Mười hai chiếc ghế (Двенадцать стульев) - Ilf & Petrov

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
CHƯƠNG 19
BẦU CỬ KIỂU TÂY ÂU

Trong khi hai nhân vật của chúng ta tiến hành cương trình sinh hoạt văn hóa giáo dục tham quan các viện bảo tàng và tạm ứng tiền tiêu pha cho các cô gái, thì ở thành phố Stargorot, trên phố Plekhanov, hai lần góa phụ Gritsasueva, một người phụ nữ to béo và yếu đuối, tiến hành những buổi hội ý bí mật với chị em láng giềng của mình. Mọi người chụm đầu xem mẩu giấy Ostap để lại, thậm chí còn đem soi nó lên ánh sáng để nhìn cho kỹ. Nhưng không thấy bất cứ cái dấu chìm nào cả, mà ví thử có đi chăng nữa, thì mấy chữ viết ngoáy của Ostap cũng chả vì thế mà trở nên dễ đọc hơn.

Ba ngày trôi qua, chân trời vẫn mịt mù tăm cá. Cả Bender lẫn cái dụng cụ lọc bã trà, cả chiếc vòng lẫn cái ghế đều không trở lại. Tất cả những vật thể có hồn và không có hồn ấy đều biến mất tăm một cách đầy bí ẩn.

Góa phụ Liền áp dụng những biện pháp kiên quyết. Chị ta tới tòa sọan báo “Sự thật Stargorot” và người ta lập tức giúp chị ta đăng một tin ở mục “Thông báo trẻ lạc”

KÍNH XIN
Tất cả những ai biết chổ ở.
Đồng chí Bender tuổi trạc 25 – 30, mặc quần màu xanh lá cây, đi giày màu vàng và áo ghi-lê màu xanh da trời, đã bỏ nhà ra đi.
Tóc đen.
Ai biết, xin báo về phố Plekhanov, 15, cho bà Gritsasueva, sẽ có hậu tạ.

- Người này là con trai bà à? – Nhân viên ở tòa soạn hỏi với vẻ thông cảm.

- Chồng tôi đó! – Góa phụ đau khổ vừa trả lời vừa lấy khăn che mặt.

- A, chồng bà!

- Chồng chính thức hẳn hoi. Mà sao kia?

- Không sao. Dẫu sao bà cũng nên báo với công an.

Gritsasueva đâm hoảng. Chị ta vẫn sợ công an. Trước những cái nhìn rất lạ, góa phụ rời khỏi tòa soạn.

Lời kêu gọi vang lên ba lần từ trang báo “Sự thật Stargorot”. Nhưng đất nước vẫn lặng thinh. Không tìm được ai biết chỗ ở của “gã tóc đen đi giày màu vàng”. Chẳng một ai đến số nhà 15 để nhận sự hậu ta. Chị em láng giềng ngồi lại bàn bạc.

Vẻ mặt góa phụ ngày thêm rầu rĩ. Và lạ thay: Đức lang quân vút bay như một quả tên lửa, cắp theo chiếc ghế đẹp và cái dụng cụ lọc bã trà lên chín tầng mây, thế mà góa phụ vẫn tha thiết với hắn, vẫn nồng nàn tình yêu. Họa có trời kia mới hiểu nổi trái tim của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ góa chồng.

Về khoản tàu điện thì ở Stargorot, dân chúng đã quen dần và đã bước lên tàu không chút e ngại. Mấy người soát vé cất giọng lanh lảnh: “Hết chỗ rồi”, và mọi việc diễn ra tự hồ ở thành phố này đã có tàu điện từ đời nảo đời nào. Tất cả các loại thương phế binh, phụ nữ có con nhỏ và Viktor Mikhailovich Polesov ngồi ở một toa riêng. Nghe tiếng giục“Mời ông mua vé”, Polesov trịnh trọng đáp: “Tôi có vé năm” và thản nhiên đứng bên cạnh nhân viên coi toa. Ông ta không hề có và cũng không có loại vé đi tàu cả năm.

Sự hiện diện của Ippolit Matveevich và vua mánh đã để lại ở thành phố dấu ấn sâu sắc.

Những người tham dự phiên họp kín vẫn giữ nguyên cái bí mật mà họ được tin cậy thổ lộ. Ngay cả Viktor Mikhailovich Polesov cũng im lặng, mặc dù ông ta chỉ muốn bộc bạch với bất cứ ai vừa gặp toàn bộ câu chuyện bí mật đang nung nấu tâm can ông. Thế nhưng nhớ đến đôi vai vạm vỡ của Ostap, ông đành nén lòng lại. Ông chỉ dám dốc bầu tâm sự mỗi lần chuyện trò với mụ thầy bói.

