Cuộc sống Người phụ nữ đã ám sát Lênin

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Fanni Kaplan (1890 -1918)
Trần Hậu (dịch)
Nhân ngày sinh Lênin, 22 tháng Tư
Dưới thời Xô viết, người phụ nữ này đã trở thành biểu tượng của “cái ác tuyệt đối”. Khi trong nước, uy tín của Lênin càng lên cao thì hình ảnh của kẻ đã ám sát vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới càng trở nên xấu xa. Vậy, thực chất Fanni Kaplan là ai, và vì sao bà lại ám sát Lênin?

Tình yêu và cách mạng
Fanni Kaplan ra đời ở tỉnh Volyn thuộc Ukraina, ngày 10 tháng 2 năm 1890. Bố bà tên là Khaim Roytblat, giáo viên một trường tiểu học Do Thái. Nữ khủng bố tương lai lúc nhỏ có tên là Feyga Khaimovna Roytblat.
Trong gia đình Do Thái rất sùng đạo và không lấy gì làm sung túc, ngoài Feyga còn có 7 người con. Tương lai của một cô bé Do Thái ở nước Nga Sa hoàng thời bấy giờ, nơi chủ nghĩa bài Do Thái được nâng lên hàng chính sách quốc gia, quả là hết sức mờ mịt.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là ở tuổi thiếu niên Feyga đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Đặc biệt, cô bị lôi kéo về phía những kẻ vô chính phủ. Chính trong hàng ngũ của họ, cô bé 15 tuổi đón nhận cuộc cách mạng Nga đầu tiên.
Cô đổi tên thành Fanni Kaplan, mang bí danh trong đảng là “Đora” và lao mình vào cuộc đấu tranh cách mạng. Nhiệt tình của cô gái được nuôi dưỡng bởi tình yêu – người tình kiêm bạn chiến đấu của cô là Viktor Garsky, ông cũng chính là Yakov Shmidman.
Họ cùng nhau tổ chức các cuộc khủng bố lớn – ám sát tướng Sukhomlinov, tỉnh trưởng Kiev. Nếu như Garsky đã có những kinh nghiệm nhất định, thì đối với Fanni đây là “tác phẩm đầu tay”.
Ngày 22 tháng 12 năm 1906, tại khách sạn “Thương gia” ở Kiev, phát ra một tiếng nổ rất lớn. Những viên cảnh sát có mặt tại hiện trường đã phát hiện ra một phụ nữ bị thương, đó là Fanni Kaplan. Các chuyên gia dày kinh nghiệm dễ dàng xác định rằng đây là một thiết bị nổ tự tạo.
Không rõ vụ việc diễn ra như thế nào và ai phạm tội. Tuy nhiên, Garsky đã cao chạy xa bay, bỏ lại chiến hữu kiêm người tình của mình. Còn Fanni rơi vào tay cảnh sát với nhiều vết thương ở tay, chân, người ta còn phát hiện ra một khẩu súng lục trong phòng khách sạn.
Mười năm đỊa ngục
Chính quyền Nga Hoàng lúc bấy giờ không nương tay trong việc đàn áp các cuộc đấu tranh cách mạng. Cô gái Fanni Kaplan 16 tuổi bị xét xử và kết án tử hình. Tuy nhiên, do tuổi còn quá trẻ, cô được hưởng tù chung thân.
Cũng phải nói rằng tại các cuộc hỏi cung Fanni đã thể hiện bản lĩnh, cô không hé răng về người tình phản bội của mình lẫn các chiến hữu khác.
Tiếp theo nhà tù khổ sai Maltsev, sau đó là trại lao động khổ sai Akatuy khủng khiếp nhất nước Nga. Và thế là, một cô gái chưa kịp nhìn thấy gì trong cuộc đời, chưa có cống hiến gì cho cách mạng đã bị ném vào địa ngục trần gian thực sự.
Tháng giêng năm 1909, di chứng của vết thương và lao động quá sức đã khiến cho Fanni bị mù hoàn toàn. Cô định tự tử, nhưng không thành. Tin rằng cô gái không giả vờ mất thị lực, ban giám đốc nhà tù đã giảm nhẹ công việc cho cô. Ba năm sau, thị lực của Fanni dần dần hồi phục.
Điều kỳ lạ là nơi tù đày Fanni vẫn tiếp tục nghĩ về chính trị. Cô chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các tù nhân khác, trước hết là nữ đảng viên xã hội cách mạng Maria Spiridonova. Chính Fanni năm 1918, không lâu trước khi ám sát Lênin, đã khởi xướng cuộc nổi dậy của các đảng viên xã hội cách mạng cánh tả chống lại những người bolshevik, nhưng đã thất bại.
