Cần năng khiếu để học ngoại ngữ?

levietbao

Thành viên thường
"Học ngoại ngữ có cần năng khiếu không?"

Đương nhiên rồi. Học ngoại ngữ cũng là một lĩnh vực cần đến năng khiếu, cũng như làm thơ, giải toán, chơi nhạc, chơi thể thao... Nhưng năng khiếu trong việc học ngoại ngữ cũng được chia ra làm nhiều loại. Thứ nhất là khả năng bắt chước, tức là người học có thể lặp lại y hệt những gì người khác nói, từ phát âm cho đến ngữ điệu mà không vấp phải nhiều khó khăn. Đây được coi là "năng khiếu vàng" trong việc học ngoại ngữ vì nó tạo cho người học sự tự tin trong giao tiếp và tạo cho người nghe nhiều thiện cảm về người học. Càng tự tin vì thấy mình làm được cái việc mà nhiều người không làm được thì lại càng muốn làm, khoảng cách trình độ giữa người có năng khiếu và người không có cũng vì thế mà ngày một xa. Tuy nhiên năng khiếu này không đúng với tất cả các ngôn ngữ. Thường thì một người nói tốt các ngôn ngữ phương đông sẽ không nói được tốt ngôn ngữ phương tây và ngược lại. Nói tốt ở đây không phải là nói ra cho người ta hiểu mà là phải có phát âm, diễn đạt câu, ngữ điệu đều chuẩn như người bản địa. Thật ra trên thế giới cũng có nhiều người làm được với nhiều ngôn ngữ ở cả hai nửa địa cầu nhưng số lượng này so với phần đông người học ngoại ngữ khác thì chỉ như "sao buổi sớm", "lá mùa thu". Thứ hai là khả năng ghi nhớ, tức là có thể nhớ lại một cách dễ dàng những gì mình đã học. Trí nhớ con ngươi chia ra làm hai loại: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Một người có trí nhớ ngắn hạn tốt sẽ có thể ghi nhớ tạm thời một lượng ký tự nhất định trong một thời gian ngắn, trong khi một người có trí nhớ dài hạn tốt dù ban đầu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nhưng nếu đã nhớ rồi thì nhớ rất dai. Cũng như năng khiếu về phát âm, không có nhiều người sở hữu được năng khiếu về cả hai loại trí nhớ này. Hai loại năng khiếu trên là tiền đề cho bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Nói tốt thì nghe tốt, mà đọc tốt thì viết tốt. Điều này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên một người học dù hội tụ được cả hai loại năng khiếu nói trên thì cũng không thể có thành tựu đáng kể nếu không chăm chỉ cần cù. Bạn có thể có năng khiếu hơn người khác nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ được việc hơn người ta ở một ngôn ngữ nào đó nếu bạn không dành thời gian cho nó một cách tử tế. Có nhiều người phát âm và ngữ điệu không tốt nhưng người ta chịu khó đầu tư thời gian, nắm vững ngữ pháp, biết nhiều từ vựng, lại làm việc với người bản địa của thứ ngôn ngữ đó trong một thời gian dài nên chắc chắn người ta sẽ đánh bại bạn nếu hai người cùng ứng tuyển cho một công việc yêu cầu ứng viên phải dùng ngôn ngữ đó một cách chuyên nghiệp như phiên dịch đa chuyên ngành. Một người có năng khiếu và hứng thú là một người có thể chỉ mất 3 đến 6 tháng để giao tiếp được ở một ngôn ngữ nào đó, là một người có thể nói 10, 20 thứ tiếng... nhưng thường lại không thể làm việc một cách chuyên nghiệp với những ngoại ngữ mà họ biết. Bởi vì sao? Bởi vì bản thân họ chỉ chạy theo số lượng, tìm cách nâng con số ngôn ngữ mà mình "nói" được lên rồi dễ dàng cho rằng mình đã chinh phục được ngôn ngữ đó. Biết rất nhiều nhưng thật ra ngoài tiếng mẹ đẻ ra những thứ còn lại lại chẳng biết mấy. Quay vài cái clip, giao tiếp vài câu linh tinh để khoe phát âm, diễn giả nơi này nơi nọ nhưng vứt cho quyển tiểu thuyết hay bài thơ cổ bảo đọc là há mồm ngay. Dân đa ngữ chuyên nghiệp biết rất rõ điều này nhưng vì số lượng của họ là quá ít ỏi so với phần còn lại nên họ không thể giải thích, bóc mẽ cho thế giới hiểu bản chất của những "hiện tượng ngôn ngữ" trên. Một phần nữa cũng là vì họ muốn dành thời gian tập trung nghiên cứu cho bản thân mình chứ chẳng hơi đâu đi diễn trò như kẻ khác. Những "hiện tượng" như vậy vẫn được tung hô rầm rộ trên truyền thông thế giới, bởi vì truyền thông vốn cũng là những người không hiểu vấn đề và chỉ chăm chăm trục lợi từ sự thiếu kiến thức của người thường. Điều này có thể tốt về mặt gây danh tiếng cho một ai đó nhưng không tốt chút nào cho họ về mặt kiến thức.

Vậy vấn đề với những người học ở đây là gì?

1. Nếu bạn có hứng thú, có năng khiếu, chỉ cần một trong hai loại năng khiếu tôi nói ở trên, hoặc một phần của một loại năng khiếu nào đó thì tôi cũng rất khuyến khích bạn nên theo đuổi ngoại ngữ. Năng khiếu là món quà mà Thượng Đế đã ban cho bạn, không tận dụng và phát huy nó lên cực điểm chẳng phải lãng phí lắm sao? Chẳng phải có lỗi với bản thân mình lắm sao?

2. Nếu bạn cảm thấy mình mất quá nhiều thời gian và nỗ lực để làm gì đó mà vẫn không làm đến chuẩn mực được thì nên bỏ nó đi. Không có năng khiếu không phải là không học được. Rất nhiều bạn gặp vấn đề với phát âm nhưng tôi khuyên bạn đừng cố gắng trong vô ích nếu bạn không có khả năng bắt chước. Nếu bạn có năng khiếu này thì chẳng cần ai dạy bạn cũng có thể phát âm tốt. Còn nếu không, có học đến đâu cũng chỉ đến thế thôi nên hãy chấp nhận phát âm của mình ở mức có thể khiến người nước ngoài hiểu được và dành thời gian đầu tư cho ngữ pháp, từ vựng, vốn là những thứ trọng yếu trong việc sử dụng ngôn ngữ. Khi so sánh với một đối thủ phát âm tốt mà yếu từ vựng, yếu kinh nghiệm thì chắc chắn bạn sẽ ở cửa trên. Những nhà tuyển dụng nhân tài ngôn ngữ họ không giống đám khán giả không hiểu biết, họ biết đánh giá và họ cần những người giỏi cả 4 kỹ năng, giàu kiến thức và làm được việc chứ không cần những người chỉ biết giao tiếp, chọc cười vài câu vớ vẩn.

