Bài viết 04 - Tiếng Nga, người bạn tri kỷ trên những nẻo đường binh nghiệp

xuanhoihhbg

Thành viên thường
Từng cơn gió thổi mạnh trong đêm vắng tĩnh mịch làm tôi chợt bừng tỉnh trong căn phòng với ánh đèn mờ ảo. Chợt những kỉ niệm ngày xưa bỗng ùa về như cuốn phim tua chậm trong tâm trí. Trong lòng chợt dâng lên những cảm xúc thật khó tả, khao khát về một thời mộng mơ, tiếc nuối vì những gì đã qua đi không thể lấy lại.

Làm quen với Tiếng Nga một cách tình cờ vào những năm tháng học sinh cấp ba, trong đầu tôi lúc đó còn mơ hồ khái niệm với thứ ngoại ngữ ấy. Ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường Hoàng Văn Thụ - Thành Phố Hòa Bình, tôi khấp khởi nửa mừng nửa lo. Tại khu vực tiền sảnh của trường, các bạn học sinh đang tíu tít đăng ký nguyện vọng học. Tôi dừng lại khi thấy nụ cười của một “cô gái”, mà thực sự sau này tôi thầm cảm ơn giây phút ấy. Tôi đoán “cô ấy” chỉ đáng tuổi chị tôi với mái tóc tết gọn gàng chấm ngang lưng và nụ cười “như mùa thu tỏa nắng” và trên chiếc bàn nơi cô ngồi có tấm biển với dòng chữ in đậm “Lớp Tiếng Nga”. Ban đầu khi dự thi tôi đăng ký vào lớp chuyên Sinh của trường nhưng sau đó không đủ điểm và tôi đã đăng ký học lớp Tiếng Nga, có lẽ bởi vì nụ cười của cô ấy và sự ngây thơ của học trò khiến tôi tạm tin rằng tôi đã lựa chọn đúng. Một tuần sau là học buổi đầu tiên, tôi mới vỡ lẽ: hóa ra “cô gái” để lại ấn tượng khó phai trong suy nghĩ của tôi suốt những ngày qua lại là giáo viên chủ nhiệm lớp. Điều ấy khiến tôi cảm thấy phấn chấn đôi chút và buổi chiều tan học tôi lặng lẽ bước đi trên con đường hoa phượng rơi đầy với biết bao nhiêu dòng suy tư trong tâm trí… Những ngày đầu tiên không chỉ riêng bản thân tôi, mà nhiều bạn học cùng khóa trong lớp không tỏ vẻ mặn mà lắm với môn học Tiếng Nga – môn học chuyên ngành của chúng tôi, có bạn còn tỏ ra chán nản và làm việc riêng, “quậy phá” trong lớp khiến cô giáo chủ nhiệm rất phiền lòng. Về phần mình, tôi vẫn mơ màng trong những con số và hình vẽ của môn Đại số và Hình học và chẳng mấy khi bận tâm đến thứ ngoại ngữ mà tôi đã từng ca thán trong bữa cơm tối với mẹ là tôi đã lựa chọn sai lầm.

Nhưng rồi mọi thứ thay đổi kể từ buổi chiều hôm ấy, buổi chiều đầy nắng mà tôi không thể nào quên. Buổi học hôm ấy, vẫn như thường lệ tôi “mắt la mày lém” lôi cuốn sách Đại số ra làm bài tập về nhà ngay trong giờ học Tiếng Nga của cô giáo chủ nhiệm và gần như chẳng nghe một chút nào bài giảng của cô trên lớp. Không khí trong buổi học bỗng dưng trở nên nặng nề khó hiểu, cô giáo đưa cái nhìn bâng khuâng về phía tôi ngay khi tôi ngẩng đầu dậy. “Em! Đứng dậy trả lời câu hỏi của cô nào!” cô gọi tôi. Tôi đứng phắt dậy trong vô thức, mồ hôi vã ra như tắm, tay run lẩy bẩy, gập vội cuốn vở bài tập đang làm dở dang, tôi còn không nhớ là cô hỏi tôi điều gì. Giây phút ấy, cô giáo đến bên cạnh tôi và nhẹ nhàng đặt cuốn sách Đại số mà tôi giấu sang một bên nhìn tôi nghiêm nghị và hỏi: “Em có thực sự yêu Tiếng Nga không?” Tôi chết lặng người sau câu nói đó và không thể trả lời…

