Lịch sử Sơ tán người dân và cơ sở công nghiệp trong thời Thế chiến II

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Hoạt động sơ tán người dân và các cơ sở công nghiệp trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã diễn ra với qui mô lớn chưa từng có.





Hàng loạt nhà máy và xí nghiệp không chỉ rời tới địa điểm mới mà nhanh chóng triển khai sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

Khả năng sơ tán các nhà máy của Moskva và Leningrad đã được nghiên cứu từ trước tháng 6 năm 1941 khá lâu. Tuy nhiên, không có kế hoạch cụ thể được lập ra. Ông Yuri Nikiforov, chuyên gia Hiệp hội lịch sử quân sự Nga nói:

"Trước chiến tranh, đã không có kế hoạch sơ tán cụ thể. Hoàn toàn không hề tồn tại. Mặc dù nói cho công bằng, một số công việc đã được xúc tiến trước khi chiến tranh nổ ra. Đầu năm 1941, ở Moskva thành lập một ủy ban do Chủ tịch Hội đồng thành phố là Pronin chỉ đạo, ủy ban đã kịp trình bày với Stalin một kế hoạch sơ tán người dân thủ đô. Tuy nhiên, Stalin không chấp thuận kế hoạch và thậm chí ra lệnh giải thể ủy ban này. Khi chiến tranh ập tới, các cơ chế tổ chức hoạt động sơ tán được tái lập để triển khai công việc."


Nhiệm vụ không hoàn toàn rõ ràng đứng trước chính quyền. Dự kiến ban đầu, phần lớn công việc sơ tán sẽ thực hiện bằng đường sắt. Nhưng thực tế cho thấy, việc vận chuyển người dân mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Trước hết phải giải đáp câu hỏi: làm thế nào tập hợp gấp rút hàng triệu người, buộc họ để lại hầu hết đồ đạc và rời khỏi nơi sinh sống. Nhiệm vụ tiếp theo là giúp họ vượt được chặng đường đi về phía đông đầy khó khăn. Tiến sĩ Sử học Dmitry Belov nói:

"Công tác sơ tán người dân cần đi cùng với việc tổ chức các trạm ăn uống, cung cấp bánh mì. Triển khai điểm bổ sung thức ăn cho gia súc trên suốt chặng đường. Các nhà trẻ mồ côi cũng thuộc diện sơ tán. Trại hè Artek đã được rời tới Stalingrad."

Vùng tiếp nhận người sơ tán cũng đối đầu với những vấn đề cấp bách và nan giải. Phải nhanh chóng bố trí chỗ ở ổn định, đảm bảo lương thực thực phẩm. Triển khai máy móc thiết bị. Nhà sử học quân sự Alexander Korshunov kể:

"Vấp phải những khó khăn về tổ chức cơ chế vận tải đường sắt, sơ tán công nhân cùng các nhà máy… Có trường hợp thiết bị được đặt trên các bệ lót đặc biệt ngay giữa đồng. Cấp tốc dẫn điện về từ các hệ thống cung cấp gần nhất và vận hành máy móc ngoài trời."

Trong thực tế, nhiệm vụ di chuyển các cơ sở sản xuất tới địa điểm mới và triển khai làm việc đã được hoàn thành chỉ trong vòng nửa năm. Hôm nay, không dễ hình dung khối lượng công việc đồ sộ của những con người hốc hác mệt mỏi, thiếu ăn thiếu ngủ, — ông Yuri Nikiforov nhận xét:

"Cả một đất nước công nghiệp được lùi về phía đông hàng ngàn cây số. Theo thống kê chưa đầy đủ, tới 1,5 triệu lượt toa tàu đã được huy động. Nhờ hoạt động sơ tán, đến giữa năm 1942 có 1.200 doanh nghiệp lớn đã bắt đầu làm việc tại địa điểm mới ở Ural. 210 doanh nghiệp ở Tây Siberia. Kết quả, sản lượng các ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim loại của khu vực tăng gấp 7 lần, đến năm 1943 tăng 11 lần."

Địa chỉ mới của các nhà công nghiệp khổng lồ trở thành Ural và Tây Siberia, nơi Đức quốc xã không tiếp cận được. Sau chiến tranh là "sự bùng nổ công nghiệp". Nhưng vào mùa đông năm 1942, chưa ai nhìn trước điều này. Nhiệm vụ duy nhất là bằng mọi giá đánh tan kẻ thù.

NguồnL SputnikNews
 
Top