3. Nếu bạn có thể học được nhiều ngôn ngữ, hãy học từng ngôn ngữ một cho đến nơi đến chốn rồi hẵng chuyển sang ngôn ngữ khác. Đối với mỗi ngôn ngữ hãy hướng đến chứng chỉ cao nhất trong kỳ thi khó nhất của ngôn ngữ đó, sau đó thử thách mình ở những thứ cao siêu hơn. Bạn nói bao nhiêu ngôn ngữ không quan trọng bằng việc bạn thành thạo bao nhiêu ngôn ngữ. Chỉ cần học thật giỏi một ngoại ngữ thôi là bạn đã "có tiền" rồi. Học thêm được các ngoại ngữ khác đến tầm đó thì cơ hội tìm đến như trái chín loà xoà trước mặt chờ bạn hái. Còn nếu bạn chỉ nói được vài câu giao tiếp vớ vẩn ở một vài ngôn ngữ rồi mừng vì thiên hạ đã nể phục mình thì tức là cái người "có tiếng mà không có miếng" như bạn đang làm hại chính bản thân mình.

Năng khiếu là một yếu tố quan trọng giúp bạn học nhanh hơn nhưng không phải là thứ quyết định thành tựu của bạn. Dù có hay không có năng khiếu bạn cũng cần đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc một cách nghiêm túc cho thứ ngôn ngữ mà bạn chọn học. Hãy học một cách chăm chỉ, học mỗi ngày, học như thể đó là con đường duy nhất mà mình có thể đi. Nếu ngày xưa bạn có thể học thuộc bảng cửu chương 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, nếu người ở những nước đó có thể ghi nhớ hàng ngàn hàng vạn ký tự trong ngôn ngữ của họ thì không có lý do gì bạn lại không nhớ được chúng. Hãy dành bộ nhớ của mình cho những thứ hữu ích, tránh xa những thông tin nhảm nhí vô thưởng vô phạt được đăng hàng ngày vì chúng sẽ xâm chiếm bộ nhớ của bạn và làm bạn phân tâm. Hãy có trách nhiệm hơn với thời gian, với tiền bạc, với công sức mà mình bỏ ra. Thái độ của bạn với việc học mới là thứ quyết định tất cả.

Bài viết của tác giả : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Tôi tổng hợp trả lời thêm một số câu hỏi của các bạn về việc học ngoại ngữ.
1. Sao anh lại học từ điển? Từ điển khô khan khó nhớ dễ quên, sao không học trong sách báo, có câu mẫu đi kèm, dễ liên tưởng, dễ nhớ hơn?
Xin trả lời bạn như sau:
Bạn nói đúng, từ điển khó học dễ quên. Nhưng chính vì khó học dễ quên nên tôi mới học. Từ điển bây giờ cũng khác ngày xưa rồi. Với mỗi từ đi kèm đều có các mẫu câu ví dụ, như thế không khác đọc sách báo là mấy. Nhưng điều quan trọng là tôi học từ điển không phải để cố gắng nhớ hết quyển từ điển. Tôi nhớ và cho phép mình quên, nhưng quên chính là để luyện trí nhớ. Đạo lý này rất ít người hiểu được. Các bạn học ngoại ngữ toàn hỏi những câu như "anh có mẹo gì để học cho nhanh không bày em với", tôi rất lấy làm chán. Toàn những người thích đi con đường dễ dàng mà lại muốn thành công cao. Mẹo thì có đầy và nếu cứ theo mấy cái mẹo ấy thì các bạn vẫn nhớ được từ, nhưng các bạn sẽ trở nên thụ động, bộ não các bạn lười đi và điều này không tốt cho trí nhớ chút nào. Thật ra bộ não cũng như cơ bắp, bạn luyện cái gì nhiều thì nó càng phát triển. Nếu chỉ dùng mẹo để nhớ thì tôi đảm bảo là khi gặp những lúc phải dịch nhiều từ chuyên ngành khô khan thì não bạn sẽ không tải được, vì vốn dĩ nó không được chuẩn bị để làm việc này. Nó không thể ghi nhớ nhanh thì cũng không thể truy cập nhanh để nói hay viết ra ngay được. Tất nhiên mỗi người sẽ có cho mình một phương pháp học riêng và tôi cũng không dám nói phương pháp của mình là hay nhất và có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng riêng với tôi, đọc từ điển giúp tôi luyện trí nhớ và bằng việc tăng tần suất nhìn thấy cái từ, cụm từ ấy lên thì xác suất tôi nhớ được nó khi đột nhiên phải động vào là khá cao.

2. Thời sinh viên anh vừa học chuyên ngành kỹ sư điện, vừa đi làm thêm, lại vừa học bao nhiêu ngoại ngữ như vậy thì thời gian đâu ra để anh học.
Xin trả lời bạn như sau:
Mỗi người chúng ta đều có 24 giờ mỗi ngày như nhau nhưng cái cách chúng ta dùng thời gian ấy như thế nào sẽ tạo ra sự khác biệt. Tôi tận dụng từng khoảng thời gian nhỏ nhất trong ngày để học. Lúc tôi đang tắm tôi cũng có thể học được. Lúc tôi cắm nồi cơm tôi cũng có thể học được. Lúc tôi đi bộ trên đường hoặc trên xe buýt tôi cũng có thể học được. Lúc nghỉ 5, 10 phút giữa các tiết học trên lớp tôi cũng có thể học được. Tất cả những người từng là bạn bè, giáo viên của tôi ở trường đại học kỹ thuật đến giờ này nếu còn theo dõi facebook tôi, đọc được những dòng này hẳn sẽ nhớ lại mấy năm trước đây có một cậu sinh viên nào cũng đeo tai nghe, nhiều khi gọi mà cậu ấy lơ đãng không trả lời. Rồi thi thoảng lại thấy cậu ấy cầm cuốn sách đi lòng vòng quanh sân trường không cần biết những gì đang diễn ra xung quanh. Đó chính là tôi.
Trong một bài viết khác tôi cũng có nói rồi. Các bạn trẻ đang quá lãng phí thời gian của mình vào những thứ không đáng. Dõi theo cuộc sống của sao này sao kia, sa đà vào tung hô, chê bai người khác, để làm gì? Sống cho người khác xem, xem người khác mà sống, để làm gì? Yêu đương nhăng nhít tối ngày quấn quýt rồi cãi vã chia tay, để làm gì? Bạn bè miền xuôi miền ngược, rảnh lúc nào là tụ tập trà đá nhậu nhẹt, để làm gì? Ai cũng biết thời gian là thứ đã mất đi thì không bao giờ trở lại, nhưng tiếc thay tuổi trẻ thường không đủ sáng suốt để biết cách tận dụng nó.

