RUVR : Chúng Ta Học Tiếng Nga

DauPhong

Thành viên thường
Xin chào các bạn!

Mã chèn diễn đàn :



ЗДРАВСТВУЙТЕ!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục làm quen với trạng từ (phó từ) ttrong tiếng Nga. Mời các bạn nghe đoạn hội thoại sau đây

АНТОН, ПРИВЕТ, ЭТО Я, ЧУНГ. Anton, chào cậu, tớ - Trung đây

ТЫ ЗНАЕШЬ, КОГДА У НАС КОНТРОЛЬНАЯ РАБОТА ПО ЭКОНОМИКЕ? Cậu biết khi nào ta có bài kiểm tra (môn) kinh tế không?

ЗНАЮ. ЗАВТРА. Tớ biết. Ngày mai đấy.

ЗАВТРА – là trạng từ chỉ thời gian, trả lời cho câu hỏi КОГДА?

Có những trạng từ chỉ thời gian như: ВЧЕРА - hôm qua, СЕГОДНЯ – hôm nay, ДНЁМ – ban ngày, НОЧЬЮ – vào ban đêm, УТРОМ – vào buổi sáng, ВЕЧЕРОМ – vào buổi chiều, ВЕСНОЙ – vào mùa xuân, ЗИМОЙ – vào mùa đông, ЛЕТОМ, - vào mùa hè, ОСЕНЬЮ – vào mùa thu, ЧАСТО – thường xuyên, hay, ИНОГДА – thỉnh thoảng, ВСЕГДА – luôn luôn, СЕЙЧАС – bây giờ, hiện tại, ПОТОМ – sau đó, sau này.

Sau đây là vài thí dụ sử dụng các trạng từ thời gian nêu trên

УТРОМ Я ХОЖУ В ИНСТИТУТ, А ВЕЧЕРОМ ОТДЫХАЮ С ДРУЗЬЯМИ. Vào buổi sáng tôi đến trường đại học, còn buổi chiều tôi nghỉ ngơi cùng bạn bè.

ЗИМОЙ Я ВСЕГДА НАДЕВАЮ КУРТКУ И ШАПКУ. Vào mùa đông tôi luôn mặc áo bông và đội mũ.

ЛЕТОМ Я ЧАСТО КУПАЮСЬ В РЕКЕ. Vào mùa hè tôi thường tắm ở sông.

СЕЙЧАС Я УЧУСЬ В ИНСТИТУТЕ, А ПОТОМ СТАНУ ЭКОНОМИСТОМ. Hiện tại tôi đang học đại học, còn sau này tôi sẽ trở thành nhà kinh tế.

Phần lớn nhóm trạng từ trả lời cho câu hỏi КАК?

Thí dụ: АНТОН, ТЫ ЗНАЕШЬ АНГЛИЙСКИЙ ЯЗЫК? Anton, cậu biết tiếng Anh không?

ДА, ЗНАЮ НЕМНОГО. Có, tớ biết một ít.

НЕМНОГО là trạng từ biểu thị mức độ của hành động và trả lời cho câu hỏi КАК?

ТЫ ХОРОШО ГОВОРИШЬ ПО-АНГЛИЙСКИ? Cậu nói bằng tiếng Anh tốt chứ?

ПО-АНГЛИЙСКИ là trạng từ biểu thị hành động và trả lời cho câu hỏi КАК? ХОРОШО cũng là trạng từ biểu thị hành động.

НЕТ, Я ПЛОХО ГОВОРЮ ПО-АНГЛИЙСКИ. НО Я ХОРОШО ЧИТАЮ ПО-АНГЛИЙСКИ. Không, tớ nói tiếng Anh còn kém. Nhưng tớ đọc thạo tiếng Anh.

ПЛОХО là trạng từ chỉ đặc điểm của hành động.

Những trạng từ như vậy trong tiếng Nga rất nhiều. Chúng được tạo bởi tính từ biểu thị tính chất của khách thể. Thí dụ:

ЭТО ДЕРЕВО ОЧЕНЬ ВЫСОКОЕ. Cái cây này rất cao.

ВЫСОКОЕ là tính từ chỉ trạng thái (cao) của khách thể (cây).

САМОЛЕТ ЛЕТИТ ОЧЕНЬ ВЫСОКО. Máy bay bay rất cao.

ВЫСОКО là trạng từ chỉ dấu hiệu hành động.

Я ЛЮБЛЮ ТАНЦЕВАТЬ МЕДЛЕННЫЙ ТАНЕЦ. Tôi thích nhảy những điệu nhảy chậm. МЕДЛЕННЫЙ là tính từ chỉ bản chất của đối tượng (điệu nhảy)

ЧУНГ ГОВОРИТ ПО-РУССКИ ОЧЕНЬ МЕДЛЕННО. Trung nói bằng tiếng Nga rất chậm.

МЕДЛЕННО là trạng từ chỉ trạng thái của hành động.

Các bạn hãy tập luyện cách dùng trạng từ. Dựa vào câu mẫu dưới đây, các bạn hãy hỏi bạn mình xem người ấy nói và đọc bằng các thứ tiếng khác nhau có giỏi không. Thí dụ:

bằng tiếng Pháp ПО-ФРАНЦУЗСКИ, bằng tiếng Tây Ban Nha ПО-ИСПАНСКИ, bằng tiếng Ý ПО-ИТАЛЬЯНСКИ, bằng tiếng Trung Quốc ПО-КИТАЙСКИ .

Các bạn hãy tự nghĩ một vài câu ngắn nói về việc bạn làm trong khoảng thời gian một ngày đêm và vào những mùa khác nhau trong năm.

Tin chắc là các bạn sẽ thành công.
 

DauPhong

Thành viên thường

Mã chèn diễn đàn :
Xin chào các bạn!



ЗДРАВСТВУЙТЕ!

Trong những bài trước, khi đặt câu đôi khi ta dùng đến danh từ số nhiều. Hôm nay chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về cách hình thành danh từ số nhiều. Chắc các bạn cũng thấy, tất cả các danh từ trong tiếng Nga đều thể hiện giới tính ngữ pháp-giống. Ta cần nhớ, danh từ liên quan đến giống nào. Danh từ tiếng Nga chia theo ba loại: giống đực, giống cái và giống trung.

