Hướng dẫn TẢN MẠN VỀ DỊCH THUẬT, từ A đến Z.

Status
Không mở trả lời sau này.

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
TẢN MẠN VỀ DỊCH THUẬT, từ A đến Z.

Gửi các bạn đã học, đang học và đang băn khoăn có nên học tiếng Nga hay không!!!
Học tiếng Nga hay không học tiếng Nga? Cứ tiếp tục học tiếng Anh hay cứ tạt té sang tiếng Nga một chút rồi sau này tính tiếp. Mà tiếng nào HOT? Tiếng Anh? Tiếng Pháp? Tiếng Nhật hay …tiếng Hàn? Hay … tiếng Trung?
Các bạn trẻ ngày nay có nhiều sự lựa chọn quá, nhiều lời tư vấn quá khiến tôi cảm thấy dường như các bạn đang bị lạc trong mê cung mãi không thấy lối ra. Thời chúng tôi ngày trước cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chẳng có cái khái niệm chọn lựa gì cả. Được bố mẹ cho đi học là tốt lắm rồi. Ở trường may ra thì có học tiếng Nga, không thì thôi, coi như mù ngoại ngữ; còn tiếng Anh, tiếng Pháp lằng nhằng có ai nhòm ngó đến. Những người bạn của tôi, những người tôi biết vẫn kiên tâm theo đuổi tiếng Nga đều có một sự nghiệp tốt đẹp, dù cho ngày nay vẫn nhiều người cho rằng học tiếng Nga là sẽ thất nghiệp, không ai học tiếng Nga nữa.

Ngày nay tiếng Nga không được dạy nhiều như thời chúng tôi, nhưng các bạn lại có một môi trường học tiếng không tệ chút nào, có khi còn tốt hơn, bởi tiếng Nga chủ yếu chỉ được dạy trong các trường chuyên. Lớp không đông, giờ học rất nhiều, đa dạng và giáo viên cũng rất cừ. Tôi biết có những nơi các bạn học tiếng Nga tận 7 năm phổ thông, có nơi chỉ học 3 năm, nhưng chương trình học cũng không nhẹ hơn bao nhiêu. Thiết nghĩ, các bạn thay vì học tiếng Anh mà đã học tiếng Nga nhiều như thế, đặc biệt là những bạn có khả năng ngôn ngữ, thì tại sao nay lại bỏ rơi lãng phí nó như vậy? “Không có thứ ngôn ngữ nào quan trọng hơn ngôn ngữ nào, chỉ có chúng ta nghiêm túc học và biết sử dụng đúng nơi đúng lúc hay không” - tôi nghĩ vậy. Đặc biệt trong thời buổi ngày nay, bạn nào chăm chỉ đọc tin tức thì sẽ thấy quan hệ của Nga với ta tốt đẹp như thế nào, đang và sẽ có rất nhiều các bạn Nga đến Việt Nam ta để du lịch, lập công ty hay chi nhánh. Nếu các bạn chạy theo các thứ tiếng khác hay không chú tâm học thứ tiếng (Nga) mà các bạn đang học thì ai sẽ là người bắc cầu nối cho 2 nước. Cao xa quá, vậy công việc tốt đẹp và hữu ích đó sẽ dành cho ai đây???

Thay vì đứng núi này trông núi nọ, sao các bạn không bắt tay vào học tốt tiếng Nga ngay từ bây giờ. Mấy môn tự nhiên (Toán, Lý, Hóa), học giỏi khó lắm, phải có đầu óc, mà học xong không biết khi nào mới áp dụng, nhưng ngoại ngữ thì khác, học xong ra khỏi lớp là có thể “làm mưa làm gió” ngay được: đọc sách được, nghe nhạc, xem phim được, nói chuyện được. Tuy ban đầu các bạn buộc phải đi rất chậm, nhưng chăm chỉ kiên trì một chút, chủ động sáng tạo tìm tòi một chút thì giống như đứa trẻ mới học nói, dần dần các bạn cũng sẽ nhận thấy mình tiến bộ như thế nào. Lợi ích ban đầu của học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nga nói riêng là có thể mở rộng giao lưu, môi trường sống; nhưng xa hơn, chúng ta có thể dùng ngoại ngữ để phục vụ cho học tập nghiên cứu, công việc chuyên môn – hay nói cách khác là để nuôi sống bản thân.
Bài viết này của tôi một mặt muốn kêu gọi các bạn đã, đang, và có dự định học tiếng Nga có suy nghĩ tích cực, nghiêm túc trong việc học tập và trau dồi thứ ngôn ngữ này; mặt khác tôi muốn qua đây giới thiệu và trang bị ít kiến thức cho một công việc khá thú vị nhưng không phải ai học ngoại ngữ đều biết rõ về nó – đó chính là nghề Dịch thuật.