3. Anh không tốt nghiệp trường chuyên ngoại ngữ thì sao anh có thể đi dịch cho chính phủ được? Bằng cách nào anh chứng minh năng lực của mình?
Xin trả lời bạn như sau:
Tôi không tốt nghiệp trường chuyên về ngoại ngữ nhưng không có nghĩa là ngoại ngữ của tôi không bằng các bạn tốt nghiệp trường chuyên ngữ. Tôi không thể chứng minh khả năng của mình bằng tấm bằng kỹ sư điện nhưng tôi chứng minh bằng thực lực thật sự của mình cộng với chứng chỉ quốc tế cao nhất của ngôn ngữ đó. Tất nhiên, chứng chỉ chỉ là để khách hàng họ nhìn vào thì an tâm hơn thôi chứ những người đã tìm hiểu sâu về ngôn ngữ đó hẳn đều biết mấy cái chứng chỉ ấy dù là ở cấp cao nhất thì kiến thức vẫn chỉ là cho… học sinh thi và chẳng ai tự hào về mấy mảnh giấy ấy cả. Cái quan trọng nhất vẫn là thực lực của các bạn và các bạn phải nêu rõ nó trong CV. Dịch cho công ty nào, đoàn thể nào, tổ chức nào, cứ từ nhỏ đến lớn mà ghi. Trước tiên là các công ty nhỏ, rồi tập đoàn lớn, rồi tổ chức chính phủ, phi chính phủ nhỏ, rồi đến các cơ quan chính phủ lớn. Ban đầu chấp nhận dịch với thù lao thấp thôi nhưng mỗi lần dịch như vậy phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bạn có làm tốt thì người ta mới tín nhiệm, mới gọi bạn lần sau và giới thiệu bạn cho những chỗ khác. Các công ty phái cử thấy năng lực của bạn như vậy cũng tự tin mà giới thiệu bạn với những nơi cần nguồn nhân lực cấp cao. Khởi đầu chỉ vài chục USD nhưng sau này một ngày 1000 USD cũng không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Một khi CV của bạn đã vào hàng “top class” của họ rồi thì chỉ sợ bạn không có thời gian mà đi dịch vì trùng lịch.

4. Sao anh lại học tiếng Pháp? Nhiều người nói rằng tiếng Pháp đã chết ở Việt Nam rồi vì chẳng có đất dùng. Nhiều người học khoa tiếng Pháp xong rất khó xin việc nên phải xoay sang học cái khác.
Xin trả lời bạn như sau:
Khi tôi chọn học một thứ ngôn ngữ nào đó tôi không quan tâm đến việc ngôn ngữ đó còn sống hay đã chết tại một nơi nào đó. Tôi cũng không quan tâm đến việc ngôn ngữ đó có mang lại cho mình cái gì trong tương lai hay không. Điều duy nhất mà tôi quan tâm là tôi có hứng thú với ngôn ngữ đó hay không. Tôi thích tiếng Pháp, thích từ thời còn bé lon ton mở ti vi xem phim “Người đẹp Tây Đô”, thấy cô Việt Trinh nói tiếng Pháp hay quá nên mê luôn. Thông qua việc học tiếng Pháp nói riêng và ngoại ngữ nói chung tôi được cái gì? Thứ nhất, tôi được niềm vui, và thứ hai, tôi được kiến thức. Đó là hai thứ mà tôi truy cầu. Còn thành công có đến bằng con đường đó, bằng thứ tiếng đó hay không xin nhường cả lại cho tương lai, cho Thượng Đế an bài. Nhưng dù có hay không với tôi cũng không quá quan trọng, vì tôi đã đạt được hai thứ lớn nhất mà mình mong muốn rồi.

Nói thêm một chút về việc bạn bảo học tiếng Pháp xong khó xin việc nên phải xoay sang cái khác vì tiếng Pháp không còn thế mạnh ở Việt Nam. Tôi thừa nhận bạn nói đúng ở chỗ tiếng Pháp lép vế so với các tiếng Châu Á mới nổi như Nhật, Hàn. Nhưng như thế không có nghĩa là người học tiếng Pháp không còn đất dụng võ. Tôi vẫn thấy nhiều đoàn chuyên gia Pháp sang làm việc với các tổ chức, các cơ quan chính phủ của Việt Nam. Gần đây nhất là một đoàn đến Viện mắt trung ương thăm khám và cũng ráo riết tìm phiên dịch. Cái quan trọng không phải ở chỗ ngôn ngữ đó có còn thông dụng hay không mà là ở chỗ bạn có đủ giỏi để đáp ứng được yêu cầu ở cấp cao đối với ngôn ngữ đó hay không. Các thầy cô dạy tiếng Pháp ở các trung tâm Pháp ngữ nhiều khi chỉ dạy cho vui chứ họ dịch ngoài thu nhập còn cao hơn nhiều. Sự biến động của thời thế là không thể nói trước được. Nhưng nếu đã thích cái gì đó, đã chọn học nó thì hãy cố gắng nâng cao nó hết sức có thể. Nếu bạn thực sự giỏi thì đất diễn cho bạn vẫn còn rất nhiều.

5. Rào cản lớn nhất khi học nhiều ngôn ngữ một lúc là gì?
Xin trả lời bạn như sau:
Trong một bài viết khác tôi cũng có đề cập tới rồi. Rào cản lớn nhất không đến từ môi trường mà đến từ chính bản thân bạn. Cái tâm thế mà bạn dùng để tiếp cận ngôn ngữ mới là rất quan trọng vì nó sẽ quyết định thành tựu của bạn ở ngôn ngữ đó. Có bạn thành thạo tiếng Anh, nhảy qua tiếng Nhật thấy ngữ pháp từ vựng khác hoàn toàn, khó không học được nên càng học càng lơ là, trong lớp tiếng Nhật thi thoảng lại chém tiếng Anh, như thế là hỏng. Khi tiếp cận một thứ kiến thức mới ta phải coi như mình không có gì trong đầu mà khiêm cung học hỏi thì mới mong tiến bộ được. Lại có bạn học nhiều thứ tiếng cùng một lúc, tiếng nào cũng chém được vài câu giao tiếp, ỷ mình phát âm tốt, gây ấn tượng lên người nghe nên được người ta khen mà tự hào về bản thân mình. Như thế cũng hỏng. Ấy là học được cái vỏ ngoài hời hợt của ngôn ngữ, chém cho oai vậy thôi chứ làm sao mà làm việc được. Ra đường thì chém rất oai, đến khi có việc cần dùng ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp thì co rúm lại cố thủ trong nhà. Lại cũng có bạn học nhưng không chịu đi từ cơ bản, cái gì cũng thích nhảy cóc, coi số lượng hơn chất lượng, không chịu đọc sách báo để trau dồi, viết bài thì dùng từ đao to búa lớn nhưng ngữ pháp với văn phong cơ bản thì sai be bét, như thế cũng vứt đi mà thôi. Người giỏi ngoại ngữ là người biết dùng đúng từ và cụm từ trong ngữ cảnh thích hợp chứ không phải cứ lôi mấy từ trên sao Hoả ra để chém tơi bời trong khi mình còn chưa hiểu gì nhiều về nó. “Mindfulness” trong clip của elight bị Dan Hauer bóc mẽ là một ví dụ đó. Học được mà không dùng được, có tiếng mà không có miếng, thử hỏi học loè người được tích sự gì?

