Bài viết 12 - Tháng củ mật

ZuZu

Thành viên thường
Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 12:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Nguyễn Trọng Du
Năm sinh: 1992
Nơi sống và học tập: Thành phố Volgograd – LB Nga

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Bình minh lại tới. Bải hoải. Không phải là một màu da cam hồng ửng ở đường chân trời nhuộm đỏ lá những hàng cây mà là thứ ánh sáng nhàn nhạt những ngày đầu đông trên đất Nga xa xôi, heo hắt. Khoác chiếc áo xuống đường xanh hai hàng những ngọn thông vội vàng đón Tết, cái rét thấm tê người. Từ Ký túc xá lên ga trung tâm cũng không xa lắm, chừng 15 phút đi xe. Ở đó vào dịp này hàng năm đều tổ chức bắn pháo hoa và sinh viên lại ríu rít rủ rê hẹn hò nhau lên tập trung vào tối giao thừa. Nhưng năm nay thì chẳng có gì hết, thành phố đang treo tang. Những ngày cuối năm bom nổ đì đùng, khi thì giữa nhà ga trung tâm ngay trước lúc chuyến tàu Matxcova-Volga sắp đến, khi thì trên xe điện, trên xe khách. Nạn nhân là người già, trẻ em, những người nghèo thường xuyên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Cả thành phố hoảng loạn, những khuôn mặt phờ phạc nem nép lo sợ lết đi. Xe bus rồi xe khách trống người. Sự yên ắng đeo đuổi hàng đêm.


Mình thì ít ham vui, hiếm khi lên quảng trường trung tâm ngoài lịch gọi lên khám của bác sĩ. Nhưng cuối năm thế này, cũng muốn ghé qua một nơi trên đường lên đó, chỉ để đứng từ xa trong một góc ngắm một người. Cô gái ấy tên là Kachia. Một cô gái giúp việc trong siêu thị, người Nhật hay người Hoa mình cũng chưa biết nữa, chỉ chạm mặt có vài lần trong thời gian mình học năm dự bị tiếng Nga. Chỉ nhiêu đó cũng đủ kéo mình vượt bão tuyết tới đó mỗi chiều khờ dại, chỉ để ngắm nhìn, chỉ để đợi chờ ngay cả giữa cơn mơ…
Lặng lẽ đêm về lặng lẽ “Man"
Cơn gió buồn reo thoáng lệ tràn
Bàng quan em nỡ làm ai đợi
Yêu thương dang dở, giấc mơ tan…​
Cô gái trên tàu điện cuối ngày ngày đông năm ấy đã ngoái nhìn mình lần cuối, để rồi từ đó chưa một lần gặp lại. Một năm qua, cũng nhòa phai bóng dáng ai đó chập choạng với những khoảng trắng đen như giữa bức tranh tàu, cũng đã khỏa lấp khoảng chống chếnh vô hồn với đầy những tuyết. Vời vợi một người dẫu chẳng cách xa nhau…
Em đi rồi, không một tiếng chia tay
Bỏ góc quen riêng một mình tôi đứng
Còn đâu nữa một chiều ai chết lặng
Đôi mắt cười, em bước nhẹ qua tôi..

