QH Việt-Nga Sự thật về những chiến sỹ Hồng quân Việt chiến đấu chống phát-xít Đức ở Matxcơva

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 20/4, tại trụ sở báo VietNamNet sẽ diễn ra Bàn tròn trực tuyến đặc biệt với nội dung: Sự thật về các chiến sỹ hồng quân người Việt trong cuộc chiến đấu chống phát xít Đức ở Matxccơva. Khách mời là nhà báo Nga Aleksei Syunnenberg nhân chuyến thăm Việt Nam của ông.

Aleksei Syunnenberg, sinh năm 1944, hiện là phóng viên đặc biệt của Đài tiếng nói nước Nga.

Ông bắt đầu học tiếng Việt từ những năm 60 tại viện các ngôn ngữ phương Đông thuộc trường ĐHTH Lomonosov (Matxcơva). Ngay từ khi là sinh viên, ông đã bắt đầu tham gia phiên dịch cho các đoàn đại biểu cấp cao VN sang làm việc ở LX cũ. Sang VN lần đầu tiên vào năm 1967, thời kỳ chiến tranh. Từng 20 năm là Trưởng ban tiếng Đông Nam Á và tiếng Việt của đài tiếng nói nước Nga, sau nhiều năm cống hiến, ông được vinh dự nhận danh hiệu nhân viên phát thanh Công huân của nước Nga.

Aleksei là người yêu VN nồng nhiệt. Con trai ông, Maksim, năm nay 30 tuổi, cũng là một nhà VN học, người đã soạn cuốn tự điển Nga-Việt đầu tiên khoanh vùng từ vựng theo từng chủ đề giao tiếp, đã bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài lịch sử VN.

Aleksei có bút danh là Lensov - nếu đọc đúng ra là Liên-xốp, bắt nguồn từ âm Liên-xô. Đây là bút danh do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt cho ông và ông dùng bút danh ấy để thực hiện những phóng sự về Việt Nam.


Aleksei Lensov quan tâm đến đề tài những chiến sĩ người Việt đã từng phục vụ trong hàng ngũ quân đội Xô Viết bảo vệ thủ đô nước Nga thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) từ những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi được tiếp xúc với một số thông tin qua cuộc phỏng vấn của đài thực hiện với cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và hồi ký của một số tướng lĩnh thời đó.

Theo thông tin của ông Aleksei, ngay sau khi chiến tranh bùng nổ 4 ngày (thangáng 6/1941), Lữ đoàn mô tô cơ động đặc nhiệm gọi tắt là OMSBON được thành lập. Một trong những trung đoàn là đơn vị quốc tế. Chính ủy trung đoàn này là ông Ivan Vinarov (người Bulgaria) đã viết trong hồi ký rằng trong trung đoàn quốc tế ấy có 6 chiến sĩ người Việt. Ngày 7/11/1941, cả trung đoàn đã tham gia vào cuộc diễu binh lịch sử của quân đội Xô-Viết trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Mười, và từ đó tiến thẳng ra mặt trận nghênh chiến phát xít Đức.

Ông Aleksandr Kazitshki, cựu binh của Lữ đoàn OMSBON, hồi tưởng lại: "Đầu năm 1942, khi chúng ta đuổi bạt được bọn Đức khỏi Matxcơva, có 3 chiến sĩ người Việt đã hy sinh anh dũng". Với tình yêu Việt Nam và với lòng cảm kích những chiến sỹ hồng quân người Việt, từ hơn 20 năm trước, nhà báo Aleksei Lensov đã bắt đầu nghiên cứu, thu thập thông tin về những chiến sỹ hồng quân người Việt ấy.

Những chiến sĩ VN ấy chính là những người từng có mặt trong nhóm thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi sang Nga từ Quảng Đông năm 1926. Trong số 6 người tham gia OMSBON, Aleksei đã xác minh được danh tính của 4 người sau:

1. Vương Thúc Tình, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1925 gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập. Ông còn có tên khác là Vương Thúc LiênVương Sĩ. Về cái chết của Vương Thúc Tình có giả thiết rằng, cũng giống như hàng loạt những nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng, theo quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân Đức ở ngoại ô Matxcơva, Vương Thúc Tình được cử về nước hoạt động. Nhiệm vụ được giao phó là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng ở nước mình để làm suy yếu quân Nhật. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, hồi cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.

2. Lý Nam Thanh. Đây là họ tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông, còn tên thật là Nguyễn Sinh Thân. Ông sinh năm 1908 tại làng Sen, tổng Kim Liên. Cha ông tên là Nguyễn Sinh Ly đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp. Anh cả của Lý Nam Thanh là Nguyễn Sinh Diễn, từng là Phó bí thư Tỉnh ủy bí mật Nghệ An, tích cực tham gia phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh. Ông đã bị giam cầm và năm 1936 qua đời trong nhà tù thực dân. Năm 1921, ông có con trai là Nguyễn Sinh Thọ (tức Tư Cường), chính là người mà vào giữa những năm 1980 đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin về người chú ruột Lý Nam Thanh. Lúc đó, ông Tư Cường là cán bộ hưu trí sống ở thành phố Hồ Chí Minh.

3. Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Anh Tô), sinh năm 1912 tại thôn Hoàng Trù, tổng Kim Liên. Cha ông tên là Hoàng Hinh mất sớm, và Hoàng Anh Tô được nuôi dạy trong gia đình người chú là ông Hoàng Xuân Tống. Năm 12 tuổi, Hoàng Anh Tô - Lý Anh Tạo được làm quen với công tác cách mạng.

4. Lý Thúc Chất là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên. Cha của ông tên là Vương Thúc Đàm, Huyện ủy viên Nam Đàn, năm 1930 bị thực dân Pháp bắt tù chung thân. Lý Thúc Chất còn em trai út là Vương Thúc Sâm sinh năm 1920. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vào khoảng năm 1938 hoặc 1939 gia đình có nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở nước Nga xa xôi vì lá thư được gửi đi từ đó.

Trong số 4 người nói trên, 3 chiến sĩ Hồng quân Lý Nam Thanh, Lý Anh TạoLý Thúc Chất đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh chống phát-xít ở cửa ngõ thủ đô Matxcơva.

Vậy hai người còn lại (trong số 6 người VN của trung đoàn quốc tế đó) là ai?


Ông Aleksei Syunnenberg. Ảnh: Nguyễn Khang

Phóng viên Aleksei Syunnenberg - Lensov có trong tay khá nhiều tư liệu làm cơ sở cho việc đoán định điều này. Đó cũng là vấn đề mà ông Aleksei quan tâm, mong muốn có sự hỗ trợ từ phía Việt Nam để làm sáng tỏ danh tính của những chiến sĩ Hồng Quân người Việt đã chiến đấu vì nước Nga Xô Viết.