Thông thường người ta sẽ trải qua nhiều giai đoạn khi học. Giai đoạn tiếp cận ngôn ngữ, thấy thú vị nên hào hứng. Đến giai đoạn giao tiếp kha khá rồi lại thấy như mình giỏi, tưởng như thế là xong, ai dè mình mới chỉ như đứa trẻ tập nói mà thôi. Nhưng nếu tiếp tục cúi đầu học hỏi thì sẽ đến giai đoạn thấy mình quá nhỏ bé trước vùng kiến thức của ngôn ngữ đó, từ đó càng học càng giỏi. Nếu các bạn không xác định cho mình một tâm thế khiêm cung cầu tiến để học hỏi một cách nghiêm túc thì có học bao nhiêu tiếng, bao nhiêu năm cũng chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi.

Bài viết của 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Một bạn trẻ nói với tôi: "Anh thông minh thật. 30 tuổi đã thành thạo cả mấy thứ tiếng, thông hiểu bao nhiêu chuyện. Em thì chẳng được thông minh như thế".

Tôi trả lời: "Điểm làm nên sự khác biệt giữa tôi và cậu không phải là sự hơn kém nhau về đầu óc mà là về cách sử dụng thời gian."
Ai cũng biết thời gian là thứ đã mất đi thì không bao giờ trở lại, nhưng tiếc thay tuổi trẻ thường không đủ sáng suốt để biết cách tận dụng nó. Đến khi có tuổi rồi mới nhận ra mình đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian thì hối tiếc không kịp. Lúc đó muốn bắt đầu lại chưa phải là muộn nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều so với hồi còn trẻ bởi vì sức khoẻ, sự minh mẫn và sự tự do đã không còn được như xưa. Kìa, hãy nhìn những người trẻ mà xem:
Bao nhiêu kẻ đã bỏ thời gian ra để theo dõi cuộc sống của người khác. Người ta đi đâu, làm gì là việc của người ta. Mình có cuộc sống riêng của mình, tại sao cứ phải dõi theo cập nhật hoạt động của người ta làm gì? Cùng là con người với nhau, tại sao cứ phải chạy theo thần tượng người khác thay vì cố gắng kiện toàn bản thân để sau này mình cũng có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội? Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã tìm cách giết thời gian bằng trò chơi. Nếu chơi để giải trí sau khi học hành làm việc vất vả thì không sao. Nhưng chúng lại sa đà chơi hết ngày này qua tháng khác. Những trò chơi ấy không chỉ lấy đi của chúng bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức mà còn tiềm tàng những nguy hiểm khó lường, lấy đi cả sức khoẻ, thậm chí sinh mạng của chúng và người khác. Cái nhận được thì ảo mà cái mất đi thì thật. Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã dùng thời gian của mình để sống cho người khác xem, xem người khác mà sống. Ta được sinh ra trên đời, được ban cho cơ thể và linh hồn này là để sống cho chính ta. Vậy mà đã có bao nhiêu người dùng thời gian chỉ để cố gắng làm người khác ghen tỵ đố kỵ với mình, hoặc để người ta ngưỡng mộ tôn sùng mình, hoặc để làm vừa lòng tất cả mọi người, lúc nào cũng sống dưới một lớp hoá trang dày đặc. Sự mệt mỏi trong cả thể xác lẫn tinh thần với những vai diễn như thế này biết bao giờ mới chấm dứt đây? Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã dùng thời gian quá đà cho những mối quan hệ. Yêu đương thì nhắn tin, gọi điện triền miên, bạn bè thì cà phê, nhậu nhẹt tối ngày. Những mối quan hệ vốn dĩ là để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, khiến mình sống có ích hơn mà giờ đây đâm ra phản tác dụng. Bao nhiêu người đã đốt quá nhiều thời gian, hy sinh cả cuộc sống riêng để duy trì các mối quan hệ đó, rốt cuộc đến lúc tình mất bạn đi thì ta cũng chẳng còn gì mà năm tháng thì đã vùn vụt trôi qua. Tiếc thay.
Bao nhiêu kẻ đã lãng phí thời gian của hiện tại để sống cho quá khứ. Quá khứ dẫu có đẹp đẽ huy hoàng, hoặc an nhiên thoải mái thì cũng là thứ đã đi qua rồi. Hiện tại mới là thứ cần đầu tư chăm chút. Nếu cứ dùng thời gian của hiện tại để sống cho quá khứ thì tương lai nhìn về hiện tại lúc này sẽ chỉ thấy một khoảng trống rỗng không màu, chẳng có gì để nhớ lại. Như thế có khác gì đã đánh mất bao nhiêu năm tháng của cuộc đời vào hư vô. Tiếc thay.
Hãy đi ngang với thời gian chứ đừng để thời gian đi ngang qua ta.