Tôi trông chờ, ngóng đợi có vậy thôi
Mong hạnh phúc từng giây em xuất hiện
Nhớ dáng nhỏ, nhớ môi xinh ngày ấy
Thương mỗi chiều trong gió lạnh riêng em
Tôi yêu nhiều, và sẽ mãi yêu em
Em có biết?! sao trốn hoài như vậy??
Cơn mơ khóc, tìm em nhưng chẳng thấy
Đêm tan tành, muôn mảnh vỡ.. Катья…
Em xa rồi, xin em hãy quên tôi
Bận tâm chi một người trên phố lạ
Vẫn đến - đi trong những chiều như thế
Lặng lẽ yêu người trong một góc cô đơn!
Gió quất tóc vào mắt nghe thật rát, đá những lớp tuyết đã đông cứng thành băng nghe lạo xạo. Ở Volga có một loại nắng gọi là nắng kim tan, à quên, nắng kim cương. Nhiệt độ đột ngột rơi xuống nhưng chưa quá lạnh, chỉ đủ để hơi nước trong không khí ngưng tụ lại chút xíu, nhè nhẹ buông trong nắng lấp lánh như bụi kim cương, huy hoàng và lộng lẫy. Còn giữa trời Đông này, lạnh rồi nên chẳng còn nắng kim cương nữa, lạnh xíu, ẩm xíu là có tuyết ngay. Trời đã ngưng tuyết từ giữa tuần, nhưng băng tiêu giờ mới nở bung trên muôn cành run rẩy. Vậy là thành phố vào mùa hoa, hoa tuyết. Trắng cành, trắng nụ, trắng trần gian. Trắng cả trời đông, thoát cảnh phàm…


Mình bước dưới những hàng cây đẹp như trong cổ tích ấy, đưa tay rung nhẹ những nhành cây. Vô vàn băng tiêu rào rào rơi xuống, trong trẻo. Mưa thủy tinh đang cười đấy, khanh khách như tiếng trẻ con. Băng tiêu tan nhẹ trên tóc, trên tay lạnh buốt. Sững sờ một lát, cười mơ hồ một lát, giá mà có con bé ấy ở đây...

Cuối tuần trước, khi cả thành phố hãy còn bình thường, mình có ghé qua chợ phiên dưới chân đồi Mẹ tổ quốc. Mua đồ thì ít mà đi chơi ngắm nghía thì nhiều. Có lần gọi qua, mẹ mình có hỏi ở Nga người ta sống sao, có khá hơn ở Việt Nam không. Mình cũng chả biết nói thế nào, chỉ tả lại cho mẹ những khung cảnh nơi đây mà mình trong thấy. Ở chợ, trong khu nhà có mái che người ta đon đả bầy bán thịt trên bàn, nhưng cũng có những phần xấu xí hơn chỉ được đặt dưới đất trên những miếng giấy caton, và dĩ nhiên những phần đó dành bán cho ai thì ai cũng biết. Ở đâu cũng thế thôi, có người giàu cũng có kẻ nghèo, có người đứng ở đỉnh danh vọng nhưng cũng có người sống dưới đáy rong rêu, xin ăn từng bữa. Mình thích ngắm những đứa trẻ, vì chúng hồn nhiên, ngây thơ và vô tội. Nhưng buồn một nỗi ở đây đến trẻ con cũng khác nhau. Đứa theo mẹ đi chợ thì trắng trẻo sạch sẽ hồng hào, hồ hởi ngóng chờ được mua cho cái này đẹp cái kia ngon. Đứa theo gia đình ra chợ bán hàng thì ngây ngô đứng trước sạp rau củ, thi thoảng thổi phù phù xoa hai ban tay lạnh cóng dính đầy đất từ khoai tây cà rốt lúc bán hàng cho khách, chờ tới cuối phiên, hỏi xin chừng vài chục rúp, tranh thủ lúc bố mẹ dọn hàng mới chạy thật nhanh vô khu có mái che, mua lấy vài lạng kẹo để nhấp nháp cả tuần. Mình thường ghé qua sạp của những chú bé đó, mua nhiều trái cây và cười cảm thông với chúng. Thường cũng chỉ là những trái cây rẻ tiền, sắp hết đát… giống mình, thế thôi, thực ra chỉ cần có thứ nhấm nháp lúc đâm đầu vào học hay buồn quá chả biết làm gì ngoài vận động cơ răng. Sinh viên mà, nhàn rỗi mà, suốt ngày chỉ quanh quẩn từ Ký Túc tới trường, cuối tuần lang thang chợ phiên vài tiếng, với cả bận rộn nữa, độc thân nữa, chả biết dòm ngó đến ai. Thường chiều chiều nghịch ngợm ở sảnh tầng 3 có mỗi em mèo hoang trong KTX chạy qua thấy lạ nghểnh cổ đứng nhìn.
Trước hình như em ấy được phòng nào chăm bẵm, rồi từ ngày có quy định cấm vật nuôi, em mèo tự dưng bị xóa sổ, tháo dây chuông, tống cổ ra khỏi phòng, quẩn quanh ngủ bờ ngủ bụi khắp 5 tầng ký túc. Bộ lông mượt từ ngày kém tắm trở nên xơ xác, bù xù, cái đuôi toe tua lúc nào cũng dựng đứng lên ngoe nguẩy. Ăn thì bữa đực bữa cái, lúc được chào đón ở bếp tầng này, lúc bị xua đuổi ở hành lang tầng kia, nghĩ cũng tội. Đến cả người chơi cùng giờ cũng ít, hay thấy em ấy một mình bò toài nghịch đuổi bắt với mấy cọng rau. Cuộc đời mà, người ta trở mặt nhanh lắm, cứ hoảng hốt thì cả đời chỉ có không ngờ, không ngờ, không ngờ…