Những ngày sau đó, câu hỏi ấy cứ ám ảnh trong đầu khiến tôi day dứt không nguôi. Tôi như bừng tỉnh “sau cơn mê” . Qua tìm hiểu, tôi mới biết: Cô giáo tôi mới tốt nghiệp ra trường được phân công công tác phụ trách lớp tôi. Với đồng lương ít ỏi, cô đã không ngần ngại không quản nắng mưa động viên các bạn trong lớp tôi học lớp Tiếng Nga của cô mà không cần phải đóng một đồng học phí… Dạy chúng tôi cách phát âm, lập những đoạn hội thoại trên lớp và những đêm miệt mài soạn giáo án đến khuya, suy nghĩ về những phương pháp giảng dạy tích cực đã khiến cô thường xuyên đi làm với đôi mắt mệt mỏi. Tôi vẫn còn nhớ: ngày ấy, mặc dù còn rất trẻ, nhưng cô giáo tôi là người đầu tiên áp dụng phương pháp thi vấn đáp và giảng dạy trực quan sinh động trong khi biết bao giáo viên dạy ngoại ngữ khác vẫn quen với thói quen dạy học theo kiểu “đọc chép”, tổ chức thi viết, không phát triển được kĩ năng nhiều cho học sinh học ngoại ngữ. Có ngày chúng tôi chờ đợi tiết học Tiếng Nga của cô trong khoắc khoải, rồi hay tin cô bị ốm nặng không thể đứng lớp. Cảm giác trong chúng tôi lúc ấy là sự hối hận vô bờ bến và thầm mong cô sớm khỏi bệnh để chúng tôi lại được nghe cô giảng bài…

View attachment 2412
Khuôn viên trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ - TP. Hòa Bình
Cứ như vậy, Tiếng Nga chẳng biết tự lúc nào đã trở thành người bạn tri kỷ, niềm hạnh phúc, đam mê trong suốt đời học sinh của chúng tôi. Chúng tôi quyết tâm học thật tốt môn Tiếng Nga để không phụ lòng mong mỏi mà cô đã hi vọng và đặt niềm tin. Năm tôi học lớp 12 trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Nga tôi đã đạt giải Nhất. Niềm vui quá đỗi bất ngờ khiến tôi càng nỗ lực quyết tâm cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Chúng tôi tổ chức học nhóm vào buổi tối, ôn luyện ngay cả trong những ngày không có lịch học. Cơ sở vật chất của ngôi trường nơi chúng tôi theo học còn nhiều hạn chế, băng đĩa, tài liệu nghe Tiếng Nga rất ít ỏi, còn chúng tôi thì ngây thơ nghĩ rằng: hãy cố gắng nỗ lực hết sức, rồi mọi thứ sẽ đạt được như mong muốn của mình. Ngày thi đến, mặc dù bị ốm, nhưng tôi vẫn cố gắng để đi thi với hi vọng của bản thân, cha mẹ và của cô giáo tôi. Rồi khi biết kết quả, tất thảy chúng tôi chết lặng: không ai đạt giải trong kỳ thi quốc gia năm ấy… Tôi đã rơi nước mắt, những giọt nước mắt của sự tiếc nuối, của nỗi buồn vô hạn trước thất bại của tuổi trẻ đầy khát khao và nông nổi. Nhưng điều khiến tôi buồn nhất đó là tôi sợ phải gặp cô giáo chủ nhiệm, vì cô đã đặt niềm tin nơi chúng tôi nhiều đến nhường nào. Buổi chiều hôm ấy, tôi đã ở lại sau giờ tan học và tâm sự mọi chuyện với cô. Cô giáo tôi chỉ mỉm cười và nói: “Dù có thế nào, cô vẫn tự hào về các em!”. Mãi về sau này, nhiều khi tôi vẫn tự vấn bản thân, xen lẫn sự dằn vặt cố hữu: “Liệu giờ được một lần nữa làm lại, tôi có thể thay đổi mọi thứ hay không?”…