Bài viết của tác giả 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Có nhiều bạn trên FB vẫn cho rằng mình rất tự hào về trình độ ngoại ngữ của mình. Thật ra các bạn chẳng hiểu gì về mình cả. Đúng là cách đây vài năm, thời sinh viên, khi mới nói được ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 mình đã thấy tự hào về bản thân, nhưng khi học đến ngôn ngữ thứ 6, thứ 7 thì niềm tự hào ấy hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự xấu hổ và dằn vặt.
Để mình kể cho các bạn nghe câu chuyện này. Ngày xưa có một con bổ củi (một loài côn trùng) bật nhảy được 50 phân, cao hơn hẳn so với những con bổ củi khác. Một ngày người ta bắt nó vào một cái hộp cao 10 phân. Một thời gian sau thả ra con bổ củi chỉ còn nhảy được 10 phân.
Khi thấy mình nói đến ngôn ngữ thứ 6, thứ 7 nhiều bạn cho rằng như thế là quá giỏi và đáng tự hào nhưng các bạn có biết tại sao mình lại chỉ thấy xấu hổ và dằn vặt với bản thân không? Bởi vì khi học đến đó mình mới thấy khả năng học một ngôn ngữ mới của mình nhanh như thế nào. Mình thấy xấu hổ vì đến tận tuổi này mới nói được có từng ấy thứ tiếng. Mình thấy dằn vặt vì đã không được ban cho một hoàn cảnh thuận lợi để theo đuổi ngôn ngữ như nhiều người khác trên thế giới. Đâu phải con bổ củi nào cũng được may mắn tự do nhảy nhót, ngẩng đầu lên là thấy trời xanh đâu.
Mình đã nhiều lần trả lời những lời khen của các bạn một cách khiêm tốn (thật lòng chứ không phải giả tạo) rằng mình chẳng là gì cả vì trên thế giới có rất nhiều những người như mình và hơn mình về ngôn ngữ. Mình biết vậy nhưng điều đó không có nghĩa là mình ngưỡng mộ họ hay phải hạ mình trước họ. Mình, hơn ai hết, hiểu rõ sự khác biệt giữa cuộc đời họ và cuộc đời mình. Đến hạt mưa còn có số phận, sa luống hoa cười hay xuống giếng ngậm ngùi đều do trời định. Mình chỉ cố gắng làm hết sức có thể trong điều kiện hoàn cảnh cho phép mà thôi. Và quan trọng hơn cả là mình chọn làm những thứ khiến mình thấy vui, thấy cuộc sống mình có ý nghĩa chứ không phải bỏ cả cuộc đời chạy theo ngôn ngữ, bất chấp những thua thiệt của bản thân để đua với các bạn trên thế giới, không khác gì vác người khổng lồ trên vai mà chạy đua với kẻ đứng trên vai người khổng lồ.
Những người theo đuổi ngôn ngữ chân chính đều hiểu rõ một điều rằng nếu một người có thể học được 3, 4 ngoại ngữ thì họ hoàn toàn có thể học thêm tới 9, 10, thậm chí vài chục ngoại ngữ khác. Chính vì đây là một điều rất bình thường mà các nhà ngôn ngữ hiểu rõ nên họ chẳng bao giờ tự hào về số lượng ngôn ngữ mà mình sử dụng được. Mình nói được 15 thứ tiếng là vì mình thích học 15 thứ tiếng, mình có điều kiện bay đi nơi này nơi khác để học 15 thứ tiếng, còn người khác chỉ dừng lại ở 5 thứ tiếng thôi là vì họ ở trong một hoàn cảnh khác, muốn/phải dành thời gian cho những thứ khác chứ không phải họ không thể học được như mình. Mình biết 15 ngôn ngữ nhưng chỉ học đến trình độ giao tiếp trong khi người khác lại lại chọn học chuyên sâu 5 thứ tiếng để làm việc, nghiên cứu. Mỗi người một mục đích, một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng dù có học giỏi đến đâu thì xét cho cùng ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ để tiếp cận với kiến thức. Không ai hiểu sâu về ngôn ngữ mà lại tự hào về cái việc mình học được bao nhiêu thứ tiếng, cái việc mà nhiều người khác trong một môi trường và động lực nhất định đều có thể làm được. Những gì thu được từ kho tàng kiến thức của nhân loại thông qua chìa khoá ngôn ngữ mới là thứ đáng tự hào các bạn ạ.

