Kinh nghiệm học tập

ngô đoàn hương giang

Thành viên thường
mn làm giúp e với ạ
Напишите, как Вы понимаете следующие выражения

открыть правду
человек со смеющимися глазами
простой человек
искренние слова
открывается широкая картина русской жизни
 

Hồng Nhung

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
- Открыть правду:
1. говорить правду, показать правду.
Например: Она собирается всему открыть правду, а нам только молчать?
2. узнать правду, найти правду
Например: Я здесь, чтобы помочь вам открыть правду о себе.
- Человек с смеющимися глазами: это веселый, жизнерадостный человек.
- Простой человек: это человек, который не занимается важным местом в любом обществе, группе, не талантливый и известный.
- Искренние слова: это слова, которые произносятся от души от сердце, не ложь.
- Открывается широкая картина русской жизни: Мы знаем лучше о русскую жизнь.
 

levietbao

Thành viên thường
"Học ngoại ngữ có cần năng khiếu không?"

Đương nhiên rồi. Học ngoại ngữ cũng là một lĩnh vực cần đến năng khiếu, cũng như làm thơ, giải toán, chơi nhạc, chơi thể thao... Nhưng năng khiếu trong việc học ngoại ngữ cũng được chia ra làm nhiều loại. Thứ nhất là khả năng bắt chước, tức là người học có thể lặp lại y hệt những gì người khác nói, từ phát âm cho đến ngữ điệu mà không vấp phải nhiều khó khăn. Đây được coi là "năng khiếu vàng" trong việc học ngoại ngữ vì nó tạo cho người học sự tự tin trong giao tiếp và tạo cho người nghe nhiều thiện cảm về người học. Càng tự tin vì thấy mình làm được cái việc mà nhiều người không làm được thì lại càng muốn làm, khoảng cách trình độ giữa người có năng khiếu và người không có cũng vì thế mà ngày một xa. Tuy nhiên năng khiếu này không đúng với tất cả các ngôn ngữ. Thường thì một người nói tốt các ngôn ngữ phương đông sẽ không nói được tốt ngôn ngữ phương tây và ngược lại. Nói tốt ở đây không phải là nói ra cho người ta hiểu mà là phải có phát âm, diễn đạt câu, ngữ điệu đều chuẩn như người bản địa. Thật ra trên thế giới cũng có nhiều người làm được với nhiều ngôn ngữ ở cả hai nửa địa cầu nhưng số lượng này so với phần đông người học ngoại ngữ khác thì chỉ như "sao buổi sớm", "lá mùa thu". Thứ hai là khả năng ghi nhớ, tức là có thể nhớ lại một cách dễ dàng những gì mình đã học. Trí nhớ con ngươi chia ra làm hai loại: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Một người có trí nhớ ngắn hạn tốt sẽ có thể ghi nhớ tạm thời một lượng ký tự nhất định trong một thời gian ngắn, trong khi một người có trí nhớ dài hạn tốt dù ban đầu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nhưng nếu đã nhớ rồi thì nhớ rất dai. Cũng như năng khiếu về phát âm, không có nhiều người sở hữu được năng khiếu về cả hai loại trí nhớ này. Hai loại năng khiếu trên là tiền đề cho bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Nói tốt thì nghe tốt, mà đọc tốt thì viết tốt. Điều này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên một người học dù hội tụ được cả hai loại năng khiếu nói trên thì cũng không thể có thành tựu đáng kể nếu không chăm chỉ cần cù. Bạn có thể có năng khiếu hơn người khác nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ được việc hơn người ta ở một ngôn ngữ nào đó nếu bạn không dành thời gian cho nó một cách tử tế. Có nhiều người phát âm và ngữ điệu không tốt nhưng người ta chịu khó đầu tư thời gian, nắm vững ngữ pháp, biết nhiều từ vựng, lại làm việc với người bản địa của thứ ngôn ngữ đó trong một thời gian dài nên chắc chắn người ta sẽ đánh bại bạn nếu hai người cùng ứng tuyển cho một công việc yêu cầu ứng viên phải dùng ngôn ngữ đó một cách chuyên nghiệp như phiên dịch đa chuyên ngành. Một người có năng khiếu và hứng thú là một người có thể chỉ mất 3 đến 6 tháng để giao tiếp được ở một ngôn ngữ nào đó, là một người có thể nói 10, 20 thứ tiếng... nhưng thường lại không thể làm việc một cách chuyên nghiệp với những ngoại ngữ mà họ biết. Bởi vì sao? Bởi vì bản thân họ chỉ chạy theo số lượng, tìm cách nâng con số ngôn ngữ mà mình "nói" được lên rồi dễ dàng cho rằng mình đã chinh phục được ngôn ngữ đó. Biết rất nhiều nhưng thật ra ngoài tiếng mẹ đẻ ra những thứ còn lại lại chẳng biết mấy. Quay vài cái clip, giao tiếp vài câu linh tinh để khoe phát âm, diễn giả nơi này nơi nọ nhưng vứt cho quyển tiểu thuyết hay bài thơ cổ bảo đọc là há mồm ngay. Dân đa ngữ chuyên nghiệp biết rất rõ điều này nhưng vì số lượng của họ là quá ít ỏi so với phần còn lại nên họ không thể giải thích, bóc mẽ cho thế giới hiểu bản chất của những "hiện tượng ngôn ngữ" trên. Một phần nữa cũng là vì họ muốn dành thời gian tập trung nghiên cứu cho bản thân mình chứ chẳng hơi đâu đi diễn trò như kẻ khác. Những "hiện tượng" như vậy vẫn được tung hô rầm rộ trên truyền thông thế giới, bởi vì truyền thông vốn cũng là những người không hiểu vấn đề và chỉ chăm chăm trục lợi từ sự thiếu kiến thức của người thường. Điều này có thể tốt về mặt gây danh tiếng cho một ai đó nhưng không tốt chút nào cho họ về mặt kiến thức.

Vậy vấn đề với những người học ở đây là gì?

1. Nếu bạn có hứng thú, có năng khiếu, chỉ cần một trong hai loại năng khiếu tôi nói ở trên, hoặc một phần của một loại năng khiếu nào đó thì tôi cũng rất khuyến khích bạn nên theo đuổi ngoại ngữ. Năng khiếu là món quà mà Thượng Đế đã ban cho bạn, không tận dụng và phát huy nó lên cực điểm chẳng phải lãng phí lắm sao? Chẳng phải có lỗi với bản thân mình lắm sao?

2. Nếu bạn cảm thấy mình mất quá nhiều thời gian và nỗ lực để làm gì đó mà vẫn không làm đến chuẩn mực được thì nên bỏ nó đi. Không có năng khiếu không phải là không học được. Rất nhiều bạn gặp vấn đề với phát âm nhưng tôi khuyên bạn đừng cố gắng trong vô ích nếu bạn không có khả năng bắt chước. Nếu bạn có năng khiếu này thì chẳng cần ai dạy bạn cũng có thể phát âm tốt. Còn nếu không, có học đến đâu cũng chỉ đến thế thôi nên hãy chấp nhận phát âm của mình ở mức có thể khiến người nước ngoài hiểu được và dành thời gian đầu tư cho ngữ pháp, từ vựng, vốn là những thứ trọng yếu trong việc sử dụng ngôn ngữ. Khi so sánh với một đối thủ phát âm tốt mà yếu từ vựng, yếu kinh nghiệm thì chắc chắn bạn sẽ ở cửa trên. Những nhà tuyển dụng nhân tài ngôn ngữ họ không giống đám khán giả không hiểu biết, họ biết đánh giá và họ cần những người giỏi cả 4 kỹ năng, giàu kiến thức và làm được việc chứ không cần những người chỉ biết giao tiếp, chọc cười vài câu vớ vẩn.

3. Nếu bạn có thể học được nhiều ngôn ngữ, hãy học từng ngôn ngữ một cho đến nơi đến chốn rồi hẵng chuyển sang ngôn ngữ khác. Đối với mỗi ngôn ngữ hãy hướng đến chứng chỉ cao nhất trong kỳ thi khó nhất của ngôn ngữ đó, sau đó thử thách mình ở những thứ cao siêu hơn. Bạn nói bao nhiêu ngôn ngữ không quan trọng bằng việc bạn thành thạo bao nhiêu ngôn ngữ. Chỉ cần học thật giỏi một ngoại ngữ thôi là bạn đã "có tiền" rồi. Học thêm được các ngoại ngữ khác đến tầm đó thì cơ hội tìm đến như trái chín loà xoà trước mặt chờ bạn hái. Còn nếu bạn chỉ nói được vài câu giao tiếp vớ vẩn ở một vài ngôn ngữ rồi mừng vì thiên hạ đã nể phục mình thì tức là cái người "có tiếng mà không có miếng" như bạn đang làm hại chính bản thân mình.

Năng khiếu là một yếu tố quan trọng giúp bạn học nhanh hơn nhưng không phải là thứ quyết định thành tựu của bạn. Dù có hay không có năng khiếu bạn cũng cần đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc một cách nghiêm túc cho thứ ngôn ngữ mà bạn chọn học. Hãy học một cách chăm chỉ, học mỗi ngày, học như thể đó là con đường duy nhất mà mình có thể đi. Nếu ngày xưa bạn có thể học thuộc bảng cửu chương 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, nếu người ở những nước đó có thể ghi nhớ hàng ngàn hàng vạn ký tự trong ngôn ngữ của họ thì không có lý do gì bạn lại không nhớ được chúng. Hãy dành bộ nhớ của mình cho những thứ hữu ích, tránh xa những thông tin nhảm nhí vô thưởng vô phạt được đăng hàng ngày vì chúng sẽ xâm chiếm bộ nhớ của bạn và làm bạn phân tâm. Hãy có trách nhiệm hơn với thời gian, với tiền bạc, với công sức mà mình bỏ ra. Thái độ của bạn với việc học mới là thứ quyết định tất cả.

Bài viết của tác giả : 3T

ĐI TÌM GIỚI HẠN !

