Quan hệ Việt-Xô

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
VOV.VN - Việt Nam đã được Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay hỗ trợ rất nhiều về mặt quân sự.

Ngày 17/12, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow (Incentra) ở thủ đô Moscow đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam tại Nga

Tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân do Đại Sứ quán Việt Nam tại Nga chủ trì có Thượng tướng Oleg Salyukov - Tư lệnh Lục quân, Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga; các sỹ quan của các Cơ quan Tùy viên quốc phòng các nước tại Nga, các cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam, đại diện các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng người Việt và lãnh đạo các phòng ban của Đại Sứ quán Việt Nam tại Nga.

Tại buổi lễ, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn đã đọc diễn văn điểm lại lịch sử vẻ vang, hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chặng đường 70 năm qua; khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kế tục xuất sắc truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha, mưu trí, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, đã giành thắng lợi hoàn toàn trong các cuộc chiến tranh, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc và góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong nền quốc phòng toàn dân, ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng bảo vệ đất nước và nhân dân trước mọi nguy cơ, thử thách, đồng thời tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác nhằm cùng nhau bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.

Đông đảo khách mời tham dự Lễ kỷ niệm

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, ngày 22/12 cũng được chọn là Ngày Hội quốc phòng toàn dân là nhằm tôn vinh và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định quân đội Việt Nam là "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ".

Trong chặng đường 70 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, đặc biệt là quân đội và nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân Việt Nam đã và sẽ mãi ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn này.

Ngày nay, hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang phát triển rất tốt đẹp, là điểm sáng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn phát biểu: "Về hợp tác quân sự, Nga đã và tiếp tục là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Thời gian qua, hai bên đã hợp tác rất hiệu quả trong việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị và đào tạo quân nhân, góp phần nâng cao khả năng quốc phòng cho Việt Nam; đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực và trên thế giới. Chúng ta tin tưởng rằng với nền tảng quan hệ tốt đẹp đó, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng lợi ích thiết thục của hai nước".

Sau phần lễ trọng thể, các khách mời đã cùng nhau thưởng thức ẩm thực Việt Nam, cùng nâng cốc chúc mừng Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúc mừng Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga và hợp tác quốc phòng Nga-Việt ngày càng phát triển./.

Đoan Hải/VOV-Moskva
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

Photo: RIA Novosti

Chuyên mục “Nhìn lại ngày hôm qua” của đài Sputnik giới thiệu với các bạn bài mạn đàm tiếp theo về sự kiện kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Việt vào tháng Giêng tới.

Quan sát viên đài của chúng tôi Aleksei Lensov viết: Ở cuộc mạn đàm lần trước, chúng tôi đã lưu ý rằng, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, các hệ thống tên lửa phòng không do Liên Xô cung cấp đã tiêu diệt trên bầu trời Việt Nam khoảng 1300 máy bay Mỹ. Tất nhiên, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam vào thời điểm đó không chỉ giới hạn bằng các tên lửa.

Máy bay MiG nổi tiếng được cung cấp bởi Liên Xô đã chiến đấu trên bầu trời Việt Nam. Bằng những chiếc MiG đó, phi công Việt Nam tiêu diệt 350 máy bay địch. Xe tăng "T-55" cũng đã chiến đấu tại Việt Nam: trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, xe tăng Liên Xô đã húc đổ cửa dinh tổng thống Sài Gòn. Và cũng không thể không nhắc đến súng trường tấn công Kalashnikov nổi tiếng thế giới.

Liên Xô không chỉ cung cấp thiết bị quân sự và vũ khí cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Vũ khí cũng được viện trợ cho các đơn vị Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nam Việt Nam. Chẳng hạn, tên lửa phòng không, phiên bản nhỏ hơn của "Katyusha" nổi tiếng trong chiến tranh chống Đức Quốc Xã, và sau đó là trong trận Điện Biên Phủ đã từng có mặt tại Việt Nam. Loại tên lửa này không gắn trên xe tải mà được lắp vào chân máy, do đó có thể nói đây là phiên bản di động của "Katyusha".

Ngoài ra, đại diện tình báo Liên Xô cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam. Các chuyên gia phản gián Liên Xô đã lập ra mạng lưới tình báo trong khu vực Đông Nam Á. Máy bay Mỹ cất cánh từ đảo Guam để ném bom Việt Nam liên tục bị "ngư dân" địa phương theo dõi. Mỗi khi có máy bay Mỹ cất cánh, các “ngư dân” này phát tín hiệu vô tuyến, tình báo Liên Xô tiếp nhận các tín hiệu đó và giải mã chúng. Các thông tin đó kịp thời được thông báo cho cơ quan quân sự Việt Nam, để đưa ra các biện pháp chung đối phó với kẻ thù và giảm thiểu thiệt hại cho quân dân Bắc Việt Nam. Thông tin kịp thời thu được về kế hoạch quân dù Mỹ đổ bộ xuống miền Bắc để giải phóng phi công bị bắt sống cũng đã được kịp thời báo cho ban chỉ huy quân sự Việt Nam. Khi quân Mỹ nhảy dù xuống ngôi làng giam giữ tù binh, tất cả khu doanh trại đều trông vắng, không hề có bóng dáng người nào.

