Bài viết 07 - Chợ đêm Ussurisk

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 07:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok
Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Đến Ussurisk lần đầu vào đầu mùa hè năm 2012 nhưng chỉ là một chuyến đi chớp nhoáng. Người bạn Nga đã giới thiệu sơ qua về thành phố này. Cảm nhận chung khi đến với thành phố gần 150 tuổi này là sự nhỏ bé và yên bình đến đáng yêu. Tuy nhiên, với cộng đồng người Việt nói chung, Ussurisk không phải là điểm đến để du lịch. Với họ, Ussurisk là một điểm mưu sinh vì nơi đây có một khu chợ đầu mối rất lớn – chợ đêm Ussurisk! Chính vì vậy, tôi đã tự hứa sẽ một lần đến thăm chợ đêm Ussurisk!


Chợ đêm Ussurisk
Được thành lập từ năm 1866 với tên gọi “Làng Nhikolskoe” (село Никольское), thành phố Ussurisk hiện tại rộng 3.690km2 với 161,8 ngàn dân (theo số liệu thống kê năm 2012). Ussurisk thuộc vùng Primorye, miền Viễn Đông của Liên bang Nga, cách Vladivostok khoảng 120km về phía Bắc.

Với bà con người Việt, Ussurisk đã trở thành tên gọi quen thuộc. Chỉ cần nói “Usu” là mọi người đã hiểu và cụm từ “đi Usu” đã trở thành một động từ phổ biến để giải thích cho việc đi lấy hàng từ chợ đầu mối. Nó phổ biến đến mức anh bạn Bô-ze người Uzbekistan đã nói “Сегодня я đi Usu” (hôm nay tôi đi Usu).
Theo chân một người bạn đi lấy hàng, tôi đến với Ussurisk vào một buổi tối giữa tháng 10.


Hơn 20h, chúng tôi xuất phát dưới cơn mưa. Anh bạn Bình “móm” cầm lái, cố gắng chạy để kịp đến nơi trước khi chợ mở cửa vào lúc 22h. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi vào lúc 21h45 thì bãi đỗ xe ở chợ đã chật kín. Từ ngoài đường lớn vào đến chợ, đủ các loại xe xếp hàng dài để tìm chỗ đỗ cũng như đợi chợ mở cửa. Vào ngày thứ 7 nên lượng người Nga đến đây mua hàng cũng rất đông.




Vào đến khu chợ, có cảm giác quen quen. Có gì đó giống với chợ đêm Đồng Xuân ở nhà. Nhưng cám cảm giác đó nhanh chóng bị át đi bởi cái không khí, cái quang cảnh mang đậm chất Trung Quốc. Ngay cả tên của khu chợ cũng ghi bằng tiếng Trung - 中国绥芬河商贸城. (Về sau có nhờ một cô bạn sinh viên người Việt học tiếng Trung ở đây thì mới biết đây là “Trung tâm thương mại Trung Quốc Suifenhe (Tuy Vân Hà)”. Tuy Vân Hà (người Việt ở đây vẫn gọi là Su-van-khê) là tên một thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang – Trung Quốc tại vùng biên giới Nga Trung).



Quay sang hỏi anh bạn thì được biết, đây là khu chợ đầu mối mà hàng hóa chủ yếu được đưa từ Trung Quốc sang. Lật đật mở điện thoại ra xem bản đồ thì mới phát hiện mình chỉ cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 100km. Hơn nữa, đây lại gần với điểm ngã ba biên giới Nga – Trung – Triều Tiên, chỉ cách khoảng 180km nữa thôi.


Chúng tôi phân công nhau, tôi và anh bạn Bình “móm” đi mua đồ điện tử cho cửa hàng, còn chị vợ của Bình đi mua đồ vải cho cửa hàng của chị.

Luồn lách qua khu sân lõm bõm nước mưa, chúng tôi vào một cửa hàng điện tử. Tiếp chúng tôi là anh chủ cửa hàng người Trung Quốc với giọng lơ lớ khi nói tiếng Nga. Trong cửa hàng, đồ điện tử la liệt. Trên tường, trong tủ, dưới sàn… đâu đâu cũng thấy đồ điện tử. Điểm đáng khâm phục ở người bán hàng là chỉ cần hỏi, họ sẽ trả lời rất nhanh “Có” hay “Không có” và nếu có thì món hàng đó nằm ở đâu trong cái núi đồ điện tử ngồn ngộn, la liệt và lộn xộn như vậy. Còn tôi, thêm một lần nữa khâm phục anh bạn khi có thể nghe và hiểu được tiếng Nga với chất giọng lơ lớ pha trộn tiếng Trung của người bán hàng, thậm chí là cả những thông số kỹ thuật liên quan đến máy móc, linh kiện điện tử.