Nguồn : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
tiếng Việt ta so với các ngôn ngữ khác như thế nào? Có thật là "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" không?" Được hỏi câu này tôi nửa muốn trả lời nửa lại không. Muốn trả lời vì bản thân tôi cũng muốn chia sẻ cho bạn ấy cũng như mọi người biết suy nghĩ và đánh giá của tôi khi nhìn và so sánh tiếng Việt với các ngôn ngữ khác dưới con mắt khách quan của một người tìm hiểu về ngôn ngữ. Nhưng không muốn trả lời vì: Thứ nhất, nếu trả lời đầy đủ thì sẽ phải viết một bài nghiên cứu rất dài như kiểu luận văn, tôi không có thời gian cho việc đó; thứ hai: tôi ngại các thành phần thiếu kiến thức nhưng thừa "lòng tự hào dân tộc" nhảy vào quy kết rằng tôi dìm hàng tiếng Việt, không yêu nước
:vVậy, dựa trên hiểu biết hạn hẹp của mình tôi chỉ xin viết vài điều ngắn gọn như sau.
1. Xét về từ vựng, tiếng Việt là tổng thể của 3 loại từ là từ thuần Việt, từ Hán Việt và từ mượn phương tây. Sự tổng hoà này làm nên nét đẹp của tiếng Việt nhưng không phải chỉ có tiếng Việt mới có sự kết hợp này. Các tiếng như Nhật, Hàn đều là những tiếng có từ vựng xuất phát từ 3 nguồn trên. Các ngôn ngữ phương tây thì vay mượn từ tiếng Latinh và lai tạp lẫn nhau. Nhìn chung các ngôn ngữ trên thế giới đều có sự "giao lưu, học hỏi" theo thời gian do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, văn hoá, chính trị, địa lý, lịch sử... Từ vựng tiếng Việt phong phú đa dạng nhưng không có nghĩa là từ vựng các nước khác không phong phú và đa dạng. Bản thân tôi thấy ở mỗi ngôn ngữ tôi học lại có một kiểu đa dạng trong từ vựng riêng. Các từ đồng âm khác nghĩa tiếng nào cũng có. Thêm vào đó có nhiều tiếng nước ngoài có những từ mà tiếng Việt phải dùng một cụm để giải thích và thay thế. Tiếng Việt dùng các từ đơn âm tiết để diễn tả sự vật, hành động, sắc thái... trong khi nhiều tiếng khác dùng từ đa âm tiết, theo tôi đánh giá là khó ghi nhớ, khó sử dụng hơn tiếng Việt. Ví dụ: Khó: difficult, difficile, 難しい (muzukashii), 어렵다 (eolyeobda)...
2. Xét về ngữ pháp, tiếng Việt có cấu trúc câu theo dòng ngữ pháp "thuận", tức là chủ ngữ + động từ + vị ngữ, tương đồng với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Các thứ tiếng có ngữ pháp "ngược" như Nhật, Hàn sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho người học nói chung. Tiếng Việt không chia động từ theo ngôi (thứ nhất, thứ hai, thứ ba), số (ít, nhiều), giống (đực, cái) phức tạp như các thứ tiếng phương tây. Để diễn tả các thì và sắc thái câu (trang trọng hay suồng sã) tiếng Việt cũng không chia động/tính từ như Hàn, Nhật. Chúng ta đơn giản chỉ thêm một từ vào câu ("đã", "đang", "sẽ", "ạ"...) để thay đổi thì và sắc thái của câu đó. Sự linh hoạt này làm cho ngữ pháp tiếng Việt trở nên đơn giản hơn RẤT NHIỀU so với ngữ pháp các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên việc phân ngôi thứ trong đại từ nhân xưng cho hợp với từng ngữ cảnh của tiếng Việt cũng là một thách thức không nhỏ với người nước ngoài khi muốn sử dụng thành thạo. (Đến tôi là người Việt mà nhiều khi gặp một người ngoài đường tôi cũng lúng túng không biết nên xưng "em" hay xưng "cháu", kêu "chị" hay kêu "cô"
:v Có đứa mình muốn kêu nó bằng "em" nó lại kêu mình bằng "chú" :| ). Thật ra đặc điểm này cũng không phải chỉ tiếng Việt mới có. (Ai học tiếng Nhật chắc lúc đầu cũng vất vả với những atashi, watashi, watakushi, ware, boku, ore... cùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (TÔI), hoặc anata, kimi, omae, temae... cùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (BẠN)).
3. Xét về phát âm, tiếng Việt có tới 6 thanh điệu, mỗi thanh ghép vào từ lại cho ra những từ khác mang ý nghĩa khác nhau. Hoan hô, điều này giúp chúng ta làm phong phú từ vựng, giảm tải được số lượng từ đồng âm khác nghĩa và rút ngắn độ dài của từ. Nhưng nếu nói về độ khó thì đây cũng là điều khó khăn nhất đối với đại bộ phận người nước ngoài khi học tiếng Việt. Những người từng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hẳn cũng hiểu rõ một điều rằng cái khiến người nước ngoài "vật lộn" nhiều nhất khi học tiếng Việt không phải là ở ngữ pháp hay từ vựng mà là ở phát âm. Tuy nhiên hệ thống thanh điệu ở các tiếng như Quan Thoại, Quảng Đông thật ra cũng phức tạp không kém. Trong cái khó lại ló cái dễ. Người Việt chúng ta ai cũng biết muốn phát âm từ trong tiếng Việt thì chỉ cần nắm được bảng chữ cái và quy tắc ghép các chữ cái đó, có nghĩa là một người chỉ cần học được quy tắc thì gặp bất kỳ từ nào cũng có thể phát âm được. Một người có thể không hiểu gì nhiều về tiếng Việt nhưng lại đọc được văn bản bằng tiếng Việt, hoặc nghe người khác đọc văn bản tiếng Việt dù không hiểu gì nhưng vẫn viết được ra, điều mà ở các thứ tiếng khác người ta khó lòng làm được.
4. Xét về chữ viết, tạ ơn các ông giáo sĩ gì gì đó đã giúp chúng ta chuyển hệ thống chữ viết từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ
:v Một giai đoạn chuyển đổi dài nhưng thật sự hữu ích cho người Việt và người nước ngoài học tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ của người Việt cũng là hệ thống chữ Latinh du nhập từ phương tây, được xây dựng từ bảng chữ cái alphabet nên không phải là cản trở lớn đối với đa số người học. Tất nhiên với một số nước dùng hệ thống chữ riêng như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Thái, Ả Rập... thì họ sẽ thấy khó khăn, nhưng đây là khó khăn chung khi họ học các ngôn ngữ dùng chữ cái Latinh chứ không chỉ khi học tiếng Việt. Tôi cảm thấy may mắn vì tiếng Việt đã được "quốc tế hoá" như vậy, dễ dàng hơn cho tôi trong việc tiếp cận với các ngôn ngữ phương tây. Còn nếu nói về độ khó trong chữ viết thì loại chữ viết mỗi từ một kiểu như tiếng Trung, lai tạp đủ đường như tiếng Nhật, hay phát âm cùng một từ mà viết được vô số kiểu như tiếng Hàn thực sự sẽ làm nản lòng rất nhiều người học.
5. Xét về các hiện tượng bất quy tắc, nói chung so với một số ngôn ngữ khác mà tôi biết thì tiếng Việt có khá ít những trường hợp được coi là bất quy tắc. Có thể kể ra một số như "thứ hai, thứ ba, thứ TƯ, thứ năm"... hoặc "mười ba, mười bốn, mười LĂM"... Những ghi nhớ này không quá nhiều nên tôi cho rằng cũng không phải là trở ngại lớn cho người học. Ngược lại, các ngôn ngữ phương Tây có quá nhiều bất quy tắc, nhất là trong cách chia động từ. (Thậm chí ở một số tiếng như tiếng Đức hiện tượng bất quy tắc còn nhiều hơn cả theo quy tắc
:v ). Về một số ngôn ngữ phương đông, bất quy tắc trong phát âm và chia Pat'chim động/tính từ của tiếng Hàn quá nhiều; bất quy tắc của tiếng Nhật nằm ở một bảng dài những động từ có dạng ichidan (v1) nhưng thực chất lại phải chia ở dạng godan (v5), ở cách đọc các chữ Kanji tuỳ theo từng từ. Bất quy tắc của tiếng Trung nằm ở chỗ cùng một từ đơn mà thanh điệu biến đổi theo từng ngữ cảnh để cho ra các trường nghĩa khác nhau... Học những thứ tiếng này bộ nhớ của bạn thật sự sẽ bị thử thách.
Tóm lại, dưới góc nhìn của một người tìm hiểu về ngôn ngữ tôi đánh giá tiếng Việt không phải là thứ tiếng khó học. Phong ba bão táp có thể không bằng ngữ pháp Việt Nam nhưng núi lửa phun trào, biển khơi dậy sóng cũng không bằng ngữ pháp của các thứ tiếng khác
:v Mỗi ngôn ngữ đều có sự phong phú, đa dạng riêng, có những nét đẹp riêng nên ngôn ngữ nào cũng đáng trân trọng, đáng giữ gìn. Nhưng với một người học như tôi thì tôi luôn mong ngôn ngữ mình học là một ngôn ngữ linh động, đơn giản và dễ nắm bắt. Một ngôn ngữ khó không làm nên sự tự hào của một dân tộc. Một ngôn ngữ khó là rào cản của sự giao lưu văn hoá, thông thương mậu dịch, kết nối hoà nhập giữa dân tộc đó với các dân tộc khác. Tôi rất vui khi tiếng Việt không bao giờ được (bị) xếp nằm trong top những ngôn ngữ khó học nhất thế giới. Bài viết được trình bày sơ lược bằng kiến thức hạn hẹp của bản thân, hẳn sẽ còn nhiều thiếu sót, mong bạn đọc chỉ bảo và bỏ qua cho. Xin cảm ơn vì đã đọc.