Có nhiều bạn hỏi tôi làm thế nào mà học được nhiều ngôn ngữ trong cùng một thời điểm như vậy. Làm thế nào để nhớ được nhiều thứ như vậy... nhưng tôi chưa bao giờ trả lời chính thức. Không phải vì tôi giấu nghề mà là vì con đường tôi lựa chọn cho việc học ngoại ngữ ở một đất nước như Việt Nam thì vừa khó đi lại có phần liều lĩnh. Có khi phải đánh đổi bằng nhiều thứ, phải đặt cược cả tương lai. Sự đánh đổi nào cũng có cái giá của nó, và không phải con đường cứ tốt cho người này thì cũng hay cho người khác. Tuy nhiên tôi cũng muốn chia sẻ một vài điều nho nhỏ.
Trước tiên tôi muốn nói rằng trong mỗi con người đều có một giới hạn. Giới hạn chịu đau, giới hạn chịu sức nặng, giới hạn nhảy cao, giới hạn chạy bền... Trí nhớ của con người đương nhiên cũng có giới hạn. Con người ta thường không biết chính xác giới hạn của mình ở đâu, thực tế là họ không thử. Họ "cảm giác" rằng mình chỉ làm được ở một mức nào đó (thường là na ná người khác) mà không dám thách thức những giới hạn cao hơn. Sự tự giới hạn mình lại đó vô tình đã giữ con người lại, làm tiêu tan niềm tin và động lực để cố gắng của họ.
Tư duy về trí nhớ của tôi thật ra rất đơn giản: Thử và thách thức các giới hạn. Đầu tiên xin khẳng định rằng tôi cũng chỉ là người bình thường, không phải "cậu bé google" hay thiên tài ghi nhớ nào cả. Xuất phát điểm của tôi đơn giản chỉ là sở thích. Để xây dựng sở thích ấy thành niềm đam mê là cả một quá trình. Ban đầu khi quyết định học nhiều ngôn ngữ một lúc tôi cũng đặt cho mình câu hỏi rằng "liệu mình có nhớ được hết không?". Nhưng tôi chợt nghĩ đến ngày bé, khi chúng ta phải học thuộc lòng bảng cửu chương. Một bảng tính 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, ấy thế mà tất cả chúng ta sau những đêm "tụng kinh" đều thuộc nằm lòng. Nghĩ thử xem, chẳng phải là chúng ta đều giỏi, đều ghi nhớ tốt hay sao? Rồi tôi lại nghĩ đến những người Trung Quốc, Nhật Bản. Họ phải học vài nghìn ký tự dường như chả liên quan gì đến nhau, ấy vậy mà tất cả bọn họ đều nhớ được hết. Đâu có phải tất cả người ở các nước đó đều có trí nhớ thiên tài đâu. Chỉ là vì họ đã được lập trình sẵn về mặt tư tưởng rằng họ có một giới hạn cao hơn cho bộ nhớ ngay khi còn nhỏ.
Vậy tôi cũng phải lập trình lại tư tưởng cho giới hạn ghi nhớ của mình. Không thử thì không thể biết được. Tôi đã thử ghi nhớ nhiều ngôn ngữ. Không phải thử mấy cái bảng chữ cái mà là thử học thuộc vài quyển từ điển đồ sộ. Anh Việt, Trung Việt, Nhật Việt, Hàn Việt, Oxford... Đến bây giờ tôi vẫn ngồi ôm từ điển mà học. Hồi còn sinh viên tôi và bạn tôi (người nước ngoài) thường chơi trò đố từ ăn tiền, tức là mở cuốn từ điển ra và đố nhau một từ bất kỳ. (Sau rồi không ai dám chơi trò này với tôi ^^) Đôi khi cô ấy ngồi cạnh tôi, đọc tiểu thuyết bằng ngôn ngữ của đất nước cô ấy và tôi lại phải giải nghĩa cho cô ấy từ nào đó mà cô ấy không hiểu. Đó không phải là tôi giỏi hơn cô ấy về ngôn ngữ đó mà chẳng qua là vì tôi đọc nhiều hơn cô ấy mà thôi. Các bạn lưu ý là khi học tôi không bao giờ mất thời gian vào việc đi tìm công thức ghi nhớ cho từng ký tự. Đừng có tự làm mình lười đi như vậy. Thay vào đó gặp từ nào thì ghi nhớ nó một cách máy móc như một thử thách. Đó là cách rất tốt để rèn luyện trí nhớ. Bất cứ là rèn luyện cái gì, nếu rèn luyện trong gian khó thì bao giờ kết quả cũng cao hơn là rèn luyện trong sự thoải mái. Rồi tôi nhận ra bộ nhớ của con người rất kỳ diệu. Chúng ta có thể nhớ được nhiều hơn chúng ta tưởng, miễn là dám thử thách bộ nhớ để vượt qua chính mình, đi tìm giới hạn thật sự.
Để kiểm chứng và có thêm động lực học, tôi đi tìm "đối thủ". Nhiều bạn cho rằng tôi kiêu ngạo khi thách thức nhiều người khác, thật ra không phải. Tìm được người cùng chí hướng để thi đấu và nhận thất bại là một cách rất tốt để bản thân nỗ lực hơn, thử thách giới hạn cao hơn (mà người đó đang sở hữu). Người về nhất muốn tiếp tục đứng đầu thì phải duy trì cố gắng. Người về nhì muốn vượt qua người về nhất thì phải cố gắng gấp đôi. Nếu không dám thử các bạn sẽ không thể biết bản thân mình có thể làm được những gì. Chúng ta có những thiên tài một phần là vì vì họ sinh ra đã là thiên tài nhưng cũng không thể phủ nhận việc họ phải trải quả một quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ, phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ để vượt qua các giới hạn. Thế giới này cao thủ như mây. Bản thân tôi không phải là thiên tài, thậm chí hai chữ nhân tài còn chưa xứng đáng. Tôi chỉ là một người rất bình thường nhưng liều lĩnh bất chấp mọi khó khăn và định kiến, tận dụng từng phút giây để kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn.
Nguồn ( sưu tầm) : 3T

Tôi tổng hợp trả lời thêm một số câu hỏi của các bạn về việc học ngoại ngữ.
1. Sao anh lại học từ điển? Từ điển khô khan khó nhớ dễ quên, sao không học trong sách báo, có câu mẫu đi kèm, dễ liên tưởng, dễ nhớ hơn?
Xin trả lời bạn như sau:
Bạn nói đúng, từ điển khó học dễ quên. Nhưng chính vì khó học dễ quên nên tôi mới học. Từ điển bây giờ cũng khác ngày xưa rồi. Với mỗi từ đi kèm đều có các mẫu câu ví dụ, như thế không khác đọc sách báo là mấy. Nhưng điều quan trọng là tôi học từ điển không phải để cố gắng nhớ hết quyển từ điển. Tôi nhớ và cho phép mình quên, nhưng quên chính là để luyện trí nhớ. Đạo lý này rất ít người hiểu được. Các bạn học ngoại ngữ toàn hỏi những câu như "anh có mẹo gì để học cho nhanh không bày em với", tôi rất lấy làm chán. Toàn những người thích đi con đường dễ dàng mà lại muốn thành công cao. Mẹo thì có đầy và nếu cứ theo mấy cái mẹo ấy thì các bạn vẫn nhớ được từ, nhưng các bạn sẽ trở nên thụ động, bộ não các bạn lười đi và điều này không tốt cho trí nhớ chút nào. Thật ra bộ não cũng như cơ bắp, bạn luyện cái gì nhiều thì nó càng phát triển. Nếu chỉ dùng mẹo để nhớ thì tôi đảm bảo là khi gặp những lúc phải dịch nhiều từ chuyên ngành khô khan thì não bạn sẽ không tải được, vì vốn dĩ nó không được chuẩn bị để làm việc này. Nó không thể ghi nhớ nhanh thì cũng không thể truy cập nhanh để nói hay viết ra ngay được. Tất nhiên mỗi người sẽ có cho mình một phương pháp học riêng và tôi cũng không dám nói phương pháp của mình là hay nhất và có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng riêng với tôi, đọc từ điển giúp tôi luyện trí nhớ và bằng việc tăng tần suất nhìn thấy cái từ, cụm từ ấy lên thì xác suất tôi nhớ được nó khi đột nhiên phải động vào là khá cao.

2. Thời sinh viên anh vừa học chuyên ngành kỹ sư điện, vừa đi làm thêm, lại vừa học bao nhiêu ngoại ngữ như vậy thì thời gian đâu ra để anh học.
Xin trả lời bạn như sau:
Mỗi người chúng ta đều có 24 giờ mỗi ngày như nhau nhưng cái cách chúng ta dùng thời gian ấy như thế nào sẽ tạo ra sự khác biệt. Tôi tận dụng từng khoảng thời gian nhỏ nhất trong ngày để học. Lúc tôi đang tắm tôi cũng có thể học được. Lúc tôi cắm nồi cơm tôi cũng có thể học được. Lúc tôi đi bộ trên đường hoặc trên xe buýt tôi cũng có thể học được. Lúc nghỉ 5, 10 phút giữa các tiết học trên lớp tôi cũng có thể học được. Tất cả những người từng là bạn bè, giáo viên của tôi ở trường đại học kỹ thuật đến giờ này nếu còn theo dõi facebook tôi, đọc được những dòng này hẳn sẽ nhớ lại mấy năm trước đây có một cậu sinh viên nào cũng đeo tai nghe, nhiều khi gọi mà cậu ấy lơ đãng không trả lời. Rồi thi thoảng lại thấy cậu ấy cầm cuốn sách đi lòng vòng quanh sân trường không cần biết những gì đang diễn ra xung quanh. Đó chính là tôi.
Trong một bài viết khác tôi cũng có nói rồi. Các bạn trẻ đang quá lãng phí thời gian của mình vào những thứ không đáng. Dõi theo cuộc sống của sao này sao kia, sa đà vào tung hô, chê bai người khác, để làm gì? Sống cho người khác xem, xem người khác mà sống, để làm gì? Yêu đương nhăng nhít tối ngày quấn quýt rồi cãi vã chia tay, để làm gì? Bạn bè miền xuôi miền ngược, rảnh lúc nào là tụ tập trà đá nhậu nhẹt, để làm gì? Ai cũng biết thời gian là thứ đã mất đi thì không bao giờ trở lại, nhưng tiếc thay tuổi trẻ thường không đủ sáng suốt để biết cách tận dụng nó.

3. Anh không tốt nghiệp trường chuyên ngoại ngữ thì sao anh có thể đi dịch cho chính phủ được? Bằng cách nào anh chứng minh năng lực của mình?
Xin trả lời bạn như sau:
Tôi không tốt nghiệp trường chuyên về ngoại ngữ nhưng không có nghĩa là ngoại ngữ của tôi không bằng các bạn tốt nghiệp trường chuyên ngữ. Tôi không thể chứng minh khả năng của mình bằng tấm bằng kỹ sư điện nhưng tôi chứng minh bằng thực lực thật sự của mình cộng với chứng chỉ quốc tế cao nhất của ngôn ngữ đó. Tất nhiên, chứng chỉ chỉ là để khách hàng họ nhìn vào thì an tâm hơn thôi chứ những người đã tìm hiểu sâu về ngôn ngữ đó hẳn đều biết mấy cái chứng chỉ ấy dù là ở cấp cao nhất thì kiến thức vẫn chỉ là cho… học sinh thi và chẳng ai tự hào về mấy mảnh giấy ấy cả. Cái quan trọng nhất vẫn là thực lực của các bạn và các bạn phải nêu rõ nó trong CV. Dịch cho công ty nào, đoàn thể nào, tổ chức nào, cứ từ nhỏ đến lớn mà ghi. Trước tiên là các công ty nhỏ, rồi tập đoàn lớn, rồi tổ chức chính phủ, phi chính phủ nhỏ, rồi đến các cơ quan chính phủ lớn. Ban đầu chấp nhận dịch với thù lao thấp thôi nhưng mỗi lần dịch như vậy phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bạn có làm tốt thì người ta mới tín nhiệm, mới gọi bạn lần sau và giới thiệu bạn cho những chỗ khác. Các công ty phái cử thấy năng lực của bạn như vậy cũng tự tin mà giới thiệu bạn với những nơi cần nguồn nhân lực cấp cao. Khởi đầu chỉ vài chục USD nhưng sau này một ngày 1000 USD cũng không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Một khi CV của bạn đã vào hàng “top class” của họ rồi thì chỉ sợ bạn không có thời gian mà đi dịch vì trùng lịch.

