Tâm sự Nước Nga trong tôi - "Vũ Khoan"

vinhtq

Quản lý chung
Помощник


Ông Vũ Khoan (đứng) trong một lần phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thật hiếm có nước nào như Việt Nam mà người dân lại có cảm tình sâu nặng như vậy đối với nước Nga.


Những người ăn học, công tác ở nước Nga, làm việc cùng các chuyên gia Nga hoặc được hưởng thụ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình của người Nga đối với Việt Nam đã đành. Thế nhưng, cả những người chỉ biết đến nước Nga qua lời kể của các thế hệ cha anh, tiếp cận ít nhiều với nền văn hóa Nga cũng nuôi dưỡng tình cảm ấm áp với nước Nga mới lạ.

Vậy do đâu có "hiện tượng" đó? Chẳng dám nói thay những người khác, tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều về những cảm nhận riêng tư của mình với nước Nga để lý giải cho điều này.

Lần đầu tiên tôi biết đến nước Nga là sau Cách mạng tháng Tám. Lúc ấy, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những lá cờ lạ hoắc của các nước đồng minh chống phát-xít, trong đó có lá cờ đỏ in hình búa liềm với ngôi sao xinh xinh trên góc trái và bố tôi cho biết đấy là cờ của Nga Xô. Thế rồi trong kháng chiến chống Pháp, một lần cầm xem tờ báo ảnh L'Union Sovietique (Liên Xô) do người anh họ đem về và trong óc tôi bỗng nảy sinh ước mơ một ngày nào đó mình sẽ được đặt chân lên đất nước xa xôi, hùng vĩ này, hệt như ông lão ngồi đan rổ mơ về nước Nga trong bài thơ của Tố Hữu.

Số phận run rủi thế nào không biết, vào một buổi tối mùa Thu năm 1954, một trăm anh chị em trong trường Thiếu sinh quân chúng tôi được triệu tập nghe phổ biến quyết định lên đường sang Liên Xô học tiếng Nga để làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô sẽ vào giúp miền Bắc nước ta xây dựng lại sau khi Hiệp định Geneva về Việt Nam được ký kết! Thế là ước mơ không tưởng của tôi bỗng nhiên trở thành sự thật.

Cái cảm giác choáng ngợp đầu tiên khi đặt chân lên đất Nga là đất nước này sao rộng lớn thế! Từ ga Otpor (sau đổi tên là Zabaikalsk) ở biên giới Trung - Xô đi tàu hỏa về tới Thủ đô Moscow phải mất gần một chục ngày đêm. Tàu bon bon lăn bánh qua những cánh rừng taiga mênh mông phủ lá vàng óng vào mùa Thu, lượn quanh hồ Baikal nước trong vắt như tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời xanh thăm thẳm, lướt qua các thành phố đồ sộ với những nhà máy khổng lồ nhả khói lên trời. Còn Moscow thì khỏi phải nói: đường rộng thênh thang, điện Kremlin nóc vàng lóng lánh, các ga metro lộng lẫy như cung điện, trường Đại học Lomonosov sừng sững trên đỉnh đồi Lenin…

Tôi cứ nghĩ, không biết có phải sự kỳ vĩ của giang sơn, chiều rộng mênh mông của đất nước đã thấm sâu vào tâm hồn người Nga và nền văn hóa phong phú, sâu lắng của họ chăng?

Sống, học và làm việc gần hai chục năm trên đất Nga tôi nhận thấy rất rõ rằng người Nga rất cởi mở, bình dị, hiền hậu, nhân ái, thành thật, thậm chí hơi "ngô ngố". Tôi đã cảm nhận thấy những đức tính ấy của họ ngay từ ngày đầu nhập học qua các thầy cô giáo và nhân viên nhà trường nuôi dạy chúng tôi như con em ruột thịt. Tôi thấy rõ những điều đó qua những gì người Nga đã dành cho dân tộc ta qua mấy chục năm làm việc liên quan tới quan hệ Việt - Nga.

Ở trên tôi miêu tả sự hùng vĩ, lộng lẫy của Moscow nhưng không phải chỉ có vậy. Ẩn sau sự hoành tráng ấy là cuộc sống của người Nga còn vất vả trăm bề. Tới thăm nhà các thầy cô và những người dân bình thường mới biết phần lớn họ phải sống chen chúc trong các căn hộ chung cư dành cho hàng chục người với một gian bếp và một buồng vệ sinh chung, mỗi gia đình chỉ vẻn vẹn trên chục mét vuông, sáng ra chỉ có mẩu bánh mì đen với cốc nước trà đen. Còn khó khăn như vậy nhưng họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho không ít dân tộc, trong đó có dân tộc ta, không một lời ta thán.




100 sinh viên Việt Nam đầu tiên đến Liên Xô cùng các thầy cô giáo Nga.


