Bài viết 18 - Puskin - nhà thơ lớn của nước Nga

Lê Thị Thu Thanh

Thành viên thường
Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 18:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Lê Thị Thu Thanh
Nơi sống:
Triệu Phong - Quảng Trị - Việt Nam

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Ông được xem là"khởi đầu của mọi khởi đầu"(Gorki), là "nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga" (Bielinxki), là"con người của tinh thần Nga" (Gôgôn). Ông chính là Puskin- mặt trời của thi ca Nga. Dường như lịch sử nước Nga đã lựa chọn để trao cho Puskin một sứ mệnh thiêng liêng vĩ đại: Tổng kết sự phát triển của toàn bộ văn học Nga trải qua 8 thế kỉ, đồng thời khai phá những đỉnh cao chói ngời nhất, đưa văn học Nga trở thành những trang vàng rực rỡ nhất của văn học thế giới, làm cho các châu lục phải ngoái nhìn kinh ngạc, thán phục và mến yêu. Với cuộc đời sóng gió và ngắn ngủi, Puskin đã kịp làm cho nước Nga biết bao kỳ tích, ông đã thắng dây cương cho cỗ xe tam mã Nga phi những nước đại đáng kinh ngạc, điều mà ở các nước khác người ta phải đi hàng trăm năm và sức lực của nhiều người, nhiều thời gian cộng lại cũng không dễ gì làm nổi.



Nhắc đến Puskin, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến ông với tư cách là một nhà thơ. Cuộc sống bình thường xung quanh là đối tượng của thơ Puskin. Trong thơ ông có bông hoa ép bị lãng quên, có tiếng hót của con chim sơn tước, có bầu trời "thoang thoảng hơi thu", có "con đường mùa đông" tuyết phủ trắng một nỗi buồn khắc khoải, lại có cả những gì rất đỗi bình dị thân thương như túp lều tranh, đống rạ, tấm lưới dân chài…Hơi thơ của Puskin vô cùng độc đáo, nó tràn ngập hiện thực, nó không rắc phấn hồng lên cuộc sống mà miêu tả cuộc sống trong vẻ đẹp tự nhiên chân thật của nó. Đặc biệt Puskin được mệnh danh là nhà thơ của tình yêu. Ông viết những bài thơ tình yêu rất dễ thương cho những người đang yêu. Rất nhiều bài thơ tình của Puskin đã được các thế hệ nhạc sĩ nổi tiếng của Nga chọn để phổ nhạc, vẫn còn vang động như những “khúc dân ca mới” làm nên sự bất tử của thơ ca.

Puskin trước hết là một nhà thơ, nhưng ông cũng sáng tác cả văn xuôi ở mức độ hoàn thiện không thể so sánh được. Đến với thơ ca, dẫu sao Puskin đã có những bậc thầy dìu dắt, còn trên lĩnh vực mới mẻ này ông phải tự mình khai phá những bước đi gần như đầu tiên. Ông được coi là người đặt những viên đá tảng cho nền móng mới mẻ và vững chắc của thể loại, là người cày những luống cày đầu tiên trên mảnh đất hoang sơ của văn xuôi Nga cuối thế kỉ XVIII.Puskin bước vào lĩnh vực văn xuôi với tư cách là một người cách tân trong văn học Nga những năm đầu thế kỷ. Và tập sách này là một minh chứng cụ thể cho những sự sáng tạo đó. Lịch sử Nga sẽ mãi mãi ghi công người sáng tạo nên ngôn ngữ Nga văn học hiện đại- một ngôn ngữ trong sáng, giản dị, sinh động, thuần khiết hơi thở Nga, tâm hồn Nga. Theo lời Bielinxki, thơ ca Nga trước thời kỳ Puskin sáng tác là "một thứ cây được bứng từ nơi khác, chứ không phải là giống cây bản địa" thứ cây chỉ có cành lá mà không có gốc rễ và tư tưởng. Puskin đã đem đến cho nó cội rễ và tư tưởng, tinh thần và khí chất Nga, biến nó thành thứ cây bản địa.

