Hoàn cảnh lưu học sinh

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
DẠ HỘI TÂN SINH VIÊN

Không vui nhộn náo nhiệt không phải là sinh viên! Hơn nữa, trong điều kiện phải ở xa quê hương, người thân thì ngoài việc học hành còn niềm vui nào hơn khi được quây quần bên đống lửa trại trong chuyến dã ngoại rừng Nga vào mùa hè, trượt băng nghịch tuyết vào những ngày đông lạnh giá…hay một đêm sinh hoạt văn nghệ trên sân khấu nhà trường?

Vui và hiểu nhau là chính…


Bởi vậy, khi tập thể sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga (RUDN) khởi xướng đêm hội “GaLa RUDN Plus GOT TALENT 2014” (Tìm kiếm tài năng sinh viên RUDN mở rộng 2014) thì sinh viên các trường ở Mátxcơva và một số thành phố khác cũng nhiệt tình tham gia hưởng ứng.

Trong lời kêu gọi hưởng ứng tham gia GaLa của mình, ban tổ chức mong muốn các bạn sinh viên ở tất cả các trường đại học tại Mátxcơva hay các thành phố xa có cơ hội gặp gỡ giao lưu, góp phần tăng cường đoàn kết giữa các bạn sinh viên trong và ngoài trường RUDN.

Thêm vào đó, các phụ huynh sinh viên đang làm việc, sinh sống tại Nga vốn lâu nay luôn quan tâm tới chuyện học hành của các em, tỏ ra rất đồng tình và ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất (đó chính là nguồn động viên có tác dụng rất lớn tới các em) Một lí do không thể không nhắc đến, là ban lãnh đạo nhà trường vốn có nhiều thiện cảm với du học sinh Việt Nam nên cũng rất đồng tình, tạo mọi điều kiện sẵn có cho các em có một sân chơi lành mạnh.

Sau một thời gian vừa học tập, vừa tranh thủ ngoài giờ học kết hợp sáng tác, tập luyện các tiết mục văn nghệ, các em đã có một chương trình phong phú cho đêm hội GaLa náo nhiệt.

Đúng 18 giờ ngày 13.12, tại hội trường của trường ĐH Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga (RUDN), đêm hội “GaLa RUDN Plus GOT TALENT 2014” đã mở màn trong tiếng vỗ tay của hàng trăm sinh viên và khách mời.

Lần lượt 17 tiết mục tự biên tự diễn của các em từ: ca, múa, nhạc, kịch câm, ảo thuật, sáo, ghita…được trình diễn với tinh thần “thi đấu” rất sôi động và hấp dẫn!

Có thể nói sinh viên của trường RUDN, trường PUSKIN là có nhiều tiết mục tham gia mang nhiều màu sắc nhất. Ngoài ra, các trường khác như: BAUMAN, OBNINSK, CN Thực phẩm, Thép hợp kim, Plekhanov, Gobnik…cũng đưa về đêm hội GaLa những tiết mục hấp dẫn không kém. Sau 3, 4 tiết mục ban giám khảo lại có những nhận xét khách quan cho từng nhóm hoặc cá nhân như vừa thẩm định kết quả vừa động viên khích lệ phải cố gắng cho...“lần sau” hơn!

Ở mỗi tiết mục mà các em trình diễn, khán giả như cảm nhận được cái tình yêu quê hương sâu đậm trong lòng các em dù ở nơi xa xứ. Là tình cảm lứa đôi trong sáng…Hay tuổi thơ học trò ở miền quê ngày nào như là kỉ niệm khó quên với các em khi bước vào thế giới khác: sinh viên, nơi có nhiều mơ ước, hoài bão nhưng cũng không thiếu những sự cám dỗ hư vinh của vật chất, đồng tiền…dễ dàng bị sa ngã. Các tiết mục đều có nét chung là thể hiện ca ngợi cuộc sống nhân văn, biết vị tha, chê trách tiêu cực mà xã hội đang lên án…và cần phải biết vươn lên trong cuộc sống.

Trong một số tiết mục biểu diễn của mình, các em cũng mời bạn bè sinh viên quốc tế tham gia như là biểu hiện đẹp đẽ của tình hữu nghị. Chương trình trải dài trong thời lượng 3 tiếng đồng hồ nhưng khán giả luôn dành cho các em những tràng vỗ tay tán thưởng và khích lệ.

