Lịch sử Mặt trận du kích trong Thế chiến II

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Hơn 1.300.000 người, 6.200 đơn vị, rất nhiều hoạt động quy mô thành công, hàng chục sư đoàn Đức bị mất khả năng chiến đấu.





Chúng tôi đang nói về những du kích đã cùng với Hồng quân chiến đấu chống phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai 1941-1945.



Những người du kích chuẩn bị vụ nổ phá đường sắt trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại

Lúc đầu, phong trào du kích diễn ra một cách tự phát. Họ chỉ là những người dân tự đứng lên chống những kẻ xâm lược, không được huấn luyện, không có kỹ năng chiến đấu, không có vũ khí mà cũng không có liên hệ với ban chỉ huy quân đội thường trực. Phần nhiều chính bởi vậy mà trong mùa đông 41-42, phong trào du kích đã phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất và không quá 15% các đơn vị du kích duy trì được hoạt động của mình. Nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa phản kháng. Giáo sư trường Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga Yuri Rubtsov nói:

"Nếu một người có làng quê bị đốt cháy, có con cái hoặc cha mẹ, vợ hoặc chồng bị giết chết, dĩ nhiên người đó sẽ không phải suy nghĩ gì nhiều về việc anh ta có vũ khí hay không, mà đơn giản là cầm rìu đứng lên chống kẻ xâm lược. Về sau, từ chỗ tự phát, phong trào du kích trở thành một tổ chức nghiêm chỉnh: dẫn đầu các nhóm, các đội là những quân nhân chuyên nghiệp, thường là những người chỉ huy rơi vào khu vực bị bao vây. Hoặc là quân đội cử những người chuyên nghiệp tham gia hoạt động này. Và thế rồi phong trào du kích bắt đầu trở nên kịp thời, thậm chí mang tính chiến lược."

Sau trận đánh Kursk nổi tiếng mùa hè năm 1943 đã phối hợp chiến dịch du kích quy mô lớn có tên là "Cuộc chiến đường sắt" từ 3 tháng Tám đến 15 tháng Chín năm 1943. Ông Yuri Rubtsov cho biết:

"Gần 170 đội du kích và liên kết, tức là khoảng 100 000 người đồng thời tấn công đường sắt trong khu vực kẻ thù trên một diện tích lớn 1.000 km2 và rộng 750 km sâu trong lãnh thổ ba nước cộng hòa Belarus, Ukraine và Nga. Thêm vào đó du kích còn phá hoại tàu hỏa, nhà ga và thùng nhiên liệu. Nhiều cây cầu bị phá hủy. Trong "Cuộc chiến đường sắt" phát xít Đức đã phải rút từ mặt trận 26 sư đoàn."

Chiến dịch "Cuộc chiến đường sắt" thành công đến nỗi đến tháng Chín năm đó đã diễn ra hoạt động tương tự tên là "Hòa nhạc" với sự tham dự của gần 200 đội du kích, quân số hơn 120 nghìn người. Cuối cùng, tháng Mười Hai năm 1943 đã tổ chức hoạt động du kích thứ ba có tên là "Hòa nhạc mùa đông" Chiến thắng của du kích to lớn đến nỗi họ thực sự tiêu diệt cả đội quân của địch. Giám đốc khoa học của Hội lịch sử quân sự Nga Mikhail Miakov nhấn mạnh:


Những người du kích
"Trong chiến tranh, lực lượng du kích đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt tù binh hơn một triệu lính Đức Quốc xã, phá hủy bốn ngàn xe tăng và hơn một ngàn máy bay. Tất nhiên, quân Đức đã cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt phong trào du kích. Đối với mỗi du kích bị giết chết hoặc bị bắt làm tù binh, người dân địa phương được chính quyền xâm lược Đức hứa cấp 6 ha đất, 6 con bò, và thậm chí 20 chai vodka."

Du kích không chỉ hoạt động ở Liên Xô. Trong phong trào kháng chiến chống phát xít ở châu Âu có hơn 40.000 công dân Liên Xô tham gia.

Nguồn: SputnikNews
 

Danngoc

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Cũng không hẳn vậy. Sputnik mang tính tuyên truyền hơi quá.

Dưới đây là lời giới thiệu và bản dịch thuyết minh tập phim "Cuộc chiến du kích" trong bộ 18 tập phim "Bão táp Sô-viết" do Truyền hình Nga làm năm 2011
 

Danngoc

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Chiến tranh du kích ở Mặt trận phía Đông là khái niệm khác với những gì chúng ta hiểu trong Chiến tranh Việt Nam. Nếu ở Việt Nam, người Mỹ vẫn cần dựng một chính quyền giữ lấy dân, cần dựa vào dân thì ở Nga, chiến tranh du kích mang bộ mặt khác hẳn. Người Đức đến đây với Bản Tổng kế hoạch phương Đông, mục tiêu chỉ giữ lại khoảng 15-20% dân địa phương làm nô lệ, số còn lại sẽ bị thủ tiêu để tạo Không gian sống Lebensraum cho dân tộc Đức. Cứ mỗi lính Đức bị giết, sẽ có ít nhất 2 dân làng bị xử bắn theo quy định. Và người Đức đã làm nhiều hơn quy định với hàng ngàn ngôi làng ở Nga, Bạch Nga và Tiểu Nga bị tiêu diệt không còn một sinh linh nhỏ. Ta có thể xem các tiểu thuyết của Vasil Bykov, Điều tra "Я из огненной деревни" của Ales Adamovich, bộ phim Hãy đến và chứng kiến (Иди и смотри) của Elem Klimov làm 1985 hay bộ phim Franz + Polina của Mikhail Segal làm năm 2006.