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp cấp ba, chúng tôi ấp ủ cho riêng mình nhiều dự định và ước mơ trên những chặng đường mới trong cuộc sống. Mặc dù bận bịu với công việc, nhưng cô giáo chủ nhiệm vẫn đến thăm từng đứa trong lớp để động viên chúng tôi, hi vọng rằng chúng tôi sẽ có kết quả tốt trong kỳ thi đại học… Chúng tôi chia tay người giáo viên –“người mẹ” trên bục giảng với nhiều tâm sự và nỗi nhớ, cùng quyết tâm sẽ “vượt vũ môn” trong kỳ thi trọng đại của cuộc đời.
View attachment 2413
Học viện Khoa Học Quân sự
Tôi thi đỗ vào Học viện Khoa học Quân sự và năm thứ ba, tôi được nhà trường cử đi học một năm chuyển tiếp sinh tại Nga tại trường đại học tiếng nga quốc gia Puskin. Khoảng thời gian được đắm mình nơi “xứ sở bạch dương” đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên. Tôi yêu vô cùng những thầy cô giáo Nga đã cao tuổi nhưng luôn dành những tình cảm đặc biệt với những sinh viên Việt Nam. Tôi nhớ những buổi chiều lang thang trên đường phố Matxcơva dưới cơn mưa tuyết lạnh giá và dòng người tấp nập, những đêm thao thức vì nỗi nhớ gia đình, phóng tầm mắt xa xa từ khung cửa sổ khu ký túc xá… Nước Nga trong tôi tựa như miền đất hứa. Tại đó tôi thực sự được sống với những ước mơ và hi vọng của tuổi trẻ.

Trong thời gian học tập tại Nga, một lần nữa, người giáo viên thứ hai khiến tôi rơi nước mắt trong “sự nghiệp đèn sách”. Cô có một hoàn cảnh rất đặc biệt, khó gần khi mới tiếp xúc với chúng tôi và đã 50 tuổi… Buổi kiểm tra miệng đầu tiên tôi đã “bị” điểm 3 do làm thiếu bài tập. Sự hờn dỗi của bản thân cộng với việc ngây thơ của tuổi trẻ khiến tôi có ác cảm với cô. Trong giờ giảng cô lên lớp tôi luôn giữ thái độ lạnh lùng và không sôi nổi giống như bạn bè cùng lớp hưởng ứng giờ học của cô. Tôi vẫn nhớ mãi bóng dáng cô trong chiếc áo khoác xù xì, mái tóc cắt ngang vai và đôi kính cận che gần nửa khuôn mặt và dáng điệu chậm rãi của cô trong từng lời nói…

View attachment 2414
Trường đại học Tiếng Nga Puskin – Matxcơva

Ngày thi môn học mà cô phụ trách giảng dạy, bạn bè tôi thì rủ nhau đi chơi xa, còn tôi lo lắng vô cùng, thức khuya ôn bài mấy ngày trời. Sáng hôm ấy, tôi dậy sớm, đứng lặng lẽ nhìn tuyết rơi ngoài cửa sổ, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ nhưng vẫn không quên đọc lại những nội dung tôi đã ôn luyện… Thật bất ngờ, tôi trả lời tốt những câu hỏi mà cô giáo tôi đưa ra trong giờ kiểm tra và đạt điểm 5.
Cô có nói với tôi: “Tôi cứ nghĩ em là học sinh cá biệt của lớp. Hôm nay em trả thi rất tốt, tôi cho em 5 điểm. Hi vọng rằng em sẽ phát huy tốt tinh thần học tập ấy ở những môn học tiếp theo.” Hôm đó sẽ thực sự là ngày vui trọn vẹn đối với tôi nếu tôi không biết một sự thật sửng sốt về cô: cô giáo tôi không lập gia đình dù đã cao tuổi và hiện đang sống với cha đẻ. Tôi như chết lặng trong căn phòng và bất giác sống mũi cay cay. Tôi khóc vì thương cô giáo tôi, vì tôi thật ích kỷ khi đã không hiểu hoàn cảnh đặc biệt của cô… Tôi chạy như bay về phòng và tặng cô một thỏi sô cô la vào buổi học cuối cùng ấy. Sau ngày đó tôi rất ít khi được gặp cô, nhưng mỗi lần gặp tôi luôn nở nụ cười thật tươi cùng sự biết ơn cô thật nhiều trong suy nghĩ.