Những giả thiết:

Lý Văn Minh và Lý Chí Trọng trong nhóm Quảng Đông? Người thứ nhất là con trai ông Đinh Tương Dương quê Thanh Hóa. Còn người thứ hai là đồng hương của Lý Tử Trọng.

Một người Việt có bí danh là Shanvo.

Năm 1929 có một người Việt khác mang cái họ đặc Nga Soloviev sinh năm 1906, từng làm thợ sửa trong nhà in Sài Gòn.

Một người Việt Nam bí danh là Linkor sinh năm 1907, xuất thân nông dân.

Năm 1938, có hai sinh viên người Việt được chuyển từ Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải thể sang làm việc tại Ủy ban trung ương của Tổ chức quốc tế giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng. Đó làClaud JeanShan Pe-ton.

Claud Jean tên thật Trần Phương Đôn, sinh năm 1902 tại làng Đông Khê (Hải Phòng) trong một gia đình nông dân nghèo, đã làm thợ ở xưởng xay sát thóc gạo, năm 1929 sang Pháp. Cho đến trước năm 1932 người này làm bồi bếp trên tàu thủy, sau đó có 3 năm làm đầu bếp tư gia, từ 1932 là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tham gia Công hội thủy thủ từ 1928, hoạt động trong người Việt ở Paris theo tuyến Công hội Đỏ. Từ 1930 người này là Ủy viên Tổ chức Quốc tế giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng. Năm 1931 đã đứng ra tổ chức cuộc bãi công của các thủy thủ Đông Dương tại hải cảng Le Havre. Năm 1935 đến Matxcơva nhập học ở trường KUTV và từ đó chuyển sang học ở Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa cho đến khi Viện này đóng cửa.

Người thứ hai bí danh Shan Pe-ton, có tên thật là Nguyễn Văn Nêm, sinh năm 1913 tại Bắc bộ trong gia đình công nhân. Không học phổ thông, người này biết một ít tiếng Pháp, rời Việt Nam sang thành phố cảng Marseille của nước Pháp, đã từng là thủy thủ, 3 năm làm trong xưởng kim khí, không phải là đảng viên Cộng sản. Hăng hái tham gia hoạt động Công hội và cộng đồng giúp đỡ những người Đông Dương tại Pháp, Nguyễn Văn Nêm đến Matxcơva bằng tấm hộ chiếu Trung Quốc và tên họ theo kiểu Trung Quốc, từ 1935 là sinh viên KUTV, sau đó học ở Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Mùa hè 1942, rất có thể Claud Jean và Shan Pe-ton đã thuộc số những người Việt tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Matxcơva chống chọi với đội quân phát-xít.

Người Việt bí danh Rémy, tên thật là Trần Văn Kiệt hoặc Lê Văn Kiệt. Người này sinh tháng 11/1912 tại tỉnh Vĩnh Long trong gia đình nông dân. Từ năm 1930, sau khi tốt nghiệp phổ thông đã sống tại Toulouse (Pháp), tại đó ông làm bồi bàn, thợ cắt tóc, sau chuyển làm ở xưởng lọc dầu Marseille. Ông từng làm Bí thư nhóm Indochine ở Marseille, ủy viên ban lãnh đạo Hội đồng hương Indochine ở Toulouse. Năm 1931 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cùng trong năm đó, Đảng Cộng sản Pháp cử ông sang Matxcơva học tập. Ông đến thủ đô Xô-Viết với hộ chiếu Trung Quốc và mang tên Lê Minh, nhưng ghi danh vào trường Đại học Cộng sản giành cho những người lao động phương Đông với cái tên Rémy.

Một nhân vật từng tham gia chiến đấu vì thủ đô nước Nga, nhưng không trong hàng ngũ OMSBON, là ông Phú San. Họ tên này ông nhận được khi ở Paris và cũng là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho. Tên thật của ông là Lê Tư Lạc (có thời gian người ta gọi ông là Lê Phan Chấn). Lý Phú San sinh năm 1900 ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1917 ông rời làng quê ra Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn rồi sang Phnompenh. Ở đó ông làm thuê cho một bác sĩ người Pháp và năm 1924 cùng ông chủ này đi Paris. Chính ở thủ đô Pháp, Lý Phú San đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và bắt đầu hoạt động cách mạng. Đầu những năm 1930, Lý Phú San được gửi đi học trường Đại học Cộng sản giành cho những người lao động phương Đông ở Matxcơva. Theo học một thời gian, ông đi làm công nhân tại xưởng đầu máy đường sắt ở thành phố Gomel. Năm 1937, Lý Phú San quay về Matxcơva làm việc trong một quân y viện thủ đô.

Năm 1941, khi quân phát-xít tấn công Liên Xô, Lý Phú San nộp đơn xin nhập ngũ. Nhưng do tình trạng sức khỏe, ông được cử về hậu phương. Làm công tác chăm sóc thương bệnh binh trong quân y viện, ông Lý Phú San đã không chỉ một lần hiến máu cứu người. Ông tham gia xây dựng các hầm hào phòng thủ ở ngoại vi Matxcơva. Đêm đêm, ông cùng các đồng đội xô-viết luân phiên trực nhật ở trạm phòng không, cảnh báo lúc máy địch xuất hiện, dập tắt những đám cháy do bom phát-xít gây ra.

Đầu năm 1942, kẻ thù bị đánh bật khỏi khu vực Matxcơva. Cùng vào thời gian này, tại các vùng miền Đông của đất nước Xô-viết cách xa tuyến mặt trận, đang triển khai xây dựng những xí nghiệp mới để đón nhiều nhà máy công xưởng từ miền Tây được đưa sơ tán về đây, rất cần những bàn tay thợ. Với tinh thần như chiến sĩ xông ra tiền tuyến, Lý Phú San hăng hái tham gia mặt trận lao động miền Đông. Ông làm thợ nguội và thợ mộc tại nhà máy thiết bị hầm mỏ ở Ural. Nhân dịp mừng Chiến thắng, ông được tặng Huy chương "Vì lao động dũng cảm trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại". Vào đầu những năm 1950, Lý Phú San làm Giám đốc sân vận động ở Sverdlovsk, nay là Ekaterinburg. Nhiều lần ông được tặng Bằng khen về thành tích công tác.

Năm 1956 ông Lý Phú San trở về Tổ quốc, tìm lại người vợ của mình là bà Đặng Thị Loan. Ông làm việc ở Đài phát thanh Mễ Trì, sau đó làm nhân viên phục vụ trong Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Ông qua đời năm 1980 và được mai táng ở Hà Nội. Mấy năm trước, người con gái của ông hiện sống ở Matxcơva đã cải táng và mang di cốt ông về chôn cất tại một nghĩa trang của thủ đô Nga.

Tháng 12/1985, theo Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao, Nhà nước Liên Xô đã truy tặng Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh TạoLý Phú San những tấm Huân chương "Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" hạng Nhất và Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng. Phái đoàn Liên Xô sang Hà Nội dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã mang những phần thưởng này trao cho thân nhân của những người anh hùng.