Nhưng cũng như ở Việt Nam, chiến tranh du kích ở Nga đem lại không chỉ đau đớn và mất mát, mà còn cả hận thù và nghi ngờ, gieo rắc mầm mống cho những mâu thuẫn về sau. Trong các khu rừng ở Ukraina và Belorussia không chỉ có du kích Đỏ, mà còn cả vô chính phủ hay dân tộc chủ nghĩa, chống lại cả Đức lẫn Liên Xô.

Mùa xuân năm 1942, cựu tham mưu trưởng của Sư đoàn Bộ binh 229, Trung tá Vladimir Rodionov, đã quyết định đi theo bọn Quốc Xã. Ông ta lập ra Chi đội SS Tình nguyện Nga đầu tiên. Nhưng mặc cho các điều kiện vô nhân tính, một số tù binh vẫn giữ kiên định. Nikolai Obrynba, lính cứu thương thuộc tiểu đoàn dân quân, bị bắt làm tù binh năm 1941 gần Vitebsk. “Nếu ta không muốn đánh mất bản thân trong tình thế tuyệt vọng, ta phải loại bỏ hết nghi ngờ trong đầu, bất kể có suy nghĩ gì về Stalin. Chỉ có hai phe, hai ý thức hệ, và hai người đứng đầu hai ý thức hệ đó. Và ta chỉ đi theo một ý thức hệ, một phe và một người hiện thân cho ý thức hệ đó mà thôi. Ta sẽ giữ được cho tới lúc chót. Nếu được vậy thì dù có chết hay bị tra tấn, ta cũng vẫn thanh thản với chính mình.”

Sau khi chứng kiến cách thức tàn ác mà quân Đức đối xử với các đồng bào người Nga, bản thân Rodionov cũng choáng váng trước những gì bọn Quốc Xã thực hiện ở phía Đông. Ông ta ra lệnh cho Lữ đoàn những người dân tộc chủ nghĩa Nga của mình chạy sang du kích Đỏ, đổi tên thành Lữ đoàn du kích chống phát xít số 1. Năm 1944, Rodionov, lúc này đã là Đại tá Hồng quân và được tặng Huân chương Cờ Đỏ, chỉ huy du kích đánh phá vây và đã hy sinh giữa trận đánh...





Bão táp Sô Viết


Năm 1941 bọn Quốc Xã đã chiếm được một phần rộng lớn của Liên Xô. Chính sách tàn bạo của chúng đã khiến nhiều thường dân trở thành du kích để chống lại quân xâm lược.

Nguyên bản được sản xuất cho Truyền hình Nga năm 2011. Đây là câu chuyện về “Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại” của Nga và về chặng đường dài của Hồng quân đi từ bại trận cho đến chiến thắng.


Cuộc chiến tranh du kích


Tiếng búa nện vang lên trong khu rừng đêm: công binh Đức đang vội vã sửa chữa đường ray tàu hỏa.

“Tớ kiệt sức rồi.”

“Dập điếu thuốc đi! Việc còn nhiều lắm!”

“Lát nữa nghỉ cũng được! Nhanh lên!”

Quân Đức đang căng thẳng. Họ chĩa súng lăm lăm vào bìa rừng.

“Cậu có thấy gì không?”

“Không, tới giờ thì không.”

Tháng 11/1942, Sư đoàn Xe tăng 6 được chuyển từ Pháp tới chi viện cho quân Đức ở Stalingrad. Nhưng sự an toàn của tuyến đường sắt là mối lo lớn của phía Đức. Cách xa chiến trường cả hàng trăm cây số, sư đoàn trưởng Tướng Raus cảm thấy: “Điều khiến tôi lo nhất là phải đảm bảo đơn vị có thể xông thẳng ra chiến trường khi tới nơi. Do đó, trong những vùng du kích, chúng tôi di chuyển hết sức thận trọng.”

Tàu hỏa phải đi rất chậm. Do đó họ phải dừng đúng lúc để tránh bị trật đường ray do phá hoại và luôn tồn tại nguy cơ bị phục kích.

“Kiếm chỗ nấp! Nhanh lên!”

“Súng máy chi viện bên này!”

Sư đoàn của Raus vẫn chưa tới được chiến trường mà đã phải chịu thương vong.

Ngày 3/7/1941, Stalin đã có bài phát biểu thời chiến đầu tiên của mình trên đài phát thanh, gửi toàn thể nhân dân Liên Xô. “Phải thành lập các chi đội du kích trong vùng bị địch chiếm để khuấy động cuộc chiến du kích ở khắp nơi, để phá nổ cầu cống và đường xá, phá hoại cột điện thoại và điện tín, đốt cháy rừng, kho tàng và phương tiện vận chuyển. Chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện không thể chịu đựng nổi với quân thù cùng bè lũ ủng hộ chúng. Chúng phải bị truy đuổi và tiêu diệt trên mọi bước đường.”

Để tổ chức cuộc chiến du kích, một đơn vị đặc biệt được thành lập trong cơ quan An ninh NKVD của Lavrenty Beria. Do Pavel Sudoplatov tổ chức, đơn vị mới này được gọi là OMSBON, viết tắt của Lữ đoàn độc lập đặc nhiệm xạ thủ môtô hóa. Nó tuyển quân từ những vận động viên Liên Xô xuất sắc nhất, họ giúp hình thành ra hạt nhân của các nhóm phá hoại sẽ được gửi vào vùng địch hậu. Các tân binh được đưa đi huấn luyện tại một trường mới lập về chiến tranh du kích. Học viên của trường bao gồm một tiểu đoàn quốc tế lập từ hàng trăm tình nguyện viên chống phát xít từ Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc và Nam Tư. Chỉ 2 tuần sau Chỉ thị của Stalin, Wehrmacht ban hành mệnh lệnh chống lại nguy cơ từ du kích Liên Xô. Mọi đơn vị phe Trục phải duy trì tình trạng thường xuyên cảnh giác, binh lính bị cấm đi một mình, vũ khí phải đem theo người và luôn phải sẵn sàng sử dụng.