Để làm việc với các thiết bị quân sự của Liên Xô, các trường đại học và các học viện quân sự của Liên Xô đã đào tạo quân nhân cho Việt Nam. Chỉ riêng trong các năm 1966 và 1967, Liên Xô đã huấn luyện 5 trung đoàn tên lửa phòng không cho quân đội nhân dân Việt Nam với quân số là 3000 người. Tổng cộng, hơn 10 000 sĩ quan Việt Nam đã đào tạo tại các trường đại học của Liên Xô. Trong số đó có các vị chỉ huy trong tương lai của Quân chủng phòng không và không quân - Thiếu Tướng Lê Văn Chí, Trung Tướng Nguyễn Văn Thạc, Tổng Tham mưu trưởng Không quân, Thiếu tướng Nguyễn Phúc Thái, anh hùng QDDNDVN Phạm Trường Vũ và nhà du hành vũ trụ trong tương lai Phạm Tuân... Sau Chiến thắng, các trường đại học và học viện quân sự Liên Xô mà họ theo học đã được trao tặng Huân chương của Việt Nam.

Sử gia Moskva Maxim Syunnerberg cho biết:

“Theo số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Liên bang Xô viết, từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 12 năm 1974, khoảng 6 500 tướng lĩnh và sĩ quan, 5000 binh sĩ và hạ sĩ của các lực lượng vũ trang Liên Xô đã tham gia chiến sự ở Việt Nam. Hơn 2000 người trong số đó đã được trao giải thưởng nhà nước của Liên Xô và hơn 3000 người được tặng huân chương và huy chương của Việt Nam.”

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ yêu cầu bố trí hành lang trên không và cho mượn sân bay Côn Minh để Moskva kịp thời trung chuyển hàng viện trợ quân sự và vũ khí của Liên Xô cho Việt Nam. Sau những lần đàm phán lâu dài, đã đạt được thỏa thuận về việc vận chuyển hàng hoá qua lãnh thổ Trung Quốc bằng đường sắt. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các toa tàu kín Liên Xô đã bị mở kẹp chì và thậm chí bị đánh cắp. Do vấn đề này, Liên Xô quyết định chuyển hàng cho Việt Nam qua tuyến đường biển, từ các cảng Biển Đen và Viễn Đông của Liên Xô. Nếu như tất cả các lô hàng gửi bằng đường biển trong năm 1970 được sắp xếp vào các toa vận tải đường sắt, đoàn tàu đó sẽ kéo dài tới 800 km!

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trung bình hàng tháng có 40 chuyến tàu biển Liên Xô chở hàng tới cảng Hải Phòng, Hồng Gai và Cẩm Phả. Chặng đường cuối cùng khi sắp tới Việt Nam thực sự là đường ra trận. Bởi vì, tàu Liên Xô đi qua khu vực mà Mỹ coi là khu vực hoạt động quân sự chống các lực lượng yêu nước Việt Nam. Và nếu như trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổng cộng tổn thất các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam là 13 người, trong đó có 4 người hy sinh tại vị trí chiến đấu, thì đến đầu năm 1969, có 6 thủy thủ Liên Xô mang hàng viện trợ đến cho Việt Nam bị hy sinh, và cả 6 người đó đều hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Để tiếp nhận hàng viện trợ, các chuyên gia Liên Xô đã xây dựng hàng chục km bến bãi mới. Mọi thứ xăng dầu cần thiết cho hoạt động của các cơ sở quân sự và thiết bị kỹ thuật của Liên Xô được đưa sang cảng Hạ Long. Từ đây, các chuyên gia Liên Xô đã lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu. Đến khu vực Hà Nội, đường ống chạy qua dưới đáy sông Hồng, và tiếp theo, nhiên liệu được dẫn đi xa hơn nữa bằng đường ống kim loại để lên núi, qua đường mòn Hồ Chí Minh. Thời kỳ đó, Liên Xô đưa tới Việt Nam 700.000 m3 xăng dầu/năm.

Khi Mỹ thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, hàng chục tàu chở hàng Liên Xô không chịu rời cảng. Và trong suốt tất cả những tháng Hải Phòng bị Mỹ phong tỏa, sự hiện diện của tàu Liên Xô đã góp phần cứu thành phố khỏi bị hủy diệt.

Khi cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 xảy ra, Moskva đã hỗ trợ Hà Nội chống sự tấn công của Trung Quốc. Đó sẽ là chủ đề cuộc mạn đàm tiếp theo trong loạt bài nhân kỷ niệm lần thứ 65 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta mà chúng tôi sẽ phát vào tuần tới.

Nguồn: ruvr ru
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

© Photo: East News

Chuyên mục “Nhìn lại ngày hôm qua” của đài Sputnik giới thiệu với các bạn bài mạn đàm tiếp theo về sự kiện kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Việt vào tháng Giêng năm 2015.

Quan sát viên đài của chúng tôi Aleksei Lensov viết:

Lần trước, chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của viện trợ Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ và giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Năm 1979, sự viện trợ cần thiết cũng đã được Moskva dành cho Hà Nội trong cuộc thử thách nghiêm trọng mới – khi Trung Quốc mở cuộc tấn công vào nước cộng hòa. Đó là cuộc tấn công mạnh mẽ nhất từ phía Bắc trong vòng hơn hai thiên niên kỷ, với lực lượng thực hiện lên đến 600.000 người.