4. Sao anh lại học tiếng Pháp? Nhiều người nói rằng tiếng Pháp đã chết ở Việt Nam rồi vì chẳng có đất dùng. Nhiều người học khoa tiếng Pháp xong rất khó xin việc nên phải xoay sang học cái khác.
Xin trả lời bạn như sau:
Khi tôi chọn học một thứ ngôn ngữ nào đó tôi không quan tâm đến việc ngôn ngữ đó còn sống hay đã chết tại một nơi nào đó. Tôi cũng không quan tâm đến việc ngôn ngữ đó có mang lại cho mình cái gì trong tương lai hay không. Điều duy nhất mà tôi quan tâm là tôi có hứng thú với ngôn ngữ đó hay không. Tôi thích tiếng Pháp, thích từ thời còn bé lon ton mở ti vi xem phim “Người đẹp Tây Đô”, thấy cô Việt Trinh nói tiếng Pháp hay quá nên mê luôn. Thông qua việc học tiếng Pháp nói riêng và ngoại ngữ nói chung tôi được cái gì? Thứ nhất, tôi được niềm vui, và thứ hai, tôi được kiến thức. Đó là hai thứ mà tôi truy cầu. Còn thành công có đến bằng con đường đó, bằng thứ tiếng đó hay không xin nhường cả lại cho tương lai, cho Thượng Đế an bài. Nhưng dù có hay không với tôi cũng không quá quan trọng, vì tôi đã đạt được hai thứ lớn nhất mà mình mong muốn rồi.

Nói thêm một chút về việc bạn bảo học tiếng Pháp xong khó xin việc nên phải xoay sang cái khác vì tiếng Pháp không còn thế mạnh ở Việt Nam. Tôi thừa nhận bạn nói đúng ở chỗ tiếng Pháp lép vế so với các tiếng Châu Á mới nổi như Nhật, Hàn. Nhưng như thế không có nghĩa là người học tiếng Pháp không còn đất dụng võ. Tôi vẫn thấy nhiều đoàn chuyên gia Pháp sang làm việc với các tổ chức, các cơ quan chính phủ của Việt Nam. Gần đây nhất là một đoàn đến Viện mắt trung ương thăm khám và cũng ráo riết tìm phiên dịch. Cái quan trọng không phải ở chỗ ngôn ngữ đó có còn thông dụng hay không mà là ở chỗ bạn có đủ giỏi để đáp ứng được yêu cầu ở cấp cao đối với ngôn ngữ đó hay không. Các thầy cô dạy tiếng Pháp ở các trung tâm Pháp ngữ nhiều khi chỉ dạy cho vui chứ họ dịch ngoài thu nhập còn cao hơn nhiều. Sự biến động của thời thế là không thể nói trước được. Nhưng nếu đã thích cái gì đó, đã chọn học nó thì hãy cố gắng nâng cao nó hết sức có thể. Nếu bạn thực sự giỏi thì đất diễn cho bạn vẫn còn rất nhiều.

5. Rào cản lớn nhất khi học nhiều ngôn ngữ một lúc là gì?
Xin trả lời bạn như sau:
Trong một bài viết khác tôi cũng có đề cập tới rồi. Rào cản lớn nhất không đến từ môi trường mà đến từ chính bản thân bạn. Cái tâm thế mà bạn dùng để tiếp cận ngôn ngữ mới là rất quan trọng vì nó sẽ quyết định thành tựu của bạn ở ngôn ngữ đó. Có bạn thành thạo tiếng Anh, nhảy qua tiếng Nhật thấy ngữ pháp từ vựng khác hoàn toàn, khó không học được nên càng học càng lơ là, trong lớp tiếng Nhật thi thoảng lại chém tiếng Anh, như thế là hỏng. Khi tiếp cận một thứ kiến thức mới ta phải coi như mình không có gì trong đầu mà khiêm cung học hỏi thì mới mong tiến bộ được. Lại có bạn học nhiều thứ tiếng cùng một lúc, tiếng nào cũng chém được vài câu giao tiếp, ỷ mình phát âm tốt, gây ấn tượng lên người nghe nên được người ta khen mà tự hào về bản thân mình. Như thế cũng hỏng. Ấy là học được cái vỏ ngoài hời hợt của ngôn ngữ, chém cho oai vậy thôi chứ làm sao mà làm việc được. Ra đường thì chém rất oai, đến khi có việc cần dùng ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp thì co rúm lại cố thủ trong nhà. Lại cũng có bạn học nhưng không chịu đi từ cơ bản, cái gì cũng thích nhảy cóc, coi số lượng hơn chất lượng, không chịu đọc sách báo để trau dồi, viết bài thì dùng từ đao to búa lớn nhưng ngữ pháp với văn phong cơ bản thì sai be bét, như thế cũng vứt đi mà thôi. Người giỏi ngoại ngữ là người biết dùng đúng từ và cụm từ trong ngữ cảnh thích hợp chứ không phải cứ lôi mấy từ trên sao Hoả ra để chém tơi bời trong khi mình còn chưa hiểu gì nhiều về nó. “Mindfulness” trong clip của elight bị Dan Hauer bóc mẽ là một ví dụ đó. Học được mà không dùng được, có tiếng mà không có miếng, thử hỏi học loè người được tích sự gì?

Thông thường người ta sẽ trải qua nhiều giai đoạn khi học. Giai đoạn tiếp cận ngôn ngữ, thấy thú vị nên hào hứng. Đến giai đoạn giao tiếp kha khá rồi lại thấy như mình giỏi, tưởng như thế là xong, ai dè mình mới chỉ như đứa trẻ tập nói mà thôi. Nhưng nếu tiếp tục cúi đầu học hỏi thì sẽ đến giai đoạn thấy mình quá nhỏ bé trước vùng kiến thức của ngôn ngữ đó, từ đó càng học càng giỏi. Nếu các bạn không xác định cho mình một tâm thế khiêm cung cầu tiến để học hỏi một cách nghiêm túc thì có học bao nhiêu tiếng, bao nhiêu năm cũng chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi.

Bài viết của 3T

Một bạn trẻ nói với tôi: "Anh thông minh thật. 30 tuổi đã thành thạo cả mấy thứ tiếng, thông hiểu bao nhiêu chuyện. Em thì chẳng được thông minh như thế".

Tôi trả lời: "Điểm làm nên sự khác biệt giữa tôi và cậu không phải là sự hơn kém nhau về đầu óc mà là về cách sử dụng thời gian."
Ai cũng biết thời gian là thứ đã mất đi thì không bao giờ trở lại, nhưng tiếc thay tuổi trẻ thường không đủ sáng suốt để biết cách tận dụng nó. Đến khi có tuổi rồi mới nhận ra mình đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian thì hối tiếc không kịp. Lúc đó muốn bắt đầu lại chưa phải là muộn nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều so với hồi còn trẻ bởi vì sức khoẻ, sự minh mẫn và sự tự do đã không còn được như xưa. Kìa, hãy nhìn những người trẻ mà xem:
Bao nhiêu kẻ đã bỏ thời gian ra để theo dõi cuộc sống của người khác. Người ta đi đâu, làm gì là việc của người ta. Mình có cuộc sống riêng của mình, tại sao cứ phải dõi theo cập nhật hoạt động của người ta làm gì? Cùng là con người với nhau, tại sao cứ phải chạy theo thần tượng người khác thay vì cố gắng kiện toàn bản thân để sau này mình cũng có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội? Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã tìm cách giết thời gian bằng trò chơi. Nếu chơi để giải trí sau khi học hành làm việc vất vả thì không sao. Nhưng chúng lại sa đà chơi hết ngày này qua tháng khác. Những trò chơi ấy không chỉ lấy đi của chúng bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức mà còn tiềm tàng những nguy hiểm khó lường, lấy đi cả sức khoẻ, thậm chí sinh mạng của chúng và người khác. Cái nhận được thì ảo mà cái mất đi thì thật. Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã dùng thời gian của mình để sống cho người khác xem, xem người khác mà sống. Ta được sinh ra trên đời, được ban cho cơ thể và linh hồn này là để sống cho chính ta. Vậy mà đã có bao nhiêu người dùng thời gian chỉ để cố gắng làm người khác ghen tỵ đố kỵ với mình, hoặc để người ta ngưỡng mộ tôn sùng mình, hoặc để làm vừa lòng tất cả mọi người, lúc nào cũng sống dưới một lớp hoá trang dày đặc. Sự mệt mỏi trong cả thể xác lẫn tinh thần với những vai diễn như thế này biết bao giờ mới chấm dứt đây? Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã dùng thời gian quá đà cho những mối quan hệ. Yêu đương thì nhắn tin, gọi điện triền miên, bạn bè thì cà phê, nhậu nhẹt tối ngày. Những mối quan hệ vốn dĩ là để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, khiến mình sống có ích hơn mà giờ đây đâm ra phản tác dụng. Bao nhiêu người đã đốt quá nhiều thời gian, hy sinh cả cuộc sống riêng để duy trì các mối quan hệ đó, rốt cuộc đến lúc tình mất bạn đi thì ta cũng chẳng còn gì mà năm tháng thì đã vùn vụt trôi qua. Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã lãng phí thời gian của hiện tại để sống cho quá khứ. Quá khứ dẫu có đẹp đẽ huy hoàng, hoặc an nhiên thoải mái thì cũng là thứ đã đi qua rồi. Hiện tại mới là thứ cần đầu tư chăm chút. Nếu cứ dùng thời gian của hiện tại để sống cho quá khứ thì tương lai nhìn về hiện tại lúc này sẽ chỉ thấy một khoảng trống rỗng không màu, chẳng có gì để nhớ lại. Như thế có khác gì đã đánh mất bao nhiêu năm tháng của cuộc đời vào hư vô. Tiếc thay.
Hãy đi ngang với thời gian chứ đừng để thời gian đi ngang qua ta.