Trước Puskin, nhiều ý kiến cho rằng thi ca Nga chỉ có thể viết bằng loại ngôn ngữ Xlavian (ngôn ngữ dùng để dịch Kinh Thánh). Puskin chứng minh khác hẳn: Thơ ca Nga có thể và cần phải dệt bằng ngôn ngữ nói thường ngày hết sức sống động, giản dị, trong sáng và hàm súc của nhân dân. Ông đã hoà quyện tuyệt vời hai dòng văn học vốn tồn tại tách bạch hàng bao thế kỉ nay ở Nga là văn học dân gian và văn chương bác học, xóa đi khoảng cách giữa "ngôn ngữ cao quý" và "ngôn ngữ thấp kém". Trong các tác phẩm Người da đen của Piốt đại đế, Tập truyện ông Ivan Pêtơrôvich Benkin đã quá cố, Đôbrốpxki, Con đầm pích, Người con gái viện đại úy..., nhà văn đã bỏ lối miêu tả rườm rà, dẫn dắt mà chỉ lựa chọn những từ ngữ ngắn gọn, chính xác điều này thể hiện rõ ở ngay phần mở đầu của các tác phẩm.

Đề tài và nhân vật trong văn xuôi Puskin khá đa dạng. Khác với văn xuôi đương thời và các giai đoạn trước chỉ chú ý đến đời sống của tầng lớp quý tộc cung đình với những sinh hoạt xa hoa, trụy lạc hay những mối tình lãng mạn của những “chàng”, “nàng”, Puskin gắn sáng tác của mình với thực tế sôi động, với số phận của những con người thuộc lớp dưới của xã hội. Đồng thời, nhà văn khai thác đề tài lịch sử và những biến cố bước ngoặt ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc. Trong truyện Rô-la-liép, nhà văn lấy bối cảnh nước Nga những năm đầu thế kỷ XIX mà trung tâm là cuộc chiến tranh 1812. Thông qua câu chuyện tình của một cô gái quý tộc Nga với một sĩ quan Pháp, Puskin phân tích tính cách bợ đỡ mù quáng của giới quý tộc cung đình Nga đối với phương Tây và thói háo danh vô liêm sỉ của chúng đối với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần anh dũng của nhân dân Nga.Trước cảnh Matxcơva bị thiêu cháy, nhân vật Pôlia tự hào nói rằng: “... ta có thể tự hào rằng mình là một người Nga! Thiên hạ sẽ phải sửng sốt vì sự hy sinh lớn lao này!Bây giờ thì dù cho chúng ta có suy tàn, tôi cũng không sợ nữa, danh dự của chúng ta đã được cứu vãn. Không bao giờ Châu Âu còn dám đối chọi với một dân tộc đã tự mình chặt đứt cánh tay của mình, tự đốt cháy kinh đô của mình”.

Quan tâm đến những vấn đề lịch sử, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa nông dân vào thế kỷ XVIII là động lực thúc đẩy Puskin viết Người con gái viên đại úy.Trong tác phẩm dòng đời và dòng lịch sử chảy hoà vào nhau một cách tự nhiên, mạch truyện linh hoạt và liên tục, đâm đà phong cách dân gian. Puskin đã xây dựng nên hình ảnh đầy chất hiện thực và huyền thoại về người anh hùng áo vải Êmiliên Pugatsốp, vừa bình dị hoà đồng như đứa con đẻ của nhân dân, vừa hào hùng khí phách như tráng sĩ Nga trong truyện cổ.

