"Chính chúng tôi cũng bất ngờ" : Sự thật thủ cảo bí ẩn nhất thế giới đã phát lộ
Zakhar Andreyev (Moskva) | RIA Novosti, 01.05.2024, 08:00 (GMT+7)
Các khoa học gia Úc đề xuất chìa khóa mở thủ cảo Voynich.
Sao bản hậu kì trung đại từ lâu có tên gọi Thủ Cảo Voynich (Манускрипт Войнича, Voynich-Manuskript, Voynich manuscript), vốn được coi là "thánh tước" trong giới mật mã. Cho đến nay vẫn chưa ai giải được văn bản chỉ toàn kí tự lạ hoặc ít ra là hiểu ý nghĩa những minh họa kì quặc. Tuy nhiên, công trình mới nhất của các học giả Úc đã nêu vài đầu mối để giải quyết chút ít vấn đề cuốn cổ thư.
Y hệt Kremlin
Thủ cảo Voynich gồm 240 trang bằng giấy da mỏng. Cả tác giả và thời điểm sáng tạo vẫn chưa xác định được. Nhưng khi áp dụng phương pháp phóng xạ carbon (carbon-14 dating) thì chúng ta biết rằng, những con vật bị lột da làm giấy đã chết trong khoảng từ 1404 đến 1438. Hơn nữa, thủ cảo này được các thư tịch khác tác chứng là từ năm 1639. Có lẽ qua vài thời điểm, nó là tài sản của các nhà giả kim, hay thậm chí hoàng đế La Mã Thánh Chế Rudolf II.
Đến đầu thế kỉ XX, hiện vật này được nhà sưu tập đồ cổ Wilfrid Voynich (1865 - 1930) mua lại. Ông vốn là nhà cách mạng Ba Lan đã gặp may thoát khỏi lệnh tầm nã ở Đế Quốc Nga. Ít lâu sau khi ông qua đời, thủ cảo được đưa vào quàn tại thư khố Viện Đại Học Yale (Mĩ) cho đến tận hôm nay.
Cứ theo thủ bút, phải có chí ít 5 tác giả tham gia soạn sách này. Văn bản có lẽ tuân thủ bảng tự mẫu bí mật cùng thứ ngôn ngữ khó hiểu, thậm chí không sao xác định gần đúng một điểm nào. Trí tuệ nhân tạo (AI) cho là ngạn văn Do Thái. Nhưng cũng có mấy nhà nghiên cứu đồ rằng, đấy thực chất chỉ là những con chữ tối nghĩa, và cũng có thể là ngụy tác hoặc trò chơi khăm mà thôi.
Thống kê các đồ hình thì có thực vật, thiên thể, bình bào chế dược phẩm, mấy sơ đồ loằng ngoằng và cả đàn bà lõa thể. Nhưng có một đồn bảo với những bờ thành đuôi én đặc trưng nổi bật trên tổng thể, nom giống hệt điện Kremlin ở Moskva. Mà khoảng thế kỉ XV, những công trình kiểu này mọc lên nhan nhản ở Bắc Ý và Nam Đức.
Tiến sĩ Keagan Brewer thuộc Viện Đại Học Macquarie (Sydney, Úc) cùng đồng nghiệp Michelle Lewis xướng xuất cách đọc mới cho các họa đồ. Các nhà nghiên cứu hướng vào những hình nữ lưu cầm trên tay một vật gì nằm cạnh bộ phận sinh dục hoặc bám lấy chúng. "Đặc điểm này không thể hiện diện trong văn bản chỉ dành cho thảo mộc hoặc thiên văn" - Brewer bình luận như thế trong một chuyên mục của trang
The Conversation.
Chủ đề cấm kị
Các nghiên cứu gia đã tỏa ra nguồn thư tịch khác cũng ở hậu kì trung đại, mà theo lối gọi đương thời, là dành riêng cho "bí mật nữ lưu" : Phụ khoa và tình dục học. Họ tập trung vào di cảo của một y sĩ Bayern, ông Johannes Hartlieb (1410 - 1468). Ông này vốn cho rằng, những kiến thức liên đới biện pháp tránh thai, phá thai, hoặc vô sinh thì nên soạn bằng "mật ngữ", nghĩa là áp dụng mật mã hoặc bảng tự mẫu kín đáo. Vì là người Cơ Đốc mộ đạo, Hartlieb e sợ rằng những thông tin này nếu được bạch hóa dễ dẫn đến những hành vi "sai quấy", như là ngoại tình.
Những quan niệm như vậy rất phổ biến đương thời, nên mới có hiện tượng khống chế văn kiện y lí về "bí mật nữ lưu". Brewer và Lewis đã giải mã được vài văn bản tương tự không liên đới thủ cảo Voynich. Một trong số đó gồm 21 dòng mô tả việc thực hành phụ khoa, trong đó có việc kết thúc thai kì sớm.
Trong trường hợp thông tin đó chưa mã hóa, giới kiểm duyệt thế kỉ XV thường xóa hoàn toàn khỏi văn bản, đôi khi còn che đi các thuật ngữ (ví như bộ phận sinh dục), mà lắm lúc xé luôn cả trang của tác giả. Theo quan điểm của hai chuyên gia, thì thủ cảo Voynich cũng dành riêng cho sức khỏe sinh sản của nữ lưu, bởi thế mới cần một quy luật phức tạp đến như vậy.
Bí ẩn "lâu đài"
Có điều còn vương vấn là, toàn thể văn bản vẫn là bí nhiệm khó cởi. Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc các minh họa từ giác độ như thế này, hẳn có nhiều điểm hợp lí. Bởi, theo các chuyên gia, đồ hình lớn và phức tạp nhất trong thủ cảo Voynich - thường gọi "Rosette" (hoa thị) - là mô tả kết cấu hệ thống sinh sản của nữ lưu.
Bức hình ở trung tâm có lẽ biểu thị âm đạo. Hay đúng hơn, là cái "lỗ ngoài" của nó, vì ở hậu kì trung đại nhân loại vẫn tin rằng còn một "lỗ trong" (cũng được trình bày trong tranh, nhưng ở góc trên bên trái). Bên cạnh đó, các minh họa còn thể hiện "bảy buồng" tử cung, tương ứng với trình độ giải phẫu học bấy giờ.
Abū Bakr al-Rāzī, một y sĩ Ba Tư rất có ảnh hưởng đối với y học Âu châu hậu kì trung đại, đã chép rằng : Có năm tĩnh mạch nhỏ chảy trong âm đạo xử nữ. Thế nên mới có cái gì nom như dòng suối được trình bày ở bên cạnh "ổ cắm" phía trên bên trái.
Tòa đồn bảo "khớp nối" cung cấp thêm manh mối khác : Thuật ngữ "schloß" trong tiếng Đức hàm nghĩa cả "ổ khóa" và "bộ phận sinh dục nữ", hoặc "xương chậu nữ".
Các tác giả công trình thừa nhận rằng, bản thân họ không thể mở được hết bí ẩn các họa đồ. Tuy nhiên học giới hi vọng rằng, lối tiếp cận này không chỉ giúp hậu thế giải nghĩa các minh họa mà sau rốt còn tìm ra chìa khóa mở nội dung cuốn sách bí nhiệm nhất thế giới.