- Bà Elena này, - ông hỏi, - tại sao các vị lãnh đạo của chúng ta vắng mặt lâu thế nhỉ?

Bà Elena Bour cũng rất mong biết được điều đó, nhưng bà chả có tin tức gì.

- Chắc là bây giờ, - ông thợ nguội bẻm mép tiếp lời, - đang thực thi một nhiệm vụ đặc biệt đấy bà nhỉ?

Mụ thầy bói tin rằng đúng là như vậy. Rõ ràng con vẹt mặc áo đỏ cũng tán thành nhận định ấy. Nó nhìn Polesov bằng một con mắt tròn thông minh, như muốn nói: “Hãy cho tôi một hạt dẽ, tôi sẽ kể hết cho mà nghe. Ông Polesov ơi, ông sẽ trở thành thị trưởng. Hết thảy bọn thợ nguội sẽ thuộc quyền ông. Còn lão lao công ở nhà số No5 sẽ vẫn chỉ làm cái việc quét sân vì đã dám nhiếc ông là đồ lưu manh”.

- Bà Elena, bà có nghĩ rằng chúng ta phải tiếp tục hoạt động không nào? Làm sao có thể cứ ngồi khoanh tay kia chứ!

Mụ thầy bói tán thành và nhận xét:

- Ippolit Matveevich là một vị anh hùng cái thế!

- Quả vậy, thưa bà Elena! Rõ như ban ngày. Còn tay sĩ quan tùy tùng thì sao? Thạo việc quá đi mất! Không rõ ý bà thế nào chứ sự nghiệp của chúng ta không thể giậm chân tại chỗ mãi được. Nhất quyết là không để thế được.

Và Polesov bắt đầu hành động. Ông thường xuyên đến thăm mọi thành viên của hội kín “Lưỡi kiếm và lưỡi cày”, đặc biệt là quấy rầy ông chủ nhiệm Ác-ten “Bánh vòng Matxcova” tức ngày Kisliaski thận trọng. Hễ thấy bóng Polesov là Kisliaski sầm mặt lạnh. Những lời nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khiến ông chủ lò bánh nhát như thỏ đế run bắn cả người lên.

Cuối tuần, tất cả các thành viên tập trung ở căn phòng nuôi vẹt của bà Elena Bour. Polesov sôi sục.

- Này Polesov, ông đừng nhặc xị lên nữa, - Điadev nhận xét tỉnh táo, - làm gì mà ông cứ suốt ngày chạy rông khắp thành phố thế?

- Cần phải hành động! – Polesov đốp lại.

- Ừ, thì phải hành động, nhưng đừng có hô hoán ầm ĩ. Thưa các vị, tôi có ý kiến như sau. Nếu Ippolit Matveevich đã nói, thì sự nghiệp của chúng ta quả là thiêng liêng. Và chắc rằng chúng ta chả phải chờ đơi lâu nữa. Mọi chuyện sẽ diễn biến thế nào, ta khỏi lo, đầy là trách nhiệm của các quân nhân. Còn chúng ta thuộc bên dân sự, là đại diện của giới trí thức và thương gia thành phố. Đối với chúng ta, điều quan trọng là gì? Là phải sẳn sàng. Chúng ta đã có cái gì chưa? Có trung tâm chỉ đạo chưa? Chưa. Ai sẽ đứng đầu thành phố? Chưa có ai cả. Thưa các vị, đấy là điều cốt yếu nhất. Nước anh, thưa các vị, sẽ không khách sáo với bọn Bôn-sê-vích nữa đâu. Đó là dấu hiệu đầu tiên của chúng ta, tất cả sẽ thay đổi, thưa các vị, và thay đổi cực nhanh cho mà xem. Xin các vị cứ tin lời tôi.

- Về điểm ấy thì bọn tôi không chút nghi ngờ, - Charushnikov phồng má nói.

- Ngài không nghi ngờ thì tốt lắm. Còn ý kiến của ngài Kisliaski? Và hai anh bạn trẻ nữa?

Nikesha và Vladei dùng toàn bộ hình vẻ của mình để thể hiện niềm tin vào sự thay đổi cực nhanh. Còn Kisliaski sau khi nghe gã chủ tiệm buôn “Đóng gói nhanh” nói rằng mình sẽ không trực tiếp tham gia các cuộc xung đột quâu sự, thì hoan hỉ ra mặt.