Để biểu thị sự ủng hộ đối với Việt Nam và chuyển hướng một phần quân đội Trung Quốc khỏi phía Nam, sáu quân khu Liên Xô được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Liên Xô đã điều động đến gần biên giới với Trung Quốc 29 sư đoàn bộ binh cơ giới với quân số lên đến 250.000 người. Hai sư đoàn không quân cũng được chuyển đến phía Đông, trong đó có một sư đoàn ở Mông Cổ, trên sân bay mà nếu bay tới Bắc Kinh thì chỉ mất một tiếng rưỡi đồng hồ.

Ngay từ đầu tháng Hai, khi có các thông tin đầu tiên về ý định của Trung Quốc “dạy cho Việt Nam bài học”, các tàu tuần dương và tàu khu trục của Hải quân Liên Xô đã được phái đến Biển Đông. Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra, ở đó đã tập trung 13 tàu của Liên Xô, đến đầu tháng Ba – số tàu Liên Xô lên đến 30 chiếc. Kết quả sự hiện diện của tàu Liên Xô là Hải quân Trung Quốc với số lượng 300 tàu đã không có cơ hội để tham gia vào cuộc tấn công Việt Nam. Ngoài ra, các tàu của Liên Xô đảm bảo việc chuyển hàng an toàn cho Việt Nam. Chỉ riêng ở Hải Phòng, trong giai đoạn Việt Nam bị tấn công đã bốc dỡ hơn 20 tàu hàng và tàu chở dầu đến từ Liên Xô. Đồng thời, thủy thủ Liên Xô đã đối phó với các tàu chiến Mỹ, ngày 25 tháng Hai đã đỗ thành chuỗi ngoài khơi bờ biển Việt Nam với mục đích mà người Mỹ tuyên bố là “để kiểm soát tình hình". Để kìm giữ chúng không tới được khu vực hoạt động chiến sự, tàu ngầm của Liên Xô chặn các ngả đường tiếp cận của tàu Mỹ. Tàu Liên Xô đã tạo ra một rào cản trên biển mà tàu Mỹ đã không dám vượt qua và đến ngày 6 tháng 3 thì rút hết khỏi Biển Đông.

Cố vấn quân sự Liên Xô, Đại tá Gennady Ivanov cho biết:

“Sáng ngày 19 tháng 2, một nhóm cố vấn quân sự Liên Xô gồm các vị tướng giàu kinh nghiệm nhất đứng đầu là tướng Gennady Obaturov đã bay đến Hà Nội. Ngay khi vừa đến nơi, một cuộc họp với Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã được tổ chức, sau đó chúng tôi đã lên tuyến đầu, nơi bộ đội Việt Nam đang chiến đấu.”

Tổng bí thư Lê Duẩn tán thành đề xuất của ông Obaturov dùng máy bay của Liên Xô đưa những quân đoàn tinh nhuệ nhất từ Campuchia về mặt trận phía Bắc. Hơn nữa, Lê Duẩn chỉ thị cho các chỉ huy quân sự của Việt Nam, trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì, phải thống nhất với các cố vấn quân sự Liên Xô. Rất đáng tiếc là về phía các chuyên gia quân sự Liên Xô đã không tránh khỏi tổn thất. Khi hạ cánh tại Đà Nẵng, máy bay vận tải Liên Xô gặp sự cố, sáu sĩ quan Xô Viết bị hy sinh.

Tướng Obaturov cũng đã báo cáo cho lãnh đạo Liên Xô về việc phải khẩn cấp chuyển đến cho Việt Nam những thiết bị và vũ khí cần thiết để đẩy lùi đối phương. Tất cả yêu cầu được đáp ứng nhanh chóng. Máy bay vận tải quân sự của Liên Xô đã chuyển cho Việt Nam nhiều tên lửa "Grad", thiết bị cho các đơn vị tình báo điện tử, cùng các phương tiện hỗ trợ chiến đấu khác.

Tất cả điều này đã xác định kết quả cuộc chiến tranh, trong đó vai trò quyết định tất nhiên thuộc về lực lượng vũ trang anh hùng của Việt Nam. Ngày 5 tháng 3 1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Ngày 18 tháng Ba chiến sự được hoàn toàn ngừng lại. Cuộc tấn công mạnh mẽ nhất của Trung Quốc vào Việt Nam trở thành cuộc tấn công có thời gian ngắn nhất.
Nguồn ruvr.ru
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Đọc mà muốn rớt nước mắt, Tình hữu nghị Việt-Nga mãi mãi vững bền...Đến với Tiếng Nga là cái duyên và say mê nó sẽ là cả đời...Vẫn nhớ ngày xưa còn ở trên thành phố Hòa Bình nơi có làng chuyên gia người Nga, trường đại học Việt-Xô xây theo phong cách Nga, ngôi trường mình đã từng học sau bao nhiêu năm xây dựng theo phong cách Nga vẫn bền bỉ như ngày nào và chưa một lần phải tu sửa... TÔI YÊU NƯỚC NGA!!!!!!!!!!!!!!
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Mà sao nhưng tin tức đất nước học hay thế này mà chẳng ai quan tâm, bổ ích vậy cơ mà????
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

Photo: RIA Novosti

Quan sát viên Aleksei Lensov phụ trách chuyên mục nhắc rằng để tiến hành đàm phán hiệu quả về viện trợ quân sự và kinh tế của Liên Xô mà nước Việt Nam DCCH đang rất cần ở khoảng giao thời 1949-1950, đòi hỏi phải có chuyến đi tới Matxcơva của một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của nước Cộng hòa non trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lấy trách nhiệm hệ trọng này.