Trong thập niên 1930, kế hoạch chiến lược của Liên Xô cho rằng trong tiến trình chiến tranh, Hồng quân sẽ luôn tấn công và chiến đấu trên đất kẻ thù. Do đó các vũ khí và lương thực cung cấp cho chiến tranh du kích trên đất Liên Xô phải bị tiêu hủy. Cũng với lý do đó, người ta ngưng không huấn luyện các chuyên gia về chiến tranh du kích. Năm 1941, hệ thống này phải được vội vã tái lập. Cho tới khi đó, những gì mà du kích nhận được, nếu có, đến từ các sĩ quan Hồng quân với rất ít người nắm rõ về chiến tranh du kích. Và thật quan trọng, chỉ một phần các đơn vị du kích có điện đài. Được huấn luyện ít hoặc gần như không, việc thiếu liên lạc điện đài và thiếu phối hợp hoạt động khiến trong số 2.800 đơn vị du kích thành lập mùa hè 1941, chỉ còn lại 270 vào năm 1942. Tại Ukraina 1941, NKVD tuyên bố đã lập được 778 đơn vị du kích và 622 nhóm phá hoại. Theo lý thuyết họ tổng cộng 29.000 người. Đến tháng 6/1942, chỉ 110 trong số đơn vị trên là còn liên lạc. Giữa hỗn loạn như vậy, chỉ những đội du kích của các chỉ huy có kinh nghiệm như Vasily Korzh là tỏ ra thành công. Vasily Zakharovich Korzh là một Đảng viên tận tụy người Belorussia, từng đánh du kích chống quân Ba Lan trong thập niên 1920. Ông cũng tình nguyện tham gia Nội chiến Tây Ban Nha và được huân chương. Khi chiến tranh nổ ra, Korzh lập tức bắt tay tổ chức kháng chiến tại địa phương. Và chỉ 6 ngày sau, đội du kích của ông đã có cuộc tấn công đầu tiên vào quân Đức.

Tháng 5/1942, Bộ Tổng TM Stavka thành lập sở chỉ huy trung tâm cho phong trào du kích.

Tháng 11/1942, nó ghi nhận lực lượng du kích là 90.000 người, hoạt động trong 1.100 chi đội. Sở chỉ huy trung tâm đã phân phối 200 máy điện đài cho phép họ liên lạc trực tiếp với du kích để phối hợp hoạt động giữa họ và phân công các mục tiêu ưu tiên. Một trong những mục tiêu đó là Sư đoàn Xe tăng 6 của Raus. Sở chỉ huy trung tâm giao nhiệm vụ ngăn cản cho 2 chi đội riêng rẽ do Saburov và Kovpak chỉ huy. Sidor Artemovich Kovpak cũng là một chỉ huy du kích giàu kinh nghiệm. Đội du kích của ông đã hoạt động từ mùa hè 1941, trước khi quân Đức đến được thị trấn quê hương ông ở Ukraina. Năm 1943, đội của ông tiến hành Chiến dịch đột kích Carpathian huyền thoại, phá hoại tuyến tiếp vận và xóa sổ các đồn bốt biệt lập của địch trên quãng đường hành quân 900 km tới biên giới Romania. Khi lập kế hoạch chiến tranh với Liên Xô, Hitler tuyên bố rằng phải khai thác miền đất này đến tột cùng khả năng. Mục tiêu tối thượng của Wehrmacht là một đường biên chạy từ Arkhangelsk ở phía Bắc tới Astrakhan ở phía Nam. Lãnh thổ Liên Xô bị chia thành những Vùng chiếm đóng. Các khu vực chiến lược cụ thể như Krym sẽ nhập vào lãnh thổ Đại Đức. Tất cả đều được vạch rõ trong Bản Kế hoạch Chung phía Đông (Generalplan Ost) tối mật. Bản kế hoạch nêu ra viễn cảnh tăm tối cho Đông Âu sau khi Đức chiến thắng Liên Xô. Nó gồm một chương trình quy mô lớn di dân, thủ tiêu và bắt làm nô lệ các cộng đồng địa phương, theo sau là thực dân hóa các vùng đất bởi người Đức cùng các chủng tộc có thể chấp nhận khác. Mọi nhân vật cao cấp của Đệ tam Đế chế đều nắm rõ Generalplan Ost. “Generalplan Ost. Tài liệu số 1. Ban hành bởi Thống lĩnh SS Himmler ngày 28/5/1940. Tối mật. Tầm quan trọng cấp quốc gia. Ngày 25/5, Tôi đưa cho Quốc trưởng một biên bản nêu các suy nghĩ cua tôi về việc đối xử với cộng đồng địa phương tại các lãnh thổ chiếm đóng phía Đông. Quốc trưởng đã đọc hết cả 6 trang báo cáo của tôi, rồi công nhận rằng nó đúng và nồng nhiệt tán thành nó.”

Tất cả những ai thoát khỏi nạn bị thủ tiêu sẽ bị đày tới Tây Sibiri. Một thiểu số 10 % người Ba Lan, 25 % người Belorussia, 35 % người Ukraina sẽ được xem là phù hợp để được Đức hóa. Hàng triệu người sẽ bị giữ làm lao động nô lệ. Generalplan Ost không bao giờ thành hiện thực, nhưng những ai sống dưới ách chiếm đóng của bọn Quốc Xã vẫn cảm nhận được ảnh hưởng từ tư tưởng tàn ác của nó. Bọn Quốc Xã lập kế hoạch tước sạch của các lãnh thổ phía Đông mọi nguồn lực có giá trị. Năm 1941, một ủy ban đặc biệt được thành lập cho mục đích này. Ủy ban đặc biệt ở Belorussia được cầm đầu bởi Wilhelm Kube. Wilhelm Kube gia nhập Đảng Quốc Xã từ thập niên 1920 khi nó còn bên lề của nền chính trị Đức. Ông ta ngoi lên làm Gauleiter (thủ lĩnh Đảng cấp vùng) vùng Brandenburg. Nhưng ông ta bị thất sủng do các cáo buộc thêu dệt của đối thủ trong Đảng. Tháng 6/1941, ông ta được trao cơ hội để chuộc lỗi bản thân tại Belorussia. Mỗi khi quân Đức tiến vào một khu làng hay thị trấn, họ liền bổ nhiệm một Burgermeister tức trưởng làng. Các cáo thị in tiếng Nga liệt kê ra trách nhiệm của họ. “Mọi Burgermeister hay trưởng làng đều phải chịu trách nhiệm về an ninh trong khu vực mình. Nếu dân địa phương không đảm bảo được chuyện này, cứ mỗi lính Đức thiệt mạng sẽ chọn ra ít nhất 2 người trong dân địa phương để bắn chết. Trong trường hợp có hư hại xảy ra với đường xá cầu cống hay bị gài mìn, ít nhất 3 dân địa phương sẽ bị bắn chết. Kẻ nào cho trú ẩn hay nuôi ăn người lạ hay có bất cứ giúp đỡ gì mà không được Burgermeister hay trưởng làng cho phép sẽ bị treo cổ.”