Danh từ giống đực gồm những từ kết thúc bằng phụ âm. Nếu đó là phụ âm cứng thì khi chuyển sang số nhiều sẽ có đuôi Ы.

СТОЛ – СТОЛЫ, ТЕАТР - ТЕАТРЫ. Chiếc bàn – Những chiếc bàn, Nhà hát – Các nhà hát.

Tuy nhiên xin các bạn lưu ý, trong quy tắc này có ngoại lệ. Danh từ БРАТ (anh trai, em trai), ДРУГ (người bạn), СТУЛ (chiếc ghế) trong số nhiều sẽ có đuôi Я.

БРАТ - БРАТЬЯ, СТУЛ – СТУЛЬЯ, ДРУГ – ДРУЗЬЯ.

Còn danh từ ДОМ (ngôi nhà), ГОРОД (thành phố), ГЛАЗ (con mắt) khi chuyển sang số nhiều sẽ có tận cùng là А.

ДОМ - ДОМА, ГОРОД - ГОРОДА, ГЛАЗ - ГЛАЗА. Ngôi nhà – Những ngôi nhà, Thành phố - Các thành phố, Con mắt – Những con mắt (Đôi mắt).

Từ ЧЕЛОВЕК (con người) có dạng số nhiều là ЛЮДИ (mọi người), còn danh từ РЕБЕНОК (đứa trẻ) có dạng thức số nhiều là ДЕТИ (những đứa trẻ, trẻ em).

Nếu danh từ giống đực có tận cùng là phụ âm mềm, thì khi sang số nhiều sẽ có đuôi И.

КОНЬ - КОНИ, СЛОВАРЬ – СЛОВАРИ. Con ngựa - Những con ngựa, Cuốn từ điển - Những cuốn từ điển.

Số nhiều sẽ có tận cùng là И nếu danh từ số ít kết thúc bằng phụ âm rít như Ж, Ш, Ч, Щ.

ЭТАЖ – ЭТАЖИ, ВРАЧ –ВРАЧИ. Tầng nhà - Những tầng nhà, Bác sĩ - Các bác sĩ.

Có đuôi И ở cuối từ số nhiều với cả những danh từ nguyên thể số ít có tận cùng là Г, К và Х.

ПАРК - ПАРКИ, ПЛУГ-ПЛУГИ. Công viên - Các công viên, Сái cày – Những cái cày.

Từ giống cái với tận cùng là А khi chuyển sang số nhiều sẽ có kết thúc bằng Ы.

ЛАМПА – ЛАМПЫ, УЛИЦА - УЛИЦЫ. Chiếc đèn - Những chiếc đèn, Đường phố - Những đường phố.

Có những từ tiếng Nga đặc biệt với đuôi КА, ГА và ХА. Khi sang số nhiều chúng sẽ kết thúc bằng И.

КНИГА-КНИГИ, РУЧКА-РУЧКИ. Cuốn sách - Những cuốn sách, Cây bút - Những cây bút.

Tất cả những danh từ giống cái còn lại khi dùng để chỉ số nhiều cũng đều có kết thúc bằng И.

ТЕТЯ- ТЕТИ, ПЕСНЯ- ПЕСНИ, ДВЕРЬ – ДВЕРИ, ПЛОЩАДЬ - ПЛОЩАДИ. Cô, dì, bác gái - Các cô, các dì, các bác gái, Bài ca - Những bài ca, Chiếc cửa - Những chiếc cửa, Quảng trường - Những quảng trường.

Các danh từ giống trung với vần kết thúc là О khi chuyển sang biểu thị số nhiều sẽ có đuôi А.

ОКНО – ОКНА, ВЕДРО - ВЕДРА, ПИСЬМО - ПИСЬМА. Cửa sổ - Những cửa sổ, Chiếc xô - Những chiếc xô, Lá thư - Những lá thư .

Còn danh từ giống trung có vần đuôi là Е khi sang số nhiều sẽ đổi vần kết thúc thành Я.

МОРЕ – МОРЯ, УПРАЖНЕНИЕ – УПРАЖНЕНИЯ. Biển - Các biển, Bài tập - Các bài tập.

Bây giờ, mời các bạn nghe chuyện kể nhỏ này.

ЭТО МОЙ РОДНОЙ ГОРОД МОСКВА. Я ЛЮБЛЮ ЕГО УЛИЦЫ И ПЛОЩАДИ. ЗДЕСЬ ЗНАМЕНИТЫЕ ТЕАТРЫ И МУЗЕИ, КРАСИВЫЕ ДОМА И ПАРКИ.

Đây là thành phố Matxcơva thân thuộc của tôi. Tôi yêu những đường phố và những quảng trường của nó (trong thành phố). Nơi đây có những nhà hát và các viện bảo tàng lừng danh, có những ngôi nhà và công viên đẹp đẽ.

Chắc các bạn cũng nhận thấy, qua bài hôm nay chúng ta đã có thêm nhiều từ mới bổ sung vào vốn từ tiếng Nga. Đề nghị các bạn chép lại những từ mới này vào vở và học thuộc nghĩa cũng như cách dùng trong số nhiều.
 

DauPhong

Thành viên thường

Mã chèn diễn đàn :
Xin chào các bạn!

ЗДРАВСТВУЙТЕ!

Chúng tôi đã dành hai bài học trước để nói về một trong những vấn đề phức tạp nhất trong ngôn ngữ Nga là cách. Bây giờ các bạn đã làm quen với sự thay đổi danh từ, đại từ và tính từ trong tất cả 6 cách của tiếng Nga. Nhưng đó mới chỉ là danh từ bất động vật giống đực. Còn danh từ giống đực động vật có đặc điểm riêng. Nó khác với biến đổi của danh từ bất động vật cách 4 (đối cách). Xin nhắc lại một chút: danh từ bất động vật trong hình thức đối cách (cách 4) giống với hình thức nguyên cách (cách1).

ЭТОТ МАЛЕНЬКИЙ СТАРЫЙ ГОРОД НАХОДИТСЯ НА РЕКЕ ВОЛГЕ.

Thành phố nhỏ cổ kính này nằm trên sông Volga.