Trong Bàn tròn trực tuyến này, ông Aleksei Lensov sẽ nói về quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin của mình và trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung trên của bạn đọc. Người dẫn Bàn tròn là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Nhà báo Nga và hành trình tìm tên cho những chiến sĩ Hồng quân người Việt

Nhà báo Aleksei Syunnenberg đã dành 40 năm đi tìm 6 cái tên của 6 người Việt đã có mặt trong đội ngũ những người Cộng sản chiến đấu chống phát-xít Đức ở chiến trường lịch sử ngoại ô Mátxcơva năm 1941 để bảo vệ thủ đô Liên Xô và bảo vệ hoà bình thế giới. Ông đã xác định được 4 cái tên và sẽ dành tất cả thời gian còn lại để tìm ra tên tuổi của 2 người còn vô danh. Ông rất cần sự giúp đỡ trong hành trình khó khăn này.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều
: Kính thưa bạn đọc VietNamNet, như lời đề dẫn trên Tuần Việt Nam, cuộc Bàn tròn hôm nay sẽ đem đến cho bạn đọc một vị khách đặc biệt - một người đến từ nước Nga, hay là Liên Xô cũ như chúng ta vẫn thường gọi, mảnh đất mà nhiều người Việt Nam vẫn còn ghi nhiều kỷ niệm. Ông là người mang trong tim tình yêu không thay đổi đối với đất nước và con người Việt Nam.

Ông còn mang theo một tư liệu, một công bố vừa xúc động vừa tự hào về những chiến sĩ Hồng quân người Việt đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân và đất nước Nga chống lại phát-xít Đức. Đến nay, dù lịch sử có biến đổi, thăng trầm, tôi tin rằng nhân loại yêu hòa bình trên toàn thế giới vẫn sẽ mãi mang ơn những chiến sĩ Hồng quân đã ngăn chặn nạn diệt chủng và sự tàn khốc của chiến tranh do chủ nghĩa phát-xít gây ra. Nếu ngày đó nhân dân và Hồng quân Liên Xô không ngăn chặn được bước tiến của phát-xít Đức, có lẽ lịch sử thế giới đã đi theo một hướng khác và tương lai đợi chờ nhân loại sẽ có nhiều bóng tối hơn.

Người đó là Nhà báo Aleksei Syunnenberg - người đã dành rất nhiều tình cảm, công sức cho nhân dân, đất nước Việt Nam. Hôm nay ông sẽ chia sẻ những câu chuyện về con người ông, về công trình nghiên cứu của ông, về những điều ông đã nghĩ, đã sống, đã hành động cho đất nước Việt Nam.


Nhà báo Aleksei Syunnenberg và nhà báo Nguyễn Quang Thiều trong cuộc Bàn tròn.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ học tiếng Việt đến làm báo về Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Năm 1962, ông bước chân vào trường đại học để học tiếng Việt, điều gì đã thôi thúc ông? Đó là nhiệm vụ của một người thanh niên Liên Xô hay do sự hiểu biết nào đó về Việt Nam?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Năm 1962 tôi tốt nghiệp phổ thông. Khi học ở trường tôi đã đọc nhiều, nghe nói nhiều về Việt Nam, về cuộc chiến đấu thiêng liêng của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp, biết một chút về lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam, một lịch sử rất anh dũng. Cho nên khi tôi vào trường đại học, hồi đó là Trường đại học các ngôn ngữ phương Đông, giờ đổi tên thành Viện các ngôn ngữ Á Phi, thuộc trường Đại học tổng hợp Lômônôxốp, khi được đề nghị chọn một thứ tiếng, tôi đã chọn tiếng Việt.


"Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ, vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi... đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi" - nhà báo Nga hát một đoạn bài hát tiếng Việt duy nhất ông biết, do thầy Lê Hiền dạy từ năm 1962.

Tôi học ở trường 6 năm, 2 năm đầu tiên giáo viên của chúng tôi là người Việt Nam - ông Lê Hiền, nhưng sau đó chiến tranh bùng nổ ở Việt Nam, ông Lê Hiền phải về nước phục vụ. Lớp chúng tôi có 8 người thôi. Sau đó những người dạy tiếng Việt cho chúng tôi là giáo viên Nga đã học tiếng Việt trước chúng tôi vài năm và bây giờ trao đổi những gì họ biết với sinh viên. Rất tiếc trong thời gian sinh viên, vì điều kiện chiến tranh ở Việt Nam, phía Việt Nam không thể đảm bảo cho sinh viên Nga thực hành tiếng Việt ở Việt Nam nên tôi chỉ học tiếng Việt ở trường thôi.

Hồi đó tôi làm quen khá nhiều người Việt Nam mà cho đến bây giờ vẫn là bạn tốt, ví dụ anh Trần Phú Thuyết, người tôi làm quen năm 1964 tại một trại sinh viên ngoại ô Mátxcơva.

Năm 1966, tôi làm phát thanh viên tiếng Việt trên Đài phát thanh Mátxcơva, sau khi Liên Xô tan rã đổi tên thành Đài tiếng nói nước Nga. Hồi đó ở Việt Nam có rất nhiều thính giả nghe đài chúng tôi. Tôi còn nhớ một lần, đài chúng tôi tổ chức một cuộc thi cho thính giả Việt Nam về vũ trụ và đã nhận được 5 vạn lá thư từ Việt Nam. Nhiều thư đến nỗi chúng tôi đã động viên các em thiếu nhi của một trường trung học bên cạnh mở thư giúp để chúng tôi đọc.

Sau đó tôi trở thành Phó ban ở Ban tiếng Việt, đến năm 1989 làm Trưởng Ban. Tôi làm Trưởng Ban trong vòng 20 năm, vừa thôi năm ngoái. Giờ tôi là phóng viên đặc biệt của Ban tiếng Việt đài tiếng nói nước Nga.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Khi ông mới về Ban tiếng Việt của Đài tiếng nói Mátxơva, lúc đó ban đưa tin chủ yếu về Việt Nam đúng không? Vậy tin tức gì được đưa nhiều nhất? Chiến tranh, những trận ném bom của quân đội Mỹ hay tin tức gì khác?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Ban tiếng Việt của đài chúng tôi làm chương trình chủ yếu là cho thính giả ở Việt Nam. Dù thế thì Việt kiều khắp nơi cũng biết đến. Chúng tôi chủ yếu nói về các phong trào của nhân dân Liên Xô ủng hộ nhân dân Việt Nam. Chúng tôi nói về hoạt động của chính quyền Liên Xô giúp nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến thứ hai.

