Bài viết 23 - Nước Nga - Khoảng cách & Tình yêu

Gà bông

Thành viên thường
Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 23:
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả:Nguyễn Thị Hiệp
Năm sinh: 1994
Nơi học tập: Đại học Ngoại Ngữ - đại học Quốc Gia Hà Nội

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


“Nhớ nước Nga” câu nói vô cùng bình thường nhưng chắc chắn sẽ có người nếu nghe tôi nói sẽ cảm thấy vô cũng buồn cười, thậm chí có người sẽ bảo tôi là “kẻ thích làm màu”. Bởi một đứa con gái như tôi, sinh ra đến bây giờ đã là hai mươi mốt năm có lẻ, chưa một lần được đi du lịch trong nước cho đúng nghĩa huống chi là ra nước ngoài. Mà hiển nhiên khi mà người ta nói nhớ một cái gì đó , chắc chắn họ phải có thời gian gắn bó lắm, yêu thương và hiểu nó lắm thì mới có thể nhớ được. Còn tôi, hàng ngày ăn cơm Việt Nam, uống nước Việt Nam và hít thở bầu không khí của Việt Nam, ở cách xa nước Nga cả nửa vòng trái đất, chưa một lần được đặt chân và biết đến nước Nga chỉ là qua sách vở và một vài dòng tin tức ngắn ngủi trên báo chí. Nhiều khi tự hỏi liệu mình có đang ngộ nhận và có đủ tư cách thốt lên câu “nhớ nước Nga”.
Nhưng trong những ngày này, những ngày sắp kết thúc quãng thời gian đại học đẹp đẽ, những ngày sắp phải xa mái trường, thầy cô và sắp phải xa tiếng Nga, tôi mới cảm thấy chưa bao giờ mình có thể có đủ tư cách đến thế. Từ những ngày đầu làm quen với những câu privet, xpaxibo khô khan, mà khi đó đối với tôi thật sự là cực hình, thậm chí là xấu hổ. Vì rằng vốn dĩ tôi chỉ là bị trượt khoa nên mới phải học tiếng Nga, vì rằng ở Việt Nam hiện nay, chẳng còn thời hoàng kim của tiếng Nga, chẳng còn cái thời mà đi ra ngoài đường mọi người hỏi “cháu học gì” và khi mình trả lời “cháu học tiếng Nga” thì ai cũng phải tấm tắc khen “ con bé giỏi thế, sau này tương lai lắm đây”. Hồi đó khi có ai hỏi tôi học ngành gì, thì chỉ dám trả lời qua qua “cháu học ngoại ngữ” để giữ lại chút thể diện, bạn bè tôi có đứa thậm chí còn nói dối là học tiếng anh nữa. Lên lớp ngoài ngủ, nói chuyện và trong đầu luôn tiêu cực nghĩ rằng học rồi cũng thất nghiệp, thà tự học tiếng anh còn hơn, ít ra còn kiếm được bát cơm mà ăn. Hết giờ học, tôi lại mải mê tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Nay quét dọn ở chùa này, mai hát hò giao lưu ở hội kia, nói chung là nhộn nhịp và vui vẻ. Năm nhất của tôi trôi qua như thế đấy, kể ra không có tiếng Nga thì khá là màu mè và đáng nhớ đấy chứ.

Nhưng rồi chẳng rõ từ khi nào, tôi tiếp nhận tiếng Nga như lẽ thường tình và tự nhiên nhất của cuộc sống. Có lẽ là từ những câu chuyện về nước Nga của các thầy cô chăng. Ôi chao! Sao mà nó lung linh đến thế. Hôm nay là những ngày hè tụ tập cũng nhau nướng thịt, ngày mai là đi tàu điện ngầm cả ngày mà chỉ phải trả có vài rub, rồi đi thăm cung điện mùa đông cả tuần cũng không hết nếu quan sát kĩ lưỡng, lại còn chuyện vào kì nghỉ được về làng quê đi thu hoạch hoa quả và nông sản với các bác nông dân, đó là chưa kể các bà giáo Nga vô cũng tốt bụng, nhân từ luôn yêu thương sinh viên Việt Nam hơn cả so với các du học sinh nước khác. Nước Nga sao mà lung linh và kì diệu đến thế. Thế đấy, tình yêu của tôi với nước Nga được nhen nhóm và bắt đầu nhẹ nhàng như thế đấy.