Vốn không phải là học sinh hay sinh viên chuyên ngữ, nhưng tôi cũng có thời gian dài sống và học tập tại Liên Xô. Là LHS ở Liên Xô những năm 60-70, trong quá trình làm chuyên môn và sau một số công việc dịch vụn vặt, tôi thấy khả năng tiếng Nga của mình là được, đủ dùng, còn việc dịch thuật chuyên nghiệp là của người khác, dành cho những ai học ra để làm việc đó. Đến cuối những năm 90, khi tán chuyện trên vài forum dịch thuật trên Runet, một bạn Nga đưa ra 1 văn bản của 1 Phòng dịch thuật ở Hà Nội dịch sang tiếng Nga. Dân chúng cười, vì trong 1 trang đã có gần 20 lỗi chính tả, 1 chỗ sai về ý. Bản thân tôi tự hỏi: Chẳng lẽ tình hình dịch thuật Việt -> Nga ở Việt Nam bi đát đến mức ấy, trong khi mình chỉ viết lách vớ vẫn cho vui mà không tận dụng vốn của mình?
Nhiều tháng đọc các tài liệu về công việc dịch thuật, nhiều bài viết chuyên môn trên các forum dịch thuật, trả sát hạch hội viên Hội dịch thuật Nga, tôi chính thức tham gia công việc dịch thuật. Sau hơn 15 năm, tên tuổi của mình đã được xác định, tham gia dịch thường xuyên cho nhiều Cty lớn của Nga, kể cả ở cấp Nhà nước như Viện KS Trung ương, “Rosatom”... và vui khi cảm thấy mình có ích hơn trước đây nhiều. Có hôm, vì gấp quá, điện thoại gọi từ Nga về khi đang chạy xe trên đường ở Tp.HCM nhờ dịch mấy trang cho kịp làm việc vào sáng hôm sau .... Tiền nong là một chuyện, nhưng cảm giác phấn khởi do ai đó ở cách xa nửa Quả đất cần đến mình đã làm ấm lòng thêm mấy ngày nữa ...

Cần phải chia sẻ với các bạn trẻ một điều rằng: Cùng với sự phát triển quan hệ kinh tế giữa 2 nước, trong xã hội Nga hiện nay, dịch Việt->Nga có nhu cầu khá cao, và có thù lao cao so với các ngôn ngữ khác (15-20 đôla cho mỗi trang dịch chuyên môn, trong khi dịch Anh-Nga hay Pháp-Nga chỉ 8-10 đôla). Trước đây, việc dịch Việt->Nga chủ yếu do người Nga đảm nhiệm. Nhưng thực tế phát triển đa dạng của tiếng Việt, tính phong phú cộng với sự khá tùy tiện của ngữ pháp tiếng Việt, thế hệ người Nga biết thông thạo tiếng Việt đã “treo gươm gác giáo”... làm cho một số bài dịch chuyên biệt từ Việt sang Nga trở thành công việc khó khăn. Nay chỉ có vài người Việt làm công việc này, sau 10-15 năm nữa người Việt không còn ai đảm đương thì sẽ có hại cho sự giao bang về chiều sâu của 2 nước...

(Phần viết này có sự tham gia của CTV Hồng Nhung)


“Món tráng miệng” hay “Chuyện thật như bịa”
Hồi đó giữa Bộ ĐH của ta và Liên Xô có tranh luận về việc dạy tiếng Nga cho SV Việt Nam. Nhóm 6 đứa chúng tôi được lấy để dạy thí điểm theo phương pháp mới, đều là học sinh chuyên Toán nhưng không ai được học tiếng Nga ở trường, 1 chữ bẻ đôi cũng không biết. Thầy giáo được phân công dạy tiếng Nga cho chúng tôi là TS ngôn ngữ đến KTX ngay vào ngày hôm sau khi chúng tôi vừa đến thành phố. Ông thu hết tất cả tài liệu học bằng tiếng Việt, kể cả từ điển, hội thoại... để chúng tôi buộc phải học tất cả thông qua tiếng Nga.
Sau mấy ngày nghỉ lại sức, mấy đứa chúng tôi ra phố mua đồ dùng cá nhân. Vào cửa hàng, thấy 1 típ màu trắng, lấy nặn ra ngửi thấy hơi hôi hôi, cậu bạn bảo: Tây nó hôi nên thuốc đánh răng cũng vậy.
Mua về, cả bọn đánh hơn 1 tuần, đến khi học đến từ ghi trên típ thuốc là “Крем для обуви” (Xi đánh giày) thì mới ngã ngửa người ra.
Chắc nhờ vậy mà sau này đứa nào cũng nói và diễn đạt tiếng Nga trơn tru, bóng bẩy !?