Suốt một thời gian dài trong giới nghiên cứu tồn tại ý niệm cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Matxcơva vào trung tuần tháng Chạp 1949, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Stalin. Cũng có người cho rằng nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ đã đến Matxcơva thậm chí còn sớm hơn - vào mùa hè năm1949, trong thành phần phái đoàn Trung Quốc do Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu.

Mốc thời gian chính xác của chuyến đi này chỉ được khẳng định trong những năm gần đây, khi nhiều tài liệu lưu trữ tại Nga và Việt Nam được tháo bỏ tấm màn bí mật. Chuyến đi Matxcơva không tiến hành vào mùa hè mà cũng chẳng phải là vào tháng Chạp 1949, bởi khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong An toàn khu ở vùng rừng núi tỉnh Tuyên Quang. Nhà lãnh đạo công cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam tiến hành chuyến đi Trung Quốc và đến Liên Xôvào ngày 02 tháng Giêng 1950. Trước đó Chủ tịch đã ủy thác cho ông Võ Nguyên Giáp chuẩn bị bản báo cáo về tình hình quân sự tại Việt Nam, và căn dặn rằng: "Cần chú ý trình bày những vấn đề chính, vì Stalin sẽ nghe".

Ngày 22 tháng Giêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh. Trong số những người mà ông gặp ở đó, có nhà ngoại giao Liên Xô Sergei Tikhvinsky. Viện sĩ tương lai đã viết trong hồi ký của mình rằng “ông Hồ Chí Minh hỏi rất nhiều về cuộc sống của nhân dân Liên Xô, về công cuộc tái thiết đất nước hậu chiến”. Tác giả Tikhvinsky nhận xét: “Rõ ràng ông Hồ Chí Minh rất muốn gặp Stalin để thảo luận về triển vọng viện trợ của Liên Xô giúp đỡ đất nước ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp". Cũng trong cuộc gặp này, vị Chủ tịch Việt Nam đã tặng ông Tikhvinsky đồng tiền vàng của Việt Nam DCCH, định danh không phải là “đồng” như sau này, mà gọi là “Việt”. Đây là một trong những hiện vật tiền xu hiếm có của thế kỷ 20: bởi cả thảy chỉ đúc 200 đồng xu. Theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, "ai sở hữu đồng xu như thế đến Việt Nam sẽ được nhận mọi sự giúp đỡ”.

Chuyên gia Việt Nam học tại Matxcơva, TS Anatoly Sokolov cho biết: “Trong khi ở Bắc Kinh, ngày 25 tháng Giêng ông Hồ Chí Minh nhận được bức điện tín từ Stalin, trong đó nhà lãnh đạo Liên Xô cảm ơn ông Hồ Chí Minh về lời chúc mừng nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70. Ngày 30 tháng Giêng, Liên Xô tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam DCCH. Đến ngày 1 tháng Hai, ông Hồ Chí Minh lại nhận được một bức điện nữa từ Stalin. Nhà lãnh đạo Liên Xô thông báo sẽ rất vui mừng nếu được gặp vị đại diện của nước Việt Nam ở Matxcơva”.

Ngày 3 tháng Hai, sau khi có sự công nhận chính thức từ người đứng đầu Liên bang Xô-viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu hỏa rời Bắc Kinh đi Liên Xô và ngày 07 tháng Hai đã tới Chita, thành phố xô-viết ở miền Đông Siberia. Trong bức điện gửi từ đó cho Stalin, vị khách Việt Nam bày tỏ hy vọng rằng chuyến đi của ông tới Matxcơva sẽ được giữ kín. Bởi nếu người Pháp biết về chuyến đi từ Việt Nam sang Liên Xô, họ có thể thực hiện hành động chính trị và quân sự không có lợi cho cuộc kháng chiến.

Từ Chita, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay đến thủ đô. Minh chứng về điều này là lời kể của nhà ngoại giao xô-viết Nikolai Fedorenko và ông Mikhail Suslov khi đó là Bí thư BCH Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô (b). Cả hai ông đều nhớ rằng đã ra tận sân bay “Vnukovo” đón gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang theo áo ấm cho vị khách phương Nam dùng, để tránh cái lạnh trong tiết trời mùa đông băng giá của nước Nga.

Ngày 10 tháng Hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở Matxcơva. Mốc thời gian này được Stalin tự tay ghi lại trong cuốn tạp chí “Liên Xô trên công trường xây dựng”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cầm theo tới cuộc gặp và yêu cầu nhà lãnh đạo Liên Xô ký tên lưu niệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện diện ở Matxcơva một tuần lễ. Trong thời gian đó, đã hoạch định những hướng cơ bản về viện trợ quân sự và kinh tế của Liên bang Xô-viết dành cho Việt Nam DCCH, mà giả như không có thì việc thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ vẫn chỉ là văn kiện có ý nghĩa tượng trưng.