Tôi xin chia sẻ vài câu chuyện cụ thể. Ở Đại sứ quán, chúng tôi thường xuyên phải tiếp các công dân, cựu chiến binh, cụ già nghỉ hưu, cháu học sinh… tới cơ quan ta để biểu thị tình cảm sâu nặng với nhân dân ta đang chịu nhiều hy sinh để giữ nước, nhờ chúng tôi chuyển những món quà bình dị, nhỏ nhoi về cho đồng bào trong nước. Nhiều cựu chiến binh cứ nằng nặc xin tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh quân dân ta.

Đó là ở tầm người dân; còn ở tầm nhà nước thì ai cũng biết chúng ta không thể chiến đấu và chiến thắng nếu không có sự viện trợ của Liên Xô và các nước XHCN khác; không thể phát triển nếu không có điện Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, Uông Bí, Phả Lại, Cơ khí Hà Nội, Cẩm Phả, Sông Công… Đó là chưa kể hàng vạn cán bộ, công nhân thuộc đủ ngành nghề đã được đào tạo ở Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây làm nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta. Riêng tôi không bao giờ quên những lần được chỉ thị từ trong nước yêu cầu bạn cung cấp gấp lương thực để cứu đói và bạn đã cố gắng đáp ứng mặc dầu bản thân phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực.

Tôi nhớ mãi đận máy bay chiến lược B-52 của Mỹ không kích Hà Nội và các địa phương miền Bắc 12 ngày đêm tháng 12/1972, tên lửa dự trữ của ta không còn nhiều, đoàn đại biểu cấp cao của ta do đồng chí Trường Chinh dẫn đầu, trong đó bản thân tôi được phục vụ đã đề nghị Liên Xô bổ sung và bạn đã lập tức đưa sang. Là cán bộ Đại sứ quán nước ta ở Moscow, trong trí óc tôi không bao giờ phai mờ hình ảnh dòng người tưởng như bất tận đến viếng Bác Hồ khi Người qua đời và sự nhiệt tình, tận tâm của bạn giúp ta bảo quản thi hài Bác, phản ánh đúng niềm tiếc thương sâu lắng của người Nga khi nghe tin Bác qua đời vì người Nga cũng yêu quý Bác như người thân của mình....

Người Nga có tấm lòng như vậy đối với ta có lẽ do những bản tính tốt đẹp của họ, đồng thời do sự đồng cảm của một dân tộc vốn nuôi ý chí quật cường không chịu bị áp bức, thống trị đối với dân tộc ta, một dân tộc luôn quý trọng độc lập, tự do hơn cả mạng sống của mình.

Chung thủy với bè bạn, chúng ta không bao giờ lãng quên tình sâu nghĩa nặng đối với dân tộc Nga và những người bạn đã chia ngọt sẻ bùi với chúng ta trong cơn hoạn nạn. Đó là về tình. Nhưng về lý thì nước Nga vẫn là một cường quốc, là một thị trường và đối tác đầy tiềm năng ta không thể không coi trọng. Logic cuộc sống là thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, hoàn cảnh cụ thể cũng không bao giờ lặp lại nguyên xi, muốn duy trì sợi dây tình cảm giữa hai dân tộc không thể không đổi mới phương cách tiếp cận, lấy di sản quá khứ làm nền tảng, lấy lợi ích thiết thực của cả hai nước làm động lực, lấy lớp người mới, nhất là giới trẻ và doanh nhân làm đầu tàu. Đó là nguyện vọng của riêng tôi, một người cả đời gắn bó với quan hệ hợp tác Việt - Xô, Việt - Nga!

Vũ Khoan -Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

 

Lê Huỳnh Đức

Quản lý cấp 1
Thành viên BQT
Модератор
Anh trả ngay lại ảnh cho người đọc nhé, thèm khát được xem mấy bức ảnh đấy quá :31.jpg::31.jpg::31.jpg: Thực sự là đọc và nghe của bác Vũ Khoan nhiều, rất thích bác ấy, mà đọc xong bài này thì càng "yêu" bác ấy luôn, anh đăng ảnh là em chia sẻ fb cá nhận em luôn :14.jpg::14.jpg::14.jpg: dự là cũng khơ khớ lượt thích đấy :45.jpg::45.jpg::45.jpg:
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Anh trả ngay lại ảnh cho người đọc nhé, thèm khát được xem mấy bức ảnh đấy quá :31.jpg::31.jpg::31.jpg: Thực sự là đọc và nghe của bác Vũ Khoan nhiều, rất thích bác ấy, mà đọc xong bài này thì càng "yêu" bác ấy luôn, anh đăng ảnh là em chia sẻ fb cá nhận em luôn :14.jpg::14.jpg::14.jpg: dự là cũng khơ khớ lượt thích đấy :45.jpg::45.jpg::45.jpg:
Anh cập nhật ảnh rồi nhé, kiếm mãi mới ra lại trong ổ cứng :D
 
Top