Đi tìm giới hạn trong việc học ngoại ngữ!

levietbao

Thành viên thường
ĐI TÌM GIỚI HẠN !




Có nhiều bạn hỏi tôi làm thế nào mà học được nhiều ngôn ngữ trong cùng một thời điểm như vậy. Làm thế nào để nhớ được nhiều thứ như vậy... nhưng tôi chưa bao giờ trả lời chính thức. Không phải vì tôi giấu nghề mà là vì con đường tôi lựa chọn cho việc học ngoại ngữ ở một đất nước như Việt Nam thì vừa khó đi lại có phần liều lĩnh. Có khi phải đánh đổi bằng nhiều thứ, phải đặt cược cả tương lai. Sự đánh đổi nào cũng có cái giá của nó, và không phải con đường cứ tốt cho người này thì cũng hay cho người khác. Tuy nhiên tôi cũng muốn chia sẻ một vài điều nho nhỏ.
Trước tiên tôi muốn nói rằng trong mỗi con người đều có một giới hạn. Giới hạn chịu đau, giới hạn chịu sức nặng, giới hạn nhảy cao, giới hạn chạy bền... Trí nhớ của con người đương nhiên cũng có giới hạn. Con người ta thường không biết chính xác giới hạn của mình ở đâu, thực tế là họ không thử. Họ "cảm giác" rằng mình chỉ làm được ở một mức nào đó (thường là na ná người khác) mà không dám thách thức những giới hạn cao hơn. Sự tự giới hạn mình lại đó vô tình đã giữ con người lại, làm tiêu tan niềm tin và động lực để cố gắng của họ.
Tư duy về trí nhớ của tôi thật ra rất đơn giản: Thử và thách thức các giới hạn. Đầu tiên xin khẳng định rằng tôi cũng chỉ là người bình thường, không phải "cậu bé google" hay thiên tài ghi nhớ nào cả. Xuất phát điểm của tôi đơn giản chỉ là sở thích. Để xây dựng sở thích ấy thành niềm đam mê là cả một quá trình. Ban đầu khi quyết định học nhiều ngôn ngữ một lúc tôi cũng đặt cho mình câu hỏi rằng "liệu mình có nhớ được hết không?". Nhưng tôi chợt nghĩ đến ngày bé, khi chúng ta phải học thuộc lòng bảng cửu chương. Một bảng tính 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, ấy thế mà tất cả chúng ta sau những đêm "tụng kinh" đều thuộc nằm lòng. Nghĩ thử xem, chẳng phải là chúng ta đều giỏi, đều ghi nhớ tốt hay sao? Rồi tôi lại nghĩ đến những người Trung Quốc, Nhật Bản. Họ phải học vài nghìn ký tự dường như chả liên quan gì đến nhau, ấy vậy mà tất cả bọn họ đều nhớ được hết. Đâu có phải tất cả người ở các nước đó đều có trí nhớ thiên tài đâu. Chỉ là vì họ đã được lập trình sẵn về mặt tư tưởng rằng họ có một giới hạn cao hơn cho bộ nhớ ngay khi còn nhỏ.
Vậy tôi cũng phải lập trình lại tư tưởng cho giới hạn ghi nhớ của mình. Không thử thì không thể biết được. Tôi đã thử ghi nhớ nhiều ngôn ngữ. Không phải thử mấy cái bảng chữ cái mà là thử học thuộc vài quyển từ điển đồ sộ. Anh Việt, Trung Việt, Nhật Việt, Hàn Việt, Oxford... Đến bây giờ tôi vẫn ngồi ôm từ điển mà học. Hồi còn sinh viên tôi và bạn tôi (người nước ngoài) thường chơi trò đố từ ăn tiền, tức là mở cuốn từ điển ra và đố nhau một từ bất kỳ. (Sau rồi không ai dám chơi trò này với tôi ^^) Đôi khi cô ấy ngồi cạnh tôi, đọc tiểu thuyết bằng ngôn ngữ của đất nước cô ấy và tôi lại phải giải nghĩa cho cô ấy từ nào đó mà cô ấy không hiểu. Đó không phải là tôi giỏi hơn cô ấy về ngôn ngữ đó mà chẳng qua là vì tôi đọc nhiều hơn cô ấy mà thôi. Các bạn lưu ý là khi học tôi không bao giờ mất thời gian vào việc đi tìm công thức ghi nhớ cho từng ký tự. Đừng có tự làm mình lười đi như vậy. Thay vào đó gặp từ nào thì ghi nhớ nó một cách máy móc như một thử thách. Đó là cách rất tốt để rèn luyện trí nhớ. Bất cứ là rèn luyện cái gì, nếu rèn luyện trong gian khó thì bao giờ kết quả cũng cao hơn là rèn luyện trong sự thoải mái. Rồi tôi nhận ra bộ nhớ của con người rất kỳ diệu. Chúng ta có thể nhớ được nhiều hơn chúng ta tưởng, miễn là dám thử thách bộ nhớ để vượt qua chính mình, đi tìm giới hạn thật sự.