Các bạn thân mến, chúng ta sẽ nói về chuyện này trong cuộc mạn đàm kỳ tới của chuyên mục “Nhìn lại ngày hôm qua” do đài "Tiếng nói nước Nga" phát thanh vào ngày 02 và 09 tháng Mười, cũng như đăng tải trên trang web của chúng tôi. Mời các bạn chú ý theo dõi.
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

© Photo: AP

Tháng 10 năm 1952, Hồ Chí Minh là người đứng đầu của nhà nước được Liên Xô công nhận đã tới Moskva lần thứ hai. Giống như lần đầu tiên vào tháng Hai năm 1950, ông thực hiện chuyến đi ẩn danh. Cuối tháng Chín, từ Bắc Kinh, ông gửi cho Stalin một bức điện nói là muốn đến Moskva dưới cái tên giả, tham dự Đại hội XIX của Cộng sản Liên Xô và báo cáo với lãnh đạo Liên Xô về tình hình trong nước và các hoạt động của Đảng Lao động Việt Nam. Nguyện vọng này không phải là bất ngờ đối với Stalin. Ngay từ giữa tháng Chín, Chu Ân Lai đã gặp lãnh đạo Liên Xô ở Moskva và nói rằng sẽ có các đồng chí Việt Nam đến dự đại hội. Stalin đáp: "Họ là những người bạn của chúng tôi và sẽ là khách mời." Trong bức điện gửi Hồ Chí Minh, Stalin đồng ý để vị khách từ Việt Nam sang Liên Xô một cách không chính thức và cho biết ngày khai mạc Đại hội. Ngày 6 tháng 10, Hồ Chí Minh đã có mặt ở Moskva. Nhà sử học Moskva Anatoly Sokolov kể:

“Chuyến thăm của ông Hồ Chí Minh hầu như không được nhắc đến trong các văn bản khoa học quốc gia và các hồi ký. Có lẽ, điều đó là do tình hình đặc biệt của Đại hội Đảng XIX trong lịch sử đất nước chúng tôi. Bởi vì, cho đến nay, các văn bản của đại hội này vẫn chưa được công bố đầy đủ. Ở Việt Nam, tình hình cũng tương tự. Trong "Tiểu sử Hồ Chí Minh" chỉ có một câu nói về việc ông tham gia đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô.”

Có một số chi tiết đáng chú ý được nêu trong hồi ký của bà Johann Grotewohl, phu nhân của người đứng đầu CHDC Đức sau này. Đó là chi tiết nói rằng bà đã gặp Hồ Chí Minh tại Đại hội. Bà viết: "Trong bài phát biểu tại đại hội, Hồ Chí Minh đã nói về cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam và tố cáo tội ác của bọn thực dân. Tôi có cảm giác rằng những người có mặt khó có thể kìm nước mắt. Khi ông nói xong, tất cả mọi người rất cảm động. Stalin đến bên Hồ Chí Minh và ôm lấy ông."

Sau khi kết thúc Đại hội, Hồ Chí Minh còn ở lại Moskva hơn một tháng. Ông soạn thảo chương trình nông nghiệp của đảng lao động Việt Nam và lập danh sách các yêu cầu gửi ban lãnh đạo Liên Xô. Trong bức thư cho Stalin ngày 30 tháng 10, ông gửi đến lãnh đạo Liên Xô các đề nghị sau: "Nhận 50-100 học sinh tốt nghiệp trường phổ thông Việt Nam sang du học tại Liên Xô. Gửi cho miền Bắc Việt Nam pháo phòng không để trang bị cho bốn trung đoàn, 72 súng trường và 200 súng máy. Cung cấp cho nước cộng hòa hàng năm 10 tấn thuốc quinine."

Ngày 19 tháng 11 năm 1952, Hồ Chí Minh rời Moskva. Ông gửi cho Stalin một bức thư bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình "vì tất cả những gì Đồng chí đã dành cho tôi."

Ông Anatoly Sokolov nói tiếp:

“Trong kho lưu trữ của Nga không có bằng chứng tài liệu trực tiếp nào về cuộc gặp cá nhân của Stalin với Hồ Chí Minh trong chuyến thăm thứ hai của ông tới Moskva. Nhưng cũng có thể được giải thích việc này, bởi thực tế là ông đến ở Moskva ẩn danh. Hơn nữa, ba tuần sau khi Hồ Chí Minh về nước, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã thông qua Nghị định về việc viện trợ cho VNDCCH một số lượng đáng kể các loại vũ khí và thuốc men - trên thực tế danh sách này trùng với yêu cầu của Hồ Chí Minh. Một nghị định như vậy không thể được thực hiện mà không cần sự đồng ý của Stalin. Và tất nhiên, Stalin sẽ không đưa ra quyết định mà không thảo luận trước với Hồ Chí Minh.”

Về việc viện trợ Liên Xô đã góp phần giúp nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Pháp như thế nào, chúng tôi sẽ mô tả trong chu kỳ tiếp theo của cuộc đàm thoại "Nhìn lại ngày hôm qua" trong chương trình của đài "Tiếng nói nước Nga" phát vào thứ Năm hàng tuần, cũng như trên trang web của chúng tôi.
Nguồn ruvr. ru
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

Photo:http://profilib.com/

Chúng tôi tiếp tục chương trình “Nhìn lại ngày hôm qua” nói về quan hệ Nga Việt.