Một mảng hiện thực sinh động trong văn xuôi Puskin là viết về những “con người nhỏ bé”, những viên chức nghèo, những người làm nghề lương thiện, những tiểu thư nông dân có cuộc sống bấp bênh và công việc nặng nhọc. Trước Puskin "con người nhỏ bé" đã có mặt trên trang văn học Nga, nhưng đó là những con người được nhìn từ cặp mắt thương hại, thái độ quan tâm hời hợt của kẻ bề trên ban ơn xuống, hoặc được rắc phấn hồng che đi ranh giới, mâu thuẫn với những kẻ quyền quý cao sang. Puskin đã thực sự đưa ra được hình tượng hết sức chân thực về "con người nhỏ bé" với một thái độ trân trọng, đồng cảm.
Truyện Người quản trạm nhà văn kể về số phận trớ trêu, gian khổ của Xamxôn Vưrin. “Con người nhỏ bé”, lương thiện và cần mẫn ở trạm giao thông heo hút trên đất Nga này bị lăng nhục thậm tệ và người con gái duy nhất của ông đã bị lừa đi theo một hành khách đểu cáng. Viết về những con người này Puskin không hề tô vẽ, nội tâm và chân dung bên ngoài của nhân vật cứ hiện ra chân thật, tự nhiên, rõ nét. Puskin chân thành chia sẻ công việc, ước mơ, cảm thương sâu sắc cho những số phận nghiệt ngã của con người thuộc tầng lớp dưới, thể hiện lòng căm giận những bất công ngang trái ở đời.

Ngoài ra hình tượng Con người thừa là đóng góp đáng kể của Puskin cho văn học Nga và thế giới. Với hình tượng này nhà văn đã vẽ nên chân dung chân thực, sống động của một lớp thanh niên thời đại- một kiểu sản phẩm tất yếu của điều kiện xã hội lúc bấy giờ, dự báo những tính cách mới sẽ phát triển. Đây là điểm mới của văn xuôi Puskin, là sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực đối với chủ nghĩa lãng mạn. Trong văn xuôi Puskin, đặc biệt là truyện ngắn thường có kết cấu ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ. Sự ngắn gọn về hình thức và ngôn từ nhưng không ngắn về nội dung phản ánh. Các truyện của Puskin đưa người đọc tiếp xúc ngay với câu chuyện qua lời văn tự nhiên, cô đọng, tạo ra sự suy nghĩ, liên tưởng độc đáo về con người và sự việc.Cách dẫn truyện và giới thiệu nhân vật, địa điểm, thời gian một cách cụ thể, chính xác đã làm tăng giá trị chân thực của tác phẩm. Các truyện ngắn Người quản trạm, Đubrốpxki và nhất là Con đầm pích thật sự trở thành những mẫu mực của công thức "nội dung lớn trong hình thức nhỏ". Và đặc biệt nghệ thuật kể chuyện của Puskin mang một phong cách riêng. Hầu hết trong các truyện, nhân vật người kể chuyện thường ở ngôi thứ nhất. Nhân vật tôi trực tiếp kể về mình hoặc chuyện được chứng kiến.

Tình yêu là một đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Không có nhà thơ nào lại không nói đến tình yêu trong thi phẩm của mình. Mọi cung bậc tình cảm, mọi biến thái của tinh vi và những rung động tinh tế của tâm hồn con người đều xuất hiện trong thơ ca. Tình yêu là một thứ tình cảm rất phức tạp, có khả năng đưa con người trở thành thiên thần nhưng cũng có thể biến con người trở thành quỷ dữ. Và điều mà thơ ca hướng đến là lí tưởng về những tình yêu đẹp, tình yêu thánh thiện. Pu-skin là một nhà thơ tình yêu như thế. Thơ tình của ông là sự kết hợp của tình yêu nhân loại và tình yêu con người. “Tôi yêu em” là một trong những bài thơ như thế.
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.


Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.

Đây là bài thơ về một mối tình đơn phương nhưng qua đó lại thể hiện một quan niệm rất nhân văn về tình yêu. Một tình yêu chân thành của một trái tim biết yêu thương thực sự đã thể hiện một tư tưởng nhân văn cao đẹp. Một vấn đề thuộc về đạo đức và nhân cách con người đã được nhà thơ thể hiện dưới một hình thức giản dị và giàu khả năng gợi cảm. Đây cũng chính là một trong những thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Pu-skin.