Phải thừa nhận các em đã chịu khó rất nhiều trong việc chuyển tải những nét nghệ thuật của âm nhạc quê hương đến với khán giả hay trong những tiết mục tự sáng tác và biểu diễn, dẫu rằng ở vài tiết mục, các em còn non nớt khi giọng ca yếu, điệu bộ chưa nhuần nhuyễn hay trang phục còn sơ sài…Nhưng vượt lên trên tất cả là sự đam mê của tuổi trẻ, lòng khát khao với tri thức học hỏi ở trời Tây, đặng sau này mang về phục vụ cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Đêm diễn GaLa đã thành công tốt đẹp với những tràng vỗ tay chúc mừng, tiếng pháo bông giòn giã, lời khen ngợi cũng như khích lệ của ban giám khảo và phần quà trao giải thưởng trịnh trọng cho những tiết mục xuất sắc và cả…động viên.

Cần lắm một sự quan tâm…

Bên lề đêm hội GaLa, tôi tranh thủ làm quen với mấy bạn trẻ sinh viên. Bạn gái Bùi Phương Mai, sinh viên trường MADI (tên viết tắt của ĐH Giao thông Đường bộ Mátxcơva) với nụ cười hồn nhiên: “Cháu thấy đêm biểu diễn tổ chức được như thế này là rất hoành tráng. Phải nói là tâm trạng rất vui chú à”.

Còn “tay sáo” Trịnh Quang Trung, sinh viên năm 4 của trường Đại học Tổng hợp Kĩ thuật Quốc gia Bauman, có tiết mục thi đấu hào hứng với bài “Về quê” (nhạc Phó Đức Phương) thì chia sẻ: “Được giao lưu với các bạn như thế này, cháu thấy rất hồ hởi và cũng thực là hồi hộp, vì đây là lần đầu tiên cháu tham gia góp vui. Theo cháu, sinh viên các trường nên duy trì thường xuyên sinh hoạt văn hóa văn nghệ lành mạnh này nhằm làm cho các bạn thêm gần gũi với nhau hơn”.

Còn với Bùi Đăng Tùng, sinh viên năm 2 trường FA nay là FU (tên viết tắt của Học viện Tài chính Quốc gia Nga) thì hào hứng: “Lần đầu tiên cháu được xem chương trình của sinh viên VN tại Nga, cháu thấy các bạn tổ chức rất công phu. Giá được duy trì thường xuyên thì sẽ là sân chơi tốt cho chúng cháu, vừa học vừa sinh hoạt các mảng văn hóa văn nghệ”.

Đồng quan điểm với Tùng, Mai và Trung…bạn Nguyễn Thanh Lương, sinh viên năm 4 trường ĐH Tổng hợp Kĩ thuật Quốc gia Bauman cũng chia sẻ: “Lần đầu tiên cháu thấy các bạn mạnh dạn đứng ra tổ chức một đêm GaLa rất hoành tráng, vui vẻ, náo nhiệt gây hưng phấn cho sinh viên ta và cả các bạn quốc tế. Cháu thấy cần tiếp tục phát huy. Nên thường xuyên tổ chức cho sinh viên giao lưu, không chỉ riêng văn nghệ mà còn cả lĩnh vực thể thao nữa chú ạ…”
Nhằm tìm hiểu thêm về ý nghĩa, mục đích đêm GaLa, tôi gặp một đại diện của ban tổ chức là bạn Hào Văn Thiên, đang làm luận án Thạc sĩ tại trường RUDN (tên viết tắt của trường ĐH Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga), được Văn Thiên vui vẻ cho biết:

“Chúng tôi nghĩ rằng để có một sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ sinh viên, không gì bằng tổ chức những đêm hội GaLa vui như thế này, nhằm gắn kết sinh viên các trường ở Nga với nhau, hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và trong cuộc sống nơi xứ người. Thời gian 4, 5 năm học ở Nga sẽ trôi qua rất chóng vánh, nếu chúng ta chỉ vùi đầu vào sách vở hoặc đam mê với internet hay những cuộc chơi lãng mạn khác thì sẽ thấy nhiều cái đáng quý đang dần trôi qua theo thời gian một cách vô vị.

Chúng tôi cũng cảm ơn các bạn sinh viên các trường đã không quản ngại khó khăn về mọi mặt, tham gia một cách rất nhiệt tình và góp phần làm cho đêm hội GaLa đầu tiên của sinh viên tại Mátxcơva do trường RUDN đứng ra tổ chức thành công tốt đẹp! Chúng tôi cũng cảm ơn rất nhiều các thầy cô giáo người Nga, các bạn bè quốc tế trong trường và nhất là các bậc phụ huynh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đêm thi đấu, đêm hội của tuổi trẻ sinh viên VN tại Mátxcơva thành công tốt đẹp!”