Trong các cuộc thảo luận trước, chúng tôi đã nói về các nhà cách mạng Việt Nam được đào tạo tại Matxcơva, trong hệ thống giáo dục của Quốc tế cộng sản, giai đoạn những năm 20-30 thế kỷ trước. Theo các dữ liệu còn lưu giữ được cho đến ngày nay, có ít nhất 54 người đã học tại Nga thời đó. Sử gia Matxcơva Anatoly Sokolov cho biết:

“Cuối những năm ba mươi thế kỷ trước, Quốc tế cộng sản và hệ thống trường học của tổ chức này gặp rất nhiều khó khăn. Đó là giai đoạn mà ở Liên Xô đang diễn ra cuộc thanh trừng lớn, lan đến hàng ngũ những người cộng sản nước ngoài, bao gồm cả sinh viên.”

Có lẽ đã dự đoán trước sự phát triển tình hình như vậy nên cuối những năm 1936, bà Vera Vasilyeva, người phụ trách nhóm sinh viên Đông Dương của Trường đại học cộng sản lao động phương Đông đã đề nghị chuyển các nhà cách mạng Việt Nam sang Trung Quốc hay Pháp. Đề nghị này không được chấp nhận. Thay vào đó, Tổng Bí thư Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, lãnh đạo cộng sản Bungari là ông Dimitrov nhận được công văn đề nghị giúp đỡ gửi sinh viên nước ngoài về Tổ quốc, vì "sự tiếp tục hiện diện của họ ở Nga đã trở nên không thể chấp nhận cho công việc học tập và cuộc sống." Vấn đề trong bức thư đề cập đến học viên từ các nước châu Á. Tuân theo hướng dẫn của Dimitrova, Ban liên lạc của Quốc tế cộng sản báo cáo với ông rằng đến tháng 10 năm 1938, 61 học viên đã gửi được về nước, trong đó có 3 người về Đông Dương.

Một thời gian sau khi Quốc tế cộng sản giải tán, đến cuối năm 1938, Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa cũng đóng cửa. Mùa thu năm 1938, ông Hồ Chí Minh rời Matxcơva với mục đích về nước. Đầu năm 1939, ông Nguyễn Khánh Toàn sang Trung Quốc để làm việc với một nhóm các nhà cách mạng Việt Nam.

Hiện nay còn có lưu giữ được một số tài liệu từ những ngày cuối cùng của Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là Danh sách các học viên được chuyển sang Tổ chức quốc tế hỗ trợ các nhà cách mạng (MOPR) có trụ sở tại Matxcơva. Trong danh sách này có hai người Việt Nam. Đó là Shan Peton và Claude Jean, những người cuối cùng đến Matxcơva để học khóa 1935.

Tên thật của Shan Peton là Nguyễn Văn Nem, người gốc Bắc Bộ, đến Matxcơva từ Marseilles. Jean Claude tên thật là Tran Don Phuong, người Hải Phòng, từng làm đầu bếp và thủy thủ ở Pháp, thành viên MOPR từ năm 1930, là người tổ chức cuộc đình công của thủy thủ Đông Dương tại cảng Le Havre (Pháp) trong năm 1931.

Có lẽ họ là một trong số ít học viên Việt Nam của hệ thống Quốc tế cộng sản ở lại Nga sau khi hệ thống giải tán. Ngoài hai người đó, có thể còn thêm một học viên khác ở lại Nga là Remy - tên thật là Trần Văn Kiệt. Ông là người Vĩnh Long, từ năm 1930 sống ở Pháp, là thành viên huynh đoàn Đông Dương ở Marseille và Toulouse. Đến Nga năm 1931 và sau khi học tại Trường đại học cộng sản phương Đông, theo một số nguồn tin, ông đã trải qua đào tạo tại trường quân sự đặc biệt của Quốc tế cộng sản.

Dấu vết tiếp theo của các nhà cách mạng Việt Nam có tên trong tài liệu Quốc tế cộng sản như Remy, Shan Peton và Claude Jean đã bị mất. Có lẽ khi ở lại nước Nga, họ là những người Việt Nam tự nguyện gia nhập Hồng quân khi Đức quốc xã tấn công Liên Xô.
Nguồn ruvr .ru
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

© Flickr.com/Магадан/cc-by-nc-sa 3.0

Trong các cuộc mạn đàm trước, chúng tôi đã nói về các nhà cách mạng Việt Nam đã học tập tại Matxcơva những năm 20-30 thế kỷ trước trong hệ thống cơ sở giáo dục của Quốc tế cộng sản.



Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên Việt Nam khi học tại trường Đại học lao động phương Đông của Quốc tế cộng sản ở Nga đều có cuộc sống thuận lợi và thành đạt.

Hôm nay chúng tôi xin kể với các bạn thính giả câu chuyện về một học viên Việt Nam có số phận thật trắc trở, bất thường. Đó là ông Lý Di Tú, sinh năm 1904 ở Nam Định, khi học ở trường Đại học Lao động phương Đông có bí danh Lê-ô. Năm 1923, trốn dưới hầm chiếc tàu buôn Pháp, người thanh niên thành Nam này đã bí mật đến Marseille. Năm 1932, Lê-ô gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, và tháng 12 năm ấy được Đảng Cộng sản Pháp gửi đi học ở trường Đại học Cộng sản Phương Đông Matxcơva.