* * * * * * *

1. Nhập đề
Lẽ tự nhiên ta phải hỏi: Dịch thuật là gì? Nếu biết (nói và viết) tốt ngoại ngữ thì dịch được, vậy thì cần gì những thứ như Lý thuyết dịch thuật, tiêu chuẩn, nguyên tắc ... của công việc này? Trong loạt bài có tính chất tản mạn ở đây, theo lý luận và kinh nghiệm bản thân, tôi muốn làm rõ đặc thù và những gì cần cho công việc dịch thuật chuyên nghiệp. Viết loạt bài này cũng vì trong công động mạng VN chưa thấy có những bài viết hướng dẫn về lĩnh vực này cho các bạn trẻ yêu tiếng Nga.

Dịch thuật không đơn thuần là việc chuyển từ (có người gọi là chuyển ngữ) của tiếng này sang từ của tiếng khác với sự tôn trọng các quy tắc ngữ pháp của hai ngôn ngữ.
Nguyên lý chủ đạo trong dịch thuật bất kỳ ngôn ngữ nào là: Hiểu đúng hình tượng cần dịch trong ngôn ngữ nguồn (ngôn ngữ gốc), diễn đạt hình tượng đó bằng các cấu trúc văn phạm của ngôn ngữ đích (ngôn ngữ cần dịch sang).
Nếu chỉ biết từ, ngữ pháp mà dịch thì nhiều lúc không thể truyền tải chính xác được, tức là bản dịch không đạt yêu cầu.
Lấy ví dụ cụm từ “по-пластунски пропахали” trong câu của 1 bài hát khá quen thuộc: “Мы пол-Европы по-пластунски пропахали,”
Có người dịch (đăng trên trang dịch thuật hẳn hoi) là: Chúng ta cày - trườn bằng tay hết nửa châu Âu.
Rõ ràng đã không theo nguyên tắc chủ đạo nêu trên, chỉ hiểu ý từ tiếng Nga rồi ghép chúng lại, và khi đọc tiếng Việt nghe hơi buồn cười.
Nếu hiểu đúng hình tượng trong tiếng Nga, văn cảnh và âm điệu của câu thì ít ra cũng phải dịch là: Có đến nửa châu Âu chúng tôi bươn trườn rồi cũng qua đi.

Chính vì vậy, đối với người Việt, việc dịch xuôi Nga->Việt thuận lợi hơn nhiều vì dịch ngược Việt->Nga không chỉ cần biết nghĩa từ và ngữ pháp tiếng Nga mà cái chính là phải biết dùng các cách diễn đạt và các phương thức cấu tạo từ (Выражения и словообороты) thích hợp trong tiếng Nga. Hai cái này chỉ có khi tiếp xúc nhiều với thực tế, nắm được những tinh tế và vẻ đẹp truyền cảm khi giao tiếp nhiều trong cộng đồng người Nga.

Tóm lại, nếu đã vào con đường dịch thuật, khi coi nó như là một nghề, trước hết ta cần phải biết mình theo mục đích gì, đang ở mức độ nào để biết những yêu cầu cần thiết ở đó mà phấn đấu và hướng tới mức độ sau.

Và một điều cũng không thể bỏ qua: Muốn viết tiếng Nga hay, nói tiếng Nga có duyên, có tính thuyết phục.... thì trước hết mình cần phải có cách tư duy như người Nga và tình cảm với tiếng Nga, khi đó ta mới truyền tải chính xác và chân thực những ý nghĩ và cảm xúc theo "kiểu Việt" của mình.


Trong các bài sau ta sẽ lần lượt đi vào các chi tiết:
- Tiêu chí (tiêu chuẩn) dịch thuật;
- Những yêu cầu đối với bản dịch
- Các loại dạng dịch thuật;
- Các xu hướng thường áp dụng khi dịch;
- Những nguyên tắc có t/c chiến lược của người làm công việc dịch thuật;
- Đặc thù việc dịch văn bản khoa học kỹ thuật;
- Những bước tối thiểu khi dịch;
- Hành trang cho nghề dịch thuật (học tiếng Nga thế nào để việc dịch sau này thuận lợi nhất);
- Văn hóa dịch thuật (quy tắc ứng xữ, yếu tố pháp lý và những lưu ý trong nghề dịch thuật).
 