Hàng ngày, tôi đi đến các nhà máy của Liên Xô, không chỉ ở Mátxcơva mà còn ở các thành phố khác để làm phóng sự về hoạt động của nhà máy, phỏng vấn các chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam làm việc, chủ yếu là chuyên gia quân sự. Trong thời gian xảy ra cuộc kháng chiến thứ hai, đã có gần 11 nghìn binh lính, sĩ quan, tướng lĩnh của quân đội Liên Xô sang chiến đấu ở Việt Nam. Các tên lửa của Liên Xô do các sĩ quan cả Liên Xô và Việt Nam điều khiển đã bắn rơi 1.300 máy bay Mĩ, trong đó 54 chiếc B52.

Chúng tôi đã thông tin rất nhiều về phong trào Liên Xô giúp Việt Nam, động viên nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến. Không chỉ thính giả mà những người đứng đầu đất nước Việt Nam lúc đó đánh giá rất cao vai trò này của Ban tiếng Việt Đài tiếng nói Mátxcơva.

Mỗi lần sang Việt Nam là một ngày hội

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi biết rằng trong những năm tháng chiến tranh ông đã sang Việt Nam. Ông có thể hồi tưởng lại những lần ông sang Việt Nam trong thời kì chiến tranh không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Năm 1969 tôi sang Việt Nam lần đầu tiên. Đến nay tôi đã sang Việt Nam tất cả 15 lần. Mỗi lần đều ngắn thôi, một hai tuần. Lần dài nhất tôi ở Việt Nam là 20 ngày. Hồi đó, vì điều kiện quân sự nên máy bay không thế cất cánh khỏi Hà Nội. Đoàn chúng tôi là đoàn của Uỷ ban bảo vệ hòa bình của Liên Xô đến Việt Nam trong 2 tuần nhưng đã ở lại 3 tuần. Chúng tôi đã đến thăm những vùng bị tàn phá, gặp gỡ nói chuyện với các chiến sĩ Việt Nam, qua đó tôi đã hiểu người dân Việt Nam có những tình cảm sâu sắc với Liên Xô. Tôi không bao giờ quên những cuộc đi thăm Việt Nam thời chiến ấy.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Lúc đó so với những chuyến đi bây giờ, cảm nhận của ông về con người Việt Nam, qua gương mặt, giọng nói, trên đường phố, trong các ngôi nhà ông đến... có điều gì khác biệt không? Cách nhìn của ông về con người Việt Nam trong chiến tranh, đói nghèo, mất mát, máu chảy và trong đời sống đã tương đối no đủ yên vui hiện nay đã thay đổi như thế nào?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Tất nhiên từ năm 1969 đến nay Việt Nam đã thay đổi rất nhiều... Trong những lần sang Việt Nam những năm qua, tôi rất thán phục sự phát triển nhanh của Việt Nam.

Con người Việt Nam, dù điều kiện sống đã thay đổi rất nhiều, vẫn rất cởi mở, mến khách, thân ái, lịch sự, văn minh với người Nga, người Liên Xô cũ. Mỗi một lần gặp và nói chuyện với người Việt Nam, tôi hiểu đó là một con người của một dân tộc có nền văn hóa lâu dài.

Nói thật, mỗi lần có dịp sang Việt Nam là một ngày hội đối với tôi. Thật hạnh phúc khi được tận mắt thấy Việt Nam chuyển mình, gặp những người bạn Việt Nam cũ, làm quen với những người bạn Việt Nam mới. Mỗi lần đều để lại trong tôi những cảm tưởng sâu sắc.


Nhà báo Aleksei Syunnenberg. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tình cảm lâu dài, quan hệ cải thiện

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Liên bang cộng hòa XHCN Xô Viết đã không còn, hệ thống các nước XHCN cũng đã tan rã. Sự thay đổi của Liên Xô trở thành nước Nga đã kéo theo sự thay đổi về tình cảm của một số nước đối với Nga. Ông có nhận thấy có sự thay đổi nào trong tình cảm của người Việt Nam đối với nước Nga bây giờ so với Liên Xô trước kia không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Sau khi Liên Xô tan rã, thái độ của nhân dân rất nhiều nước, trong đó có các nước XHCN cũ, đối với Liên Xô, đối với nước Nga bây giờ, thay đổi hẳn. Nhưng theo tôi có một nước duy nhất có thái độ không thay đổi đối với nước Nga, đó là Việt Nam. Dân tộc Việt Nam vẫn yêu mến, biết ơn Liên Xô, biết ơn nước Nga, vì những giúp đỡ trong thời chiến. Theo tôi, nước Nga chúng tôi có một người bạn đáng tin cậy nhất đó là Việt Nam.

Khi gặp những người Việt Nam lớn tuổi hay thanh niên, tôi đều thấy họ rất biết ơn những gì Liên Xô đã làm cho Việt Nam. Với người lớn tuổi thì điều này bình thường thôi, nhưng đối với thanh niên thì tôi thấy hơi ngạc nhiên. Hôm qua ở hồ Hoàn Kiếm, tôi làm quen với một sinh viên đại học công lập ở Hà Nội, cô ấy 19 tuổi. Cô ấy kể cho tôi rất tỉ mỉ về nước Nga, văn hóa Nga, tình hình sinh viên Nga và vai trò của Liên Xô đối với chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến thứ hai. Cô ấy rất biết về sự giúp đỡ vật chất, kĩ thuật và quân sự của nước tôi đối với Việt Nam.

Tôi còn nhớ có mấy lần tôi tham vấn các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có đồng chí Bí thư thứ nhất TƯ Đảng cộng sản Việt Nam, họ đều nói những điều tốt đẹp nhất dành cho đất nước tôi. Đó đã là chuyện quá khứ, nhưng hôm qua cô sinh viên ấy đã nhắc lại những lời nói của những người đứng đầu đất nước, tôi tin đó là những lời nói xuất phát từ trái tim.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Vậy nhân dân Nga và chính phủ Nga hiện nay có hiểu được tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với nước Nga không? Trong trái tim nhân dân Nga bây giờ, hình ảnh Việt Nam có còn là hình ảnh xúc động, đẹp đẽ, kiên cường và chân thành như ngày xưa không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Việt Nam là một đất nước nghèo và trải qua nhiều thử thách, về điểm này lịch sử Việt Nam và lịch sử Nga có nhiều điểm rất giống nhau. Trong lịch sử của mình, cả hai nước đều phải chiến đấu chống Mông Cổ, Trung Quốc, Pháp, Mĩ, Nhật và mỗi lần 2 dân tộc chúng ta đều chiến thắng. Một sự trùng hợp là ngày 30/4/1945, các chiến sĩ Hồng quân đã cắm lá cờ chiến thắng tại thủ đô của nước Đức phát-xít; 30 năm sau, năm 1975, các chiến sĩ giải phóng Việt Nam đã cắm lá cờ chiến thắng tại Sài Gòn.