Việc học tập ở Matxcơva đã yên ả trôi qua được gần một năm rưỡi. Tháng Tư năm 1934, trong một cuộc kiểm tra ở trường Phương Đông, Lê-ô đã bị bắt giam. Nhà sử học Anatoly Sokolov nói:

“Có hai cách lý giải về vụ bắt giam này. Thứ nhất, Lý Di Tú được cho là đã đánh mất thẻ Đảng. Nhưng đây là giả thuyết không chắc chắn chút nào, vì khi nhập học ở trường Phương Đông, mọi sinh viên nước ngoài đều phải nộp tất cả mọi thứ giấy tờ cá nhân cho Ban Thư ký nhà trường. Cách lý giải thứ hai là hình như khi kiểm tra phòng ở của Lê-ô trong ký túc xá, người ta đã phát hiện thấy những giấy tờ gì đó khả nghi, chứng cớ về liên hệ của Lê-ô với những người T’rôt-kit. Ở đây, cần phải nói thêm rằng, thời đó, liên hệ với T’rôt-kit là một tội nặng. Cùng thời gian này, bị bắt ở Matxcơva khi đang theo học tại trường Phương Đông còn có con trai Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc, vị Tổng thống tương lai của Đài Loan, cũng can tội liên hệ với Trôskit.”

Nhưng thôi, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện về Lê-ô. Hẳn là, những giấy tờ gì đó được tìm thấy trong phòng ở của Lê-ô chỉ là những thứ vô hại. Đáng tiếc thay, là một người ít học, kém cả tiếng Pháp lẫn tiếng Nga, Lý Di Tú đã không thể giải thích rõ ràng cho các cán bộ kiểm tra hiểu mình. Mà khi đó, trong không khí nghi ngờ bao trùm tất cả, nước Nga chìm ngập trong chiến dịch “thanh trừng kẻ thù nhân dân”, hàng triệu người đã thành nạn nhân, trước hết là công dân Nga vô tội. Trong bối cảnh ảm đạm ấy, có thể nói rằng Lê-ô vẫn còn khá may mắn. Ông bị gạch tên khỏi danh sách học viên trường Phương Đông và chỉ bị giam hai tháng tại nhà tù Lubyanka, nằm cạnh trụ sở KGB. Nhiều người đã mòn mỏi hàng chục năm trong nhà tù này. Còn Lê-ô, sau hai tháng tạm giam ở đây, ông đã được giải về vùng Vologodski, cách Matxcơva 500 cây số về phía Bắc. Tại đó, Lê-ô được giao việc chăn bò.

Năm 1937, Lê-ô quyết định trở lại nước Pháp. Sự quản chế ở nơi đi đày nói chung khá lỏng lẻo, vì thế Lê-ô đã về được đến Matxcơva, rồi từ đó lên xe lửa đi Đức. Nhưng khi tàu đến Minsk, thủ đô Belorus, vị hành khách châu Á này lại bị bắt. Lần thứ hai Lê-ô bị bắt giam và đã ngồi tù một năm rưỡi. Sau đó, ông bị đày đến trại cải tạo trên lãnh thổ nước Cộng hoà Komi thuộc Liên Xô, cách Matxcơva 1500 km về hướng đông-bắc. Chỉ đến năm 1946, người tù này mới được tha. Ra trại, Lê-ô đến sống ở thành phố Ukhta, thuộc nước Cộng hoà Komi. Năm 1955, Lý Di Tú mới được minh oan là đã bị xét xử nhầm.

Được tự do, Lê-ô đã lấy một phụ nữ Nga trước đây cùng ở tù làm vợ. Họ có với nhau một người con trai tên là Aleksei. Lê-ô còn có một con trai là Nikolai với người vợ sau. Cho đến giữa những năm 60, Lê-ô làm nghề cấp dưỡng tại Ukhta, sau đó về nghỉ hưu.

Những năm ấy, nhiều lần ông tìm cách trở về Việt Nam, từng đề nghị đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva giúp đỡ. Năm 1958, nhà văn Tô Hoài sang Nga công tác đã gặp Lê-ô ở sứ quán. Mặc dù hồi ấy Lê-ô chỉ mới 54 tuổi, nhưng trông già đến mức nhà văn Tô Hoài nghĩ là một cụ già. “Ông cụ” 54 tuổi này quên sạch tiếng mẹ đẻ, đến nỗi không thể nào phát âm được tên thật của chính mình.

Năm 1984, khi đã 80 tuổi, Lê-ô lại một lần nữa sửa soạn về Việt Nam. Lần này, nguyên tắc y tế không cho phép ông lên đường, vì ông đã cao tuổi và sức khỏe kém.

Vậy là, Lê-ô Lý Di Tú đã sống gần 60 năm ở nước Nga. Đến Liên Xô sau khi Đảng Cộng sản Đông dương thành lập được hai năm, trên đất Nga, Lý Di Tú đã chứng kiến ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, đón tin quê hương Việt Nam giành được độc lập, thắng thực dân Pháp, tin giải phóng miền Nam. Trong tù, tại nơi đi đày và ngoài đời thường, người đàn ông gốc Việt có số phận trớ trêu ấy đã sống tha hương ở nước Nga lâu hơn tất cả mọi người Việt Nam từng đến và sinh sống ở xứ sở xa xôi này.
Nguồn ruvr. ru
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

© Flickr.com/- luz -/cc-by-nc-sa 3.0
Các bạn đang nghe chương trình nói về sự hợp tác Nga - Việt sau năm 1917.
Các bạn đang nghe chương trình "Nhìn lại ngày hôm qua" nói về sự hợp tác Nga - Việt sau năm 1917. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện về những người cách mạng Việt Nam được đào tạo ở Nga những năm 20-30 thế kỷ trước trong hệ thống giáo dục của Quốc tế cộng sản ở Nga. Sử gia Matxcơva Anatoly Sokolov kể:

“Chúng ta đã nói về Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Khánh Toàn. Với bí danh Nga là Blokov, em trai Trần Phú, ông Trần Ngọc Danh cũng đã theo học ở Matxcơva. Năm 1929, ông được nhận vào trường Đại học Cộng sản lao động phương Đông, và năm sau chuyển sang Trường Quốc tế Lenin, nơi đào tạo cán bộ cách mạng cao cấp.”