- Và bây giờ ta phải làm gì? – Polesov nóng ruột hỏi.

- Hượm đã, - Điadev nói, - hãy noi gương anh bạn tùy tùng của ngài Ippolit. Mới khôn khéo làm sao! Mới thận trọng làm sao! Các vị đã thấy anh ta khôn khéo lái công việc sang vấn đề cứu giúp trẻ lang thang rồi chứ? Chúng ta cũng nên hành động như vậy. Chúng ta chỉ cứu giúp trẻ mồ côi thôi. Thưa các vị, bây giờ chúng ta hãy đề cử người vào các chức vụ!

- Chúng tôi xin bầu ngài Ippolit Matveevich Vorobjaninov làm ngài đô thống quý tộc! – Hai gã Nikesha và Vladei nói to.

Charushnikov ho một tiếng độ lượng.

- Ngài Ippolit ít nhất cũng ngang chức bộ trưởng. Có khi còn cao hơn nữa, thành nhà độc tài kia!

- Ồ, thưa các vị, chức đô thống là chuyện phụ, - Điadev nói – Chúng ta cần nghĩ đến chức tỉnh trưởng, chứ không phải đến chức đô thống. Chúng ta hãy bắt đầu từ chức tỉnh trưởng. Tôi cho rằng….

- Tôi đề cử ngài Điadev! – Polesov reo lên – Còn ai có thể cầm cân nẩy mực cả cái tỉnh này nữa?

- Tôi rất cảm động về sự tin cậy … - Điadev nói.

Nhưng Charushnikov đột nhiên đỏ mặt ngắt lời:

- Vấn đề này, thưa các ngài, - ông ta nói, vẻ tự ái, - cần phải thảo luận kỹ đã.

Ông ta cố gắng không nhìn Điadev.

Ông chủ hãng “Đóng gói nhanh” kiêu hãnh ngó xuống đôi ủng của mình, - đôi ủng bị dính nhiều mạt cưa.

- Tôi không phản đối, - Điadev nói, - Xin các vị tiến hành bầu cử. Bằng cách bỏ phiếu kín hay giơ tay biểu quyết nào?

Charushnikov tự ái nói:

- Ta không nên bầu cử theo kiểu chính quyền Xô Viết. Tôi đề nghị đã bầu phải bầu cho đúng theo kiểu Tây Âu. Đó là bỏ phiếu kín.

Người ta xé mấy mảnh giấy và bầu. Điadev được bốn phiếu. Charushnikov được hai. Ai đó bỏ phiếu trắng. Nhìn vẻ mặt Kisliaski, có thể biết chính là ông ta. Ông ta chả muốn gây quan hệ căng thẳng với ngài tỉnh trưởng tương lai, bất kể người ấy là ai.

Khi Polesov láu táu công bố kết quả cuộc bỏ phiếu thật sự theo kiểu Tây âu, một sự im lặng nặng nề bao trùm căn phòng. Người ta cố gắng tránh nhìn Charushnikov. Vị công dân được đề cử vào chức tỉnh trưởng nhưng không trúng củ ngồi rũ người xuống.

Elena Bour thương ông ta quá. Thì bà ta vừa bỏ phiếu bầu ông ta xong.

Phiếu thứ hai do chính Charushnikov, một tay am hiểu chuyện bầu cử, bỏ cho mình. Bà Elena Bour tốt bụng liền lên tiếng:

- Còn chức thị trưởng tôi đề nghị dẫu sao cũng bầu cho Charushnikov.

- Sao lại dẫu sao? – Ngài tỉnh trưởng mới đắc cử tỏ ra rộng lượng – Không phải dẫu sao, mà chính là ngài Charushnikov, chứ không còn ai khác. Chúng ta đều đã biết hoạt động xã hội của ngài Charushnikov.

- Đúng, đúng! – Tất cả đồng thành hô to.

- Vậy ta coi như đã bầu xong chức đó.

Charushnikov bỗng sực tỉnh và thậm chí phản đối:

- Không, không thưa các vị, tôi đề nghị phải bỏ phiếu hẳn hoi. Chức thị trưởng đáng được bỏ phiếu hơn cả chức tỉnh trưởng nữa kia. Nếu các vị còn tín nhiệm tôi thì thưa các vị, xin các vị cứ bỏ phiếu cho.

Các mẫu giấy gấp được ném vào chiếc lọ đựng đường rỗng.

- Sáu phiếu thuận – Polesov nói – một phiếu trắng.

- Xin chúc mừng ngài thị trưởng! Kisliaski nói. Vẻ mặt của ông ta lộ rõ rằng lần này phiếu trắng ấy cũng là của ông ta – xin chúc mừng ngài!

