Bài viết 34 - Mátxcơva và tình yêu nước Nga

tronglac256

Thành viên thường
Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 34:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Trọng Lạc
Năm sinh: 1997
Nơi học: Học viện Ngoại giao – Hà Nội.

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Chúng tôi đến Mátxcơva lúc năm giờ sáng.

Đoàn tàu xuất phát từ tây Xibia đã tiến sâu vào màn sương giá lạnh vốn có của mùa Đông trên đất nước Lênin. Ngồi bên cạnh tôi là một người lính khoác áo ca-pốt cũ, chiếc mũ kê-pi với cái tán đã mòn qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Những tia nắng mảnh mai đầu tiên đã le lói phía chân mây, sưởi ấm dãy Dvenhigôra trong trang sách nào đó của Anatôli Ivanốp mà tôi từng đọc.

Tàu dừng ở một ga xép trong thành phố, tôi bước đi trên con đường nhỏ hướng về phía quảng trường. Quảng trường Đỏ hôm nay thật đẹp, những người Nga cho hai tay vào túi, chậm rãi bước đi trong không khí trong lành buổi sớm, chốc chốc lại hà hơi, xoa lòng bàn tay vào nhau cho ấm, chiếc bóng nhỏ cố sức vươn dài ra xa mãi, như một tâm hồn Nga luôn khát khao tiến lên phía trước.

Nhâm nhi một chút Vốtka ấm nóng trong quán trọ bên đường, tôi nhớ về nước Nga Xô viết…
Sinh ra bên dòng sông Vônga hiền hòa, tôi đã gắn bó như máu thịt với quê hương của Lênin yêu dấu. Trong tiềm thức của một đời người, Vôngagrát hiện lên êm đềm và lặng lẽ. Nơi ấy, bên ấm Xômôva sôi sùng sục trên bếp lò, người Nga chia nhau từng mẩu bánh mì đen làm từ đại mạch; nông trang “Bông lúa đỏ” với những con người làm việc hăng say luôn vang lên tiếng cười từ lúc gieo hạt đến ngày thu gặt. Người Nga yêu lao động như chính nguồn sống của mình, và sẽ không ngừng lao động chừng nào họ còn sống. Đến với nước Nga là đến với thế giới không chia đẳng cấp, con người gắn bó với nhau không chút toan tính, sau tất cả là tình người chân thành. Tình yêu ấy đã kết tinh thành trái tim của một dân tộc hiền lành, một dân tộc đã cho tôi sống những tháng ngày đầu tiên của cuộc đời trong tình người vĩnh cửu.
Tình yêu nước của dân tộc Nga, như Ilia Êrenbua, là “yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.”

Lòng yêu nước của người Nga không bao giờ cạn, bởi lẽ nó như “dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vônga, con sông Vônga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô Viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điểu giản dị này: "Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa?".
Vâng, “Mất nước Nga thì ta còn sống làm chi nữa”. Dưới chân tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi”, tôi đã hơn một lần rơi nước mắt khi nhớ đến cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhớ đến những người lính Nga chân chính đã bỏ lại sau lưng gia đình, làng mạc, mang theo một lòng căm thù và quyết tâm cháy bỏng: “Tôi có một lòng căm thù không đội trời chung với quân Đức vì tất cả những điều chúng đã gây cho Tổ quốc và cho tôi, nhưng đồng thời tôi cũng có một lòng thương yêu tha thiết đối với nhân dân. [...] Nếu như tình yêu đối với Tổ quốc được ấp ủ trong tim chúng tôi và sẽ được ấp ủ đến khi nào trái tim ngừng đập, thì lòng căm thù đối với quân giặc luôn luôn được chúng tôi mang trên đầu lưỡi lê" (Sô-lô-khốp). Đó chính là một tình cách Nga mà tôi hằng khâm phục.

Ấy là giấc mơ của tôi, giấc mơ thường trực trong những đêm thức trắng. Nước Nga Xô viết không còn nữa, nhưng những chân lý nó để lại sẽ luôn là điều bất biến. Nỗi trăn trở luôn nổi lên trong lòng tôi khi mỗi đêm, trằn trọc, mình đã làm được gì cho Tổ quốc, để khỏi hổ thẹn với chính bản thân mình, và với người lính Nga tôi gặp trên tàu hỏa?

Tôi nán lại Mátxcơva vài ngày nữa.

Từ biệt nước Nga, mang theo mặt trời Nga, tôi lên đường tiếp tục tìm về những chân trời mới.
 
Top