Bài viết của tác giả 3T

Có nhiều bạn trên FB vẫn cho rằng mình rất tự hào về trình độ ngoại ngữ của mình. Thật ra các bạn chẳng hiểu gì về mình cả. Đúng là cách đây vài năm, thời sinh viên, khi mới nói được ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 mình đã thấy tự hào về bản thân, nhưng khi học đến ngôn ngữ thứ 6, thứ 7 thì niềm tự hào ấy hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự xấu hổ và dằn vặt.
Để mình kể cho các bạn nghe câu chuyện này. Ngày xưa có một con bổ củi (một loài côn trùng) bật nhảy được 50 phân, cao hơn hẳn so với những con bổ củi khác. Một ngày người ta bắt nó vào một cái hộp cao 10 phân. Một thời gian sau thả ra con bổ củi chỉ còn nhảy được 10 phân.
Khi thấy mình nói đến ngôn ngữ thứ 6, thứ 7 nhiều bạn cho rằng như thế là quá giỏi và đáng tự hào nhưng các bạn có biết tại sao mình lại chỉ thấy xấu hổ và dằn vặt với bản thân không? Bởi vì khi học đến đó mình mới thấy khả năng học một ngôn ngữ mới của mình nhanh như thế nào. Mình thấy xấu hổ vì đến tận tuổi này mới nói được có từng ấy thứ tiếng. Mình thấy dằn vặt vì đã không được ban cho một hoàn cảnh thuận lợi để theo đuổi ngôn ngữ như nhiều người khác trên thế giới. Đâu phải con bổ củi nào cũng được may mắn tự do nhảy nhót, ngẩng đầu lên là thấy trời xanh đâu.
Mình đã nhiều lần trả lời những lời khen của các bạn một cách khiêm tốn (thật lòng chứ không phải giả tạo) rằng mình chẳng là gì cả vì trên thế giới có rất nhiều những người như mình và hơn mình về ngôn ngữ. Mình biết vậy nhưng điều đó không có nghĩa là mình ngưỡng mộ họ hay phải hạ mình trước họ. Mình, hơn ai hết, hiểu rõ sự khác biệt giữa cuộc đời họ và cuộc đời mình. Đến hạt mưa còn có số phận, sa luống hoa cười hay xuống giếng ngậm ngùi đều do trời định. Mình chỉ cố gắng làm hết sức có thể trong điều kiện hoàn cảnh cho phép mà thôi. Và quan trọng hơn cả là mình chọn làm những thứ khiến mình thấy vui, thấy cuộc sống mình có ý nghĩa chứ không phải bỏ cả cuộc đời chạy theo ngôn ngữ, bất chấp những thua thiệt của bản thân để đua với các bạn trên thế giới, không khác gì vác người khổng lồ trên vai mà chạy đua với kẻ đứng trên vai người khổng lồ.
Những người theo đuổi ngôn ngữ chân chính đều hiểu rõ một điều rằng nếu một người có thể học được 3, 4 ngoại ngữ thì họ hoàn toàn có thể học thêm tới 9, 10, thậm chí vài chục ngoại ngữ khác. Chính vì đây là một điều rất bình thường mà các nhà ngôn ngữ hiểu rõ nên họ chẳng bao giờ tự hào về số lượng ngôn ngữ mà mình sử dụng được. Mình nói được 15 thứ tiếng là vì mình thích học 15 thứ tiếng, mình có điều kiện bay đi nơi này nơi khác để học 15 thứ tiếng, còn người khác chỉ dừng lại ở 5 thứ tiếng thôi là vì họ ở trong một hoàn cảnh khác, muốn/phải dành thời gian cho những thứ khác chứ không phải họ không thể học được như mình. Mình biết 15 ngôn ngữ nhưng chỉ học đến trình độ giao tiếp trong khi người khác lại lại chọn học chuyên sâu 5 thứ tiếng để làm việc, nghiên cứu. Mỗi người một mục đích, một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng dù có học giỏi đến đâu thì xét cho cùng ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ để tiếp cận với kiến thức. Không ai hiểu sâu về ngôn ngữ mà lại tự hào về cái việc mình học được bao nhiêu thứ tiếng, cái việc mà nhiều người khác trong một môi trường và động lực nhất định đều có thể làm được. Những gì thu được từ kho tàng kiến thức của nhân loại thông qua chìa khoá ngôn ngữ mới là thứ đáng tự hào các bạn ạ.

Nguồn : 3T

tiếng Việt ta so với các ngôn ngữ khác như thế nào? Có thật là "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" không?" Được hỏi câu này tôi nửa muốn trả lời nửa lại không. Muốn trả lời vì bản thân tôi cũng muốn chia sẻ cho bạn ấy cũng như mọi người biết suy nghĩ và đánh giá của tôi khi nhìn và so sánh tiếng Việt với các ngôn ngữ khác dưới con mắt khách quan của một người tìm hiểu về ngôn ngữ. Nhưng không muốn trả lời vì: Thứ nhất, nếu trả lời đầy đủ thì sẽ phải viết một bài nghiên cứu rất dài như kiểu luận văn, tôi không có thời gian cho việc đó; thứ hai: tôi ngại các thành phần thiếu kiến thức nhưng thừa "lòng tự hào dân tộc" nhảy vào quy kết rằng tôi dìm hàng tiếng Việt, không yêu nước
:vVậy, dựa trên hiểu biết hạn hẹp của mình tôi chỉ xin viết vài điều ngắn gọn như sau.
1. Xét về từ vựng, tiếng Việt là tổng thể của 3 loại từ là từ thuần Việt, từ Hán Việt và từ mượn phương tây. Sự tổng hoà này làm nên nét đẹp của tiếng Việt nhưng không phải chỉ có tiếng Việt mới có sự kết hợp này. Các tiếng như Nhật, Hàn đều là những tiếng có từ vựng xuất phát từ 3 nguồn trên. Các ngôn ngữ phương tây thì vay mượn từ tiếng Latinh và lai tạp lẫn nhau. Nhìn chung các ngôn ngữ trên thế giới đều có sự "giao lưu, học hỏi" theo thời gian do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, văn hoá, chính trị, địa lý, lịch sử... Từ vựng tiếng Việt phong phú đa dạng nhưng không có nghĩa là từ vựng các nước khác không phong phú và đa dạng. Bản thân tôi thấy ở mỗi ngôn ngữ tôi học lại có một kiểu đa dạng trong từ vựng riêng. Các từ đồng âm khác nghĩa tiếng nào cũng có. Thêm vào đó có nhiều tiếng nước ngoài có những từ mà tiếng Việt phải dùng một cụm để giải thích và thay thế. Tiếng Việt dùng các từ đơn âm tiết để diễn tả sự vật, hành động, sắc thái... trong khi nhiều tiếng khác dùng từ đa âm tiết, theo tôi đánh giá là khó ghi nhớ, khó sử dụng hơn tiếng Việt. Ví dụ: Khó: difficult, difficile, 難しい (muzukashii), 어렵다 (eolyeobda)...
2. Xét về ngữ pháp, tiếng Việt có cấu trúc câu theo dòng ngữ pháp "thuận", tức là chủ ngữ + động từ + vị ngữ, tương đồng với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Các thứ tiếng có ngữ pháp "ngược" như Nhật, Hàn sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho người học nói chung. Tiếng Việt không chia động từ theo ngôi (thứ nhất, thứ hai, thứ ba), số (ít, nhiều), giống (đực, cái) phức tạp như các thứ tiếng phương tây. Để diễn tả các thì và sắc thái câu (trang trọng hay suồng sã) tiếng Việt cũng không chia động/tính từ như Hàn, Nhật. Chúng ta đơn giản chỉ thêm một từ vào câu ("đã", "đang", "sẽ", "ạ"...) để thay đổi thì và sắc thái của câu đó. Sự linh hoạt này làm cho ngữ pháp tiếng Việt trở nên đơn giản hơn RẤT NHIỀU so với ngữ pháp các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên việc phân ngôi thứ trong đại từ nhân xưng cho hợp với từng ngữ cảnh của tiếng Việt cũng là một thách thức không nhỏ với người nước ngoài khi muốn sử dụng thành thạo. (Đến tôi là người Việt mà nhiều khi gặp một người ngoài đường tôi cũng lúng túng không biết nên xưng "em" hay xưng "cháu", kêu "chị" hay kêu "cô"
:v Có đứa mình muốn kêu nó bằng "em" nó lại kêu mình bằng "chú" :| ). Thật ra đặc điểm này cũng không phải chỉ tiếng Việt mới có. (Ai học tiếng Nhật chắc lúc đầu cũng vất vả với những atashi, watashi, watakushi, ware, boku, ore... cùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (TÔI), hoặc anata, kimi, omae, temae... cùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (BẠN)).
3. Xét về phát âm, tiếng Việt có tới 6 thanh điệu, mỗi thanh ghép vào từ lại cho ra những từ khác mang ý nghĩa khác nhau. Hoan hô, điều này giúp chúng ta làm phong phú từ vựng, giảm tải được số lượng từ đồng âm khác nghĩa và rút ngắn độ dài của từ. Nhưng nếu nói về độ khó thì đây cũng là điều khó khăn nhất đối với đại bộ phận người nước ngoài khi học tiếng Việt. Những người từng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hẳn cũng hiểu rõ một điều rằng cái khiến người nước ngoài "vật lộn" nhiều nhất khi học tiếng Việt không phải là ở ngữ pháp hay từ vựng mà là ở phát âm. Tuy nhiên hệ thống thanh điệu ở các tiếng như Quan Thoại, Quảng Đông thật ra cũng phức tạp không kém. Trong cái khó lại ló cái dễ. Người Việt chúng ta ai cũng biết muốn phát âm từ trong tiếng Việt thì chỉ cần nắm được bảng chữ cái và quy tắc ghép các chữ cái đó, có nghĩa là một người chỉ cần học được quy tắc thì gặp bất kỳ từ nào cũng có thể phát âm được. Một người có thể không hiểu gì nhiều về tiếng Việt nhưng lại đọc được văn bản bằng tiếng Việt, hoặc nghe người khác đọc văn bản tiếng Việt dù không hiểu gì nhưng vẫn viết được ra, điều mà ở các thứ tiếng khác người ta khó lòng làm được.
4. Xét về chữ viết, tạ ơn các ông giáo sĩ gì gì đó đã giúp chúng ta chuyển hệ thống chữ viết từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ
:v Một giai đoạn chuyển đổi dài nhưng thật sự hữu ích cho người Việt và người nước ngoài học tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ của người Việt cũng là hệ thống chữ Latinh du nhập từ phương tây, được xây dựng từ bảng chữ cái alphabet nên không phải là cản trở lớn đối với đa số người học. Tất nhiên với một số nước dùng hệ thống chữ riêng như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Thái, Ả Rập... thì họ sẽ thấy khó khăn, nhưng đây là khó khăn chung khi họ học các ngôn ngữ dùng chữ cái Latinh chứ không chỉ khi học tiếng Việt. Tôi cảm thấy may mắn vì tiếng Việt đã được "quốc tế hoá" như vậy, dễ dàng hơn cho tôi trong việc tiếp cận với các ngôn ngữ phương tây. Còn nếu nói về độ khó trong chữ viết thì loại chữ viết mỗi từ một kiểu như tiếng Trung, lai tạp đủ đường như tiếng Nhật, hay phát âm cùng một từ mà viết được vô số kiểu như tiếng Hàn thực sự sẽ làm nản lòng rất nhiều người học.
5. Xét về các hiện tượng bất quy tắc, nói chung so với một số ngôn ngữ khác mà tôi biết thì tiếng Việt có khá ít những trường hợp được coi là bất quy tắc. Có thể kể ra một số như "thứ hai, thứ ba, thứ TƯ, thứ năm"... hoặc "mười ba, mười bốn, mười LĂM"... Những ghi nhớ này không quá nhiều nên tôi cho rằng cũng không phải là trở ngại lớn cho người học. Ngược lại, các ngôn ngữ phương Tây có quá nhiều bất quy tắc, nhất là trong cách chia động từ. (Thậm chí ở một số tiếng như tiếng Đức hiện tượng bất quy tắc còn nhiều hơn cả theo quy tắc
:v ). Về một số ngôn ngữ phương đông, bất quy tắc trong phát âm và chia Pat'chim động/tính từ của tiếng Hàn quá nhiều; bất quy tắc của tiếng Nhật nằm ở một bảng dài những động từ có dạng ichidan (v1) nhưng thực chất lại phải chia ở dạng godan (v5), ở cách đọc các chữ Kanji tuỳ theo từng từ. Bất quy tắc của tiếng Trung nằm ở chỗ cùng một từ đơn mà thanh điệu biến đổi theo từng ngữ cảnh để cho ra các trường nghĩa khác nhau... Học những thứ tiếng này bộ nhớ của bạn thật sự sẽ bị thử thách.
Tóm lại, dưới góc nhìn của một người tìm hiểu về ngôn ngữ tôi đánh giá tiếng Việt không phải là thứ tiếng khó học. Phong ba bão táp có thể không bằng ngữ pháp Việt Nam nhưng núi lửa phun trào, biển khơi dậy sóng cũng không bằng ngữ pháp của các thứ tiếng khác
:v Mỗi ngôn ngữ đều có sự phong phú, đa dạng riêng, có những nét đẹp riêng nên ngôn ngữ nào cũng đáng trân trọng, đáng giữ gìn. Nhưng với một người học như tôi thì tôi luôn mong ngôn ngữ mình học là một ngôn ngữ linh động, đơn giản và dễ nắm bắt. Một ngôn ngữ khó không làm nên sự tự hào của một dân tộc. Một ngôn ngữ khó là rào cản của sự giao lưu văn hoá, thông thương mậu dịch, kết nối hoà nhập giữa dân tộc đó với các dân tộc khác. Tôi rất vui khi tiếng Việt không bao giờ được (bị) xếp nằm trong top những ngôn ngữ khó học nhất thế giới. Bài viết được trình bày sơ lược bằng kiến thức hạn hẹp của bản thân, hẳn sẽ còn nhiều thiếu sót, mong bạn đọc chỉ bảo và bỏ qua cho. Xin cảm ơn vì đã đọc.