Sau khi Liên Xô tan rã, thái độ của nước Nga mới đối với các nước khác, đối với các nước bạn cũ đã thay đổi, nhưng tôi rất sung sướng thấy rằng trong những năm gần đây, quan hệ Nga - Việt đã được thiết lập lại. Vừa rồi, có nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang thăm Mátxcơva và kí nhiều văn kiện quan trọng trong lĩnh vực đại học, quân sự và nhà máy hạt nhân.

Qui mô hợp tác của hai nước chúng ta ngày càng mở rộng.

Về hiểu biết của nhân dân Nga về Việt Nam, nói thật, đã ít hơn so với thời Liên Xô. Bây giờ báo chí Nga nói ít về nước ngoài, chủ yếu nói về các sự kiện nội bộ. Rất tiếc là thanh niên Nga không hiểu nhiều về Việt Nam, nhưng thế hệ lớn tuổi vẫn nhớ về Việt Nam, về cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhớ rằng Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách, chiến đấu anh dũng và chiến thắng.

Tôi phải nói thêm rằng, ở Mátxcơva, ở Nga có những hội chuyên gia Liên Xô tham gia chiến tranh ở Việt Nam hay hội Nga - Việt hữu nghị hoạt động rất tích cực. Hai hội này đã xuất bản mấy cuốn sách nói về sự giúp đỡ của Liên Xô cả trong thời kì chiến tranh lẫn trong thời kì xây dựng hòa bình ỏ Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, số khách du lịch Nga đến Việt Nam hàng năm đều tăng, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới. Tôi rất hoan nghênh sự tham gia của các công ty du lịch Việt Nam tại các triển lãm quốc tế về du lịch tiến hành tại Mátxcơva, sau mỗi lần đó càng có nhiều người Nga muốn sang thăm Việt Nam.

Tôi cũng động viên các đồng nghiệp tại Ban tiếng Việt đến Việt Nam du lịch vì đó là một đất nước tươi đẹp, nhân dân mến khách, đặc biệt là món ăn rất ngon.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nước Nga từ thưở xa xưa, từ thời của các đại đế cho đến sau này là một quốc gia hùng mạnh. Nhưng có một giai đoạn nước Nga chìm xuống, vậy trong cách nhìn của ông, đến khi nào nước Nga sẽ trở lại là một dân tộc hùng mạnh trên thế giới như trước kia?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Tôi không phải là một nhà chính trị nhưng theo tôi quá trình này bắt đầu từ những năm 2000. Thập kỉ trước, những năm 1990, Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế Nga bị tàn phá, hàng triệu người thất nghiệp, còn bây giờ sau 8, 9 năm, quá trình phục hồi đã bắt đầu và không xa nữa, đất nước chúng tôi sẽ có lại vị thế trước đây.



Cha con và câu chuyện tiếng Việt

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Được biết con trai ông cũng học tiếng Việt. Điều gì đã "quyến rũ" anh ấy theo học tiếng Việt? Do đất nước, con người Việt Nam khiến anh tự nguyện học hay do ông định hướng?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Tôi dám nói rằng người động viên con trai tôi nghiên cứu về Việt Nam chính là đồng chí Nguyễn Văn Linh. Con trai tôi (Makxim) sinh năm 1980. Khi ấy ở Mátxcơva đang diễn ra Thế vận hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam tham gia với tư cách khách mời danh dự. Tôi hẹn đồng chí Linh ngày 31 tháng đó sẽ đến khách sạn của đồng chí để phỏng vấn. Đúng vào những ngày ấy, vợ tôi đang nằm bệnh viện chuẩn bị sinh, không ai biết chắc ngày nào.

Tôi thỏa thuận gặp đồng chí Linh lúc 12h nhưng đúng 10h bác sĩ gọi điện cho tôi báo là vợ tôi đã sinh con. Tôi rất sung sướng nhưng phải chạy nhanh đến gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh để phỏng vấn. Tôi chỉ có một phút để gọi điện báo cho bố mẹ tôi là ông bà đã có cháu rồi phải lên khách sạn gặp đồng chí Linh.

Đồng chí mở cửa và hỏi "Vì sao đồng chí vui thế?". Tôi trả lời là tôi vừa có con. Đồng chí Linh nói theo phong tục Việt Nam, phải uống rượu chúc sức khỏe hai mẹ con. Đồng chí mở tủ lạnh lấy một chai rượu Stanislawa và chúng tôi cùng nâng cốc. Và đồng chí Linh nói thế này: "Tôi thấy anh nói khá tốt tiếng Việt. Anh nên động viên con mình cũng nghiên cứu về Việt Nam".

Hồi ấy có một sự kiện quan trọng nữa là kết thúc cuộc bay vũ trụ phối hợp của Victor Vaxilevich Gorơbátcô và Phạm Tuân. Đồng chí Linh hỏi tôi: "Anh suy nghĩ sẽ đặt tên con là gì? Có lẽ là đặt tên Victor". Nhưng tôi đã đặt tên con là Makxim. Còn về tiếng Việt, mọi chuyện đã diễn ra đúng như đồng chí Nguyễn Văn Linh khuyên nhủ.

Sau khi Makxim tốt nghiệp phổ thông, không phải là tôi động viên mà là Makxim tự chọn trường đại học của tôi và thứ tiếng mà tôi yêu suốt đời - tiếng Việt. Khi còn là thiếu nhi, ở nhà Makxim thấy nhiều sách tiếng Việt, thường xuyên nghe bố nói chuyện điện thoại bằng tiếng Việt nên Makxim gắn bó với tiếng Việt.

Makxim tốt nghiệp đại học rồi học nghiên cứu sinh. Trong thời gian ấy, Makxim đã soạn một cuốn từ điển Nga - Việt theo chủ đề, cuốn từ điển Nga - Việt đầu tiên bao gồm 15 chủ đề khác nhau như kinh tế, sức khỏe con người, văn hóa, tài chính... Cuối năm ngoái, Makxim đã bảo vệ luận án tiến sĩ phân tích tình hình miền Nam Việt Nam thời Ngô Đình Diệm. Hiện Makxim đang dạy tiếng Việt ở trường Tổng hợp Lômônôxốp và tại trường Ngoại giao ở Mátxcơva.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Ông dùng tiếng Việt trong công việc tại đài tiếng nói, con ông dạy tiếng Việt ở trường đại học. Vậy trong gia đình, khi hai cha con ngồi với nhau có bao giờ nói chuyện bằng tiếng Việt không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Có chứ! Đặc biệt là khi tôi hoặc con tôi đi Việt Nam về, chia sẻ những cảm tưởng của mình bằng tiếng Việt. Nhưng không nhiều lắm, vì vợ của tôi - mẹ của Makxim không biết tiếng Việt. Cho nên chúng tôi cố gắng nói bằng tiếng Nga để mẹ của Makxim cũng hiểu.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Vậy là ông có kỷ niệm đặc biệt với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người sau này đã cùng với nhân dân Việt Nam làm cuộc đổi mới vô cùng quan trọng với đất nước, mang lại rất nhiều điều mà người dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên. Makxim cũng có một kỉ niệm tuyệt vời trong ngày sinh của mình là được người sau này đứng đầu một đất nước chạm cốc với cha mình và chúc con trai lớn lên sẽ giống bố - gắn bó với Việt Nam, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa cũng như lịch sử của dân tộc này. Năm 1980 là năm lần đầu tiên ông gặp cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau đó ông có gặp lại cố Tổng Bí thư nữa lần nào nữa không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Có vài lần khi ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư sang thăm Mátxcơva chính thức. Có một lần ông gặp gỡ lãnh đạo Hội Xô - Việt hữu nghị. Tôi có mặt để làm tường thuật. Sau khi chào tất cả các nhà lãnh đạo, ông đến gặp tôi và nói: "Tôi nhớ anh. Con trai của anh thế nào? Đã đi học chưa?". Tôi trả lời: "Con tôi được 5, 6 tuổi rồi". Đồng chí lại nói rằng: sau khi cháu tốt nghiệp phổ thông hãy động viên cháu học tiếng Việt.