Charushnikov tươi như hoa.

- Nên giải trí một chút, thưa các vị, - Điadev nói – Này Polesov, ông hãy chạy ra chỗ tiệm ăn “Tháng mười” mua vài món về đây. Có tiền chứ?

Polesov dùng tay ra một điệu bộ bí hiểm và chạy đi. Cuộc bầu cử tạm dừng để rồi được tin tức trong lúc ăn tối.

Raspopov, nguyên hiệu trưởng trường trung học quý tộc hiện là chủ hiệu sách cũ, được bầu vào chức đốc học của tỉnh.

Mọi người đều khen ngợi ông ta. Riêng Vladei sau cốc rượu voska thứ ba, lên tiếng phản đối:

- Không nên bầu ông ta. Hồi trước, trong kỳ tốt nghiệp, ông ta đã phết cho tôi điểm hai môn logic học.

Mọi người nhao nhao công kích Vladei:

- Trong giờ phút quyết định như thế này không nên suy tính lợi lộc cá nhân. Anh hãy nghĩ đến tổ quốc!

Mọi người thuyết phục Vladei nhanh đến nỗi chính anh ta cũng bỏ phiếu cho kẻ đã làm khổ mình. Raspopov được bầu làm quan đốc học của tỉnh, trừ một phiếu trắng.

Kisliaski được bầu làm giám đốc sở lao động. Ông ta không phản đối chuyện đó, nhưng để đề phòng bất trắc, ông ta lại bỏ phiếu trắng.

Sau khi điểm mặt tất cả họ hàng ruột thịt và số người quen biết, mọi người bầu các chức danh sau đây: Cảnh sát trưởng, giám đốc sở y tế, thanh tra công nghiệp và cổ phần, chưởng tố, thẩm phán và chánh án tòa án tỉnh, giám đốc sở điền địa, chủ tịch hội thương gia, chức quan săn sóc trẻ sơ sinh và cuối cùng là chức hội trưởng hội Philistanh. Elena Bour được cử làm hội trưởng, hai hội “Giọt sữa” và “Hoa Trắng”. Nikesha và Vladei do còn ít tuổi được cử làm công cức ở tòa tỉnh trưởng để thực thi các nhiệm vụ đặc biệt.

- Xin lỗi, - bỗng Charushnikov thốt lên, - tỉnh trưởng có những hai công chức kia à! Thế còn tôi?

Tỉnh trưởng nhẹ nhàng đáp:

- Theo biên chế thì thị trưởng không cần có người để sai vặt.

- Thế thì phải có thư ký chứ?

Điadev đồng ý. Elena Bour cũng hăng hái hẳn lên. Bà ngập ngừng đề nghị:

- Tôi có một đứa cháu còn trẻ, nhưng rất đáng yêu và đứng đắn. Con trai madam Cherkosova… Rất, rất đáng yêu, rất có khả năng … Hiện nay, cháu đang thất nghiệp. Phải chờ sở lao động bố trí. Có giấy chứng nhận hẳn hoi. Người ta hứa sắp tới sẽ đưa cháu vào làm ở… Ngài thị trưởng có thể nhận cháu làm thư ký được chăng? Mẹ cháu sẽ biết ơn ngài lắm lắm.

- Cũng có thể, - Charushnikov khoan dung đáp, - Các ngài thấy thế nào? Thôi được, tôi nghĩ rằng cũng ổn thỏa thôi.

Điadev nhận xét:

- Hình như thế là xong. Vấn đề bầu cử xong rồi đấy nhỉ?

- Còn tôi ạ? – Bỗng một giọng nói thanh thanh, hồi hộp vang lên.

Tất cả quay lại. Polesov bàng hoàng đứng chôn chân bên cạnh con vẹt. Nước mắt ứa ra trên cặp lông mi đen đen của Polesov. Ai nấy đều thấy ngượng ngùng. Quan khách chợt nhớ rằng họ vừa uống rượu của Polesov, rằng nói chung ông ta là một trong những nhà tổ chức chủ yếu của LIÊN MINH LƯỠI KIẾM VÀ LƯỠI CÀY ở Stargorot.

Elena Bour đưa tay ôm hai thái dương và sợ hãi thốt lên:

- Viktor Mikhailovich! – tất cả cùng rên rỉ - ông bạn yêu quý! Ồ, sao ông không thấy ngượng nhỉ, ai đời lại đứng lẫn vào góc nhà như vậy? Mời ông lại đây nào!