Tác giả : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
"Ngày xưa anh học ngoại ngữ như thế nào?", đó là câu rất nhiều người hỏi. Vậy tôi xin được chia sẻ một vài điều như sau.
Ngày trước tôi học một trường đại học trên TN. Nhập học năm 2004, đến năm 2006 thì bắt đầu tự học ngoại ngữ. Ngày đó chỗ tôi mới có internet (mạng dial-up), đến điện cũng có thể nói là một thứ xa xỉ vì một tuần cắt vài lần, vài ngày là chuyện bình thường. Nơi tôi ở cách xa trung tâm, đi 10 cây số mới có một hiệu bán sách ngoại ngữ. Một mình tự học không thầy cô, không bạn bè, như người lần mò trong đêm tối. Vậy tôi học như thế nào?
1. Học từ sách.
Đây là nguồn học duy nhất của ngày ấy. Hồi đó tôi phải tiết kiệm từng đồng tiền ăn sáng để mua sách. Tôi lọc cọc đạp xe đến hiệu sách nhiều lần nhưng hầu như lần nào đến cũng chỉ đứng xem chứ không dám mua. Quyển nào quyết định mua cũng phải đắn đo cân nhắc kỹ lắm. Và mua về rồi thì phải đọc cho nát nó ra. Tôi quan niệm sách nào cũng cho ta kiến thức nên không đi theo một giáo trình cụ thể nào cả. Miễn là tôi thấy cuốn đó trình bày dễ hiểu, hợp với trình độ của mình là tôi mua. Về sau tôi nhận đi dạy gia sư, ôn thi đại học môn tiếng Anh. Dù phải đạp xe đi dạy xa với thu nhập ít ỏi nhưng nó cũng đủ để thoả mãn thú mua và đọc sách của tôi.
2. Học từ những người bạn.
Tôi nhớ đến khoảng năm 2007 thì trường tôi bắt đầu nhận các sinh viên nước ngoài nói tiếng Anh của chương trình GAP đến thực tập tại trường. Lúc đầu tôi luôn băn khoăn không hiểu mấy bạn nước ngoài đó họ chọn đâu không chọn lại chọn cái nơi khỉ ho cò gáy thực tập làm gì. (Xin lỗi các bạn TN, thật sự là hồi đó tôi rất chán nơi ấy
:D). Về sau tôi biết họ muốn đến để xem và trải nghiệm cuộc sống nơi xa đô thị ở một đất nước còn lạc hậu thì như thế nào. Tôi lập tức phấn chấn hơn, chủ động tìm đến họ để giao lưu, kết bạn. Họ không chỉ là những người giúp tôi hoàn thiện hơn kỹ năng nghe nói tiếng Anh. Họ còn cho tôi kiến thức, cho tôi thêm cảm hứng để mơ về một ngày cũng được đi đây đi đó, đến các miền đất mới như họ.
2007 cũng là năm tôi bắt đầu học tiếng Trung. Thời gian này rất khó khăn vì tôi chỉ toàn học trong sách. Rồi hè năm đó dù nợ nhiều môn nhưng tôi quyết định không ở trường đăng ký học thêm mà lại về Hà Nội. Thế rồi gần như ngày nào tôi cũng lang thang đến các trường như đại học ngoại ngữ thuộc đại học quốc gia Hà Nội và đại học Hà Nội (Ngày đó là đại học ngoại ngữ Hà Nội) để tìm sinh viên Trung Quốc, chủ động làm quen và xin học hỏi. Một tháng hè tôi gầy rộc đi, chi phí đi lại các kiểu cũng tốn kém nhưng đổi lại là tôi học được thật nhiều từ họ. Ngày đi tìm bạn bè giao lưu, tối về lại ngồi đọc sách, cặm cụi học từ điển. Đến 2008 thì có một đoàn sinh viên Trung Quốc đến trường tôi học. Thời cơ này tôi không thể bỏ lỡ nên đã dành nhiều thời gian ở bên họ, hai bên dạy tiếng cho nhau, kết quả là tiếng Trung của tôi đã tiến xa đến mức tôi không nhận ra chính mình.
Đến 2009 tôi bắt đầu ngó đến tiếng Nhật. Hành trình vẫn là mua sách về học nhưng lúc này các xóm trọ đã bắt đầu lắp đặt internet ADSL. Tôi chuyển xóm trọ tới một nơi có mạng và bắt đầu tự học từ mạng. Internet quả là một kho tàng vĩ đại. Chiêm ngưỡng kiến thức mọi người post lên trên đó tôi sung sướng như Alibaba rơi vào hang chứa kho báu vậy. Vừa tải vừa đọc tài liệu trên đó, tôi mày mò tìm vào những diễn đàn đối thoại như Paltalk, nơi mọi người chia thành từng room và nói chuyện với nhau và tất nhiên có rất nhiều room ngoại ngữ. Thời gian này tôi được giúp đỡ nhiều bởi những người Nhật và những người bạn học tiếng Nhật trên mạng. Một quãng đời ngồi bên máy tính mà thấy như mình đi cả thế giới. Đến bây giờ ngẫm lại vẫn thấy bồi hồi.
Một mình tôi đi trong nghịch cảnh, theo đuổi cái mình đam mê trong khi mọi người đều phản đối, mọi thứ đều chống lại tôi. Thế nhưng ở đâu có ý chí, ở đó có con đường...

3.Tận dụng sự tương đồng của các ngôn ngữ để học nhanh hơn.
2010, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bảng chữ cái tiếng Hàn. Qua tìm hiểu sơ bộ tôi nhận thấy tiếng Hàn có rất nhiều điểm tương đồng về ngữ pháp và từ vựng với tiếng Nhật (cũng như sự tương đồng về Hán tự giữa tiếng Nhật và tiếng Trung). Bảng chữ cái tiếng Hàn về cơ bản đa dạng hơn tiếng Nhật và giải quyết được rất nhiều sự bất tiện trong ngôn ngữ mà bảng chữ cái tiếng Nhật không làm được. Hangul giúp giảm thiểu việc tạo ra những từ đồng âm khác nghĩa, giúp rút ngắn từ vựng và từ đó loại bỏ hoàn toàn sự xuất hiện của Hán tự trong tiếng Hàn. Tóm lại là nhiều nét tương đồng nhưng dễ hơn tiếng Nhật. Đây rõ ràng là một lợi thế mà tôi cảm thấy mình cần phải tận dụng. Như khi tiếp cận các ngôn ngữ khác, tôi lại nghe ngóng xem quanh mình có chỗ nào có người Hàn không để tìm đến giao lưu. Thế rồi tôi biết một vài người Hàn Quốc đến thành phố Thái Nguyên với mục đích truyền giáo. Dù không có nhu cầu theo tôn giáo của họ nhưng tôi vẫn chủ động làm quen, kết bạn và giữ liên lạc với họ, hàng tuần đạp xe 10 cây số lên thành phố giao lưu với họ, vừa là để học tiếng vừa là để tìm hiểu thêm về văn hoá Hàn Quốc. Họ đều là những người chị người anh rất thân thiện và đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Một vài lợi thế đó khiến tôi học tiếng Hàn rất nhanh. Cùng năm đó có 2 vợ chồng giáo sư Hàn Quốc đến trường tôi nghiên cứu, giảng dạy. Họ mở một lớp tiếng Hàn (miễn phí) cho sinh viên của trường học, và tôi xung phong đi trợ giảng. Nhưng rồi thấy tốc độ học của lớp quá chậm nên tôi ngừng đến lớp và dành thời gian ôn luyện ở nhà, thỉnh thoảng lại viết bài nhờ giáo sư chữa cho.
4. Dù thế nào cũng không bỏ cuộc.
2010 thật sự là một năm cực kỳ bận rộn và khó khăn đối với tôi. Lúc này cùng một lúc tôi phải duy trì học cả 4 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, lại phải lo trả nợ các môn chuyên ngành tự động hoá mà tôi đang theo học ở trường. Năm đó bạn bè cùng khoá đa phần đã ra trường, tôi đang học với khoá dưới và có nguy cơ phải xuống học với những khoá dưới nữa. Áp lực từ nhà trường, từ gia đình và bè bạn đè nặng trên vai. Bố mẹ tôi hết gọi điện rồi lại lên tận xóm trọ thăm tôi, không biết bao nhiêu lần yêu cầu tôi bỏ hẳn ngoại ngữ để tập trung học chuyên ngành mà ra trường. Những cuốn sách ngoại ngữ tôi mua bất kể là sách học hay tiểu thuyết đều bị bố mẹ tôi yêu cầu thiêu huỷ. Thời gian này nhiều lúc tôi đã thấy rất đuối cả về sức lực lẫn tinh thần, muốn tạm dừng lại, thậm chí là bỏ cuộc. Hẳn nhiều người cũng nghĩ là tạm thời không học, sau này ra trường rồi học lại cũng chưa muộn. Nhưng rồi chỉ bỏ ngoại ngữ được vài bữa là tôi lại thấy trong lòng không yên. Ngoại ngữ thật ra cũng như các môn công phu khác. Nếu bạn bẵng đi một thời gian không động tới nó thì chắc chắn bạn sẽ quên. Rồi sau này nhặt lại những gì mình đã làm rơi vãi thì thật vất vả và tốn thời gian. Mỗi lần định bỏ một ngôn ngữ nào đó là tôi lại nghĩ tới mục đích ban đầu khi mình tiếp cận với nó, nghĩ tới công sức và tiền bạc đã bỏ ra vì nó, nghĩ tới những khó khăn vất vả mà mình đã trải qua để từ từ chinh phục nó cho đến thời điểm hiện tại. Ngôn ngữ là đam mê, là sự sống của tôi. Tôi không thể bỏ nó vì bất cứ lý do gì. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Cứ phân thời gian ra mà học các môn cả ngoại ngữ lẫn chuyên ngành, rồi đến đâu thì đến.
5. Học mọi nơi, mọi lúc.
Khi áp lực phải phân bổ thời gian đè nặng lên tôi thì cũng là lúc tôi hiểu rằng mình phải tận dụng từng phút, từng giây để phân bổ cho việc học. Có nhiều lúc bạn nghĩ mình đã bỏ thời gian ra làm cái này, cái kia trong ngày thì sẽ không còn thời gian rảnh mà làm những cái khác nữa. Nhưng thật ra nếu để ý bạn sẽ thấy thời gian rảnh của bạn, tuy không liên tục liền mạch, vẫn có khá nhiều. Tôi đã cố gắng học vào mọi lúc, ở mọi nơi có thể. Trên đường đi lúc nào cũng đeo tai nghe để học nghe (cái này hẳn nhiều người nhìn thấy và vẫn còn nhớ
:D). Nghỉ 5 phút giữa giờ cũng lôi sổ ghi từ vựng ra học. Trong lúc pha cà phê, tắm rửa, giặt giũ cũng lẩm nhẩm trong đầu những gì mình đã học được. Lúc duy nhất không học có lẽ là lúc ngồi uống bia nghe nhạc vàng với bạn bè anh em
:D Những ai ở xóm trọ hẳn đều có thời gian thầm trách tôi không nhiệt tình, được mời cũng chỉ uống một chén rượu hay một cốc bia rồi cáo từ. Thật ra tôi cũng rất muốn ngồi lâu với mọi người, nhưng vì còn phải tranh thủ thời gian và sự tỉnh táo để về phòng đóng cửa học bài nên đành có lỗi với anh em vậy. Cứ tích luỹ từng khoảng thời gian nhỏ như thế, tôi vẫn duy trì được việc học các ngoại ngữ và cố gắng đảm bảo không ra trường quá muộn.