Nhóm từ этот маленький старый город đứng ở cách 1 (nguyên cách).

Я ЛЮБЛЮ ЭТОТ МАЛЕНЬКИЙ СТАРЫЙ ГОРОД.

Tôi yêu thành phố nhỏ cổ kính này.

Trong mệnh đề trên, nhóm từ этот маленький старый город đứng ở cách 4 (đối cách). Như các bạn thấy, phần đuôi (vĩ tố) của từ trong hai cách này hoàn toàn trùng hợp.

Bây giờ ta chuyển sang danh từ động vật. Lấy thí dụ nhóm từ ЭТОТ ИЗВЕСТНЫЙ РУССКИЙ ПОЭТ.

Cách 1 (nguyên cách) sẽ là:

ЭТОТ ИЗВЕСТНЫЙ РУССКИЙ ПОЭТ ЖИВЕТ В МОСКВЕ. Nhà thơ Nga nổi tiếng này sống ở Matxcơva.

Các bạn hãy theo dõi sự biến đổi của nhóm từ theo các cách:

Cách 2 (sinh cách):

У ЭТОГО ИЗВЕСТНОГО РУССКОГО ПОЭТА КРАСИВЫЙ ДОМ. Nhà thơ Nga nổi tiếng này có ngôi nhà đẹp.

Cách 3 (tặng cách):

ЧИТАТЕЛИ ЧАСТО ПИШУТ ПИСЬМА ЭТОМУ ИЗВЕСТНОМУ РУССКОМУ ПОЭТУ. Các độc giả thường viết thư cho nhà thơ Nga nổi tiếng này.

Cách 4 (đối cách):

МОЛОДЕЖЬ ЛЮБИТ ЭТОГО ИЗВЕСТНОГО РУССКОГО ПОЭТА. Giới trẻ yêu mến nhà thơ Nga nổi tiếng này.

Xin các bạn lưu ý: phần đuôi của từ trong cách 4 (đối cách) trùng hợp với đuôi của từ trong cách 2 (sinh cách). Đây là sự khác biệt của danh từ bất động vật và danh từ động vật trong tiếng Nga. .

Tiếp theo là cách 5 (tạo cách):

С ЭТИМ ИЗВЕСТНЫМ РУССКИМ ПОЭТОМ ДРУЖАТ КОСМОНАВТЫ. Các nhà du hành vũ trụ kết thân với nhà thơ Nga nổi tiếng này.

Và cách cuối cùng là cách 6 (giới cách):

ОБ ЭТОМ ИЗВЕСТНОМ РУССКОМ ПОЭТЕ ВЫ МОЖЕТЕ ПРОЧИТАТЬ В ЭНЦИКЛОПЕДИИ. Các bạn có thể đọc về nhà thơ Nga nổi tiếng này trong bách khoa toàn thư.

Như vậy, hôm nay chúng ta đã làm quen với 6 cách của tiếng Nga đối với danh từ đại từ và tính từ động vật, giống đực, số ít. Để so sánh với biến đổi của danh từ bất động vật, mời các bạn tham khảo bảng tóm tắt sau đây:

BẢNG BIẾN ĐỔI THEO CÁCH

Cách 1: Этот известный русский поэт

Cách 2 : Этого известного русского поэта

Cách 3 : Этому известному русскому поэту

Cách 4 : Этого известного русского поэта

Cách 5: Этим известным русским поэтом

Cách 6: Об этом известном русском поэте
 

DauPhong

Thành viên thường


Mã chèn diễn đàn :
Xin chào các bạn!

ЗДРАВСТВУЙТЕ!

Hôm nay mời các bạn cùng chúng tôi thử dùng những kiến thức mà ta đã biết qua những bài học trước, trong những câu chuyện và đoạn đối thoại. Tình huống thí dụ đầu tiên, là nói như thế nào để giới thiệu gia đình của bạn.

ДАВАЙТЕ ПОЗНАКОМИМСЯ. МЕНЯ ЗОВУТ АНТОН. Я СТУДЕНТ. У МЕНЯ БОЛЬШАЯ СЕМЬЯ. МОЙ ОТЕЦ ВИКТОР ПЕТРОВИЧ - ВРАЧ. МОЯ МАМА ЛЮДМИЛА ИВАНОВНА – УЧИТЕЛЬ. МОИ СЕСТРЫ ТАНЯ И НИНА – ТОЖЕ СТУДЕНТКИ. МЫ ЖИВЕМ В МОСКВЕ. МОСКВА – ОЧЕНЬ КРАСИВЫЙ ГОРОД. НАШИ ЛЮБИМЫЕ МЕСТА В МОСКВЕ – ВОРОБЬЕВЫ ГОРЫ И ПАРК СОКОЛЬНИКИ.

Nào, chúng ta làm quen nhé. Tôi tên là Anton. Tôi là sinh viên. Tôi có một gia đình lớn. Cha tôi là Viktor Petrovich, làm bác sĩ. Mẹ tôi là Liudmila Ivanovna, mẹ là giáo viên. Các chị em gái của tôi, Tania và Nina, cũng là sinh viên. Chúng tôi sống ở Matxcơva. Matxcơva là thành phố rất đẹp. Địa điểm ưa thích của chúng tôi ở Matxcơva là Đồi chim sẻ và Công viên Sokolniki.

Các bạn hãy lập ra câu chuyện ngắn về gia đình mình, dùng những từ chỉ nghề nghiệp như:

ЮРИСТ - nhà luật học, luật gia, ЭКОНОМИСТ - nhà kinh tế học, БИЗНЕСМЕН – thương gia, doanh nhân, ИНЖЕНЕР – kỹ sư, ЖУРНАЛИСТ – nhà báo, ДОМОХОЗЯЙКА – người nội trợ.

Còn bây giờ xin cung cấp cho các bạn vài mẫu đối thoại hữu ích nên ghi nhớ. Những mẫu đơn giản này sẽ giúp bạn giao tiếp trong các tình huống cụ thể. Thí dụ, một cuộc gọi điện thoại.

