau này ân hận vì không tìm lại được những gì mình cho là quý nhất. CCCP sụp đổ là niềm đau đớn thất vọng nhất của những người yêu mến Liên Xô. Nhưng theo thời gian tôi hiểu cái gì phải đến đã đến. Sự sụp đổ không phải vì lý tưởng đã hết thời mà vì những sai lầm hệ thống trong vận hành hệ thống.
Mong rằng thể chế nào còn thật sự muốn hướng tới lý tưởng cao đẹp hãy học bài học đau đớn của CCCP.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
MOSKVA GIỜ CHIA TAY

Biết nói gì đây trong lúc chia tay!
Chín tháng mười ngày sao nhanh đến vậy?
Thật ngỡ ngàng khi lần đầu được thấy
Bồ công anh và tuyết trắng bay bay

Quảng trường Đỏ được nghe bấy lâu nay
Giờ đặt chân mới thấy mình nhỏ bé
Sông Москва sao dịu dàng đến thế
Tàu điện ngầm cho ta ngỡ đang mơ

Những công viên tĩnh lặng nên thơ
Ta dạo bước trong nắng vàng êm ả
Cho ta thấy không hề xa lạ
Giữa những hàng xanh ngắt bạch dương

Xa nơi này ta sẽ thấy vấn vương
ВДНХ và Bảo tàng vũ trụ
Kỷ niệm trong ta còn nguyên không cũ
Tháp truyền hình từng cao nhất trời Âu

Ta lặng trên Đồi chim sẻ hồi lâu
Để ngắm nhìn МГУ tráng lệ
Mátxcơva còn bao điều muốn kể
Muốn đến, muốn đi, muốn giữ trong tim

Rồi Bảo tàng nghệ thuật Pushkin
Bảo tàng Phương Đông ngay gần Arbat
Phố đi bộ luôn rộn vang tiếng hát
Vẻ trầm ngâm trên nét mặt họa sỹ già

Rồi Третьяковская галерея
Cầu Tình yêu các cặp đôi lên móc khóa
Điện Kremlin nơi lưu giữ tất cả
Sự diệu kỳ kiến trúc – con người Nga!

Bến Академическая
Hàng bạch dương vẫn đứng bên tượng Bác
Và trong lăng – một con người công sản
Cách mạng tháng Mười – dấu ấn Lênin

Rồi Nhà thờ chính tòa Thánh Basil
Biểu tượng nước Nga chẳng thể nào thay đổi
Nhà thờ chúa cứu thế luôn luôn cứu rỗi
Những mảnh đời đến từ khắp muôn nơi

Mátxcơva - những trải nghiệm tuyệt vời
Về đất – trời và con người đôn hậu
Chẳng kể hết nơi bàn chân ta in dấu
Ánh mắt, nụ cười những người bạn bốn phương

Ngày mai đây chúng ta sẽ lên đường
Tạm biệt phố Volgina bé nhỏ
Tạm biệt cả những hàng cây trước gió
Tạm biệt một thời ta sống nơi đây!!!

Bầu Bim - Общежитие ГИРЯП (31/5/2015)
 

Carothk

Thành viên thường
Nước Nga mùa này đã vào đông, cảnh vật đắm chìm trong màu trắng muốt của tuyết, của gió, của cái lạnh căm căm đến da thịt. Nhưng cái cảm giác được thong dong dưới con phố mùa đông có tuyết rơi thật dễ chịu làm sao, nhưng nếu có dịp hãy một lần tự mình xách ba lô đi về vùng ngoại ô nước Nga để hiểu hơn những gì đang diễn ra nơi đây. Là một du học sinh bạn lại ngại khám phá ư?

Mùa đông nước Nga

Một ngày cuối tuần bầu trời dường như ảm đạm hơn, những đám mây phủ đặc quánh cả bầu trời, nước Nga lại một lần nữa nằm im lìm giữa muôn vàn cảnh tượng màu trắng của tuyết.

Tự hỏi bản thân sống ở đây được mấy năm rồi mà vẫn lì lợm suốt ngày ru rú trong căn phòng ảm đạm mùi lười biếng ấy, đành lòng lê đôi chân tuổi trẻ để tìm cho mình những xúc cảm mới – Một nơi không ồn ào của khói bụi xe cộ, không tấp nập người người bon chen, nói cười ồn ã.

Có lẽ càng xa thành phố càng có cảm giác lạnh hơn, những hàng cây già khảm lên mình những bông tuyết dày cộm khiến thân thể nặng nhọc hơn, nghiêng mình cúi xuống ven đường như muốn chào đón những người khách quý đến vùng ngoại ô đầy gió và tuyết.