6. Chất lượng hơn số lượng.

2011 khổ tận cam lai. Với nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của nhiều người cộng một chút may mắn, tôi đã lần lượt thi qua hàng loạt môn chuyên ngành với số điểm đủ để hoàn thành chỉ tiêu. Ra trường, một việc rất bình thường với những sinh viên khác nhưng lại là kỳ công đối với tôi. Lúc này tôi biết chắc chắn mình sẽ ra được trường nên sống rất vui vẻ. Đó có thể nói là khoảng thời gian thần tiên nhất của đời tôi. Khởi đầu một ngày là cà phê và âm nhạc. Kết thúc một ngày là âm nhạc và bia. (Đoạn này tạm dừng một tí để hồi tưởng rồi mới viết tiếp
:3 ^^). Chẳng còn gì phải lo nghĩ, từ nay tôi có thể tập trung hoàn toàn cho ngoại ngữ và các sở thích. Ban ngày thì lo học thêm kiến thức, tối về thì mở các lớp dạy ngoại ngữ để kiếm thêm thu nhập. Lúc này tôi bắt đầu tiếp cận với tiếng Pháp, dự định sẽ học thật tốt nó trước khi ra trường. Tôi đồ rằng bốn môn Anh, Trung, Nhật, Hàn của mình hiện tại đã giao tiếp ổn, xem phim đọc báo cũng tạm hiểu, lại đi làm phiên dịch cho nhà trường, hẳn cũng khá rồi, không cần chú trọng nữa nên lúc này dành thời gian cho một ngôn ngữ mới là hợp lý. Tôi đã nhầm.
Trong một lần về chơi nhà tôi có gặp một chú hàng xóm, vì biết tôi biết tiếng Trung nên có nhờ tôi dịch hộ cái đơn thuốc viết bằng tiếng Trung. Nhìn những con chữ lạ hoắc đại diện cho các vị thuốc nhảy múa trước mắt mình mà tôi thấy nóng bừng mặt. Đến lúc này tôi mới nhận ra rằng những gì mình biết mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Với một người tạm gọi là có năng khiếu như tôi thì để nói một ngôn ngữ có thể không khó nhưng để thông thạo ngôn ngữ đó trong mọi ngóc ngách, lĩnh vực thì quả không dễ chút nào. Tôi mới chỉ học được cái phần tham bác hời hợt chứ phần uyên thâm thì chẳng có gì. Như thế này chỉ đủ để giễu võ dương oai chứ sau này mà vào việc làm dính các thuật ngữ thì hỏng mất. Tôi phải xem lại chính mình. Tôi dừng kế hoạch học các ngoại ngữ mới lại để nghiên cứu kỹ hơn từng ngôn ngữ mà mình đã học. Quả nhiên càng học càng thấy ngôn ngữ đó mở rộng ra, có cảm giác như mình đang bơi giữa đại dương, lại càng thấy mình dốt nát chẳng biết gì. Danh xưng Trung thần thông mà kiến thức chỉ như bần nông, thật đáng xấu hổ. Thôi, từ nay chẳng cần lên kế hoạch mà học tới 9,10 thứ tiếng làm gì. Chỉ cần học thật rộng, thật sâu những thứ tiếng mình đã từng học là được rồi. Cuối năm đó tôi chính thức ra trường.

7. Tự bán thời gian cho chính mình để mua kiến thức.
Quãng thời gian khi bắt đầu đi làm là thực sự rất khó khăn với tôi. Vào công ty, tiếp xúc với hàng loạt kiến thức mới tôi lại càng thấy mình nhỏ bé. Thêm vào đó tôi phải thay đổi thói quen. Ngày xưa không phải đi làm thì chỉ ở nhà học học và học, mỗi ngày phải nạp vào đầu bao nhiêu kiến thức, nếu vì lý do nào đó mà không nạp được thì thấy bứt rứt khó chịu và phải nạp bù vào một ngày khác. Khi đi làm vì không thể duy trì được thói quen đó nên tôi cảm thấy không thoải mái. Trong 2 năm từ cuối 2011 đến cuối 2013 tôi không học được gì nhiều vì bộn bề công việc. Trong khi đó thu nhập cũng chỉ nhàng nhàng mức trung bình. Sau cùng, tháng 5 năm 2013 tôi quyết định bỏ công ty để đi làm tự do như hiện tại. Tôi nhận thấy thu nhập của việc đi làm tự do cao hơn vài lần so với làm cố định. Nó cho phép tôi chỉ cần làm một thời gian ngắn là đủ mức thu nhập để chỉ tiêu cho cả những khoảng thời gian sau. Nay đây mai đó cũng giúp tôi học được nhiều từ các công ty tôi từng làm cho, cũng như từ những người tôi đã gặp. Nói cách khác, tôi bán ít thời gian cho người khác để lấy tiền, rồi bán nhiều thời gian cho chính mình để lấy kiến thức. Tôi chưa bao giờ trượt trong các cuộc phỏng vấn đa ngữ. Đi phỏng vấn tôi chưa bao giờ gặp ứng viên thứ hai. Tham gia dịch nhiều dự án lớn tôi lại càng có thêm kinh nghiệm. Càng nhiều kinh nghiệm và kiến thức thì tôi lại càng bán được thời gian của mình cho thiên hạ với giá cao hơn, từ đó rút ngắn được khoảng thời gian đi làm và dành ra được nhiều thời gian để nghiên cứu thêm các ngôn ngữ mới...
Kết: Chủ động là chìa khóa của mọi vấn đề.
Tất cả quá trình tự học của tôi đều xuất phát từ sự chủ động. Chủ động chọn cho mình con đường, chủ động mua sách, chủ động làm quen với người nước ngoài, chủ động tìm cách dung hòa với môi trường và tận dụng từng lợi thế nhỏ nhất... Có người nói tôi may mắn vì tại từng thời điểm quyết định thì lại có người xuất hiện để giúp đỡ. Tôi công nhận, nhưng phải khẳng định rằng đó không phải là điều quyết định. Nếu họ không xuất hiện thì tôi cũng sẽ đi tìm và sẽ tìm thấy họ thôi, như cái cách tôi bỏ học kỳ hè để về Hà Nội tìm bạn ngoại quốc hay cái cách tôi lần mò trên internet tìm bạn cùng giao lưu. Mỗi người có một con đường, một cách học. Phương pháp, kinh nghiệm của người này chưa chắc đã ứng dụng được cho người khác vì mỗi người lại có tư chất, điều kiện và quyết tâm khác nhau nên tất cả những gì tôi viết ở đây xin mọi người chỉ để tham khảo. Tuy nhiên có một điều này tôi tin là mẫu số chung cho tất cả. Nếu bạn thật sự thích một cái gì đó, thật sự đam mê nó và bất chấp tất cả để làm nó thì dù bạn là ai, ở đâu, trong điều kiện thế nào thì bạn cũng sẽ tìm ra con đường để làm tốt nó. Cố lên!

Tác giả :3T
Bài viết mang tính chất tham khảo cho bạn đọc với tất cả các ngoại ngữ .

"Công việc dịch đa ngữ có vẻ nhiều và thù lao trả cũng rất cao nhưng tại sao lại chẳng mấy ai đáp ứng được yêu cầu? Tại sao để giỏi được nhiều ngoại ngữ lại khó khăn đến vậy?". Những câu hỏi như thế này mỗi khi được hỏi tôi đều không dám trả lời vì sợ mang cái nhìn chủ quan của mình vào bài viết. Nhưng vì được hỏi nhiều nên tối nay xin mạn phép mọi người viết vài cái gạch đầu dòng về vấn đề này vậy. Bài viết chủ yếu áp dụng cho những người đã thành thạo một ngoại ngữ và đang tiến đến học ngoại ngữ thứ hai nhưng ai chưa biết gì mà có ý định học nhiều ngôn ngữ thì cũng có thể lấy làm tham khảo.