Không phải chờ lâu để thấy sự tàn ác của chế độ mới hằn sâu giữa quân xâm lược và những người dân vùng bị chiếm. Trong mùa đông đầu tiên của cuộc chiến, người Đức bắt đầu đày hàng trăm ngàn người lao động về Đế chế, tại đó họ bị sử dụng như lao động nô lệ.

“Đi đi. Không dừng lại.”

“Các anh đưa anh ấy đi đâu?”

Một triệu rưởi người, phần lớn là Ukraina, đã bị chở về Đế chế. Hơn nửa triệu phụ nữ trẻ bị đưa đi làm việc nhà cho chủ người Đức. Việc đối xử mà các lao động này phải nhận đã được phác họa lại bởi Fritz Sauckel: “Tất cả những người này phải được cho ăn ở theo cách đem lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.” Thống lĩnh SS Heinrich Himmler thậm chí còn thẳng thừng hơn: “Nếu có 10.000 phụ nữ Nga gục xuống vì kiệt sức khi đào hào chống tăng thì tôi cũng chỉ quan tâm cuối cùng nước Đức có được cái hào chống tăng đó hay không.”

Tại Phiên tòa Nuremberg, Fritz Sauckel bị kết án phạm tội ác chống loại loài người và bị treo cổ. Himmler thoát được số phận này khi y tự sát.

Mùa xuân 1942, cảnh sát địa phương tới ngôi làng Zaoziore gần Smolensk đề lùng tìm người đủ tuổi lao động. Khi họ bước vào nhà Egorov, Mikhail 18 tuổi đang ra ngoài.

“Bà kia, Mikhail đâu?”

“Mysha không có đây. Sáng nay nó ra đồng làm rồi.”

Gia đình này quyết định không chờ đến lúc bị đi đày.

“Mysha con ơi! Nào, nhanh lên nào!”

Họ gói ghém đồ dùng rồi hướng về phía rừng để gia nhập du kích.

“Dừng lại không tao bắn!”

“Chúng tôi ở làng ra! Chúng nó muốn lôi con tôi đi.”

“Cho chúng tôi theo các anh!”

Họ đã gặp 1 nhóm phá hoại nấp trong rừng. Nhóm này đang trên đường tới Selivonenki để phá nổ cây cầu. Mikhail nói mình biết đường.

“Chúng ta sẽ đi xuyên rừng và đầm lầy.”

Ngày 5/5/1942, đúng sinh nhật thứ 19 của mình, Mikhail Egorov được nhận vào Trung đoàn du kích đặc nhiệm, mật danh “Số 13”. Chỉ huy trung đoàn là Sergey Grishin. Grishin bắt đầu chiến tranh trong một trung đội xe tăng. Đơn vị của ông bị bao vây trong Chiến dịch Barbarossa, nhưng Grishin trốn thoát và trở về làng quê mình để lập đội du kích. Nó trở thành Trung đoàn du kích đặc nhiệm “Số 13”, lấy theo bộ phim hành động yêu thích của Grishin do Mikhail Romm làm đạo diễn. Bình minh ngày 13/5/1942, đội du kích đã đi 24 km để tấn công đồn quân Đức ở Selivonenki. Đó là lần thử lửa đầu tiên của Mikhail Egorov.

Dù có nhiều thắng lợi cục bộ, du kích vẫn không gây ảnh hưởng đáng kể nào đối với tuyến tiếp vận của Đức. Nhưng tầm quan trọng của hoạt động của họ có thể được tính theo cách khác. Hàng ngàn lính Đức đang cần gấp cho các mặt trận khác, nay phải chuyển qua chống du kích và bảo vệ tuyến tiếp vận. Tinh thần quân Đức cũng bắt đầu bị ảnh hưởng. Trong vùng chiếm đóng, bất cứ ai cũng có thể là du kích. Không thể tin bất cứ ai. Mọi âm thanh đáng ngờ nào cũng có thể là tín hiệu bắt đầu cuộc tấn công của du kích. Chiến tranh du kích ảnh hưởng lên tinh thần và nguồn lực của quân xâm lược Đức. Các báo cáo của Đức cho hay trong số 3,6 triệu tù binh chiến tranh Xô-viết bị bắt năm 1941, đến mùa xuân 1942 chỉ còn 800.000 là đủ sức làm việc. 60 % đã bị giết hại hay chết vì đói và bệnh tật. Mùa xuân 1942, hàng ngàn tù binh chiến tranh Xô-viết phải nằm hay ngồi trong Trại Suwałki ở Ba Lan. Họ gần như không được cho ăn gì. Một số đã phải ăn cả cỏ. Chính lúc ấy, cựu tham mưu trưởng của Sư đoàn Bộ binh 229, Trung tá Vladimir Rodionov, đã quyết định đi theo bọn Quốc Xã. Ông ta tới gặp bọn Đức và đề nghị được lập một liên minh chiến đấu gồm những người Nga dân tộc chủ nghĩa. Mục tiêu của họ là lật đổ chế độ Stalin và lập ra một Nhà nước Nga dân tộc chủ nghĩa dưới sự bảo hộ của Đức. Đề xuất của Rodionov được Cơ quan An Ninh SD của Quốc Xã nắm lấy. Rodionov, cũng dùng làm bí danh, đến tháng 6 được gia nhập bởi 100 cựu tù từ Trại Suwałki. Họ được cấp cho quân phục Séc và trở thành Chi đội SS Tình nguyện Nga đầu tiên. Đơn vị này sớm lên tới 500 tình nguyện viên, hầu hết là cựu sĩ quan Hồng quân. Để chứng tỏ khả năng chiến đấu và lòng trung thành của mình, nhiệm vụ đầu tiên của họ là chống lại du kích Ba Lan. Chi đội này về sau mở rộng thành lữ đoàn hơn 2.000 người.

