Sưu tầm Liên Xô đã ở bên cạnh Việt Nam như thế nào trong chiến thắng 30/4/1975

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm, Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội của nghĩa anh em. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Paris 1973 thì cục diện quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó đã ảnh hưởng thế nào tới cục diện chiến trường Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung ?
Từ năm 1971, Liên Xô bắt đầu đàm phán với Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giai đoạn 1 (SALT-1) để qua đó tập trung giảm chi phí quốc phòng, tập trung tiềm lực phát triển kinh tế. Đồng thời qua đó, giảm căng thẳng đối đầu trên trường quốc tế. Ngày 27-5-1972, Liên Xô và Mỹ tiếp tục đàm phán về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giai đoạn 2 (SALT-2). Mặc dù bị Mỹ gây sức ép như Liên Xô vẫn tiếp tục viện trợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam đánh thắng trong Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút quân về nước.
Năm 1972, Trung Quốc công khai bắt tay với Mỹ để chống Liên Xô. Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2-1972 cho thấy chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam bắt đầu thay đổi lớn. Trung Quốc cam kết với Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam, đặc biệt là viện trợ quân sự. Qua đó, Mỹ có thể duy trì chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam Việt Nam, ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đàm phán trong khi chính quyền ngụy Sài Gòn liên tiếp phá hoại Hiệp định Paris, thực hiện các “Kế hoạch Lý Thường Kiệt” hàng năm, mở các chiến dịch quân sự lớn lấn chiếm nhiều vùng giải phóng. Đổi lại, Trung Quóc cam kết không tấn công quân sự đối với Đài Loan nhưng được thay thế Đài Loan ngồi vào ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong tình hình đó, kế hoạch Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam đã được Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ tuyệt đối bí mật đối với cả hai đồng minh Liên Xô và Trung Quốc. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết không để những nước lớn lấy cái lưng của mình làm bàn đàm phán như hồi năm 1954.
Trong tập hồi ký: “Liên Xô - một từ không bao giờ quên” là tập hợp hồi ký của các cán bộ, chuyên gia Liên Xô từng công tác tại Việt Nam qua các thời kỳ do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007 có bài viết của đồng chí Boris Nikolaiyevich Saplin, Đại sức đặc mệnh toàn quyền Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết tại Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ liên tục từ năm 1974 đến năm 1986. Bài viết cho thấy Liên Xô một mặt rất muốn biết những hành động của Việt Nam trong năm 1975. Khi đã đoán biết được mục tiêu của các hành động ấy, họ đã hoàn toàn tôn trọng các quyết định của phía Việt Nam. Đồng thời, Liên Xô cũng không có ý định nhân chiến thắng 30-4 của người Việt Nam để làm căng thẳng quan hệ Xô – Mỹ. Một thái độ rất có trách nhiệm của một đồng minh lớn của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới.
Xin giới thiệu với các bạn bài viết của nguyên Đại sứ Boris Nikolaiyevich Saplin:
-----------------------------------------
“Tôi sang Việt Nam với tư cách là Đại sứ Liên Xô vào cuối tháng 12-1974. Lúc ấy tôi không nghĩ rằng mình lại công tác ở đây tới hơn 11 năm và tôi đã chứng kiến, tham gia vào biết bao nhiêu sự kiện lịch sử... Ngày 30-12- 1974 tôi trình quốc thư lên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng... Sau khi trình quốc thư được mấy ngày, ngày 2-1-1975 tôi được Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn tiếp...
Tháng 1-1975 qua đi. Trên khắp Việt Nam hình như đang chuẩn bị chuyện gì đó, điều gì đó sắp xảy ra. Phía Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao thường xuyên thông báo cho chúng tôi tình hình miền nam Việt Nam... Tháng 1 và tháng 2-1975, trước cuộc tổng tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền nam, cả ở Liên Xô, cả ở Mỹ chẳng ai biết kế hoạch cụ thể của Hà Nội, mặc dù Mỹ lo lắng hơn các nhà lãnh đạo Liên Xô... Tháng 2, Việt Nam bắt đầu thông báo cho tôi rõ ràng hơn về những tình hình ở miền Nam... Chiến dịch giải phóng được giữ tuyệt mật. Cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều chẳng biết gì về chiến dịch này...