Tác giả : 3T
 

levietbao

Thành viên thường
"Công việc dịch đa ngữ có vẻ nhiều và thù lao trả cũng rất cao nhưng tại sao lại chẳng mấy ai đáp ứng được yêu cầu? Tại sao để giỏi được nhiều ngoại ngữ lại khó khăn đến vậy?". Những câu hỏi như thế này mỗi khi được hỏi tôi đều không dám trả lời vì sợ mang cái nhìn chủ quan của mình vào bài viết. Nhưng vì được hỏi nhiều nên tối nay xin mạn phép mọi người viết vài cái gạch đầu dòng về vấn đề này vậy. Bài viết chủ yếu áp dụng cho những người đã thành thạo một ngoại ngữ và đang tiến đến học ngoại ngữ thứ hai nhưng ai chưa biết gì mà có ý định học nhiều ngôn ngữ thì cũng có thể lấy làm tham khảo.

Nguyên nhân thứ nhất là do thiếu quyết tâm với ngoại ngữ thứ hai. Ở Việt Nam giỏi được một ngoại ngữ đã là khó. Ngoại ngữ là lĩnh vực mà khi muốn chinh phục thì ta cần phải có môi trường, điều này không phải bàn cãi. Việt Nam không giống các quốc gia Châu Âu, nơi mà các nước tiếp giáp đi lại tự do với nhau, các ngôn ngữ chung gốc La Tinh nên việc nói được tiếng của nhau với họ cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Việc học ngoại ngữ ở Việt Nam còn khó khăn là do môi trường thực hành ít ỏi, học viên bị phụ thuộc nhiều vào trình độ của giáo viên, trong khi giáo viên thì mỗi người một kiểu. Học được một thứ tiếng đã tốn bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức rồi. Tưởng tượng tới việc đem cái khối lượng ấy nhân lên gấp hai, gấp ba hay gấp nhiều lần thì chắc chẳng mấy ai làm nổi. Thực tế là rất nhiều người đã nản chí và bỏ cuộc khi bắt đầu ngoại ngữ thứ hai được một thời gian ngắn.
Nguyên nhân thứ hai là do tâm thế khi bắt đầu một ngoại ngữ mới. Thường khi đã thành thạo một ngoại ngữ nào đó thì người ta hay xuất hiện tâm lý tự hào vì đã dùng được ngoại ngữ đó. Sự tự hào này là rào cản cho việc học ngoại ngữ thứ hai vì khi đó tâm lý người ta không còn là tâm lý "không có gì để mất" nữa mà là "được thì được không thì thôi". Bản thân tôi khi học một ngoại ngữ mới tôi bao giờ cũng coi như mình đang học ngoại ngữ đầu tiên. Tiếp xúc với người giỏi ngoại ngữ đó tôi không bao giờ để lộ ra rằng mình biết các ngoại ngữ khác để tiện cho việc học hỏi. ("stay foolish" của Steve Jobs cũng là như vậy đó). Điều này giúp tôi giữ vững quyết tâm và ổn định tâm lý khi học.
Nguyên nhân thứ ba là sự xung khắc giữa các ngoại ngữ với nhau trong quá trình học. Bạn nào học Anh với Nhật chắc không lạ gì cái này. Nếu không cẩn thận thì thứ tiếng này có thể "đá" thứ tiếng kia khiến cho người học dễ nhầm lẫn, biến lợn lành thành lợn què. Thậm chí với các thứ tiếng giống nhau về từ vựng và ngữ pháp như Nhật với Hàn tưởng là sẽ hỗ trợ được cho nhau trong quá trình học nhưng thật ra lại dễ lẫn vào nhau. Chính vì vậy nên việc phân định rõ ràng ngoại ngữ mình đang học với ngoại ngữ mình đã biết là rất quan trọng. Để chúng trộn lẫn với nhau thì rốt cuộc cả hai sẽ cùng dở. Để làm được điều này cần phải luyện tập rất nhiều. Vậy nên lắm người thấy ngoại ngữ mới đang "phá hoại" ngoại ngữ cũ của mình thì quyết định bỏ luôn.
Nguyên nhân thứ tư là do đã "có tuổi" nên bị cuốn vào công việc và các mối quan hệ, dẫn đến việc không đầu tư đủ thời gian và sự tập trung cho ngoại ngữ mới. Đa phần sinh viên ra trường xong là cũng xong việc học. Đi làm về đã mệt rồi, lại phải đi chơi với anh chị em bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, hoặc phải chăm sóc gia đình thì còn thời gian với sức lực đâu mà học. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Để giỏi được nhiều ngoại ngữ thì bạn phải đánh đổi không chỉ thời gian công sức mà còn là cả cơ hội phát triển cho tương lai và các mối quan hệ xã hội. Bạn có dám mặc kệ sự ảnh hưởng của người thân và xã hội, hy sinh thời gian, tài chính và các mối quan hệ, đánh đổi vài năm không đi làm hoặc đi làm chút ít để dành thời gian ngồi học không? Trong khi bạn ở vào tình thế phải đi làm vì bạn phải nuôi bản thân và hỗ trợ gia đình, ở vào tâm lý không dám chắc có giỏi được (những) ngoại ngữ đó hay không và học chúng có ích gì cho tương lai hay không thì liệu bạn có dám đặt cược không?
Nguyên nhân thứ năm thì ai rơi vào hoàn cảnh như tôi chắc mới hiểu được. Đó là khó khăn trong việc duy trì các ngôn ngữ để chúng luôn ở trình độ tốt nhất. Bất kể lĩnh vực gì thì sự rơi vãi kiến thức sau một thời gian dài không sử dụng là điều tất yếu. Chính vì vậy nên mỗi ngày tôi đều phải dành thời gian ôn luyện các ngôn ngữ mà tôi biết để có rơi thì nhanh chóng nhặt lại. Chỉ riêng việc đọc báo (mỗi ngôn ngữ chọn ra 5 bài báo thuộc 5 lĩnh vực khác nhau để đọc mỗi ngày) thôi đã ngốn của tôi khá nhiều thời gian rồi. Sau đó còn là đọc tiểu thuyết, xem phim, nghe bản tin... để duy trì chúng và trau dồi một lượng từ vựng khổng lồ nên thời gian dành cho công việc của tôi rất ít ỏi. Nếu không kiên trì thì đã bỏ cuộc từ lâu rồi.
Tác giả 3T
 