Nhưng mặc cho các điều kiện vô nhân tính, một số tù binh vẫn giữ kiên định. Nikolai Obrynba, lính cứu thương thuộc tiểu đoàn dân quân, bị bắt làm tù binh năm 1941 gần Vitebsk. “Nếu ta không muốn đánh mất bản thân trong tình thế tuyệt vọng, ta phải loại bỏ hết nghi ngờ trong đầu, bất kể có suy nghĩ gì về Stalin. Chỉ có hai phe, hai ý thức hệ, và hai người đứng đầu hai ý thức hệ đó. Và ta chỉ đi theo một ý thức hệ, một phe và một người hiện thân cho ý thức hệ đó mà thôi. Ta sẽ giữ được cho tới lúc chót. Nếu được vậy thì dù có chết hay bị tra tấn, ta cũng vẫn thanh thản với chính mình.”

Mùa xuân 1942, du kích hoạt động ở quy mô rộng hơn nhiều trên khắp Belorussia và miền Tây nước Nga bị địch chiếm. Các báo cáo Xô-viết ước tính khoảng 200.000 du kích đang hoạt động ở hậu phương dịch. Các đội du kích hoạt động đặc biệt tích cực tại hậu phương Cụm TĐQ Bắc và Cụm TĐQ Trung Tâm. Họ dựng trại trong đầm lầy giữa rừng, quanh Bryansk, Vitebsk, Smolensk, Novgorod và Leningrad. Một đội du kích lớn hoạt động trên vùng núi ở Krym. Tổ chức và chiến thuật của du kích được cải thiện dần. Mỗi đội du kích là một đơn vị tự cung tự cấp gồm 100-200 chiến sĩ. Đội có đủ đội trưởng, chính trị viên và tham mưu trưởng riêng. Mỗi đội đều có tổ hậu cần và quân y, có thể chia thành nhiều trung đội. Nhiều đội du kích hợp thành một lữ đoàn du kích. Mỗi lữ đoàn có có quân y viện và xưởng sản xuất riêng, làm ra mũ trùm ngụy trang, áo khoác lông cừu và ủng. Một lữ đoàn có thể đông từ vài trăm tới vài ngàn người. Lấy ví dụ, Lữ đoàn du kích Belorussia Dubovoy có 1.700 người. Nhiều lữ đoàn hợp thành một cụm du kích hoạt động theo các chiến dịch chiến lược. Tại một số vùng, du kích đã quét sạch hoàn toàn lực lượng Đức địa phương và thành lập vùng du kích do họ kiểm soát trọn vẹn. Gần Polatsk, đông bắc Belorussia, du kích lập trường học, đường điện thoại, cối xay và xưởng sản xuất cho riêng mình. Họ in tờ báo riêng và sách bỏ túi để phân phát cho 80.000 dân thường sống trong khu du kích. Thậm chí họ còn có cả phòng triển lãm nghệ thuật để trưng bày tác phẩm của các du kích như Nikolai Gutiyev và Nikolai Obrynba, lúc này đã trốn thoát khỏi cảnh tù binh. Obrynba kể lại điều này có ý nghĩa ra sao đối với du kích: “Lữ đoàn Dubovoy rất tự hào về các tranh vẽ này. Vì thế họ treo chúng trong ban chỉ huy, ngay cạnh lá cờ lữ đoàn. Chúng tôi thách thức quân thù. Chúng tôi có thể làm mọi việc. Cuộc đời chúng tôi sẽ không còn sợ hãi và sẽ là bất tử. Chúng tôi tuyên bố như thế cho tương lai, và cho mãi mãi mai sau.”

Du kích chỉ có thể hoạt động nếu được dân địa phương giúp đỡ. Dân làng đem chọ họ thức ăn và đôi khi cả tin tức, vốn rất quan trọng đối với thành bại và cả mạng sống của họ. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm phi thường của dân làng. Nếu bị Đức bắt, không chỉ mình họ mà cả làng đều có thể bị trả thù tàn bạo.