Đến nay đã được 5 năm kể từ ngày tôi trở về Việt Nam và kết thúc khóa học, tôi đã trở thành sĩ quan quân đội, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Tôi muốn về làm việc tại Thành phố Hòa Bình – nơi tôi vẫn coi là quê hương thứ hai trong đời, nhưng lại phải bằng lòng với cuộc sống xô bồ ở Thủ đô. Nhưng điều khiến tôi nuổi tiếc và xen lẫn cảm giác đau đớn đó là tôi không được làm việc đúng chuyên ngành Tiếng Nga mà tôi hằng ước mơ và theo đuổi từ khi còn là học viên. Gia đình tôi chuyển về sinh sống tại Hà Nội, tôi cũng không còn có cơ hội thường xuyên được gặp cô giáo cũ dạy Tiếng Nga của tôi ngày xưa nữa… Cuộc sống sau khi ra trường với tôi không còn nhiều ước mơ hoài bão như khi còn đắm chìm trong đèn sách trước kia, mà phải lo toan nhiều điều và đối mặt với những khó khăn trong công việc. Tôi vẫn có thói quen vào ngày nghỉ thay vì tụ tập bù khú với bạn bè, thì lại lấy sách Tiếng Nga ra tự học, hoặc lang thang trên các diễn đàn Tiếng Nga trên mạng Internet để học hỏi thêm kiến thức… Điều đó khiến tôi cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nước Nga và nhiều khi là “sự giải sầu” vô cùng hiệu quả… Đã có những đếm trong giấc mộng, tôi mơ mình một lần nữa được trở lại nước Nga, được sống với niềm hạnh phúc vô bờ bến với biết bao ước mơ và hi vọng. Khi giật mình tỉnh giấc, tôi lại thở dài tiếc nuối. Tôi vẫn thường tự nhủ: “Tại sao trẻ con lại có đôi mắt trong veo như thế còn người lớn thì không ? Có lẽ vì chứng kiến quá nhiều sự bất công, trái ngang trong cuộc đời đã khiến đôi mắt họ đục dần đi theo năm tháng”. Có những khi vất vả và phiền lòng vì công việc, vì sự nghiệt ngã của dòng đời, tôi lại “thèm” một buổi tối tĩnh lặng, nghe những bài hát nhẹ nhàng bên cạnh cuốn sách Tiếng Nga – người bạn mà tôi không bao giờ muốn rời xa trong cuộc sống. Có thể những ước mơ của tôi sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn nước Nga, cảm ơn Tiếng Nga, cảm ơn những người giáo viên âm thầm đã bước chân vào cuộc sống của tôi và để lại cho tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Trước ngưỡng cửa cuộc đời với biết bao khó khăn, vất vả tôi mới hiểu: tìm ra một "người mẹ" trên bục giảng như cô giáo tôi bây giờ thật khó. Tôi tiếc nuối và muốn một lần được quay trở lại quá khứ với những đêm miệt mài đèn sách ôn thi. Tôi muốn được một lần nữa nhìn lại con sông Đà hùng vĩ tung bọt trắng xóa và công trình Thủy điện Hòa Bình – niềm tự hào của Việt Nam trong quá khứ, kết tinh của tình hữu nghị Việt – Nga mãi mãi vững bền… Tôi muốn được một lần nữa ngồi nghe cô giáo cũ của tôi giảng bài Tiếng Nga trên bục giảng với niềm say mê lạ kì. Tôi muốn nhìn thấy “người mẹ ấy”, thấy nụ cười và đôi mắt của biết bao đêm miệt mài soạn giáo án tới sáng vì học trò... Tôi muốn một lần nữa sống với ước mơ và hi vọng thực sự.
View attachment 2415
Công trình thủy điện Hòa Bình – niềm tự hào tình hữu nghị Việt - Nga

Mải miết theo những dòng cảm xúc bất tận, tôi chợt nhận ra những tia nắng đầu tiên của buổi sớm đã le lói khắp căn phòng, lại chuẩn bị một ngày mới bận rộn với công việc thường nhật… Tối nay tôi lại tự học Tiếng Nga…
Hà Nội những đêm sống với hoài niệm
Nhu la cau chuyen co tich a nhi?
 

Khiêm Hạ Thái Sơn

Quản lý thực tập
Thành viên BQT
Сотрудник
Ngày hôm qua như trong giấc mơ Bao xa cách chỉ như một chớp mắt Bài ca ngọt ngào tìm quá khứ Vẫn chưa vơi trên đôi bờ môi Và cơn mưa nơi đâu đã đến muốn xoá mờ bao vết chân năm tháng Hạt mưa buông trong đôi mắt em Và anh đã uống trên môi ...Còn nguyên dấu vết bên nhau ta sống những tháng năm qua...Một ngọn nến thắp lên, vẫn cháy trong bão giông... Và còn mãi cháy sáng trong đời... Mãi cháy sáng lung linh màu... Bên nhau ta sống những tháng năm qua ...Một tình yêu đã trao trong hơi thở vẫn ấm... Và còn nguyên trong trái tim ta ...Ngày hôm qua ...
 
Top