Nói đến thành công của đêm hội GaLa không thể không nhắc đến vai trò đóng góp phía “sân sau” của các bậc phụ huynh! Một số những con em theo học tại trường RUDN đều có những bố, mẹ, chú, bác, cô, gì…hiện đang làm việc và sinh sống tại Nga. Mấy năm nay các bậc phụ huynh dành nhiều sự quan tâm tới học hành, chuyện phấn đấu vươn lên trong cuộc sống hay trong sinh hoạt đời thường của các cháu.

Được gặp chị Hoàng Nhật Thanh Soa, một trong những thành viên ban giám khảo đêm hội GaLa, là phụ huynh của em Trang, đồng thời là cô ruột của cháu Khánh…đều là những sinh viên đang theo học tại trường RUDN. Gia đình của anh chị Cường Soa cũng là nơi “hội tụ” vui vẻ hàng ngày hay cuối tuần của các nghiên cứu sinh, sinh viên mà tôi thường nói đùa là “nơi điểm danh của các vị nghiên cứu sinh và sinh viên!” – quả là không ngoa!

Chị Thanh Soa bày tỏ: “Thực ra bọn em rất yêu quý các em và các cháu, luôn xem như con cái trong nhà, hơn nữa bọn em có con có cháu cũng là bạn học của họ. Chắc anh cũng biết nhà em là nơi gần như không thiếu các gương mặt các cháu sinh viên hay nghiên cứu sinh hàng tuần, hàng ngày của trường RUDN. Các em ấy, các cháu ấy xa nhà nên nhiều lúc thiếu thốn tình cảm, thì gia đình dù là của ai đó cũng là nơi để mọi người có thể gần gũi hiểu nhau thêm. Công việc của bọn em là làm ăn bình thường đủ đắp đổi qua ngày nơi đất khách. Nhưng bù lại, tình cảm của các em ấy và các cháu sinh viên, nghiên cứu sinh là rất quý, không dễ gì có được! Vì thế, khi các cháu ấy đứng ra tổ chức, hội phụ huynh bọn em đã bàn bạc và quyết tâm hỗ trợ phần nào về kinh tế dù rất khiêm tốn nhưng đủ để tạo điều kiện cho các em, các cháu có một đêm hội GaLa đầy ý nghĩa như anh đã thấy đó!”.

Vâng, tôi đã thấy một đêm hội “GaLa RUDN Plus GOT TALENT 2014” (Tìm kiếm tài năng sinh viên RUDN mở rộng 2014) của các bạn sinh viên VN tại Mátxcơva sôi động vui vẻ náo nhiệt mà ấm cúng trên sân khấu qua những màn trình diễn “thi đấu” hết sức ấn tượng! Dù còn non nớt chỗ nọ chỗ kia vì các em chỉ là lần đầu tiên bỡ ngỡ bước lên sân khấu biểu diễn nơi đông người (thậm chí hát, múa…còn run!) nhưng các em đã thể hiện hết mình vì tình cảm bạn bè, vì lòng kính trọng các thầy cô và sự biết ơn với các bậc phụ huynh…

Ngay bữa tiệc đứng mộc mạc sau đêm diễn của các bạn trẻ sinh viên với những món ăn quê hương tự làm như: xôi, giò lụa, giò thủ, nem, salat…đã nói lên tất cả tình thương mặn nồng ấm cúng mà mọi người ưu ái dành cho nhau nơi đất khách quê người. Tiếng nổ vang của sâm panh lẫn trong tiéng hô “dô!dô!dô!” náo nhiệt của các bạn trẻ như quên đi cái cảm giác ngoài kia bầu trời đêm về khuya đang se lạnh…

Một mùa tuyết lạnh nước Nga đang tới, báo hiệu nhiều khó khăn của thời kinh tế suy thoái khi đồng rúp bị mất giá một cách thảm hại! Mong sao các bạn trẻ sinh viên VN tại Nga hãy cố gắng dựa vào nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống mà nhất là trong học tập – nhằm mang lại những kết quả tốt nhất, không phụ lòng mong mỏi của người thân nơi quê nhà.


Một số hình ảnh của đêm gala:

Trước giờ biểu diễn.

Đội của trường mình sẽ chiến thắng!

Hồi hộp giờ mở màn...

Tiết mục hát và múa “Việt Nam! Việt Nam” mở màn đêm hội GaLa.