Trùng hợp thay, năm mới ở đây thì ở nhà cũng bước vào tháng củ mật – tháng cẩn trọng và kín đáo. Bởi lẽ tháng chạp là tháng cuối năm, nhà nhà bận rộn lo dọn dẹp sắm sửa đón xuân, nhiều kẻ cũng lợi dụng thời điểm này trong năm để đi ăn đêm kiếm tiền tiêu Tết. Mùa Đông năm nào thức khuya cùng bố mẹ lùi khoai giữ bếp sưởi ấm cho đàn lợn mới sinh cũng được nghe kể chuyện ngày trước, khi HTX còn cấm giết mổ lợn, có một nhà trong làng nuôi trộm 1 con, tính đến Tết mổ ra, chia anh em mỗi nhà vài miếng. Trong đêm giao thừa đó, con lợn được làm sạch sẽ, để kín trong buồng, phần thịt để những ngày Tết làm cơm mời khách, còn mọi người hý húi dưới bếp nói chuyện, làm cỗ lòng ăn tạm đón giao thừa. Rồi có tên trộm láu cá lẻn vào, vác nguyên con lợn trốn qua cửa sau. Khi cả gia đình hồ hởi lên nhà chính đón giao thừa, mới thấy công sức mấy tháng cuối năm bốc hơi từ lúc nào không biết, trước thềm năm mới mà chưng hửng đứng nhìn nhau, dở khóc dở cười. Rồi cũng có câu chuyện ngày về xã gần bên, có ông cụ mùng hai Tết uống rượu đón khách, ăn miếng hành cuốn, thấy khó chịu quá liền xin phép lui qua nhà trong nằm, tới giữa ngày con cháu vô thăm thì thấy người ông đã lạnh. Đúng là cuộc sống, chẳng thể đoán biết được điều gì, giữa cái sống chết được mất con người chỉ biết chệnh choạng nhìn nhau, chẳng khóc, không lẽ lại cười…

Những người phụ nữ ở làng quê dường như chưa bao giờ thoát khỏi nỗi ám ảnh về cái đói. Bà ngoại bao giờ cũng chắt chiu, còn mẹ mình bao giờ cũng lo lắng về bữa tới. Nghe mẹ kể có một tháng củ mật năm nào, ngoại mình ngồi ở chợ cóc bán dăm mớ rau muống cuối mùa, từ sáng tới giữa trưa mới bán được đôi mớ, hai trăm đồng. Trời mưa, có đứa bé ăn xin đội tấm áo mưa cũ nát đi qua, đôi mắt tròn to tội nghiệp ngửa tay xin ngoại mình một đồng. Ngoại thương cảm dúi cho hắn một trăm con. Đứa bé ăn xin cúi đầu cảm ơn rồi lết đi tiếp. Con đường mưa lầy lội. Nghĩ thế nào, ngoại với theo nó, móm mém cười nhét vào tay nó thêm năm trăm đồng nữa. Ngoại mình mà, lúc nào cũng thương người như vậy cả…