Để kiểm chứng và có thêm động lực học, tôi đi tìm "đối thủ". Nhiều bạn cho rằng tôi kiêu ngạo khi thách thức nhiều người khác, thật ra không phải. Tìm được người cùng chí hướng để thi đấu và nhận thất bại là một cách rất tốt để bản thân nỗ lực hơn, thử thách giới hạn cao hơn (mà người đó đang sở hữu). Người về nhất muốn tiếp tục đứng đầu thì phải duy trì cố gắng. Người về nhì muốn vượt qua người về nhất thì phải cố gắng gấp đôi. Nếu không dám thử các bạn sẽ không thể biết bản thân mình có thể làm được những gì. Chúng ta có những thiên tài một phần là vì vì họ sinh ra đã là thiên tài nhưng cũng không thể phủ nhận việc họ phải trải quả một quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ, phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ để vượt qua các giới hạn. Thế giới này cao thủ như mây. Bản thân tôi không phải là thiên tài, thậm chí hai chữ nhân tài còn chưa xứng đáng. Tôi chỉ là một người rất bình thường nhưng liều lĩnh bất chấp mọi khó khăn và định kiến, tận dụng từng phút giây để kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn.
Nguồn ( sưu tầm) : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Qua quá trình tiếp xúc với nhiều bạn học và sử dụng ngoại ngữ, mình nhận thấy các bạn đều mắc chung những lỗi cơ bản. Những lỗi về phát âm, từ vựng, ngữ pháp… thì mình không đề cập đến làm gì. Ở đây mình chỉ ra 5 lỗi xuất phát từ tâm thế chủ quan của người học khiến họ chậm tiến bộ, từ đó đưa ra cho các bạn một vài lời khuyên mà mình hy vọng sẽ trở nên hữu ích cho các bạn.
1. HỌC RẤT NHIỀU NHƯNG BIẾT RẤT ÍT.
Mình biết có những bạn học tràng giang đại hải, cố gắng dùng thứ ngoại ngữ mà mình theo đuổi ở một trình độ cao hơn so với người bình thường bằng cách diễn đạt ý tứ thông qua những cụm từ, những hiện tượng ngữ pháp hiếm gặp. Nói tiếng Anh thì dùng từ cổ, nói tiếng Pháp thì dùng thì quá khứ đơn, nói tiếng Nhật thì lôi ngữ pháp N1 ra diễn đạt... Ồ, ấn tượng đấy. Nhưng khi được hỏi về những từ hay ngữ cơ bản nhất có thể gặp trong cuộc sống thì bạn lại không biết. “4 con cơ, rô, bích, tép trong tiếng X nói thế nào?”, “góc tù, góc vuông, góc nhọn trong tiếng Y nói ra sao?”… Sự thật là cho dù bạn nghĩ kiến thức bạn học được cao siêu đến đâu chăng nữa thì bạn cũng không thể dùng ngôn ngữ vào những công việc chuyên nghiệp nếu bạn không biết những khái niệm cơ bản nhất mà bạn vẫn gặp hằng ngày. Trong khi đó những thứ mà bạn cho là cao siêu kia lại khá "dị" trong mắt người bản địa vì chẳng mấy khi họ dùng tới. Để giải quyết tình trạng này mình khuyên các bạn tìm đọc lại những sách cơ bản nhất về nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống thường ngày, tốt nhất là đọc bách khoa toàn thư cho trẻ em bằng thứ tiếng mà bạn đang theo đuổi. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy "sao từ cơ bản thế này mà mình lại không biết?".
2. HỌC RẤT LÂU NHƯNG THIẾU TẬP TRUNG.
Điện thoại và các thiết bị thông minh khác, những thứ tưởng như rất hữu ích cho việc học dưới bàn tay của bạn lại biến thành thứ giết chết sự tập trung của bạn. Thi thoảng lại mở máy check tin nhắn, lướt facebook, đọc vài trang báo dạo, hay đang học cái này thì nghĩ đến cái khác, đang làm bài tập này lại nghĩ đến bài tập kia, đang học cho mình lại nghĩ đến trình độ của người khác, rốt cuộc hiệu suất của việc ghi nhớ bị giảm đi đáng kể. Một ngày bạn học 5 tiếng như vậy cũng không bằng 1 tiếng thật sự tập trung toàn tâm toàn ý. Tốt nhất các bạn nên để điện thoại và các vật dụng không cần thiết ngoài tầm tay, tầm mắt khi học. Và luôn nhớ rằng “dục tốc bất đạt”, chỉ có đi từ từ từng bước một với sự tập trung cao độ mới là con đường gặt hái kiến thức hiệu quả nhất.