Người mua hỏi loại hàng, giá cả, nêu số lượng cần lấy, người bán trả lời và ghi vào hóa đơn. Việc mua bán diễn ra rất nhanh. Nhanh vì giữa người bán và người mua chỉ có hỏi, đáp và ghi chép. Sau khi thống nhất nhanh chóng về số lượng, chủng loại, giá bán, anh bạn kéo tôi ra khỏi cửa hàng để đi tìm mua những mặt hàng khác.

Không giấu nổi tò mò, tôi ngạc nhiên hỏi anh bạn về việc chọn lựa, kiểm hàng… thì được giải thích rằng việc mua bán ở đây hoàn toàn dựa trên lòng tin và uy tín. Người bán sẽ chọn hàng theo đúng yêu cầu và đóng vào bao kèm theo hóa đơn. Người mua cứ đi chọn hàng ở các quầy khác, lúc sau chỉ việc quay lại lấy đồ do người bán chuẩn bị sẵn, trả tiền và mang hàng về. Khi về, người mua sẽ kiểm tra, nếu thiếu hoặc sai thì hoàn toàn có thể bổ sung hay đổi lại.

Đến bây giờ thì tôi đã hiểu, tại sao có những người có thể “đi Usu” mua hàng và nợ tiền hàng lên đến cả trăm ngàn rub (tỷ giá khoảng 30rub/1 USD).

Sau khi lòng vòng mấy cửa hàng điện tử, tôi lại lẽo đẽo theo sau vợ của Bình “móm” để xem các mặt hàng khác. Lần này chúng tôi vào 1 cửa hàng bán dép. Đã thống nhất được giá cả, số lượng, anh chàng bán hàng lôi máy tính ra bấm bấm rồi nói một câu làm tôi giật mình: “Ba ngàn bốn trăm tám mươi rúp”. Hoàn toàn bằng tiếng Việt!

Anh chàng Ca-ríc đang "giới thiệu sản phẩm"
Hỏi thăm thì được biết, anh tên là Ca-ric, người Armenia. Anh còn nhiệt tình giúp chúng tôi bê đồ ra tận xe dù chỉ mua của anh có hơn 3000 rub!

Chúng tôi tiếp tục vào một cửa hàng bán áo khoác. Vẫn là hoạt động chọn màu, chọn loại, thống nhất giá cả, số lượng. Đi. Một lúc sau quay lại trả tiền, lấy một túi to và trả tiền mà không cần phải đếm hay kiểm hàng. Vẫn là chữ TÍN trong làm ăn!










Mặc dù đây là chợ đầu mối nhưng không vì thế mà bạn có thể mua hàng rẻ nếu mua lẻ chứ không mua ốp-tâm (mua buôn, mua sỉ - cách phiên âm của bà con người Việt từ “оптом” của tiếng Nga). Bằng chứng là khi chúng tôi mua ốp-tâm đồng hồ, rất nhiều người Nga đến hỏi mua 1 chiếc thì chủ cửa hàng luôn đưa ra cái giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá bán buôn đã nói với chúng tôi.

Sau khoảng 3 tiếng chạy lòng vòng trong chợ để lấy hàng, anh bạn Bình “móm” dẫn tôi vào một cửa hàng nhỏ bán thịt nướng của người Trung Quốc. Mặc dù không đúng chất Nga lắm, nhưng một đĩa thịt nướng với 2 lát bánh mỳ đen cũng khá hấp dẫn sau mấy tiếng chạy lòng vòng trong chợ, đặc biệt là trong một đêm mưa như thế này.


Chúng tôi rời Ussurisk tầm hơn 1h sáng. Cơn mưa vẫn nặng hạt. Anh bạn tôi chống lại cơn buồn ngủ bằng cách bật nhạc và hát ầm ĩ trong khi điều khiển chiếc xe 7 chỗ chất đầy hàng. Còn tôi ngồi ghế sau với đống hàng hóa dồn ép quanh người cũng cố gắng góp vui vài câu rồi ngủ thiếp đi vì mệt.

Giờ thì đã biết Usu! Giờ thì đã thấm được một phần cái nỗi vất vả của bà con người Việt đang tần tảo bán buôn ở cái xứ Viễn Đông này!
 
Top