Nhắc tới ngoại lại nghĩ đến người già ở Volga, những người vui tính, kiên nhẫn và tốt bụng. Từng được một bà lão cho bao nhiêu là táo trong một lần mình đi học về muộn và ngỏ ý muốn xách túi giùm bà. Nhưng đâu phải người già nào cũng hãy còn được ở cùng con cháu để có người chăm nom, có chốn đi về. Ở KTX số 1 hay bên đây cũng vậy, ở đâu cũng có không ít người già sống nhờ thùng rác. Nhẹ nhàng thì giống ông lão dọn vệ sinh sống trong Ký Túc, mùa hè quét dọn khung viên, nhặt từng đầu thuốc túi nilon, mùa đông thì đục băng cào tuyết. Khó khăn hơn thì có những người già ngày nào cũng ghé lại bãi rác, nhặt chai lọ lỉnh kỉnh gì đó, không biết bán được bao nhiêu đồng lẻ. Tội nghiệp nhất có lẽ là những người già không biết nương tựa vào đâu, cũng không biết làm gì để sống. Họ ngày qua ngày, bất kể đông hè đều lui tới thùng rác, kỳ cạch mở bằng được từng túi rác, kiếm những thứ có thể nhai, nuốt và sống được. Họ uống những giọt nước cuối cùng trong hộp, ăn những lát bánh mì mốc cuối cùng trong túi và đôi khi là nhá cả xương… Hình như trong số họ ai cũng có một chiếc bị lớn, trong đó chứa một ít áo quần, đồ ăn dự trữ dành cho nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần và để gối đầu ngủ mỗi đêm. Mình có biết một ông cụ như thế, râu tóc bạc phơ, thay vì cầm bị, hãy để cụ mang chiếc gậy dài và khoác thêm áo choàng trắng, đảm bảo cụ sẽ lại đẹp lão như bước ra từ phim Chúa Nhẫn. Cụ thường ngồi ở ghế giữa hai hàng cây trên đường mình tới trường, nhai những mẩu bánh mì khô cứng nhưng vẫn yêu đời, cười khà khà và thi thoảng bẻ cho lũ chim vây quanh vài mẩu vụn. Những ông bà đó hẳn đã nếm đủ vất vả khó nhọc ở đời, giờ già rồi, chả cần gì nữa, chỉ cần sống qua ngày, vui với đời thêm này nào hay ngày đấy, cực thì cũng cực thật đấy nhưng được cái thanh thản nhẹ nhàng chẳng vướng nợ ai. Sau này mình già cũng chỉ cần có vậy thôi, chẳng cần hình thức gì hết, đỡ phải xin con cháu mỗi tháng 7000 đồng để đi chùa khấn phật. Vô hình tức là hữu hình, không nắm giữ gì nghĩa là có trong tay tất cả, đôi lúc cũng đùa: sau về già sẽ tính tiếp, mình có quen sư cụ ở chùa mà, trước kia hồi hai đứa còn trẻ con, ngoại dẫn chú tiểu ấy về chơi với mình hoài, quan hệ rộng bao giờ cũng tốt :D