ЗДРАВСТВУЙТЕ, ПОЗОВИТЕ, ПОЖАЛУЙСТА, К ТЕЛЕФОНУ АННУ.- ОДНУ МИНУТУ. - АННА, ПРИВЕТ, ЭТО АНТОН. КАК ТВОИ ДЕЛА?- НОРМАЛЬНО. А ТВОИ?- ТОЖЕ НОРМАЛЬНО. ТЫ ЗНАЕШЬ, КОГДА У НАС ЛЕКЦИЯ ПО МАТЕМАТИКЕ? - ЗАВТРА ДНЕМ. - А ЭКСКУРСИЯ? - ТОЖЕ ЗАВТРА, НО ВЕЧЕРОМ. - СПАСИБО.

Xin chào, làm ơn gọi giùm Anna đến nghe điện thoại. – Chờ một phút nhé. – Anna, chào bạn, Anton đây. Công việc của bạn ra sao? – Vẫn bình thường. Thế cậu thì sao? – Cũng ổn. Bạn biết khi nào ta có giờ Tóan không? - Trưa mai đấy. – Thế còn chuyến tham quan? – Cũng vào ngày mai, nhưng là buổi chiều. – Cảm ơn bạn nhé.

Còn đây là mẫu thí dụ giao tiếp ngoài phố.

СКАЖИТЕ, ПОЖАЛУЙСТА, ГДЕ ЗДЕСЬ БАНК? – ВОН ТАМ, СЛЕВА. – А СПРАВА ТЕАТР? – НЕТ, СПРАВА МУЗЕЙ. – СПАСИБО.

Làm ơn chỉ giùm, nhà băng đây ở chỗ nào? – Đàng kia kìa, bên trái. – Thế còn bên phải là nhà hát phải không ạ? – Không, bên phải là Viện bảo tàng. – Vâng, xin cảm ơn.

Các bạn hãy đặt ra những đọan đối thoại tương tự, sử dụng các từ sau đây:

ПАРК – công viên, ШКОЛА – trường học, ЗАВОД – xưởng máy, ИНСТИТУТ – trường đại học, Viện nghiên cứu, АПТЕКА – hiệu thuốc.

Còn thêm một phương án hội thoại như sau khi bạn ở ngoài phố.

ЧУНГ, ТЫ ЗНАЕШЬ, ЧТО ЭТО ТАКОЕ? – ДА, ЗНАЮ. ЭТО БОЛЬШОЙ ТЕАТР. – А ТЫ ЗНАЕШЬ, ГДЕ КРАСНАЯ ПЛОЩАДЬ? – НЕТ, НЕ ЗНАЮ. - ОНА ВОН ТАМ.

- Trung ơi, đây là cái gì vậy? – À, tớ biết. Đây là Nhà hát Lớn. – Thế cậu biết Quảng trường Đỏ ở đâu không? – Không, tớ không biết. – Nó ở đàng kia kìa.

Trong những đọan hội thoại như vậy, các bạn có thể sử dụng tên gọi của những danh lam thắng cảnh ở Matxcơva. Thí dụ:

МОСКОВСКИЙ ЦИРК, ТРЕТЬЯКОВСКАЯ ГАЛЕРЕЯ, ПАМЯТНИК ПУШКИНУ, УЛИЦА АРБАТ.

Rạp xiếc Matxcơva, Phòng tranh Tretyakov, Tượng đài Pushkin, Phố Arbat.

Xin chúc các bạn đạt kết quả tốt trong việc thực hiện những bài tập này. Lần tới, chúng ta sẽ thử tình huống đi mua hàng. Vốn tiếng Nga cơ bản sẽ giúp các bạn trong công việc không thể thiếu cho sinh họat thường nhật này
 

DauPhong

Thành viên thường


Xin chào các bạn!

Mã chèn diễn đàn :
ЗДРАВСТВУЙТЕ!

Hôm nay chúng tôi mời các bạn lên đường tới cửa hàng để mua sắm. Mà để làm việc này, ta cần mở rộng kiến thức tiếng Nga về số lượng. Xin nhắc là trong một bài học, chúng ta đã biết các số đếm từ 1 đến 10.

ОДИН, ДВА, ТРИ, ЧЕТЫРЕ, ПЯТЬ, ШЕСТЬ, СЕМЬ, ВОСЕМЬ, ДЕВЯТЬ, ДЕСЯТЬ.

Khi chỉ số lượng của chục thứ hai, cấu tạo từ như sau: nửa đầu vẫn là những từ gốc nói trên, nửa sau nối thêm phần –НАДЦАТЬ.

ОДИННАДЦАТЬ-11, ДВЕНАДЦАТЬ-12, ТРИНАДЦАТЬ-13, ЧЕТЫРНАДЦАТЬ-14, ПЯТНАДЦАТЬ-15, ШЕСТНАДЦАТЬ-16, СЕМНАДЦАТЬ-17, ВОСЕМНАДЦАТЬ-18, ДЕВЯТНАДЦАТЬ-19.

Số tròn hàng chục thì như sau:

ДВАДЦАТЬ-20, ТРИДЦАТЬ-30, СОРОК-40, ПЯТЬДЕСЯТ-50, ШЕСТЬДЕСЯТ-60, СЕМЬДЕСЯТ-70, ВОСЕМЬДЕСЯТ-80, ДЕВЯНОСТА-90, СТО-100.

Với con số không chẵn chục, trước hết cần gọi ra số hàng chục, rồi thêm hàng đơn vị. Thí dụ:

ДВАДЦАТЬ ОДИН-21, СОРОК ДВА-42, ТРИДЦАТЬ ЧЕТЫРЕ-34, ПЯТЬДЕСЯТ ШЕСТЬ-56, СЕМЬДЕСЯТ ВОСЕМЬ-78, ДЕВЯНОСТО ТРИ-93

Bây giờ chúng ta vào cửa hàng.

СКОЛЬКО СТОИТ БЕЛЫЙ ХЛЕБ? – ВОСЕМНАДЦАТЬ РУБЛЕЙ.

Bánh mì trắng giá bao nhiêu thế? – 18 rúp.

КАКАЯ ЭТО РЫБА? – ЭТО ТРЕСКА. – СКОЛЬКО СТОИТ КИЛОГРАММ? – ПЯТЬДЕСЯТ ШЕСТЬ РУБЛЕЙ.