Polesov tiến lại bên bàn. Ông ta đau khổ. Ông không ngờ các chiến hữu của LIÊN MINH LƯỠI KIẾM VÀ LƯỠI CÀY lại đối xử với ông tệ bạc như vậy.

Elena Bour không nhận định được, bà nói:

- Thưa các vị, thật là quá quắt! Sao các vị có thể quên ông Viktor Mikhailovich Polesov thân thiết của chúng ta được nhỉ?

Bà đứng dậy và hôn vào cái trán ám khói của ông thợ nguội quý phái.

- Thưa các ngài, chẳng lẽ Viktor Polesov không xứng với chức đốc học hoặc cảnh sát trưởng hay sao?

Tỉnh trưởng hỏi:

- Polesov, ông có muốn làm quan đốc học không?

- Dĩ nhiên rồi, ông ấy sẽ là vị quan đốc học tuyệt diệu nhất, nhân đạo nhất, - quan thị trưởng vừa nhăn mặt nuốt món nấm vừa nhận xét.

- Còn ngài Raspopov? – Polesov tự ái kéo dài giọng – các ngài đã bầu ông ấy vào chức đó rồi mà.

- Ừ nhỉ, bây giờ biết nhét Raspopov vào đâu?

- Vào chức đội trưởng đội cứu hỏa chăng?

- Đội trưởng cứu hỏa! Polesov bỗng xúc động nói to.

Trước mắt Polesov chợt hiện ra chiếc thang cứu hỏa, ánh lửa hồng, tiếng kèn thúc và tiếng trống giục. Những chiếc rìu lấp lánh, những cây đuốc chạy qua chạy lại nhớn nhác và những chiếc xe ngựa đưa ông lao vun vút tới đám cháy ở nhà hát thành phố.

- Đội trưởng cứu hỏa! Tôi muốn làm đội trưởng đội cứu hỏa!

- Thế càng hay! Xin chúc mừng ông! Từ nay ông là đội trưởng cứu hỏa.

- Chúc mừng ngành cứu hỏa phát đạt! – giám đốc sở lao động mỉa mai.

Tất cả đổ xô phê phán Kisliaski.

- Bao giờ ông cũng tả khuynh! Chúng tôi biết ông quá mà!

- Các ngài ơi, tôi tả ở điểm gì?

- Chúng tôi biết quá mà.

- Đồ tả khuynh!

- Tất cả bọn Do Thái đều tả khuynh.

- Thưa các ngài, tôi không hiểu những câu đùa cợt kiểu ấy đâu.

- Tả khuynh, tả khuynh, ông đừng giấu giếm nữa!

- Đêm nào ông cũng nằm mơ gặp Miliukov.

- Kadet! Kadet! (1)

- Bọn Kadet đã bán rẻ Phần Lan – Charushnikov bỗng lẩm bẩm, - đã vay tiền của bọn Nhật! Đã chia rẽ quân đội!

Kisliaski không chịu nỗi hàng loạt lời buộc tội vô căn cứ. Ông ta tái mặt, chớp chớp mắt, ôm chặt lấy lưng ghế và nói, giọng lạc đi:

- Tôi luôn luôn theo phái Tháng Mười và sẽ còn như vậy.

Mọi người bắt đầu xem xét ai theo đảng phái nào. Charushnikov nói:

- Thưa các vị, nguyên tắc trước tiên là dân chủ. Tòa thị trưởng của chúng tôi phải mang tính chất dân chủ. Nhưng không chấp nhận bọn Kadet. Năm mười bảy chúng đã gây khá nhiều trò nhơ nhuốc.

Quan tỉnh trưởng ranh mãnh hỏi:

- Tôi hy vọng trong số chúng ta sẽ không có cái bọn gọi là đảng viên xã hội dân chủ (2) chứ?

Tả khuynh hơn các đại biểu phái Tháng Mười mà Kisliaski đại diện ở cuộc họp này không có ai cả. Charushnikov tuyên bố mình là “trung ương”. Đội trưởng đội cứu hỏa thì theo phái cực hữu. Ông ta hữu đến nỗi thậm chí không biết mình thuộc đảng phái nào.

Mọi người bàn đến chiến tranh.

- Không nay thì mai thôi, - Điadev nhận định.

- Thế nào chiến tranh cũng xảy ra.

- Tôi khuyên các vị nên tích trữ một số thứ trong khi chưa muộn.

- Các ngài nghĩ thế ư? – Kisliaski lo ngại.