Hồng quân người Việt trong trận chiến chống phát-xít Đức ở Mátxcowva - những thông tin ban đầu

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Qua câu chuyện ngắn ngủi và giản dị của ông, bạn đọc VietNamNet đã thấy được tình cảm, tình yêu của ông, vợ ông và con trai ông dành cho Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, chúng tôi biết được rằng, suốt mấy chục năm nay ông là một trong rất ít người đã bỏ công nghiên cứu về những chiến sĩ Hồng quân người Việt tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại phát-xít Đức.

Tôi nghĩ rằng rất nhiều người Việt Nam biết về lịch sử cuộc chiến tranh đó thì không bao giờ quên được hình ảnh: Trong một mùa đông giá lạnh trên Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva, những đội Hồng quân đã duyệt binh từ đó và đi thẳng ra mặt trận. Trong đội quân hùng mạnh, đầy lòng yêu nước và quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ấy có những người con của đất nước Việt Nam.

Và chúng tôi rất chờ đợi những điều ông sẽ nói về những con người ấy - những người đã hi sinh hay tham dự cuộc chiến tranh này, cuộc chiến không chỉ của những người Liên Xô mà là cuộc chiến do người Liên Xô thay mặt cho nhân dân toàn thế giới chống lại chủ nghĩa phát-xít.

Vậy lý do gì khiến ông bước vào cuộc hành trình gian khổ để tìm tư liệu, sự thật về những Hồng quân người Việt tham gia cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát-xít này?

Nhà náo Aleksei Syunnenberg: Tôi nghiên cứu và tìm hiểu về đề tài này hơn 40 năm nay. Trong cuộc chiến tranh chống phát-xít Hitler của đất nước chúng tôi, đã có 35 vạn công dân Liên Xô phục vụ trong Hồng quân - quân độichính quy Liên Xô, không kể đến các đội du kích, tự vệ. Trong Hồng quân có vài nghìn người nước ngoài là những người Cộng sản làm việc ở Mátxcơva, trong đó có một nhóm người Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi nghe về sự tham gia của nhóm người Việt Nam này là năm 1967. Hồi ấy, cụ Tôn Đức Thắng là Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trả lời phỏng vấn đài chúng tôi nhân dịp kỷ niệm 50 năm cách mạng tháng Mười và cụ đã nói có một nhóm người Việt Nam tham gia bảo vệ Mátxcơva.

Vài năm sau đó ở Mátxcơva có ấn hành cuốn sách hồi kí của một người Bulgary tên là Ivan Vinarov, một nhân viên của Quốc tế Cộng sản, một tướng Hồng quân trong một lữ đoàn đặc biệt của Hồng quân. Ông nói trong lữ đoàn này (gọi tắt tiếng Nga là OMSBON) có 6 người Việt Nam và 6 người này đã đi qua Hồng trường trong thời gian diễu binh kỉ niệm cách mạng tháng Mười năm 1941 trong tiết trời Mátxcơva cực lạnh rồi duyệt binh thẳng ra mặt trận, chỉ cách thủ đô Mátxcơva 25 km.

Ban tiếng Việt chúng tôi muốn xác định 6 người Việt Nam này là ai vì cụ Tôn Đức Thắng và Vinarov đều không nói gì về tên tuổi và vận mệnh của họ. Chúng tôi muốn biết làm thế nào họ đã ở Mátxcơva lúc Đức tấn công vào Liên Xô.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có rất nhiều người khi nghe thông tin này đã đặt câu hỏi những người đó là ai? Họ đến Liên Xô đế làm gì và như thế nào, bằng con đường nào? Họ ở đâu? Trẻ hay già? Nam hay nữ? Và tôi mong rằng ông sẽ hé lộ bí mật bấy lâu nay nhiều người chưa biết tới.


Nhà báo Aleksei Syunnenberg
: Chúng tôi đã động viên các cán bộ lão thành của Quốc tế Cộng sản, nhân viên các viện bảo tàng, thư viện, các cựu chiến binh của cuộc chiến tranh bảo vệ Mátxcơva. Tất nhiên chúng tôi động viên cả những người là hội viên của Hội Xô - Việt hữu nghị và Việt - Xô hữu nghị liên kết với chúng tôi. Có hai nhà Việt Nam học ở Mátxcơva cũng quan tâm đến vấn đề này là Kôbêlếp - tác giả một cuốn sách về Hồ Chí Minh và Xác-ca-lô chuyên về những người Việt Nam tại trường Đại học dành cho những người lao động phương Đông tại Mátxcơva.

Kết quả là chúng tôi được biết là, năm 1926 Bác Hồ ở Quảng Đông, Trung Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản đã tổ chức một nhóm thiếu nhi Việt Nam tuổi từ 12 - 17. Năm ấy Bác đã gửi thư cho Quốc tế Cộng sản đề nghị nhận nhóm thiếu nhi này đến học tập ở Mátxcơva. Mátxcơva đồng ý và Bác đã lên kế hoạch chuẩn bị gửi họ sang Mátxcơva.

Con đường của họ từ Quảng Đông đến Mátxcơva khá dài. Như chúng tôi biết những thiếu nhi Việt Nam ấy đến Mátxcơva vào đầu những năm 1930. Rất tiếc là đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa rõ trong nhóm có bao nhiêu người? Có những nguồn tin khác nhau: một nguồn tin bảo có 8 người, nguồn khác nói có 10 người, nguồn khác lại là 11 người, chưa xác định cụ thể. Nhưng chắc chắn là trong nhóm này không chỉ có thiếu nhi mà còn có một người lớn tuổi hơn để giúp các em trên con đường dài 5 năm từ Quảng Đông đến Mátxcơva. Từ khi Bác Hồ gửi thư cho Quốc tế Cộng sản đến khi họ đến được Mátxcơva là 5 năm.