levietbao

Thành viên thường
Tôi thấy nhiều bạn phát cuồng vì một số nhân vật cả trong và ngoài nước xưng là nói được vài thứ tiếng. Vốn dĩ tôi và cộng đồng polyglot chân chính (đa phần là những bậc cao niên) chỉ nhếch mép cười rồi thôi, nhưng hôm nay tôi muốn viết vài lời để chia sẻ với các bạn một tầm nhìn, xin lỗi, góc nhìn khác về việc "nói được nhiều thứ tiếng".
1. Ngôn ngữ không giống các môn khoa học khác. Ngôn ngữ không phải là thứ phải tìm tòi khám phá, đưa ra phát kiến và nhận giải Nobel. Ngôn ngữ đơn thuần chỉ là bắt chước, lặp lại cái công cụ biểu đạt suy nghĩ thể hiện qua lời nói và chữ viết mà con người đã làm cả mấy ngàn năm nay. Chính vì vậy, ngôn ngữ là thứ ai cũng có thể học được, miễn là có môi trường và động lực thích hợp. Bản thân tôi chỉ cần 3 tháng trong môi trường thích hợp là có thể giao tiếp tốt một ngôn ngữ mới. Người khác có thể nhanh hơn, có thể lâu hơn nhưng đích đến cũng tương tự. Như thế có được tính là nói được thêm một thứ tiếng không? Có chứ. Nhưng như thế có được tính là biết thứ tiếng đó, tinh thông thứ tiếng đó không? Không!
2. Những bậc thầy am hiểu về ngôn ngữ họ không bao giờ lấy cái việc họ nói được bao nhiêu thứ tiếng để làm niềm tự hào bởi họ hiểu rất rõ cái điều số 1 ở trên. Tự hào về cái việc mà khi được cấp cho một điều kiện tốt thì ai cũng có thể làm được ư? Có mà điên. Chính vì vậy nên họ không đi vào số lượng mà họ đi vào chất lượng. Trong một ngôn ngữ khoảng cách từ việc giao tiếp tốt đến việc bác đại tinh thâm (hiểu truyền thông đa phương tiện, biên phiên dịch đa chuyên ngành, nắm được sự biến đổi cổ kim của ngôn ngữ và sự tương quan giữa ngôn ngữ và văn hoá... nói chung là sử dụng ngôn ngữ đó như một người bản địa) là rất xa. Càng nghiên cứu sâu vào một ngôn ngữ họ càng thấy ngôn ngữ đó bao la rộng lớn, càng thấy mình nhỏ bé nên họ càng kiệm lời. Lấy ví dụ, một người bạn ngoại quốc của tôi dạy toán bằng Pháp ngữ tại đại học quốc gia Hà Nội, rất giỏi tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan, nói chuyện với tôi trong quán nhậu bằng tiếng Việt từ đầu đến cuối gần như không vấp phải khó khăn gì nhưng cậu ấy cũng không bao giờ kể tên tiếng Việt vào trong các ngôn ngữ mà cậu ấy biết.
3. Chỉ có những anh "Sơn Đông mãi võ" mới đi khắp nơi để rêu rao rằng tôi nói được tiếng này tiếng kia. Những anh này cả tây cả ta đều có một điểm chung là cái việc họ rêu rao thể hiện rằng họ nói được tiếng này tiếng kia cho thiên hạ thấy rồi lấy làm tự hào thật ra đã phô bày rất rõ trình độ của họ trong con mắt những người hiểu biết. Sự biết võ vẽ đó của họ tuy không qua được mắt cao nhân nhưng cũng đủ để lừa và chiếm lấy sự hâm mộ của những người không hiểu chuyện. Thế nên thay vì chạy theo cái ánh hào quang giả tạo của người khác, tôi mong các bạn hãy tự lắng nghe bản thân mình, tìm kiếm xem sở thích, đam mê của mình là gì để theo đuổi, kiện toàn bản thân và ghi dấu ấn của chính mình trong cuộc đời này. Đừng tốn thời gian hâm mộ chàng đánh cá vì anh ấy biết bơi.

Tác giả 3T
 

Hứa Nhất Thiên

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Em nói tiếng Anh mà thỉnh thoảng cứ xianzai ,hao...nói tiếng Trung thì cứ Да ну вот, xong thỉnh thoảng lại no yes loạn hết cả lên.Ý kiến của bác em rất đồng tình ,học ngoại ngữ phải có chút năng khiếu mới được.Mỗi người chắc có năng khiếu học một ngoại ngữ nào đó . Em thì thích tìm hiểu về văn hóa và lịch sử hình thành tiếng nói chữ viết có gì thì bác chỉ giáo cho em với ạ .
 

levietbao

Thành viên thường
Vài lời khuyên nhỏ cho các bạn khi dùng ngoại ngữ, nhất là đội biên phiên dịch.
1. Đã dốt thì đừng nên nói chữ.
2. Dịch lại từ một bản dịch khác là điều đại kỵ
3. Khi nghe không hiểu được người ta nói gì thì phải chủ động hỏi lại cho kỹ. Xấu hổ một phút còn hơn xấu hổ cả đời. Đừng nghĩ rằng mình hiểu cả rồi trong khi bản thân mình chỉ bắt được vài chữ.
4. Dùng những từ đơn giản để thay thế những sắc thái phức tạp mà bạn muốn truyền đạt sẽ khiến lượng từ vựng, cấu trúc và sự linh hoạt trong dụng ngữ của bạn rớt thảm hại. Những lúc ấy nếu vội thì dùng từ đơn giản để dịch rồi ghi chép lại ý của mình để tra lại sau. Còn nếu không vội thì từ tốn tra rồi dùng ngay từ và cấu trúc mình định dùng, vừa nhớ được luôn vừa truyền tải đúng ý tứ.
5. Đừng bao giờ xem thường những gì mình sắp nói ra. Truyền đạt sai nội dung của ngôn ngữ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Bạn nào đi dịch hội nghị đàm phán hợp đồng, thỏa thuận các cấp chắc cũng không lạ gì điều này. Hãy đảm bảo chắc chắn là mình đã hiểu đủ và có đủ vốn từ để truyền đạt.
6. Có những từ ta nghĩ sẽ chẳng dùng đến bao giờ nhưng không ngờ lại có lúc phải dùng tới. Đến lúc đó nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ rơi vào thế bị động. Nếu thật sự yêu thích ngôn ngữ đó, hãy học tất cả những gì có thể học từ nó. Học mỗi ngày.
7. Văn hóa của mỗi quốc gia là khác nhau. Không phải lúc nào cũng cứ bê nguyên xi những gì người ta nói rồi truyền đạt lại. Tùy vào hoàn cảnh, đối tượng mà có cách xử lý khác nhau. Lúc cần thêm mắm thêm muối thì phải thêm. Lúc cần gọt vỏ bỏ hột thì phải bỏ. Làm như vậy sẽ khiến hai bên hiểu nhau hơn, cảm thấy được tôn trọng hơn, đối với công việc của bản thân mình cũng thuận lợi.

Nguồn :N. H Trung
 
Top