Thoắt cái bước sang năm ba, có nghĩa là tiếng Nga của tôi đã phải hoàn thiện rồi, nhưng mà thực chất ra thì mới chỉ là cơ bản mà thôi. Nhưng tình cảm đối với nước Nga thì thật sự đã bước một bước tiến dài. Bởi vì tối được tiếp xúc, được gần gũi được cảm nhận tính cách và con người Nga một cách chân thực nhất. Đó là những gì đã ngấm sâu sâu trong con người của các cô tôi và sau bao nhiêu năm về Việt Nam nó không hề thay đổi. Hóa ra nước Nga không chỉ đẹp bởi điện Kremlin, bởi quảng trường đỏ và vô số các địa điểm tuyệt vời khác mà cái “tình” của nó còn có sức mê dụ lòng người đến thế. Toát ra từ tính cách và con người của các cô tôi là sự nhiệt tình, nhiệt tâm trong giảng dạy, là sự gần gũi, sẻ chia, động viên trước những phút khó khăn và mất phương hướng của học trò, là sự thẳng thăn, cần cù, nỗ lực hiếm thấy . Tất cả những điều đó hội tụ ở dân tộc Nga dịu dàng, và hiếm thấy ở dân tộc khác. Và có lẽ chính điều đó là nguyên nhân khiến tôi say mê nước Nga, cảm thấy mảnh đất và con người này quyến rũ đến nhường ấy.
Cho đến hôm nay, khi mà chỉ còn vài tháng nữa là tròn bốn năm cô sinh viên nhỏ ngày nào bén duyên với tiếng Nga, và cũng chỉ còn bằng ấy thời gian, cuộc sống của cô sinh viên đó sẽ bước sang một trang mới. Không biết điều gì sẽ xảy ra, liệu rằng có được bước tiếp con đường mình đã chọn là gắn bó với nước Nga hay không, hay sẽ lại phải bắt đầu lại từ đầu làm quen với những điều mới. Nhưng chỉ biết rằng, cô gái đó sẽ mãi khắc sâu trong tâm hồn một tình yêu tươi sáng và trong veo đối với một đất nước xa xôi nhưng vô cùng gần gũi. Và kèm theo đó là tiếng thì thầm “ nhớ lắm nước Nga ơi – hẹn gặp lại vào một ngày không xa.

 

HoàngIvan

Thành viên thường
:v cũng vẫn là nỗi lo thất nghiệp. Không phải mỗi chị học tiếng nga mà lo thất nghiệp đâu, thiên hạ học ngành khác cũng lo thất nghiệp chị ạ. Thất nghiệp hay không đâu phụ thuộc vào gì chị học, nó phụ thuộc vào các chị học cơ.
- Nếu có làm phật lòng chị thì chị bỏ qua cho e :)
 

Hungvudinh

Thành viên thường
:v cũng vẫn là nỗi lo thất nghiệp. Không phải mỗi chị học tiếng nga mà lo thất nghiệp đâu, thiên hạ học ngành khác cũng lo thất nghiệp chị ạ. Thất nghiệp hay không đâu phụ thuộc vào gì chị học, nó phụ thuộc vào các chị học cơ.
- Nếu có làm phật lòng chị thì chị bỏ qua cho e :)
E rất đồng ý với anh ở điểm này. Và đối với e thì không có quyết định đúng hay sai, mà chỉ là chúng ta sẽ làm gì sau khi quyết định điều đó.
 
Top