Giờ này ở nhà hẳn mẹ cũng đã ủ thóc giống vụ xuân, nếu ở nhà sẽ rục rịch cùng mẹ chuẩn bị ra đồng thu đậu tương, làm bờ, dẫm gốc, căng mạ. Rồi thì cả làng lại rục rịch cấy sớm trước Tết, lại leng keng tiếng xe đạp trong sương mờ mỗi sớm mai, lại liêu xiêu những dáng gầy tay tím tái vì gió bấc thoăn thoắt cấy thẳng tắp từng hàng. Những dáng người ấy có mẹ, có bà, có những cô gái mới lớn theo mẹ ra đồng, và có cả những thiếu nữ làng bên sang đây cấy đợ. Những cô gái ấy thường che khăn kín mặt, chỉ để lộ đôi mắt nhanh nhẹn, ngượng ngùng, cấy môt mạch từ tờ mờ sáng tới giữa trưa, ngại cúi lên cúi xuống nhiều lần, ngại lên bờ nghỉ tay vì sợ bị chủ kêu lười biếng. Mẹ bảo những cô gái ấy là con nhà nông, chịu thương chịu khó, những lúc nhàn tảng không bận học hành thì đan lát, cấy thuê phụ giúp gia đình. Có thể những đôi mắt ấy đã sớm phải lo toan, có thể những đôi tay ấy sớm phải vàng phèn nhưng mái tóc họ vẫn đen dài, búp chân vẫn trắng tròn như hoa lúa. Thì chính mẹ mình cũng từng đi cấy thuê, từng thức dậy leng keng xe đạp đi từ sáng sớm, tới những ngã ba ngã tư chờ chủ tới chọn thợ. Được mướn thì theo chủ về nhà ăn chút cơm sáng rồi đi ủng, nhổ mạ, ra ruộng cấy một mạch tới trưa, nghỉ ăn cơm ngoài đồng một chút rồi lại cắm mặt cấy từ trưa cho tới tối mịt mới về, công thợ 25 ngàn một buổi. Nếu không được mướn thì chị em rủ nhau đi vòng về làng bằng lối khác vì sợ bị người làng cười cợt. Mình vẫn nhớ bao giờ đi cấy thuê về, mẹ cũng mua cho hai anh em một chiếc bánh mì ngọt, khi thì hình con cua, khi thì hình chiếc lá, rồi vừa cời bếp than sưởi ấm vừa kể cho các con nghe chuyện những người đi cấy. Mình biết những người thợ cấy nhà quê bấm bụng chịu đói vì không biết mở nồi cơm điện nhà chủ, mình biết những bác thợ cấy sáng sớm nghe chị em ý ới gọi đi, vội vội vàng vàng mang dép cọc cạch một chiếc của mình, một chiếc của chồng, rồi biết cả chuyện có một nhà nọ mướn thợ cấy, cuối ngày anh chủ gọi cô thợ vào nhà nghỉ ngơi uống chén trà cho ấm, rồi đột ngột dang tay ôm lấy, ngay lúc đó chị vợ chờ sẵn trong buồng sực ra, cùng chồng diễn vở đánh ghen té tát hòng đuổi cô thợ cấy tội nghiệp trắng tay ra về, quỵt vài chục ngàn công sức cả ngày ngoài đồng cóng thân quặt lưng cấy của người ta… Có lẽ trong những cô thợ cấy tội nghiệp ấy có một người từng ghé vào nhà mình tắm nhờ mà cả nhà mình không ai hay biết, một người phụ nữ khá trẻ, ít nói, đôi mắt buồn đưa tay nhận lấy bọc cơm nóng của dì mình gửi đem về cho mấy đứa con. Người ta cũng có tự trọng của người ta, cũng có gia đình của người ta, cũng khao khát một cuộc sống no ấm đủ đầy cho chồng con, nào ai muốn bữa cơm dọn lên chỉ có muối và ớt, chỉ có quả trứng rang mặn cho hai đứa trẻ con. Đức hy sinh là đức cao quý nhất, dù có ở thời nào.