Đây là cá gì vậy? – Đó là cá tuyết. – Giá một kí lô là bao nhiêu (Bao nhiêu tiền một cân)? – 56 rúp.

У ВАС ЕСТЬ ШОКОЛАДНОЕ МОРОЖЕНОЕ? – ЕСТЬ. – СКОЛЬКО ОНО СТОИТ? – ДВАДЦАТЬ ПЯТЬ РУБЛЕЙ.

Bà (chị) có kem sô-cô-la không? – Có. – Giá bao nhiêu vậy? – 25 rúp.

Bây giờ có thêm tình huống là bạn muốn mua vở và bút. Ta tới cửa hàng văn phòng phẩm.

У ВАС ЕСТЬ ТЕТРАДИ ПО 48 СТРАНИЦ? – ДА. -СКОЛЬКО ОНИ СТОЯТ? – ОДНА ТЕТРАДЬ СТОИТ ДВАДЦАТЬ ПЯТЬ РУБЛЕЙ. – ДАЙТЕ МНЕ ПЯТЬ ТЕТРАДЕЙ.

Ở đây có loại vở 48 trang không ạ? – Có. – Giá bao nhiêu vậy? – Một cuốn vở giá 25 rúp. – Cho tôi 5 cuốn.

ПОКАЖИТЕ, ПОЖАЛУЙСТА, НЕДОРОГИЕ ЧЕРНЫЕ И СИНИЕ РУЧКИ. - ВОТ ОНИ. – МНЕ НРАВИТСЯ ТА И ЭТА. СКОЛЬКО ОНИ СТОЯТ? – ЧЕРНАЯ РУЧКА СТОИТ ДЕСЯТЬ РУБЛЕЙ, СИНЯЯ РУЧКА – ЧЕТЫРНАДЦАТЬ РУБЛЕЙ. – ДАЙТЕ МНЕ ДВЕ ЧЕРНЫЕ И ОДНУ СИНЮЮ. – СКОЛЬКО С МЕНЯ ВСЕГО? – С ВАС – СТО ПЯТЬДЕСЯТ ДЕВЯТЬ РУБЛЕЙ.

Làm ơn cho xem những cái bút đen và xanh loại không đắt tiền. – Đây này.– Tôi thích cái (bút) này, cái này nữa. Giá bao nhiêu thế? – Bút đen giá 10 rúp, bút xanh 14 rúp. – Cho tôi 2 bút đen và 1 bút xanh. Tôi cần trả tất cả là bao nhiêu? – Anh (chị) cần trả 159 rúp.

Các bạn hãy tập luyện đặt câu với mẫu МНЕ НРАВИТСЯ… СКОЛЬКО ЭТО СТОИТ?

Thí dụ: МНЕ НРАВИТСЯ ЭТОТ СИНИЙ ЗОНТ. СКОЛЬКО ОН СТОИТ?

Tôi thích cái ô màu xanh này. Giá bao nhiêu vậy?

МНЕ НРАВЯТСЯ ЭТИ ЯБЛОКИ. СКОЛЬКО СТОИТ КИЛОГРАММ?

Tôi thích những trái táo này. Giá một kí lô là bao nhiêu? (Bao nhiêu tiền một cân?).

Sang bài sau, chúng ta sẽ tiếp tục học cách dùng từ chỉ số lượng trong tiếng Nga, tức là, ta sẽ tiếp tục cùng nhau đi cửa hàng.

Chúc các bạn ôn tập tốt các từ số lượng và cách dùng, để áp dụng thành thạo khi đi mua sắm
 

Anh Anh

Thành viên thân thiết
Наш Друг
Đây là chương trình dạy tiếng Nga khá hay và dễ hiểu cho người mới bắt đầu học tiếng Nga. Hi vọng bạn @DauPhong tiếp tục cập nhật và đăng bài nhé . Thân! :1.jpg::1.jpg::1.jpg:
 

DauPhong

Thành viên thường
Các bạn thân mến, xin chào các bạn!

ЗДРАВСТВУЙТЕ!

Trong các bài trước chúng ta đã biết về các vần và âm thanh của tiếng Nga, khám phá một số bí quyết phát âm tiếng Nga. Bài học hôm nay dành nói về ngữ điệu trong câu. Hiển nhiên trong các bài trước các bạn cũng đã gặp những dạng thức ngữ điệu khác nhau, nhưng hôm nay chúng ta sẽ nói chi tiết hơn.

АНТОН ДОМА – Anton ở nhà.

Đây là mệnh đề thông báo. Khi nói lên ta cần xuống giọng ở cuối câu.

АНТОН ДОМА? Anton ở nhà à? (Anton có nhà không?)

Đây là mệnh đề nghi vấn. Kiểu câu hỏi đơn giản và phổ biến này có thể trả lời bằng từ khẳng định hoặc từ phủ định. Cần dùng ngữ điệu cao lên vào cuối câu. Xin lưu ý, để tạo thành câu hỏi ta không cần thêm bất kỳ lời nào, mà chỉ thay đổi ngữ điệu.

ГДЕ СЕЙЧАС АНТОН? ЧТО ОН ДЕЛАЕТ? Anton bây giờ ở đâu? Cậu ấy đang làm gì?

Đây là câu hỏi với từ để hỏi что? где? Khi nói, khi đọc, ta cần nhấn giọng ở những từ này và xuống giọng ở cuối câu.

СКАЖИТЕ, ПОЖАЛУЙСТА, ГДЕ БАНК? – БАНК ДАЛЬШЕ ПО УЛИЦЕ СПРАВА. Làm ơn hãy nói (Làm ơn nói cho biết) nhà băng ở đâu? – Nhà băng đi tiếp theo phố, bên phải – А КНИЖНЫЙ МАГАЗИН? – КНИЖНЫЙ МАГАЗИН НАПРОТИВ БАНКА. Còn hiệu sách (ở đâu)? – Hiệu sách ở đối diện nhà băng.

Các bạn chú ý, trong câu А КНИЖНЫЙ МАГАЗИН? ta lên giọng ở cuối câu như là trong câu hỏi chung thường thấy. Thế nhưng về ngữ pháp thì đây lại không phải là câu hỏi chung, bởi vì không thể trả lời ngắn gọn xác nhận hay phủ nhận ДА hay НЕТ, mà cần phải đưa ra lời giải thích cụ thể. Các bạn hãy nhớ: câu hỏi này là tiếp nối của câu hỏi khác với từ để hỏi và bắt đầu với từ A.