Tháng 3, các sự kiện bắt đầu phát triển mỗi ngày một rầm rộ. Trong một buổi hội đàm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông nói với tôi: "Chúng tôi thấy hiện nay ở miền Nam đang hình thành tình thế cách mạng, như Lenin đã nói, khi dưới không muốn, trên không thể sống như cũ được"... Tôi thông báo về Moskva. Nhưng hình như Moskva không ngờ các sự kiện có thể phát triển nhanh như vậy. Họ cho rằng tất cả chỉ là sự mở rộng các vùng giải phóng là cùng... Ngày 13-4, Đại sứ quán thông báo về Moskva rằng sắp tới Việt Nam có ý định tiến công Sài Gòn. Trong những lần hội kiến với tôi, các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố: “Sài Gòn sẽ được giải phóng bất kỳ thời điểm nào, khi thấy hợp lý...”
Ngày 21-4-1975, trong nước (Liên Xô) giao cho tôi một nhiệm vụ cấp bách, khá đặc biệt là thông báo ngay cho các nhà lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rằng Tổng thống Mỹ Geral Forrd đã gọi điện cho Tổng bí thư L. I. Brezhnev yêu cầu Liên Xô cùng phối hợp hành động để tạm thời ngừng chiến sự ở miền Nam Việt Nam, để Mỹ và các quan chức thân cận với Mỹ di tản được an toàn...
Đại sứ quán Liên Xô nhận được thông báo vào ban đêm. Lúc tôi đang ở Vịnh Hạ Long cách Hà Nội 150 km... Chật vật mãi họ mới nối máy được để tôi nói chuyện với Đại sứ quán ở Hà Nội. Tôi nghe thấy giọng lo lắng của Tham tán V. A. Kolovniakov, trực ban sứ quán đêm hôm ấy. Đồng chí báo tin Moskva gọi và tôi phải quay trở về Hà Nội ngay. Lúc đó đã gần 3 giờ sáng... Chúng tôi đi suốt đêm, sáng sớm mới về tới Hà Nội...
Thủ tướng Việt Nam hứa tiếp tôi ngay và mới 9 giờ sáng tôi đã có mặt ở Phủ Chủ tịch... Sau khi chào hỏi, tôi trình bày với Thủ tướng nội dung bức công hàm của Ban lãnh đạo Mỹ nhờ Liên Xô thông báo cho phía Việt Nam. Trong khi tôi thuật lại nội dung bức công hàm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tỏ ra không hiểu... Nhưng chỉ ít phút sau ông trở nên kín đáo. Ông nói: “Cá nhân tôi có thể trả lời ngay bức công hàm của Tổng thống Pho. Nhưng vì các nhà lãnh đạo Liên Xô và đích thân đồng chí L. I. Brezhnev đã giao cho đồng chí nhiệm vụ thông báo, nên tôi phải báo cáo lại với Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Sáng ngày mai, chúng tôi sẽ có câu trả lời”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho mời tôi đến xem bức công hàm đáp lại của phía Việt Nam không phải vào ngày 22 như đã hứa, mà lùi lại vào ngày 23-4. Tiếp tôi vẫn ở Phủ Chủ tịch, không nói lời mào đầu, Thủ tướng tuyên bố ngay rằng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ thông tin nhận được và ủy quyền cho ông truyền đạt lại với Đại sứ Liên Xô để chuyển về Moskva ý kiến của Ban lãnh đạo Việt Nam về vấn đề này. Nội dung công hàm đáp lại là Hà Nội đánh giá bức công hàm của Tổng thống Mỹ Ford như là một âm mưu nguy hiểm hòng tạo điều kiện để tiếp tục can thiệp sâu vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đồng thời hạ thấp ý nghĩa chiến thắng của Việt Nam...
Đọc xong bức công hàm trả lời, Thủ tướng Phạm văn Đồng đặt nó xuống và nhấn mạnh: “Với Mỹ, chúng tôi một mặt vẫn tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi. Mặt khác chúng tôi cố gắng tránh những gì có thể làm tổn thương Mỹ, tránh kích động tinh thần sô vanh ở Mỹ. Chúng tôi ủng hộ các cuộc gặp gỡ với các tổ chức tiến bộ Mỹ, thậm chí với một vài nghị sĩ Mỹ để phát triển quan hệ bình thường với Mỹ trên cơ sở họ nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản liên quan đến họ trong Hiệp định Pa-ri”.