- Thế còn ngài nghĩ sao? Ngài tưởng rằng giữa thời chiến có thể mua được cái gì à? Ngay hôm nay phải ra chợ mua bột mì thôi! Các đồng tiền đúc bằng bạc sẽ biến mất, loại tiền giấy sẽ nhan nhản, tem thư cũng ngang giá như tiền, thôi thì cứ gọi là lộn tùng phèo.

- Dứt khoát là chiến tranh sẽ bùng nổ.

Điadev nói:

- Các vị thế nào không biết chứ tôi sẽ tung hết số tiền để dành ra mua các vật phẩm thiết yếu.

- Còn cái xưởng của ngài?

- Xưởng cứ hoạt động, bột mì và đường thì tôi cứ mua. Nghĩa là tôi khuyên các vị cũng làm như vậy. Lời khuyên chân tình đấy.

Polesov cười khẩy:

- Bọn Bôn-sê-vích sẽ đánh nhau thế nào? Bằng cái gì? Chúng lấy gì để đánh nhau. Dùng những khẩu súng trường cà là mèn ư? Có máy bay không? Một thằng cộng sản nổi tiếng bảo tôi rằng bọn chúng có, các ngài nghĩ sao, chúng có bao nhiêu tàu bay?

- Độ hai trăm chiếc!

- Hai trăm cơ à? Không phải hai trăm, chỉ có ba mươi hai chiếc thôi! Còn nước Pháp có những tám mươi ngàn máy bay chiến đấu.

- Phải… Bọn Bôn-sê-vích sẽ ốm đòn.

Quan khách giải tán vào lúc quá nửa đêm.

Tỉnh trưởng đưa tiễn thị trưởng. Cả hai đi rất đều bước.

- Ngài tỉnh trưởng! – Charushnikov nói, - Tỉnh trưởng gì ngài, một khi ngài không phải là tướng.

- Tôi sẽ là tướng trong biên chế, lúc ấy ông sẽ phát ghen lên đấy. Lúc nào muốn, tôi sẽ tống ông vào tù. Nhà tù của tôi.

- Bỏ tù tôi thế nào được. Tôi được tín nhiệm trúng cử hẳn hoi.

- Cứ mỗi cái phiếu bầu tương đương với hai năm ngồi sau song sắt.

- Tôi yêu cầu ngài chớ cợt nhả với tôi! Charushnikov bỗng hét vang cả phố.

- Đồ ngốc, làm gì mà kêu toáng lên thế? – Tỉnh trưởng hỏi. – Ông muốn vào ngủ trong đồn công an hả?

- Tôi không thể ngủ ở đồn công an, - Thị trưởng đáp, - Tôi là viên chức Xô Viết…

Một ngôi sao lấp lánh. Đêm mới đẹp làm sao. Trên đường phố vị quan đầu tỉnh và ngài thị trưởng vẫn tiếp tục tranh cãi với nhau.

(1) Kadet là tên chung gọi các thiếu sinh quân hồi trước cách mạng 1917.
(2) Một xu hướng chính trị xuất hiện cuối thế kỷ 19 trong phong trào công nhân quốc tế, bắt đầu đề ra mục tiêu đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, về sau chuyển thành trường phái cơ hội tiểu tư sản.
Hết chương 19, xem tiếp chương 20 “TỪ SEVILLA ĐẾN GRENADA”
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
Theo hồi kí của tác gia Yevgeniy Petrov, khoảng tháng 08 năm 1927, ở tòa soạn tạp chí Tiếng Còi, trong lúc bốc đồng ông đã tuyên bố với bào huynh - văn sĩ Valentin Katayev - rằng mình mong được trở thành "Dumas-cha" ở Tô Liên. Đáp lại, Valentin Katayev chỉ gợi ý rằng, ông đề nghị Ilf & Petrov hãy sáng tác một truyện phiêu lưu về món tiền giấu trong ghế. Kì thực, điều này khởi phát từ thói quen phổ thông ở bất cứ đâu, nhưng Valentin Katayev đề xuất rằng nhóm tác gia phải thiết kế tình huống sao cho mãi về sau độc giả vẫn phải thừa nhận họ là bậc thầy văn chương. Vậy là trong thời gian giá rét nhất, tức là từ tháng 09 tới tháng 12, Ilf & Petrov chỉ ở lì trong phòng soạn sách.