Bây giờ mời các bạn nghe đoạn hội thoại ngắn, lưu ý đến ngữ điệu của câu trần thuật và câu hỏi.

АЛЛО, ЗДРАВСТВУЙТЕ! СКАЖИТЕ, АНТОН ДОМА? Alo, Xin chào! Làm ơn cho hỏi Anton có nhà không ạ? – АНТОН ДОМА. Anton đang ở nhà. – ПОЗОВИТЕ ЕГО, ПОЖАЛУЙСТА. Làm ơn gọi hộ anh ấy ạ – СЕЙЧАС, МИНУТУ. Được, (gọi) ngay đây, (chờ) một phút nhé. - АНТОН, ПРИВЕТ! ЭТО ТУАН. Anton, chào cậu! Tuấn đây. – ПРИВЕТ, ТУАН! КАК ДЕЛА? –Chào Tuấn! Công việc thế nào? – НОРМАЛЬНО. Bình thường.

ТЫ ЗНАЕШЬ, КОГДА У НАС ЭКЗАМЕН ПО ИСТОРИИ? Cậu biết khi nào ta có môn thi Sử không? – ЭКЗАМЕН ПО ИСТОРИИ В СРЕДУ. ТЫ ГОТОВ? Thi Sử vào thứ Tư. Cậu sẵn sàng rồi chứ? – ПОКА НЕТ. Vẫn chưa (sẵn sàng). – СКОЛЬКО ВОПРОСОВ ВЫУЧИЛ? Cậu học thuộc bao nhiêu câu hỏi rồi? – ПОЛОВИНУ. Được một nửa.

СКОЛЬКО СТОИТ ЭТА РУБАШКА? – ШЕСТЬСОТ РУБЛЕЙ. Cái áo sơ mi này giá bao nhiêu? – Sáu trăm rúp. – А ЭТА ФУТБОЛКА? – ЧЕТЫРЕСТА РУБЛЕЙ.– Còn cái áo thun này (giá bao nhiêu)? – Bốn trăm rúp.

Thêm một đoạn đối thoại nữa, mời các bạn theo dõi ngữ điệu.

АНТОН, У ТЕБЯ НОВЫЙ ТЕЛЕФОН? Anton, cậu có điện thoại mới à?– ДА, НОВЫЙ. Ừ, mới. – КОГДА ТЫ ЕГО КУПИЛ? Cậu mua bao giờ thế? – МНЕ ЕГО ПОДАРИЛИ РОДИТЕЛИ НА ДЕНЬ РОЖДЕНИЯ. Bố mẹ tặng mình nhân ngày sinh nhật đấy.– У ТЕБЯ НЕДАВНО БЫЛ ДЕНЬ РОЖДЕНИЯ? Vậy cậu mới (kỷ niệm) sinh nhật à? – ДА, ПОЗАВЧЕРА. Đúng, hôm kia. – ПРОСТИ, Я НЕ ЗНАЛ. ПОЗДРАВЛЯЮ ТЕБЯ ОТ ВСЕЙ ДУШИ! Xin lỗi nhé, tớ không biết. Xin chúc mừng cậu với tất cả tấm lòng!

Câu cuối là mệnh đề cảm thán. Cần xuống giọng ở cuối câu, giống như trong câu tường thuật.

КАКАЯ КРАСИВАЯ ПЛОЩАДЬ! ЭТО КРАСНАЯ ПЛОЩАДЬ? Quàng trường đẹp làm sao! Đây là Quảng trường Đỏ à? – НЕТ, ЭТО МАНЕЖНАЯ ПЛОЩАДЬ. КРАСНАЯ ПЛОЩАДЬ ВОН ТАМ, ГДЕ СОБОР ВАСИЛИЯ БЛАЖЕННОГО И МАВЗОЛЕЙ ЛЕНИНА.Không, đây là quảng trường Manezhnaya. Quảng trường Đỏ ở đằng kia kìa, chỗ có nhà thờ Vasily Blazhennyi và Lăng Lenin.

ТУАН, ТЫ УЖЕ ПРИВЫК К РУССКОЙ КУХНЕ? Tuấn này, cậu đã quen với món ăn Nga chưa? – ДА, ПРИВЫК. Vâng, quen rồi. – КАКИЕ БЛЮДА ТЕБЕ НРАВЯТСЯ БОЛЬШЕ ВСЕГО? Cậu thích món nào hơn cả? – МНЕ НРАВЯТСЯ БОРЩ И СОЛЯНКА. Tớ thích món súp của cải đỏ và canh chua – А ОКРОШКА? Thế món súp lạnh hỗn hợp? – НЕТ, ОКРОШКУ Я НЕ ЛЮБЛЮ. ЕЩЕ Я ЛЮБЛЮ БЛИНЫ, ПЕЛЬМЕНИ И КОТЛЕТЫ. Không, món súp lạnh hỗn hợp ấy tớ không thích. Tớ còn thích món bánh xèo, vằn thắn và thịt băm viên nữa.

АНТОН, ПРИВЕТ, ЭТО НИНА. Anton, chào cậu, tớ là Nina đây.– ПРИВЕТ, НИНА. Chào Nina – ПОЧЕМУ ТЫ НЕ БЫЛ СЕГОДНЯ В ИНСТИТУТЕ? Sao hôm nay cậu không ở trường đại học? – Я ЗАБОЛЕЛ, У МЕНЯ ВЫСОКАЯ ТЕМПЕРАТУРА И ОЧЕНЬ БОЛИТ ГОРЛО. Tớ bị ốm, sốt cao và họng rất đau. ВРАЧА ВЫЗЫВАЛ? Đã gọi bác sĩ chưa? – НЕТ ЕЩЕ. Còn chưa gọi – ОБЯЗАТЕЛЬНО ВЫЗОВИ ВРАЧА! У ТЕБЯ МОЖЕТ БЫТЬ АНГИНА. Nhất định phải gọi bác sĩ (đến khám) nhé! Có thể cậu bị viêm họng đấy!