Sau khi nhóm này đến Mátxcơva, các cơ quan của Liên Xô tổ chức cho họ học tiếng Nga, học phổ thông sau đó làm việc ở Mátxcơva. Tôi đã gặp một số công nhân lão thành của một nhà máy ôtô vận tải và một nhà máy cơ khí ở Mátxcơva kết nghĩa với nhà máy cơ khí số 1 ở Hà Nội. Tại hai nhà máy này thời những năm 1930 đã có công nhân Việt Nam, đó là những người trong nhóm mà Bác Hồ đã gửi từ Quảng Đông qua Mátxcơva.

Trong những 1930 ở Mátxcơva, những thiếu nhi này không phải là những người Việt Nam duy nhất, vì hồi ấy Quốc tế Cộng sản có một hệ thống giáo dục trong đó có một trường Đại học dành cho những người lao động phương Đông, và một số trường Đại học, trung học quân sự. Đồng chí Lê Hồng Phong đã học phi công ở một trường đại học quân sự năm 1928. Cho nên tôi thường nói đồng chí Lê Hồng Phong là phi công đầu tiên của Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô. Sau đó đồng chí Lê Hồng Phong đi học tại trường đại học dành cho những người lao động Phương Đông. Những năm 1930 ở Mátxcơva còn có Bác Hồ, Nguyễn Thị Minh Khai và một số lãnh đạo sau này của Việt Nam đều là học trò của hệ thống giáo dục của Quốc tế Cộng sản. Họ cũng quan tâm tới nhóm thiếu nhi Việt Nam. Nhưng đến những năm 1940 hệ thống này đóng cửa. Hầu hết người Việt Nam lớn tuổi đều về nước, chỉ còn nhóm thanh niên đến từ Quảng Đông là ở lại.

Khi Đức tấn công vào Liên Xô, quân đội phát-xít rất mạnh với khoảng 2 triệu người, 2.000 xe tăng, 1.500 máy bay. Máy bay Đức một ngày bay mấy vòng oanh tạc Mátxcơva. 4 ngày sau đó, Mátxcơva tổ chức một lữ đoàn cơ động đặc nhiệm. Trong lữ đoàn này có hai trung đoàn, một là trung đoàn của những người thể thao, hai là trung đoàn quốc tế. Trung đoàn quốc tế gồm 2.000 người, là những người Cộng sản của Bulgary, Séc, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Pháp... và có 6 người Việt Nam tình nguyện tham gia.

Đầu mùa thu năm 1941, các chiến sĩ của lữ đoàn OMSBON này đã chiến đấu với phát-xít để ngăn chúng vào thủ đô Mátxcơva. Ngày 7/11/1941, lữ đoàn này đã đi qua Hồng trường nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 10 rồi ra mặt trận chiến đấu chống phát-xít.

Tôi đã may mắn gặp được đồng chí Aleksandr Kazitshki, cũng là chiến sĩ của lữ đoàn này. Ông kể là đã làm quen với chiến sĩ Việt Nam trên mặt trận ngoại ô Mátxcơva. Ông nhấn mạnh: đã mấy lần nói chuyện với họ, họ nói tiếng Nga rất thạo và đã cùng nhau hát bài tiếng Nga, họ bắn vào kẻ thù rất giỏi và tiêu diệt rất nhiều quân phát-xít. Mùng 5 tháng Chạp năm 1941, Hồng quân tấn công vào quân đội phát-xít ở ngoại ô Mátxcơva. Trận đánh rất ác liệt, có khoảng nửa triệu quân phát-xít bị tiêu diệt nhưng Hồng quân cũng tổn thất lớn. Ông Kazitshki cho biết có 3 chiến sĩ người Việt Nam đã hi sinh.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Và ông đã tìm được tên tuổi của 3 người hi sinh đó?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Chúng tôi đã tìm thấy một số tài liệu về những người Việt Nam tham gia lữ đoàn đó bảo vệ Mátxcơva. Tôi xin nhấn mạnh rằng, tham gia lữ đoàn này có 6 người Việt Nam, 3 người đã hi sinh ở ngoại ô Mátxcơva. Chúng tôi đã xác định tên của họ: một là đồng chí Lý Nam Thanh, tên do chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, thật là Nguyễn Sinh Khang, sinh năm 1908 tại Làng Sen - tổng Kim Liên; hai là Lý Anh Tạo, tên thật là Hoàng Anh Tô, sinh năm 1912 cũng ở tổng Kim Liên; ba là Lý Thúc Chất, tên thật là Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên.

Trong chuyến đi Mátxcơva có một người lớn tuổi là Vương Thúc Tình sinh ở tổng Kim Liên. Năm 1925 ông gia nhập Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sỹ. Về cái chết của Vương Thúc Tình, tôi giả thiết rằng cũng giống như hàng loạt các nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng. Theo qui định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân địch ở ngoại ô Mátxcơva, Vương Thúc Tình được gửi về nước. Nhiệm vụ được giao là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng trong nước để làm suy yếu quân Nhật. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Về 3 người đã hi sinh đã được xác định tên tuổi, phần mộ của họ thì sao? Ông có tìm thấy nơi họ được chôn cất không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Không, vì cuộc chiến ở ngoại ô Mátxcơva rất ác liệt, có hàng trăm nghìn chiến sĩ Hồng quân đã hi sinh, có rất nhiều ngôi mộ vô danh. Có lẽ mộ các chiến sĩ Việt Nam nằm trong số mộ các chiến sĩ vô danh.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Trong nghiên cứu của mình ông có bao giờ đi tìm thân nhân của 3 chiến sĩ hi sinh ở ngoại ô Mátxcơva chưa? Chắc chắn họ có người thân ở Việt Nam, ở tổng Kim Liên? Đó là những người được Chủ tịch HCM dẫn dắt, đào tạo và gửi sang Liên Xô để học tập. Ông có tư liệu gì, thông tin gì về gia đình của họ không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Như tôi đã nói, Ban tiếng Việt chúng tôi không phải là cơ quan duy nhất quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi có liên kết với đại diện của một số cơ quan khác nữa. Căn cứ vào những tư liệu chúng tôi đã sưu tập, vào cuối năm 1985 Hội đồng Xô Viết tối cao Liên Xô đã truy tặng huân chương chiến tranh Vệ quốc hạng nhất cho 4 người Việt Nam này. Hồi đấy, Đại hội ĐCS Việt Nam cũng có đoàn đại biểu của TƯ ĐCS Liên Xô đến dự, đoàn này đã trao những huân chương cho gia đình của 4 người Việt Nam hi sinh (tức là 3 đồng chí hi sinh ở ngoại ô Mátxcơva và đồng chí bị bắn chết ở Trung Quốc).

Nhưng trong lữ đoàn có 6 người Việt Nam, chúng tôi mới xác định tên của 4 người, còn hai người kia vẫn còn vô danh. Theo tôi, dứt khoát phải xác định tất cả những người Việt Nam đã chiến đấu chống phát-xít trên mảnh đất Liên Xô.