3. PHÁT ÂM HAY NHƯNG THIẾU CHÍNH XÁC.
Rất nhiều bạn tự tin về phát âm của mình. Mình biết phát âm cũng là một loại khả năng thiên phú. Có những người chỉ cần nghe người khác nói là bắt chước được lại liền, bất kể là khi họ học ngôn ngữ phương đông hay phương tây. Nhưng cũng có những người chỉ phát âm tốt được ở một loại ngôn ngữ nào đó. Và cũng có những người cố gắng mãi cũng không phát âm hay được. Nhưng thật ra điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là đối phương có hiểu mình muốn truyền tải cái gì hay không. Mình nhận thấy những người phát âm hay thường là những người mắc lỗi về… phát âm. Giọng nghe có vẻ giống người bản địa nhưng thực ra đánh sai trọng âm, nói sai âm tiết, ngay cả người bản địa nghe cũng chẳng hiểu gì. Vậy thử hỏi phát âm hay có ích chi? Đó là hậu quả của sự chủ quan và lười nhác do chính khả năng thiên phú kia mang lại. Mình khuyên các bạn khi học một từ nào đó đừng bao giờ phán đoán cách phát âm của nó mà dùng bừa bãi. Thay vào đó hãy dùng từ điển để xác nhận thanh âm của âm tiết và vị trí của trọng âm. Phát âm có thể không hay nhưng chính xác tức là bạn đã thành công trong việc truyền tải thông điệp đến với người nghe rồi.
4. NÓI RẤT NHIỀU NHƯNG THIẾU NỘI DUNG.
Khi bạn triển khai một đoạn hội thoại nào đó, bạn thường có xu hướng giữ được sự tự nhiên trong cách nói càng lâu càng tốt. Sự tự nhiên này của bạn làm nên ấn tượng tốt từ người nghe, đúng vậy, nhưng quan trọng hơn, nó khiến bạn trở nên tự tin hơn với chính bản thân mình. Nghe có vẻ tốt cho bạn nhưng thật ra lại không phải vậy. Rất nhiều người tự ru ngủ chính mình trên sự tự tin này. Ra bờ hồ, vào quán cà phê gặp mấy ông tây, câu chuyện quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy câu nói, từng ấy nội dung, được lặp lại khi dùng với hết người này đến người khác. Bạn nghĩ như thế là bạn thành thục ngôn ngữ đó? Bạn nhầm. Trong cái cây ngôn ngữ đó bạn chỉ thành thục mỗi một cái lá mà bạn luyện đi luyện lại suốt ngày mà thôi. Muốn cải thiện tình trạng này thì bạn phải thay đổi tâm thế của mình. Nói chậm đi cũng không sao, nói ngắc ngứ cũng không sao, nói phải chủ đề mình không có kiến thức, phải dùng từ điển để tra cũng không sao, miễn là học được thêm từ vựng và kiến thức từ cuộc hội thoại đó. Học là để gặt hái thêm cái mới khiến mình ngày càng mạnh hơn chứ không phải cứ lấy cái cũ ra để trấn an mình, rốt cuộc mãi vẫn là dậm chân tại chỗ.
5. Ý RẤT NHIỀU NHƯNG DIỄN ĐẠT KÉM.
Trước đây mình có sửa bài luận cho một vài bạn. Ngoài những lỗi từ vựng, ngữ pháp vặt vãnh không có gì để bàn ra thì mình nhận thấy có những bạn ý tứ trong bài rất tốt nhưng cách triển khai ý đó thường đi vào lối mòn. Lẽ ra với từng ấy ý các bạn ấy hoàn toàn có thể viết hay hơn. Đây là hậu quả của việc ít đọc, chủ yếu là tự triển khai ngữ pháp rồi lắp ghép với từ vựng thông dụng và lặp đi lặp lại. Nếu bạn chỉ đơn giản muốn truyền tải thông điệp của mình tới người đọc một cách đơn giản thì bạn đã thành công. Nhưng ấn tượng về bài luận của bạn trong mắt người đọc cũng chỉ là con số 0. Bạn cần đến những bài luận không chỉ để mô tả hay phát biểu cảm nghĩ mà còn để rèn luyện trau chuốt khả năng dùng từ và ngữ của mình. Khi đó bạn hoàn toàn có thể dùng thứ ngôn ngữ đó theo cái cách còn hay và uyển chuyển hơn cả người bản địa, bất kể là bằng lời nói hay chữ viết. Chỉ có việc đọc và đọc thật nhiều, ghi nhớ rồi bắt chước theo mới giúp bạn cải thiện được tình hình. Today a reader, tomorrow a leader. Đừng bao giờ ngừng đọc.

Bài viết của tác giả 3T
 
Chỉnh sửa cuối:
Top