Ngày 13/5/1943, Hitler ký lệnh thông qua Chiến dịch “Thành trì” tấn công Kursk. Như để đáp lại, du kích phá nổ cả 2 cây cầu qua sông Desna khúc gần Bryansk, cắt đứt tuyến tiếp vận chính tới khu vực bàn đạp cho cuộc tấn công. Phải mất 12 ngày công binh Đức mới đưa được 2 cầu này trở lại hoạt động bình thường. Việc trì hoãn này xảy ra ngay trước thời điểm của chiến dịch thật nghiêm trọng. Nếu nó lặp lại vào cao điểm của trận đánh thì sẽ đúng là thảm họa. Do đó, trong mấy tuần trước Trận Kursk, Bộ Tổng TM Đức OKH ra lệnh thực hiện chiến dịch càn quét du kích trên quy mô lớn, sử dụng lính thiện chiến tiền tuyến, bao gồm cả các trung đoàn xe tăng. Chiến dịch lớn nhất trong số đó diễn ra quanh Bryansk với mật danh Operation Zigeunerbaron (Chiến dịch “Nam tước Di-gan”) với khoảng 50.000 lính tham gia, bao gồm cả dân quân tình nguyện địa phương. Bọn họ phải đối đầu với nhiều lữ đoàn du kích với tổng lực lượng khoảng 11.000 người. Quân du kích bị vướng víu do có nhiều phụ nữ, người già và trẻ em đã chạy vào rừng đến gia nhập, khiến du kích kém cơ động và không thể chuyển trại nhanh chóng được. Quân Đức tìm cách chia cắt các lữ đoàn du kích rồi lùa họ về bờ sông Desna. Bộ chỉ huy phong trào du kích lập tức có những bước để hỗ trợ. Họ thả dù tiếp tế vũ khí, đạn dược và thuốc men, sơ tán được khoảng 900 du kích bị thương và những ai gặp nguy hiểm nhất. Máy bay Xô-viết ném bom các vị trí tập trung địch, nhưng thương vong của du kích tăng lên nhanh chóng. Họ bị áp đảo về hỏa lực và quân số. Đêm ngày 2/6, một trận đánh dữ dội diễn ra ở Nông trường Pionersky khi đội du kích ở đây tìm cách phá vây. Họ đã thành công nhưng với một giá thật nặng nề. Ngay khi các đơn vị lính Đức quay trở về chiến tuyến, các đội du kích lại bắt đầu tập hợp lại trong rừng. Mùa hè năm đó, Sở chỉ huy trung tâm đã sử dụng điện đài để điều phối một cuộc tấn công quy mô lớn của du kích vào mạng lưới đường sắt Đức giữa cao điểm của trận Kursk. Nó mang mật danh Chiến dịch “Chiến tranh đường sắt”. Họ gặp một khó khăn: để làm tê liệt mạng lưới đường sắt Đức với quy mô cần thiết cần đến hàng ngàn tấn thuốc nổ, vượt quá khả năng cung cấp của không quân. Bởi thế các nhóm phá hoại bắt đầu thử nghiệm.

“Ta đã thử chính xác khối nổ 200 gram này có thể phá hỏng 1 thanh ray.”

“Giờ chúng ta hãy thử với phân nửa số thuốc thôi.”

Trước chiến tranh, người ta cho rằng cần 200-400 gram thuốc nổ TNT để phá hủy 1 thanh ray. Nhưng thử nghiệm với những khối thuốc nổ hình thoi và hình thoi lập phương cho thấy 1 thanh ray có thể bị phá hỏng chỉ với 75 gram thuốc nổ. Khám phá này giảm lượng thuốc nổ cần thiết xuống hơn một nửa và đủ khả năng vận chuyển bằng máy bay.

Chiến dịch “Chiến tranh đường sắt” bắt đầu đêm ngày 3/8/1943. Đường sắt nổ tung trên khắp Belorussia, Leningrad, Oriol và Bryansk. Nhưng hiệu quả của Chiến dịch “Chiến tranh đường sắt” và Chiến dịch “Hòa nhạc” tiếp theo trong tháng 9 lại đáng thất vọng. Người Đức sớm học được cách giảm thiểu mọi trở ngại. Các đoàn tàu di chuyển chở theo đội sửa đường ray riêng, mau chóng sửa tạm để tàu có thể đi tiếp.

“Lúc nào thì sửa xong?”

Ngay sau khi tàu đi qua, thanh ray sẽ được thay thế. Ilya Starinov, một chuyên gia phá hoại nổi tiếng của Liên Xô, đã tự hỏi liệu có khôn ngoan khi phá nổ đường ray. Ông nghĩ tốt hơn là nên phá nổ đoàn tàu.

Nhưng “Chiến tranh đường sắt” vẫn gây được ảnh hưởng. Người đứng đầu việc vận chuyển của Cụm TĐQ Trung Tâm đã báo cáo các con số trong tháng 8/1943: “Hoạt động của du kích trong tháng 8 đạt trung bình 45 vụ nổ đường sắt mỗi ngày, làm hư hỏng 266 đầu tàu và 1.373 toa tàu.”

Một trong những chiến công lớn nhất của du kích trong Trận Kursk là làm nổ tung nhà ga đường sắt Osipovichi. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi Chi đội du kích đặc nhiệm “Những người dũng cảm” do một đại tá của OMSBON chỉ huy, Aleksandr Rabtsevich.

“Nhét chúng dưới mấy bồn xăng.”

“Sau đó trốn ngay lập tức.”

“Vâng, nhớ rồi.”

Một kỹ sư người Nga làm việc cho Đức đã tìm cách gắn được 2 quả mìn từ tính vào các bồn xăng. Vụ nổ phá hủy 33 bồn xăng, 65 toa đạn dược, 8 xe tăng Tiger, 7 xe thiết giáp, 12 toa thực phẩm, 5 đầu tàu và toàn bộ khu nhà ga. Nhà ga bốc cháy suốt 2 ngày.

Đội du kích chỉ cách con đường sắt có 200 m.

“Lại đây, nhanh lên!”

“Thật là chỗ rất tốt để phục kích chúng.”

Được súng máy yểm trợ, Mikhail Egorov cùng các đồng đội lặng lẽ bò tới bên vệ đường sắt. Dãy rào chắn gỗ viền 2 bên đường chăng đầy dây thép gai với vỏ đồ hộp. Chúng sẽ rung lên báo hiệu cho lính gác Đức nếu có ai chui qua. Mò mẫm trong đêm tối, du kích thận trọng cắt đứt dây thép. Một nhóm gác Đức đi ngang. Họ phải mất 1 giờ để cắt được một lối qua hàng rào. Sau đó, họ nghe thấy đoàn tàu đang tới.

“Đi nào!”