Chỉnh sửa cuối:

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
2. Tiêu chí (tiêu chuẩn) dịch thuật
Ta xét mục này đầu tiên vì muốn làm gì trước hết cần phải biết tiêu chuẩn của sản phẩm mình sẽ làm ra.
Có thể nói , dịch thuật là giai đoạn cuối cùng hay là “mức cao nhất” trong quá trình học ngoại ngữ "Nghe – Nói – Đọc – Viết – Dịch", bởi vì dịch thuật là sự kết hợp và vận dụng tất cả các kỹ năng còn lại, cho nên muốn dịch tốt ta phải luyện tập nhiều 4 kỹ năng trên thông qua học tập hoặc ngoài thực tế. Có người nắm lý thuyết rất vững nhưng dịch thì nghe không được, và ngược lại, có người chỉ biết lý thuyết cơ bản nhưng dịch lại hay. Tại sao vậy?
Tìm hiểu những điều cơ bản của lý thuyết Dịch thuật học, kết với với kinh nghiệm nhiều năm làm công việc dịch thuật các loại, ta sẽ cùng nhau tìm giải đáp cho câu hỏi này.


Dịch thuật (nghĩa đen là “Phương pháp chuyển đổi” từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác), thường được chia thành biên dịch và phiên dịch. Biên dịch được hiểu là dịch văn bản (khác với dịch kèm theo biên tập), còn phiên dịch được hiểu là dịch miệng để người khác nghe.
Theo quan niệm hiện nay, Dịch thuật là khoa học, nhưng không phải là một môn khoa học chính xác mà là sản phẩm khoa học trí tuệ. Trong kho tàng kiến thức nhân loại nó cũng như Triết học, cũng là môn khoa học lâu đời nhất và có tính nhân văn cao. Nếu chỉ biết ngoại ngữ mà không xác định được hệ thống kiến thức này thì dễ sa vào dịch theo ngẫu hứng cảm tính (đọc thì hay nhưng giá trị không bao nhiêu), hay tranh luận triền miên “Ai dịch hay hơn ai” khi không có sự thông nhất về tiêu chuẩn đánh giá bản dịch.


Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc qua những công trình biên dịch đầu tiên, chủ yếu là dịch xuôi từ tiếng Trung, Pháp sang tiếng Việt, bởi các bậc tiền bối của ta trong nghề dịch, 3 chữ “Tín, Đạt, Nhã” (trung thành với nguyên bản, dễ hiểu để lĩnh hội được nguyên ý của bản gốc, văn vẻ trôi chảy, lưu loát) đưa ra từ cuối thế kỷ XIX được nhiều người thời nay xem là tiêu chí của dịch thuật. Và hiện nay nhiều nơi dạy các môn dịch chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng quan niệm như vậy.

Điều này chỉ đúng khi dịch những tác phẩm kinh điển, tầm cỡ sang tiếng Việt, còn nay xã hội phát triển theo nhiều xu hướng, đa dạng về lĩnh vực, tiếng nói nhiều dân tộc pha trộn lẫn nhau do tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng nước khác là cần thiết, thì 3 chữ này trở nên mâu thuẩn nhau. Nếu giữ được chữ Tín khi văn phong bản gốc “gồ ghề” thì bản dịch làm sao nhã được? Hay vì chữ Tín thì không thể có Đạt như ví dụ tôi đưa ra ở phần đầu khi dịch cụm từ “по-пластунски пропахали” nghĩa đen là “cày - trườn bằng tay” (cày bằng cái gì ở đây, còn trườn không bằng tay thì bằng cái gì?) người đọc không thể hiểu ý câu gốc.
Vì vậy, có không ít dịch giả đã hăng hái đề nghị “phế truất” cả 2 chữ Đạt, Nhã và chỉ để lại chữ Tín là đủ. Theo họ, chữ Tín bao gồm tất cả, tức là chuyển “nguyên xi” toàn bộ những cái gì mà bản gốc có và người đọc cảm nhận được thực chất nó trong ngôn ngữ đích. Nhưng như ta đã thấy ở ví dụ trên về chữ Tín, khi người đọc bình thường khó hiểu thì bản dịch còn có tác dụng gì?