Mình được thừa hưởng tính lo nghĩ về tương lai từ mẹ. Mẹ bảo nỗi sợ đó của mẹ bắt nguồn từ những năm tháng đói kém, suốt ngày chỉ sợ không đủ no, sợ trời mưa ông bà ngoại không đi rừng kiếm được tiền mua gạo. Đi quảy gạch tới ho ra máu, đi rừng bị cướp, bị đánh tím người, đi băm sắn cả ngày è cổ những thúng mấy chục cân mà tối về mâm cơm dọn lên cho đàn con vẫn độn những ngô với khoai, thức ăn rau dưa lèo tèo, bố mẹ ngồi ngoài cùng nhường đám con chẳng dám gắp, thi thoảng có ngày giỗ ngày rằm, cúng cơm có quả trứng luộc thì chia đều thành 7 phần cho bảy đứa. Mẹ mình hồi bé lúc còn đi học cũng đi làm thuê cho người ta hoài, cũng nhổ cỏ vườn chè cho nhà người ta cả tuần mới đuợc trả công bảy ngàn đồng, ở lại ăn cơm trưa nhà người ta thì bảy ngày như một, riệt môt món canh mướp nấu với lạc nhân. Có người hàng xóm qua hỏi chuyện, chủ nhà nói rõ đanh “cho nó ăn thế là đã may, chớ cái mặt nhà nó ở nhà thì cháo cũng không có mà húp…” Thì cuộc sống mà, người ta không sống chỉ để ăn, vả lại cũng chưa đi đến hết cuộc đời, ai mà biết ở nhân gian thế nào là hơn, là kém?!

Tuổi thơ của mình gắn liền cùng những mùa xuân với sườn đê nở đầy hoa dại, với những cây hoa ly ty màu tím bé xíu, với những cọng me nở trắng lối bờ sông. Còn đâu những sáng tinh sương ý ới tiếng mấy chị em rủ nhau đi chạy, tiếng cót két những cô hàng sớm, tiếng tụi trẻ đùa nhau ngã từ lưng trâu xuống triền cỏ hãy ướt sương mai… Xa rồi, xa quá. Ngày ra đi mọi thứ đã vốn xa xôi, ngày tìm về hẳn càng thêm lạ lẫm.

Giờ này ở Hà Nội cái rét đang giữa độ khan, bạn bè rục rịch trả thi tới những môn cuối cùng. Đứa ra trường, đứa còn có nửa năm, và có cô nàng hình như còn hơn năm nữa. Dù sao thì mình hãy còn được nhởn nhơ nhiều hơn các bạn, hãy còn được làm đứa sinh viên năm hai lớ ngớ. Bỏ mũ áo khoác ra và bước xuống đường soi qua tấm gương thấy tóc tai lòa xòa như đám vô gia cư. Có một sự biện bao mình luôn dùng đến: để tới gần với bộ mặt thật của cuộc đời, chúng ta cần phải vượt qua chủ nghĩa hình thức, còn muốn tới gần với mọi người cần phải đi xa hơn, tức là phải thắng được cái tôi. Mà lên tiếng bao biện với cuộc sống làm gì, đời vốn cân bằng lắm, có chênh chao chăng nữa chỉ là ở trong mỗi chúng ta!
Volga lạnh quá, buốt hết cả mặt. Chợt thèm cái rét ngọt của quê nhà, nhớ. Da diết. Nhớ Hà Nội nữa, nhớ xe đạp SVĐ ngày mưa. Áo hồng bao giờ cũng vô tư như thế, vô tư đến đau hết cả lòng. Có lẽ mình cần phải học từ bỏ để tìm thấy bình yên…

Vậy là tháng củ mật rồi, sắp tới Tết rồi, trả thi vài môn nữa là được ở nhà cả ngày ngủ khềnh khàng đón Tết, thèm được ở nhà, dù có dỡ vài dõng sắn đón Tết đi nữa còn vui gấp vạn lần. Một cái Tết ta lạc lõng giữa trời Nga, thì cũng phải thừa nhận rằng xa quê nghĩa là không có Tết.

Thế thôi!
 
Top