Ngày 26-4-1975, trước khi giải phóng Sài Gòn, tôi lại nhận nhiệm vụ gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thông báo cho Thủ tướng biết, qua Đại sứ Liên Xô ở Washington, đồng chí L. I. Brezhnev đã cảnh báo cho Tổng thống Ford biết Liên Xô phản đối tất cả những hành động của Mỹ có thể làm rắc rối thêm tình hình ở Đông Dương... Vào những ngày này, Washington, Moskva và Hà Nội liên tục liên lạc với nhau. Hầu như ngày nào điện báo cũng đến tới tấp, bắt đầu bằng các từ đại loại như: “Hà Nội. (Stop). Đại sứ Liên Xô. (Stop). Hãy tới gặp đồng chí Lê Duẩn (hay Phạm Văn Đồng) - sao gửi Washington; hoặc Washington. (Stop). Đại sứ Liên Xô. (Stop). Hãy tới gặp Forrd (hay Kisingger) - sao gửi Hà Nội”.
Ngày 26-4, tôi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước khi giải phóng Sài Gòn... Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố dứt khoát: “Chúng tôi chẳng có gì để thông báo với Mỹ cả, còn lời phát biểu của Tổng thống Ford không làm cho ai phải quan tâm, bởi vì không thể tin được ông ta”. Còn về những điều kiện thuận lợi để di tản những người Mỹ, chứ không phải người Việt Nam, thì những điều kiện ấy đang có và sẽ có...
Ngày 30-4-1975, trong Đại sứ quán Liên Xô có buổi chiếu phim thường kỳ cho quần chúng Việt Nam xem. Lần này phòng chiếu chật cứng người. Tất cả những người ngồi đây đều đang vô cùng phấn khởi. Mới có tin Sài Gòn đã được giải phóng. Vì giữ kỷ luật Đảng mà không ai trong số họ dám khẳng định điều ấy. Chúng tôi biết rõ ràng miền Nam đã giành thắng lợi, cho nên cắt bớt buổi chiếu phim, tôi cùng với Tham tán công sứ E. P. Glazhnov bước lên bục chúc mừng thắng lợi tất cả mọi người đang có mặt. Lời chúc mừng ngắn gọn của chúng tôi kết thúc bằng các từ: “Liên Xô - Việt Nam - muôn năm !”, “Tình hữu nghị Liên Xô - Việt Nam muôn năm !". Cả phòng chiếu phim hô vang ba lần: “Muôn năm ! Muôn năm ! Muôn năm !”. Mọi người vô cùng hân hoan... Thực chất đó là lời chúc mừng chiến thắng đầu tiên của những người đại diện cho một cường quốc đối với nhân dân Việt Nam.
Sáng sớm ngày 1-5-1975, khi tôi còn đang ở nhà riêng, trực ban sứ quán gọi điện cho tôi báo rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tôi gặp mặt vào lúc 9 giờ sáng... Bất ngờ trước khi xe lăn bánh, Trưởng phòng mật mã gọi điện yêu cầu tôi chờ ít phút bởi vì có thông báo khẩn từ Moskva. Hóa ra đó là lời chúc mừng chiến thắng dưới dạng công hàm của L. I. Brezhnev gửi cho đồng chí Lê Duẩn. Nhưng những dòng tái bút ở cuối bức công hàm làm tôi lúng túng. Đó là yêu cầu không đăng công khai lời chúc mừng này trên báo chí ! Rõ ràng là một lần nữa Moskva không muốn chọc tức Mỹ. Cho nên công hàm được gửi theo con đường tổ chức Đảng, cầm bức công hàm, tôi lên xe tới Phủ Chủ tịch
Nhìn thấy tôi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng dậy với vẻ hân hoan: “Thắng lợi rồi ! Thắng lợi rồi !”. Thủ tướng lao tới ôm hôn tôi trước tiên, rồi đến cậu phiên dịch A. Tatarinov. Lát sau, Thủ tướng trấn tĩnh lại, ngồi vào chỗ mọi khi của mình và cân nhắc từng từ một, trịnh trọng nói: “Theo sự ủy quyền của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn thể nhân dân Việt Nam, tôi xin thông báo tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô và toàn thể nhân dân Liên Xô tin vui toàn thắng của nhân dân Việt Nam. Toàn thể dân tộc chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, thường xuyên của Liên Xô. Trong chiến thắng vừa giành được có sự đóng góp quý báu của Liên Xô. Lấy thí dụ tượng trưng như xe tăng T-54 của Liên Xô do các chiến sĩ xe tăng Việt Nam điều khiển, đã tiên phong tiến vào Dinh Độc Lập ở Sài Gòn; bộ đội của lực lượng vũ trang giải phóng dân tộc đã tiến vào Sài Gòn trên những chiến xa được sản xuất ở nhà máy ô tô Gorky”.