Đến tháng 01 năm 1928, tập thủ bản đã theo một xe trượt tuyết thẳng tới tòa báo Tiếng Còi và mang về niềm hân hoan thắng lợi. Ngay sau đó, nhóm tác giả kí giao kèo đăng dài kì trên tạp chí Ba Mươi Ngày từ tháng 01 tới tháng 07 cùng năm, kèm những minh họa của tay bút Mikhail Cheremnykh. Việc ấn loát thành sách được tiến hành rất thận trọng tại nhà in Điền Địa Công Xưởng Odesa, sở dĩ tiến độ phải thực thi chậm là do chờ hoàn tất khâu kiểm duyệt theo quy định đương thời. Nhưng chưa hết, trong 10 năm từ 1928 tới 1938, đã có tối thiểu hơn 3 lần hiệu chính. Văn bản 1938 được coi là chính thức và phổ biến tự bấy tới nay.

Tiểu thuyết Mười hai chiếc ghế (Двенадцать стульев) đưa tên tuổi Ilf & Petrov ra công chúng toàn liên minh Soviet, tuy nhiên vì thành tựu quá lớn này mà về sau nhóm tác giả không thực hiện thêm được cuốn này xuất sắc hơn. Ngay cả phần kế tục Con bê vàng (Золотой телёнок) cũng không gây hiệu ứng dư luận đáng kể. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này lại mở ra thời hoàng kim của văn nghệ tỉnh lẻ Odesa, tác phẩm cũng khai trương luôn dòng văn chương du đãng mang đặc sắc đất cảng Odesa này.

Tại Việt Nam, tiểu thuyết Mười hai chiếc ghế được dịch giả Lê Khánh Trường gửi in tại Nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM năm 1984 và tới nay vẫn là dịch phẩm Việt văn duy nhất. Ngoài ra, bản điện ảnh chuyển thể của đạo diễn Leonid Gayday rất nổi tiếng đối với thế hệ trưởng thành các thập niên 1980-90.

 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник

Tiểu thuyết chia ba phần. Nội dung đan nhiều từ lóng thời thượng khá khó hiểu đối với độc giả không rành văn hóa Tô Liên nói chung và miền Odesa nói riêng.


Mùa hè bức sốt ở thị trấn N, một công chức sở hộ tịch là Ippolit Matveyevich Vorobyaninov bất giác được lời trối của bà nhạc - Madame Petukhova - rằng, hãy đi tìm mười hai chiếc ghế mà năm xưa bà giấu đầy kim cương (ám chỉ thời rối ren 1917-21 nhiều quý tộc bị cách mạng quân cướp tài sản).

Thế nhưng, bí mật tày giời bị đức cha Fyodor Vostrikov lén nghe thủng. Hơn nữa, tuy là kẻ tham lam nhưng Ippolit hoàn toàn vô mưu, thế là y giao kèo với tên bợm Ostap Bender đi săn của báu, hứa hẹn nếu tìm được thì chia đôi.

Một thời gian sau, Ippolit Vorobyaninov chạm trán cha Fyodor ở bến sông. Trong lúc hai kẻ hám của giằng nhau, bí mật chuyến phiêu lưu có một không hai vỡ trận. Kể tự bấy, ba kẻ ở hai chiến tuyến ganh đua quyền sở hữu từng chiếc ghế một, từ sang trọng nhất tới... giời ơi đất hỡi nhất.

Cuộc phiêu lưu tìm ghế đã dẫn bọn thiêu thân này đặt chân tới mọi miền xa xôi hiểm trở nhất Tô Liên, tuy nhiên số phận những chiếc ghế gia bảo vẫn biệt vô âm tín.

Mãi tới mùa thu năm sau, Vorobyaninov và Bender theo dấu ghế về Moskva. Ostap Bender chuẩn bị kế hoạch đột nhập nhà văn hóa trung tâm của công nhân ngành thiết lộ, mà y cho là ghế hiện ở đó. Nhưng ban đêm, trong lúc Bender say ngủ, lão Ippolit Vorobyaninov cầm dao cạo cứa cổ y. Bender chết, nhưng Vorobyaninov cũng không độc chiếm được đống trang sức gia truyền.

Cách vài tháng trước, một thợ hồ đã phát hiện những chiếc ghế giấu kim cương, anh nộp lên tòa thị chính. Nhờ món hời này, thành phố đã xây cất hàng loạt trung tâm giải trí phục vụ nhân dân cần lao.
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник

Năm 1928, sự thành công của tiểu thuyết đầu tay Mười Hai Chiếc Ghế khiến độc giả đua nhau gửi thư tới tòa soạn tạp chí Ba Mươi Ngày yêu cầu Ilf & Petrov phục sinh nhân vật Ostap Bender. Để đáp lại thỉnh nguyện thư, trong năm 1929 bút nhóm Ilf & Petrov bắt đầu soạn cuốn nối tiếp. Qua tới mấy chục lần cân nhắc, cuối cùng nhan đề Con Bê Vàng (Золотой телёнок) được chọn.