Trong những năm học tập tại Matxcơva, ông Dương Bạch Mai mang họ Nga là Burov. Tháng Tám năm 1929, ông đã được ghi danh vào trường Đại học Cộng sản lao động phương Đông, ngay sau khi chuyển đến từ Pháp. Nhưng đến tháng Tư năm sau, ông được cử đi Paris để làm việc trong hàng ngũ những người Đông Dương tại thủ đô Pháp. Năm 1932, ông trở về Việt Nam. Ông phải trải qua bốn năm tù tại Côn Đảo, cùng với Lê Hồng Phong và Lê Duẩn. Ông Dương Bạch Mai tích cực tham gia sự kiện cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Năm 1954 ông được chuyển ra Hà Nội, tham gia tích cực trong đời sống xã hội chính trị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đứng đầu Hội Hữu nghị Việt - Xô.

Khi học tại trường Đại học Cộng sản lao động phương Đông, ông Bùi Công Trừng có bí danh Giao. Ông tốt nghiệp khóa học ba năm 1927-1930. Trong giai đoạn học tập, ông đã tham gia tổ chức đoàn thanh niên Komsomol. Trở về nước ông bị giặc giam giữ trong tù nhiều năm, về sau trở thành nhà phê bình văn học nổi tiếng. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Nguyễn Ngọc Vy học tại trường Đại học Cộng sản lao động phương Đông trong những năm 1932-1934 dưới tên là Can. Trước đó, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, ông học tại Trường Quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc hai năm, sau đó phục vụ trong hang ngũ Hồng quân Trung Quốc, đã tham gia 50 trận chiến đấu chống Quốc Dân Đảng. Tháng Giêng năm 1931, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Vy được gửi đi học ở Matxcơva, nhưng bị chính quyền Quốc Dân Đảng bắt giữ và phải ở tù khoảng một năm. Nhờ Tổ chức quốc tế ủng hộ các chiến sỹ cách mạng, ông được ra tù và đến Matxcơva. Phải nói thêm là tổ chức này có trụ sở nằm ở Matxcơva, về sau có một số người đồng hương của ông làm việc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, ông đã hoạt động trong Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi Lê Hồng Phong khi trở về Việt Nam, Nguyễn Ngọc Vy lên thay và phụ trách hoạt động ngoài nước của Đảng. Ông tham gia một số hội nghị và phiên họp toàn thể của Trung ương Đảng, được bầu vào Ủy ban Trung ương, được truy tặng hàm cấp tướng.

Khi theo học ở Matxcơva, ông Hà Huy Tập lấy họ Nga là Sinichkin. Làm việc tại Trung Quốc, ông đích thân kêu gọi lãnh sự quán Liên Xô gửi ông sang học ở Nga. Ông tốt nghiệp khóa học ba năm trường Đại học Cộng sản lao động phương Đông vào mùa xuân năm 1932. Ông được cử về Việt Nam qua đường Pháp, nhưng đã bị bắt tại Paris và bị trục xuất sang Bỉ. Vì vậy, đến mùa thu năm 1932 ông trở lại Matxcơva và tiếp tục học tập tại Đại học Cộng sản lao động phương Đông. Hà Huy Tập đã viết nhiều tác phẩm về phong trào giải phóng dân tộc. Lần cuối cùng ông rời khỏi nước Nga vào mùa xuân năm 1933.

Ông Trần Văn Giàu đã được học tại trường Đại học Cộng sản lao động phương Đông trong thập kỷ 1930. Trong giai đoạn này ông đã viết một cuốn sách nhỏ nhan đề là "Kỷ niệm đỏ Nghệ An" nghiên cứu chiến thuật hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương. Vào cuối những năm 1932, ở tuổi hai mươi, ông trở về Việt Nam. Nhiều lần bị bắt và bị giam cầm, ông là một trong những nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Sài Gòn vào năm 1945. Trở về Hà Nội Hà Nội năm 1949, ông tham gia giảng dạy đại học và đã viết hơn năm mươi cuốn sách về lịch sử.

Chúng tôi vừa kể vắn tắt về một số sinh viên hệ đào tạo Quốc tế cộng sản Việt Nam tại Nga trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước. Được đào tạo ở Nga, họ đã mang kiến thức về sử dụng thành công trong cuộc đấu tranh cách mạng ở quê hương mình.

Tuy nhiên, giai đoạn ở Nga không phải là khoảng thời gian thành công nhất trong đời sống của tất cả những người thanh niên cách mạng Việt Nam đến Matxcova để học tập.
Nguồn ruvr .ru
 
Top