ФЫОНГ, КАК Я РАДА ТЕБЯ ВИДЕТЬ! ЧТО ТЫ ДЕЛАЕШЬ В МОСКВЕ? Phương ơi, gặp bạn tôi mừng quá ! Bạn làm gì ở Matxcơva thế? – Я УЧУСЬ В МОСКОВСКОМ УНИВЕРСИТЕТЕ НА ХИМИЧЕСКОМ ФАКУЛЬТЕТЕ. Tôi học ở Đại học Tổng hợp Matxcơva, khoa Hóa.

КОГДА ТЫ ПРИЕХАЛА? Bạn đến (Nga) bao giờ vậy? – Я ПРИЕХАЛА ПОЛГОДА НАЗАД. Tôi đến nửa năm trước – ТЫ ЖИВЕШЬ В ОБЩЕЖИТИИ? Bạn sống trong ký túc xá à? – ДА, ВМЕСТЕ СО СТУДЕНТКАМИ ИЗ СЕРБИИ И ИНДИИ. Vâng, cùng với các bạn nữ sinh viên từ Serbia và Ấn Độ. – ДАВАЙ В ВОСКРЕСЕНЬЕ ПОЙДЕМ В ПАРК! Này, Chủ nhật ta cùng đi công viên chơi nhé! – ДОГОВОРИЛИСЬ! Nhất trí!

Đề nghị các bạn tự ôn luyện bằng cách đặt ra những đoạn trò chuyện tương tự với những dạng ngữ điệu khác nhau và từ để hỏi khác nhau. Vẫn như mọi khi, các bạn có thể tham khảo chuyên mục Học tiếng Nga trên trang điện tử của đài chúng tôi.

Chúc các bạn thành công. Xin tạm biệt và hẹn đến cuộc gặp mới.

ДО СВИДАНЬЯ!
Nguon: ruvr.ru
 

vinhtq

Quản lý chung
Помощник

Фото: РИА Новости

Các bạn thân mến, xin chào các bạn!

ЗДРАВСТВУЙТЕ!

Trong năm bài học trước, theo yêu cầu của một số bạn thính giả và độc giả truy cập trang điện tử, chúng tôi đã giới thiệu những bí quyết phát âm tiếng Nga, giúp các bạn làm quen với cách đọc các vần Nga và những dạng ngữ điệu. Rất hy vọng là điều đó hỗ trợ thiết thực cho tất cả những ai muốn nắm vững tiếng Nga – thứ ngôn ngữ đẹp đẽ và phong phú.

Còn bây giờ chúng tôi tiếp tục giới thiệu ngữ pháp tiếng Nga và chúng ta sẽ nói về một dạng của động từ như trạng động từ (động phó từ). Trước đây trong một số bài chúng ta đã làm quen với tính động từ. Xin nhắc lại, tính động từ là một dạng của động từ biểu đạt của sự vật theo hành động và có dấu hiệu đặc trưng kết hợp của cả động từ lẫn tính từ.

Giống như động từ, tính động từ có thể và thì phù hợp. Lại cũng giống như tính từ, tính động từ cần biến đổi theo giống, số, cách và đi kèm với từ liên quan nhất định.

Trạng động từ là dạng của động từ biểu thị bổ sung cho hành động và có dấu hiệu đặc trưng cả như động từ cả như trạng từ.

Giống như động tự, trạng động từ có thể. Trang động từ không hoàn thành thể trả lời cho câu hỏi что делая? còn trạng động từ hoàn thành thể trả lời cho câuhỏi что сделав?

УБЕГАЯ ОТ СОБАКИ, КОТ ОПРОКИНУЛ ВЕДРО. Chạy trốn con chó, con mèo làm đổ (lật) cái xô.

Ở đây có hai hành động xảy ra đồng thời. Trạng động từ không hoàn thành thể dạng УБЕГАЯ trả lời cho câu hỏi что делая?

СЪЕВ БАНАН, АНТОН ВЫБРОСИЛ КОЖУРУ В УРНУ. Ăn xong quả chuối, Anton ném vỏ vào thùng rác.

Trong ngữ cảnh này, hành động nối tiếp hành động. Thoạt đầu Anton ăn chuối, sau đó ném vỏ chuối vào thùng rác. Trạng động từ hoàn thành thể dạng СЪЕВ trả lời cho câu hỏi что сделав?

Giống như động từ, trạng động từ có thể là phản thân và bất phản thân. Thí dụ, trạng động từ ОДЕВАЯ là bất phản thân, còn ОДЕВАЯСЬ là phản thân.

ОДЕВАЯ КУКЛУ, ДЕВОЧКА РАЗГОВАРИВАЛА С НЕЙ. Vừa thay quần áo cho búp bê, cô bé (vừa) nói chuyện với nó (với con búp bê).

ОДЕВАЯСЬ УТРОМ НА РАБОТУ, Я ЗАМЕТИЛА НА ЮБКЕ ПЯТНО КРАСКИ – Lúc sáng mặc quần áo đi làm, tôi nhận thấy có vệt sơn trên váy.

Giống như trạng từ, trạng động từ là không biến đổi. Nó không có dấu hiệu ngữ pháp về thì, ngôi, số, giống, không biến đổi theo cách. Giống như trạng từ, trong câu trạng động từ phụ thuộc vào động từ và tình huống ngữ cảnh.

Trạng động từ được cấu tạo như thế nào?

Trạng động từ không hoàn thành thể cấu tạo từ phần cơ bản của động từ không hoàn thành thể thì hiện tại với hỗ trợ của hậu tố-tiếp vĩ ngữ –а và –я.

ЧИТАТЬ – ЧИТА – ЧИТАЯ.

ЧИТАЯ КНИГУ, ДЕВУШКА РИСОВАЛА НА ПОЛЯХ ЗВЕЗДЫ И ЦВЕТЫ. Khi đọc sách, cô gái vẽ bên lề sách những ngôi sao và bông hoa.

Trạng động từ hoàn thành thể cấu tạo từ phần cơ bản của động từ hoàn thành thể thì quá khứ với sự hỗ trợ của hậu tố-tiếp vĩ ngữ –В, nếu phần cơ bản của động từ kết thúc bằng nguyên âm, và sự hỗ trợ của hậu tố-tiếp vĩ ngữ –ШИ, nếu phần cơ bản của động từ kết thúc bằng phụ âm.