Nguyên nhân thứ nhất là do thiếu quyết tâm với ngoại ngữ thứ hai. Ở Việt Nam giỏi được một ngoại ngữ đã là khó. Ngoại ngữ là lĩnh vực mà khi muốn chinh phục thì ta cần phải có môi trường, điều này không phải bàn cãi. Việt Nam không giống các quốc gia Châu Âu, nơi mà các nước tiếp giáp đi lại tự do với nhau, các ngôn ngữ chung gốc La Tinh nên việc nói được tiếng của nhau với họ cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Việc học ngoại ngữ ở Việt Nam còn khó khăn là do môi trường thực hành ít ỏi, học viên bị phụ thuộc nhiều vào trình độ của giáo viên, trong khi giáo viên thì mỗi người một kiểu. Học được một thứ tiếng đã tốn bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức rồi. Tưởng tượng tới việc đem cái khối lượng ấy nhân lên gấp hai, gấp ba hay gấp nhiều lần thì chắc chẳng mấy ai làm nổi. Thực tế là rất nhiều người đã nản chí và bỏ cuộc khi bắt đầu ngoại ngữ thứ hai được một thời gian ngắn.
Nguyên nhân thứ hai là do tâm thế khi bắt đầu một ngoại ngữ mới. Thường khi đã thành thạo một ngoại ngữ nào đó thì người ta hay xuất hiện tâm lý tự hào vì đã dùng được ngoại ngữ đó. Sự tự hào này là rào cản cho việc học ngoại ngữ thứ hai vì khi đó tâm lý người ta không còn là tâm lý "không có gì để mất" nữa mà là "được thì được không thì thôi". Bản thân tôi khi học một ngoại ngữ mới tôi bao giờ cũng coi như mình đang học ngoại ngữ đầu tiên. Tiếp xúc với người giỏi ngoại ngữ đó tôi không bao giờ để lộ ra rằng mình biết các ngoại ngữ khác để tiện cho việc học hỏi. ("stay foolish" của Steve Jobs cũng là như vậy đó). Điều này giúp tôi giữ vững quyết tâm và ổn định tâm lý khi học.
Nguyên nhân thứ ba là sự xung khắc giữa các ngoại ngữ với nhau trong quá trình học. Bạn nào học Anh với Nhật chắc không lạ gì cái này. Nếu không cẩn thận thì thứ tiếng này có thể "đá" thứ tiếng kia khiến cho người học dễ nhầm lẫn, biến lợn lành thành lợn què. Thậm chí với các thứ tiếng giống nhau về từ vựng và ngữ pháp như Nhật với Hàn tưởng là sẽ hỗ trợ được cho nhau trong quá trình học nhưng thật ra lại dễ lẫn vào nhau. Chính vì vậy nên việc phân định rõ ràng ngoại ngữ mình đang học với ngoại ngữ mình đã biết là rất quan trọng. Để chúng trộn lẫn với nhau thì rốt cuộc cả hai sẽ cùng dở. Để làm được điều này cần phải luyện tập rất nhiều. Vậy nên lắm người thấy ngoại ngữ mới đang "phá hoại" ngoại ngữ cũ của mình thì quyết định bỏ luôn.
Nguyên nhân thứ tư là do đã "có tuổi" nên bị cuốn vào công việc và các mối quan hệ, dẫn đến việc không đầu tư đủ thời gian và sự tập trung cho ngoại ngữ mới. Đa phần sinh viên ra trường xong là cũng xong việc học. Đi làm về đã mệt rồi, lại phải đi chơi với anh chị em bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, hoặc phải chăm sóc gia đình thì còn thời gian với sức lực đâu mà học. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Để giỏi được nhiều ngoại ngữ thì bạn phải đánh đổi không chỉ thời gian công sức mà còn là cả cơ hội phát triển cho tương lai và các mối quan hệ xã hội. Bạn có dám mặc kệ sự ảnh hưởng của người thân và xã hội, hy sinh thời gian, tài chính và các mối quan hệ, đánh đổi vài năm không đi làm hoặc đi làm chút ít để dành thời gian ngồi học không? Trong khi bạn ở vào tình thế phải đi làm vì bạn phải nuôi bản thân và hỗ trợ gia đình, ở vào tâm lý không dám chắc có giỏi được (những) ngoại ngữ đó hay không và học chúng có ích gì cho tương lai hay không thì liệu bạn có dám đặt cược không?
Nguyên nhân thứ năm thì ai rơi vào hoàn cảnh như tôi chắc mới hiểu được. Đó là khó khăn trong việc duy trì các ngôn ngữ để chúng luôn ở trình độ tốt nhất. Bất kể lĩnh vực gì thì sự rơi vãi kiến thức sau một thời gian dài không sử dụng là điều tất yếu. Chính vì vậy nên mỗi ngày tôi đều phải dành thời gian ôn luyện các ngôn ngữ mà tôi biết để có rơi thì nhanh chóng nhặt lại. Chỉ riêng việc đọc báo (mỗi ngôn ngữ chọn ra 5 bài báo thuộc 5 lĩnh vực khác nhau để đọc mỗi ngày) thôi đã ngốn của tôi khá nhiều thời gian rồi. Sau đó còn là đọc tiểu thuyết, xem phim, nghe bản tin... để duy trì chúng và trau dồi một lượng từ vựng khổng lồ nên thời gian dành cho công việc của tôi rất ít ỏi. Nếu không kiên trì thì đã bỏ cuộc từ lâu rồi.
Tác giả 3T

Tôi thấy nhiều bạn phát cuồng vì một số nhân vật cả trong và ngoài nước xưng là nói được vài thứ tiếng. Vốn dĩ tôi và cộng đồng polyglot chân chính (đa phần là những bậc cao niên) chỉ nhếch mép cười rồi thôi, nhưng hôm nay tôi muốn viết vài lời để chia sẻ với các bạn một tầm nhìn, xin lỗi, góc nhìn khác về việc "nói được nhiều thứ tiếng".
1. Ngôn ngữ không giống các môn khoa học khác. Ngôn ngữ không phải là thứ phải tìm tòi khám phá, đưa ra phát kiến và nhận giải Nobel. Ngôn ngữ đơn thuần chỉ là bắt chước, lặp lại cái công cụ biểu đạt suy nghĩ thể hiện qua lời nói và chữ viết mà con người đã làm cả mấy ngàn năm nay. Chính vì vậy, ngôn ngữ là thứ ai cũng có thể học được, miễn là có môi trường và động lực thích hợp. Bản thân tôi chỉ cần 3 tháng trong môi trường thích hợp là có thể giao tiếp tốt một ngôn ngữ mới. Người khác có thể nhanh hơn, có thể lâu hơn nhưng đích đến cũng tương tự. Như thế có được tính là nói được thêm một thứ tiếng không? Có chứ. Nhưng như thế có được tính là biết thứ tiếng đó, tinh thông thứ tiếng đó không? Không!
2. Những bậc thầy am hiểu về ngôn ngữ họ không bao giờ lấy cái việc họ nói được bao nhiêu thứ tiếng để làm niềm tự hào bởi họ hiểu rất rõ cái điều số 1 ở trên. Tự hào về cái việc mà khi được cấp cho một điều kiện tốt thì ai cũng có thể làm được ư? Có mà điên. Chính vì vậy nên họ không đi vào số lượng mà họ đi vào chất lượng. Trong một ngôn ngữ khoảng cách từ việc giao tiếp tốt đến việc bác đại tinh thâm (hiểu truyền thông đa phương tiện, biên phiên dịch đa chuyên ngành, nắm được sự biến đổi cổ kim của ngôn ngữ và sự tương quan giữa ngôn ngữ và văn hoá... nói chung là sử dụng ngôn ngữ đó như một người bản địa) là rất xa. Càng nghiên cứu sâu vào một ngôn ngữ họ càng thấy ngôn ngữ đó bao la rộng lớn, càng thấy mình nhỏ bé nên họ càng kiệm lời. Lấy ví dụ, một người bạn ngoại quốc của tôi dạy toán bằng Pháp ngữ tại đại học quốc gia Hà Nội, rất giỏi tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan, nói chuyện với tôi trong quán nhậu bằng tiếng Việt từ đầu đến cuối gần như không vấp phải khó khăn gì nhưng cậu ấy cũng không bao giờ kể tên tiếng Việt vào trong các ngôn ngữ mà cậu ấy biết.
3. Chỉ có những anh "Sơn Đông mãi võ" mới đi khắp nơi để rêu rao rằng tôi nói được tiếng này tiếng kia. Những anh này cả tây cả ta đều có một điểm chung là cái việc họ rêu rao thể hiện rằng họ nói được tiếng này tiếng kia cho thiên hạ thấy rồi lấy làm tự hào thật ra đã phô bày rất rõ trình độ của họ trong con mắt những người hiểu biết. Sự biết võ vẽ đó của họ tuy không qua được mắt cao nhân nhưng cũng đủ để lừa và chiếm lấy sự hâm mộ của những người không hiểu chuyện. Thế nên thay vì chạy theo cái ánh hào quang giả tạo của người khác, tôi mong các bạn hãy tự lắng nghe bản thân mình, tìm kiếm xem sở thích, đam mê của mình là gì để theo đuổi, kiện toàn bản thân và ghi dấu ấn của chính mình trong cuộc đời này. Đừng tốn thời gian hâm mộ chàng đánh cá vì anh ấy biết bơi.

Tác giả 3T
 
Last edited by a moderator:

Hứa Nhất Thiên

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Em nói tiếng Anh mà thỉnh thoảng cứ xianzai ,hao...nói tiếng Trung thì cứ Да ну вот, xong thỉnh thoảng lại no yes loạn hết cả lên.Ý kiến của bác em rất đồng tình ,học ngoại ngữ phải có chút năng khiếu mới được.Mỗi người chắc có năng khiếu học một ngoại ngữ nào đó . Em thì thích tìm hiểu về văn hóa và lịch sử hình thành tiếng nói chữ viết có gì thì bác chỉ giáo cho em với ạ .
 