Tiết mục thổi sáo: “Về quê” của Trịnh Quang Trung (trường ĐH Kỹ thuật Bauman)

Nhóm nhạc của trường ĐH Năng lượng hạt nhân (OBNINSK)

Hát và múa “Một thoáng quê hương” của sinh viên trường RUDN.

Kịch châm biếm: "Ước mơ thành ngôi sao" của trường RUDN.


Hai sinh viên Nga và Indonesia cùng góp vui cho đêm GALA


Giải thưởng cho người trúng số ''may mắn'

Phần thưởng xứng đáng cho đêm hội GaLa.

Khán giả chăm chú theo dõi tiết mục của trường mình

Nâng cốc chúc gặp lại trong đêm hội GaLa sau nhé!

Phụ huynh chụp ảnh lưu niệm với ban tổ chức và các bạn sinh viên.

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)
Nguồn: dantri.com.vn
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Có thể gom những điều mới lạ này qua ba chữ "th": Thoáng, thân thiện và thú vị.

Những điểm khác biệt nho nhỏ trong trường học giữa Nga và Việt Nam sẽ khiến bạn rất bất ngờ, thú vị và hơn thế nữa có thể học hỏi một chút gì đó từ nước bạn Nga:

Giấy kiểm tra - Thoải mái tuỳ theo bạn thích

Nếu như ở Việt Nam từ cấp 1 đến bậc đại học khi có bài kiểm tra lớn thì nhất định bạn phải chuẩn bị một cách rất cẩn thận, gọn gàng và phải là giấy đôi, hay còn gọi là giấy gồm hai tờ.
Hẳn các bạn đã từng chứng kiến ở các cấp bậc phổ thông, mỗi khi có tiết kiểm tra là y như rằng giật vở, xin bạn bè. Có những lúc vì vội quá nên xé giấy tạo nên một lỗ thủng to đùng, nếu gặp một giáo viên khó tính chắc chắn bạn sẽ một là lần đầu cảnh cáo, hai là trừ điểm ngay lập tức hoặc cũng có trường hợp giáo viên "mạnh tay" hơn là loại bài kiểm tra đó luôn.
Mình từng chứng kiến hồi học lớp 11, có một bạn trong lớp khi làm kiểm tra, không kẻ ô điểm, không viết tên môn, giấy kiểm tra bị rách ở hai đầu đinh ghim do xé gấp. Kết quả là cô giáo ném ngay tờ giấy kiểm tra xuống sàn nhà khiến cả lớp choáng một phen.
Còn ở Nga thì sao...


Ở Nga cũng có lúc kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm (thường là giấy A4) nhưng cũng không thiếu hình thức tự luận bạn phải chuẩn bị giấy kiểm tra.
Và ở đây dù là bài kiểm tra lớn hay nhỏ thì giấy nào cũng không quan trọng, miễn là đừng rách hay nhàu là được. Bạn có thể chọn một trang giấy hay một tờ giấy đôi thậm chí là một mẩu giấy nếu bạn bài làm không dài.
Nhiều lúc cô giáo sẽ phát những mẩu giấy A4 đã in một mặt và một mặt còn sử dụng được cho bạn, chẳng sao cả, ai cũng thấy bình thường, thậm chí cô còn bảo xé ra nhiều mảnh nếu bài làm không cần viết nhiều.
Ở đây họ chẳng cần quan tâm tới bạn viết trên loại giấy nào, nói nôm na là không quá coi trọng về hình thức mà chỉ cần xem bạn viết được gì trên đó, nội dung ra sao.

Khi thấy giáo viên ngồi vắt vẻo trên bàn - Bạn cũng đừng sốc

Mình từng "choáng" với hình ảnh cô giáo tiếng anh trong giờ kiểm tra sau khi phát đề cô liền đi xuống lớp và ngồi ung dung trên bàn chấm bài. Ngó sang nhìn các bạn Nga họ chỉ mim cười với hành động của vẻ "ngơ ngác" của mình, và ánh mắt đó cho như nói rằng "thực ra bọn tao thấy rất nhiều và chuyện đó cũng bình thường."
Tuy nhiên trường hợp đó rất ít hoặc không xảy ra với giáo viên lớn tuổi nhưng nếu có xảy ra thì cũng chẳng sao bởi họ không đánh giá con người qua một hành vi nào đó, chẳng hạn như ngồi trên bàn.
Nhưng trái lại mình khá hiếm thấy học sinh, sinh viên ở đây ngồi, chạy nhảy trên bàn học như ở Việt Nam mình.
Thế như ở Việt Nam mình, việc giáo viên mà ngồi chễm chệ trên bàn trong lớp học thì chắc có lẽ chỉ hai phút sau đã có một video trên mạng với tựa đề "cư dân mạng sốc với hình ảnh cô (thầy giáo) xyz thoải mái bắt chân ngồi trên bàn học."
Còn với các bạn sinh học sinh, thậm chí là sinh viên ở Việt Nam thì tha hồ nhảy nhót, đuổi bắt, vui đùa trên bàn học không chút mảy may lo ngại. Điều này có lẽ xảy ra nhiều hơn ở cấp bậc phổ thông và nhiều ở các trường vùng quê.