Hình tượng "con bê vàng" ẩn dụ một truyền thuyết trong Xuất Ai Cập Kí : Khi thầy Moshe lên núi Sinai, người Do Thái đã bội giáo để đúc ngẫu tượng bò vàng và mặc sức hoan lạc. Do đó, "con bê vàng" hàm nghĩa của cải xa hoa, hay cái dục vọng chiếm đoạt của báu. Ở truyện, "con bê vàng" là khối tài sản kếch sù của các vị quí nhân cũ hoặc giới hào phú nổi lên nhờ chính sách NEP.

Tiểu thuyết Con Bê Vàng được chia thành ba phần, đăng dài kì trên tờ Ba Mươi Ngày kể từ tháng 01 năm 1931. Tuy nhiên, trong khi tại Mĩ, Anh, Đức, Áo rất hồ hởi đón nhận nhờ sức ảnh hưởng của cuốn trước (dịch phẩm Anh văn thậm chí ra mắt độc giả trước cả nguyên tác Nga văn), thì tại Tô Liên sách bị báo giới đả kích kịch liệt vì cho rằng vi phạm nguyên lí sáng tạo văn chương vô sản là "cảm thông đặc biệt" đối với tên vô lại Ostap Bender (опасного сочувствия авторов Остапу Бендеру). Ngay đến nội bộ Tô Liên Văn Bút Tổng Hội cũng tranh cãi gay gắt về sự cấm hay không cấm ấn bản này. Sau cùng, ông chủ tịch Bút Hội Maksim Gorky phải đứng ra can thiệp cho sách được san hành trọn vẹn. Bởi vậy, sang năm 1933 tiểu thuyết mới đi tới tập cuối cùng.

Tựu trung, tiểu thuyết Con Bê Vàng ra đời đã đáp ứng phần nào thị hiếu độc giả. Nhưng ở các thập niên sau, sách này chỉ được giới phê bình coi là ăn theo ảnh hưởng của cuốn đầu, vì trong thực tế cả thi pháp và doanh thu đều không đáng kể khi đặt cạnh Mười Hai Chiếc Ghế.


Tên bợm Ostap Bender thời may thoát chết, nhưng từ nay y phải quấn khăn kín cổ để che cái thẹo dao lam. Lần này, Ostap Bender tới tòa thị chính định mạo xưng con một của trung úy Pyotr Shmidt (liệt sĩ cách mạng Sevastopol 1905, phu nhân Zinaida Rizberg thuộc biên chế Tô Liên Văn Bút Tổng Hội) để lĩnh khoản chẩn tuất thường niên của chính phủ. Thế nhưng ở đây cũng đang náo loạn vì có cả tá kẻ xưng "con độc nhất" của đấng tiên liệt cách mạng.

Thế là Ostap Bender rủ bọn vô công rỗi việc kia lập băng Linh Dương cưỡi xe hơi tới thành phố Chernomorsk ("Hắc Hải", ám chỉ Odesa), vì theo lời tên bợm Shura Balaganov, ở đấy có một nhà triệu phú kín tiếng nên chưa bị "làm thịt". Tên ông ta là Aleksandr Ivanovich Koreyko, được dân du đãng gọi "Rockefeller phi pháp" (подпольный Рокфеллер), bởi nhờ cái mẽ công chức viên mẫn cán cần kiệm mà y thụt két hàng chục triệu rúp bỏ vào nhiều nhà băng khác nhau hòng qua mặt nhà chức trách.

Bọn Linh Dương khởi động phi vụ bằng cách thâu thập tài liệu buộc tội Koreyko. Sau đó, đích thân Ostap Bender biên thư yêu cầu gã bỏ 10 triệu rúp ra chuộc tài liệu. Qua một hồi thương lượng, Ostap Bender bằng lòng nhận 1 triệu rúp. Nhóm đồng hành chia tiền rồi mỗi đứa một ngả.

Phần Ostap Bender ôm mớ tiền quá lớn so với thu nhập trung bình tại Tô Liên nên chẳng tiêu được vào việc gì. Y thất vọng và chợt nhận ra rằng, triệu phú sống không nổi tại Tô Liên. Vậy là y vượt biên sang România, nhưng rồi bị lính biên phòng nước này cướp sạch tài sản. Rốt cuộc, Ostap Bender quay về quê hương sống nốt đời lưu lãng không xu dính túi.
 
Top