Thủ tướng kết luận: “Đồng chí là đại diện nước ngoài đầu tiên được tôi thông báo chính thức về thắng lợi của chúng tôi theo sự ủy nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam”. Sau đó đến lượt tôi phát biểu rằng về phía mình tôi có nhiệm vụ chuyển bức công hàm của Tổng Bí thư L. I. Brezhnev tới đồng chí Lê Duẩn với lời chúc mừng chiến thắng. Thủ tướng nói rất sôi nổi: “Chúng tôi vô cùng xúc động và xin gửi tới đồng chí L. I. Brezhnev và các đồng chí lãnh đạo Liên Xô tất cả tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam”.
Thủ tướng nói tiếp: “Đồng chí không hình dung nổi, việc nhận bức công hàm của các đồng chí vào thời điểm này đối với chúng tôi quan trọng như thế nào đâu. Chúng tôi vừa nhận được điện chúc mừng thắng lợi của Chủ tịch Mao Trạch Đông...”. Ngày hôm sau cả hai bức điện chúc mừng đều được đăng trên các báo Việt Nam. Chiều tối ngày 1-5-1975, Hà Nội tổ chức mít-tinh lớn. Thủ tướng liệt kê tất cả các nước, các tổ chức, đoàn thể mà Việt Nam tỏ lòng cảm ơn vì đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến tranh: Liên Xô và Trung Quốc, các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, các nước thế giới thứ ba, các tổ chức tiến bộ trên toàn thế giới. Khi nói tới Mỹ, Thủ tướng ngừng lại và nói đại ý: “Chúng tôi chẳng có gì mà phải chống lại Mỹ. Người có lỗi không phải là chúng tôi”. Thủ tướng dừng lại một lát, rồi bỗng nhiên, lúc đầu khe khẽ, rồi cười rất to, lôi cuốn cả phòng họp cũng cười theo...
Sau khi Việt Nam thống nhất, tôi còn công tác ở Việt Nam thêm mười năm nữa. Những kỷ niệm về một Việt Nam thật sự thống nhất. những ngày tháng Tư năm 1975 mãi mãi in đậm trong ký ức tôi như là một sự kiện sáng chói nhất trong cuộc đời tôi... Mùa xuân năm 2000, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không còn nữa. Cho nên tôi không biết Thủ tướng nghĩ gì về những điều tôi viết. Nhưng tôi có thể nói một điều: Khi ghi chép lại những sự kiện xảy ra lúc bấy giờ, tôi rất chân thành và trung thực.”

(Theo bản dịch của nhà báo Nguyễn Doãn Hùng)
Ảnh 1: Nhân dân Liên Xô ở Moskva tuần hành ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ.
Ảnh 2: Các tướng lĩnh và chuyên gia Liên Xô tham quan các vũ khí mà Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm được sau Đại thắng mùa Xuân 1975.
Ảnh 3: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilich Brezhnev và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hội đàm tại Moskva tháng 10 năm 1975.
Ảnh 4: Lễ ký kết Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và tương trợ Liên Xô - Việt Nam tháng 12-1978 tại Moskva.

Nguồn: Facebook Nguyễn Minh Tâm






 
Top