Họ nhào tới đường sắt để gắn khối chất nổ dẻo. Họ chôn khối TNT và gắn 1 sợi dây vào kíp nổ, rồi buộc đầu dây kia vào 1 que thông nòng. Cái que này cắm xuống cách đó 50 cm.

“Misha, đi!”

Người Đức gắn các toa rỗng phía trước đoàn tàu, vốn sẽ kích nổ một quả mìn thường và hứng lấy toàn bộ sức nổ. Nhưng quả mìn lần này thì khác. Cái toa rỗng chạy qua vô sự, nhưng chiếc đầu máy, với bộ guồng bánh xe nhô ra ngoài chiều rộng của khổ đường sắt, sẽ gạt gãy que thông nòng và giật kíp nổ. Đây là ví dụ mới nhất về sự khôn khéo trong cuộc chiến luôn liên tục cải tiến giữa phá hoại viên Xô-viết và các sĩ quan ngành vận tải Đức. Chẳng mấy chốc, người Đức sẽ nghĩ ra cách đối phó và quân phá hoại cũng lại phải nghĩ ra cách mới.

Mùa xuân 1944, Mikhail Egorov đã làm lật 5 đoàn tàu và phá hủy 5 cây cầu. Ông được trao Huân chương Sao Đỏ và Huân chương Vẻ Vang hạng 3 và Huân chương Du Kích hạng 1. Theo thống kê của Tổng cục Quản lý Đường sắt phía Đông của Đức, du kích đã thực hiện khoảng 500 cuộc đột kích và phá hoại trong tháng 2/1943, tăng lên 700 vụ trong tháng 4, rồi lên hơn 1.000 vụ/tháng trong tháng 5 và 6. Một đoàn tàu trật bánh sẽ làm gián đoạn tuyến đường sắt khoảng 8 giờ, nên để cắt đứt giao thông hoàn toàn cần 3 vụ mỗi ngày. Phép số học đơn giản này khiến quân Đức vô cùng vất vả.

Một con diều phấp phới khoảng 100 m bên trên cánh rừng tối ở Belorussia. Bỗng từ phía dưới có một cánh buồm nhỏ khác kéo một thanh gỗ bay lên. Khi nó chạm vào chiếc diều, số truyền đơn nó mang theo bị bung ra và rơi xuống rải rác khắp khu rừng phía dưới. Tờ truyền đơn mang lời kêu gọi gửi đến người của Trung tá Rodionov thuộc Lữ đoàn những người dân tộc chủ nghĩa Nga, thúc giục họ tham gia phong trào du kích. Thực ra, nhiều người trong số họ đã bắt đầu tự hỏi về bổn phận mới của mình, sau khi chứng kiến cách thức tàn ác mà quân Đức đối xử với các đồng bào người Nga. Bản thân Rodionov cũng choáng váng trước những gì bọn Quốc Xã thực hiện ở phía Đông. Ông ta đã được hứa hẹn một liên minh, nhưng giờ ông ta biết tất cả đều là dối trá. Ông ta gửi một phái đoàn đến liên hệ với du kích. Rodionov đề nghị du kích có đảm bảo gì cho mạng sống của mình và người của mình. Du kích đánh điện hỏi Maskva và nhận được câu trả lời thẳng từ Tướng Ponomarenko, người đứng đầu Sở chỉ huy Trung tâm điều phối hoạt động du kích.

“Thưa chỉ huy, chúng tôi đã giải mã điện tín.”

“Hãy cho hắn những đảm bảo để tăng cường liên lạc và dùng thông điệp của chính Rodionov để gây mất tinh thần lữ đoàn của hắn.”

Chỉ huy du kích Ivan Chevko gặp Rodionov. Kết quả là gần như toàn bộ lữ đoàn của ông ta đã chạy về phía Xô-viết. Nó được đổi tên thành Lữ đoàn du kích chống phát xít số 1.

“Tôi đảm bảo sẽ không bị phía Xô-viết ngược đãi.”

Trong vài tuần, lữ đoàn đã quay sang hoạt động chống lại chủ cũ của mình, tấn công một đồn lính Đức ở làng Ostuzunka. Quân du kích tấn công vào sáng sớm bằng cối và súng máy. Đến 7 giờ sáng họ xông vào làng và quét sạch quân Đức đồn trú. Với chiến dịch thành công này, Rodionov được thăng chức Đại tá và được trao Huân chương Cờ Đỏ. Nhiều người khác trong đơn vị ông ta được trao Huân chương Du kích Chiến tranh Vệ quốc.

Trong khi đó, Generalkommissar (Tổng Cao ủy) Wilhelm Kube vẫn tiếp tục cai trị tàn bạo tại Belorussia. Mùa hè 1943, Ban Tình báo của NKVD quyết định việc ám sát hắn là ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ này được giao cho tất cả các đơn vị du kích hoạt động trong vùng Minsk. Cuộc săn diệt Wilhelm Kube bắt đầu. Ngày 22/7, một tiếng nổ lớn xé toang Nhà hát Minsk. Tình báo Xô-viết báo cáo có 70 địch bị giết và 110 bị thương, nhưng Kube đã rời nhà hát chỉ vài phút trước vụ nổ. Vài tuần sau, một đội du kích phục kích Kube trên đường tới nơi ở vùng quê của hắn, nhưng hắn lại thoát. Du kích đề xuất ném bom nơi ở của hắn bằng máy bay. Nhiệm vụ được giao cho 15 tổ lái thuộc một đơn vị máy bay ném bom tầm xa ưu tú. Nhưng Kube lại sống sót và chuyển nơi ở vào thành phố. Ngày 6/9, ở Minsk có tổ chức một buổi tiệc kỷ niệm 10 năm ngày Hitler lên cầm quyền. Một quả bom nổ trong phòng ăn sĩ quan đã giết chết 36 quan chức quân sự và chính quyền, nhưng Kube không có trong đó. Thế rồi, Yelena Mazanik, người hầu của Kube, được nữ du kích Maria Osipova liên hệ. Maria kể cho Yelena về những tội ác khủng khiếp mà Kube chịu trách nhiệm. Bà khuyên Yelena hãy tham gia việc trả thù và đưa Yelena một quả mìn hẹn giờ. Sáng thứ Ba 21/9, Yelena Mazanik nhét quả mìn vào túi xách rồi đi làm. Dân địa phương luôn bị khám xét khi đi vào nơi ở của Tổng Cao ủy, nhưng hôm đó Yelena gặp may. Bà quen với người gác, việc khám xét chỉ qua loa. Bà vào phòng ngủ của Kube và nhét quả mìn dưới đệm ngay chỗ đầu hắn.