levietbao

Thành viên thường
BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC.
Một trong những câu hỏi mình hay nhận được nhất chính là "phương pháp học ngoại ngữ của anh là gì?". Đây là câu hỏi không phải là khó trả lời đối với mình nhưng lại là câu mà mình không muốn trả lời. Vì trả lời rồi các bạn lại không tin, bảo mình giấu nghề.
Thứ nhất xin nói về học theo mục đích. Trên thị trường hiện nay có vô vàn các trung tâm ngoại ngữ, mỗi trung tâm lại ứng dụng một phương pháp học khác nhau. Phương pháp nào cũng được quảng cáo rất mỹ miều, tuy nhiên hiệu quả của nó lại là điều mà nhiều bạn nghi ngờ. Tại sao lại như vậy? Thật ra mỗi phương pháp được xây dựng lên đều nhắm đến một mục đích cụ thể khác nhau. Bạn học vì muốn giao tiếp tốt? Vì muốn thi đỗ đại học? Vì muốn đi thi học sinh giỏi? Vì muốn du học?... Tuỳ theo từng mục đích riêng của bản thân bạn mà chọn trung tâm phù hợp. Tôi có lần nghe thấy có một cô gái thi được ielts 9.0 nói rằng "Đừng học tiếng Anh giao tiếp". Tôi cho rằng đó là một góc nhìn hạn hẹp. Mỗi người tiếp cận với ngoại ngữ đều có một hướng đi riêng cho mình. Có những người chỉ cần giao tiếp đủ để tiếp chuyện khách hàng, có người lại mong muốn giật giải cao trong các kỳ thi... nên việc lấy mục đích học của mình ra làm căn bản để đưa lời khuyên cho nhiều người khác tức là áp đặt góc nhìn của mình vào người ta, rất không hay. Bạn đưa ra một lời khuyên dù đúng dù sai chưa cần biết nhưng xã hội thường nhìn vào những gì bạn đang có để cổ suý hoặc phản bác bạn, và vô hình trung sẽ có nhiều người khác bị ảnh hưởng theo hướng họ không mong muốn.
Nhưng tại sao khi đã chọn đúng phương pháp theo mục đích rồi mà học vẫn không vào? Thật ra mỗi phương pháp giống như một con đường. Con đường có thể có lúc bằng phẳng, có lúc gập ghềnh. Có người chỉ đủ thể lực đi đoạn đường bằng chứ không đi nổi đoạn leo dốc. Có người qua được dốc rồi lại không lội qua suối được. Phương pháp tốt cho người này chưa chắc đã tốt cho người kia. Nhiều người đến trung tâm này, trung tâm kia, tiếp cận với các phương pháp khác nhau mà rồi vẫn loay hoay không biết mình đi thế đã đúng đường chưa. Rồi học hoài không hiệu quả lại thấy nghi ngờ trung tâm, nghi ngờ bản thân mình.
Lỗi này thuộc về cả trung tâm lẫn người học. Các trung tâm nhiều khi thường vẽ ra sự tiện lợi cho học viên khi họ học ở chỗ mình. Tiện lợi được thể hiện bằng một viễn cảnh nhàn nhã khi học, bằng những lời hoa mỹ như học với thầy này thầy kia, phươn pháp này phương pháp kia thì chắc chắn sẽ thành công và học viên chẳng cần tốn nhiều công sức cũng có thể nắm gọn ngoại ngữ đó trong tay. Học viên được thể lại cứ chăm chỉ đi học mà không chịu tự mình cố gắng, không hiểu được rằng học ở trung tâm một thì về nhà phải học gấp bốn gấp năm lần mới lĩnh hội và khai triển được hết những gì đã học. Cuối cùng mèo lại hoàn mèo.
Trong này hẳn có nhiều bạn học để phục vụ thi cử. Tôi có một lời khuyên nhỏ. Những người đạt điểm cao ở một kỳ thi có thể sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích khi bạn bước vào đối phó với kỳ thi đó. Muốn có N1 tiếng Nhật? Đơn giản. Tìm đến các "sempai" đã có N1 xin ý kiến rồi ôn đi ôn lại những quyển bộ đề chuyên đối phó với N1. Cứ cày cứ ôn rồi thi kiểu gì cũng qua. Muốn có ielts trên 8 chấm tiếng Anh? Đơn giản. Phương pháp hoàn toàn tương tự. Tất cả các kỳ thi đều có cách đối phó riêng. Điểm số hay chứng chỉ của bạn thể hiện khả năng ghi nhớ, thể hiện tần suất ôn luyện và thi thử của bạn để chinh phục nó. Nhưng điều này không phù hợp với mục đích và phương pháp học của tôi.
Vậy phương pháp học của tôi là gì? Điều đầu tiên tôi muốn nói trong phần này là đích đến của tôi có lẽ khác với các bạn. Tôi học ngoại ngữ để chinh phục ngôn ngữ chứ không phải chinh phục những kỳ thi, những chứng chỉ. Tôi học thêm một ngoại ngữ để sống thêm một cuộc đời, để cảm nhận xem nếu mình là người bản địa nói thứ tiếng đó thì cuộc sống và tâm hồn sẽ phong phú hơn như thế nào chứ không phải để đạt điểm thật cao trong một kỳ thi rồi ngộ nhận mình rất giỏi, thậm chí còn giỏi hơn người bản địa. Phương pháp học của tôi là VÔ PHƯƠNG. Con người ta cứ quá mải mê mất thời gian đi tìm cho ra phương pháp, thử hết chỗ này chỗ kia mà không biết rằng thời gian đó là vàng là bạc, chưa kể tiền bạc, công sức. Như đã nói ở trên, mỗi phương pháp là một con đường. Nhưng nếu bạn hướng tới đỉnh cao trong ngôn ngữ thì dù bạn đi con đường nào bạn cũng phải qua những đoạn bằng phẳng, đoạn gập ghềnh, đoạn lội suối... Có ai học mà không phải học từ vựng, không phải học ngữ pháp, không phải học hành văn? Các phương pháp chỉ là sự sắp xếp lại các đoạn đường, có chỗ chọn đoạn này có chỗ lại chọn đoạn kia để đi trước. Nếu đích đến là một thì cho dù bạn đi con đường nào thì cũng phải qua tất cả các đoạn đường ấy.
VÔ PHƯƠNG tức là không có phương pháp cụ thể. Nếu bạn thật sự thích ngôn ngữ đó, thật sự muốn chinh phục nó thì hãy học ngay đi. Vớ lấy quyển sách dạy ngoại ngữ gần bạn nhất mà đọc, mà làm bài tập đi. Bạn phải tự đi thì nó mới ra con đường. Học không bao giờ là thừa. Cuốn sách nào cũng cho ta kiến thức. Và kiến thức thì khơi gợi thêm kiến thức nên đọc hết cuốn này sẽ lại có hứng thú để đọc cuốn khác. Gặp từ mới không hiểu thì tra và đọc các ví dụ liên quan. Đọc xong ví dụ nếu thấy từ mới tiếp thì lại tra, lại học. Thử nhìn xung quanh mình xem. "Hót rác" là gì biết không? "Cắt móng tay" là gì biết không? "Then cửa" là gì biết không? Thử sờ vào người mình xem. "Rốn" là gì biết không? "Xoáy tóc" là gì biết không? "Đường chỉ tay" là gì biết không? Không biết thì học ngay đi. Gặp người nước ngoài thì cứ tự tin mà giao tiếp. Ta học được chính là từ những lỗi sai mà ta đã mắc phải. Internet có đó thì đọc báo đi, nghe nhạc đi, xem phim đi, học từ tất cả các nguồn sẵn có. Thay vì mất quá nhiều thời gian và công sức vào việc đi tìm trung tâm, đi tìm phương pháp, bằng sự kiên định của mình bạn có thể tự viết cho mình một con đường, theo đuổi nó để rồi một ngày chính bạn cũng sẽ thấy ngỡ ngàng vì những gì mình đã đạt được.



Bài viết của tác giả 3T
P/S : Bài viết mang tính chất tham khảo khảo và mục đích truyền cảm hướng cho người học ngoại ngữ nói chung.
 
L

Linh040496

Khách - Гость
Mọi người giúp mình với... Làm ơi giải thích tại sao chọn đáp án đó với nhé :D
28. Не окрывай окно. Я уже ... его 5 минут назад.
А. Открывала В. Открыла
33. Стоит ... на этот спектакль. Не пожалеешь.
А. Сходить В. Ходить
47. .... быстрее, иначе опоздаешь на поезд!
А. Собирайся В. Соберись
48. Как хорошо, что вы пришли!.....!
А. Пройдите В. Походите
49. Не .... ко мне больше: я не хочу тебя видеть
А. Приходи В. Приди
51. Мы с ней давно ... на «ты».
А. Вышли Б. Вошли В. Перешли Г. Обошли
54. Боюсь, что её грубость до хорошего не ...
А. Доведёт Б. Поведёт В. Заведёт Г. Подведёт.
 

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
Đáp án:
28. Не открывай окно. Я уже открывала его 5 минут назад.
33. Стоит сходить на этот спектакль. Не пожалеешь.
47. Соберись быстрее, иначе опоздаешь на поезд!
48. Как хорошо, что вы пришли! Проходите!
49. Не приходи ко мне больше: я не хочу тебя видеть.
51. Мы с ней давно перешли на «ты».
54. Боюсь, что её грубость до хорошего не доведёт.
 

Linh2311

Thành viên thường
Đáp án:
28. Не открывай окно. Я уже открывала его 5 минут назад.
33. Стоит сходить на этот спектакль. Не пожалеешь.
47. Соберись быстрее, иначе опоздаешь на поезд!
48. Как хорошо, что вы пришли! Проходите!
49. Не приходи ко мне больше: я не хочу тебя видеть.
51. Мы с ней давно перешли на «ты».
54. Боюсь, что её грубость до хорошего не доведёт.
Câu 47 hình như có chút nhầm lẫn cô ạ, e xem đáp án thì đáp án A. Nhưng cô có thể giải thích tại sao chọn các đáp án của các câu khác k ạ. Phần này e chưa hiểu rõ lắm.
 

masha90

Quản lý cấp 1
Модератор
Наш Друг
Câu 28. Chọn открывала vì đây là động từ “mở” ở thì quá khứ (thể chưa hoàn), ý muốn nói rằng cách đây 5 phút tôi (tớ) đã mở cửa sổ (và đã đóng lại rồi), bây giờ không cần mở nữa. Nếu chọn thể hoàn thành (открыла) thì tức là kết quả vẫn còn (cửa sổ vẫn đang mở), mệnh đề đầu câu trở nên vô nghĩa.
Câu 33. Chọn сходить (thể hoàn thành) vì đây là lời khuyên nên đi xem vở kịch, và tất nhiên là chỉ đi một lần thôi chứ có phải là khuyên đi xem nhiều lần đâu.
Câu 47. Ừ, kể ra thì dùng hoàn thành thể cũng không sai, nhưng trong những trường hợp tương tự người Nga thường dùng thể không hoàn (cобирайся!).
Câu 48. Bạn có thể thấy là khách đã đến (пришли), và nếu chủ nhà nói: “Пройдите!” thì cũng chẳng sai, nhưng trong những trường hợp tương tự người Nga thường dùng thể chưa hoàn “Проходите!” mặc dù xét về ngữ cảnh thì rõ ràng là chủ chỉ mời khách vào nhà 1 lần thôi chứ có phải nhiều lần đâu mà dùng thể chưa hoàn. Có lẽ là do thói quen chăng (tớ ở Nga lâu, biết rằng có những thứ chắc chắn phải nói thế, nhưng tại sao thì tớ không hiểu lắm).
Câu 49. Cái này thì thuộc về quy tắc rồi: mệnh lệnh thức có chữ “Не” (ý là đừng làm điều gì đó) bắt buộc phải dùng động từ thể chưa hoàn. Ví dụ: “đừng đi” = “не ходи” chứ không phải “не иди”, “đừng ghi chép” = “не пиши” chứ không phải “не запиши” v.v…
Câu 51. Chuyển sang cách xưng hô thân mật hơn (từ вы chuyển sang ты) là chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác nên đương nhiên là dùng động từ перейти.
Câu 54. довести là “dẫn đến”, “đưa đến”. Kiểu cư xử thô thiển bất lịch sự chắc chắn sẽ không đưa đến kết cục hay ho, hơn nữa trong câu có giới từ до (đến), từ đó suy ra phải dùng доведёт.
 
Top