Mọi thứ nếu liên quan tới tiếng nước ngoài đều phải phiên âm ra tiếng Nga



Có lẽ đây là điều mà làm cho người Nga tính "tự tôn dân tộc" càng đẩy lên cao. Đặc biệt ở những lớp nhân văn và xã hội, ngoại ngữ - Nơi sẽ có những từ ngữ mượn, tác giả nước ngoài... Giáo viên ở đây sẽ bắt bạn phải phiên âm ra tiếng Nga.
Mình từng bị cô giáo cảnh cáo nhiều lần vì viết tên tác giả nước ngoài mà không phiên âm ra tiếng Nga còn với sinh viên Nga chỉ một lần nhắc nhở và lần sau sẽ thẳng tay trừ điểm.
Bất kể là ai, người nổi tiếng hay từ vay mượn khi viết khi học các bạn học sinh và sinh viên Nga sẽ phải viết bằng kí tự của họ. Điều này được lí giải là vì trong mỗi tâm hồn của người dân Nga chứa đựng một tình yêu đất nước và lòng tự tôn dân tộc cao độ. Họ luôn muốn chứng tỏ với thế giới rằng, họ có một đất nước rộng lớn, giàu đẹp, một nét văn hoá giàu bản sắc...

Một lớp học đại học luôn có số lượng sinh viên ở mức thấp

Nếu vào một trường đại học, khoa tiếng anh trường đại học Ngoại ngữ nào đó hẳn bạn sẽ thấy choáng với số lượng sinh viên (tầm 500 đến hơn 1.000 sinh viên) và chia ra nhiều lớp nhỏ. Nhưng với lớp nhỏ ấy số lượng sinh viên cũng xấp xỉ 40-50 người là ít.
Với số lượng nhiều như vậy hầu đa những sinh viên ngồi ở bàn cuối đều chẳng nghe cô giáo nói gì cả, nếu họ thật chăm chú thì cũng chỉ được vài ba chữ vì những sinh viên ngồi xung quanh sẽ làm ảnh hưởng tới bạn, họ là thường là những sinh viên ghét môn học đó, chuyên gia đi muộn hoặc thích ngủ trong lớp.
Còn những tiết học chung ở giảng đường thì hoàn toàn "mù tịt" nếu bạn thường ngồi ở bàn cuối mặc cho giảng viên nói loa oang oang trên bục giảng. Và như thế chất lượng tiết học ở những lớp này phần đa không bao giờ cao và hiệu quả.

Nhưng ở Nga...

Mặc cho những ngành hot sẽ có nhiều sinh viên nhập học nhưng vào đó họ sẽ phân chia ra những lớp nhỏ để học, đặc biệt là tiết thực hành. Tiết lí thuyết có thể sẽ học chung trên giảng đường nhưng đến tiết thực hành thì phải chia ra lớp nhỏ để dễ học. Mà bên này tiết thực hành rất nhiều, còn lí thuyết khá ít, (tuỳ vào từng ngành).
Trên đây là một vài điểm khác biệt cơ bản trong trường học ở Nga và Việt Nam có thể sẽ khiến bạn hơi bất ngờ. Nhưng sẽ là một kinh nghiệm hay để bạn không bị bất ngờ nữa nếu sang Nga du học.
Tác giả: Hải Đặng
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
cái nào cũng được trải nghiệm rồi, nhưng cô giáo mặc váy ngắn ngồi lên bàn chấm bài thì mình vẫn mong ước được trải nghiệm một lần....=))))))))))))))))))))))))))))))))))))))))))))))
 

xuan thanh

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Có 1 lần làm bài kiểm tra nhỏ, chỉ viết hơn 1 nửa mặt giấy nhưng mình nộp cả tờ đôi. Lúc nộp bài giáo hỏi:
- Cậu có biết giấy làm từ j k?
- gỗ ak
- Gỗ bây giờ còn nhiều k?
- ít ak
- vậy hãy giữ lại 1 tờ cho lần sau....)
 
Top