Đi tìm tên cho những chiến sĩ vô danh

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Trong tất cả các tài liệu, nghiên cứu của ông, hai người đó là như thế nào?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Có lẽ hai người đó cũng thuộc nhóm thiếu nhi Việt Nam từ Quảng Đông được Hồ Chí Minh gửi sang Mátxcơva. Nếu vậy thì đó là đồng chí Lý Văn Minh và Lý Chí Trọng. Nhưng cũng có thể đó là hai người hoàn toàn khác vì có một số người Việt Nam sang Mátxcơva và học tại trường Đại học của Quốc tế Cộng sản nhưng vì lý do sức khỏe nên không được gia nhập quân đội.

Có một đồng chí tên Shanvo, đây không phải là tên thật và tên tiếng Việt mà là bí danh; và một người khác là Soloviev, người thứ ba là Linkor. Đến giờ chúng tôi vẫn chưa tìm được tên thật của ba người đó nhưng chắc chắn đó là người Việt Nam. Những người ấy ở Mátxcơva khi phát-xít xâm lược Liên Xô, họ có thể đã gia nhập lữ đoàn OMSBON.

Đồng thời có hai người Việt Nam nữa, sau khi đóng cửa hệ thống giáo dục của Quốc tế Cộng sản, là hai sinh viên cuối cùng được chuyển vào làm tại Uỷ ban giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng thế giới. Họ có tên là Claud Jean và Shan Pe-ton. Tên thật của Claud Jean là Trần Phương Đôn sinh năm 1902 tại Hải Phòng. Người thứ hai tên thật là Nguyễn Văn Nêm, sinh năm 1913 tại Bắc Bộ. Chúng tôi đã sưu tầm các chi tiết về tiểu sử hai người này, hy vọng phía Việt Nam sẽ giúp đỡ tìm kiếm.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Năm nay ông đã 65 tuổi, ông có định tiếp tục cuộc hành trình đi tìm sự thật về hai Hồng quân người Việt còn lại trong trung đoàn quốc tế ấy? Ông đã thông báo, liên lạc hay làm việc với cơ quan chức năng nào ở Việt Nam về vấn đề này chưa?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Tất nhiên tôi vẫn muốn tiếp tục cuộc tìm kiếm này vì mục đích của chúng ta là biết rõ tên của mỗi một con người đã chiến đấu chống lại phát-xít. Đặc biệt là trong năm nay, năm kỉ niệm chiến thắng của Liên Xô, chiến thắng của những người yêu nước Việt Nam và kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Và con trai của ông, người đã kế tục ông nghiên cứu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, anh ấy có nghĩ rằng nếu trong cuộc đời ông, ông chưa tìm được câu trả lời về hai Hồng quân người Việt đó thì anh ấy có thể tiếp tục không?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Vâng, tôi rất hy vọng là Makxim sẽ tiếp tục con đường này.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi sẽ cố gắng thông qua báo của chúng tôi tìm thêm thông tin liên quan đến hai Hồng quân người Việt này. Ông đã bao giờ tiếp xúc với thân nhân của ba người đã hi sinh ở Mátxcơva?

Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Không, mỗi lần sang Việt Nam của tôi đều là ngắn hạn nên nhiệm vụ này giao cho các đồng nghiệp của tôi.



Ngày chiến thắng phát-xít năm ngoái, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (tóc bạc) cùng chị Lý Thị Phương - con gái ông Lý Phú San (ngoài cùng bên phải), con trai chị - cháu ruột ông San, và một số người bạn đến nghĩa trang ngoại ô Mátxcơva viếng mộ ông San. Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng gửi

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đã có ai trong số những thân nhân đó sang Mátxcơva và đến vùng ngoại ô, nơi người nhân của họ đã cùng Hồng quân Liên Xô chống lại phát-xít Đức chưa?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Theo tôi biết, có một người tham gia bảo vệ Mátxcơva nhưng không phải là Hồng quân và con gái của người đó đã đến Mátxcơva. Ông tên là Lý Phú San, tên thật là Lê Tư Lạc hoặc là Lê Phan Chấn. Vì lý do sức khỏe nên không được nhận vào Hồng quân, ông ấy phục vụ các chiến sỹ bị thương tại một bệnh viện quân sự. Sau khi phát-xít Đức bị đập tan, ông Lý Phú San chuyển về cũng Urao để tham gia xây dựng nhà máy, vì đa số nhà máy của Liên Xô ở phía Tây đều bị phát-xít tàn phá. Đất nước chúng tôi xây dựng nền công nghiệp mới ở Urao. Ông Lý Phú San làm việc tại một số nhà máy, sau đó làm giám đốc. Năm 1945, ông được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng huy chương vì lao động quên mình trong thời kì chiến tranh chống phát-xít Đức. Năm 1956, ông trở về Việt Nam.

Ông có một người con gái học tập tại Liên Xô, tại Mátxcơva. Năm 1980, ông Lý Phú San qua đời. Mấy năm trước, con gái ông hiện sống ở Mátxcơva đã cải táng và mang di cốt của ông về chôn cất tại thủ đô Nga.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa bạn đọc, tôi tin rằng tất cả những chiến sĩ Hồng quân người Việt trong cuộc chiến tranh hồi đó đã đi vào lịch sử của Hồng quân Liên Xô, lịch sử của nhân dân Việt Nam và lịch sử của nhân dân thế giới trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát-xít. Hành trình đi tìm những người còn lại sẽ còn rất dài và vất vả, nhưng tâm huyết của ông Aleksei, ý thức của Ban tiếng Việt Đài tiếng nói nước Nga, sự nhớ ơn của nhân dân Liên Xô đối với những người hi sinh sẽ có thể cho chúng ta một niềm vui, nguồn động viên, nguồn lực để tiếp tục hành trình này. Nếu người cha Aleksei chưa tìm được sự thật về những chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại thì con ông là tiến sĩ Makxim sẽ tiếp tục, những người khác sẽ tiếp tục đi tìm những giá trị thực của con người, của dân tộc, của lịch sử. Tôi nghĩ đó là sứ mệnh của tất cả các thế hệ. Chúng ta phải đi đến cùng của sự thật.

Câu chuyện của chúng ta còn rất dài nhưng ông Alex còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi muốn mời ông đến đây để bày tỏ tình cảm của người Việt Nam đối với công việc ông đã và đang làm. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta ý thức được rằng chúng ta làm điều đó với một sự trong sáng, khát vọng, tình yêu, sự biết ơn. Một lần nữa xin cám ơn ông Aleksei và những người thân của ông, Ban tiếng Việt Đài tiếng nói nước Nga. Chúc ông sẽ có những ngày tuyệt đẹp ở đây và hi vọng ông sẽ còn quay trở lại Việt Nam.

Nguồn: Tuần Việt Nam - Vietnamnet
 
Top