Theo tôi, ta nên “giải tán” cái tiêu chí 3 chữ ấy. Nhiều người thay bằng tiêu chuẩn “Đúng”, có người thì “Trung thành và Thông suốt”. Nghe thì đúng thật, nhưng hiểu cụ thể để người đang học ngoại ngữ biết mà chuẩn bị trước kiến thức, và áp dụng thế nào khi đánh giá bản dịch?
Để biện minh, các nhà “cải cách” này đã dành nhiều công sức để phân tích mấy chữ do họ đưa ra, tựu trung lại, trong chúng chứa vô số khái niệm khác, làm được tất cả thì là lý tưởng.

Theo ý kiến nhiều dịch giả phương Tây, trong đó có Nga, các tiêu chí cơ bản của dịch thuật là:

● Truyền tải đầy đủ những nội dung tư tưởng của bản gốc;
● Phong cách và hình thức trình bày của bản dịch cần giống tối đa với bản gốc;
● Bản dịch phải đọc được dễ dàng tương ứng như bản gốc.
Hơi dài (nhưng ngắn hơn nhiều so với những lời giải thích của những nhà “cải cách” trên) cái chính là dễ hiểu, dễ hướng tới ngay cả cho những người mới vào nghề.

Tôi theo những tiêu chí này, bên cạnh sự đúng đắn đã được kiểm nghiệm qua thực tế dịch thuật của bản thân, các bạn quan tâm chủ yếu là dịch Việt <->Nga nên quan điểm này rất phù hợp.
 
Chỉnh sửa cuối:

Dmitri Tran

Quản lý cấp 2
Thành viên BQT
Супер-Модератор
3. Những yêu cầu đối với bản dịch:
Để đạt được 3 tiêu chí đó, bản dịch cần đáp ứng tối thiểu 3 yêu cầu có tính quy phạm sau.

■ Yêu cầu về tương đương: Nội dung tổng quát của bản dịch phải gần giống bản gốc nhất.
Nếu vi phạm nặng yêu cầu này thì bản dịch không còn là công trình dịch thuật mà là tác phẩm của người dịch. Điều này thấy rõ qua dịch thích ứng (Адаптированный перевод) trong văn học của các dịch giả kinh điển, nhiều người còn “can đảm” nói rằng: bản dịch hay hơn bản gốc !? Vi phạm nhẹ thì bản dịch ít giá trị như thường thấy ở các bạn mới vào nghề dịch văn chương từ tiếng Anh, Nga ... sang tiếng Việt.
(Điều này thường thấy trong bản dịch lời VIệt nhiều bài hát Liên Xô, theo ý mình muốn hoặc cần, thường thêm những cụm từ có tính chất động viên hô hào như “Tiền tuyến”, “Chiến dịch”... mà ở nguyên bản không có để phù hợp với giai đoạn lịch sử của ta khi đó. Ngoài việc vi phạm yêu cầu này, đây còn là sự thiếu tôn trọng tác giả và văn hóa dịch thuật).

■ Yêu cầu về thể loại và văn phong: Phải tuân thủ cách thể hiện thể loại và văn phong của bản dịch sao cho nó không khác với bản gốc.
Theo đây, không thể dịch thơ dân gian nước ngoài thành dạng ca dao của ta rồi bảo bài thơ dịch là hay! Hoặc như ai cũng biết bài “Đợi anh về” (Жди меня), Tố Hữu dịch hay (ta đọc nghe “sướng” hơn cả bản gốc) vì bác ấy bằng thiên tài của mình đã phóng tác ý thơ của Simonov. Theo quan niệm hiện đại, việc phóng tác thế này dù có dịch hay đến mấy, đứng về góc độ chuyên môn cũng không thể là bản dịch tốt được

■ Yêu cầu về thực dụng: Phải đảm bảo giá trị sử dụng trong thực tế của bản dịch, tức là giá trị của bản gốc như thế nào trong ngôn ngữ nguồn thì bản dịch cũng phải có vị trí tương đương trong ngôn ngữ đích.
Để phục vụ yêu cầu này, khi không có điều kiện thề hiện đúng thể loại hay văn phong bản gốc, do trình độ người dịch chẳng hạn hay đòi hỏi của thực tế xã hội, thì chúng được thay đổi ở mức nào đó so với bản gốc, nhưng điều này là việc “cực chẳng đã”, nay bản dịch có thể được chấp nhận, nhưng khi có ai đó bảo đảm văn phong bản dịch tốt hơn thì số phận bản dịch hiện thời là sọt rác.
 
Chỉnh sửa cuối:
Status
Không mở trả lời sau này.
Top