Tôi yêu em là một tình yêu vô vọng, thấm một sắc điệu buồn, nhưng hơn hết vẫn là một tình cảm chân thành, mãnh liệt mà vị tha, cao thượng, bộc lộ vẻ đẹp của tâm hồn và nhân cách con người nhân hậu, biết “kính trọng vô hạn đối với phẩm giá con người với tư cách là Con Người” (Biêlinxki), vì thế bài thơ chứa đựng những giá trị tinh thần nhân văn cao cả của loài người. Chất thơ của bài thơ chủ yếu toát ra từ những xúc cảm chân thành, từ những lời lẽ giản dị, từ giọng trữ tình dồn nén mà mãnh liệt, tạo được sức mạnh biểu đạt tình cảm. Sức hấp dẫn của bài thơ trước hết là bởi “Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì tới sự tô điểm nào cả” (Puskin). Có lẽ cũng vì vậy mà bài thơ không ngừng gây xúc động trong lòng bao thế hệ bạn đọc…

Trong bài thơ có rất nhiều câu thơ hay nhưng tôi thích nhất là đoạn thơ:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Lời cầu chúc giản dị mà thể hiện được cả một nhân cách. Đó là lời cầu chúc tuyệt vời nhất của nhân loại. Thói thường tình yêu thường kèm theo sự ích kỉ, ai đã yêu mà không từng “hậm hực lòng ghen”. Nhân vật “tôi” cũng như vậy. Nhưng sự ích kỉ không thể chiến thắng được sự cao thượng của một trái tim biết yêu thương. Lời cầu chúc cũng chính là lời khẳng định tình yêu chân thành và đằm thắm của mình, đó là tình yêu thực sự, tình yêu xứng đáng nhất với em. Đây không chỉ là một lời cầu chúc tuyệt vời nhất, thể hiện hay nhất tình cảm của “tôi” mà còn là một lời thổ lộ thật thông minh. Chấp nhận yêu đơn phương, chấp nhận sự thực là em sẽ có người khác nhưng lại nhấn mạnh và xác nhận tình yêu mãnh liệt của mình, một tình yêu chân thành của một trái tim biết yêu thương thực sự.

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Câu thơ là lời bày tỏ tình cảm nhưng đồng thời thể hiện tình yêu cao thượng, một tư tưởng nhân văn cao đẹp cầu cho em được hạnh phúc, được người yêu em như tôi từng yêu. Hiếm có một nhà thơ nào bộc lộ điều đó như Puskin. Đây chính là điểm đắt nhất của bài thơ.
Thơ tình của Pu-skin không chỉ chiếm được cảm tình của bạn đọc trẻ tuổi mà còn có sức tác động rất mạnh đến tâm hồn bạn đọc. Và một điều chắc chắn rằng Tôi yêu em là lí tưởng về một tình yêu đích thực, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người về quan niệm tình yêu chân chính.

Chặng đường viết văn xuôi của Puskin chưa đầy 10 năm, di sản của ông tuy không đồ sộ, nhưng đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của văn chương tự sự Nga, khai thông cho những đỉnh cao sau này của thể loại. Tất cả những nhà văn vĩ đại về sau đều ngưỡng mộ và chịu ơn ông. Tất cả đều bắt nguồn từ con sông lớn Puskin. Con sông đó chảy đến ngã ba ngã bảy chia ra thành nhiều lưu nhánh với dòng chảy đặc trưng của mình, nhưng chúng không bao giờ để mất hút dấu vết đầu nguồn. Có lẽ chính vì thế mà Gorki đã khẳng định: "Không có Puskin, thì trong một thời gian rất dài sẽ không có Gôgôn, L.Tônxtôi, Tuốcghênhép, Đôxtôiepxki. Tất cả những con người vĩ đại này của nước Nga đều công nhận Puskin là bậc thủy tổ tinh thần của mình”. Mặt trời thi ca Nga vụt tắt. Cái chết của Puskin để lại khoảng trống lớn trong khu vườn văn học Nga. Nhưng Puskin là một hiện tượng “vĩnh viễn sống”. Cuộc đời ngắn ngủi của ông từ nay trở thành bất tử.
 
Top