Về với vùng ngoại ô ta lại cảm nhận thêm những hương sắc mới mà ở thị thành chẳng bao giờ có được, đập vào mắt tôi là khung cảnh đìu hiu lẻ bóng người nơi đây. Những cửa hàng thưa thớt người qua lại, bến xe khép mình trong sướng sớm mà vắng bóng người đợi trông chuyến xe mới.

Đám cây dại phơi mình trước gió mưa chẳng quản ngại gian nan mà vẫn đung đưa đùa vui, tôi vẫn có cảm tưởng như rằng nó đang vui sướng vì có một vị khách xa lạ đến đây chơi. Yêu lắm những loài cây vươn mình chống chịu cái rét đến tê tái nhưng vẫn hiên ngang, ung dung chọc thẳng lên trời xanh như chính con người Nga, dân tộc Nga anh hùng. Thật đáng khâm phục!




Ngoại ô nước Nga trầm lắng là vậy nhưng thi thoảng đâu đây vẫn hiện lên những ngôi nhà cao tầng được xây dựng theo kiểu dáng châu Âu hiện đại mang trong mình dáng vẻ nguy nga như gấu mẹ Nga vĩ đại. Có lẽ những công trình mới làm sáng lên phần nào giữa khung cảnh có phần êm đềm, buồn tênh của một vùng quê mùa gió thoảng.

Đón tôi hôm nay là một bà lão người Nga thân thiện dễ mến, đứng lâu ở ngoài trời chân tay tôi dường như tím tái, đôi môi run lên cầm cập, từng hơi thở phả ra như có ai đó đang phì phèo điếu thuốc vậy. Đập vào mắt tôi khi bước vào nhà là sự ấm cúng đến lạ thường, tôi thấy nó như có kỉ niệm nào đó với tôi trước đây vậy.

Sự niềm nở, thân thiện luôn hiện lên trên nụ cười nhân hậu của babu khiến tôi không khỏi xúc động. Những món ăn đặc trưng của người Nga được babu chuẩn bị rất chu đáo và tỉ mỉ.

Món sallad củ cải đỏ có chút chua chua hoà lẫn vào đó là vị ngọt dễ ăn, món sallad cà chua với dưa chuột rất dễ ăn khiến tôi không ngừng nếm thử. Liệu có ai đã ăn món bí đỏ rán chưa nhỉ? Tôi thì chưa bao giờ, nhưng thật ngạc nhiên bà làm nó ngon đến lạ, món nấm om gà ăn sền sệt ngấm vào từng giác quan thật thích, bánh Blin quết với kem chua đặc sản của nước Nga làm tôi ăn hết cái này qua cái khác mà không biết ngán là gì...



Tôi đặc biệt thích cách uống trà của người Nga, không cầu kì hoa mĩ như trà đạo của người Nhật, uống trà theo người dân nơi đây là phải có đường, socola hoặc bánh bicuist nướng...

Vào mùa đông, một tách trà nóng với vài viên socola ngọt dịu mà ngắm cảnh tuyết rơi thì còn gì tuyệt vời hơn nữa không? Cuộc sống lắm lúc mỏi mệt, việc học dày đặc chồng chéo lên nhau, nên cuối tuần có buổi uống trà thưởng thức bánh ngọt và ngắm nhìn bầu trời đang vẽ những cơn mưa tuyết nhẹ rơi cũng đủ để tìm lại cảm giác bình yên lâu ngày đánh mất.


Người bà mà tôi may mắnđược gặp.

Tạm biệt bà cụ , người sẽ luôn cho tôi những phút giây tuyệt vời để hiểu hơn về con người Nga, nước Nga. Người luôn giúp đỡ tôi khi khó khăn, một người mà tôi kính trọng và biết ơn, babu luôn xem tôi như một thành viên trong gia đình, những lúc khó khăn babu đều trải lòng mình với những câu chuyện đang vướng mắc cho tôi nghe.

Mặc dù tôi chưa đủ vốn từ để hiểu hết những gì babu nói nhưng tôi hoàn toàn cảm nhận được tâm tư, tình cảm phát ra từ trái tim người bà, một thế hệ đã trải qua những đau thương trong kháng chiến, luôn hiếu khách và thương yêu người Việt Nam như tôi.

NguồnL baoduhoc .vn
Vùng ngoại ô này tên gì và ở đâu vậy bạn?
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Vùng ngoại ô này tên gì và ở đâu vậy bạn?
Đây là vùng Tula, Nga và tásc giả bài này là a Hải , fb Hải Đặng bạn nhé :)
 
Top