СДЕЛАТЬ – СДЕЛА – СДЕЛАВ. ПРИНЕСТИ-ПРИНЕС-ПРИНЕСШИ.

СДЕЛАВ УРОКИ, МИША ПОШЕЛ ГУЛЯТЬ. Làm xong bài, Misha đi dạo chơi.

Trạng động từ hoàn thành thể từ động từ phản thân được cấu tạo với sự hỗ trợ của hậu tố-tiếp vĩ ngữ - ВШИ.

УМЫТЬСЯ-УМЫ-УМЫВШИСЬ,

ПОБРИТЬСЯ-ПОБРИ-ПОБРИВШИСЬ.

УМЫВШИСЬ И ПОБРИВШИСЬ, СЕРГЕЙ СЕЛ ЗАВТРАКАТЬ. Rửa mặt và cạo râu xong, Sergei ăn điểm tâm.

Từ động từ БЫТЬ chúng ta sẽ có trạng động từ БУДУЧИ.

Nhưng không phải từ tất cả các động từ đều cấu tạo được trạng động từ. Thí dụ, trạng động từ không tạo từ động từ với phần cơ bản thì hiện tại gồm một trong những phụ âm sau:

ШЬЮТ – (họ) may, ПЬЮТ – (họ) uống, ЛЬЮТ – (họ) đổ nước, ЖМУТ – (họ) siết, ТКУТ – (họ) dệt.

Hoặc từ động từ có phần cơ bản kết thúc bằng – Г và - К.

БЕГУТ – chạy, ТЕКУТ – chảy.

Cũng không cấu tạo trạng động từ từ những động từ mà phần cơ bản thì hiện tại kết thúc bằng các vần âm gió như Ж, Ш, Щ:

МАЖУТ – (họ) xoa, phết, ЛИЖУТ – (họ) liếm, ПИШУТ – (họ) viết), ХЛЕЩУТ – (họ) tát, quất, ПАШУТ – (họ) cày.

Không cấu tạo trạng động từ nếu gặp những động từ có kết thúc bằng –НУТЬ và - ЧЬ:

ТКНУТЬ – chọc, thọc, ТОЛКНУТЬ – đẩy, КРИКНУТЬ - kêu, КИВНУТЬ – gật đầu, ПРЫГНУТЬ –nhảy, ВЯНУТЬ – héo rũ, ПЕЧЬ – nướng, ТЕЧЬ – chảy.

Trong tiếng Nga cũng không dùng trạng động từ nếu gặp các động từ sau:

ЛЕЗТЬ – leo, ЕХАТЬ – đi (bằng xe), ХОТЕТЬ – muốn, ДРАТЬ – xé rách, ЗВАТЬ – gọi, ПЕТЬ - hát, ГНИТЬ – thối rữa.

Trạng động từ với từ phụ thuộc gọi là trạng động từ thụ động. Cũng như tính động từ, trạng động từ thụ động phân biệt bằng dấu phẩy.

УБИРАЯ В СВОЕЙ КОМНАТЕ, МАЛЬЧИК НАШЕЛ МНОГО ПРОПАВШИХ ВЕЩЕЙ. Khi dọn dẹp phòng của mình, cậu bé tìm thấy nhiều đồ vật đã bị mất.

УБИРАЯ В СВОЕЙ КОМНАТЕ là trạng động từ thụ động.

Khi dùng trạng động từ, ta cần rất chú ý. Trạng động từ cần biểu đạt hành động phụ được chủ thể thực hiện cũng như hành động cơ bản. Nếu vi phạm qui tắc này sẽ phát sinh lỗi khá ngộ nghĩnh. Một trong những lỗi như vậy đã được đại văn hào Nga Anton Chekhov nêu ra trong chuyện kể hài hước.

ПОДЪЕЗЖАЯ К СТАНЦИИ, У МЕНЯ СЛЕТЕЛА ШЛЯПА. Đến gần ga, mũ của tôi bay mất.

Động từ chính СЛЕТЕЛА gắn với chiếc mũ. Trạng động từ ПОДЪЕЗЖАЯ thì lại gắn với người kể chuyện. Những hành động của các chủ thể (người và mũ) không tương đồng, sinh ra hiệu ứng khôi hài. Trong trường hợp này, đúng ra không sử dụng trạng động từ mà phải dùng câu phụ với từ - КОГДА.

КОГДА Я ПОДЪЕЗЖАЛ К СТАНЦИИ, У МЕНЯ СЛЕТЕЛА ШЛЯПА. Khi tôi đến gần ga thì mũ của tôi bay mất.

Xin mời các bạn nghe thêm một số thí dụ dùng trạng động từ và trạng động từ thụ động.

УХОДЯ ИЗ ДОМА, НЕ ЗАБУДЬТЕ ВЫКЛЮЧИТЬ ЭЛЕКТРОПРИБОРЫ! Ra khỏi nhà, đừng quên tắt đồ điện!

СДАВ ПОСЛЕДНИЙ ЭКЗАМЕН, СТУДЕНТЫ ОТПРАВИЛИСЬ ПРАЗДНОВАТЬ В КАФЕ. Trả thi xong, các sinh viên đến ăn mừng ở tiệm cà phê.

ГЛЯДЯ ЛЕТОМ В НОЧНОЕ НЕБО, ВЫ МОЖЕТЕ УВИДЕТЬ ПАДАЮЩИЕ ЗВЕЗДЫ. Nhìn lên bầu trời đêm hè, các bạn có thể thấy những ngôi sao băng.

ПУТЕШЕСТВЕННИКИ, ОТДОХНУВ, СНОВА ОТПРАВИЛИСЬ В ПУТЬ. Nghỉ ngơi xong, các lữ hành gia lại lên đường.

Các bạn thân mến, khi ôn luyện đề tài trạng động từ các bạn có thể tham khảo bài đăng trong mục Học tiếng Nga trên trang điện tử của chúng tôi trong Internet.

Còn bây giờ xin tạm biệt và hẹn tới những cuộc gặp mới trên làn sóng điện của Đài "Sputnik".

ДО СВИДАНЬЯ!
 
Top