“Xin chào.”

“Sao ra sớm thế?”

“Tôi có hẹn với bác sĩ.”

Maria Osipova, Yelena Mazanik và em gái bà là Valentina được đưa khỏi thành phố tới một căn nhà an toàn của du kích. Đêm đó, lúc gần 1 giờ khuya, Tổng Cao ủy Wilhelm Kube đang ngủ trong ngôi nhà của mình ở Minsk thì quả mìn nổ. Quả mìn giết chết Kube có sức nổ hạn chế chỉ vừa đủ để không gây hại người vợ đang mang thai và những đứa con đang ngủ ở phòng bên.

Đến đầu năm 1944, phía Xô-viết ghi nhận có 300.000 du kích trong tay. Có gần 150 máy điện đài hoạt động chỉ riêng ở Belorussia. Du kích giờ có riêng một đơn vị không quân là Trung đoàn Không quân tầm xa 101, bay 20 phi vụ tới vùng du kích trong mỗi đêm. Mùa xuân 1944, quân Đức lập kế hoạch một chiến dịch khổng lồ để tiêu diệt quân du kích đóng gần Polotsk miền Bắc Belorussia. Họ huy động 60.000 quân, 137 xe tăng, 236 pháo và 70 máy bay và 2 đoàn tàu bọc thép. 60.000 du kích và dân thường bị bao vây bởi các đơn vị thuộc Tập đoàn quân Xe tăng 3 của Đức và mau chóng để rơi các sân bay vào tay địch. Vậy nên du kích xây cho m2inh một sân bay mới trên 1 ngọn đồi giữa vùng đầm lầy.

“Nhiệm vụ của ta là làm một đường hạ cất cánh.”

“Vất vả đấy.”

Du kích cần lấp đất đầy các hố lầy để làm một đường băng dài ít nhất 1.000 m. Đầu tiên họ rải xuống các súc gỗ, sau đó là các bó củi buộc chặt, rồi đắp đất lên trên. 2.000 dân từ các làng gần đấy, được giám sát bởi Nikolai Obrynba, đã xây dựng đường băng trong 3 tuần. Người ta đào các hố đốt lửa để làm đèn hiệu hạ cất cánh. Thợ mộc làm các nắp gỗ gắn trên miệng hố. Để dập tắt lửa thật nhanh, chỉ cần kéo đầu dây buộc tới thanh gỗ giữ cái nắp. Để yểm trợ cho du kích, Không quân Xô-viết đã thực hiện 354 phi vụ, bao gồm ném bom các vị trí Đức, tiếp tế 250 tấn quân nhu và sơ tán khoảng 1.500 người bị thương. Nhưng sức ép từ phía quân Đức trang bị đầy đủ vẫn không ngớt. Đến cuối tháng 4, các du kích sống sót cố gắng thoát ra. Ban đầu, lữ đoàn du kích tìm cách phối hợp hoạt động với Bộ chỉ huy tối cao Stavka, nhưng rồi liên lạc bị cắt đứt và mỗi đơn vị đành tự tìm cách thoát ra bằng hết sức mình. Ngày 27/4, quân Đức dồn các du kích cuối cùng vào cái túi chỉ rộng 20 km. Chỉ huy địa phương ra lệnh cho những người sống sót phải thoát vây bằng mọi giá. 8 ngày sau họ đã đưa thành công 15.000 dân thường tới nơi an toàn. Xông vào giữa trận đánh là Lữ đoàn du kích chống phát xít số 1 của Đại tá Rodionov. Trong thời gian phục vụ cơ quan An ninh Đức, Rodionov đã dẫn lữ đoàn mình hoạt động thanh trừng chống lại thường dân Belorussia, tham gia tiêu hủy 5 ngôi làng dọc sông Berezina. Giờ đây Rodionov đã chuộc lại các tội lỗi ấy bằng chính máu của mình. Trong lúc phá vây, Rodionov đã hy sinh trong lúc đang kêu gọi lính mình đứng lên tấn công địch. Thi hài ông được tìm thấy năm 1992 và được mai táng trong khu mộ chung của du kích tại thị trấn Ushachi.

Một tháng sau khi vùng du kích bị đánh bại, Hồng quân tiến hành Chiến dịch Bagration. Quân chính quy Xô-viết xua quét địch khỏi mọi vùng trên đất Belorussia. Nhiều du kích đã gia nhập hàng ngũ Hồng quân. Trong những giờ đầu của ngày 1/5/1945, cựu du kích Mikhail Egorov cùng với Trung sĩ Meliton Kantaria có mặt ở giữa Berlin, leo lên ngay đỉnh của toà nhà Reichstag. Egorov mang theo trong túi lá cờ xung kích của Trung đoàn Bộ binh 756 thuộc Sư đoàn Bộ binh 150. Họ được yểm trợ bởi sĩ quan chỉ huy, Trung úy Aleksei Berest. Sau lưng Mikhail Egorov là 2 năm chiến tranh du kích đầy chết chóc, thực hiện những nhiệm vụ nặng nề và sau đó làm trinh sát bộ binh Hồng quân tại Ba Lan và Đức. Phía trước anh chỉ vài bước là mái tòa nhà Reichstag và Chiến thắng!
 
Top