Từ đây Fanni Kaplan coi mình không phải là người vô chính phủ, mà là đảng viên xã hội cách mạng. Tuy nhiên, đối với một kẻ bị kết án tù chung thân thì có khác gì nhau?
Cuộc cách mạng tháng Hai đã mang lại tự do cho Fanni và các tù chính trị khác. Bước và trại lao động khổ sai năm 16 tuổi, cô được trả tự do năm 27 tuổi. Tuy nhiên, những người nhìn thấy Fanni sau khi được giải phóng tưởng cô là một bà lão – lao động nặng nhọc trong các hầm mỏ và di chứng của vết thương đã phát huy tác dụng.
Từ Ulyanov đến Ulyanov
Không nhà cửa, không gia đình – những người thân của Fanni đã sang Mỹ từ năm 1911. Gần gũi nhất với bà là các bạn tù khổ sai.
Chính phủ lâm thời quan tâm tới nữ tù nhân của Nga hoàng – Fanni nhận được phiếu đến nhà an dưỡng dành cho các cựu tù nhân chính trị ở Evpatoria.
Tại đây, Fanni đã phục hồi sức khỏe, trở nên tươi tỉnh, và mùa hè năm 1917, bà gặp ông Dmitry Ulyanov, em ruột của Vladimir Ulyanov (Lênin). Cho đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi về mối quan hệ giữa Fanni và em trai của lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới, nhưng có một điều chắc chắn là nhờ có Ulyanov-em mà Fanni Kaplan nhận được giấy giới thiệu tới bệnh viện mắt Kharkov của bác sĩ Girshman.
Cuộc phẫu thuật mắt ở Kharkov đã giúp Fanni Kaplan nhìn tốt hơn. Tại Krym, bà được giao phụ trách các khóa đào tạo cán bộ hội đồng tự quản địa phương.
Chưa hẳn đó là những gì Fanni mơ ước. Nhưng bà tin rằng số phận của mình sẽ còn thay đổi. Quốc hội Lập hiến đang nhóm họp, trong đó đa số đại biểu là các đảng viên xã hội cách mạng, và biết đâu…
Nhưng vào tháng 10 năm 1917, cuộc Cách mạng Bolshevik bùng nổ đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch của các đảng viên xã hội cách mạng nói chung, Fanni Kaplan nói riêng.
Tháng 2 năm 1918, khi biết chắc chắn sẽ không có Quốc hội Lập hiến nào nữa, Fanni Kaplan quyết định hành động. Nếu như thuở mới dấn thân vào con đường cách mạng, bà đã giết hụt viên tướng tỉnh trưởng Kiev, thì tại sao giờ đây không bù lại thiếu sót đó bằng việc sát hại Lênin.
Đối với đảng xã hội cách mạng khủng bố cá nhân là phương pháp cách mạng thông thường, vì vậy Fanni có rất nhiều người đồng chí hướng trong đảng. Hơn nữa, tình hình lúc bấy giờ trở nên hết sức căng thẳng – Hòa ước Brest ký với Đức buộc nhiều người đoạn tuyệt với những người Bolshevik, còn cuộc nổi dậy thất bại của các đảng viên xã hội cách mạng cánh tả tháng 7 năm 1918 đã làm xuất hiện nhiều người muốn tính sổ với Lênin và những người bolshevik nổi tiếng khác cả về mặt chính trị lẫn tính mạng.
Đối với một phụ nữ đã đi qua địa ngục khổ sai, không gia đình, con cái thì việc ném cuộc đời mình vào canh bạc là chuyện thường tình. Nhất là khi cơ hội thành công rất lớn.
Một bước tới thành công
Quan niệm hiện nay về việc bảo vệ các nguyên thủ quốc gia không giống như thời bấy giờ. Trước vụ ám sát Lênin nửa thế kỷ, Aleksandr Đệ nhị suýt bị trúng đạn của kẻ khủng bố Đmitry Karakozov. Nga Hoàng thoát chết không phải nhờ đội bảo vệ, mà là sự can thiệp của một khách vãng lai.
