Tâm sự Sinh viên dự bị (Ghi chép của một sinh viên du học Irkutsk)

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
(Svirk)-“Em này, lần sau không được đi muộn nữa nhé!”; “ Đừng ngủ gật!”; “Em nói cho cô biết hôm nay thời tiết như thế nào?”; “Em nói sai rồi , nói lại đi! ” ; “ Cả lớp đọc theo cô nào! ”… Những câu nói mà nghe qua ai cũng hình dung ngay đến 1 lớp học vỡ lòng của trẻ em mẫu giáo. Vậy nhưng đó lại là những âm thanh rất quen thuộc trong các lớp học tiếng Nga của sinh viên Khoa “dự bị”.

Toàn những thanh niên 19, 20 tuổi, có cả nhỏ bé, khuôn mặt thư sinh nhưng cũng không thiếu những tên to như voi, những tên mặt đầy râu , từ xấu trai tới đẹp trai cỡ …tác giả bài này vậy (^^). Tất nhiên, chúng tôi không còn là học trò, nhưng đó thực sự là những tiết học “vỡ lòng” đầu tiên về tiếng Nga do chính giáo viên người Nga dạy .

“Hàng năm cứ vào độ cuối thu lá ngoài đường rơi rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức nhớ lại những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”Bài học năm nào của Thanh Tịnh nhắc nhở chúng ta một ký ức tươi đẹp của ngày đầu đi học, đối với mỗi con người, đó có lẽ cũng là một trong những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ nhất .

“Bỡ ngỡ và non nớt” đặc biệt là khi đi học, những cụm từ nghe đã thấy chỉ dành cho lứa tuổi mẫu giáo, với sinh viên, lứa tuổi trải qua ít nhất là 12 năm học phổ thông, nghe tưởng chừng như lạ lẫm làm sao .Vậy mà … thực sự tôi đã bỡ ngỡ, cái bỡ ngỡ giống 1 chú chim non ngày đầu rời tổ, non nớt trước 1 môi trường học hoàn toàn xa lạ . Lạ làm sao, ai bảo tuổi 20 đã lớn? Lần đầu xa nhà, rất xa nhà . Lần đầu …đi học ở Nga .


Những gương mặt SV dự bị Khóa 13

Điểm đặc biệt nhất của du học Nga là các lưu học sinh thường có hẳn 1 năm để học tiếng Nga phục vụ cho việc học chuyên ngành sau này, tiếng Việt thường dịch là “học dự bị”, tức là các sinh viên du học sẽ làm sinh viên “dự bị” trong 1 năm học tiếng trước khi nhập trường và trở thành sinh viên chính thức . Vào Khoa dự bị không những bạn mới, trường mới mà ngay cả thầy cô cũng cho thấy một cảm giác gì đó quá lạ lẫm, thậm chí là hơi “cao siêu” và vốn liếng ngôn ngữ (tiếng Nga) của mình thì ôi thôi, bập bẹ thậm chí còn thua một đứa trẻ lên 5 ở bên này. Ai bảo là không bỡ ngỡ ?

Chương trình học Khoa dự bị gồm 2 giai đoạn : Giai đoạn đầu thường chỉ khoảng 1 tháng học toàn tiếng Nga cho sinh viên quen dần ; Giai đoạn 2 là học thêm các môn toán, lý, hóa, sử, địa ,… bằng tiếng Nga để tăng cường thuật ngữ khoa học cho sinh viên để bước vào học chính thức sau này . Mỗi lớp thường chỉ khoảng 7, 8 sinh viên nên có thể nói là khả năng của giáo viên được phát huy hết cỡ . Tuy nhiên, đó cũng lại là điểm mới với sinh viên Việt Nam vốn quen với những lớp học tới vài chục người, nhiều câu chuyện hài hước cũng từ đây mà ra . Tác giả bài này từng vô tư ngồi bàn đầu, cách mặt cô giáo chưa tới 1 mét mà mắt lờ đà lờ đờ, gật lên gật xuống thậm chí là ngủ vì lần đầu tiên phải nghe ngoại ngữ nhiều đến thế . Hay là vì ít sinh viên và ngồi quá gần nên cô giáo nhìn được hết động tác mồm của sinh viên khi đọc thế nào, lắm chú láu cá đọc liến láu bị sửa tơi bời …Tuy vậy , học ngoại ngữ trong môi trường Khoa dự bị cộng thêm môi trường sống xung quanh “đặc sệt” tiếng Nga vốn ngoại ngữ nâng lên rất nhanh, nhất là đối với sinh viên Việt Nam nổi tiếng về chăm chỉ. Những khóa sinh viên Việt Nam đầu từng tạo ra sự ngỡ ngàng với các giáo viên Nga và khi đó, từ “sinh viên Việt Nam” trong nhiều cuộc trò chuyện của thầy cô giáo thường đi liền với «молодец» (cừ lắm, giỏi lắm) hay là «отлично» (xuất sắc ) .

Giáo viên dạy tiếng Nga ở Khoa dự bị (ở đây chỉ kể những việc xảy ra với tác giả , tức là ở Irkutsk) cũng có những nét riêng , đó thường là các cô giáo đã già và có nhiều năm kinh nghiệm , có lẽ xuất phát từ một đặc điểm là những người kinh nghiệm thường có đủ sự kiên nhẫn để nghe người nước ngoài bập bẹ mãi một câu bằng tiếng mẹ đẻ của họ ,hơn là những người còn trẻ . Với sinh viên Việt Nam , điều này còn có một điểm lợi : đó đều là những giáo viên từng làm việc dưới thời Liên Xô nên khá có thiện cảm với Việt Nam . Xen lẫn trong những bài giảng và tập đọc, luyện âm hàng ngày là những lời hỏi thăm cuộc sống và cả những câu chuyện bất tận về cuộc sống mà ai cũng chăm chú nghe, tất nhiên, vì còn một lý do nữa là chúng được kể bằng tiếng Nga .

Học tiếng Nga đối với đa phần các sinh viên du học có thể nói là cả quá trình cố gắng ,vì đơn giản hầu hết là sinh viên các trường kỹ thuật ở nhà, thường có đặc điểm học ngoại ngữ kém hơn những sinh viên khối ngoại ngữ. Tuy vậy, đó là lại câu chuyện mà tôi sẽ kể cho các bạn vào một dịp khác!

Tác giả: ThankGod - sinhvienirk.net
 
Top