May mắn thoát chết vào tháng 8 năm 1918, nửa năm sau Lênin cũng suýt mất mạng. Tháng giêng năm 1919, Lênin cùng với em gái Maria và vệ sĩ Chabanov đang trên đường đến thăm một nhà trẻ ở Sokolniki nhân dịp năm mới thì bất ngờ chiếc ôtô bị một đội tuần tra có vũ khí chặn lại. Lênin ra lệnh cho tài xế của mình phanh xe và xuất trình giấy tờ cho viên chỉ huy. Nhưng “viên chỉ huy” hóa ra là Yakov Koshelkov, một tên tội phạm khét tiếng ở Moskva. Hắn ta tước vũ khí của Chabanov, thu hết giấy tờ của mọi người và cướp luôn chiếc ôtô. Lúc đầu, tên cướp ít học đọc tên của vị lãnh tụ vô sản thành Levin. Về sau, khi nhận ra mình đã nhầm, Koshelkov hối tiếc là đã không bắn chết người đứng đầu chính phủ Liên Xô để nhận món tiền thưởng mà Đảng cách mạng xã hội đã hứa hẹn. Trong những điều kiện như vậy, bất kỳ một người bình thường nào cũng có thể giết chết một chính khách nổi tiếng, trong khi đó Fanni Kaplan có thừa sự kiên quyết. Thị lực kém cũng không gây trở ngại – cần phải bắn từ khoảng cách gần.
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn tranh luận về sự kiện xảy ra vào ngày 30 tháng 8 năm 1918. Đã có nhiều giả thuyết hoang đường được đặt ra, thậm chí có người còn cho rằng đó là âm mưu, kịch bản của Sverdlov, “xạ thủ thứ hai”, v.v…
Ngay cả bản thân Fanni Kaplan cũng làm cho câu chuyện trở nên rối rắm: khi bị bắt, bà thừa nhận tội lỗi, nhưng không hề tiết lộ về những người đã giúp đỡ mình. Không có gì ngạc nhiên là bà cũng đã im lặng như vậy trong suốt 12 năm trước đó, sau vụ nổ ở Kiev.
Fanni giải thích hành động của mình một cách đơn giản và logic: Lênin là kẻ phản bội cuộc cách mạng, và sự sống của ông ta khiến cho Chủ nghĩa Xã hội chậm trễ nhiều thập kỷ. Bằng phát súng của mình bà muốn xóa bỏ trở ngại đó.

Vào buổi chiều hôm ấy, Lênin diễn thuyết tại các cuộc mít tinh ở nhà máy Mikhelson. Sáng hôm đó, ở Petrograd, lãnh đạo Trê-ca (Ủy ban đặc biệt đấu tranh chống bọn phản cách mạng và phá hoại ngầm) Petrograd Moisey Uritsky bị tên khủng bố Leonid Kannegiser sát hại. Mặc dù vậy, Lênin không thay đổi kế hoạch của mình. Lênin vừa diễn thuyết xong và đang cùng các công nhân tiến đi về phía cửa. Lúc Người đang chuẩn bị lên ô tô thì có một phụ nữ đặt câu hỏi gì đấy. Và trong khi Lênin trả lời người phụ nữ thì từ phía sau Kaplan bước tới và nổ ba phát súng. Hai phát trúng vào cổ và tay nhà lãnh tụ Bolshevik, phát thứ ba trượt qua người phụ nữ đang nói chuyện với Lênin.
Huyền thoại về Kaplan
Lênin bị thương nặng và được đưa về điện Kremlin, mấy phút sau Fanni bị bắt. Theo lời các nhân chứng, bà nói: “Tôi đã thực hiện nghĩa vụ của mình và chết một cách dũng cảm”. Khi bị hỏi cung, bà nói rằng bà hành động một mình.
Cuộc điều tra diễn ra rất nhanh, khiến một số người tin rằng dường như Fanni biết quá nhiều, nên người ta vội vàng thanh toán bà. Nhưng, rất có thể, mọi chuyện đơn giản hơn – điên tiết vì vụ sát hại Uritsky và vụ ám sát Lênin, những người Bolshevik chính thức tuyên bố bắt đầu một cuộc “khủng bố đỏ” để đập tan kẻ thù tư tưởng và giai cấp. Trong tình hình đó, họ không muốn mất thời gian vì những thủ tục xét xử điều tra. Ngày 3 tháng 9 năm 1918, chủ tịch Ban chấp hành Trung ương toàn Nga Yakov Sverdlov ra sắc lệnh miệng: tử hình Fanni Kaplan. Chỉ huy điện Kremlin Pavel Malkov dẫn Fanni Kaplan ra bãi xe tác chiến và đích thân bắn chết cô trong tiếng gầm của động cơ ôtô.
Thi thể Fanni được nhét vào một thùng đựng nhựa đường, tẩm xăng và thiêu cháy bên bức tường điện Kremlin.
Hiện nay, tên Fanni Kaplan được đặt cho một ban nhạc rock, bà là nhân vật của vô số những câu chuyện tiếu lâm, sách lịch sử và bộ phim.
 
Top